Mạnh Hơn Sợ Hãi
Chương 14
Suzie lấy từ trong túi xách ra chiếc phong bì mà người đàn ông nọ đã trao cho cô trước khi xuất phát. Bên trong chứa một cuốn cẩm nang du lịch, một ít tiền curon Na Uy và địa chỉ một khách sạn mà cô đưa luôn cho tài xế.
Khách sạn bình dân, nhưng ông chủ không yêu cầu họ xuất trình giấy tờ tùy thân cũng chẳng bắt điền vào phiếu khai thông tin.
Căn phòng có hai giường đơn được trải một lớp vải nhung sớm sờn cũ. Cửa sổ trông ra lối vào một nhà máy nơi công nhân đang tất bật làm việc. Suzie kéo tấm rèm bông mịn và đi tắm trong phòng tắm sát vách. Nó bé xíu, nhưng cũng đầy đủ những đồ cần có.
*
Bầu không khí trầm lắng ngự trị trong phòng ăn. Người phụ nữ mang bữa bữa sáng tới cho họ không biết bao nhiêu tuổi, bà lại vào trong mà không nói một lời. Andrew và Suzie ngồi cùng một cặp vợ chồng khách du lịch, gần một tủ buýp phê. Người đàn ông đang đọc báo, vợ ông thì chăm chú phết một thứ mứt màu đỏ lên bánh mì nướng. Họ chào nhau bằng ánh mắt và ai nấy lại cắm cúi vào phần ăn của mình.
Andrew lên phòng tìm túi xách. Anh giữ lại sổ tay và lấy tờ giấy gấp mà một mặt in bản đồ thành phố còn mặt kia in bản đồ hệ thống đường sắt.
Suzie, người thường ca cẩm về sự khắc nghiệt của cái lạnh ở Boston, sẽ phải xem xét lại vấn đề khi được chào đón bằng cơn gió lạnh buốt đang lướt qua các con phố của khu ngoại ô Na Uy này.
Họ đi bộ đến tận ga Asker, Andrew hỏi một người bán vé xem tàu chạy tuyến Drammen đến Oslo thì xuất phát từ bến nào. Người đó chỉ đường cho họ bằng một thứ tiếng Anh rất chuẩn xác.
Mười lăm phút sau, một đầu máy màu đỏ tiến vào trong ga. Đó là một con tàu nội vùng giống loại tàu thường gặp trong mọi ngoại ô của các thành phố lớn trên thế giới, nhưng thay vì hình vẽ graffiti trên các toa, nó khoác lên mình những vệt tuyết xám mà gió đã vẽ lên hai bên sườn tàu.
Tại ga trung tâm Oslo, Suzie đến trước một sạp báo. Cô mua hai tờ báo Herald Tribune rồi dẫn Andrew lại một bàn cà phê và họ ngồi xuống cạnh nhau.
- Anh phết bơ vào bánh mì nướng cho tôi được không? Cô vừa nói vừa mở tờ nhật báo.
Andrew ghé nhìn qua vai cô.
- Chúng ta đang tìm gì vậy? Anh hỏi.
- Một lời nhắn bâng quơ.
- Cô học tất cả những trò này ở đâu vậy?
- Knopf là người đỡ đầu của tôi, tôi có được người thầy xuất sắc, Suzie đáp. Knopf từng kể với tôi rằng thời chiến tranh lạnh, mục quảng cáo của tờ Herald Tribune được dùng làm thư từ cho tất cả các tổ chức gián điệp, họ đã liên lạc một cách công khai như thế. Các thông tin tuyệt mật đã vượt qua mọi biên giới mà không ai có thể chặn được. Thế nên, sang sang, các cơ quan phản giánlại săm soi từng dòng chữ nhỏ nhất trên các quảng cáo đó, mò tìm một thông điệp để giải mã. Vậy đấy, tôi đang tìm thong điệp của chúng ta, cô vừa nói thêm vừa lướt ngón tay khắp các dòng sau đây:
Clarks yêu quý,
Mọi chuyện ổn.
Em hãy chờ anh ở Bryggen để cùng ăn cá trích.
Hãy gọi điện tới Bergenhus,
nhớ mua hoa mimosa nhé, giờ đang là đầu mùa.
Thân ái.
- Thế mẩu quảng cáo này là dành cho cô à?
- Mimosa là loài hoa yêu thích nhất của bà tôi, chỉ có ông ấy và tôi mới biết.
- Thế phần còn lại nghĩa là gì?
- Nghĩa là có rắc rối, Suzie đáp. Tôi nghĩ Knopf đang ở Na Uy.
- Cô vẫn tin tưởng ông ta vậy sao?
- Hơn bao giờ hết.
Andrew mở cẩm nang du lịch.
- Chúng ta có đi thăm chỗ này không nhỉ, bảo tàng Lịch sử tự nhiên ấy?
Suzie gập tờ Herald Tribune lại và nhét nó vào trong túi xách.
- Tôi hoàn toàn không cảm thấy như thế. Nếu Knopf viết cho chúng ta là mọi chuyện đều ổn, tức là ông ấy đang nghĩ điều ngược lại. Nếu ông ấy viện dẫn đến đảo Clarks, đấy là để cảnh báo với chúng ta có nguy hiểm.
Andrew lật qua các trang sách, anh dừng lại ở trang in bản đồ Na Uy và nghiên cứu nó.
- Nếu cô thấy món cá trích hấp dẫn hơn thì Bryggen nằm ở đây, bên bờ biển phía Tây. Chúng ta có thể đi tới đó bằng tàu hỏa hoặc ô tô. Đi cách nào thì cũng sẽ mất khoảng bảy tiếng. Tôi đề nghĩ đi tàu hỏa, tôi không biết có cách nào thuê được xe mà không phải xuất trình giấy tờ, mà điều đó nên tránh thì hơn, anh vừa gấp cuốn cẩm nang lại.
