Mariana
Chương 1
Tất cả hoàn toàn là lỗi của một nhà thơ. Thực tế, chính chuyến viếng thăm đến nhà bà bác lớn tuổi được cả nhà yêu mến ở Exeter vào dịp cuối tuần đã đẩy cha tôi vào tâm trạng lãng đãng chất thơ như thế.
Đối mặt với một ngã ba thình lình xuất hiện trên con đường về nhà ở Oxford, ông cố tình chọn ngã rẽ trái thay vì rẽ phải. “Con đường hiếm khách vãng lai”, ông bảo chúng tôi bằng giọng nói hiền hòa và mơ mộng. Và như nhà thơ kia đã hứa hẹn, điều này quả thực đã tạo nên tất cả khác biệt.
Cho sự khởi đầu, chúng tôi lạc hướng. Mất phương hướng một cách vô vọng đến mức, thực tế, chính mẹ tôi đã phải quẳng bản đồ đi. Những đám mây cuộn tròn bao lấy vầng thái dương dường như chỉ là sự tiếp nối cho tâm trạng mỗi lúc một âm u của cha tôi, tất cả chất thơ chẳng thấy tăm hơi khi ông gù lưng lo lắng trên bánh lái. Đến giờ ăn trưa thì trời đổ mưa, khá nặng hạt, mẹ đã đưa những chiếc kẹo cho anh Tommy và tôi trong cố gắng vô ích giữ chúng tôi khỏi chọc tức cha thêm nữa, người với cơn giận trứ danh đang gần chạm đến điểm giới hạn.
Những chiếc kẹo có vị bạc hà, kẻ sọc những đường hồng và trắng như những miếng cẩm thạch lớn, khiến chúng tôi phải nhè hết kẹo ra mới nói chuyện được với nhau. Đến khi chúng tôi tới dãy nhà và cửa hàng đầu tiên trong làng, mặt và tay tôi đã lem nhem đường, còn đằng trước chiếc váy yếm xếp đăng ten mới tinh thì đầy nếp nhăn cùng vết bẩn ố màu.
Tôi chưa bao giờ hoàn toàn chắc chắn về nguyên nhân đã khiến cha tôi dừng xe ở nơi đó. Tôi nhớ loáng thoáng có một con mèo lao qua đường trước mặt chúng tôi, nhưng có lẽ đó đơn thuần chỉ là sản phẩm từ trí tưởng tượng của một đứa trẻ đã mệt nhoài. Dù lý do là gì chăng nữa, chiếc xe cũng dừng chạy, động cơ khựng lại, trong cha61n động nối tiếp, tôi đã có cái nhìn thoáng qua đầu tiên và đẫm nước mắt về ngôi nhà.
Nó là một ngôi nhà cổ to lớn, vuông vức, chắc chắn, nằm cách một khoảng với con đường và được ngăn cách bởi một đám cây cối um tùm mọc rải rác bao quanh. Mái đá lấp lánh mơ hồ dốc xuống một góc đáng sợ hợp lại với những bức tường đá xám bợt bạt, sắc màu nhờ nhờ buồn tẻ bị phá vỡ nhờ đôi ống khói bằng gạch đỏ cùng một dãy cửa sổ lớn nhiều ô kính, với khung sơn trắng tinh tươm.
Khi tôi đang ấn mũi lên lớp kính lạnh lẽo của chiếc xe, để căng mắt nhìn rõ hơn, thì sau vài tiếng chửi thề cực kỳ ác độc, cha tôi đã xoay xở để dỗ được động cơ trở về với sự sống.
Mẹ tôi, nhẹ nhõm một cách rõ ràng, quay sang để kiểm tra hai anh em chúng tôi.
“Julia, đừng con”, bà thuyết phục. “Con làm bẩn kính bây giờ.”
“Đó là nhà của con”, tôi giải thích.
Anh Tommy của tôi chỉ vào một ngôi nhà to hơn và oai vệ hơn nhiều vừa đi vào tầm mắt. “ờ, kia là ngôi nhà của anh”, anh đáp trả, ra chiều đắc thắng. Khiến cha mẹ tôi thích thú, hai anh em tôi tiếp tục trò chơi suốt chặng về, và ngôi nhà màu xám cô đơn chìm vào quên lãng.
Tôi đã không thấy nó trong suốt mười bảy năm.
