Mê Hành Ký

Chương 21: Hạt hạnh đào cứng rắn


Chương trước Chương tiếp

Giang Châu.

Nàng mua một tiểu lâu đầu phố, đặt cho nó một cái tên, gọi là "Bình Lâm quán".

... Bình lâm mạc mạc yên như chức, Hàn sơn nhất đái thương tâm bích. Minh sắc nhập cao lâu, Hữu nhân lâu thượng sầu[1] (Tĩnh mịch rừng cây sương tựa dệt. Dải hàn sơn biêng biếc thương tâm. Chiều tỏa ánh vào lâu cao vợi. Trên lầu còn có kẻ buồn rầu.)

[1] Từ điệu Bồ Tát Man - Bình lâm mạc mạc yên như chức, tương truyền là của Lý Bạch.

Tiểu lâu vốn là một quán trà, làm ăn bình thường. Lão bản là một thương nhân có dã tâm, nhìn trúng một quán cơm đầu tây phố liền lập tức ra tay, giá cả cũng xem như phải chăng.

Lúc nàng đi đã mang theo tất cả tiền tích lũy được, dừng chân ở nơi này hỏi thăm vật giá mới biết của để dành của mình khá dồi dào, đơn giản là có thể xem như một vị phú ông.

Khai trương được ba ngày, việc làm ăn của y quán dần dần khấm khá lên, lúc này nàng mới biết chỗ tốt của việc mọi thứ đều đầy đủ thời còn làm đại phu trong Vân Mộng cốc, cho dù có là tọa đường ở Trúc Gian quán ngoài cốc cũng vẫn cực kỳ thuận tiện. Bốn phía chỗ nào cũng có tiệm thuốc, thuốc viên, thuốc cao, thuốc bột loại gì cũng đủ cả. Nàng chỉ cần kê đơn là có thể tới đâu đó bốc được thuốc. Giang Châu tuy cũng là một thành trấn không nhỏ nhưng chẳng biết do đâu lại không có được một tiệm thuốc nào như thế. Một đơn thuốc kê ra, được một lúc bệnh nhân quay lại bảo vị thuốc trong đơn không đủ, không thiếu nhung hươu thì thiếu đỗ trọng, nhân sâm cũng không đạt yêu cầu. Chẳng biết phải làm sao nàng đành tự mở quầy thuốc. Ngày hôm sau thuê người mua về một chiếc bàn lớn dùng để phối thuốc. Còn như những thứ mà dược đường nào cũng phải có đủ như cối xay đá, nghiên sắt, bát nghiền thuốc, cối gỗ, chổi lá, băng sạch, nồi đồng, quạt lửa, bàn cân, tủ thuốc, dao thuốc, hồ lô, bình lọ, sàng to sàng nhỏ thì cũng phải lùng tìm năm sáu ngày mới gom đủ. Lại thuê thêm người chạy bốn phía tìm mua về những vị thuốc còn thiếu phòng khi có chuyện. Thật đúng là rối tinh rối mù, luống cuống chân tay, may mà trong tay dư dả, trước khi khai trương một ngày đã thuê được hai đứa giúp việc ở tiệm thuốc phố đối diện, giúp đỡ nàng mở tiệm với căng trướng.

Đứa bé gái nhặt ở đầu phố về dạo trước nay đã sáu tuổi, khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu, cả ngày cứ quấn quít sau váy nàng gọi "mẹ ơi", "mẹ à" mãi không ngừng. Cũng bởi hai người tướng mạo khác nhau, người bên cạnh nhìn không ra chỗ nào giống, nàng đành đặt tên cho cô bé là "Đường Sảng". Sợ đứa trẻ chịu thiệt thòi nên nàng thà để bản thân phải bị hiềm nghi, cũng không chịu nói ra lai lịch của nó. Đứa bé đó cũng rất hiểu chuyện, biết mẹ có tính ưa sạch sẽ nên cả ngày cầm theo khăn tay, thấy có bụi là lau bàn lau ghế, nếu không thì sẽ tới dược phòng giúp người giúp việc giã thuốc, làm thuốc viên; rảnh rỗi không có việc thì ở trong khách sảnh, giúp các nữ bệnh nhân dỗ dành em bé, khiến cho mọi người đều cười nói rằng cô bé này chịu khó như thế chẳng lẽ lại là một cô hầu gái chuyển thế?

