Martin Eden
Chương 43
Martin không giận. Thậm chí gã cũng không làm cao nữa. Gã tha thứ cho ông Morse mà lòng vẫn tự hỏi lòng không hiểu chịu đựng cái điều sỉ nhục ấy ông Morse cảm thấy thế nào. Gã không cự tuyệt lời mời. Gã chỉ dùng những lời lẽ lờ mờ không rõ để gạt đi, gã hỏi thăm gia đình, đặc biệt là bà Morse và Ruth. Gã nhắc đến tên nàng một cách tự nhiên không chút rụt rè, tuy gã thầm ngạc nhiên tại sao trong mạch máu gã không bừng lên một chút rung động, không một chút rộn ràng ấm áp quen thuộc xưa kia.
Gã nhận được rất nhiều lời mời đến ăn, thỉnh thoảng gã cũng có nhận lời đôi chỗ. Nhiều người nhờ người khác giới thiệu mình để được mời gã lại ăn. Và gã cứ lúng túng vì chuyện nhỏ đang trở thành chuyện lớn. Bernard Higginbotham mời gã đến ăn. Gã càng lấy làm bối rối tợn. Gã nhớ lại những ngày đói ăn tuyệt vọng mà không có ai mời. Những lúc ấy là lúc gã cần đến những bữa ăn, và người gã cứ yếu đi, lả đi vì thiếu ăn, gã sút cân chỉ vì đói. Thật là chuyện ngược đời. Khi cần đến ăn thì không ai cho, bây giờ gã có thể mua được hàng trăm hàng nghìn bữa ăn, và ăn chẳng thấy ngon miệng nữa thì những bữa ăn lại tứ phía dồn dập tới. Nhưng tại sao thế nhỉ? Không có công bằng trong đó một chút nào, về phần gã cũng không có gì là xứng đáng. Gã có khác gì đâu. Tất cả những tác phẩm gã đã viết, gã đã viết xong từ dạo ấy cơ mà. Ông bà Morse đã kết tội gã là một thằng lười biếng, một kẻ trốn việc, và qua Ruth giục gã kiếm một chân thư ký ở một công sở, hơn nữa, lúc đó họ cũng biết công việc của gã đã làm xong rồi đấy chứ. Hết bản thảo này đến bản thảo khác của gã đã được Ruth chuyển qua tay họ. Họ đã đọc những bản thảo ấy. Vẫn những tác phẩm ấy đã làm cho tên tuổi gã nổi trên khắp mặt báo và chính cái tên tuổi gã nổi trên khắp các mặt báo đã làm cho họ mời gã đến ăn.
Có một điều chắc chắn là: Gia đình nhà Morse trước kia đã không cần gã vì gã, hoặc cần gã vì các tác phẩm của gã. Vì thế bây giờ họ cũng không thể cần gã vì gã, hoặc vì các tác phẩm của gã, họ cần là cần cái danh vọng của gã, bởi vì gã đã là ông nọ ông kia, và - tại sao lại không nhỉ? - bởi vì gã đã có trong tay một trăm nghìn đô la hoặc vào khoảng đó. Đó là cái cách mà xã hội tư sản đánh giá một con người, và gã là ai mà đợi người ta đánh giá cách khác? Nhưng gã lấy làm kiêu hãnh. Gã khinh bỉ cái cách đánh giá ấy. Gã muốn người ta đánh giá gã vì bản thân gã hay vì tác phẩm của gã, vì dù sao tác phẩm của gã cũng là biểu hiện của bản thân gã. Đó chính là cách Lizzie vẫn đánh giá gã. Đối với nàng, ngay cả tác phẩm của gã cũng không đáng kể. Nàng đánh giá gã vì bản thân gã. Đó cũng là cách mà anh thợ nguội Jimmy và tất cả bạn cũ của gã vẫn đánh giá gã. Điều đó đã được chứng tỏ khá rõ trong những ngày gã cùng sống với họ, nó đã được chứng tỏ trong cái ngày chủ nhật ở công viên Shell Mound. Tác phẩm của gã không có nghĩa lý gì đối với họ. Cái mà họ thích, cái mà họ sẵn lòng ra tay để bảo vệ chính là Martin Eden, một người trong bọn họ, một gã rất tốt bụng.
Còn đối với Ruth. Xưa kia nàng đã thích gã vì gã, điều đó là thực. Không còn bàn cãi gì nữa. Nhưng tuy thích gã đấy, nàng vẫn thích cái tiêu chuẩn về giá trị của giai cấp tư sản hơn. Nàng đã phản đối việc viết văn của gã, đối với gã hình như cái chính là vì nó không kiếm ra tiền. Đó là lời phê bình của nàng về tập "Thơ tình" của gã. Cả nàng nữa đã thúc giục gã phải kiếm việc làm. Thực ra, nàng đã làm cho cái tên thanh nhã đi bằng cách gọi là "chức vị" nhưng nó vẫn cùng một ý ấy thôi, và cái cách đặt tên ngày ấy vẫn còn in sâu lắng trong óc gã. Gã đã đọc cho nàng nghe tất cả những cái gã đã viết - thơ, truyện ngắn, luận văn - "Wiki-Wiki," "Sự hổ thẹn của mặt trời," tất cả. Và nàng vẫn cứ luôn luôn trước sau như một thúc giục gã đi kiếm việc làm, đi làm - Trời ơi! Làm như thể gã không hề làm việc, không hề bỏ cả ngủ, dốc hết cả đời mình ra để làm cho xứng đáng với nàng.
Thế là câu chuyện nhỏ đã lớn lên. Gã khỏe mạnh, người bình thường, ăn đều, ngủ nhiều, thế mà cái chuyện nhỏ mọn đang lớn dần lên ấy đã trở thành một ám ảnh. Tác phẩm viết đã từ lâu rồi. Câu đó cứ ám ảnh trí óc gã. Gã ngồi đối diện với Bernard Higginbotham trước một bữa ăn thịnh soạn ngày chủ nhật ở "Higginbotham thương điếm", gã phải cố gắng tự kìm mình lắm mới khỏi thét lên.
"Đấy là những tác phẩm viết từ lâu rồi! Thế mà bây giờ anh mới mời tôi ăn, xưa kia anh mặc tôi chết đói, anh cấm cửa tôi, chửi tôi vì tôi không kiếm việc làm. Mà khi đó thì công việc tôi đã làm xong, làm xong tất cả. Và bây giờ, khi tôi nói anh ngậm miệng lại, anh chăm chú nhìn vào môi tôi, kính cẩn chú ý lắng nghe tất cả những gì tôi nói. Tôi nói với anh rằng bọn bạn của anh là một lũ thối tha, một lũ lừa bịp, thì đáng lẽ nổi giận anh lại ậm ậm ừ ừ và nhận rằng những điều tôi nói là có nhiều ý nghĩa lắm. Tại sao lại như vậy? Bởi vì tôi đã nổi tiếng; bởi vì tôi có nhiều tiền, không phải bởi vì tôi là Martin Eden, một gã tốt bụng và càng không phải đặc biệt vì tôi là một thằng ngốc. Tôi có thể nói với anh rằng mặt trăng làm bằng phó mát, anh cũng sẽ đồng ý với cái nhận định đó, hay ít nhất cũng không dám phủ nhận điều đó, vì tôi có tiền, có hàng núi tiền. Và những cái kiếm ra tiền đó thực ra đã làm xong từ lâu rồi; tôi nói cho anh biết, tôi làm xong nó vào cái lúc anh nhổ vào mặt tôi như nhổ vào đống nhơ dưới chân anh ấy!"
Nhưng Martin không thét lên. Ý nghĩ ấy gặm nhấm trong óc gã, nó giày vò gã không ngớt, trong khi gã vẫn cười và nén được mình. Vì gã ngồi yên nên Bernard Higginbotham tha hồ nói chuyện. Lão cũng đã thành công và lão kiêu hãnh vì điều đó. Lão là con người tự lập. Không ai giúp đỡ lão cả. Lão không nợ nần ai. Lão đã làm đầy đủ bổn phận của một người công dân và đã nuôi nổi một gia đình đông con. Đấy, cái "Higginbotham thương điếm", cái công trình kết quả của cuộc đời cần cù và khéo léo của lão. Lão yêu cái "Higginbotham thương điếm" như nhiều người yêu vợ mình. Lão đã thổ lộ tất cả nỗi lòng mình ra cho Martin, đã nói cho gã biết do sự khéo léo, do tính toán ghê gớm đến thế nào mà lão đã dựng nên được cái thương điếm này. Lão đã có những kế hoạch cho nó, những kế hoạch đầy tham vọng. Cả cái khu xung quanh đây đang lớn lên rất nhanh. Cửa hiệu của lão thực là bé quá. Nếu có thêm chỗ, lão có thể lắp vài chục loại thiết bị cải tiến vừa tiết kiệm được sức, vừa đỡ tốn tiền. Và lão sẽ làm như thế. Lão đang cố dốc hết sức cho cái ngày lão có thể mua được khu đất bên cạnh, và dựng thêm một tòa nhà hai tầng nữa. Trên gác lão sẽ cho thuê, tầng dưới của hai toà nhà sẽ là "Higginbotham thương điếm". Mắt lão long lanh khi lão nói tới tấm biển mới sẽ giăng ra rõ ràng qua cả hai toà nhà.
Martin quên không nghe. Cái điệp khúc "tác phẩm đã viết từ lâu rồi" trong óc gã đã nhận chìm lời nói thao thao của lão anh rể. Cái điệp khúc đó làm gã phát điên lên; gã cố gắng trốn thoát nó.
"Anh nói là nó đáng giá bao nhiêu?" Martin bỗng hỏi.
Lão anh rể dừng lại giữa những lời lẽ dài dòng về những cơ hội làm ăn buôn bán của khu vực lận cận. Lão chưa hề nói nó đáng giá bao nhiêu. Nhưng lão vốn biết. Lão đã hình dung ra nó có đến hàng chục lần rồi.
"Tính theo giá gỗ hiện nay," lão nói, "thì bốn nghìn có thể mua được."
"Kể cả cái biển hàng?"
"Cái đó tôi chưa tính. Khi có nhà thì phải có biển hàng!"
"Còn đất bao nhiêu?"
"Hơn ba nghìn."
Lão ngả người ra phía trước, liếm môi, hai tay cứ bồn chồn duỗi ra rồi lại nắm vào trong khi lão nhìn Martin viết tấm ngân phiếu. Khi tấm ngân phiếu được trao cho lão, lão nhìn số tiền - bảy nghìn đô la.
"Tôi - tôi không thể trả lãi hơn sáu phân được," lão nói, giọng khàn khàn.
Martin muốn cười lớn, nhưng gã lại hỏi:
"Thế bao nhiêu?"
"Để tôi xem - Sáu phân - sáu lần bảy là đi - bốn trăm hai mươi."
"Như thế nghĩa là ba mươi đô la một tháng, có phải không?"
Higginbotham gật đầu.
"Thế này nhớ, nếu anh không phản đối, chúng ta sẽ thu xếp như thế này." Martin liếc nhìn chị Gertrude. "Anh có thể giữ cả món tiền đó cho anh, nếu anh đem mỗi tháng ba mươi nhăm đô la thuê người nấu ăn, giặt giũ, lau nhà. Bảy nghìn đô la sẽ là của anh nếu anh bảo đảm rằng chị Gertrude sẽ không phải làm những công việc nặng nhọc nữa. Có thỏa thuận không?"
Higginbotham nuốt nước bọt khó nghĩ. Cái việc vợ lão không làm công việc gia đình nữa là một xúc phạm đến cái tâm hồn bủn xỉn của lão. Món quà phi thường này là cái vỏ ngoài của một viên thuốc, một viên thuốc đắng. Vợ lão không phải làm việc nữa! Điều đó làm lão ớ cả người ra.
"Thôi được," Martin nói. "Tôi sẽ trả ba mươi đô la một tháng và... "
Gã đưa tay qua bàn với lấy tờ ngân phiếu. Nhưng Higginbotham đã vồ lấy trước, vừa vồ vừa kêu lên:
"Tôi xin nhận, tôi xin nhận!"
Khi Martin lên xe điện, gã thấy người chán nản, mệt mỏi. Gã nhìn tấm biển cửa hiệu, miệng lẩm bẩm:
"Đồ lợn! Đồ lợn! Đồ lợn!"
Khi tạp chí "Mackintosh" in "Người xem tướng tay" do Berthier trình bày và Wenn vẽ hai bức tranh minh họa thì Herman Von Schmidt quên bẵng ngay rằng đã có lần hắn gọi những vần thơ ấy là tục tĩu. Hắn tuyên bố rằng vợ hắn đã gây ra thi hứng cho bài thơ đó, hắn tìm cách làm cho những lời ấy đến tai một ký giả, và hắn để ột anh nhà báo đến phỏng vấn, đi theo có một anh chàng nhiếp ảnh và một họa sĩ. Kết quả là một trang phụ trương chủ nhật đầy những ảnh và những bức vẽ lý tưởng hoá Marian, với rất nhiều những chi tiết thuộc về đời tư của Martin Eden và gia đình gã, và toàn bộ bài thơ "Người xem tướng tay" bằng chữ lớn được tạp chí "Mackintosh" đặc biệt cho phép in lại. Điều đó gây một sự xao động cho bà con lân bang hàng xóm, các bà nội trợ hãnh diện được quen với em gái một nhà văn vĩ đại, còn những người chưa quen thì vội vã đến làm quen. Herman Von Schmidt thì cứ cười hô hố trong cái cửa hàng chữa xe đạp nhỏ bé của hắn và quyết định sắm một cái máy tiện mới. "Tốt hơn là quảng cáo," hắn nói với Marian, "mà lại chẳng tốn xu nào."
"Chúng ta nên mời anh ấy lại ăn cơm," cô Marian gợi ý.
Martin đến ăn, gã cố gắng làm vừa lòng lão chủ hàng thịt bán buôn phì nộn và mụ vợ còn phì nộn hơn. Họ là những nhân vật quan trọng chắc chắn là sẽ giúp ích được ột anh chàng trẻ tuổi đang lên như Herman Von Schmidt, kéo được họ đến nhà hắn ta cũng là một cái mồi lớn không kém kéo được ông anh rể vĩ đại. Ở bàn ăn có một người khác cũng cắn phải cái mồi câu ấy, là viên tổng thanh tra các đại lý của hãng xe đạp Asa trên bờ biển Thái bình dương. Von Schmidt cũng muốn chiều chuộng, cũng muốn lấy lòng lão ta bởi vì nhờ lão mà hắn có thể được một chân đại lý xe đạp ở khu Oakland. Vì thế Von Schmidt cho rằng có được Martin làm anh rể, thì thật là một tài sản lớn, tuy trong thâm tâm, hắn không thể hiểu được do đâu mà Martin được như thế. Trong đêm tối tĩnh mịch, khi vợ hắn đã ngủ rồi, hắn lần giở tất cả các tác phẩm và thơ ca của Martin ra đọc, và hắn quả quyết rằng thiên hạ thật là một lũ ngốc mới đi mua những tác phẩm đó.
Và trong đáy lòng, Martin cũng hiểu quá rõ những ý nghĩ ấy trong khi gã ngả người ra phía sau, nhìn cái đầu của Von Schmidt một cách thèm thuồng, tưởng tuợng, gã đang đám nó đến bật tung ra, những quả đấm tới tấp nện vào cái đầu đó - cái đầu thằng Đức ngu xuẩn ấy! Nhưng có một điều hắn thích ở Von Schmidt. Nghèo như hắn, quyết tâm vươn lên như hắn, thế mà hắn vẫn thuê một người làm để đỡ những công việc nặng nhọc cho Marian. Martin nói chuyện với viên tổng thanh tra của hãng Asa, sau bữa ăn gã kéo lão ta cùng Hermann ra một chỗ, và nói rằng gã sẽ bỏ tiền để mở một cửa hàng bán xe đạp tốt nhất cho Hermann với đầy đủ các thiết bị ở Oakland. Gã còn đi xa hơn nữa, trong khi nói riêng với Hermann, gã bảo hắn cứ chuẩn bị tinh thần kiếm ình một chân đại lý ô-tô nữa, và không lý gì hắn không thể đảm đương thành công cả hai cửa hàng một lúc.
Lúc từ biệt, Marian đầy nước mắt ôm vòng lấy cổ Martin, và nói với anh rằng cô yêu anh biết bao và bao giờ cũng vẫn yêu anh. Đúng như vậy, lời nói đoan chắc của cô ta mới thoát ra được một nửa đã dừng ngay lại, cô vừa khóc vừa hôn cùng với những lời nói lắp bắp rời rạc mà Martin cho là cô ta kêu gọi sự tha thứ của anh vì đã có lúc cô thiếu lòng tin ở anh và cứ khăng khăng khuyên anh đi tìm một việc làm.
"Chắc chắn ông này không bao giờ giữ được tiền," Herman Von Schmidt nói riêng với vợ. "Ông ta phát điên lên khi tôi nói đến lãi, ông ta nói mặc mẹ nó tiền vốn với chẳng tiền vốn, và nếu tôi còn đả động đến nữa thì ông ta sẽ quật vào cái đầu Đức của tôi cho đến bật ra. Ông ta nói thế đấy - cái đầu Đức của tôi. Nhưng ông ta cũng không đến nỗi tồi, tuy không phải là người biết buôn bán. Ông ta đã tạo cho tôi dịp may, ừ, ông ta không đến nỗi tồi."
Những lời mời đến ăn cứ tới dồn dập với Martin, nó càng dồn vào nhiều, gã lại càng lúng túng. Gã ngồi ở ghế danh dự một bữa tiệc tại câu lạc bộ Arden với những nhân vật nổi tiếng mà trước kia gã chỉ nghe tiếng hoặc đọc thấy tên ở trên báo, họ nói với gã rằng từ khi họ đọc "Tiếng chuông" trên tờ "Xuyên lục địa nguyệt san" và "Nàng tiên và viên ngọc" trên tờ "Con ong" họ đã đoán ngay gã là người nhất định sẽ thành công. "Trời ơi!" Gã nghĩ thầm. "Thế mà lúc đó tôi đang ăn đói mặc rách. Tại sao lúc đó các ông không mời tôi một bữa. Có phải là đúng lúc không. Đấy là những tác phẩm đã viết ra từ lâu rồi. Nếu ngày nay các ông mời tôi ăn vì những tác phẩm tôi đã viết thì tại sao các ông đã không mời tôi ăn lúc đó khi tôi đang cần ăn. Không một từ nào trong "Tiếng chuông" hoặc "Nàng tiên và viên ngọc" thay đổi cả. Không, các ông mời tôi ăn bây giờ không phải là vì những tác phẩm tôi đã viết đâu. Các ông mời tôi ăn là một vinh dự. Các ông mời tôi ăn bây giờ, bởi vì các ông là một bầy súc vật, bởi vì các ông thuộc về phường hạ tiện, bởi vì vừa đây trong đám đông có một kẻ có cái ý nghĩ mù quáng, máy móc là mời tôi tới ăn."
"Martin Eden và những tác phẩm đã hoàn thành của Martin Eden đối với tất cả những chuyện đó có liên quan gì với nhau?" Gã rầu rĩ tự hỏi, rồi đứng dậy đáp lại một cách khôn ngoan tế nhị những cốc rượu chúc mừng khôn ngoan tế nhị.
Cứ như vậy ngày nọ tiếp ngày kia. Bất luận gã ở đâu - ở câu lạc bộ báo chí, ở câu lạc bộ Redwood, ở những bữa tiệc trà long trọng, ở những cuộc hội họp văn nghệ - đâu đâu, người ta cũng nhắc đến hai tác phẩm "Tiếng chuông" và "Nàng tiên và viên ngọc," khi chúng mới được in lần đầu tiên. Martin luôn luôn phát điên lên và tự hỏi: "Tại sao lúc đó các ông không mời tôi ăn? Những tác phẩm ấy đã viết xong từ lâu rồi. "Tiếng chuông," "Nàng tiên và viên ngọc" đến bây giờ vẫn không thay đổi một chữ. Lúc đó chúng có đầy tính nghệ thuật, đầy giá trị như bây giờ. Các anh mời tôi không phải vì chúng, cũng không phải vì bất cứ một cái gì khác tôi đã viết ra đâu. Các anh mời tôi ăn bởi vì bây giờ đó là cái mốt, bởi vì tất cả đám hạ lưu hèn mạt đang phát điện lên với ý tưởng mời được Martin Eden ăn."
Thường thường, trong những lúc đó, gã lại bỗng thấy dáng đi thõng vai, lẫn với những người khác của một gã côn đồ trẻ tuổi mặc chiếc áo ngắn, đầu đội chiếc mũ Stetson vành cứng. Câu chuyện đã xảy ra với gã trong Gallina hiệp hội ở khu Oakland, một buổi chiều. Khi Martin ở ghế đứng dậy và bước lên diễn đàn, gã lại trông thấy gã côn đồ trẻ tuổi mặc chiếc áo ngắn, đội mũ vành cứng đó nghênh ngang bước qua cửa chính phía sau gian phòng lớn. Martin cố hết sức chú ý căng mắt nhìn, đến nỗi năm trăm các bà các cô ăn mặc lịch sự, đúng mốt phải quay đầu lại nhìn xem gã đang nhìn gì. Nhưng họ chỉ trông thấy lối đi chính giữa trống rỗng không có một ai.
Martin thấy gã thô lỗ ấy lảo đảo bước xuống lối đi đó, và tự hỏi không biết gã ta có bỏ cái mũ vành cứng mà không bao giờ thấy gã nọ rời ra không. Gã nọ bước thẳng xuống lối đi và lên diễn đàn. Martin đã suýt khóc cho cái bóng hình trai trẻ ấy của bản thân, khi gã nghĩ tới bao nhiêu điều mà gã phải chịu đựng. Gã nọ lảo đảo bước qua diễn đàn, tới thẳng chỗ Martin và biến mất. Năm trăm các bà các cô vỗ nhè nhẹ với những bàn tay đeo găng, để khuyến khích cái con người vĩ đại e thẹn đang là khách của họ hôm nay. Martin rũ hình ảnh ấy ra khỏi trí óc, gã mỉm cười và bắt đầu nói.
Ông tổng giám thị các trường học, một ông già tốt bụng gặp Martin ở phố, đã đứng lại hỏi thăm gã và nhắc đến những chuyện xưa trong phòng làm việc của ông khi Martin bị đuổi ra khỏi trường vì tội đánh nhau.
"Tôi đã đọc "Tiếng chuông" của anh trên một tờ tạp chí từ lâu," ông ta nói. "Hay giống Poe 1 chút vậy. Thật là tuyệt, lúc đó tôi đã nói ngay thật là tuyệt!"
"Vâng, vậy mà mấy tháng trước đây, hai lần ông gặp tôi ngoài phố, ông có nhận ra tôi đâu." Martin gần như nói to lên. "Mỗi lần là một lần tôi bị đói và phải ra hiệu cầm đồ. Vậy mà các tác phẩm tôi đã viết xong từ lâu. Lúc đó ông không nhận ra tôi. Tại sao bây giờ ông lại nhận ra tôi?"
"Hôm nọ, tôi vừa nói với nhà tôi," ông giám thị nói, "có dịp nào phải mời anh Martin lại ăn cũng hay đấy? Nhà tôi hoàn toàn đồng ý. Phải, nhà tôi đã hoàn toàn đồng ý với tôi!"
"Đến ạ!" Martin nói sẵng quá gần như một tiếng gầm.
"Sao, vâng, vâng, mời anh đến ăn, anh biết đấy - lại đằng nhà uống mấy cốc cầu may với chúng tôi, với lão giám thị cũ của anh ấy mà, anh bạn ranh con nhé!" Ông ta rụt rè thốt lên và đấm Martin một cái ra ý thân mật, lối bạn bè.
Martin bước đi trên đường phố như trong một cơn mê. Gã đứng lại ở góc phố, đưa mắt lơ đãng nhìn quanh.
"Ối mẹ khỉ!" Cuối cùng, gã lẩm bẩm. "Lão già sợ mình!"
Chú thích:
1. Edgar Allan Poe (1803 - 1849) - một nhà viết truyện ngắn kiêm nhà thơ của Mỹ.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp