Martin Eden

Chương 35


Chương trước Chương tiếp

Brissenden không giải thích tại sao anh vắng mặt lâu thế, mà Martin cũng không tò mò hỏi làm gì. Được nhìn bộ mặt xanh xao hốc hác của bạn, qua làn hơi nhè nhẹ bốc lên từ cốc toddy, thế là thỏa mãn rồi.

Sau khi nghe Martin kể lại những công việc đã làm trong thời gian qua, Brissenden nói:

"Thì tớ cũng có ngồi không đâu." Anh rút ở túi áo trong ra một tập bản thảo đưa cho Martin nhìn nhan đề rồi ngước mắt lên, vẻ tò mò.

Brissenden cười: "Thì đúng thế. Cái tên cũng khá hay đấy chứ? "Phù du" - đúng là danh từ ấy đấy. Chính cậu phải chịu trách nhiệm về cái tên đó, vì đây là con người theo quan niệm của cậu, là một vật vô cơ luôn luôn đứng thẳng, đầy sức sống, một phù du hoàn chỉnh nhất, một sinh vật mà thời tiết chỉ nhích lên một chút là nở ra với cái thân hình nhỏ bé hiên ngang đi trong ống hàn thử biểu. Ý nghĩ đó đã thâm nhập vào đầu óc tớ, và tớ phải viết nó ra để tống khứ nó đi. Cậu đọc đi và ình biết ý kiến."

Mặt Martin ửng đỏ, nhưng dần dần tái nhợt đi khi gã đọc tiếp. Đây là nghệ thuật tận thiện tận mỹ. Hình thức đã chiến thắng được nội dung, nếu có thể nói được là như thế khi tất cả những khía cạnh nhỏ nhất của nội dung được thể hiện bằng một hình thức hoàn mỹ, khiến đầu óc gã bơi trong một niềm khoái cảm kỳ thú, mắt gã trào ra những dòng lệ say sưa, sống lưng gã run lên ớn lạnh. Đó là một bài thơ dài khoảng sáu bảy trăm câu, một cái gì thật quái đản, kỳ lạ, siêu phàm. Nó kinh khủng quá, không thể có được, thế mà nó có đấy, được ghi bằng mực đen trên những tờ giấy trắng. Bài thơ nói về con người trong mối quan hệ cuối cùng với tâm hồn mò mẫm, thăm dò những vực sâu thẳm của vũ trụ bao la để tìm chứng cớ của mặt trời đã tắt và ánh phản quang của cầu vồng. Đây là một cuộc truy hoan điên cuồng của trí tưởng tượng, sự say sưa điên cuồng của một người sắp chết, lúc thầm nức nở, lúc rộn ràng theo nhịp hỗn độn của một trái tim đang yếu dần. Bài thơ oai nghiêm bay lên tới vùng hỗn độn lạnh lẽo của những trận xô xát giữa các vì sao, tới vùng hỗn mang của những mặt trời để trở nên băng giá, và đến đám tinh vân bốc lửa soi sáng khoảng không tăm tối; qua tất cả những cái đó, không ngừng và yếu ớt như tiếng con thoi bạc là tiếng nói như tiếng sáo yếu ớt của con người, tiếng kêu chiêm chiếp than vãn giữa tiếng thét của các hành tinh và tiếng va chạm ầm ầm của các hệ thống tinh cầu.

"Một cái như thế này trong văn học chưa hề có!" Martin nói khi cuối cùng gã có thể nói được. "Thật là kỳ diệu, kỳ diệu! Đọc nó, mình thấy chóng mặt. Mình say sưa nó. Vấn đề vĩ đại, vô cùng kỳ diệu ấy mình không thể nào xua đuổi ra khỏi ý nghĩ của mình được. Tiếng nói yếu ớt như than vãn của con người, tiếng nói dò hỏi bất diệt, cứ luôn luôn nhắc đi nhắc lại ấy vẫn ngân vang trong tai mình. Nó như một khúc tang hành của một con bọ mạt giữa những tiếng rống của voi và tiếng gầm của sư tử. Không bao giờ thỏa mãn được nỗi khao khát vô cùng nhỏ bé. Mình cũng biết lúc này đây mình thực đáng buồn cười, nhưng cái đó nó cứ ám ảnh mình hoài. Cậu thật là, mình cũng không biết cậu là thế nào nữa - cậu thật là kỳ diệu, có thế thôi. Nhưng làm thế nào mà cậu viết được như vậy? Làm thế nào?"

Martin ngừng lại trong lời ca ngợi say sưa của mình, để rồi lại nói tiếp:

"Mình sẽ không bao giờ viết nữa. Mình chỉ là một anh thợ nặn vụng về. Cậu đã ình xem tác phẩm của một người thợ chân chính, kĩ xảo tuyệt vời. Thiên tài! Cái này còn là một cái gì hơn cả thiên tài. Đó là sự thực đến cùng cực. Hàng hàng đều là sự thực. Mình không biết cậu có nhận thấy điều đó không, cậu, một con người võ đoán. Khoa học cũng không thể chứng minh được là cậu sai. Đây là mỉa mai mà chân thực, ngôn từ luyện thép mầu của vũ trụ, dệt bằng những nhịp điệu hung mạnh của âm thanh thành một tấm thảm huy hoàng và đẹp đẽ. Và bây giờ mình không nói thêm một lời nào nữa. Nó khuất phục mình, nó bóp nghẹt mình, phải, đúng thế. Ừ, mình cũng muốn. Để mình đưa bài thơ của cậu cho họ xuất bản."

Brissenden cười:

"Dám chắc là không một tạp chí nào trong cái thế giới theo đạo thiên chúa này lại dám in bài thơ ấy của mình. Chắc cậu cũng biết thế."

"Mình không biết gì cả. Mình tin rằng không có một tạp chí nào trong cái thế giới theo đạo thiên chúa này lại không vồ lấy mà đăng ngay, không phải ngày nào họ cũng nhận được những bài hay như thế này. Đây không phải là một bài thơ của năm tháng mà là bài thơ của thế kỷ."

"Tớ muốn được đúng như cậu nói."

"Không nên quá khinh đời." Martin cãi lại. "Không phải tất cả bọn chủ bút các tạp chí đều là ngu xuẩn cả. Mình biết chắc như vậy. Mình dám đánh cuộc với cậu. Dám đánh cuộc bằng bất cứ giá nào là chỉ gửi đi lần thứ nhất hay lần thứ hai là cùng, bài "Phù du" nhất định sẽ được đăng."

Brissenden ngồi im một lát rồi nói:

"Chỉ có một điều làm cho tớ không theo ý cậu được. Đó là một bài thơ lớn - lớn nhất trong các bài tớ đã sang tác từ xưa đến nay. Tớ biết lắm. Đó là tác phẩm cuối cùng của mình. Tớ rất tự hào về nó, còn hơn cả rượu whiskey. Đó là cái tớ vẫn hằng mơ ước - cái vĩ đại và hoàn mỹ - ngay từ khi tớ hãy còn là một chàng trai chân thực với những ảo mộng êm đềm, những lý tưởng trong trắng. Và bây giờ, tớ đã nắm được nó trong tay, trong cái nắm tay cuối cùng của đời tớ. Không, tớ không nhận đánh cược với cậu. Bài thơ của tớ. Tớ đã sáng tác ra nó và cũng một phần là của cậu."

"Nhưng hãy nghĩ tới những người khác nữa." Martin phản đối. "Chức năng của cái đẹp là mang lại niềm vui."

"Đó là cái đẹp của riêng tớ."

"Không nên ích kỷ."

"Tớ không ích kỷ," Brissenden cười điềm đạm y như những lúc anh thích thú một điều gì mà đôi môi mỏng của anh sắp sửa nói ra. "Tớ không ích kỷ hơn một con chó đói."

Martin hết sức thuyết phục Brissenden bỏ cái ý định đó, nhưng vô ích. Gã nói với Brissenden rằng sự căm ghét của Brissenden đối với các tạp chí là điên cuồng, là quá khích và thái độ của Brissenden còn trăm ngàn lần đáng khinh hơn cái anh chàng trai trẻ nào đó đã đem đốt tòa miếu cổ của thần Diana ở Ephesus. Trước những lời buộc tội gắt gao ấy, Brissenden vẫn cứ bình thản ngồi nhấp rượu. Anh đồng ý là tất cả những điều Martin nói đều hoàn toàn đúng, chỉ trừ những ý kiến về bọn chủ bút các tạp chí. Sự căm ghét của anh đối với bọn này thật không có giới hạn nào, và khi buộc tội chúng, anh còn gay gắt hơn Martin nhiều.

"Tớ muốn cậu đánh máy hộ," anh nói. "Cậu còn thạo một ngàn lần hơn bất cứ một anh chàng ghi tốc ký nào. Bây giờ tớ có mấy lời khuyên cậu." Anh rút ở túi ngoài ra một tập bản thảo dày cộm. "Đây là tập Sự hổ thẹn của mặt trời của cậu. Tớ đã đọc, không phải chỉ một lần, mà hai lần, ba lần. Đó là lời khen ngợi tốt đẹp nhất mà tớ có thể tặng cậu. Sau tất cả những ý kiến cậu nói về tập Phù du của tớ, thì tớ đành phải yên lặng thôi. Nhưng có một điều này thì tớ phải nói: Khi tậpSự hổ thẹn của mặt trời được xuất bản, nhất định nó sẽ gây một tiếng vang và làm nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi còn đáng giá gấp trăm ngàn lần hơn những bài quảng cáo."

Martin cười lớn. "Hẳn cậu cũng sẽ khuyên mình gửi nó cho các tạp chí chứ gì."

"Nhất định không - có nghĩa nếu cậu muốn bài thơ ấy được in thì không nên. Hãy gửi nó đến những nhà xuất bản nổi tiếng nhất. Một anh chàng biên tập nào đó của nhà xuất bản có thể khá mê cuồng, khá say sưa để mà đề xuất những ý kiến có lợi cho cậu. Cậu đã đọc nhiều sách. Tinh túy của những cuốn sách đã biến đổi trong cái nồi đất của trí óc cậu chảy ra thành Sự hổ thẹn của mặt trời và một ngày kia Martin Eden sẽ nổi tiếng, tiếng tăm của anh ta nhờ vào tác phẩm này không ít. Thế nào cậu cũng phải tìm một nhà xuất bản cho nó, càng sớm càng tốt."

Đêm ấy, khuya lắm, Brissenden mới ra về; vừa bước lên bậc thứ nhất của chiếc xe điện, anh chợt quay lại, giúi vào tay Martin một mảnh giấy vo tròn.

"Cầm lấy cái này," anh nói. "Hôm nay tớ đi chơi cá ngựa và bỏ được đúng mối."

Chuông kêu leng keng, và xe điện chạy, để lại Martin đứng đó băn khoăn không hiểu mảnh giấy vo tròn nhờn nhờn gã đang nắm trong tay là cái gì. Trở về phòng, gã giở ra thấy tờ một trăm đô la.

Martin chẳng cần phải câu nệ gì mà không tiêu số tiền đó. Gã biết Brissenden luôn luôn có nhiều tiền và với một niềm tin tưởng sâu xa, gã cũng biết rồi đây sự thành công của gã sẽ giúp gã trả lại được. Sáng hôm sau, gã đem thanh toán tất cả các món nợ, đưa cho chị Maria ba tháng trước tiền thuê phòng, và chuộc lại tất cả những thứ ở hiệu cầm đồ về. Sau đó, gã mua một bộ đồ mừng cưới cho cô Marian, và một vài tặng phẩm giản dị hơn, thích hợp với ngày lễ Noel để tặng Ruth và Gertrude. Cuối cùng, với số tiền còn lại, gã đưa cả nhà Maria xuống khu Oakland. Gã để chậm mất một mùa đông mới thực hiện được lời hứa của mình, nhưng cuối cùng thì lời hứa ấy đã được thành sự thật. Mỗi đứa, ngay đứa bé nhất, và cả chị Maria nữa cũng được một đôi giày mới. Và lại còn, nào là mấy cái còi, nào là búp bê, đủ thứ đồ chơi, kẹo bánh, hạt dẻ, gói to gói nhỏ chất đầy tay lũ trẻ con nhà chị Maria đến nỗi chúng không còn ôm được nữa.

Đúng vào lúc cái đám người kỳ lạ ấy bám sát gót gã và chị Maria đi vào một cửa hàng bánh kẹo, hỏi mua một hộp mứt to tướng thì gã gặp Ruth và mẹ nàng. Bà Morse khó chịu lắm. Ruth cũng bực mình, vì nàng vốn hay kỹ tính vẻ bề ngoài, thế mà cái cảnh người yêu của mình đi sánh vai cùng với mụ Maria, dẫn đầu một bọn lau nhau người Bồ Đào Nha, quần áo rách như tổ đỉa, thì thực là một cảnh không đẹp chút nào. Nhưng điều đó cũng không làm cho nàng bực mình bằng cái điều mà nàng cho là gã thiếu tự tôn tự trọng đến như vậy. Hơn nữa, thấm thía hơn cả là qua sự việc trên nàng thấy rõ gã không thể nào gột bỏ được cái nguồn gốc công nhân của mình. Nguyên sự việc ấy thôi cũng đủ là một sự tủi hổ rồi, thế mà lại còn vênh vang phô bày nó ra một cách vô liêm sỉ trước mặt xã hội - cái xã hội của nàng - thì thật là quá lắm. Tuy việc nàng đính ước với Martin vẫn còn giữ bí mật, nhưng sự đi lại thân mật giữa hai người trong một thời gian dài như vậy, không phải là không gây nên những lời xì xào bàn tán và ở trong cửa hiệu lúc bấy giờ có rất nhiều người quen biết nàng đang kín đáo nhìn người yêu của nàng với cả một đàn lũ theo sau ấy. Nàng không có một tâm hồn khoáng đạt rộng rãi như Martin, và không thể vượt lên trên cái môi trường nàng đang sống được. Nàng bực mình đến phát uất lên, và bản chất nhạy cảm của nàng làm cho nàng run lên vì xấu hổ. Vì thế, sau đó, lúc về chiều, khi đến thăm nàng, gã cứ giữ cái tặng phẩm trong túi áo trong không dám đưa ra vội, đành đợi đến một dịp khác thuận lợi hơn. Ruth nước mắt giàn dụa - những giọt nước mắt giận dữ, phẫn nộ - là một điều mới lạ đối với gã. Vẻ đau khổ của nàng làm cho gã càng thấy quả thật gã là một thằng thô lỗ, nhưng trong đáy sâu tâm hồn, gã vẫn không thể nào thấy được vì lẽ gì, và tại sao lại như vậy. Không bao giờ gã lại có ý nghĩ xấu hổ vì những người mình quen biết, và hình như đối với gã, đưa mẹ con chị Maria đi chơi mua cho họ một ít quà tặng nhân ngày Noel thì có gì là thiếu tôn trọng Ruth. Mặt khác, sau khi nàng giải thích, gã mới thấy rõ quan điểm của nàng. Gã coi đó chỉ là một sự yếu đuối đàn bà, người đàn bà nào cũng vậy, ngay cả những người tốt nhất cũng thường có những điểm yếu đuối như thế.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...