Tất bật suốt nửa tháng trời, qua Nguyên Tiêu, mọi việc mới có chút đâu ra đấy. Khuya ngày Hai mươi tháng Giêng, nàng vừa mới thăm bệnh xong cho bệnh nhân cuối cùng, đang định khóa cửa đi nghỉ thì chợt nghe tiếng gõ cửa.

Mở cửa xem, trong gió tuyết hai cỗ xe ngựa im lặng đỗ bên ngoài, gõ cửa là một người áo xám cao to, khoác một chiếc áo trùm đầu bám đầy tuyết. Nàng nhấc đèn lồng nhìn kỹ nhận ra Tạ Đình Vân, thoáng cái trợn mắt há miệng, đứng cứng đơ nơi ngưỡng cửa.

Tạ Đình Vân cười nói: "Ngô đại phu, thì ra cô ở chỗ này đúng là hại chúng tôi phải tìm khắp một phen".

Nàng cắn răng, nhẹ giọng nói: "Xin Tạ tổng quản về thôi, giờ đã muộn, thứ cho Ngô Du không thể tiếp khách".

Tạ Đình Vân hỏi: "Cốc chủ đã đến rồi, cô cũng không gặp sao?".

Nàng cúi đầu, trầm tư thoáng chốc rồi ngẩng lên đáp: "Không gặp".

Tạ Đình Vân sững người, ngạc nhiên nhìn cô gái thần thái bình tĩnh nhưng dung nhan tiều tụy trước mặt. Nàng giờ khác hẳn với vẻ ôn thuận ngày trước, đã trở thành mềm không ăn rắn không được, đao thương bất nhập.

Tạ Đình Vân đơn giản là không dám tin lời này thốt ra từ miệng Ngô Du!

Ông ta bắt đầu vận động nàng: nói với nàng trước nay cốc chủ không ra ngoài vào mùa đông, chuyến này đi đường xóc suýt nữa lấy mạng người. Nửa đường người bị viêm phổi, ho khạc không ngừng, dọc đường cứ nửa tỉnh nửa mê...

"Cốc chủ chỉ muốn gặp cô một lần, nói mấy câu, thế thôi... Thành ý của cốc chủ, hẳn cô có thể châm chước."

Nàng nhìn cỗ xe ngựa đen tuyền, biết chàng đang ngồi trên xe, chỉ cách nàng có năm bước chân.

Trong khoảnh khắc, một thoáng nhu tình toát ra từ ánh mắt nàng, nàng nhớ tới truyền thuyết nọ trên đỉnh Thần Nữ.

... Đã biến thành tượng đá rồi thì không thể biến trở lại nữa.

Cho nên nàng kiên quyết lắc đầu, nói với Tạ Đình Vân một tiếng "Xin lỗi", rồi đóng cửa lớn trong gió tuyết.

Thời khắc dó, cánh cửa bỗng như nặng nghìn cân, nàng biết cánh cửa mình đóng lại không chỉ là cánh cửa này.

Sáng sớm hôm sau nàng đã khôi phục lại bình tĩnh, nhưng không ngờ mới mở cửa đã lại nhìn thấy Tạ Đình Vân.

"Cốc chủ nhờ tôi chuyển tới cô nương một câu."

Nàng yên lặng đợi câu tiếp theo.

"Người nói người sai rồi, hy vọng được cô nương tha thứ."

Nàng cười, nói: "Tôi hiểu rồi".

"Nói như vậy, cốc chủ vẫn còn hy vọng gặp mặt cô nương một lần?", Tạ Đình Vân dò hỏi một câu.

"Không", nàng kiên quyết lắc đầu.

Tạ Đình Vân lo lắng nhìn nàng, dưới tấm biển lớn "Bình Lâm quán", bóng hình nàng trông vô cùng lẻ loi nhỏ bé.