Mùa hè đó, cái mùa hè tôi bước sang tuổi hai mươi hai, vẫn còn khắc sâu trong trí nhớ của tôi. Tôi vừa tốt nghiệp trường nghệ thuật, và giành được công việc tưởng chừng hoàn hảo ở một công ty quảng cáo nhỏ tại Luân Đôn. Anh Tom của tôi, hơn tôi ba tuổi, mới tốt nghiệp Oxford cùng tấm bằng xuất sắc và ngay lập tức khiến cả nhà choáng váng với việc thông báo kế hoạch tham gia Giáo hội Anh. Gia đình chúng tôi không đặc biệt mộ đạo, nhưng Tom hài hước bảo vệ ý kiến rằng, với việc đặt tên anh như vậy, anh hầu như chẳng có lựa chọn nào khác trong vấn đề này. “Thomas Beckett[1]! Con hỏi mẹ”, anh trêu. “Mẹ còn có thể mong chờ gì nữa nào?”
[1] Thomas Beckett đọc gần giống tên của Thomas Becket hay còn gọi là Thánh Thomas Canterbury, vị Tổng giám mục tử vì đạo ở Canterbury.
Để kỷ niệm mốc đánh dấu sự trưởng thành, Tom và tôi quyết định sẽ đi nghỉ ngắn ngày ở bờ biển nam Devon, nơi chúng tôi có thể tạm quên đi cha mẹ, trách nhiệm và tận hưởng thời tiết nóng bức đầy ánh nắng mà thiên nhiên ban tặng cho miền nam nước Anh. Không phải thất vọng, chúng tôi dành một tuần hạnh phúc cho việc lang thang trên bờ biển ở Torquay, hoàn toàn thư giãn, trẻ hóa, và rám nắng.
Tom, còn mải đắm mình trong lạc quan dâng trào, chỉ định tôi làm hoa tiêu cho chuyến trở về. Anh đáng lẽ phải dự liệu tốt hơn. Trong khi khả năng định hướng bản đồ của tôi chính xác là không hề tệ, thì tôi lại là đứa dễ dàng bị xao nhãng bởi phong cảnh xung quanh. Bởi vậy, lạc khỏi đường chính đương nhiên là điều khó tránh khỏi, chúng tôi cứ thế nhọc nhằn vượt qua một chuỗi tưởng như vô tận những ngôi làng nhỏ bé hao hao nhau được kết nối bằng con đường hẹp có những tán cây rậm rạp đan lại trên đầu mang vẻ ngoài y hệt một đường hầm.
Sau ngôi làng thứ bảy, Tom bắn sang cho tôi những cái liếc dài buộc tội. Cả hai đều được thừa hưởng màu tóc, màu mắt và những đường nét đẹp đẽ của người mẹ gốc Cornwall, nhưng khi mái tóc và cặp mắt đen mang cho tôi ấn tượng tinh quái nhiều hơn xinh đẹp, thì có thể giúp Tom trở nên tuyệt đối đe dọa theo ý anh.
“Em nghĩ chúng ta đang ở đâu?” Anh hỏi, với thái độ lịch sự chết người.
Tôi nghiêm túc nghiên cứu bản đồ. “Wiltshire, em hy vọng thế”, tôi vui vẻ trả lời anh. “Nơi nào đó giữa đường.”
“Hừm, nghe mạch lạc đấy.”
“Coi nào”, tôi đề nghị, khi đến ngôi làng thứ tám, “sao anh không ngừng bướng bỉnh và hỏi đường ở một quán rượu tiếp theo? Thành thực mà nói, Tom à, anh cũng tệ y hệt như cha...”. Lời nói kết thúc trong tiếng ré lên đột ngột.
Lần này, tôi không hề tưởng tượng. Một con mèo núc ních vàng hoe xông ngay qua đường, thẳng trước mũi ô tô của chúng tôi. Chiếc phanh rít lên phản đối khi Tom đạp phanh, và rồi, bất thình lình, động cơ chết ngóm.
“Khốn kiếp!”
“Các cha xứ không ăn nói thế đâu”, tôi nhắc và anh nhe răng cười vô tư.
“Anh đang loại bỏ nó ra khỏi hệ thống từ ngữ của mình đây”, đó là lời giải thích của anh.
Bật cười, tôi nhìn qua cửa sổ và đông cứng.
“Không thể tin được.”
“Anh biết rồi”, anh trai tôi đồng ý. “Nhỡ miệng thôi mà.”
Tôi lắc đầu. “Không phải, Tom, nhìn kìa - đấy là nhà của em.”
“Cái gì?”
“Ngôi nhà xám của em”, tôi nói. “Anh không nhớ sao, cái ngày con mèo chạy qua đường và cha làm chết máy ô tô ấy?”
“Không.”
“Trên đường trở về từ nhà bác Helen”, tôi nói thêm, “ngay sau sinh nhật thứ năm của em. Trời đổ mưa và cha rẽ nhầm lối, rồi một con mèo chạy qua đường và cha phải dừng xe”.
Anh trai nhìn tôi hệt theo cái cách một nhà khoa học nghiên cứu mẫu xét nghiệm mới quái dị, và lắc đầu.
“Không, anh không nhớ.”
“Ừm, xảy ra thật mà”, tôi khăng khăng, “và chiếc xe chết máy ngay chỗ này, rồi em trông thấy ngôi nhà đó”.
“Nếu em đã nói thế.”
Bây giờ chiếc xe bắt đầu khởi động lại, và Tom cho nó tấp vào lề đường nên tôi có thể nhìn rõ ràng hơn.
“Anh có biết thế nghĩa là sao không?” Tôi hỏi.
“Anh nghĩ thế có nghĩa là số gia đình ta quá đen với đám mèo ở Wiltshire”, Tom đáp. Tôi chọn cách lờ anh đi.
“Em tự hỏi không biết nó bao nhiêu tuổi.”
Tom nghiêng đầu lại gần hơn. “Anh nghĩ là từ thời Elizabeth I[2]. Cũng có thể từ thời James I[3]”
[2] Elizabeth I (1533-1603): Nữ hoàng trị vì nước Anh từ 1558 đến khi qua đời. Dưới sự cai quản của bà, quyền lực của nước Anh vươn xa trên toàn thế giới, đây là một giai đoạn huy hoàng trong lịch sử của nước Anh.
[3] James I (1566-1625) trị vì nước Anh từ 1603 đến khi qua đời năm 1625.
Tôi quên mất Tom vốn rất say mê môn kiến trúc. Bên cạnh đó, anh ấy luôn biết tất cả mọi thứ.
“Em muốn được nhìn gần hơn.” Giọng tôi tràn trề hy vọng nhưng Tom đơn giản chỉ trao cho tôi một cái nhìn thoáng qua bao dung trước khi đánh xe vòng vào làng.
“Anh sẽ không”, anh nói, “đi nhòm qua cửa sổ nhà ai đó chỉ để thỏa mãn tính tò mò của em đâu. Bên cạnh đó, người ta để biển ‘Đất tư’ trên lối vào nhà rồi”.
Đi được một quãng ngắn thì chúng tôi lái xe vào sân đỗ của quán Sư Tử Đỏ, một quán rượu tao nhã có kết cấu phân nửa làm từ gỗ với phần mái lợp tranh cổ kính cùng những chiếc bàn xếp tạm trước hiên để đón khách buổi trưa. Tôi ngồi trong xe, sẵn sàng đổi chỗ sang ghế lái, trong khi Tom vào quán để tu nhanh một vại bia và hỏi hướng trở lại đường chính.
Vì quá bận nghĩ ngợi về sự quái lạ tột độ khi đi lạc hai lần tại cùng địa điểm, tôi quên béng bảo anh trai hỏi xem ngôi làng này tên là gì.
Phải đến tám năm sau, tôi mới nhận ra một lần nữa mình đang ở Exbury, Wiltshire.
Lần này, cũng là lần cuối cùng, vào đầu tháng Tư, còn hai tháng nữa mới đến sinh nhật thứ ba mươi của tôi, và - lần này - tôi không bị lạc. Tôi vẫn sống ở Luân Đôn, trong một căn hộ cho thuê nhỏ xíu dần trở nên gắn bó ở Bloomsbury, dù vừa bất ngờ được bác Helen bên đằng nội cho thừa kế một khoản kếch xù, đây cũng chính là bà bác mà nhiều năm trước gia đình chúng tôi đã ghé thăm ở Exerter. Mới chỉ gặp tôi hai lần, nên vì sao bác chọn tôi làm người thừa kế khoản tiền quá lớn đó vẫn là một bí ẩn. Có lẽ vì tôi là đứa cháu gái duy nhất trong dòng họ. Bác Helen, theo cha tôi, là người sở hữu một nhân sinh quan gắn chặt với bình quyền nữ giới. “Một căn phòng dành riêng cho em”, Tom tuyên bố rành rọt với tôi. “Đấy là những gì bác ấy để lại cho em. Em đã đọc Virginia Woolf[4] chưa?”
[4] Virginia Woolf là một trong những tiểu thuyết gia hiện đại lừng danh nhất thế kỷ XX, câu châm ngôn “Nếu một người phụ nữ định viết tiểu thuyết, cô ta cần tiền và một căn phòng riêng cho mình” rất nổi tiếng trong tác phẩm Một căn phòng riêng của bà.
Thực sự số tiền đó thừa sức mua một căn phòng, nhưng dù chỉ là chút mơ hồ, tôi cũng chẳng biết xử lý số tiền đó ra sao. Tom nhất quyết từ chối lời đề nghị của tôi chia khoản thừa kế cho anh, còn cha mẹ tôi cũng bảo không cần, vì sau khi cha tôi nghỉ làm bác sĩ phẫu thuật thì cha mẹ tôi cũng sống thừa sung túc rồi.
Vậy đấy.
Phần lớn thời gian tôi đều khá bận rộn, khi cứ phải luân phiên làm những việc từ thiết kế đồ họa cho đến vẽ tranh minh họa, lĩnh vực vừa mang cho tôi nhiều hứng thú lẫn thù hao hậu hĩnh hơn. Nhờ chút may mắn, trước đó tôi có cơ hội làm việc với một tác giả vô cùng tài năng, và việc cộng tác cho ra đời một tuyển tập các câu chuyện giả tưởng cho thiếu nhi đã mang lại một danh tiếng đáng kể cho tôi trong công việc, đấy là còn chưa kể một mức sống ổn định hơn. Tuần đó, tôi vừa được ủy quyền vẽ minh họa cho một tuyển tập mới vô cùng đồ sộ về truyền thuyết và các câu chuyện cổ tích đến từ khắp nơi trên thế giới, một dự án khiến tôi vô cùng hào hứng và hứa hẹn sẽ giữ cho tôi bận rộn suốt phần lớn thời gian còn lại trong năm. Không gì có thể diễn tả nổi niềm hạnh phúc của tôi.
Thông thường, tôi sẽ ăn mừng cơ may của bản thân cùng gia đình, nhưng bởi cha mẹ tôi đã đi nghỉ ở nơi cách nửa vòng trái đất và Tom thì bận rộn với các buổi lễ Phục sinh, tôi đành chuyển sang phương án hay ho tiếp theo và dành ra những ngày cuối tuần đến Bath[5] cùng bạn. Vào sáng thứ Hai, khi nhận thấy dòng xe cộ trên trục đường chính hơi đông quá mức với mình, tôi bẻ lái sang hướng bắc và đi dọc con sông Kennet dịu dàng uốn lượn đổ về Luân Đôn.
[5] Thành phố ở Anh nổi tiếng với suối nước nóng và khu nghỉ dưỡng do người La Mã xây dụng từ hàng nghìn năm trước.
Trời tuy hơi lạnh nhưng vẫn là một ngày mùa xuân hoàn hảo, hàng cây hai bên đường đang hăng hái vươn lá non như cây vùng nhiệt đới. Với sự ngưỡng mộ mùa xuân, tôi đã lái xe với những khung cửa kính được hạ xuống, không khí có mùi ngọt ngào của mưa, đất và vạn vật sinh sôi.
Với tiếng khò khè phản đối, chiếc xe Peugeot thấp khớp nhưng đáng tin cậy của tôi leo lên ngọn đồi nhỏ. Ghìm tốc độ, tôi vượt qua một vòng cung rộng nơi con đường dốc xuống thung lũng trước khi vượt qua Kennet trên chiếc cầu đá hẹp. Khi vọt qua chiếc cầu, tôi cảm giác ngứa ran lờ mờ sau gáy mình, và những ngón tay bất giác siết lấy vô lăng.
Ngạc nhiên nhất là tôi hoàn toàn không hề bất ngờ, vào lần này, lúc nhìn thấy ngôi nhà. Không hiểu vì sao, tôi gần như trông đợi nó sẽ nằm ở đó. Tôi cho xe lăn bánh chầm chậm, rồi đỗ lại và tắt máy, ngay đối diện lối lái xe dài rải đầy sỏi. Một con mèo vàng nghênh ngang băng qua đường mà không thèm liếc mắt nhìn tôi, và biến mất vào trong đám cỏ dập dờn. Ba lần trong một đời người, tôi tự nhủ, thậm chí nếu không có con mèo, điều này chắc chắn nằm ngoài phạm vi của sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Chắc chắn, tôi suy luận, người nào đó sở hữu ngôi nhà cũng không thực sự phiền lòng nếu tôi tùy tiện ngó nghiêng xung quanh, phải không nhỉ...? Khi tôi còn đang ngập ngừng cắn môi, một bầy sáo đá đập cánh bay lên từ cánh đồng ngay bên cạnh, tụm lại và nhảy lích chích trên ngôi nhà đá màu xám, rồi biến mất.
Đối với tôi, đó là yếu tố mang tính quyết định. Từ cách nhìn nhận của mẹ tôi, tôi cũng được thừa kế bản tính mê tín từ những tổ tiên Cornwall, và bầy chim sáo chính là điềm lành theo quan niệm của bản thân tôi. Từ thuở nhỏ, bất cứ khi nào tôi nhìn thấy một bầy chim sáo có nghĩa có chuyện gì đó rất tuyệt sắp xảy ra.
Anh Tom luôn cố gắng chỉ ra kẽ hở trong niềm tin này bằng cách nhắc tôi nhớ chim sáo ở các đồng quê nước Anh không hề hiếm, và mối liên kết của chúng với hạnh phúc của tôi chỉ là một xác suất ngẫu nhiên quá lớn mà thôi. Tôi tiếp tục hoài nghi. Chỉ biết những chú chim sáo chưa bao giờ dẫn tôi nhầm lối, lúc này nhìn chúng quay trở lại và bay khỏi ngôi nhà, tôi đột ngột ra quyết định.
Tôi vồ lấy chiếc áo choàng xanh lá bùng nhùng từ ghế bên cạnh và ra khỏi xe; thiếu chút nữa thụt chân xuống rãnh trong trạng thái quá háo hức. Tôi phải thừa nhận kiểu ăn mặc của bản thân không hề phù hợp với chuyện thăm thú, khi kéo chiếc áo khoác trùm lên quần jean cùng chiếc áo nỉ xù lông - nhưng cũng chẳng ích gì. Tôi lùa bàn tay qua mái tóc trong cố gắng đến tuyệt vọng làm mượt những lọn tóc ngắn bờm xờm, nhưng cơn gió ẩm ướt đang thổi đã phá hỏng mọi nỗ lực của tôi.
Giờ thì, tôi nghĩ, nên dùng lý do nào bây giờ? Lạc đường? Xin một ly nước? Hay xe gặp trục trặc? Tôi ngó lại chiếc Peugot lồi lõm và méo mó rồi gật đầu. Hỏng xe, tôi quyết định.
Ai cũng sẽ tin điều đó. Nhẩm lại đoạn thoại của mình, tôi băng qua đường và bắt đầu đi lên lối xe rải sỏi. Một tấm biển rạn nứt và bạc thếch cùng dòng chữ “Đất tư” sơn đỏ phai màu ủ rũ treo trên một chiếc đinh đóng trên cái cây gần đó. Một cách dũng cảm, tôi tiếp tục kiên trì, hy vọng những bước chân không tạo ra tiếng lạo xạo với những người trong nhà như với đôi tai của chính mình.
Ngôi nhà trông hệt như những gì mà tôi ghi nhớ - mái ngói đỏ với những ống khói bằng đất nung; những khung cửa sổ trắng nằm cân xứng, bốn ô kính bên trên và bên dưới; những bức tường thô kệch dưới vòm đá đen dốc đứng. Thứ khác biệt duy nhát là cái cửa. Tôi luôn hình dung nó có màu nâu, nhưng lúc này tôi trông thấy màu xanh thẫm rõ ràng, tạo nên sự tương phản rõ nét với khung đá đồ sộ bao xung quanh.
Tiếng gõ cửa của tôi vọng lại nặng nề với âm thanh trầm đục và trống rỗng. Tôi gõ ba lần lên cánh cửa gỗ chắc nịch, trước khi phải thừa nhận sẽ chẳng có ai trả lời tiếng gọi cửa.
Có nghĩa là chẳng có ai ở nhà. Và, tôi hạnh phúc nghĩ thầm, bởi không có ai ở nhà, dẫn đến không một ai sẽ cảm thấy phiền hà nếu tôi vòng ra sau ngôi nhà và ngó qua vài ô cửa sổ. Có lý do hợp lý hóa cho hành động xâm phạm của bản thân, tôi quay trở lại con đường vào nhà và theo nó đi vòng đến phần phía bắc ngôi nhà.
Con đường đột ngột kết thúc trước một ngôi nhà to bè bằng đá thấp lè tè lợp mái tranh. Có thể đoán được nơi này từng là chuồng ngựa, nhưng phần thanh chắn của một chiếc xe nhô ra từ một trong các ngăn chuồng bên trái đã khẳng định chắc chắn chức năng hiện thời của nó.
Tầm nhìn từ chỗ tôi đứng, trải khắp vườn cây cùng thảm cỏ gợn sóng nhấp nhô, thi thoảng đan xen với những khóm cây xanh thẫm cùng bụi cây dại, thực sự rất đẹp. Không có hàng rào bao quanh, nhưng một chồng đá lộn xộn cách đó khoảng ba mươi mét đằng sau ngôi nhà trông như thể đã từng là một phần của bức tường phân cách. Và dù tôi đã tính cả trong đó ba cây sồi, một cây ăn quả, và vài đám cây bụi mọc phía trước, phần thực vật duy nhất đang vươn gần bức tường sau nhà là cây bạch dương lẻ loi có lớp vỏ sần sùi và những nhành cây màu xanh bàng bạc run run trong gió.
Có thêm một cánh cửa màu xanh thẫm ở đây, với then cửa cổ xưa, cùng hai hàng cửa sổ sơn trắng khác. Bên dưới thứ tôi cho là cửa sổ bếp, ai đó đã đặt lên một chồng chậu hoa cũ, hai bên sườn đóng một lớp rêu dày vì lâu không được sử dụng. Tôi rướn chân và cúi người lại gần hơn, khum bàn tay lên lớp kính để che mắt trước ánh phản chiếu của mặt trời. Nó đã từng là cửa sổ bếp, hoặc phòng chứa thức ăn. Tôi vừa vặn có thể thấy một giá treo thực phẩm đóng hộp và bệ rửa bát bằng sứ cũ kỹ. Đang ngó nghiêng để nhìn rõ hơn thì giọng một người đàn ông đột ngột vang lên đằng sau tôi.
“Ông ấy không có nhà đâu.”
Một giọng nói thân thiện, với lối phát âm có chút không thuần Anh khó nghe, từ xa vọng lại. Nhưng tôi không nhận ra bất cứ dấu hiệu nào ngay lập tức. Tôi giật mình quay phắt lại, làm chồng chậu hoa rơi loảng xoảng xuống đất.
Ban đầu tôi không nhìn thấy ai, nhưng khi cứ đứng đó nhìn chằm chằm, dáng hình một người đàn ông dần tách ra khỏi bức tường đá đổ nát và băng qua bãi cỏ về phía tôi. Anh ta còn trẻ, có lẽ nhiều hơn tôi năm tuổi, mặc áo lao động bằng vải thô và đeo đôi găng tay dài bằng da kỳ quặc như thể có từ thời trung cổ và vô cùng bất hợp lý.
“Tôi không định khiến cô hoảng sợ”, anh ta xin lỗi. “Tôi tưởng cô đang tìm Eddie, ông ấy không có ở đây.”
Giờ anh ta đã đến khá gần, đủ gần để tôi có thể nhìn thấy mái tóc nâu vàng và cặp mắt màu xám tro, rõ ràng là người Scotland. Anh ta mỉm cười, nụ cười cũng thân thiện đi đôi cùng giọng nói.
“Cô là bạn của Eddie à?” Anh ta hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Ra là họ hàng.”
“Không.” Củng cố thêm lời thú nhận, mặt tôi thoáng đỏ. Tôi đã linh cảm câu chuyện bịa về chiếc xe hỏng của mình sẽ không qua được đôi mắt xám sắc sảo đó. “Không, tôi không quen chủ nhà. Liệu anh có biết khi nào ông ấy sẽ trở lại không?”
Người đàn ông nghiêng đầu sang một bên và nhìn tôi dò xét, phần nào khiến tôi nhớ đến anh trai mình.
“Tôi hy vọng là không”, anh ta đều giọng nói. “Chúng tôi mới chôn cất ông ấy tháng trước.”
“Ôi, tôi xin lỗi.” Sắc màu trên má tôi sậm hơn. “Tôi thực sự xin lỗi.”
“Không hại gì cả.” Anh ta nhún vai. “Vậy cô chỉ đang ngó nghiêng thôi, đúng không?”
Mặt tôi, lần này đã chuyển sang đỏ lừ, và tôi cứ có cảm giác sự bồn chồn rõ ràng của mình khiến anh ta thích thú. Phải mất một lúc toàn bộ tầm quan trọng trong điều anh ta vừa mới nói cuối cùng cũng lắng xuống trong tôi, và tôi đột ngột quên đi tình trạng bối rối của bản thân.
Tôi nhanh chóng ngước mắt lên. “Tức là ngôi nhà đang rao bán?”
“Phải. Nên cô muốn xem xét nó hả?”
“Tôi muốn mua nó. Tôi đã chờ để mua ngôi nhà này hai mươi lăm năm rồi.”
Người đàn ông nhướn một bên lông mày nâu đỏ, rồi tôi phát hiện ra không biết vì lý do ngớ ngẩn nào bản thân lại đang bập bẹ toàn bộ câu chuyện về “Ngôi nhà và tôi”, còn anh ta thì lắng nghe với sự kiên nhẫn rất đáng ngưỡng mộ. Tôi không tưởng tượng nổi anh ta thấy câu chuyện đáng thú vị ở chỗ nào. Khi tôi kết thúc bài tường thuật ngây ngô, tầm mắt anh ta đón ánh mắt tôi lần thứ hai, và vẻ tương đồng với anh trai tôi thậm chí còn rõ rệt nhiều hơn nữa.
“Hừm”, anh ta nghiêm nghị nói, “thế tốt nhất cô nên gặp ông Ridley ở đường Thượng. Tôi không mang chìa khóa theo, không thì tôi đã dẫn cô xem quanh đây rồi”. Anh ta cởi một chiếc găng và chìa tay ra bắt. “Nhân tiện, tôi là Iain Sumner.”
“Julia Beckett.” Tôi phải sửa lại biểu cảm khi nhìn thấy bàn tay anh ta, bởi anh ta lại mỉm cười lúc nhìn xuống những vết cứa nhỏ xíu trên làn da mình.
“Do bụi mâm xôi”, anh ta giải thích. “Tôi mà không tỉa bớt là chúng lại làm tắc nghẽn khu vườn của tôi. Không đau đâu”, anh ta vừa cam đoan vừa kéo lại găng tay. “Tốt hơn hết tôi nên quay lại làm việc. Chúc cô may mắn với ngôi nhà nhé.”
“Cảm ơn anh”, tôi nói, nhưng anh ta đã ra khỏi tầm nghe mất rồi.
Năm phút sau, tôi đang ngồi trong văn phòng của Ridley và Staward, những người môi giới bất động sản. Thú thực, tôi không nhớ được nhiều về chiều hôm đó. Tôi có chút ấn tượng không mấy rõ ràng về những lời dông dài của ông Ridley với các vấn đề luật pháp, chuyển nhượng và điều tra gì đó, nhưng tôi cũng không thực sự chú ý lắng nghe.
“Cô có chắc”, ông Ridley hỏi tôi, “rằng cô không muốn xem nhà trước không?”.
“Tôi đã thấy nó rồi”, tôi đảm bảo với ông ta. Thành thực mà nói, những thủ tục thế này dường như không cần thiết. Nó, sau cùng, là nhà của tôi. Nhà của tôi. Tôi vẫn ôm nhận thức đó một cách mạnh mẽ, như đứa trẻ ôm món quà, khi gõ lên khung cửa nhà mục sư ở khu vực St. Stephen, Elderwel, Hampshire, chiều hôm đó.
“Chúc mừng em đi nào, mục sư.” Tôi cười rạng rỡ trước cái giật bắn mình trên gương mặt của anh tôi. “Trên thực tế, chúng ta đã trở thành hàng xóm. Em vừa mới mua một ngôi nhà ở Wiltshire.”
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp