Mật Mã Tây Tạng

Chương 28: Tây tạng - mặc thoát: vùng đất bí mật cuối cùng


Chương trước Chương tiếp

Ở dải đất sâu trong trung tâm, nguy hiểm nhất đại hiệp cốc sông Nhã Lỗ Tạng Bố, chính là đoạn sông dài gần trăm cây số từ Bạch Mã Cẩu Hùng đi xuống. Khe núi sâu thẳm u tối, nước chảy cuồn cuộn, đến giờ vẫn chưa ai có thể đi qua được. Chính vì sự khó khăn và nguy hiểm ấy, nên nơi này gọi là "vùng đất bí mật cuối cùng của nhân loại". Theo sự chỉ dẫn của tấm bản đồ kia, bọn Trác Mộc Cường Ba đang chuẩn bị đến chính nơi đó thử vận may.

Bí mật lịch sử Cổ Cách

Lại thêm ba tuần nữa trôi qua, Ba Tang sau khi điều trị hồi phục và xuất viện ở Colombia đã liên lạc với Lữ Cánh Nam, chẳng mấy hôm đã thông qua bộ Ngoại giao trở về Trung Quốc. Mọi người vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ. Mặc dù chuyên băng rừng nguyên sinh này có thể xem như là một thất bại lớn, song dù sao các thành viên trong nhóm huấn luyện đặc biệt cũng không ai hy sinh vì nhiệm vụ cả. Trải qua sự việc nơi rừng hoang núi thẳm lần này, quan hệ giữa Ba Tang và các thành viên khác trong nhóm của Trác Mộc Cường Ba cũng bắt đầu trở nên hòa hợp hơn. Chỉ có Trác Mộc Cường Ba là có vẻ khó xử rõ rệt. Những lời của Lữ Cánh Nam, giống như mũi dao sắc đâm thẳng vào lồng ngực gã, "Chúng tôi nghi ngờ, trong các anh có một kẻ mật báo tin tức ra ngoài." Sau khi nghe được điều này, trong lòng Trác Mộc Cường Ba đã ngấm ngầm xếp hạng mức độ tin cậy cho tất cả các thành viên trong nhóm. Bản thân gã cho rằng mình sẽ xếp Đường Mẫn đứng đầu tiên, nhưng khi xếp như thế rồi gã mới nhận ra, dù thế nào, vị trí đầu tiên vẫn nhất định thuộc về thầy giáo của gã, giáo sư Phương Tân. Mẫn Mẫn chỉ có thể xếp thứ hai. Nhạc Dương và Trương Lập đều là người trong quân đội, bản thân gã cũng hết sức tín nhiệm hai người này. Chỉ có mình anh chàng Ba Tang này là đáng nghi nhất. Một khi đã nghi ngờ người nào đó, Trác Mộc Cường Ba sẽ không thể nào rặn ra được một nụ cười giả vờ thiện chí với kẻ ấy được nữa. Khi bắt tay với Ba Tang, ánh mắt gã lộ rõ vẻ hoài nghi. Gã miễn cưỡng gượng cười nói: "Tôi biết là anh không dễ dàng hy sinh như vậy được mà."

Ba Tang cũng nói: "Không ngờ rốt cuộc các cậu cũng đi trước tôi một bước."

Theo lời kể của Ba Tang, anh ta bị cơn lũ cuốn về phía Bắc, vì đụng phải cây lớn bị thương nên mất hết tri giác, phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng trong bệnh viện hơn một tháng trời. Bệnh án và một loạt bản báo cáo về anh ta cũng được Bộ Ngoại giao chuyển hết đến tay Lữ Cánh Nam. Những Trác Mộc Cường Ba lại phát hiện ra một điều, chính là da Ba Tang đã đen sạm đi, trên người dường như còn mang theo vị mằn mặn ẩm ướt của gió biển, nhanh nhác mùi của một loại nước hoa cao cấp nào đó. Nói là nghỉ ngơi trong bệnh viện hơn 1 tháng, chi bằng bảo đi du lịch đâu đó hơn một tháng thì giống hơn. Nếu suy đoán của gã mà chính xác, vậy thì kinh phí đi du lịch của Ba Tang lấy từ đâu ra?

Nhìn hai người Trương Lập, Nhạc Dương tíu tít kể cho Ba Tang những chuyện xảy ra sau khi họ lạc nhau, Trác Mộc Cường Ba không muốn tiến đến quá gần, chỉ lặng lẽ đứng dưới một tán cây. Giáo sư Phương Tân nhận ra vẻ lo âu của gã, bèn hỏi: "Cậu nghi ngờ Ba Tang?"

Trác Mộc Cường Ba nói: "Tôi không biết, nếu trong chúng ta thật sự có một người đáng nghi ngờ, thì cũng chỉ có thể là anh ta mà thôi. Song tôi cũng rất mâu thuẫn, tôi có nên vô duyên vô cớ đem lòng nghi ngờ người khác không nhỉ?"

Giáo sư Phương Tân mỉm cười khuyên giải: "Đường dài mới hay sức ngựa, ngày lâu mới thấy lòng người, hà tất phải dồn tâm trí nghi ngờ ai làm gì? Nếu thực làm chuyện trái với lương tâm, sớm muộn gì anh ta cũng phải lộ ra thôi. Hơn nữa, tại sao chỉ có chúng ta mới bị nghi ngờ, bọn họ, chẳng lẽ không có điểm nào đáng nghi hay sao?" Trác Mộc Cường Ba hiểu được, "bọn họ" mà giáo sư Phương Tân nhắc đến chính là chỉ ba người đến sau, bao gồm Lữ Cánh Nam, Ngải Lực Khắc và lạt ma Á La. Không thể hoàn toàn tin tưởng bất cứ người nào khác hay sao? Gã lắc đầu, chỉ vì thái độ đối với người khác của ai đấy mà làm cả một nhóm người thành ra nghi ngờ lẫn nhau thế này, rốt cuộc là đúng hay sai đây?

Trác Mộc Cường Ba cố gạt những ý nghĩ khiến người ta phải đau đầu ấy ra khỏi tâm trí, chuyển sang chủ đề khác: "Phải rồi, thầy giáo, có phát hiện gì mới về giai đoạn lịch sử ấy của vương triều Cổ Cách chưa?"

Theo những tư liệu điều tra được, lịch sử Cổ Cách đại khái cũng đã hiện lên khá rõ ràng. Giáo sư Phương Tân từng buông lời cảm thán thế này: "Cổ Cách đúng là một vương triếu sinh ra vì Phật giáo, rồi cũng vì Phật giáo mà diệt vong."

Cổ Cách vương là hậu duệ trực hệ của vị Tạng vương đã ra lệnh diệt Phật giáo Lãng Đạt Mã. Tạng vương Lãng Đạt Mã diệt Phật chỉ mới hai năm, đã bị La Long Bối Cát Đa Kiệt của Phật giáo giết chết. Sau sự kiện ấy, triều đình Thổ Phồn bắt đầu phân hóa. Duy Tùng là con côi do thứ phi của Lãng Đạt Mã sinh ra, được gia tộc Vĩ thị ủng hộ tôn làm Tán thổ. Còn chính phi cũng không cam chịu để mất quyền lớn trong tay. Tương truyền bà ta đã lén lút mua về một đứa trẻ sơ sinh, rồi cũng lập đứa con mua về này làm Tán thổ, gọi là Vân Đơn. Kể từ đó trở đi, vương triều Thổ Phồn xuất hiện hai vị Tán thổ cùng một lúc, chia thành hai phái đều tự nhận Tán thổ của mình lập nên mới là Tán thổ thực sự, tranh đấu không ngừng nghỉ. Chiến tranh vì thế bùng nổ và không ngừng lan rộng, nên giai đoạn này người đời sau gọi là Loạn ngũ như.

Chiến tranh kéo dài trong nhiều năm liền khiến trăm họ lầm than, khổ sở không sao tả xiết, cuối cùng đã vùng lên dưới sự lãnh đạo của các quý tộc và một số quân sĩ. Cả hai vị tán thổ, một người bỏ trốn, một người bị giết. Phụ thân của Cổ Cách vương đời thứ nhất, chính là cháu nội của vị Tán thổ Duy Tùng kia, gọi là Cát Đức Ni Mã Cổn, chạy đến vùng A Lý, thông hôn với tù trưởng địa phương, sinh được ba người con là Bối Cát Nhật Ba Cổn, Trát Tây Cổn và Đức Tổ Cổn, lần lượt chiếm cứ Mang Vực (Ladakh 1 ngày nay), Bố Nhượng (khu vực huyện Phổ Lan) và Tang Cát Nhĩ (phía Nam Ladakh. Ba người con này được xưng là "Thượng Bộ tam Cổn", "Thượng Bộ" ý chỉ vùng A Lý, vì là thổ vương của một vùng nhỏ, nên gọi là Cổn, Cổn có nghĩa là Đấng cứu thế.

Trong các pho Tạng sử chính thức mà họ tra cứu, gần như đều nói Cổ Cách vương đầu tiên là Trát Tây Cổn, nhưng trong tư liệu của Lữ Cánh Nam cung cấp lại có phần dã sử và ghi chép trong dân gian trực tiếp gọi Cát Đức Ni Mã Cổn là Cổ Cách vương đời thứ nhất, vì ông ta đã kế thừa gia nghiệp của vị tù trưởng kia, Cổ Cách cũng nằm trong lãnh địa trị vì ấy. Chỉ có điều nếu như vậy, vị quốc vương nghênh tiếp sứ giả kia phải tính từ Cát Đức Ni Mã Cổn hay tính từ Đức Tổ Cổn, trước mắt bọn họ vẫn chưa thể đưa ra được một kết luận, khoảng thời gian chênh lệch đó ước cũng phải khoảng chừng ba bốn chục năm 2.

Giáo sư Phương Tân nói: "Trước mắt chúng tôi tạm thời nghiêng về giả thiết cho rằng vị Quốc vương nghênh đón sứ giả kia là Cổ Cách vương đời thứ hai Tùng Ngang, bởi vị Quốc vương này có thể nói là đã tận tâm tận lực đối với sự nghiệp hoằng dương Tạng truyền Phật giáo. Tương truyền trong khoảng thời gian từ năm 975 đến 981 sau Công nguyên, ông ta đã phái hai mươi mốt thanh niên bao gồm cả Đại dịch sư Thiết Tang Bố sang Thiên Trúc học Phật (cũng có tài liệu nói là hai mươi bảy người). Hành trình của họ gian khổ khó khăn không bút nào tả xiết, cuối cùng chỉ có hai người sống sót trở về, nghe nói chính là Đại dịch sư và Tiểu dịch sư sau này. Hơn nữa, không lâu sau khi phái đi các thanh niên cầu Phật, vị Quốc vương này thoái vị nhường ngôi, quy y Phật pháp, về sau xây chùa Thác Lâm, đến những năm cuối đời còn gom góp tiền của đích thân đi mời A Để Hiệp đại sư, nhưng dọc đường đã bị quân đội nước khác bắt cóc, cuối cùng thì chết giữa đường. Thằng nhóc Nhạc Dương kia suy đoán, vị Cổ Cách vương này nhiệt tâm với Phật giáo như vậy, quá nửa là do nhìn thấy thần tích mà vị sứ giả kia mang tới, song có điều là, trước khi nhìn thấy Cổ Cách kim thư, tất cả cũng chỉ là suy đoán mà thôi." Nói tới đây, giáo sư Phương Tân không nén nổi mà gượng cười lắc lắc đầu, "Lịch sử của Cổ Cách, quả thực là… cậu có biết không, chỉ riêng chuyện cuối cùng vị Cổ Cách vương ấy Tây du cầu Phật bị bắt cóc, chúng tôi đã tra ra bảy phiên bản khác nhau, địa điểm, thời gian, quân đội nước ngoài, quá trình sự kiện xảy ra, số tiền chuộc đều khác nhau, thực sự là không thể nào phán đoán xem phiên bản nào mới là sự thực đã xảy ra trong lịch sử cả."

Nhìn vẻ mặt chua chát của giáo sư Phương Tân, Trác Mộc Cường Ba hiểu rõ, đây là một vấn đề rất lớn khác mà bọn họ gặp phải khi tra cứu lịch sử của vương triều Cổ Cách. Vương triều này tuy rằng kéo dài đến cả mấy trăm năm, song lại nằm ở miền biên viễn xa xôi. Ngoại trừ các văn bản lịch sử của bản thân nó ra, toàn bộ các tư liệu khác đều chỉ là những thông tin vụn vặt. Đến cả bộ sử thuộc về giai đoạn đầu như Tây Tạng vương thống ký cũng chỉ ghi chép có chín đời Cổ Cách vương, từ sau đó trở đi là không rõ, bọn họ cũng chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về thời gian trong lịch sử. Mà vương triều Cổ Cách này lại còn bị chiến tranh hủy diệt. Bản thân sự biến mất của nó có thể nói đến nay vẫn còn là một câu đó. Mãi đến thế kỷ mười chín, trước khi các nhà thám hiểm nước ngoài bắt đầu tiến vào vùng đất hoang vu không người sinh sống này, mọi người gần như đã hoàn toàn quên lãng rằng từng có một vương triều như vậy trong lịch sử.

Giáo sư Phương Tân thở dài nói: "Lịch sử Cổ Cách và nền văn minh Maya không ngờ lại giống nhau đến kinh người. Cả hai vương triều này đều đột nhiên gặp phải đại họa khi đang trong thời kỳ phát triển rực rỡ huy hoàng nhất. Chính vì biến cố bất ngờ mà tất cả đều được bảo tồn, đều được lưu giữ lại. Mấy thế kỷ sau đó, nhân loại dường như không biết đến sự tồn tại của chúng, kiến trúc và đường phố của chúng không bị hoạt động của con người phá hoại, văn tự và tôn giáo không bị sửa sang, phong cách nghệ thuật và bích họa không bị bóp méo, thậm chí hiện trường lúc gặp phải tai họa hủy diệt của chúng cũng được bảo tồn nữa kia."

Trong đầu Trác Mộc Cường Ba lúc này, tự nhiên lại nghe thấy tiếng Babatou ngâm nga bài sử ca: "Một khi để máu tanh xâm phạm đến bậc thang của thánh miếu, vô số tai họa sẽ như cơn mưa đá đáng sợ liên hồi kéo đến giáng xuống tất cả mọi nơi, tòa thành sẽ biến thành nơi hoang phế chết chóc, một hoang mạc không người."

Trong biệt thự của Merkin, giữa chiếc bàn vứt bừa bãi ngồn ngộn giấy bút, hai đầu bàn chồng chất sách vở thành hai bức tường. Merkin vùi đầu vào giữa hai bức tường ấy, gần như bò toài ra trên tấm bản đồ, giơ kính lúp lên soi từng đường chỉ mảnh trên đó. Đôi mắt của y nhìn tựa hồ như thuộc về một loài dã thú đói khát nào đó chứ không phải của con người nữa. Soares thì ngồi ôm một cuốn từ điển khổng lồ, dài tới ba mươi centimet, dài rộng sáu mươi centimet, chúi mũi lật lật giở giở.

Những nét đen mảnh trên bản đồ cuối cùng dẫn đến ba nơi khác nhau, dường như ý của người vẽ tấm bản đồ này là muốn người ta đến ba nơi ấy kiếm ba thứ gì đó. Đầu tiên là một viên bảo thạch sáng lấp lánh, phần chú thích bằng tiếng Tạng dịch ra nghĩa là: "Màu đỏ, mở ra món lễ vật tán dương sự sống"; món thứ hai là một cuốn sách dày cộp, bên cạnh có chú thích: "Lý lẽ huyền ảo đều ở trong đây"; còn một món nữa đã bị xóa nhòa đi mất, có lẽ để chứng tỏ không cần thiết, nhưng lờ mờ có thể nhận ra những nét chữ mơ hồ dịch nghĩ là: "Bảo khí, cuối cùng". Ngoài ra, trên bản đồ còn có vô số mũi tên, trỏ đi trỏ lại giữa ba nơi này, dựa vào những vết xóa có thể nhận ra, người vẽ vốn hy vọng ai có được bản đồ sẽ đến nơi ở giữa trước tiên, nhưng sau tính toán thế nào lại xóa mờ thứ ở giữa và đầu mũi tên đi, ý nói không cần phải đến nơi ấy nữa. Mới đầu bọn y còn nghi ngờ không hiểu có ai đã đụng tay đụng chân vào tấm bản đồ này hay chưa, nhưng sau khi kiểm tra bằng các phương tiện khoa học kỹ thuật, phát hiện ra vết xóa và các dấu hằn được tạo ra cùng một thời gian với những đường nét khác, hơn nữa thủ pháp và phong cách là của cùng một người, vì vậy chỉ có thể phán đoán là chính người vẽ bản đồ đã thay đổi ý kiến mà thôi.

Bọn y nhận ra được đường chỉ thứ hai dẫn đến một nơi gọi là "đóa hoa". Địa danh ở khu vực phía trên dịch nghĩa là "sáu ngọn núi", bên dưới "sáu ngọn núi""đại đài địa" và một địa danh được dịch thành "tổ tiên", bên phải là "bảo tọa mặt trời", kế đó là hai nơi có tên phát âm thành "liangbu", "tabu", ba nơi này ở sát cạnh nhau.

"Tìm thấy rồi, là ở đây, vùng đất hoa sen nở rộ, chính là Mặc Thoát chứ còn đâu nữa, hại tôi tốn bao nhiêu thời gian tìm kiếm…" Merkin hưng phấn kêu lên.
...


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...