Máu Lạnh

Chương 16


Chương trước Chương tiếp

Hai năm trước đây, Lowell Lee Andrews, một thanh niên mười tám tuổi tướng tá đồ sộ dềnh dàng, mắt kém, đeo kính gọng sừng và nặng gần tạ rưỡi, đã từng là một sinh viên ưu tú chuyên ngành Sinh học ở Đại học Kansas. Tuy hắn là một người đơn độc, khép kín và ít trò chuyện, những người quen biết hắn cả ở đại học lẫn ở thị trấn quê Wolcott bang Kansas đều coi hắn là kẻ có “bản chất lành mạnh” (sau này một tờ báo Kansas đăng một bài về hắn với đầu đề “Chàng trai tốt nhất ở Wolcott”). Nhưng bên trong gã sinh viên điềm tĩnh đó lại tồn tại một con người thứ hai không ai ngờ tới, một người với những xúc cảm bị thui chột và đầu óc ngoắt ngoéo qua đó những ý nghĩ lạnh băng cuồn cuộn chảy theo những hướng tàn bạo. Gia đình hắn - bố mẹ và một người chị hơi nhỉnh tuổi hơn, Jennie Marie - chắc sẽ sững sờ không tin nổi nếu biết rằng Lowell Lee, đứa con trai xuất sắc, người em yêu dấu, cái đứa đã mơ màng nhăng nhít suốt cả mùa hè và mùa thu năm 1958, nó toàn tính kế đầu độc họ.

Ông già Andrews là một chủ trại phát đạt; ông không có nhiều tiền ở ngân hàng, nhưng đất đai ông sở hữu trị giá xấp xỉ hai trăm nghìn đô la. Dục vọng thừa hưởng cơ ngơi này rõ ràng là động cơ ở đằng sau âm mưu muốn hủy diệt cả nhà mình của Lowell Lee. Bởi vì tên Lowell Lee bí ẩn, kẻ nấp ở bên trong anh sinh viên khoa Sinh năng đi nhà thờ và hay xấu hổ, lại tự coi mình là một tên sát nhân bậc thầy có trái tim băng giá: hắn muốn mặc những chiếc áo sơ mi lụa kiểu găng tơ, lái những xe hơi thể thao màu đỏ thẫm; hắn muốn được nhìn nhận không phải chỉ như một anh học trò còn tân, béo phệ, mọt sách và đeo kính; và tuy hắn không ghét một ai ở trong gia đình mình, ít nhất là không ghét một cách hữu thức, song ám sát họ xem ra lại là cái cách nhanh nhất, nhạy nhất để thực hiện những điều kỳ quái đang ám hắn. Thạch tín là vũ khí hắn quyết định dùng; sau khi đầu độc các nạn nhân, hắn tính đặt họ vào lại trên giường rồi đốt nhà, hy vọng những người điều tra tin rằng họ chết vì tai nạn. Nhưng một chi tiết dày vò hắn: giả dụ giải phẫu pháp y lại cho thấy thạch tín thì sao? Và giả dụ việc mua thạch tín sẽ để lại dấu vết dẫn đến hắn? Đến mùa hè hắn dựng ra một kế hoạch khác. Hắn bỏ ba tháng hoàn chỉnh nó. Cuối cùng đến một đêm như tháng Mười một gần như lạnh không độ thì hắn đã sẵn sàng hành động.

Đó là tuần lễ Tạ ơn, và Lowell Lee nghỉ lễ ở nhà, cũng như Jennie Marie, một cô gái khá mộc mạc nhưng thông minh đang theo học một trường cao đẳng tại Oklahoma. Đêm 28 tháng Mười một, đâu khoảng bảy giờ, Jennie Marie ngồi trong phòng khách với bố mẹ xem ti vi; Lowell Lee nằm trong buồng ngủ đọc chương cuối Anh em nhà Karamazov. Nhiệm vụ đó làm xong, hắn cạo râu, mặc bộ đồ đẹp nhất và bắt tay vào lắp đạn cho cả một khẩu súng bán tự động cỡ nòng 22 ly lẫn một khẩu súng lục Ruger cỡ nòng 22 ly. Hắn nhét súng lục vào bao da ở hông, khoác súng trường lên vai, rồi ung dung đi xuôi một hành lang đến phòng khách; phòng khách lúc này tối om, chỉ còn ánh sáng nhoang nhoáng của ti vi. Hắn bật một cái đèn lên, nhằm súng, bóp cò, bắn trúng vào giữa hai mắt chị, giết chết cô ngay lập tức. Hắn bắn mẹ ba lần và bố hai lần. Người mẹ, mắt mở trừng, tay giang rộng, loạng choạng đi đến phía hắn; bà cô nói, miệng mở rồi lại đóng nhưng Lowell Lee nói: “Câm.” Để chắc chắn là bà mẹ tuân lệnh mình, hắn bắn thêm bà ba phát nữa. Nhưng ông Andrews vẫn còn sống; nức nở, rên rỉ, ông lạch bạch nhoài lê trên sàn nhà xuống phía bếp, nhưng đến cửa bếp thằng con trai rút khẩu súng lục ở trong bao ra xả hết ổ đạn, rồi lại lắp đạn vào và bắn cho tới lúc hết ổ đạn; tổng cộng bố hắn nhận mười bảy viên. Theo những lời khai người ta cho là của hắn, Andrews “không hề cảm thấy gì về việc đó. Đến lúc tôi làm cái tôi phải làm thôi, về cái đó thì chỉ có vậy.” Sau khi bắn, hắn nâng cửa sổ trong phòng ngủ mình lên, bỏ rèm che rồi lang thang khắp trong nhà lục lọi các ngăn kéo chạn ăn, vất tung các thứ đựng trong đó ra: ý hắn là để đổ vụ án này cho kẻ trộm. Sau đó, hắn lái chiếc xe của bố trên đường tuyết trơn đến Lawrence, thị trấn nơi có Đại học Kansas; trên đường, hắn đỗ xe ở một cây cầu, tháo rời những cỗ pháo giết người của hắn ra và thủ tiêu nó bằng cách vất những bộ phận khác nhau xuống sông Kansas. Nhưng dĩ nhiên chuyến đi này là nhằm tạo ra bằng chứng vắng mặt lúc xảy ra vụ án. Trước hết hắn dừng lại ở khu nội trú nơi hắn sống; hắn nói chuyện với bà chủ, bảo bà rằng hắn phải đến lấy cái máy chữ, và vì thời tiết xấu cho nên đi từ Wolcott đến Lawrence phải mất những hai giờ. Lại đi, hắn vào một rạp chiếu phim, tại đây, khác với tính cách mình, hắn đã trò chuyện với một người xếp chỗ ngồi và một người bán kẹo. Mười một giờ, khi hết phim, hắn quay trở về Wolcott. Con chó lai giống mongrel của gia đình đang chờ ở cổng trước; nó rên rỉ vì đói cho nên Lowell Lee đi vào nhà, bước qua xác bố, pha một bát sữa nóng và cháo bột mì; rồi trong khi con chó ăn thì hắn gọi điện cho cảnh sát, “Tên tôi là Lowell Lee Andrews. Tôi sống ở 6040 Wolcott Drive, tôi muốn khai báo một vụ cướp...”

Bốn sĩ quan cảnh sát của Đội Tuần tra hạt Wyandotte đáp lời. Một người trong nhóm, cảnh sát tuần tra Meyers, tả lại cảnh tượng như sau: “Chúng tôi đến nơi lúc một giờ sáng. Tất cả đèn trong nhà sáng trưng. Và cậu con trai to béo tóc đen kia, Lowell Lee, thì ngồi trên cổng vỗ vỗ đầu nựng con chó. Thiếu úy Athey hỏi cậu ta cái gì đã xảy ra thì cậu ta chỉ về phía cửa, thật bình thản, nói, ‘Xem trong kia kìa.’ Xem rồi thất kinh, các sĩ quan cảnh sát bèn mời người chuyên xét nghiệm pháp y của hạt đến, là người lịch lãm, ông ta cũng ngạc nhiên bởi thái độ lửng khửng chai lì của cậu Andrews non trẻ, vì khi ông ta hỏi hắn định làm ma như thế nào thì hắn nhún vai đáp, “Các ông làm gì cho họ tôi cũng chả bận tâm.”

Không lâu sau, hai thám tử kỳ cựu hơn đến và bắt đầu thẩm vấn người sống sót duy nhất của gia đình. Tuy biết chắc hắn nói dối, hai vị thám tử vẫn nghe một cách cẩn trọng chuyện hắn lái xe đi Lawrence lấy cái máy chữ rồi đi xem phim như thế nào và về nhà sau nửa đêm ra sao để thấy buồng ngủ của mình bị lục lọi và gia đình bị giết. Hắn cứ khư khư bám lấy câu chuyện này, và có thể sẽ chẳng bao giờ thay đổi nó nếu như, tiếp sau việc bắt và đưa hắn đến nhà tù hạt, các nhà chức trách đã không nhận được sự giúp đỡ của Đức cha Virto C. Dameron.

Đức cha Dameron, một nhân vật của Dickens, một diễn giả chửi thề vui vẻ và nói năng ngọt xớt, là cha coi nhà thờ Báptít Grandview ở Kansas City, bang Kansas, nhà thờ mà gia đình Andrews đi lễ đều đặn. Bị bác sĩ pháp y gọi dậy gấp, Dameron có mặt ở nhà tù vào khoảng ba giờ sáng, chừng đó các thám tử liền rút sang một buồng khác, để cho vị linh mục trao đổi ý kiến riêng với con chiên mà cha cai quản. Một cuộc phỏng vấn có tính quyết định, vì Lowell Lee mấy tháng sau đã thuật lại việc này với một người bạn: “Ông Dameron nói, ‘Nào giờ thì, Lee ạ, cha đã biết con suốt cả đời con. Từ lúc con chỉ mới bằng con nòng nọc tí tẹo thế này. Và cha biết rõ cả đời bố con, cha và bố con cùng lớn lên với nhau, là bạn bè thời nhỏ với nhau mà. Và vì thế cha đến đây - không phải vì cha là linh mục của con, mà vì cha cảm thấy con y như là một thành viên của chính gia đình cha. Và vì con đang cần một người bạn mà con có thể trò chuyện và tin cậy. Và vì cha cảm thấy ghê sợ về cái vụ việc ghê sợ này, và cha cũng hoàn toàn giống như con, nóng lòng được thấy bọn thủ phạm bị bắt và trừng trị.’

Ông ấy muốn biết tôi có khát không, tôi bảo khát, thế là ông ấy lấy cho tôi một chai Coca rồi sau đó tiếp tục nói chuyện về Lễ Tạ ơn và hỏi tôi có thích học hành không, rồi thình lình ông ấy hỏi: ‘Bây giờ Lee ạ, mấy người ở đây hình như có một vài điều nghi ngờ về sự vô tội của con đấy. Cha tin rằng con sẽ bằng lòng chịu kiểm tra nói dối và thuyết phục những người này về sự vô tội của mình để họ có thể toàn tâm đi bắt bọn thủ phạm.’ Rồi ông ấy nói, ‘Lee, con không làm cái điều ghê rợn này, có phải không? Nếu con làm thì đây là lúc cho con tẩy rửa linh hồn con đây.’ Tôi chợt thoáng nghĩ, đằng nào cũng có khác gì nhau, thế là tôi nói ra sự thật với ông ấy, gần hết mọi chuyện. Ông ấy cứ lúc lắc đầu, trợn tròn mắt xoa xoa tay, rồi nói đây là một việc ghê rợn, tôi sẽ phải trả lời Đấng Tối cao, phải tẩy rửa linh hồn bằng cách nói với các sĩ quan những gì tôi đã nói với ông ấy, và tôi có chịu làm như thế không?” Nhận được một cái gật đầu tán thành, cố vấn tinh thần của người tù liền bước vào gian phòng bên cạnh đầy những sĩ quan cảnh sát đang chờ đợi, rồi tự hào đưa ra một lời mời: “Đi vào đi. Thằng nhỏ đã sẵn sàng khai.”

Vụ Andrews trở thành cơ sở cho một cuộc vận động lớn về pháp luật và y học. Trước khi tòa họp, tại đó Andrews được bào chữa là vô tội bởi lý do mất trí, khoa Tâm thần của bệnh viện Menninger đã tiến hành một cuộc chẩn đoán triệt để kẻ bị kết tội; việc đó đã đưa ra một chẩn đoán “tâm thần phân liệt, típ đặc biệt”. Bằng chữ “đặc biệt”, các bác sĩ muốn nói là Andrews không bị cuồng tưởng, không có cảm nhận sai lạc, không có ảo giác, nhưng có bước khởi đầu của bệnh tách rời tư duy khỏi cảm giác. Hắn hiểu bản chất của các hành vi hắn làm, hiểu rằng các hành vi đó bị cấm đoán, rằng đó là chủ thể của sự trừng phạt. “Nhưng,” để dẫn lời bác sĩ Joseph Satten, một trong những người chẩn đoán, “Lowell Lee không có bất cứ cảm xúc nào hết. Hắn coi bản thân là người duy nhất quan trọng, duy nhất có ý nghĩa ở trên thế giới. Và bên trong cái thế giời lìa xa mọi cái của hắn thì với hắn hình như giết mẹ cũng giống như giết một con vật hay một con ruồi vậy thôi.”

Theo ý kiến bác sĩ Satten và các đồng nghiệp của ông, vụ Andrews là một thí dụ không thể bàn cãi được về tinh thần trách nhiệm giảm sút, đến mức vụ án mạng này đã cho một cơ hội lý tưởng để bác lại Điều luật M’Naghten của tòa án bang Kansas. Điều luật M’Naghten, như đã nói trước đây, không thừa nhận một hình thái mất trí nào một khi bị cáo đã có năng lực phân biệt đúng sai - về mặt pháp lý, chứ không phải về mặt luân lý. Dẫu các nhà phân tâm học và luật học tự do thất vọng về điều này đến đâu đi nữa, điều luật này đang chiếm ưu thế ở các tòa án của Liên hiệp Anh, và, ở Mỹ, nó được áp dụng ở tòa án tất cả các bang ngoại trừ chừng một nửa tá bang và Đặc khu Columbia vẫn trung thành với Điều luật Durham vốn khoan dung hơn tuy một số người nghĩ là không thực tiễn, theo đó thì một người bị kết tội sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ấy nếu như hành vi phi pháp của người đó là sản phẩm của bệnh tâm thần hay khiếm khuyết tâm thần.

Tóm lại, điều mà những người bảo vệ Andrews, một ê kíp gồm có các nhà phân tâm học của bệnh viện Menninger và hai luật sư hàng đầu, hy vọng đạt được là một chiến thắng mang tầm vóc một cột mốc về pháp lý. Thực chất chủ yếu là thuyết phục tòa án lấy Điều luật Durham thay cho Điều luật M’Naghten. Nếu việc này xảy ra thì, do có nhiều bằng chứng liên quan đến tình trạng tâm thần phân liệt của Andrews, chắc chắn hắn sẽ không bị xử treo cổ hay thậm chí không bị tù mà chỉ bị giữ lại tại Bệnh viện bang dành cho những Tội phạm Mất trí.

Tuy nhiên, bên bị đã coi như không hề có vị cố vấn tôn giáo của bị cáo, linh mục Dameron không biết mệt mỏi, người xuất hiện truớc tòa với tư cách nhân chứng chủ yếu cho bên khởi tố, nói trước tòa bằng cái phong cách cầu kỳ khoa trương của một nhà phục sinh tôn giáo diễn thuyết giữa trời rằng ông vẫn thường cảnh cáo cái đứa nguyên là học trò Trường Lễ ngày Chủ nhật của ông về cơn thịnh nộ của Chúa treo lơ lửng trên đầu chúng ta: “Tôi nói, trên cõi thế gian này không có một thứ gì đáng giá hơn linh hồn con, và trong một số cuộc trò chuvện con đã nhiều lần nhận với ta rằng đức tin của con yếu, rằng con không tín ngưỡng ở nơi Chúa. Con biết mọi tội lỗi đều là chống Chúa, Chúa là người xét xử cuối cùng của con và con sẽ phải trả lời Người. Tôi nói điều đó để làm cho anh ta cảm nhận được sự khủng khiếp của cái việc anh ta đã làm và như vậy anh ta phải trả lời trước Chúa về tội lỗi ấy.”

Rõ ràng Đức cha Dameron đã quyết định anh thanh niên Andrews nên trả lời không phải chỉ trước Chúa mà còn cả với những quyền lực trần tục hơn, vì chính lời chứng của ông, cộng với lời thú thật của bị cáo, đã giải quyết được vụ án. Viên thẩm phán chủ trì duy trì Điều luật M’Naghten và bồi thẩm đoàn cho ra bản án tử hình như bang này đòi hỏi.

Thứ Sáu, 13 tháng Năm, hạn thứ nhất đặt ra cho việc hành hình Smith và Hickock trôi qua nhẹ nhàng. Tòa án tối cao bang Kansas đã cho họ hoãn thi hành án trong lúc chờ đợi kết quả đơn yêu cầu mở phiên tòa mới của luật sư. Lúc này, án của Andrews cũng đang được tòa án này xét xử lại.

Xà lim Perry liền bên xà lim của Hickock; tuy không nhìn thấy nhau chúng vẫn có thể trò chuyện được, nhưng Perry ít khi nói với Dick, không phải vì một sự tức tối rõ rệt nào giữa chúng (sau một ít lời trách móc lăng nhăng, quan hệ giữa chúng đã biến thành một sự tha thứ cho nhau: sự chấp nhận lẫn nhau của hai kẻ không cùng khí chất song gắn với nhau như bóng với hình), mà là bởi Perry, vốn dĩ cẩn thận, kín đáo, đa nghi, không muốn cho các người gác và bạn tù khác nghe lỏm được “việc riêng” của hắn, đặc biệt là Andrews hay Andy như người ta gọi ở Dãy. Cái giọng có ăn học và phẩm chất chính quy của một trí tuệ được đại học rèn dạy ở Andrews là lời nguyền rủa với Perry, hắn cứ nghĩ mặc dù mình chưa hết lớp Ba nhưng cũng vẫn được học hành hơn phần lớn những người hắn quen biết, và hắn lấy làm sướng mỗi khi uốn nắn cho họ, đặc biệt về ngữ pháp và cách phát âm. Thế là đây, đùng một cái tòi ra cái thằng này - “chỉ là thằng lỏi” - thế mà nó lại thường xuyên chỉnh hắn. Nào có lạ gì nếu hắn không mở miệng? Tốt hơn là câm mồm chứ đừng để cho cái thằng oắt đại học nó bảo ban, như “Đừng nói phi quan tâm, phải nói là không quan tâm.” Andrews nó có ý tốt, nó không có ác ý gì, nhưng Perry có thể cho nó vào chảo rán giòn - tuy vậy hắn không bao giờ thừa nhận thế, không để ai đoán ra tại sao, sau một trong những sự cố bị hạ nhục đó, hắn lầm lì sưng sỉa ngồi không thiết ăn cả ba bữa ngưòi ta mang cho hắn hằng ngày. Đầu tháng Sáu hắn gần như ngừng ăn - hắn bảo Dick, “Cậu có thể nhẩn nha chờ cái dây thừng được, tớ thì không,” và từ đấy hắn cự tuyệt không sờ đến một miếng ăn một giọt nước và không một lời với bất cứ ai.

Cuộc tuyệt thực kéo dài năm ngày trước khi người quản ngục lấy đó làm nghiêm trọng. Ngày thứ sáu ông ta ra lệnh chuyển Perry sang trạm y tế nhà tù, nhưng cuộc xê dịch không làm giảm quyết tâm của Perry; khi người ta định dùng cách cưỡng ép hắn ăn thì hắn chóng trả lại, hất đầu ra sau và nghiến chặt quai hàm cho tới khi hàm hắn cứng đờ chẳng khác nào những cái đinh móng ngựa. Cuối cùng hắn bị trói chặt lại và cho ăn bằng cách tiêm tĩnh mạch hay qua một cái ống cắm vào đường mũi. Dù có như vậy, sau chín tuần tiếp theo trọng lượng của hắn từ 84 ký tụt xuống còn 57 ký, và người quản giáo được báo cho hay rằng nuôi cưỡng chế thế này không thôi sẽ dứt khoát không thể giữ cho người tù sống sót được.

Tuy cũng thấy chợn trước sức mạnh ý chí của Perry, Dick vẫn không tin rằng mục đích của Perry là tự sát; ngay cả khi được báo rằng Perry đang mê man bất tỉnh, Dick cũng bảo Andrews, nay đã trở nên thân thiết với hắn, rằng thằng bạn cùng phe với hắn vờ vịt đấy thôi. “Chỉ là nó muốn cho họ nghĩ nó điên.”

Andrews, một kẻ luôn tự bắt mình ăn (hắn đã dán đầy một quyển vở toàn những tranh minh họa các thứ ăn được, từ bích quy dâu tây cho đến lợn quay), nói, “Khéo nó điên thật. Tự bắt mình đói đến thế cơ mà.”

“Chỉ là nó muốn ra khỏi đây. Đóng kịch. Để cho họ bảo nó điên và đưa nó vào nhà thương điên.”

Về sau Dick đâm ra thích dẫn những lời đối đáp của Andrews, vì hắn thấy hình như đó là một mẫu hay ho về “cách suy nghĩ ngộ” và đầu óc tự mãn “phiêu mây gió” của gã trai này. “Chà,” Andrews nói, “tôi mà nhịn như thế thì chắc chắn là gay go lắm. Ai lại tự nhịn đói cơ chứ! Mà rồi sớm muộn gì thì chúng mình cũng đều ra khỏi đây thôi. Hoặc đi bộ ra hoặc cái quan tài nó chở đi. Tôi ấy à, tôi thì chẳng bận tâm quái gì mình đi bộ ra hay được chở ra. Ở đoạn kết tất cả như nhau hết.”

Dick nói, “Cái rắc rối với cậu, Andy à, là ở chỗ cậu chẳng coi trọng gì cái mạng người. Kể cả cái mạng cậu.”

Andrews tán thành. Hắn nói, “Tôi sẽ nói một vài cái nữa cho anh nghe. Giả sử tôi ra khỏi đây mà sống nhăn răng, tôi muốn nói là ra khỏi các bức tường kia và đi hẳn ấy, thì có lẽ sẽ chẳng ai biết Andy đi đâu mà lần, nhưng chắc chắn họ sẽ biết là trước đây Andy đã ở đâu.”

Suốt mùa hè, Perry quằn quại giữa những cơn thiêm thiếp nửa tỉnh nửa mê và giấc ngủ bệnh hoạn, người đầm đìa mồ hôi. Những tiếng người gầm rú trong đầu hắn; một tiếng người nheo nhéo hỏi hắn: “Giê-su đâu? Đâu?” Một lần hắn vùng tỉnh dậy hét, “Con chim là Giê-su! Con chim là Giê-su!” Giấc mơ sân khấu hắn ưa chuộng lâu nay, giấc mơ trong đó hắn tự thấy mình là “Perry O’Parsons, Dàn giao hưởng Một Người”, giờ đây quay lại dưới dạng một giấc mơ trở tới trở lui. Trung tâm địa lý của giấc mơ là một hộp đêm ở Las Vegas, tại đó, đội cái mũ chóp cao trắng lốp, mặc áo choàng trắng lốp, hắn đi lại khụng khiệng trên sân khấu sáng đèn, lần lượt chơi kèn ácmônica, chơi ghi ta, chơi băng giô, chơi trống rồi hát “Em là ánh nắng của anh”, và nhảy mấy bước cla-két lên mấy bậc tam cấp ngắn màu kim nhũ; đến cao điểm thì hắn đứng lên một cái bục, nghiêng mình cúi chào. Không có tiếng vỗ tay hoan hô, không hề, tuy có hàng nghìn vị khách tai to mặt lớn ngồi chật kín cả một phòng tráng lệ - một cử tọa kỳ quặc, phần lớn là đàn ông và phần lớn da đen. Nhìn kỹ họ, người giúp vui đang nhễ nhại mồ hôi cuối cùng cũng hiểu ra sự im lặng của họ, vì thình lình hắn biết rằng đó là những bóng ma, hồn những người bị thủ tiêu hợp pháp, những người bị cho hít hơi ngạt, bị treo cổ, bị điện giật - và đồng thời hắn hiểu ra rằng hắn ở đây là để gia nhập cùng với họ, rằng những bậc kim nhũ kia dẫn tới cái giá treo, và cái bục hắn đang đứng thì đang mở ra dưới chân hắn. Chiếc mũ chóp cao của hắn rơi xuống; ỉa đái dầm dề, Perry O’Parsons bước vào cõi bất diệt.

Một buổi chiều, hắn thoát ra khỏi giấc mơ, tỉnh dậy thấy người quản ngục đứng bên giường. Người quản ngục nói, “Nghe như anh bị một cơn ác mộng nhỏ?” Nhưng Perry không trả lời, và người quản ngục, vốn đã nhiều lần vào viện thăm, cố thuyết phục người tù ngừng tuyệt thực đi, liền nói “Tôi có cái này ở đây. Của bố anh. Tôi nghĩ có thể anh muốn xem.” Perry, đôi mắt long lanh mênh mông trên bộ mặt bây giờ gần như đã nhợt nhạt màu lân tinh, chăm chú ngắm trần nhà; Lúc đó, người khách bị cự tuyệt bèn quay đi, sau khi đặt lên bàn bên giường người bệnh một tấm bưu ảnh.

Đêm hôm đó, Perry nhìn bức bưu ảnh. Nó gửi cho người quản ngục và được đóng dấu bưu điện Hồ Xanh, California; phần thư viết bằng lối chữ ngắn ngủn quen thuộc nói rằng: “Thưa ngài, tôi hiểu là ngài đang coi giữ thằng Perry con trai tôi. Xin ngài viết cho tôi nó đã làm gì không phải và liệu tôi đến đó thì có được gặp nó không. Tôi thì mọi sự đều ổn và tôi tin mọi sự với ngài cũng thế. Tex J. Smith.” Perry xé tấm bưu ảnh, nhưng tâm trí hắn vẫn lưu giữ nó, vì mấy từ thô thiển ấy đã phục hồi hắn về mặt cảm xúc, đã làm sống lại tình yêu thương và lòng thù ghét, đã cho hắn nhớ ra rằng hắn vẫn cứ là cái mà hắn đã cố để không trở thành - kẻ đang sống. “Và đúng là tôi đã quyết định,” sau này hắn bảo một người bạn, “tôi cứ phải theo kiểu cũ thôi. Những ai muốn lấy mạng tôi sẽ không được giúp gì thêm từ tôi nữa đâu. Họ sẽ phải giành giật nó đấy.”

Sáng hôm sau hắn xin một cốc sữa, chất dinh dưỡng đầu tiên hắn tự nguyện nhận lấy trong mười bốn tuần qua. Dần dần, nhờ một chế độ ăn toàn rượu nóng đánh trứng và nước cam vắt, hắn lấy lại trọng lượng; tháng Mười, bác sĩ nhà tù, Robert Moore, cho rằng hắn đã đủ sức khỏe để quay về với Dãy. Khi hắn tới đó. Dick cười lớn nói, “Bồ à, hoan nghênh bồ về nhà.”

Hai năm trôi qua.

Wilson và Spencer ra đi, để Smith, Hickock và Andrews ở lại một mình với những bóng đèn thắp sáng và cửa sổ bịt bùng của Dãy. Những đặc quyền tù thường được hưởng đều bị cấm hết với chúng; không rađiô hay bài bạc, không cả giờ vận động - đúng vậy, chúng không bao giờ được phép ra ngoài xà lim, trừ mỗi thứ Bảy được đưa đến buồng tắm để tắm táp rồi lĩnh quần áo cho cả tuần; các dịp duy nhất khác được ra ngoài chốc lát là những cuộc viếng thăm năm thì mười họa của luật sư hay họ hàng. Bà Hickock một tháng đến một lần; chồng bà đã chết, bà đã mất cái trại, và như bà nói với Dick, bây giờ bà sống nay với người họ hàng này mai với người họ hàng kia.

Perry thấy hình như hắn đang sống “ở sâu dưới nước” - có thể vì Dãy lúc nào cũng xam xám và yên tĩnh như đáy đại dương, không một âm thanh trừ tiếng ho, tiếng ngáy, tiếng chân lướt thở dài, tiếng chim bồ câu sột soạt làm tổ trong các bức vách nhà tù. Nhưng không phải là luôn luôn. Dick viết trong một bức thư gửi mẹ, “Đôi khi mình không thể nghe được cả tiếng mình nghĩ nữa. Họ ném người vào trong những xà lim tầng dưới, nơi họ gọi là hố, và nhiều người đấu tranh đến phát điên phát rồ lên để được đưa ra. Chửi rủa, la hét suốt ngày đêm. Không thể chịu nổi, cho nên ai cũng quát câm đi. Con mong mẹ gửi cho con cái tai nghe. Có điều họ sẽ không cho phép con được có. Không cho bọn tội đồ nghỉ ngơi, chắc họ nghĩ vậy.”

Ngôi nhà bé nhỏ này đã sừng sững hơn một thế kỷ, những thay đổi thời tiết đã gây nên những triệu chứng khác nhau cho cái tính cổ lão lâu đời của nó; cái rét mùa đông ngấm đẫm bão hòa vào những thứ cố định bằng sắt và đá, mùa hè, khi nhiệt độ thường lên tới hơn bốn mươi, các xà lim cũ kỹ thành ra những cái lò hôi hám. “Nóng đến nỗi da con nổi rôm hết cả lên,” Dick viết trong một lá thư đề ngày mồng 5 tháng Bảy năm 1961. “Con cố không động đậy nhiều. Con chỉ ngồi trên sàn. Giường con đầy mồ hôi không nằm được, cái mùi của nó làm con ốm vì chỉ tắm một lần một tuần và luôn luôn mặc có một bộ quần áo. Không có chút thông thoáng nào hết, đèn sáng lại làm cho mọi cái càng nóng lên thêm. Rệp cứ nhảy ở trên tường.”

Không giống tù thường, tử tù không phải làm việc; họ thích làm gì thì làm - ngủ suốt ngày, Perry thường thế (“Tôi làm bộ như tôi là một đứa nhóc bé tí không làm sao mở mắt ra cho được”); hoặc như thói quen của Andrews, đọc suốt đêm. Andrews đọc trung bình mỗi tuần mười lăm đến hai chục quyển sách; gu của hắn bao gồm cả truyện lăng nhăng lẫn văn chương thứ thiệt, hắn thích thơ, đặc biệt là của Robert Frost, nhưng hắn cũng khâm phục Whitman, Emily Dickinson yà thơ hài hước của Ogden Nash. Tuy rằng cơn khát văn chương chữ nghĩa không thể dập tắt của hắn đã mau chóng làm rỗng không các giá trong thư viện nhà tù, song cha cố nhà tù và những người khác có thiện cảm với Andrews vẫn cứ cung cấp từng gói từng gói từ thư viện công cộng Kansas City đến cho hắn.

Dick cũng khá là mọt sách; nhưng niềm thích thú của hắn chỉ bó vào hai chủ đề - tình dục, như được trình bày ở tiểu thuyết của Harold Robbins và Irving Wallace (sau khi mượn một quyển trong số này của Dick, Perry bèn gửi trả với một lời phê bất bình: “Cứt đái sa đọa cho những đầu óc sa đọa cứt đái!”) và cả luật nữa. Hắn ngốn hàng giờ vào việc giở hết từng trang sách luật, sưu tầm những công trình nghiên cứu mà hắn hy vọng sẽ giúp đảo lật được bản án đã tuyên cho hắn. Cũng vậy, trong việc theo đuổi mục đích đó, hắn đã nã đi một loạt đạn là những bức thư cho các tổ chức như Liên hiệp các Quyền Tự do Dân sự Mỹ và Hiệp hội Luật gia bang Kansas - những bức thư công kích việc xét xử hắn là một “sự ngụy trang cho hợp thức”, kêu gọi người nhận thư giúp hắn yêu cầu mở một cuộc xét xử mới. Perry cũng xiêu lòng mà đưa ra yêu cầu tương tự, nhưng khi Dick gợi ý Andy hãy làm theo bằng cách nhân danh mình viết thư phản đối thì Andrews đáp, “Tôi lo cho cái gáy của tôi, các anh lo cho cái gáy của các anh.” (Thật ra, gáy không phải là bộ phận trên cơ thể làm cho Dick lo ngại trước mắt. “Tóc con cứ rụng ra từng nắm tay này,” hắn tâm sự với mẹ trong một bức thư khác. “Con sợ, theo như con nhớ không ai trong gia đình ta bị hói, cho nên ý nghĩ mình là một anh già hói xấu xí làm cho con sợ.”)

Hai người gác đêm của Dãy, đến làm việc vào một tối mùa thu năm 1961, có một mẩu tin. “À,” một người trong họ cho hay, “hình như các anh có thể chờ có bạn đấy.” Hàm ý của cái nhận xét này thật rõ ràng với cử tọa của ông ta: nó có nghĩa là hai người lính trẻ, vốn phải hầu tòa về vụ giết công nhân đường sắt Kansas, đã nhận được lời tuyên án cuối cùng. “Vâng,” người gác nói, xác nhận điều đó, “họ chịu án tử hình.” Dick nói, “Chắc rồi. Cái đó rất phổ biến ở bang Kansas này. Các bồi thẩm đoàn chìa mòn này ra y như chìa kẹo cho trẻ con ấy mà.”

Một trong hai người lính, George Ronald York, mười tám tuổi; đồng sự của hắn, James Douglas Latham, hơn một tuổi. Cả hai đều đặc biệt đẹp trai, có lẽ điều này giải thích tại sao cả bầy con gái chưa tới hai mươi đổ đến dự phiên tòa xét xử chúng. Tuy bị bắt vì một vụ giết người duy nhất, nhưng cả hai tuyên bố có tới bảy nạn nhân trong một chuyến việt dã giết người thả dàn xuyên quốc gia.

Ronnie York, tóc vàng mắt xanh, ra đời và lớn lên ở Florida, bố hắn là một thợ lặn ngoài khơi nổi tiếng và được trả lương hậu. Nhà York có cuộc sống gia đình đầy đủ dễ chịu, và Ronnie, được bố mẹ và một cô em gái quá yêu chiều, là trung tâm được sủng ái tôn sùng của cuộc sống gia đình ấy. Lai lịch của Latham thì lại ở cực đối lập, về mọi mặt đều thê lương như của Perry Smith vậy. Ra đời ở Texas, hắn là đứa út của ông bố bà mẹ mắn đẻ, nghèo kiết và sưng sỉa, rốt cuộc cũng bỏ nhau, để mặc lũ con tự xoay xở lấy, tan tác mỗi đứa một nơi, lêu lổng chẳng ai đoái hoài như những cái bèo cái bọt. Mười bảy tuổi, cần một chỗ trú, Latham vào lính; hai năm sau, tội đào ngũ bị phát hiện, hắn bị giam ở nhà kỷ luật ở Fort Hood, Texas. Ở đấy hắn gặp Ronnie York, cũng đang bị giam vì tội đào ngũ. Tuy chúng rất khác nhau - cả về hình thể, York cao to, phớt lạnh, còn Latham thấp bé với đôi mắt cáo màu nâu làm khuôn mặt nhỏ nhắn chắc nịch trở nên linh hoạt - song chúng thấy có chia sẻ với nhau ít nhất một ý kiến vững bền: thế giới thật đáng ghét, mọi người trên thế giới tốt nhất là nên chết quách đi. “Đây là một thế giới thối nát,” Latham nói. “Với nó chẳng có lời đáp nào ngoại trừ hèn hạ, ti tiện. Đó là điều mọi người đều thấu hiểu cả: sự hèn hạ, ti tiện. Đốt sập nhà kho của người ta đi - người ta sẽ hiểu đấy. Đánh bả con chó của lão ta đi. Giết lão đi.” Ronnie nói với Latham là “Đúng trăm phần trăm,” và thêm, “Nói gì thì nói, cậu giết ai là cậu đang gia ân cho nó đấy.”

Người đầu tiên chúng chọn để gia ân cho là hai người đàn bà bang Georgia, những bà nội trợ đáng kính chẳng may gặp phải York và Latham không lâu sau khi đôi này trốn khỏi trại giam Fort Hood, ăn cắp một xe tải nhỏ lái đến Jacksonville, bang Florida, thị trấn quê của York. Nơi gặp gỡ là một trạm xăng Esso ở vùng ngoại vi tối tăm của Jacksonville; thời gian là đêm 29 tháng Năm 1961. Ban đầu, hai tên lính bỏ trốn đến thành phố Florida với ý định thăm gia đình York; nhưng khi đến đó, York quả quyết rằng tiếp xúc với bố mẹ hắn là không khôn ngoan, bố hắn lắm lúc lại nổi cơn cáu kỉnh. Hai đứa bàn lui bàn tới chuyện này, rồi New Orleans trở thành điểm đến mới khi chúng đỗ lại trạm xăng Esso để đổ xăng. Cạnh chúng, một chiếc xe khác đang hút xăng; trên xe có hai người đàn bà sẽ là nạn nhân, sau một ngày mua sắm và vui chơi ở Jacksonville, hai bà đang quay về nhà ở một thị trấn nhỏ gần biên giới Florida và Georgia. Than ôi, họ bị lạc đường. Được họ hỏi đường, York chỉ vẽ rất tận tình: “Các bà cứ theo tụi tôi. Cứ theo tụi tôi là ra tới đúng đường.” Nhưng con đường chúng đưa họ vào thật ra là rất sai: một lối chật hẹp rẽ sang bên dẫn tới đầm lầy. Tuy thế, hai người đàn bà vẫn tin cậy theo sau, cho tới khi chiếc xe dẫn đường dừng lại và, trong ánh đèn xe, hai thanh niên tốt bụng kia đi đến gần họ và họ thấy, mặc dù lúc đó mới thấy thì đã quá muộn, ràng mỗi thằng đang vũ trang một cái roi chăn bò màu đen. Hai cái roi này là tài sản của người trông coi hợp pháp của chiếc xe bị ăn cắp, một người chăn nuôi gia súc; chính Latham nảy ý dùng hai cái roi này làm dây thắt cổ họ - điều mà sau khi trấn lột, chúng đã làm. Hai đứa đã mua ở New Orleans một khẩu súng lục và khắc hai cái gạch ở trên báng súng.

Trong vòng mười ngày tiếp đó có những vạch mới được khía thêm cho Tullahoma bang Tennessee, nơi chúng đã có một chiếc Dodge khỏe, có thể bỏ mui, màu đỏ, bằng cách bắn chết người chủ, một người bán hàng lưu động; và ở ngoại ô St. Louis bang Illinois, hai người nữa đã bị giết. Nạn nhân Kansas, tiếp theo năm người trên, là một người đàn ông, Otto Ziegler, sáu mươi hai tuổi, lực lưỡng, dễ mến, kiểu người không thể đi qua những ai đang hỏng xe mà lại lờ đi không dừng lại giúp. Trong khi lượn vòng vèo dọc một xa lộ Kansas vào một sáng tươi đẹp tháng Sáu, ông Ziegler nhác thấy một chiếc xe bỏ mui trần đang đỗ bên đường, nắp xe dựng lên, hai thanh niên bảnh bao đang loay hoay với cỗ máy. Làm sao ông Ziegler tốt bụng lại biết cỗ máy chẳng có hỏng hóc gì - làm sao ông biết được rằng đây là một cái bẫy bày ra để trấn lột và giết những con người sẵn lòng từ thiện? Câu nói cuối cùng của ông là, “Tôi giúp được gì không?” Ở cách bảy mét, York cho một viên đạn xuyên qua sọ ông già rồi quay sang bảo Latham, “Bắn giỏi chứ hả?”

Nạn nhân cuối cùng của chúng mới là bi thảm nhất. Đó là một cô gái, mới mười lăm tuổi; cô làm người phục vụ ở một khách sạn nhỏ ven xa lộ tại Colorado, nơi hai tên giở chứng điên khùng ngủ lại, và đêm đó cô để cho chúng làm tình sau đó chúng bảo cô chúng đang trên đường đi California và mời cô đi cùng. “Đi,” Latham giục cô, “có thể cả ba chúng ta cuối cùng sẽ là ngôi sao màn bạc hết đấy.” Cô và cái va li các tông xếp vội vàng rốt cuộc chỉ còn là một đống giập nát đẫm máu dưới một đáy vực gần Craig bang Colorado; nhưng sau khi cô bị bắn chết và vứt xuống đó không đến nhiều giờ, những kẻ sát hại cô đang thực sự trình diễn trước máy quay.

Các miêu tả về những người ngồi trong chiếc xe đỏ do các nhân chứng cung cấp - họ để ý thấy chúng lảng vảng trong khu vực tìm thấy xác Otto Ziegler - đã được tống đạt đi khắp tất cả bang Trung Tây và Tây. Rào ngăn đường được dựng lên, máy bay lên thẳng tuần tra các xa lộ; chính nhờ một rào ngăn đường ở bang Utah mà người ta đã tóm được York và Latham. Sau đó, ở Sở Chỉ huy Cảnh sát Salt Lake City, một công ty truyền hình sở tại được phép quay một buổi hỏi cung hai tên. Kết quả, nếu như xem ti vi không lời thì chẳng khác gì chương trình về hai vận động viên điền kinh được nuôi bằng sữa đang hớn hở thảo luận về bóng chày hay khúc côn cầu - bất cứ cái gì trừ giết người và trừ cái vai trò chúng sắm trong cái chết của bảy người, cái vai mà chúng thú thật một cách dương dương tự đắc. “Tại sao,” người lấy cung hỏi, “tại sao các anh làm thế?” Thì York, với một nụ cười tự tán thưởng, trả lời, “Chúng tôi ghét thế giới này.”

Cả năm bang tranh nhau quyền khởi tố York và Latham đều tán thành y án tử hình theo pháp luật: Florida (ghế điện), Tennessee (ghế điện), Illinois (ghế điện), Kansas (treo cổ) và Colorado (hơi ngạt). Nhưng vì có bằng chứng vững vàng nhất, Kansas thắng cuộc.

Những kẻ trên Dãy gặp các bạn đường mới của chúng vào ngày mồng 2 tháng Mười một năm 1961. Khi giải những kẻ mới đến vào xà lim của chúng, một người gác giới thiệu như sau: “Ông York, ông Latham, tôi muốn mấy ông làm quen với ông Smith đây, và ông Lowell Lee Andrews - chàng trai hay nhất Wolcott!!!”

Khi cuộc diễu hành đã xong, Hickock nghe thấy Andrews cười khùng khục bèn nói, “Có cái gì ngộ ngộ nơi thằng chó đẻ ấy thế?”

“Chẳng gì cả,” Andrews đáp. “Chỉ là tớ đang nghĩ, thử đếm xem tớ là ba đứa cậu thì bốn đứa còn tụi kia bảy đứa, thế là thành ra mười bốn đứa chết còn tụi mình năm. Như vậy tính bình quân năm trên mười bốn...”

“Bốn trên mười bốn,” Hickock chỉnh lại cộc lốc. “Có bốn đứa giết người ở trên này và một người bị bỏ tù oan. Tôi không phải là đứa giết người khốn kiếp. Tôi không đụng đến một sợi tóc ở trên đầu ai bao giờ.”

Hickock tiếp tục viết thư phản đối việc kết án hắn, và cuối cùng một bức đã có kết quả. Người nhận, Everett Steerman, Chủ tịch ủy ban Trợ giúp: Pháp lý của Hiệp hội Luật gia Bang Kansas đã bị những lý sự của người gửi quấy rầy, anh ta khăng khăng rằng anh ta và bị cáo đồng phạm đã không được hưởng một cuộc xét xử công minh. Theo lời Hickock, “không khí thù nghịch” ở Garden City đã làm cho một bồi thẩm đoàn đầy thành kiến được đứng ra xét xử, do đó cần phải đổi địa điểm xử án cũng như đổi bồi thẩm đoàn, về các bồi thẩm được chọn ra thì ít nhất hai người đã rõ ràng cho thấy là mang sẵn định kiến “có phạm tội” ngay trong buổi đầu thẩm vấn kiểm tra tư cách (“Khi được yêu cầu tuyên bố ý kiến về hình phạt tử hình, một người đã nói bình thường ông ta phản đối nhưng trong vụ này thì ông tán thành”), không may là buổi thẩm vấn đã không được ghi âm vì luật ở bang Kansas không đòi hỏi như thế, trừ phi có yêu cầu đặc biệt. Hơn nữa, nhiều bồi thẩm lại “là chỗ rất quen biết với người chết. Cả quan tòa cũng vậy. Thẩm phán Tate là bạn thân thiết của ông Clutter.”

Nhưng Hickock nhằm vào hai vị luật sư của bên bị, Arthur Fleming và Harrison Smith mà giáng đòn bẩn nặng cân nhất, “sự bất tài và không xứng đáng” của hai người này là nguyên nhân chính cho tình thế gay go hiện tại của người đứng đơn đây, vì thật ra hai người này đã không hề chuẩn bị hay đưa ra lời bào chữa nào, sự thiếu cố gắng ấy có thể ngầm hiểu là có dụng ý - một hành vi cấu kết giữa bên bị và bên khởi tố.

Đây là những lời khẳng định nghiêm trọng, phản ánh tính trung thực của hai luật gia được kính trọng và một vị thẩm phán địa phương có uy tín, nhưng cho dù chỉ đúng phần nào thì quyền lợi hợp hiến của các bị cáo cũng đã bị xâm phạm. Được ông Steerman giục giã, Hiệp hội Luật gia đã bắt tay vào một công việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử pháp luật bang Kansas: họ đề bạt Russell Shultz, một luật sư trẻ ở Wichita điều tra vụ xét xử này, và nếu có bằng chứng bảo đảm thì bác bỏ tính hiệu lực của bản án bằng cách đưa lên Tòa án Tối cao Bang Kansas theo nghi thức habeas corpus tức đình quyền giam giữ, không chấp thuận giam giữ bị cáo.

Rồi thì hóa ra cuộc điều tra của Shultz lại khá là phiến diện, vì ông này chỉ phỏng vấn Smith và Hickock mỗi một lần, sau đó luật gia này xuất hiện trước báo giới với những lời lẽ thật hùng hồn: “Vấn đề là thế này - liệu các bị cáo tội nghiệp rõ ràng là đã phạm tội này có quyền được bào chữa hoàn toàn hay không? Tôi không tin là cái chết của những người chống án này lại sẽ gây tổn hại lớn lao hoặc lâu dài đến bang Kansas. Nhưng tôi tin rằng cái chết của quy trình pháp lý hợp thức thì sẽ khiến bang Kansas không thể nào hồi phục nổi đâu.”

Shultz nộp đơn kiến nghị không chấp nhận án đã ban bố, và Tòa án Tối cao Bang Kansas trao cho một luật gia về hưu của bang, ông Walter G. Thiele khả kính, quyền chủ trì một phiên phúc thẩm. Thế là gần hai năm sau phiên xử, toàn thể bộ sậu lại tập hợp trong phòng xử án ở Garden City. Những người quan trọng duy nhất vắng mặt là hai bị cáo ban đầu; thay vào chỗ họ là Thẩm phán Tate, ông già Fleming và Harrison Smith mà sự nghiệp đang lâm nguy - không phải vì tự thân lý lẽ của bị cáo mà vì sự tín nhiệm của Hiệp hội Luật gia dành cho họ.

Phiên tòa phúc thẩm này có thời điểm được chuyển đến Lansing, ở đấy Thẩm phán Thiele nghe lời chứng của Smith và Hickock, kéo dài sáu ngày mới hết; cuối cùng, mọi điểm đều được xem xét tới nơi tới chốn. Tám bồi thẩm thề rằng họ không quen một ai trong cái gia đình bị sát hại ấy; bốn người thừa nhận có quen biết sơ sơ ông Clutter nhưng từng người, kể cả ông N. L. Dunnan, nhân viên điện đài sân bay từng trả lời mâu thuẫn trong lần thẩm vấn sơ bộ, đều chứng thực rằng mình vào bồi thẩm đoàn một cách hoàn toàn vô tư không thành kiến. Shultz nói kháy Dunnan: “Ông có cảm thấy muốn đến phiên tòa cùng với một vị bồi thẩm mà tâm trạng giống như tâm trạng mình không?” Dunnan nói có, ông muốn; thế là Shultz bèn nói, “Ông có nhớ rằng ông đã được hỏi là tán thành hay phản đối án tử hình không?” Nhân chứng gật đầu trả lời, “Tôi có bảo là trong tình huống bình thường chắc tôi sẽ phản đối. Nhưng với tầm mức to lớn của vụ án này thì chắc tôi bỏ phiếu tán thành.”

Gây khó dễ với Tate thì khó hơn: Shultz sớm nhận ra mình đang nắm đuôi cọp. Trả lời các câu hỏi liên quan đến tình cảm được cho là thân mật của mình với ông Clutter, vị thẩm phán nói, “Ông ấy [Clutter] từng có lần kiện ở tòa này, vụ đó tôi chủ trì, một hành động gây hại dính líu đến một chiếc máy bay rơi vào điền thổ của ông ấy, ông ấy kiện vì bị tổn hại, đâu như vài cây ăn quả gì đấy... Ngoài chuyện ấy ra, tôi không có dịp nào gần gũi hay liên hệ gì với ông ấy hết. Chẳng có bất cứ việc gì. Trong vòng một năm tôi gặp ông ấy cỡ chừng một hai lần...” Shultz lúng túng chuyển đề tài. “Ông có biết thái độ của dân chúng ở cộng đồng này là thế nào sau khi hai người kia bị bắt không?” anh ta hỏi.

“Tôi tin là biết,” vị thẩm phán nói với sự quả quyết đầy miệt thị. “Ý kiến của tôi là thái độ đối với họ là thái độ đối với bất cứ ai chịu trách nhiệm về một cáo buộc hình sự - rằng họ phải được xét xử theo pháp luật; rằng nếu có tội thì họ phải bị kết án; rằng họ phải được xét xử công minh như bất cứ ai. Không có thành kiến gì với họ bởi vì họ đã bị khép tội.”

“Ý ông là,” Shutlz ranh mãnh nói, “ông không thấy có lý do nào để tòa tán thành việc thay đổi nơi xử án theo chính đề nghị của tòa?” Môi Tate bặm xuống, mắt quắc lên. “Ông Shultz,” ông nói, cái tên nghe cứ như một tiếng xì kéo dài, “tòa không thể tự nó thay đổi nơi xét xử. Cái đó là trái với luật pháp bang Kansas, tôi không thể thay đổi nếu như không có một yêu cầu hợp thức.”

Nhưng tại sao các luật sư bào chữa cho bị cáo lại không đưa ra yêu cầu đó? Giờ thì Shultz đeo đuổi câu hỏi này với chính các luật sư của bị cáo, hỏi vì, theo quan điểm của ông luật sư từ hạt Wichita đến, mục đích chính của phiên tòa phúc thẩm này là làm bẽ mặt các luật sư của bị cáo và chứng minh họ đã không hề có sự bảo vệ nào dù tối thiểu cho thân chủ của họ. Fleming và Smith chịu đòn một cách đường hoàng, nhất là Fleming, thắt cái cà vạt màu đỏ gắt gay và nở nụ cười muôn thuở, ông nghe Shultz công kích với vẻ nhẫn chịu của kẻ hào hoa phong nhã. Giải thích tại sao mình không xin thay đổi nơi xử, ông nói: “Tôi cảm thấy từ khi Đức Cha Cowan, Cha chánh xứ Nhà thờ Giám lý, một con người có phẩm chất tại đây, một con người với địa vị cao quý, cũng như nhiều vị giáo sĩ khác ở đây, đã tự bày rõ là phản đối án tử hình, rằng ít nhất chất gây men đã có ở trong khu vực này, và so với các nơi khác của bang thì xem ra dân chúng ở đây thiên về khoan dung trong vấn đề hình phạt. Vậy nên tôi tin vào tuyên bố của anh trai bà Clutter được đăng trên báo, cho hay rằng ông không cảm thấy nên cho các bị cáo án tử hình.”

Shultz có nhiều chiêu công kích, nhưng nằm bên dưới tất cả là cái ngụ ý rằng Fleming và Smith đã cố tình bỏ lơ nghĩa vụ của họ do sức ép của cộng đồng. Cả hai người - Shultz kiên trì lặp lại ý kiến này - đã phản bội thân chủ của mình qua việc không bàn bạc đầy đủ với họ (ông Fleming đáp lại, “Tôi đã làm hết sức mình trong vụ án này, bỏ vào nhiều thời gian hơn phần lớn các vụ khác”), qua việc từ chối phỏng vấn sơ bộ bị cáo (Smith trả lời, “Nhưng thưa ngài, vào lúc từ chối đó cả Fleming lẫn tôi đều chưa được chỉ định tham gia bào chữa”); qua việc có những nhận xét với báo chí bất lợi cho bị cáo (Shultz nói với Smith: “Ông có biết là một phóng viên, Ron Kull ở tờ Topeka Daily Capital, vào hôm thứ hai của phiên tòa đã dẫn lời ông rằng ông không nghi ngờ gì về tội của Hickock mà chỉ bận tâm tới việc giành án tù chung thân thay vì án tử hình không?” Smith đáp lời Shultz: “Không. Nếu người ta dẫn lời tôi như vậy thì là dẫn không đúng đâu”); và qua việc đã không chuẩn bị một cuộc bào chữa thích đáng.

Chiêu sau cùng được Shultz dồn cho nhiều công lực nhất; do đó tưởng cũng cần nêu lại một ý kiến về chuyện đó, nó đã được ba thẩm phán liên bang viết như là kết quả của một cuộc vận động chống án tiếp theo đó gửi lên Tòa Chống án Hoa Kỳ: “Nhưng chúng tôi nghĩ những ai nhìn nhận tình hình này theo cách hồi cố đã bỏ mất không nhìn thấy những khó khăn mà các luật sư Smith và Fleming đã phải đối đầu khi họ nhận bào chữa cho hai người thỉnh nguyện này. Khi các ông nhận chỉ định, mỗi người thỉnh nguyện đều đã làm một bản thú tội đầy đủ, và không hề khẳng định rằng bản thú tội này là không tự nguyện, lúc đó cũng thế mà suốt quá trình các phiên tòa cũng thế. Một chiếc rađiô bị những người thỉnh nguyện lấy đi ở nhà Clutter và mang bán ở Mexico City đã được thu hồi, và hai luật sư biết rằng lúc đó bên khởi tố đang nắm trong tay những bằng chứng phạm tội khác. Khi được yêu cầu phúc đáp chính thức rằng mình vô tội trước tòa những người thỉnh nguyện đã đứng lặng thinh, nên tòa cảm thấy cần phải tiến hành thủ tục phúc đáp này cho họ. Lúc đó, cũng như suốt cả phiên tòa, không có bằng chứng vững chắc nào để bào chữa rằng bị cáo phạm tội do mất trí. Khả năng bào chữa dựa trên chứng mất trí, cho rằng hành vi phạm tội là do những tổn thương nghiêm trọng vì tai nạn trước đó nhiều năm, và do những cơn nhức đầu cũng như những trận ngất xỉu thi thoảng của Hickock, nó cũng mong manh như là bám lấy cọng rơm trong tục ngữ vậy. Các luật sư bên bị đã đứng trước một tình thế trong đó những án mạng ghê rợn gây ra cho những người vô tội đã được thú nhận. Trong hoàn cảnh đó, nếu khuyên các bị cáo gửi đơn thỉnh nguyện xin khoan dung rồi ném họ ra trước lòng nhân từ của tòa thì các luật sư sẽ được biện minh là đã làm tròn trách nhiệm. Hy vọng duy nhất của họ là, qua một bước ngoặt nào đó của số phận, những kẻ bị lầm lạc này may ra giữ được cuộc đời mình.”

Trong báo cáo trình Tòa án Tối cao Bang Kansas, Thẩm phán Thiele thấy rằng những người đâm đơn thỉnh nguyện đã có được một phiên tòa xét xử công bằng theo đúng Hiến pháp; do đó tòa khước từ lệnh hủy phán quyết và đặt ra thời hạn thi hành án mới - 25 tháng Mười năm 1962. Tình cờ sao, Lowell Lee Andrews, kẻ mà vụ án đã đi hết con đường đến tận Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đến những hai lần, thì lại được xếp lịch cho treo cổ sau đó đúng một tháng.

Nhờ có một thẩm phán liên bang xin cho, những kẻ sát hại gia đình Clutter thoát được cái ngày đã lên lịch ấy. Andrews thì giữ nguvên ngày giờ đã định cho mình.

Trong việc xử lý các vụ án tử hình ở Mỹ, thời gian giữa khi tòa y án với khi thi hành án xấp xỉ chừng mười bảy tháng. Mới đây, ở Texas, một tên trộm có vũ khí đã phải lên ngồi ghế điện sau khi xét xử có một tháng; nhưng ở Louisiana, vào thời điểm viết câu này, hai tên hiếp dâm đã ngồi chờ chết suốt mười hai năm, một con số kỷ lục. Sự chênh lệch này một chút là nhờ vào may mắn còn phần lớn là vào mức độ tranh chấp. Phần đông các luật sư đảm nhận các vụ án này đều do tòa chỉ định và không có thù lao; nhưng thường thường, để tránh sự chống án trong tương lai dựa trên những lời ca thán về việc bị cáo không được bảo vệ thích đáng, tòa hay chỉ định những người giàu năng lực nhất và các vị này thường bảo vệ thân chủ mình với sự hăng hái đáng khen. Nhưng ngay cả một luật gia tài năng vừa vừa cũng có thể trì hoãn được năm này qua năm khác cái ngày thi hành án, vì hệ thống chống án bao trùm ngành Luật học Mỹ đã khiến cho pháp lý trở thành một thứ bánh xe của số phận, một trò chơi may rủi, phần nào đó có lợi cho tội phạm, trong đó những người chơi cứ thế chơi bất tận, trước hết ở tòa án bang rồi qua một hệ thống tòa án liên bang cho tới khi vươn đến cấp cuối cùng là Tòa án Tối cao Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng ngay cả thất bại ở cấp này cũng chẳng có nghĩa lý gì nếu như nhóm luật sư của bị cáo có thể phát hiện hay sáng chế ra những cơ sở mới để chống án; thường thì họ làm được, và thế là bánh xe một lần nữa lại quay, quay cho tới khi có lẽ vài năm sau người tù sẽ quay trở lại tòa án cao nhất của đất nước một lần nữa, ắt là chỉ để bắt đầu lại cuộc thi đấu tàn nhẫn chậm re ré. Nhưng chốc chốc giữa chừng bánh xe lại ngừng để tuyên xưng một kẻ thắng - hoặc là, tuy chuyện này ngày một hiếm, một kẻ thua: các luật sư của Andrews đã vật lộn đến giây phút cuối cùng, nhưng thân chủ của họ vẫn phải lên trên giá treo cổ vào ngày thứ Sáu, 30 tháng Mười một năm 1962.

“Đó là một đêm rét buốt,” Hickock nói, khi trò chuyện với một nhà báo mà hắn hay thư từ và đều đặn đến thăm hắn. “Rét và ẩm ướt. Trời mưa chẳng ra cái chó gì, sân bãi bóng chày ngập bùn tới cojones tức là tới cổ chân ông. Cho nên khi họ đưa Andy ra để đến nhà kho, họ phải cho nó đi dọc theo một con đường nhỏ. Tất cả chúng tôi đều ở bên cửa sổ nhìn - Perry và tôi, Ronnie York, Jimmy Latham. Lúc đó đúng sau nửa đêm, nhà kho đèn sáng như đêm hội Halloween. Cửa giả mở toang. Chúng tôi trông thấy các nhân chứng, một lô lính gác, bác sĩ và ông quản ngục - đủ các thứ ba láp trừ cái giá treo cổ. Nó khuất trong một góc nhưng chúng tôi có thể trông thấy bóng nó. Một cái bóng trên tường giống như bóng của võ đài đấu quyền Anh vậy.

Cha cố và bốn lính gác chịu trách nhiệm giải Andy, khi tới cửa họ dừng lại một tí. Andy nhìn cái giá treo - ông có thể cảm thấy như vậy. Tay nó bị trói ra đằng trước. Thình lình cha cố thò tay chụp lấy cái kính cận của Andy. Tội nghiệp, Andy mà lại không có kính. Họ dẫn nó vào trong, và tôi tự hỏi liệu nó có thể nhìn rõ để mà leo lên các bậc không. Im ắng, trừ tiếng con chó nào sủa đằng xa. Con chó nào đấy trong thị trấn. Rồi chúng tôi nghe thấy cái đó, tiếng thình, và Jimmy Latham hỏi ‘Cái gì thế hả?’ thì tôi liền bảo nó là cái gì - cái cửa hầm dưới chân giá treo.

Rồi im lặng hoàn toàn. Trừ con chó nọ. Thằng Andy, nó lủng lẳng một lúc lâu. Họ phải bận ra trò mới dọn được chỗ ấy. Cứ vài phút bác sĩ lại đi ra cửa, bước ra ngoài đứng đó, cái ống nghe trong tay. Tôi không thể nói là ông ta thích công việc mình làm - ông ta cứ hổn hà hổn hển như là sắp ngạt thở, và lại còn khóc nữa. Jimmy nói, ‘Một lũ thối.’ Tôi cái cớ ông ta ra ngoài là để người khác không thấy ông ta khóc. Rồi ông ta vào ngồi nghe xem tim Andy liệu đã ngừng chưa. Hình như nó chẳng bao giờ ngừng. Sự thực là tim Andy còn đập mãi trong mười chín phút.”

“Andy là một thằng lỏi hay,” Hickock nói, cười đến vẹo mồm trong khi tra một điếu thuốc vào giữa hai môi. “Như là tôi bảo nó ấy: nó không trọng mạng người, ngay cả mạng chính nó. Ngay trước lúc họ treo cổ nó, nó còn ngồi ăn hai con gà quay. Và buổi chiều cuối ấy nó hút xì gà, uống Coca và làm thơ. Khi họ đến đưa nó đi và chúng tôi gửi lời từ biệt, tôi nói, ‘Mình sẽ gặp cậu sớm, Andy. Vì tớ tin chắc chúng mình sắp cùng đi đến một chỗ thôi. Cho nên hãy thăm dò loanh quanh Dưới Đó xem liệu có tìm được chỗ nào râm mát không cho chúng tớ xuống với.’ Nó liền cười ầm, và bảo nó không tin gì ở thiên đường lẫn địa ngục, chỉ là cát bụi về với cát bụi. Rồi nó kể là một người cô và một người chú đã đến thăm nó, bảo rằng họ đã có một cỗ áo quan chờ chở nó đến một cái nghĩa trang nho nhỏ nào đó ở bắc Missouri. Cũng chính cái nơi chôn ba người mà nó chọn để kết liễu cuộc đời. Họ tính đưa Andy về nằm cạnh đấy. Nó kể là khi họ bảo thế nó khó lòng giữ được một bản mặt ngay ngắn. Tôi bảo, ‘Tốt, cậu may mắn lắm mới có được một cái nấm mồ đấy. Nhiều phần chắc họ sẽ đưa Perry và tớ cho một ông thầy mổ xác.’ Chúng tôi đùa như thế cho đến lúc nó phải đi, và đúng lúc đi nó cho tôi một tờ giấy trên đó có một bài thơ. Tôi không biết có phải nó viết không. Hay là chép ở quyển sách nào ra. Tôi cảm tưởng là nó viết. Nếu ông thích, tôi sẽ gửi cho ông.”


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...