- Hoặc bằng thủy phi cơ. Suzie gợi ý, đồng thời chỉ cho Andrew thấy cái nhãn hiệu lòe loẹt trên mục rao tin ở bìa sau cuốn cẩm nang.
Họ rời nhà ga và nhảy lên một chiếc taxi đưa họ ra bến cảng.
*
Chiếc thủy phi cơ, xếp hàng đậu trên biển, dập dềnh những chiếc phao. Phía cuối tàu, có một căn nhà gỗ nhỏ được dùng làm trụ sở của hãng du lịch Nordairway Tour. Andrew đẩy cửa bước vào. Một người đàn ông bụng phệ, đang uể oải trên chiếc ghế bành, hai bàn chân xòe ra gác lên chiếc bàn thấp, đang ngáy đều đều, như chiếc lò sưởi cũ kỹ đã được chất đầy củi. Suzie hung hắng ho. Người đó mở mắt, ngáp dài rồi mỉm cười hết cỡ với cô. Sau bộ râu bạc trắng muốt, trông cứ như một ông già Noel vừa đột ngột hiện ra từ một câu chuyện cổ tích.
Suzie hỏi ông ta xem có thể đưa họ tới Bryggen được không. Người đàn ông vươn vai đáp rằng nếu đưa mười nghìn curon thì hai tiếng nữa họ sẽ có mặt ở đó. Nhưng trước đó ông ta còn phải đi giao một lô dụng cũ đã, ông ta vừa nhìn đồng hồ nói thêm. Có thể đến đầu giờ chiều ông ta sẽ về tới nơi. Suzie chào giá thêm hai nghìn curon, và ông già liền đoán chắc rằng lô hàng kim khí kia có thể đợi.
Chiếc thủy phi cơ Beaver De Havilland cũng mang dáng vẻ xởi lởi như phi công lái nó, với cái mũi to tròn, và phần khoang dày dặn. Đậu trên những chiếc phao, trông nó hơi ì ạch. Andrew ngồi vào chỗ phụ lái còn Suzie ngồi phía sau. Không phải Andrew có chút kiến thức kỹ năng gì về hàng không, mà chẳng qua viên phi công chỉ định như vậy. Động cơ hung hắng ho, khặc ra những cuộn khói đen lớn, và ổn định chế độ. Viên phi công tháo dây neo vào bến tàu rồi đóng cửa khoang lái.
Máy bay lướt trên mặt nước ra phía cửa sông, hơi tròng trành mỗi lần cắt ngang đường rẽ sóng của những chiếc xà lan đang vào cảng.
Khi đã đi qua ngon hải đăng, viên phi công đẩy cần gạt, động cơ chồm lên, cả khoang rung lên bần bật.
- Nhấc chân cậu ra khỏi bàn đạp lái đi, nếu cậu không muốn xong đời dưới nước, ông ta làu bàu, bàn đạp ấy, mẹ kiếp nhấc chân cậu ra!
Andrew làm theo và chiếc thủy phi cơ bay lên cao.
- Trời đẹp quá, viên phi công nói tiếp, chúng ta hẳn sẽ không bị rung lắc quá đâu.
Ông ta bẻ lái và Suzie thấy cảng Oslo khuất dần dưới cánh máy bay.
*
Một thứ ánh sáng mờ đục lọt qua các lỗ châu mai trên pháo đài Bergenhus. Vọng gác, mới đây thôi, đã tìm lại được một số đồ đạc từng được đặt ở đây thời xa xưa. Một chiếc bàn gỗ và vài băng ghế, được sao phỏng tài tình dưới bàn tay của các thợ mộc và thợ gỗ trong vùng. Công việc trùng tu vẫn chưa hoàn thiện và khu vực này của bảo tàng vẫn đóng cửa với công chúng.
Knopf dấu những bước chân ông trên mặt đất khô cứng khắp sàn nhà. Giả như nghe thấy tiếng ro ro của những tàu đánh lưới rê vọng từ xa, hẳn ông sẽ nghĩ mình bị đưa trở về những thế kỉ xa xưa. Một phút mơ mộng mà ông đã ngỡ gần như thành sự thật khi thấy gương mặt người đàn ông vừa bước vào phòng.
- Tôi tưởng ông về hưu rồi. Ashton vừa tiến lại chỗ ông vừa nói.
- Nhiều người không có được cái quyền ấy. Knopf vặn lại
- Cuộc hẹn này có cần thiết không?
- Con bé đang ở đây, Knopf đáp. Tôi đi trước con bé vài tiếng đồng hồ.
- Mathilde?
- Mathilde chết rồi, tôi đang nói với ông về con gái của cô ấy.
- Con bé ấy biết chuyện à?
- Tất nhiên là không, chúng ta là hai người duy nhất biết chuyện.
- Vậy thì nó tới Na Uy làm gì?
- Tự cứu mạng.
- Thế ông ở đây là để giúp đỡ nó, tôi đoán thế.
- Tôi hy vọng làm được thế, điều đó phụ thuộc nhiều vào ông.
- Vào tôi sao?
- Tôi cần có tập hồ sơ; Ashton, đó là món tiền chuộc duy nhất có thể ngăn bầy chó săn bám riết lấy con bé.
- Lạy Chúa, Knopf à, khi nghe ông nói, tôi có cảm tưởng đã trở lại bốn mươi năm trước.
- Đó cũng chính là cảm giác của tôi khi nhìn thấy ông, dù mọi chuyện thời đó giản đơn hơn bây giờ. Người ta không giết những kẻ cùng phe với mình.
- Người của ông đang truy đuổi con bé ấy à? Họ biết sự tồn tại của tập hồ sơ đó?
- Họ nghi ngờ điều đó.
- Và ông muốn giao nó cho họ để cứu cháu gái của Liliane.
- Con bé là người cuối cùng của nhà Walker. Tôi đã thề với ông con bé là sẽ bảo vệ nó cho đến ngày cuối cùng của đời tôi.
- Chắc là ông sẽ chết sớm hơn. Tôi không thể làm gì được, Knopf ạ, cho ông cũng như cho con bé ấy. Và hãy tin là tôi rất lấy làm tiếc vì điều đó. Tôi không có tài liệu đó, ngay cả khi biết nó ở đâu, tôi cũng không cầm chìa để lấy được nó.
- Chìa nào?
- Chìa khóa của một cái hộp, không ai có thể bẻ được khóa mà không phá hủy tài liệu bên trong.
- Vậy là ông biết nó ở đâu.
- Về nhà đi, Knopf, ông không nên đi chuyến này và con đường của hai chúng ta không nên giao nhau một lần nữa.
- Tôi sẽ không về tay trắng đâu, Ashton. Tôi có nên…
- Giết tôi chăng? Bằng một cú đập gậy? Cuộc chiến của hai con gà già… Thôi nào, Knopf, sẽ lâm li bí đát lắm.
Knopf siết chặt cổ họng Ashton và gì ông ta vào sát tường.
- Ở tuổi này tôi vẫn còn nhiều sức lắm, mà tôi lại thấy trong mắt ông ham muốn sống thêm vài năm nữa. Tập hồ sơ đó ở đâu?
Khuôn mặt Ashton tím tái dần theo lượng oxy trong phổi giảm đi. Ông ta cố chống cự, nhưng Knopf khỏe hơn ông ta. Hai chân nhũn ra, Ashton trượt xuống dọc tường, trong lúc ngã xuống đã kéo theo cả kẻ tấn công.
- Tôi cho ông cơ hội cuối cùng. Knopf cúi xuống nói đồng thời nới lỏng cú siết.
Ashton ho sặc sụa khi được trở lại.
- Hai lão già đánh nhau chí chết, ông ta hổn hển. Khi tôi nghĩ tới sự nghiệp chúng ta đã có, nếu những người được chúng ta đào tạo nhìn thấy cảnh này, khác nào làm trò cười cho họ!
- Tôi đã giữ kín lời nói dối của ông, Ashton. Tôi biết ông vẫn chưa thực hiện đến cùng nhiệm vụ của mình. Nếu tôi nói ra chuyện đó, sự nghiệp của ông hẳn đã lao xuống hố sâu.
- Ông biết chuyện đó vì Edward đã nói với ông, một lời thầm kín bên gối chăng?
Knopf tát Ashton. Người điệp viên già ngã lăn ra sàn. Ông ta vừa đứng dậy vừa xoa má.
- Tôi không phải không biết chuyện gì đã xảy ra giữa ông và thượng nghị sĩ.
- Bà ấy đã nói với ông sao?
- Đương nhiên là bà ấy. Trong lúc tôi đưa bà ấy tới cái chết, trong khu rừng ấy, cách đây 100 cây số, bà ấy đã kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, cả cái ngày bà ấy bước vào phòng và bắt gặp ông trên giường cùng chồng bà ấy. Ông thấy không, tôi cũng đã giữ vài bí mật nho nhỏ của ông. Thật xúc động mạnh khi tình cảm ông dành cho thượng nghị sĩ vẫn không suy chuyển theo thời gian, nhưng ông cứ việc bóp chết tôi nếu muốn, chuyện đó sẽ chẳng thay đổi được gì hết. Tôi không thể làm gì để cứu con nhỏ Walker. Bảo vệ nó là việc của ông, không phải việc của tôi.
Knopf tiến lại một lỗ châu mai. Ông gỡ tấm nhựa che chắn và chiêm ngưỡng tầm nhìn. Từ vị trí này, có thể nhìn thấy vùng cửa bến cảng và những mỏm nhấp nhô của những con vịnh nổi lên trên biển Bắc. Ông tự hỏi bao năm tháng nữa chúng sẽ biến mất dưới làn sóng biển. Hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm, có thể lâu hơn một chút chăng? Bây giờ, phải chăng từ thành lũy của pháo đài thành cổ này, ta sẽ thấy bùng lên trong màn đêm địa cực ngọn lửa khổng lồ của hệ thống giàn khoan, khi hệ thống đó đã mọc lên trên Bắc Băng Dương như những hạm đội thuyền hỏa công được châm lửa điên loạn của con người?
- Nó ở đó, phải không? Knopf nói, vẻ tư lự. Ông đã giấu nó trong lớp váy đó. Công chúa Tuyết nắm giữ chính cái bí mật sẽ kết liễu mình. Thật ranh ma, ai có thể nghĩ tới điều đó chứ?
- Tôi, Ashton nói, đồng thời bước lại gần Knopf.
Con dao cắm sâu vào lưng Knopf từ phía trên thắt lưng, Ashton ấn lưỡi dao sâu lút cán.
Knopf chết sững bởi con đau và nhăn nhó sụp xuống.
- Và Công chúa Tuyết sẽ mang nó xuống mồ. Ashton thì thào vào hõm tai ông. Tập hồ sơ sẽ biến mất cùng nàng.
- Tại sao? Knopf rên rỉ khi trượt dài trên sàn nhà.
Với cử chỉ gần như ân cần, Ashton giúp ông dựa vào tường. Ông ta quỳ xuống bên cạnh ông và thở dài.
- Tôi chưa bao giờ thấy vui thú khi giết người. Mỗi lần phải làm việc ấy, với tôi, đều là thử thách kinh hoàng. Chẳng gì hoan hỉ khi đứng nhìn một chiến hữu già chết. Nhiệm vụ của ông là bảo vệ con gái của thượng nghĩ sĩ Walker và cháu gái ông ấy, nhiệm vụ của tôi là bảo vệ vợ ông ấy. Sự cứng đầu của ông gây trở ngại cho chúng tôi, tôi không còn lựa chọn nào khác.
Knopf mỉm cười, khuôn mặt ông dúm dó. Ashton cầm lấy tay ông.
- Ông có đau lắm không?
- Không đến mức như ông nghĩ đâu.
- Tôi sẽ ở lại với ông đến cuối, ít ra tôi cũng nợ ông chuyện đó.
- Không, Knopf lẩm bẩm, tôi muốn ở một mình hơn.
Ashton vỗ vỗ tay Knopf. Ông ta đứng dậy, lảo đảo ra cửa vọng gác rồi ngoái lại nhìn Knopf trước khi đi khỏi. Nét buồn trong ánh mắt ông ta không hề giả tạo.
- Tôi rất tiếc.
- Tôi biết mà. Knopf nói. Giờ thì đi đi.
Ashton giơ tay lên trán, chào ông theo kiểu nhà binh. Một cách vĩnh biệt với người đồng đội cũ.
*
- Chúng ta sắp tới nơi rồi, viên phi công vừa thốt lên vừa chỉ những ngôi nhà gỗ nhỏ xíu ở Bryggen có thể nhìn thấy phía xa xa. Biển động, tôi sẽ đáp xuống cửa sông. Cài dây an toàn vào đi, thủy phi cơ luôn phải đề phòng rủi ro lúc hạ cánh, mà khi ấy thì dữ dội lắm.
- Cái tay Bergenhus mà chúng ta phải gọi tới nơi này là ai? Andrew vừa ngoái lại nhìn Suzie vừa hỏi.
- Tôi không biết, chúng ta sẽ xem khi tới nơi, có thể đó là một nhà hàng phục vụ cá trích. Nếu là thế, Knopf hẳn sẽ để lại lời nhắn cho chúng ta trong cabin điện thoại gần đó.
- Bergenhus không phải là nhà hàng đâu, viên phi công bật cười chỉnh lại. Đó là một pháo đài cổ. Nó ở ngay phía dưới kia kìa, phía bên phải, ông ta vừa chỉ vừa chao nghiêng cánh. Những tòa nhà cổ xưa vẫn vững chãi ấy được xây dựng từ năm 1240. Thời chiến tranh, một tàu hàng Hà Lan chờ đầy thuốc nổ đã tan xác ngay dưới chân pháo đài. Một cuộc tàn sát kinh hoàng! Vụ cháy dữ dội đến mức ngọn lửa đã thiêu rụi gần như tất cả. Nói thế đủ rồi, giờ ta hạ cánh thôi!
*
Elias Littlefield chốt cửa văn phòng lại, tới ngồi vào chiếc ghế bành và nhấc điện thoại lên.
- Là tôi, thưa phó tổng thống.
- Elias thân mến, ông là người duy nhất vẫn còn gọi tôi là “phó tổng thống”. Chúng ta tới đâu rồi?
- Họ đã bỏ xa chúng ta tới tận cảng Oslo, nhưng chúng tôi biết họ đi đâu, một nhóm người của ta sẽ nhanh chóng bắt kịp họ.
- Tôi tưởng ông đã giăng bẫy họ?
- Knopf đã nghi ngờ gì đó, hẳn ông ta đã tìm được cách báo trước cho hai kẻ đó. Họ không tới cuộc hẹn.
- Họ đang ở đâu?
- Bryggen, người của ta không có phương tiện nào khác ngoài ô tô để đuổi theo họ. Walker và tay nhà báo đi trước bốn tiếng, nhưng tôi không thấy lo, chúng ta sẽ tóm được họ thôi.
- Ông có biết họ tới tận đó làm gì không?
- Gặp Knopf, tôi đoán thế.
- Vì ông ta cũng đã thoát khỏi tay ông?
- Đó là một đối thủ đã tường tận đường đi nước bước. Một con mồi khó mà…
- Hãy bớt viện cớ đi. Ông ta giữ hồ sơ hay không, có hay không?
- Tôi hy vọng là có; nếu như thế, ông ta sẽ muốn thương lượng đổi nó lấy mạng của cô gái mà ông ta bảo hộ. Chính vì thế tôi mới gọi cho ông, ông muốn chúng tôi làm thế nào?
Phó tổng thống ra lệnh cho viên quản gia vừa mang nước vào phải ra khỏi phòng ngay.
- Lấy lại các tài liệu, và làm cho họ biến mất cùng chúng luôn, cả Knopf nữa. Nhà Walker sẽ gây hại cho tôi. Vậy nên, hãy cho oắt con đó xuống địa ngục tái ngộ với ông nó. Ôi, tôi biết ông đang nghĩ gì, Littlefield ạ, rồi tôi cũng sớm gặp họ dưới đó thôi, ai cũng có tội lỗi đáng bị đày xuống địa ngục. Tập hồ sơ Công chúa Tuyết phải bị tiêu hủy, đó là vấn đề an ninh quốc gia.
- Tôi hiểu rồi, thưa phó tổng thống. Ông có thể tin ở tôi.
Phó tổng thống cúi xuống mở ngăn kéo chiếc bàn đầu giường. Ông ta cầm lấy quyển Kinh Thánh và nhìn bức ảnh mà ông ta dùng để đánh dấu trang. Một bức ảnh do chính ông ta chụp, bốn mươi năm về trước, vào một ngày mùa hè đẹp trời trên đảo Clarks.
- Gọi lại cho tôi khi nào mọi việc xong xuôi. Tôi cúp máy đay, có một cuộc gọi khác đang chờ.
Phó tổng thống ngắt cuộc gọi từ Elias Littlefield và ấn nút nhận cuộc gọi thứ hai.
- Knopf chết rồi, giọng nói thông báo.
- Ông chắc chứ? Lão đó đâu phải tay vừa.
Ashton im lặng.
- Có chuyện gì à, ông có vẻ hơi lạ? Phó tổng thống hỏi. Lão ấy có tập hồ sơ à?
- Không ai có được hồ sơ đó cả, các điều khoản trong bản thỏa ước của chúng ta không thay đổi.
- Vậy vì sao phải giết Knopf?
- Vì ông ấy tới gần nó và vì ông ấy muốn dùng nó như món tiền chuộc mạng sống cho cháu gái Liliane.
- Ashton này, hãy suy nghĩ đi, chúng ta đều già cả rồi, thỏa thuận giữa chúng ta sẽ không tồn tại mãi mãi. Sẽ có những Knopf khác, những Suzie Walker khác, những gã nhà báo khác, bắt buộc phải thủ tiêu bằng chứng của những việc chúng ta đã làm trước khi…
- Những việc ông đã làm, Ashton chỉnh lại. Tôi đã sát hại Knopf vì ông ấy đã trở nên yếu đuối. Ông ấy nhiều khả năng sẽ hoàn trả nó cho ông, mà tôi thì không bao giờ tin cậy vào ông. Hãy để con bé Walker được yên, không còn Knopf, con bé ấy vô hại.
- Cô ta thì có thể, còn tay nhà báo lại là chuyện khác, mà hai kẻ đó đang là một đội. Hãy mang tập hồ sơ về cho tôi và tôi sẽ ra lệnh tha mạng cho cô ta, nếu đó là chuyện khiến ông phiền lòng.
- Tôi nói với ông rồi, bản thỏa thuận giữa hai chúng ta vẫn không thay đổi, nếu có chuyện gì xảy ra với con bé Walker ông sẽ phải lĩnh hậu quả đấy.
- Đừng có đe dọa tôi lần nữa, Ashton, chuyện đó chưa bao giờ thành với những kẻ muốn chơi cùng tôi kiểu trò vặt này đâu.
- Đúng hơn thì tôi đã ngừng chơi đó bốn mươi sáu năm rồi.
Ashton gác máy. Giận điên người, viên cựu tổng thống gọi lại cho Elias Littlefield.
*
Suzie và Andrew đang khám phá pháo đài Bergenhus, lẫn trong vài vị khách du lịch người Anh đang được một hướng dẫn viên du lịch kể cho nghe về lịch sử nơi này.
- Tôi không thấy bạn cô đâu, Andrew nói.
Suzie hỏi anh chàng hướng dẫn viên xem ở gần đây có chổ nào ăn cá trích không.
Anh chàng hướng dẫn viên mỉm cười trước câu hỏi. Anh ta bảo trong thành phố có món này. Nhà bếp của pháo đài này không còn từ lâu rồi.
- Khu bếp ăn cũ ấy ở đâu? Andrew hỏi.
- Quân lính thường ăn trong vọng gác, khu vực ấy đóng cửa với công chúng, anh chàng hướng dẫn viên đáp.
Rồi anh ta làm cho họ hiểu rằng họ không phải khách hàng duy nhất của anh ra mà anh ta thì muốn tiếp tục chuyến tham quan.
- Thời Trung cổ, khu vực này mang tên Holmen, nghĩa là “đảo” hoặc “đá”, vì nơi này bao quanh là nước, anh ta vừa leo lên các bậc thang vừa nói. Nhiều nhà nguyện được xây dựng trong pháo đài, trong đó có nhà Kristkirken nổi tiếng, nhà thờ Thiên chúa, nấm mồ của các vị vua Bergen thời Trung cổ.
Suzie tóm lấy cánh tay Andrew và chỉ cho anh sợi dây màu đỏ dưới một hốc tường, ngăn du khách bước qua. Họ đi chậm lại. Anh chàng hướng dẫn viên tiếp tục dẫn thế giới nhỏ bé của mình về phía đỉnh tháp.
- Sảnh này được xây dựng dưới thời trị vì của vua Hakon IV, vào giữa thế kỷ 13…
Giọng nói của anh ta xa xăm dần. Suzie và Andrew chờ cho đến khi anh ta đi khuất tầm nhìn bèn vòng ngược lại. Họ bước qua sợi dây, đi vào một hành lang chật hẹp. Vài bậc thang cao dần, rẽ sang góc phải. Họ lên tới một thềm nghỉ và đẩy cánh cửa trước mặt.
Knopf đang ngồi dựa lưng vào tường. Xung quanh ông sàn nhà đẫm máu đen. Ông ngẩng đầu lên và mỉm cười, sắc mặt tái nhợt. Suzie vội vã chạy lại và lấy điện thoại di động để gọi cấp cứu, nhưng Knopf đã đặt tay lên điện thoại.
- Đó là việc nên làm sau cùng, cháu gái yêu quý, ông nhăn nhó nói. Ta cứ nghĩ cháu không bao giờ tới.
- Đừng nói gì cả và hãy giữ sức, chúng tôi sẽ đưa ông tới bệnh viện.
- Ta những muốn tránh phải dài dòng khi nói những điều cuối cùng này, nhưng ta sợ đã quá muộn rồi.
- Knopf à, đừng bỏ tôi lại, tôi cầu xin ông, tôi chỉ còn có ông thôi.
- Đấy, cháu gái à, giờ chính cháu lại là người nói những điều to tát. Đừng khóc nữa, ta xin cháu, điều đó khiến ta không thể chịu đựng nổi và ta không xứng đáng với điều đó. Ta đã phản bội cháu.
- Ông thôi đi, Suzie thì thào giọng nói đã tắc nghẹn vì nước mắt, ông nói linh tinh quá.
- Không, ta đảm bảo với cháu, ta muốn lấy được tập hồ sơ đó bằng mọi giá, ta đã lợi dụng cháu. Ta định mặc cả đổi nó lấy sự an toàn cho cháu, nhưng dù là gì thì có lẽ ta cũng đã làm hỏng rồi. Tình yêu mà ta dành cho đất nước mình quan trọng hơn hết thảy. Cháu muốn gì chứ, đến tuổi của ta ai còn làm lại được. Bây giờ, nghe ta nói. Ta cố dành chút sức tàn sót lại này để nói với cháu điều mà ta biết.
- Ai đã làm chuyện này với ông? Suzie cầm bàn tay be bết máu của người đỡ đầu vừa hỏi.
- Lát nữa đi, để ta nói nốt đã. Những bằng chứng về chiến dịch Công chúa Tuyết, ta nghĩ là mình biết nó ở đâu. Chúng là giấy thông hành của cháu, nhưng ta muốn cháu hứa với ta một điều và cháu phải giữ lời.
- Hứa gì? Andrew hỏi.
- Đúng ra anh mới là người tôi muốn nhắn nhủ. Đừng công bố gì hết, tôi đồng ý rằng một vụ như thế này có thể mang lại cho anh giải Pulitzer trên chiếc khay bạc, nhưng hậu quả cũng sẽ rất tàn khốc. Tôi kêu gọi lòng ái quốc trong anh.
- Lòng ái quốc của tôi ư? Andrew cười khẩy. Ông có biết trong mấy ngày qua, bao nhiêu người đã chết vì cái thứ chết tiệt mà ông gọi là lòng ái quốc không?
- Tính cả tôi à? Knopf đáp lại bằng giọng mỉa mai. Họ chết cho Tổ quốc của họ, danh sách buồn những tổn hại liên đới mà tôi là kẻ khóa đuôi. Nếu anh tiết lộ những gì tôi sắp cho anh biết, chính đất nước của chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm dưới con mắt của cả thế giới này. Sẽ không thể kiểm soát được cơn cuồng nộ của các dân tộc, các đại sứ quán của nước ta sẽ bị đốt trụi, chúng ta sẽ bị phỉ nhổ. Thậm chí, trong lòng nước Mỹ này thôi, người dân cũng sẽ chia rẽ. Đất nước này sẽ chìm đắm trong cơn cuồng ám về an ninh và sẽ co cụm lại. Đừng nhường bước trước cám dỗ của vinh quan, hãy nghĩ tới những hậu quả mà các tiết lộ của anh kéo theo và bây giờ thì hãy nghe tôi nói. Trong những năm 1950, từ khi ấy nước Mỹ đã là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và là nước đảm bảo sự ổn định của giá dầu. Hồi ấy, một thùng dầu giá một đô la. Năm 1956, khi các nguồn cung từ Trung Đông bị gián đoạn vì cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, chúng ta đã có thể đáp ứng được nhu cầu của các nước châu Âu, tránh được cảnh thiếu hụt năng trầm trọng. Nhưng năm 1959, tổng thống Eisenhower, bị tác động bởi các nhóm lợi ích là các công ty dầu mỏ của Mỹ, những người sợ rằng nguồn dầu Trung Đông giá rẻ sẽ khiến họ sạt nghiệp, đã áp dụng biện pháp bảo hộ. Những người được hưởng lợi từ chính sách này sẽ thúc đẩy ngành sản xuất dầu mỏ của Mỹ, những người đối lập thì thấy ngược lại, chính sách này sẽ dẫn đến sự cạn kiệt nguồn dầu mỏ.Và đó chính là điều đã xảy ra. Ngay từ năm 1960, số thùng dầu khai thác trên lãnh thổ Mỹ đã bắt đầu giảm. 70% trữ lượng dầu của nước ta cạn kiệt trong mười năm. Chúng ta không lâu sau nhận ra rằng vị trí thống lĩnh về năng lượng chỉ còn là giấc mơ ngọt ngào và cần khai phá những trữ lượng ở Bắc Cực để giữ được thế độc lập trong vấn đề năng lượng. Standard Oil, BP, ARCO đã bắt đầu việc khoan thăm dò ở Alaska, nhưng những lần khoan thăm dò đó đều không nhiều hứa hẹn. Nếu ở vùng thềm lục địa vịnh Mexico, bão lốc là một mối đe dọa, thì băng là kẻ thù của chúng ta ở vùng cực Bắc. Trừ phi làm cho chúng biến mất. Bà cháu đã tìm thấy trong văn phòng của chồng một tập hồ sơ mà lẽ ra không bao giờ nên thấy.
- Hồ sơ về chiến dịch Công chúa Tuyết, Andrew nói.
- Đúng thế, một sự điên rồ khủng khiếp của những người bị tham vọng cá nhân bất chấp mọi luật lệ cuốn đi. Đó là phóng đầu đạn hạt nhân từ các tàu ngầm vào các tầng sâu của lớp vỏ băng. Nếu ta nói với cháu ý tưởng này đã được nảy sinh thế nào, cháu sẽ phải sững sờ. Một trong các trùm tư bản nói trên, một nhà tiêu thụ whisky rất lớn, đã phát hiện ra rằng ở nhiệt độ tương đương, một tảng băng nguyên mất thời gian tan chảy lâu gấp mười lần các viên nước đá. Tiến trình làm điều đó đơn giản đến choáng váng. Đâm cho nứt lớp băng dưới sâu rồi chờ cho các vận động của đại dương làm nốt việc còn lại. Những người lạc quan nhất cho rằng tròn vòng năm mươi năm, rốt cuộc lớp vỏ băng sẽ bị xẻ vụn đến mức mùa đông cũng chẳng giúp chúng hồi phục lại được. Họ không lạc quan đến mức đó. Bà cháu cũng biết đến bản báo cảo về các hậu quả sinh thái từ một chương trình như vậy. Một thảm họa thật sự cho cả hành tinh và hàng triệu con người. Bà ấy đã tin tưởng chồng mình sẽ phản đối kế hoạch này. Chúng ta biết chuyện gì sẽ xảy tới với rừng rậm Amazon từ khi con người muốn chiếm đoạt nguồn tài nguyên gỗ ở đó. Vậy nên, hãy hình dung cơn thèm thuồng của họ khi ở đây là dầu mỏ. Liliane cũng ngây thơ hệt như cháu. Edward chính là một trong những người khơi mào chiến dịch Công chúa Tuyết. Đó là khởi đầu sự xa cách giữa họ, hai người ấy hầu như không còn nói chuyện với nhau. Trong nhiều tháng liền, bà cháu đã do thám chồng. Với sự tiếp tay của một người bạn, một người thuộc nhóm bảo vệ an ninh cho thượng nghĩ sĩ, bà ấy đã nắm được mật mã két sắt. Đêm đến, bà ấy lén lút vào phòng làm việc của chồng và sao chép lại các trang báo cáo tìm thấy. Và rồi, với quyết tâm đặt dấu chấm hết cho dự án này, bà ấy quyết định thông tin cho phe bên kia, dù có nguy cơ phải trả gái bằng mạng sống của mình. Một chính trị gia trẻ tuổi nhiều tham vọng, được một trong những người có ảnh hưởng nhất chính phủ bảo trợ, đã lùi bước trước sức quyến rũ của bà trong những buổi tiệc chiêu đãi. Họ trở thành tình nhân. Thượng nghị sĩ biết chuyện, nhưng chọn cách làm ngơ trươc lỗi lầm của vợ. Không nên để bùng lên vụ bê bối nào trong lúc vị trí phó tổng thống đã gần như ăn chắc. Một cách kín đáo, ông làm cho Liliane hiểu rằng bà ấy có thể cứ tiếp tục đắm đuối thế nào thì tùy thích, nhưng với một điều kiện là hãy làm chuyện đó cho kín kẽ. Bà ấy sở hữu một điền sản của gia đình trên đảo Clarks, nơi đã trở thành chốn trú ngụ của bà ấy. Chính tại đó, một hôm, bà ấy đã quyết định kể tất cả cho người đàn ông mà bà ấy đem lòng say mê. Người ấy ngay lập tức đã nhận ra đó là cách làm suy yếu đối thủ chính trị và tưởng tượng ra cảnh người đỡ đầu cho gã hẳn sẽ phải biết ơn suốt đời. Một gáo nước lạnh. Phe Cộng hòa và phe Dân chủ đồng sức đồng lòng hơn những gì người ta vẫn nghĩ khi đây là chuyện chia sẻ một món hời giá trị tới hàng tỷ đô la. Người đỡ đầu ra mệnh lệnh cho gã phải giữ im lặng không chỉ về tất cả những điều gã nghe được về chiến dịch Công chúa Tuyết, mà còn về mưu đồ đã được tính sẵn hòng ngăn cản bà cháu làm hại kế hoạch. Người đỡ đầu của gã bắn một mũi tên trúng hai đích. Liliane sẽ phải im lặng và sự nghiệp của thượng nghị sĩ chẳng còn gì. Vụ này nghiêm trọng đến mức mà ngay cả tổng thống Johnson cũng đã từ bỏ kế hoạch ứng cử lần thứ hai. Liliane sẽ bị truy tố vì tội phản bội đất nước. Cháu cũng biết câu chuyện bịa đặt về lý do mà bà ấy bị cáo buộc rồi đấy. Vài ngày trước khi bà ấy bị bắt, gã người tình đã được thăng chức và cảm thấy day dứt rồi, vào ngày Chủ Nhật cuối cũng họ trải qua cùng nhau trên đảo Clarks, gã đã báo cho Liliane việc bà sắp bị bắt. Liliane phó thác cho người đàn ông duy nhất mà bà ấy tin tưởng để tổ chức cuộc trốn chạy cho bà. Trong vài ngày tự do còn lại, bà ấy đã cô ngụy trang các dấu hiệu, hy vọng rằng một ngày nào đó cô con gái Mathilde sẽ đưa ra ánh sáng vụ Công chúa Tuyết. Liliane, viện cớ một chuyến dạo chơi tới đảo Clarks, đã đáp máy bay sang Canada. Từ đó, bà đi tàu thủy tới Na Uy cùng với người đàn ông đã giúp bà chạy trốn, mang theo tập hồ sơ. Bà ấy định giao chúng cho các nhà chức trách Na Uy, nước không phải đồng minh của Liên Xô, cũng không phải sân sau của Mỹ. Số phận đã quá nghiệt ngã với bà ấy. Vì người đàn ông ấy, người của lực lượng an ninh, và là người bà ấy đã tin tưởng biết bao, lại chính là người nhận lệnh từ thượng nghị sĩ để dẫn vợ ông ấy tới chỗ chết. Là bề tôi trung thành, ông ấy đã tuân lệnh. Liliane mất tích ngay sau hôm tới Oslo và tập hồ sơ đi cùng bà ấy.
- Người đàn ông đã sát hại bà tôi, người đó là ai?
- Chính là người đã đâm ta tối nay, cháu gái yêu quý.
Knopf ho, khạc ra một cục máu. Ông gần như không thở nổi, hơi thở trở nên hổn hển.
- Tập hồ sơ đó đang ở đâu? Suzie hỏi.
Ánh mắt của Knopf lạc dần, ánh mắt của một người đã không còn lý trí.
- Trong túi áo khoác màu trắng của nàng, ông vừa nói vừa cười khẩy.
- Chiếc áo nào?
- Chiếc áo của Công chúa Tuyết, ông ấy muốn nó biến mất luôn cùng bà ấy. Đó là cách bảo vệ được bí mật của mình.
- Ông đang nói gì vậy, Knopf?
- Chỗ đó, chết tiệt, ông vừa khó nhọc giơ cánh tay chỉ về phía lỗ châu mai. Vòng cực. Ashton biết vị trí chính xác.
- Cái ông Ashton đó là ai?
- Ta còn một điều cuối cùng muốn yêu cầu cháu. Đừng nói gì với Stanley, phải bảo vệ ông ấy. Hãy nói với ông ấy là ta qua đời do nhồi máu cơ tim, là ta không đau đớn, hãy nói với ông ấy là ta yêu ông ấy rất nhiều. Giờ thì hãy để ta lại, chẳng có gì vui khi phải nhìn một người chết đâu.
Knopf nhắm mắt lại. Suzie cầm lấy tay ông và vẫn ở bên cạnh ông, cho đến lúc ông trút hơi thở cuối cùng. Andrew ngồi bên cô.
Mười lăm phút sau đó, Knopf tắt thở. Suzie đứng dậy, vuốt vuốt mái tóc của ông và họ đi khỏi.
*
Họ náu mình trong một quán cà phê ở Bryggen. Khách du lịch ở đây rất đông. Ánh mắt của Suzie lộ rõ cơn giận dữ, cô vẫn chưa nói một lời nào. Cái chết của Knopf vừa dẹp tan quyết định từ bỏ trong cô, điều cô đã nói với ông trước khi khởi hành chuyến đi tới Na Uy.
Cô mở túi xách, lục tìm giữa đống đồ đạc và rút ra một cái túi nhỏ, nơi cô gom góp những tìm kiếm của mình. Cô lấy ra một phong bì đã khá cũ mà Andrew ngay lập tức nhận ra.
- Đó là bức thư cô đã tìm thấy trên thi thể nhân viên ngoại giao trên ngọn núi kia à?
- Hãy xem người ký tên là ai này.
Andrew mở lá thư và đọc lại.
Edward thân mến,
Việc cần làm cũng đã hoàn thành và tôi cảm thấy một nỗi buồn nặng trĩu với anh vì chuyện đó. Mọi nguy hiểm từ giờ đã được loại bỏ, Thứ đó giờ đang nằm ở một nơi không ai có thể tiếp cận. Trừ phi lời đã nói không giữ được. Tôi sẽ chuyển cho anh tọa độ chính xác của nơi đó trong hai bức thư riêng biệt sẽ được gửi cùng lúc.
Tôi có thể hình dung nỗi hoang mang sâu sắc, mà kết cục bi đát này khiến anh cảm thấy, nhưng nếu điều này có thể xoa dịu tinh thần anh, thì anh cũng nên biết rằng trong cảnh ngộ tương tự, bản thân tôi có lẽ cùng không hành động khác hơn. Lợi ích quốc gia là trên hết và những người như chúng ta chẳng có lựa chọn nào khác là phụng sự Tổ quốc, dù có phải hy sinh cho Tổ quốc thứ quý giá nhất đối với họ.
Chúng ta sẽ không gặp lại nhau nữa và tôi tiếc cho điều đó. Sẽ không bao giờ tôi quên được quãng thời gian lẩn trốn của chúng ta tại Berlin từ năm 1956 đến năm 1959 và đặc biệt là cái ngày 29 tháng Bảy đó, anh cứu mạng tôi. Chúng ta xong nợ.
Trong trường hợp khẩn cấp, anh có thể gửi thư cho tôi địc chỉ số 79, Juli 37 Gate, phòng 71, Oslo. Thỉnh thoảng tôi vẫn lưu lại đó.
Hãy hủy bức thư này ngay sau khi đọc được, tôi tin tưởng tính cẩn trọng của anh để cho không còn gì sót lại từ sau cuộc trao đổi cuối cùng này .
Người bạn tận tâm của anh.
Ashton
- Cả đời ông tôi chưa bao giờ đặt chân tới Berlin. Bức thư này đã được mã hóa.
- Thế cô có biết cách giải mã nó không?
- 1956, 1959, 29, tháng Bảy là tháng thứ bảy trong năm, rồi 79, lại tháng bảy, 37 và 71, những con số này hẳn phải mang ý nghĩa nào đó.
- Cứ cho là thế, nhưng theo thứ tự nào và ở đâu? À mà, ý tôi muốn nói là cái gì? Tôi không thể thôi nghĩ lại những lời cuối cùng của Knopf và cái nơi có thể cất giấu tập hồ sơ chết tiệt kia.
Suzie đứng phắt dậy, cô đặt hai bàn tay lên má Andrew và phấn khởi hôn anh.
- Anh đúng là thiên tài của tôi! Cô phấn khích nói.
- Tuyệt thế! Tôi chẳng có ý niệm gì về điều mà tôi đã làm một cách thiên tài, nhưng điều đó có vẻ khiến cô thấy rất vui, thôi thế cùng hay.
- Thứ tự các con số, tôi đã đảo lộn các con số này theo mọi hướng, hết ngày này qua ngày khác, mà vẫn không biết mình tìm kiếm thứ gì. Anh vừa cho tôi biết điều đó!
- Tôi đã nói gì à?
- Ở đâu!
- Tôi đã nói “Ở đâu” à?
- Nhưng con số này là để chỉ một vị trí. Ashton nói với ông tôi tọa độ của nơi mà ông ấy giấu tập hồ sơ!
- Tại sao ông ấy lại tiết lộ điều đó cho thượng nghị sĩ?
- Vì lão khốn ấy làm việc cho ông tôi, và những ý định của ông tôi là điều duy nhất không được mã hóa trong bức thư này. Ông tôi đã đặt bảo hiểm nhân thọ lên vai vợ mình. Ashton, sau khi sát hại bà, đã giấu tài liệu đi thay vì phá hủy nó và ông tôi giữ thứ có thể đảm bảo sự bình yên cho ông. Chỉ có điều lá thư đã không bao giờ đến được tay ông.
Suzie chép vào sổ tay nhưng con số trong bức thứ của Ashton.
- 59 độ, 56 phút, 29 giây, 7 phần trăm giây kinh độ Tây và 79 độ, 7 phút, 37 giây, 71 phần trăm vĩ độ Bắc, đó là tọa độ không thể chính xác hơn nữa cất giấu hồ sơ Công chúa Tuyết. Anh còn bao nhiêu tiền mặt nữa, cô hỏi Andrew.
- Gần một nửa số tiền tôi đã mượn của Simon.
- Anh đã mượn số tiền này sao?
- Tôi đã làm những gì có thể, có lẽ tôi khó mà xin tạm ứng chi phí với tổng biên tập. Cô muốn làm gì với năm nghìn đô la?
- Thuyết phục viên phi công đưa chúng ta lên Bắc Cực.
Suzie liên lạc với ông ta qua điện thoại, và lời hứa hẹn sẽ trả bốn nghìn đô la tiền mặt đủ để ông ta cất cánh trở lại đón họ ở Bryggen.
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp