Martin Eden
Chương 16
Nhưng gã không theo chương trình thường ngày. Không còn một truyện cũ nào chưa xong chờ gã viết nốt, không có một truyện mới đòi hỏi gã bắt đầu. Đêm qua học khuya, bây giờ trở dậy đã gần đến bữa ăn sáng. Gã định đọc một chương của Fiske 1, nhưng đầu óc bồn chồn, gã gập sách lại. Hôm này là ngày chứng kiến sự bắt đầu của một chiến đấu mới, cần đòi hỏi một thời gian ngừng viết. Gã cảm thấy một nỗi buồn giống như khi người ta từ biệt căn nhà và gia đình của mình. Gã nhìn chồng bản thảo ở góc phòng. Thế đấy, gã phải xa cách chúng, những đứa con tội nghiệp không được người đời trọng vọng, không được nơi nào đón tiếp. Gã bước tới, lục lại chồng bản thảo, đọc đây đó một vài đoạn mà gã ưa thích. Gã đánh giá cao truyện "Cái xoong" và đọc nó to lên cũng như gã đọc "Mạo hiểm" "Niềm vui" - tác phẩm cuối cùng của gã, mới viết xong ngay hôm trước, bị quăng vào góc phòng vì không có tem để gửi đi, là đứa con mà gã yêu thích nhất.
"Ta không thể nào hiểu được," gã lẩm bẩm. "Hay có thể chính những ông chủ bút không thể nào hiểu được. Trong đó không có gì sai trái cả. Tháng nào họ cũng cho in những tác phẩm tồi hơn nhiều. Tất cả những cái họ cho in đều tồi hơn - hầu như tất cả... "
Ăn sáng xong, gã áy chữ vào trong hộp, mang xuống khu Oakland. Gã nói với người thư ký cửa hàng: "Tôi còn nợ một tháng tiền thuê máy, nhưng ông nói hộ với ông quản lý, tôi sắp đi làm và trong khoảng một tháng gì đó, tôi sẽ thanh toán hết."
Gã qua phà sang bên San Francisco, tìm đường tới Sở tìm việc. Gã nói với người nhân viên: "Bất cứ việc gì cũng được, trừ đi buôn." Gã đương nói thì bị ngắt quãng bởi một gã mới tới, ăn mặc hơi cầu kỳ, giống như một vài anh thợ bản năng thích diện. Người nhân viên lắc đầu chán nản.
"Không xoay được hử?" Gã kia nói. "Hôm nay thế nào tớ cũng phải tìm được người."
Gã quay lại và nhìn vào mặt Martin. Martin cũng nhìn lại; trông thấy bộ mặt xị ra, tái mét, đỏm dáng và yếu ớt gã biết ngay thằng cha đã thức trắng đêm trác táng.
"Tìm việc hử?" Gã hỏi. "Cậu biết làm gì?"
"Mọi công việc nặng nhọc, đi biển, đánh máy chữ nhưng không biết tốc ký, cưỡi ngựa được. Làm gì cũng được, được hết."
Gã kia gật đầu.
"Nghe cũng được đấy. Tên tớ là Dawson, Joe Dawson. Tớ đang cần một người thợ giặt."
"Việc ấy tớ không kham được," gã chợt thấy mình mỉm cười hóm hỉnh khi nghĩ tới phải là những bộ đồ trắng mịn mượt của đàn bà. Nhưng gã thấy thu thú cái gã này và gã nói thêm. "Giặt không thì tớ cũng làm được. Hồi đi biển tớ cũng đã làm nhiều."
Joe Dawson có vẻ suy nghĩ một lát.
"Này, chúng ta cùng thương lượng với nhau. Cậu muốn nghe tớ nói không?"
Martin gật đầu.
"Đây là một cửa hiệu giặt nhỏ, ở vùng quê thuộc khách sạn "Shelly Hot Springs," cậu biết đấy. Cần hai người làm, một người chủ, một người giúp việc. Tớ là chủ, cậu không phải làm cho tớ đâu, nhưng làm dưới quyền tớ. Cậu có ưng không?"
Martin suy nghĩ. Triển vọng cũng sáng sủa đây. Mất vài tháng, rồi gã sẽ có thì giờ để học. Gã có thể làm việc cật lực mà học cũng cật lực.
"Ăn tốt và có buồng riêng cho cậu." Joe nói.
Thế là công việc thu xếp xong. Một buồng riêng, ở đó gã có thể đốt đèn cho đến tận nửa đêm không ai quấy rầy.
"Nhưng làm việc thì như khổ sai đấy," Joe nói thêm.
Martin vuốt ve bắp thịt vai nhô lên của gã một cách có ý nghĩa. "Cái này cũng do làm việc cật lực mà có đấy!"
"Thôi thế thì chúng ta bàn vào việc." Joe để tay lên trán một chút. "Ôi chao, đầu tớ cứ váng cả lên, mắt hoa không nhìn thấy gì. Đêm qua, uống một chầu say mềm... Điều kiện là như thế này nhé. Lương của cả hai thằng là một trăm và được ăn ở. Lương tớ sáu chục, phần người kia là bốn chục. Nhưng hắn ta đã thạo việc. Cậu thì còn lớ ngớ. Nên lấy cậu vào, lúc đầu, tớ còn phải làm thay nhiều. Giả dụ lúc đầu tớ đưa cậu ba chục nhé, rồi dần dần sẽ lên bốn chục. Tớ chơi sòng phẳng. Hễ cậu làm được phần việc của cậu, thì cậu sẽ lĩnh bốn mươi."
"Đồng ý." Martin nói vừa chìa tay cho gã kia bắt. "Có cho vay trước không? Để lấy vé tàu, chi tiêu lặt vặt chứ!"
"Tớ hết nhẵn cả rồi." Joe trả lời buồn bã, tay lại bóp bóp cái đầu đau nhức. "Nhân thân tớ chỉ còn mỗi một cái vé khứ hồi."
"Tớ trả tiền trọ thì chẳng còn đồng xu dính túi."
"Chưa trả vội." Joe mách nước.
"Không được, nợ bà chị tớ mà... "
Joe huýt một tiếng sáo dài, bối rối, cố vắt óc nghĩ kế nhưng cũng không ra.
"Tớ còn đủ để hai đứa làm chầu rượu." Joe nói. "Thôi cứ đi, có thể rồi chúng ta cũng sẽ nghĩ kế xoay được."
Martin từ chối.
"Kiêng à?" Joe hỏi.
Martin gật đầu, còn Joe thì rền rĩ. "Giá mà tớ cũng được như cậu! Nhưng không hiểu sao, tớ không tài nào kiêng nổi." Joe nói như để làm nhẹ lỗi của mình đi. "Sau một tuần lễ làm việc quần quật như trâu, như chó, tớ phải nốc cho say. Nếu không uống thì có lẽ tớ phải cứa cổ tớ đi hay đốt nhà mất. Thấy cậu kiêng được, tớ cũng mừng. Cứ kiêng đi cậu ạ!"
Martin thấy rõ cái vực thẳm mênh mông giữa gã và anh chàng này - cái vực thẳm do sách vở tạo nên, nhưng gã thấy bước trở lại qua cái vực thẳm đó cũng không khó khăn gì. Suốt đời gã đã sống trong thế giới của những người lao động, và tình bạn trong lao động là thiên tính thứ hai của gã. Gã đã giải quyết được vấn đề chuyên chở của mình, một vấn đề nan giải đối với cái đầu óc đau nhức của Joe. Gã sẽ gửi chiếc vali nhờ Joe mang lên tàu đi trước đến khách sạn Shelly Hot Springs. Còn gã thì đã có xe đạp. Đường dài bảy mươi dặm, gã có thể đi ngay chủ nhật, sáng thứ hai đã sẵn sàng làm việc. Bây giờ gã sẽ về nhà thu xếp đồ đạc, quần áo. Chả có ai để mà từ biệt. Ruth và cả gia đình đã đi nghỉ hè ở Sierra, bên hồ Tahoe.
Gã tới Shelly Hot Springs mệt nhoài, người đầy bụi bặm, vào đêm chủ nhật. Joe mừng rỡ đón tiếp gã. Joe đã làm việc suốt ngày với một chiếc khăn thấm nước quấn quanh cái đầu đau nhức.
"Mấy ngày tuần lễ trước đi để kiếm cậu, quần áo giặt ùn cả lại thế kia đấy!" Anh ta giảng giải. "Vali của cậu đến, ổn rồi, ở trong buồng cậu ấy. Vali quỉ gì mà nặng khiếp! Có cái gì trong ấy thế? Vàng thoi chắc."
Joe ngồi ở trên giường trong khi Martin mở vali ra. Thực ra nó vốn chỉ là một cái hòm đựng những đồ hộp ăn sáng, lão Higghinbotham đã bán lại cho anh ấy một nửa đô la. Martin đã đóng vào đó hai cái quai bằng thừng và đã khéo léo biến nó thành một cái vali dùng để mang hành lý đi đây đi đó được. Joe trố mắt nhìn, chỉ thấy vài ba cái áo sơ mi, còn toàn là sách.
"Dễ thường sách đến tận đáy chắc?" anh ta hỏi.
Martin gật đầu, và cứ tiếp tục xếp sách lên một cái bàn nhà bếp kê ở trong phòng dùng làm bàn rửa mặt.
"Hừ!" Joe kêu lên, và yên lặng chờ đợi một ý suy đoán đang hình thành trong óc. Cuối cùng, ý đã tới.
"Này, cậu không để ý gì đến gái à. Thật không?" Anh ta hỏi.
"Không, trước khi mê sách tớ cũng săn gái gớm lắm, nhưng từ độ ham đọc thì chẳng có thì giờ đâu."
Ở đây cũng chẳng có thì giờ. Chỉ có làm việc với ngủ cũng đủ hết ngày.
Martin nghĩ đến năm giờ đồng hồ ngủ trong một đêm của gã và mỉm cười. Căn phòng của gã ở ngay trên xưởng giặt, cùng ở một toà nhà với cái máy bơm nước, vừa phát điện, vừa tiếp điện áy giặt. Anh thợ máy ở phòng bên cạnh cũng tạt vào thăm Martin và giúp gã nối dây lắp bóng điện, dây điện chạy dài suốt từ bàn tới giường.
Sáu giờ mười lăm sáng hôm sau Martin bị lôi dậy để đi ăn sáng vào lúc bảy giờ kém mười lăm. Trong khu nhà giặt có một chiếc bồn tắm giành cho những người làm. Gã tắm bằng nước lạnh, khiến Joe choáng cả người.
"Gớm! cậu thật tài!" Joe nói khi hai người ngồi ăn sáng ở góc bếp của khách sạn.
Cùng ăn còn có anh thợ máy, anh làm vườn, anh phụ việc và hai ba người coi chuồng ngựa. Họ ăn vội vàng, buồn bã, chuyện trò với nhau rất ít. Martin Eden ngồi im, lắng nghe và gã thấy mình đã vượt quá xa chỗ đứng của họ. Tầm hiểu biết chật hẹp của họ làm cho gã chán ngán, và gã muốn mau mau rời xa họ. Cũng vội vàng như học, gã nuốt tống nuốt tháo chỗ thức ăn nghèo nàn, lũng bũng, và thở dài thoát nạn khi bước qua cửa bếp.
Đó là một xưởng giặt nhỏ có máy hơi nước, trang bị hoàn toàn bằng máy móc hiện đại nhất, máy móc làm tất cả mọi việc mà nó có thể làm được. Sau khi được chỉ dẫn, Martin phân loại đồng quần áo bẩn to tướng, trong khi Joe bắt đầu cho chạy máy đập chuyển những bánh xà phòng mềm làm bằng những chất hóa học độc; anh ta phải lấy khăn bông tắm bịt cả mồm, mũi, mắt lại, trông chẳng khác gì một cái thây liệm vải. Sau khi phân loại xong, Martin giúp anh ta vắt quần áo. Việc làm là tống chúng tất cả vào trong một cái thùng quay, một phút có thể quay mấy ngàn vòng, dùng lực ly tâm để vắt kiệt nước. Martin bắt đầu chạy hết từ cái máy sấy, đến cái máy vắt, đồng thời rũ rũ những chiếc bít tất dài và bít tất ngắn. Đến chiều thì một người đưa, một người cứ chất những chiếc bít tất vào cái máy ép, trong khi những chiếc bàn là được đốt nóng. Rồi đến công việc là những bộ đồ lót cho đến tận sáu giờ chiều, lúc ấy Joe lắc đầu ngần ngại.
"Không hết mất," anh ta nói. "Cơm tối xong phải lại phải làm thôi."
Cơm tối xong, họ phải làm cho đến tận 10 giờ đêm dưới ánh đèn điện sáng chói cho đến tận khi chiếc áo lót cuối cùng được là xong, gấp lại và chuyển sang phòng trả. Đó là một đêm oi bức miền California, tuy cửa sổ đã mở toang mà căn phòng, với cái lò đốt bàn là đỏ rừng rực, vẫn nóng chẳng khác gì một cái lò lửa. Martin và Joe chỉ còn mặc độc một chiếc áo lót, cánh tay để trần, mồ hôi vã ra, hơi thở nặng nhọc.
"Chẳng khác gì ở trong một cái tầu hàng ở biển miền nhiệt đới." Martin nói, khi hai người lên gác.
"Rồi sẽ quen đi thôi," Joe trả lời. "Cậu khá lắm, nếu cứ làm như thế thì chỉ tháng đầu thôi là lĩnh ba mươi đô la. Tháng thứ hai đã được bốn mươi. Nhưng đừng có nói là trước kia cậu chưa hề là quần áo bao giờ. Tớ tinh lắm chứ."
"Nói thực với cậu, cả đời tớ chưa hề là cái gì bao giờ, hôm nay mới là lần đầu," Martin cãi lại.
Bước vào phòng, Martin ngạc nhiên thấy mình mệt mỏi, gã quên đứt đi mất là mình đã từng làm việc liền không nghỉ trong mười bốn tiếng đồng hồ. Gã để đồng hồ báo thức vào lúc sáu giờ, tính lùi lại sẽ đi ngủ từ một giờ đêm và như thế là được ngủ năm tiếng. Từ giờ đến lúc đó gã có thể đọc sách. Tụt giày ra cho đôi chân sưng phồng của mình được thoải mái hơn, gã ngồi vào bàn với những cuốn sách. Gã mở Fiske ra ở trang mà hai ngày hôm nay gã bỏ dở không rờ đến, và bắt đầu đọc. Nhưng ngay đoạn đầu, gã cũng đã thấy khó hiểu và phải đọc lại lần thứ hai. Rồi bỗng gã bừng tỉnh dậy, bắp thịt cứng đơ, đau như dần, gã rùng mình ớn lạnh vì gió núi thổi vào qua cửa sổ bỏ ngỏ. Gã nhìn đồng hồ. Hai giờ. Gã đã ngủ được bốn tiếng. Gã cởi áo và bò vào giường, đầu vừa đặt xuống gối, gã đã ngủ thiếp đi.
Thứ ba cũng vẫn phải làm việc liên tục như vậy. Tốc độ làm việc của Joe khiến cho Martin phải thán phục. Sức làm việc của anh ta ngang với hai con quỉ. Anh ta dốc hết sức, và trong suốt một ngày dài dặc, không có lúc nào ngơi tay. Anh ta tập trung hết tinh thần vào công việc và nghĩ cách làm thế nào để tiết kiệm thời gian, thỉnh thoảng lại chỉ dẫn cho Martin thấy có những việc đáng lý phải mất năm động tác thì chỉ cần ba cũng đủ, có những việc đáng lý phải ba chỉ cần hai. "Phương pháp loại những động tác thừa," Martin nói như vậy trong khi gã ngắm nhìn và làm theo. Chính gã vốn là một công nhân giỏi nhanh nhẹn và khéo léo; gã thường vẫn tự hào là không một ai có thể làm thay được gã trong bất cứ công việc gì. Vì vậy gã cũng tập trung hết tinh thần để làm việc. Joe gợi ý hay chỉ dẫn điều gì, gã nắm lấy ngay. Gã vò những cái cổ cồn và măng-sét 2, vò sạch lượt hồ cáu lại ở giữa hai lần vải dầy, và làm sao để đến khi là không có những chỗ bị phồng lên. Gã làm việc với một tốc độ nhanh đến nỗi Joe phải khen ngợi.
Không lúc nào là lúc không có việc làm. Joe không chờ gì, chẳng đợi gì, cứ làm hết việc này đến việc khác. Họ phải hồ hai trăm cái áo sơ mi trắng, làm thế nào chỉ vơ một cái là cổ, cầu vai, ngực, cổ tay của chiếc áo sơ mi phải chòi ra khỏi vòng nắm tay phải, đồng thời tay trái giữ lấy thân áo để cho hồ khỏi dính vào, trong khi tay phải nhúng xuống hồ, hồ nóng quá đến nỗi muốn vắt được áo họ cứ phải nhúng tay luôn luôn vào thùng nước lạnh. Đêm hôm đó, họ làm việc đến tận mười giờ rưỡi, ra công hồ "những bộ quần áo cầu kỳ"- những bộ đồ mỏng, nhẹ, thêu ren của các bà, các cô.
"Tớ thà đi biển nhiệt đới còn hơn làm cái trò giặt giũ này." Martin mỉm cười.
"Còn tớ bỏ nghề này là thất nghiệp," Joe trả lời nghiêm trang. "Tớ chẳng biết làm cái gì ngoài nghề thợ giặt."
"Cậu thạo nghề lắm!"
"Phải thế thôi, tớ bắt đầu đi làm từ năm mười một tuổi ở Contra Costa, vùng Oakland, đứng máy ép. Đã mười tám năm rồi, và từ đó đến giờ tớ chả làm nghề gì khác. Nhưng quả thật công việc ở đây là gay nhất. Đáng lý ít nhất cũng phải có thêm một người nữa. Đêm mai chúng mình lại phải làm thôi. Đêm thứ tư là bao giờ cũng phải áy chạy - rồi lại cổ cồn, măng-sét."
Martin để chuông báo thức, ngồi vào bàn và mở Fiske ra. Gã không đọc hết chương đầu. Những dòng chữ mờ đi ríu vào nhau, đầu gã gà gật. Gã đứng lên, đi đi lại lại, lấy tay ôm vào đầu một cách điên dại, nhưng gã cũng không thể thắng nổi giấc ngủ đè trĩu lên gã. Gã dựng quyển sách lên trước mặt, lấy ngón tay vành mắt ra, nhưng gã vẫn cứ ngủ thiếp đi với đôi mắt mở to. Gã đành phải đầu hàng và hầu như không biết mình làm gì nữa, gã cởi quần áo trèo lên giường. Gã ngủ bảy tiếng liền, một giấc ngủ nặng nề như của thú vật, gã bừng tỉnh khi tiếng chuông báo thức réo lên, và vẫn còn cảm thấy chưa đủ.
"Có đọc được nhiều không?" Joe hỏi.
Martin lắc đầu.
"Cứ yên trí. Tối hôm nay áy chạy, nhưng thứ Năm ta sẽ nghỉ từ sáu giờ. Như thế cậu có thì giờ đấy."
Hôm nay Martin giặt đồ len, bằng tay, trong một chiếc chậu lớn đầy xà phòng mềm, với một cái máy là, là một cái trục bánh xe, buộc vào một cái cần, cần này lại nối vào một cái sào có nhíp ở bên trên.
"Sáng kiến của tớ đấy." Joe kiêu hãnh nói, "mạnh hơn là dùng bàn giặt và tay nhiều và hơn nữa, ít nhất cũng bớt được mỗi tuần mười lăm phút. Mà mười lăm phút trong cái địa ngục này không phải là chuyện chơi."
Cách xếp cổ cồn và măng-sét đưa vào máy ép cũng là sáng kiến của Joe. Đêm ấy, trong khi hai người làm việc dưới ánh đèn điện, Joe đã giải thích cho gã rõ.
"Các hiệu khác không làm theo kiểu này, chỉ có ở đây thôi. Nhờ đó mà cứ chiều thứ bảy là ba giờ đã được nghỉ rồi. Chỉ hơn nhau ở cái chỗ là biết cách làm. Phải đốt cho đủ sức nóng, đủ sức ép, và phải đưa chúng vào ba lần. Cậu cứ nhìn đây này... " Joe giơ ột cái măng-sét lên. "Dùng tay hay dùng máy cũng chẳng bằng thế này được!"
Thứ Năm, Joe như phát điên lên. Lại có thêm một đống những "bộ đồ cầu kỳ" của các bà các cô đem giặt.
Joe nói lớn:
"Ông thì bỏ mặc. Không chịu được nữa. Bỏ mặc xác nó đấy. Làm việc suốt cả tuần như một tên nô lệ, giành từng phút một, thế mà nó lại tống thêm vào cho ông một đống quần áo thế này. Tớ sẽ nói cho thằng Hà-lan béo phị ấy biết tớ nghĩ gì về nó. Tớ không nói bằng tiếng Pháp đâu nhé. Cái tiếng Mỹ thông thường cũng đủ tốt cho tớ rồi. Cái thằng khốn kiếp lại tống thêm ình một đống quần áo thế kia cơ chứ?"
Nhưng rồi anh thay đổi ý kiến, đầu hàng số phận. Và nói ngay: "Chúng ta phải làm việc đêm nay thôi."
Đêm hôm đó, Martin không đọc gì cả. Suốt tuần gã không rờ đến tờ báo hàng ngày; mà đối với gã kể cũng lạ, gã không muốn đọc một tờ báo nào cả. Gã không quan tâm đến tin tức. Gã quá mệt, quá rã rời, không còn thiết đến bất cứ cái gì, tuy gã đã định chiều thứ bảy nếu ba giờ mà xong việc, gã sẽ đạp xe đi Oakland. Bảy mươi dặm đường đi, và bảy mươi dặm đường về vào buổi chiều chủ nhật sẽ khiến gã không được nghỉ ngơi một tí để lại tiếp tục làm việc tuần thứ hai. Đi tàu thì dễ chịu hơn nhưng cả đi lẫn về mất những hai đô la rưỡi, mà gã thì đang định để dành tiền.
Chú thích:
1. John Fiske: (1842-1901) một nhà Tiến hoá luận kiêm sử gia người Mỹ - Quyển mà Martin Eden định đọc là "Vũ trụ Tiến hoá luận đại cương"- viết năm 1874.
2. Măng-sét: cổ tay áo sơmi.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp