Mạnh Hơn Sợ Hãi

Chương 17


Chương trước

Máy bay hạ cánh tại New York vào sáng sớm. Suzie trở về nhà cô, Andrew về nhà anh. Họ gặp lại nhau tại quán Frankie’s vào giờ ăn trưa. Suzie đang chờ Andrew bên bàn anh thường ngồi, một túi du lịch đặt dưới chân.

- Tôi sẽ về lại Boston, cô nói.

- Đã về sao?

- Như thế tốt hơn.

- Có lẽ vậy, Andrew đáp.

- Tôi muốn cảm ơn anh, đó là một chuyến đi thật đẹp.

- Chính tôi mới nợ cô một lời cảm ơn.

- Vì chuyện gì?

- Tôi đã quyết định không động tới một giọt rượu nào nữa.

- Tôi chẳng tin anh lấy một giây.

- Cô nói quá đúng! Chúng ta nâng ly chứ? Cô nợ tôi điều ấy đấy.

- Đồng ý, tôi cũng chẳng biết là chúc mừng chuyện gì, nhưng cùng nâng ly nào, Stilman.

Andrew yêu cầu nhân viên phục vụ mang cho họ loại rượu hảo hạng nhất mà quán có.

Ít lời, nhưng nhiều ánh mắt đã trao đi đổi lại suốt bữa trưa hôm đó. Rồi Suzie đứng dậy, khoác túi lên vai và bảo Andrew cứ ngồi yên đó.

- Tôi không có khiếu lắm khi nói những lời vĩnh biệt

- Vậy thì nói tạm biệt với tôi thôi.

- Tạm biệt, Andrew.

Suzie đặt một nụ hôn lên môi anh rồi đi khỏi.

Andrew dõi mắt nhìn theo cô. Khi cánh cửa nhà hàng khép lại sau lưng cô, anh mở tờ The NewYork Times và cố gắng kết nối lại với các tin tức trong ngày.

*

Đến cuối ngày, Andrew đến tòa soạn, quyết chí đối diện với tổng biên tập và sẽ nhận ngay việc đầu tiên mà cô muốn giao cho anh. Và để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, anh quyết định rẽ qua quán cà phê trước đã.

Một bàn tay đặt lên vai anh không chút khách khí khiến anh đánh đổ cốc cà phê.

- Cho tôi biết đi, Stilman, tôi đã mất một tuần làm quần quật như một con cún mà không được nước non gì, hay là điều tôi tìm được sẽ khiến anh quan tâm?

- Thế cô đã tìm thấy gì vậy, Dolorès?

- Thực ra, cũng không ít chuyện đâu, tôi khá tự hào về bản thân đấy. Chùi mép đi rồi theo tôi.

Dolorès Salazar dân Andrew tới văn phòng của cô. Cô ra lệnh cho anh ngồi xuống ghế, cúi xuống vai anh và gõ mật khẩu trên bàn phím máy tính. Cô in kết quả tìm kiếm của cô và đọc to cho anh nghe.

- Năm 1945, Mỹ đã triển khai các chiến dịch quân sự quy mô trên vùng cực. Một chiến dịch mang tên MushOx, với rất nhiều tàu phá băng, đã mở ra một con đường dài năm nghìn cây số. Mục đích là đánh giá các nguy cơ xâm lược từ Liên Xô theo con đường phương Bắc. Năm 1950, lực lượng liên quân Mỹ- Canada đã quần thảo một triệu ki lô mét vuông phía trên vùng cực. Năm 1954, tàu ngầm US Nautilus tiếp cận vùng cực bằng con đường dưới lớp vỏ băng. Chuyến viễn chinh này đã chứng tỏ khả năng tấn công bằng sức mạnh hạt nhân của Mỹ từ Bắc Cực. Hai thập kỷ sau đó, người Liên Xô tiến hành các vụ thử hạt nhân ở vùng cực, làm tan gần 80 triệu mét vuông khối băng trong khu vực Novaya Zemlya. Mỹ cũng như Liên Xô đang xem xét khả năng sử dụng các đầu đạn hạt nhận yếu vào mục đích thương mại và dân sự. Liên Xô đã cho nổ chúng nhiều lần, trong đó có một lần viện cớ để bưng bít một vụ rò rỉ khí ga nghiêm trọng tại vùng băng Pechora. Những lo ngại về ô nhiễm phóng xạ không ngăn được họ theo đuổi các nghiên cứu cách thức mà sức mạnh hạt nhân có thể thúc đẩy việc tiếp cận tới nguồn tài nguyên địa chất ở Bắc Cực. Tại hội nghị Anchorage, người đứng đầu viện Kurchatov đã giải thích với cử tọa có mặt cách thức các tàu ngầm hạt nhân có thể đảm bảo việc vận chuyển khí hóa lỏng. Năm 1969, tàu chở dầu của Mỹ mang tên USS Manhattan, đã theo con đường phương Bắc để đi từ Vịnh Prudhoe tới tận bờ Đông nước Mỹ, và khi chính phủ Canada mở rộng quyền lãnh hải thêm mười hai hải ký, đặt Mỹ vào sự đã rồi, câu trả lời có ngay tức khắc. Chính phủ Mỹ viện dẫn vấn đề an ninh quốc gia để phản đối. Chính quyền Ottawa đã thông qua khoản tiền 100 triệu đô la để lập bản đồ tài nguyên khoáng sản trên vùng Bắc Cực thuộc lãnh thổ Canada với ý định đẩy nhanh việc khai thác. Điện Kremlin, về phần mình, mới đây thông báo rằng việc khai thác dầu mỏ và khí đốt tại Bắc Cực là yếu tố then chốt để nước Nga sẽ vẫn là một siêu cường về năng lượng. Ngay cả giới chức trách đảo Greenland cũng ca tụng việc khai thác tài nguyên khoáng sản là điều kiện giúp họ có được vị thế độc lập với Đan Mạch. Dầu mỏ, khí đốt, niken và kẽm, tất cả các nước giàu đều muốn chạm tay tới những mỏ khoáng ấy, kể cả những nước không nêu yêu sách về quyền lãnh thổ và những nước viện dẫn lục địa Bắc Cực thuộc sở hữu của tất cả các quốc gia. Từ khi việc mở con đường phương Bắc được xem là chuyện ngày một ngày hai vì băng tan thì nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ, đã nhòm ngó tới vùng cực như họ từng làm thế suốt nhiều năm nay với kênh đào Panama. Năm 2008, Canada tuyên bố đã triển khai xây dựng một căn cứ tàu ngầm tại Nanisvik, sẽ mở cửa vào năm 2015, cùng như việc triển khai đóng sáu thăm dò khai thác dầu khí với chi phí đầu tư ba tỷ đô la. Và năm 2011, trong khi chính quyền Bush bác bỏ luận đề về khí hậu nóng lên, thì Hải quân Mỹ đã tổ chức hội nghị chuyên đề đầu tiên về mặt quân sự đối với Bắc Băng Dương đã biến thành nơi tàu thuyển có thể đi lại suốt cả năm. Bộ Quốc Phòng Na Uy đã công bố một kịch bản, trong đó các công ty dầu mỏ của Nga có thể sẽ bắt đầu khoan tìm dầu mỏ bên ngoài lãnh hải của họ trong thập kỉ sắp tới và, không hề là một trò chơi chữ vụng về, đảm bảo rằng chuyện chia chác Bắc Cực sẽ báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây.

Andrew đi ra chỗ tấm bản đồ được đóng đinh trên cửa văn phòng.

- Hiệu ứng mà thứ này tạo cho anh chỉ có thế thôi sao? Dolorès rên rỉ.

- Nếu tôi bảo cô rằng cái hành động điên rồ này được mưu tính từ cách đây gần nửa thế kỷ, cô có tin không?

- Nếu là anh nói. Anh sẽ đăng bài chứ?

- Than ôi, tôi chẳng còn bằng chứng để viết một bài báo về cái được xem là một trong những trò bẩn thỉu tệ hại nhất mà con người có thể nghĩ ra, dù biết trước bài báo đó có thể giật được giải Pulitzer.

- Những bằng chứng ấy ở đâu?

- Ở đây, Andrew vừa đáp vừa trỏ tay lên phía Bắc của tấm bản đồ thế giới. Đâu đó trong túi chiếc áo choàng màu trắng tuyệt đẹp của nàng.

- Anh đang nói tới ai vậy?

- Về Snegourotchka, Công chúa Tuyết.

- Thế những bằng chứng đó đã mất hẳn rồi à?

- Ai mà biết? Suy cho cùng, Pulitzer có thể đợi thêm vài năm nữa, anh vừa nói thêm vừa về văn phòng.

Và khi đã ở một mình trong thang máy, Andrew bật điện thoại lên, ngắm những bức ảnh trong đó và mỉm cười. Có thể với ý nghĩ lát nữa đi làm cốc Fernet-Coca tại quán bar Marriott, có thể không.

*

Valérie rời văn phòng vào khoảng 18 giờ, như mọi tối. Cô đi về phía bến tàu ngầm. Một người phụ nữ đứng tựa lưng vào cột đèn, một túi xách to đặt dưới chân. Valérie nhận ra ngay cô gái đang nhìn mình chằm chằm.

- Anh ấy đang chờ cô ở quán Marriott, Suzie nói: Nếu anh ấy xin cô thêm cơ hội thứ hai, hãy suy nghĩ nhé. Andrew là người đàn ông mà những khiếm khuyết không thể tính nổi, nhưng đó là người tuyệt vời. Anh ấy yêu cô. Không lúc nào là quá muộn khi may mắn có được người yêu cô vẫn ở đó để chứng tỏ với cô tình yêu này.

- Anh ấy thật sự đã nói với cô điều đó sao? Valérie hỏi.

- Đúng vậy, theo một cách nào đó.

- Cô đã ngủ với anh ấy à?

- Tôi hẳn sẽ tình nguyện làm thế nếu anh ấy thật sự muốn. Anh ấy đã phải rất cam đảm mới đi được con đường dẫn đến cô.

- Tôi còn cần nhiều can đảm hơn để tự làm lại mình sau khi anh ấy ra đi.

Suzie nhìn sâu vào mắt Valérie và mỉm cười với cô.

- Tôi chúc hai người hạnh phúc, cô nói.

- Cô cùng thật can đảm khi đến gặp tôi tối nay. Valérie nói thêm.

- Can đảm chỉ là thứ tinh thần mạnh hơn sợ hãi, Suzie vừa đáp vừa nhấc túi xách lên.

Cô chào Valérie rồi đi khỏi.

*

Mười lăm phút sau, một chiếc taxi dừng lại góc phố Broadway giao phố 48, Valérie thanh toán tiền cước rồi bước vào quán Marriott.

Phần kết

Ngày 24 tháng Giêng năm sau, Suzie Walker, đi cùng ba huấn luyện viên leo núi, thực hiện chuyến lao Mont-Blanc. Di hài của Shamir đã được trao trả cho bố mẹ anh.

Suzie không bao giờ trở lại Pháp nữa. Hai năm sau đó, sau một kỳ tập luyện miệt mài, cô đi leo dãy Himalaya. Khi leo lên đến đỉnh núi, cô cắm gậy leo núi xuống và buộc một chiếc khăn trên đó.

Những người leo lên được đó vẫn có thể nhìn thấy mảnh khăn màu đỏ tung bay trong gió.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...