Con đường thủy ra khỏi Thác Nhật là một dải dung nham, qua thời gian năm tháng, đã bị trời đất cắt thành một khe nước rộng rãi thoáng đạt, dưới đáy nhô lên vô số măng đá nhọn hoắt, ẩn hiện dưới nước, chỉ hơi bất cẩn một chút, thuyền sẽ mắc cạn hoặc bị thủng đáy ngay.
Có hai con thuyền đi trước dẫn đường, con thuyền nhỏ bọn Trác Mộc Cường Ba ngồi đương nhiên là bình an vô sự, chỉ là càng tiến lên phía trước, rãnh nước càng sâu, vách đá hai bên càng cao, cảnh trí rất giống với vách đá sừng sững chắn hai bên bờ ở Trường Giang Tam Hiệp. Vách đá màu vàng đỏ dần dần cao lên, con đường thủy lộ vốn rộng mấy chục mét dần thu hẹp lại, lộ ra một đường chân trời. Núi non trùng điệp nguy nga, khí thế ngất ngưởng, không khỏi khiến người ta sinh lòng e sợ, tựa như vách đá hai bên bất cứ lúc nào cũng có thể khép chặt lại, chôn vùi con thuyền nhỏ của họ.
Đi tiếp về phía trước, phong cảnh lại biến đổi, thủy đạo dần rộng ra, hai bên vách đá xuất hiện vô số khán thờ lớn nhỏ khác nhau có các pho tượng Phật giáo, Bản giáo tạo hình kỳ dị, sừng sững hai bên bờ, thoạt nhìn như thể đang hơi cúi đầu quan sát ba con thuyền nhỏ đi qua bên dưới. Những pho tượng ấy đều cao to dị thường, vững chãi kiên cố như vách đá núi lửa nơi đây, chẳng rõ đã đứng ở đó được mấy nghìn năm, rất nhiều pho tượng cả pháp sư Á La cũng không rõ nguồn gốc thế nào.