"Một mình cô ở đây... có ổn không?"

"Sẽ ổn thôi."

Trên đường, Mộ Dung Vô Phong luôn nghĩ: Đã tan vỡ rồi thì cứ để nó tan vỡ đi vậy.

Nữ đệ tử dịu dàng văn nhã kia của chàng đã rời xa chàng rồi, vĩnh viễn sẽ không quay lại nữa.

Quả nhiên, trong những ngày tháng sau này, chàng có gặp Đường Tiềm, gặp con của nàng, gặp rất nhiều người nàng qua lại nhưng cho tới lúc chết cũng không gặp lại Ngô Du lần nào nữa.

* * *

Mùng Một tháng Ba năm Ất Hợi, một chiếc rương gỗ lớn được người ta kéo lên xe bò, đưa tới lò rèn của lão Lưu thợ mộc của Vân Mộng cốc.

Ông ta đương nhiên nhận ra chiếc rương có bảy tám cái khóa này.

Người kéo xe chuyển lời dặn dò cùa Mộ Dung Vô Phong: "Cốc chủ bảo lần trước lão nói rất phải, rương sắt đúng là tốt hơn rương gỗ. Người còn nói, lão nhất định phải nghĩ cách niêm phong cái nắp rương lại, làm sao không ai mở ra được nữa".

Đây thực ra vốn là việc của thợ rèn, lão Lưu vẫn sảng khoái nhận lời.

Vào cái ngày chiếc rương được mang đi, Mộ Dung Vô Phong đã gặp Đường Tiềm.

Chàng vốn nghĩ sau khi Ngô Du đi khỏi không lâu là sẽ gặp được Đường Tiềm, kết quả chỉ nhận được một bức thư ngắn của Đường Tiềm, nói rằng Đường Tiềm đã có việc đi lên Tây Bắc, theo dự định phải hai tháng nữa mới có thể quay về.

Tiết xuân tháng Ba ấm áp, thân thể chàng đã dần khôi phục. Ngồi ở tiểu đình giữa hồ, chàng rót cho Đường Tiềm một chén Bích la xuân, từ tốn nói: "Ta vốn luôn muốn cảm ơn huynh, đa tạ huynh tặng cho ta gói túy ngư thảo đó... Ta biết thứ ấy là cấm dược của Đường môn, kiếm được cực kỳ không dễ. Không có nó, chỉ sợ ta không qua nổi mùa đông ấy".

Đường Tiềm giờ mới hiểu tại sao Mộ Dung Vô Phong ghét cay ghét đắng Đường môn nhưng lại không hề ghét mình, thậm chí giữa hai người còn có một loại tình bằng hữu vi diệu. Hồi vụ án Mộc Huyền Hư, Mộ Dung Vô Phong dốc sức tương trợ, chỉ sợ cũng là xuất phát từ sự cảm kích này.

Bởi thế hắn hỏi: "Là ai nói với huynh bao túy ngư thảo ấy do ta kiếm về?".

"Ngô đại phu."

"Cô ấy chỉ nói với huynh có thế?"

"Lẽ nào còn có gì khác?"

Hắn bèn kể cho Mộ Dung Vô Phong chuyện xảy ra ngày hôm đó.

Trong cái đêm sấm to chớp giật, mưa gió ầm ầm ấy, Ngô Du một mình bơi ra đảo nhỏ, hái trộm túy ngư thảo, trên đường chạy trốn thì gặp phải thủ vệ, suýt chút nữa thì nàng đã giết một người. Về sau, nàng bị bắt lại, giam vào địa lao từng giam Mộ Dung Vô Phong, rồi bệnh nặng một trận.

Mộ Dung Vô Phong giật mình sợ hãi, than dài một tiếng, cảm thấy khó tin: "Cô ấy biết bơi à?".

Đường Tiềm nói tiếp: "Từ sau khi phu nhân của huynh qua đời, đã bao nhiêu năm nay, ta vẫn luôn nghĩ rằng sớm muộn gì huynh cũng cho nàng một cơ hội".

Mộ Dung Vô Phong lắc đầu cười khổ: "Ta đã hại chết một người rồi, không muốn lại hại một người khác. Huống chi hiện giờ cô ấy đã rời khỏi Vân Mộng cốc rồi".

Trên khuôn mặt Đường Tiềm lộ ra vẻ kinh ngạc "Sao vậy?".

"Là ta đuổi cô ấy đi... Ta vốn là người cuối cùng trong cốc có thể bảo vệ cô ấy, đến lúc quan trọng thì lại chẳng nói gì. Việc này chứng tỏ ta là một nam nhân không ra gì, đã không xứng làm thầy của cô ấy, lại càng chẳng đáng là bằng hữu của cô ấy", trong lời chàng ngập tràn tự trách, hết sức chán nản.

"Không cần vì thế mà áy náy... nàng không phải là một cô gái tầm thường, chúng ta chỉ là không hiểu nàng lắm mà thôi", Đường Tiềm cười khoan dung.

Ngừng một lát Mộ Dung Vô Phong đột nhiên hỏi: "Huynh thì sao? Sao huynh không đi gặp cô ấy?".

... Có thể giúp nàng trộm thuốc, tình nguyện bị phạt quay mặt vào tường hai năm. Giao tình giữa Đường Tiềm và Ngô Du tuyệt đối không tầm thường.

"Sao ta phải gặp nàng? Người nàng thích lại chẳng phải là ta."

"Huynh có biết bên cạnh cô ấy có một đứa bé gái?"

Đường Tiềm lắc đầu: "Ta từng nhặt một đứa bé gái ở đầu phố, đưa tới Trúc Gian quán gặp Ngô Du, nàng nói có một vị đại phu họ Thôi mãi không có con, hỏi ta có đồng ý giao đứa bé cho vợ chồng ông ta nuôi dưỡng không, ta bèn đồng ý".

Chàng giải thích: "Đại khái là, sau này cô ấy phát hiện thê tử của Thôi đại phu đã mang thai từ lúc nào, cho nên không mở miệng được nữa, đành đổi thành tự mình nuôi dưỡng".

"Huynh xem, người như cô ấy tuy hành sự có chút buông thả nhưng lòng dạ không xấu chút nào", Đường Tiềm khen.

"Ta có thể nhờ huynh một chuyện chăng?", ngập ngừng một lúc, Mộ Dung Vô Phong chợt hỏi.

"Có chuyện gì?"

"Đi gặp cô ấy."

* * *

Đối với hắn mà nói, thế giới này không có ánh sáng, cho nên cũng chẳng phân ngày đêm.

Sau khi tới Giang Châu, hắn mới bắt đầu nghiêm túc cân nhắc một vấn đề: Lúc nào gặp nàng là tốt nhất? Buổi sáng, hay buổi tối?

Kế đến vấn đề này phát triển thành gặp nàng ở đâu thì hay hơn? Trực tiếp tới Bình Lâm quán? Hay là hẹn nàng tới trà lâu bên sông? Tới lúc ấy thì nên nói gì?... Đến cả Mộ Dung Vô Phong còn bị đóng cửa không tiếp, Ngô Du có kiên nhẫn nghe hắn hàn huyên không?

Hắn thậm chí còn đi hỏi Đường Bồng xem mặc y phục thế nào mới có thể khiến một cô gái tâm tình đang không tốt không cảm thấy bực bội?

Hắn nêu ra vô số vấn đề hoang đường ấu trĩ, triệt để biểu lộ việc mình không có chút tự tin nào vào việc này trước mặt Đường Bồng.

Ban đầu Đường Bồng còn ra vẻ nghiêm túc thảo luận, rồi thấy hắn việc to việc nhỏ đều cẩn thận chi li thì phá lên cười: "Chẳng phải đi cầu thần bái phật, lẽ nào thúc định xông hương tắm rửa, trai giới ba ngày à?".

Câu này đề tỉnh hắn, hắn liền chạy thẳng tới Bảo Thông tự ở đầu tây phố ăn liền ba suất cơm chay rồi đêm ấy tắm rửa kỹ càng, đốt hương tĩnh tọa, cầu thần khấn phật.

"Ngày mai ta sẽ đi gặp nàng", trước khi đi ngủ hắn nói với Đường Bồng.

"Sao không chọn buổi tối? Buổi tối mới là lúc nữ nhân thường khó ngủ, đa sầu đa cảm", Đường Bồng ra vẻ lão luyện, "Đến ban ngày rồi, để mặt trời chiếu vào, nữ nhân lập tức biến thành ý chí kiên cường, khó mà lay động nổi".

"Ta thấy sao giống như thừa lúc người ta sơ hở mà lấn tới thế?", Đường Tiềm nói, "Buổi sáng, đi buổi sáng".

"Với thúc mà nói, ý kiến của cháu trước giờ chỉ có mỗi một tác dụng...", Đường Bồng thổi tắt nến, nằm trên giường thở ngắn than dài.

"Tác dụng gì?"

"Đem ra để phản đối."

Sáng ra, hắn đạp sương sớm một mình tới Bình Lâm quán.

Sương mù mê lối, gió sông mát lạnh, buổi bình minh đường phố vô cùng yên ắng.

Thời gian còn quá sớm, hắn tới một quán cơm ở phố đối diện ăn sáng, gọi một ấm trà, lơ đãng nghe người bàn bên tán chuyện. Cho tới khi nghe thấy một trong số họ nói: "Tiểu Đinh Tử, mặt trời lên tới đỉnh đầu rồi, thằng nhóc ngươi vẫn còn nằm ườn đây nghe chuyện, không đi giao hàng à! Đi mau lên, đi mau lên, nếu không lại ăn bạt tai của nhị thúc nhà mày bây giờ!", lúc ấy hắn mới đẩy ghế đứng lên, sải bước ra khỏi cửa.

Gậy trúc dò thử, cửa lớn chỉ khép hờ. Hắn đang định gõ cửa thì có một cánh tay nhỏ kéo áo hắn, một giọng bé gái non nớt khẽ hỏi:

"Thúc thúc, người tới tìm mẹ con à?"

Hắn quỳ gối xuống, cười nhẹ: "Ta tìm Ngô đại phu".

"Mẹ con chính là Ngô đại phu."

"Thế thì đúng là ta tới tìm mẹ con rồi."

Cô bé đứng trên thềm đá, mặt mày lo lắng: "Đêm qua mẹ con ra ngoài khám bệnh rồi, người nói sớm nay sẽ quay về, nhưng tận bây giờ rồi còn chưa về!".

"Cho nên con dậy sớm thế này, đứng ngoài cổng đợi mẹ?", chàng xoa xoa đầu đứa nhỏ, ôn hòa hỏi.

"Vâng!"

"Con tên là gì?"

"Đường Sảng. Không phải 'Đường' trong kẹo đường đâu! Là chữ Đường bên phải chữ Đường trong kẹo đường cơ[2]", cô bé mới bắt đầu học chữ, rất thích rạch ròi cách viết tên họ.

[2] Họ Đường 唐, kẹo đường 糖.

Trong lòng hắn hơi sửng sốt, đang định hỏi kỹ thì lại cảm thấy không ổn, liền nói: "Mau vào nhà đi, đừng chơi ngoài đường".

"Không sợ, đã có thím A Xuân trông con rồi!, cô bé cười khanh khách, "Hay là thúc thúc vào nhà ngồi đi, mẹ con sẽ về ngay thôi. Bên trong đã có nhiều người đợi lắm rồi".

Cô bé cũng coi luôn hắn là người bệnh, thấy hắn cầm gậy trúc liền dắt tay hắn, dẫn vào trong khách sảnh, tìm một chiêc ghế rộng cho hắn ngồi xuống.

"Thúc có uống trà không?", cô bé líu lo hỏi, "Con đi pha trà cho người!".

"Không, không! Con còn nhỏ quá, cẩn thận kẻo bỏng tay", chàng vội lắc đầu.

"Con không bé tí nào, con sáu tuổi rồi đấy! Ngày nào con cũng pha trà cho khách, trước giờ chưa từng bị bỏng tay!", cô bé không phục cãi.

Chàng thầm cười, véo mũi nó nói: "Con không nhận ra thúc thúc, thúc thúc vẫn nhận ra con. Thúc thúc từng gặp con lúc con còn bé tí!".

"Nói dối! Không tin! Thúc thúc không thể gặp con lúc con còn bé tí được!", cô bé cãi.

"Vì sao thế?"

"Mẹ con nói, con là tiểu công chúa ở trên trời, hồi nhỏ con cưỡi một con hạc trắng rong chơi khắp nơi. Có một hôm, con thấy mẹ con, thấy người rất cô đơn thế là con bèn hạ xuống bầu bạn với mẹ", cô bé phấn khởi nói, "Lẽ nào hồi đó, thúc cũng ở trên trời?".

Bất chợt, trong mắt hắn có chút cay cay: "Thúc không ở trên trời có điều thúc từng thấy con mặc y phục rất đẹp, cưỡi hạc trắng bay tới bay lui".

Cứ như nhận được lời khen, cô bé đắc ý cười khanh khách.

Hắn nghe thấy sau lưng có tiếng bước chân nhẹ, kế đó Đường Sảng gọi: "Mẹ ơi!".

Tim hắn đột nhiên đập rất nhanh, toàn thân căng ra.

Nhiều năm rồi không gặp, giọng nàng vẫn thân thuộc như xưa, lại thêm một tầng thân thiết:

"Là huynh à? Tới từ bao giờ thế?"

"Hôm qua mới tới."

"Đi ngang qua?"

"Không phải, cố tình tới thăm."

"Ở đây đông người, tới phòng bên ngồi một chút, được không?"

"Được."

Nàng rót cho hắn một ly trà, hai người tán gẫu về sản vật Giang Châu, về khí hậu đất Thục, tình hình mỗi người, dần dần đã có chút hết lời có thể nói. Đường Tiềm không hề hỏi vì sao nàng rời Vân Mộng cốc, nàng cũng không hỏi Đường Tiềm tới làm gì.

"Cô bé là đứa bé dạo trước?"

"Đúng vậy. Xin lỗi, vốn định giao nó cho Thôi đại phu, không ngờ còn chưa nói với ông ấy, ông ấy đã bảo tôi phu nhân ông ấy dã hoài thai rồi. Tôi đành tự mình giữ con bé lại... Đứa trẻ này rất ngoan, ai thấy cũng yêu, tôi rất thích nó."

"Ta cũng rất thích."

"Tôi để nó mang họ Đường, huynh không bận lòng chứ? Xét cho cùng vẫn là huynh nhặt nó về, xem như là ân nhân cứu mạng của con bé."

"Rất vinh hạnh."

Im lặng một lúc, hắn chợt nói: "Trước khi tới đây ta có gặp Mộ Dung tiên sinh, tiên sinh nhờ ta tới thăm nàng, hỏi nàng xem mọi thứ có tốt chăng ?".

"Thời tiết hôm nay thật không tồi", nàng đáp, chẳng liên quan gì tới câu hỏi.

"Đúng vậy, lúc ngồi thuyền cứ mưa suốt, mãi mới có một ngày trời nắng đẹp thế này."

"Chớ quên tôi còn nợ huynh một món nhân tình rất lớn", nàng khẽ cười, "Ở mấy ngày rồi hẵng đi. Tối nay tôi xuống bếp, mời huynh nếm thử tay nghề của tôi".

"Nói tới nhân tình, ta... luôn muốn cầu xin nàng một việc, hy vọng nàng không lấy làm đường đột", giọng hắn bắt đầu hồi hộp, đốt ngón tay nắm chặt đến trắng ra, suýt nữa bóp gãy cây gậy trúc trong tay.

"Nói đi, tôi sẽ cố hết sức."

"Nàng có thể gả cho ta không?"

Ngô Du chấn động, vội hít sâu một hơi khí lạnh, không kìm được nhìn sâu vào mắt hắn.

Ánh mắt hắn hư vô, nhưng lại tràn đầy sự nồng nhiệt, vành tai đã đỏ bừng lên đợi câu trả lời của nàng.

Một lúc sau, nàng khẽ thỏ dài: "Tôi không phải người phụ nữ tốt, từng làm những chuyện mất thể diện, bởi thế tôi mới rời khỏi Vân Mộng cốc. Nếu huynh muốn biết rốt cuộc tôi đã làm cái gì, tôi sẽ kể cho huynh".

Nàng cho rằng hắn nghe thấy lời này sẽ kinh ngạc, sẽ phẫn nộ, nhưng trên mặt hắn lại chẳng hề có chút thay đổi nào: "Ta cũng từng làm những việc như thế, nàng có muốn biết không?".

"Không muốn."

"Ta cũng không muốn, càng không để tâm... Bây giờ nàng có thể nhận lời gả cho ta chưa?", hắn chân thành hỏi.

"Những nữ nhân tốt trên đời này rất nhiều, tội gì cứ nhất định phải nuốt cái hạt hạnh đào cứng ngắc là tôi xuống?", nàng cười khổ.

"Ta không tin nàng khó tiêu hóa thế", hắn nắm lấy tay nàng, dường như sợ nàng chạy mất, "Ta đã tiêu hóa được nhân của quả hạnh đào, tiêu hóa nốt vỏ của nó chỉ là việc sớm muộn thôi".

"Đừng, đừng", nàng run giọng, "Chàng sẽ hối hận đây".

"Ta vĩnh viễn không hối hận!", bàn tay hắn ấm nóng, kiên định nắm chặt lấy tay nàng, "Gả cho ta!".

Dưới ánh trăng nước sông lãng đãng, lửa thuyền chài thấp thoáng.

Tuy dọc đường nàng không nói gì nhưng hắn biết mình đã thuyết phục được nàng.

Trên thuyền tĩnh mịch không tiếng người, nàng tựa lan can, ngắm làn nước sông đen thẳm, trầm mặc tới xuất thần.

"Nàng còn nhớ câu chuyện nàng kể cho ta ngày đầu tiên chúng ta quen biết không?", ngồi tựa thuyền, hắn hỏi nàng.

"Câu chuyện 'Bà ngoại sói'?", nàng nhớ lại kịch bản quái ác mình nghĩ ra, nàng luôn cảm thấy kỳ quái lúc ấy sao Đường Tiềm nghe mà không hề biến sắc.

"Nàng có phát hiện ra không? Bởi vì ta là người Đường môn, nàng luôn cho rằng ta là sói xám", trán hắn có chút trắng sáng, dưới trăng đêm sáng bóng lên. Tâm tình hắn rất thoải mái, dọc đường cứ luôn trêu đùa nàng, "Thật ra ta chẳng qua chỉ là một tiểu cô nương khả ái thôi".

"Đúng thế, chàng luôn cho rằng ta là một tiểu cô ương khả ái, thật ra ta mới là sói xám đó."

"Đừng nghĩ như thế", Đường Tiềm vuốt ve khuôn mặt nàng, cười nhẹ, "Tiểu cô nương và sói xám thật ra là cùng một người. Với lại kết cục của câu chuyện rất đẹp: bọn họ cùng sống với nhau hạnh phúc".

Đúng vậy, thật là đẹp.

Câu chuyện mình nghe được sẽ chẳng thế có kết cục như thế, chỉ có câu chuyện tự mình tạo ra mới có kết cục như mình mong muốn.

Nàng dựa vào lòng hắn, gió sông vi vút thổi mái tóc nàng.

Hắn lại ngửi thấy mùi hạc thảo và tử đinh hương.

Hắn còn nhớ cái đêm nồng nhiệt với Tam Canh, trong hương son phấn hắn đã ngửi thấy mùi hương quen thuộc vương trên tóc.

Hắn còn nhớ lúc ấy mình đã rất kinh ngạc, nhớ rằng mình từng hỏi nàng như thế:

Tại sao? Tại sao nàng phải làm thế này?

Nàng thì lại quên mất hắn là người mù.

Thân thể hắn từng vuốt ve, ngón tay hắn vĩnh viễn sẽ không quên.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...