Mai Hương Kiếm
Chương 2: Thiếu niên lâm ngịch cảnh
Tuy chỉ là thôn nhỏ nhưng Tân gia thôn rất nổi danh suốt một vùng Vân Quí. Nguyên nhân là mười mấy năm gần đây ở Tân gia thôn có hai nhân vật rất khác thường, một nam một nữ.
Họ là đôi phu thê, từ nhỏ vốn sinh trưởng ở Tân gia thôn, hơn nữa còn là anh em cô cậu.
Nam tên là Tân Bằng Cửu, còn nữ là Tân Nghi, hai người từ nhỏ là thanh mai trúc mã, tình cảm cùng tháng năm trở nên thắm thiết, cho đến khi trưởng thành thì hai người đã ngầm đính ước, thế nhưng thời bấy giờ lễ giáo rất nghiêm, mà họ lại là huynh muội cô cửu, thì tuyệt không được phép lấy nhau, không những bị phụ mẫu hai bên phản đối mà ngay cả các cư dân khác trong thôn cũng ra sức công kích, cho rằng việc đó là đại nghịch vô đạo.
Thế nhưng tình yêu của hai người đã quá nồng đậm, không vì bất cứ áp lực nào bên ngoài mà chịu thay đổi.
Thế rồi mùa xuân năm ấy cả hai người cùng thất tích. Không ai biết họ đi đâu.
Hơn mười năm sau, khi mọi người ở Tân gia thôn đã quên bẵng chuyện ngày xưa thì Tân Bằng Cửu và Tân Nghi đột nhiên trở lại dắt theo một hài tử chừng bảy tám tuổi.
Nam hài nhi đó là nhi tử của họ, tên là Tân Tiệp.
Bấy giờ cha mẹ của hai phu thê đều đã theo nhau từ giã cõi thế còn những người khác coi chuyện trước đây là chuyện đã rồi. Thêm vào đó sau chuyện hồi hương, Tân Bằng Cửu tỏ ra rất hào phóng. Phàm là người quen biết hay không đều có sẵn quà biếu mang tới tận nhà.
Người ở Tân gia thôn xưa nay vốn chắt bóp keo kiệt, đã thấy ai hào phóng như thế? Vì thế không còn ai đàm tiếu gì về chuyện ngày xưa nữa, ngược lại Tân Bằng Cửu rất được dân thôn trọng vọng.
Quanh khu cực Côn Minh đa phần dân chúng theo nghề điêu khắc và chế đúc đồng khí, Tân gia thôn cũng không ngoại lệ.
Tân Bằng Cửu và Tân Nghi trước đây là thợ khéo, sau khi hồi hương, những sản phẩm của họ lại càng xuất thần nhập hóa.
Cần biết trong nghề điêu khắc, ngoài đôi tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú ra, cần phải có nội lực để nét khắc dứt khoát và chính xác mới làm ra những sản phẩm sống động như thật.
Sau khi trở về, vào những lúc nhàn hạ, phu thê Tân Bằng Cửu thường tạo ra những pho tượng nhỏ để tiêu khiển, đôi khi đem tặng cho người khác.
Dân thôn thấy những vật phẩm do họ làm ra, ai cũng hết sức thán phục tài nghệ của họ.
Có lẽ xưa nay ở Tân gia thôn chưa từng có người nào điệu nghệ như thế.
Trong thôn có vài người hám lợi lén đem những vật phẩm được tặng ra thành phố bán, không ngờ kiếm được rất nhiều tiền, thậm chí chỉ một pho tượng nhỏ còn cao giá hơn những vật phẩm to lớn mà họ cất công làm cả tháng trời...
Quả là chuyện bất khả tư nghị!
Những người này thấy béo bở lại đến nài nỉ xin thêm tặng vật. Vì chẳng tốn bao nhiêu công sức làm ra những vật nhỏ nên phu thê Tân Bằng Cửu ít khi làm họ thất vọng, vì thế nên những vật phẩm do họ làm ra được bán trong thành phố ngày một nhiều.
Chưa đầy một năm, quanh khu vực Côn Minh đều biết ở Tân gia thôn có một vị “Thần Điêu”.
Khá nhiều thương nhân thấy món lợi không dễ gặp liền tìm đến Tân gia thôn cầu kiến phu thê Tân Bằng Cửu. Lúc đầu họ không thấy đó là điêu, nhưng sau khi nghe rằng mình được xưng là “Thần điêu”, cả hai vợ chồng đều biến sắc.
Dù thế nào cũng không để người ta gọi mình bằng danh hiệu đó.
Nhưng trong thiên hạ, việc xảy ra mấy khi chiều ý người ta? Ai không muốn nổi danh thì danh tiếng lại nổi như cồn, trái lại những ai muốn nổi danh thì càng ít người biết đến. Bởi thế danh hiệu “Thần điêu” chẳng những không mai một mà ngày càng được lan truyền.
Kể từ ngày phu thê Tân bằng Cửu trở về thấm thoắt đã bốn năm dư. Trong thời gian đó, ngoài việc nổi danh trái với ý muốn của họ, cuộc sống gia đình đều bình yên vô sự.
Tân Tiệp bây giờ đã mười hai tuổi, thông minh lanh lợi lạ thường, thân thể so với bọn trẻ cùng lứa cũng cường tráng hơn nhiều.
Những nếp nhăn ưu tư của phu thê Tân Bằng Cửu dần dần tiêu mất.
Một mùa xuân nữa lại đến với Tân gia thôn.
Hôm ấy trong tiểu viện của mình, Tân Bằng Cửu tổ chức ba bàn tiệc mời các phụ lão và người quen biết trong thôn đến uống rượu thưởng mai.
Tân Nghi vốn xưa nay thông thạo nghề nấu nướng, nên bốn năm vừa rồi đã trở thành một đầu bếp lão luyện, cất rượu cực ngon, được thực khách hết lời tán thưởng.
Sau khi khách nhân về hết, phu thê Tân Bằng Cửu gọi nhi tử cùng ngồi vào bàn vừa ăn uống vừa chuyện vãn. Chẳng bao lâu trống điểm canh đầu. Tân Bằng Cửu chợt bưng chén rượu lên, thở dài nhìn thê tử nói :
- Mấy năm nay nàng thật khổ... đến nay tính là năm năm rồi... chỉ cần hết ngày hôm nay nữa, chúng ta sẽ không còn lo nơm nớp ngày đêm...
Tân Nghi cười đáp :
- Nếu việc qua đi bình an, sau này chúng ta sẽ không bao giờ còn dấn thân vào chốn giang hồ nữa, ở đây làm một người lương dân an phận thủ thường...
Thiếp đã chán ngấy việc cầm dao động kiếm!
Tân Bằng Cửu cười nói :
- Thật tình mấy năm nay ta rất lo lắng. Hai tên ma đầu đó quả là lợi hại khó mà đối phó. May mà...
Tân Nghi lộ vẻ ưu tư :
- Không biết sau hôm nay. Chúng có chịu bỏ qua không?
Tân Bằng Cửu cười hô hố nói :
- Không sao đâu! Hải Thiên song sát tuy tâm độc thủ lạt nhưng đã nói là làm, khí chúng ta ra kỳ hạn năm năm, sau thời hạn đó dù chúng ta có đối mặt, chúng cũng không đụng đến một sợi lông đâu!
Tân Bằng Cửu vừa dứt tiếng, đột nhiên nghe truyền lại một tiếng cười lạnh lùng, tiếp đó là giọng nói rất nhỏ :
- Tân lão lục thật là tri kỷ của chúng ta! Với lời tán dương đó của ngươi, tiêu lão đại ta sẽ để ngươi được chết thanh thản!
Phu thê Tân Bằng Cửu mặt xám ngoét chẳng khác gì thấy quỷ vào nhà, đồng thời đứng bật dậy.
Đêm lạnh như nước, xung quanh vẫn không thấy nhân ảnh nào...
Tân Bằng Cửu cố ghìm cơn sợ nói to :
- Đại ca, nhị ca đã tới đây sao không vào tệ cư?
Trong đêm tối lại vang lên tiếng cười lạnh lùng :
- Ngươi còn muốn ta phí sức động thủ nữa sao? Hạn trong thời gian tuần trà, nếu vợ chồng cha con ngươi cả ba không chịu tự quyết thì sẽ chết rất thảm!
Tân Bằng Cửu mặt không còn chút huyết sắc nói :
- Phu thê chúng tôi biết mình có lỗi với đại ca và nhị ca nên tự nguyện chịu tội chết. Nhưng mong đại ca nhị ca niệm tình tha mạng cho hài tử còn nhỏ dại.
Tiếng người trong bóng tối lại vang lên :
- Ta vừa nói ngươi là người tri kỷ, vậy sao còn nói ra câu đó? Chẳng lẽ ngươi còn chưa biết tính khí của huynh đệ ta xưa nay giết người không lưu hậu hoạn?
Tân Nghi nghe câu đó mặt xám ngoét, tức giận thét lên :
- Lũ tàn phế các ngươi đừng hãm người ta vào chốn đường cùng! Chẳng lẽ chúng ta đây ngay cả chuyện không muốn mình làm kẻ cường đạo nữa cũng không được? Hãy biết rằng chúng ta là Điền Quế song điêu chẳng dễ bị người khi hiếp! Tân đại nương ta muốn xem các ngươi có bản lĩnh thần kinh quỷ khốc thế nào!
Ngay lúc ấy trước viện hiện ra hai nhân ảnh.
Một người tuy đầy đủ cả tứ chi, nhưng mặt phẳng lỳ như tấm phản, không tai không mũi, ngay cả lông mi cũng không có, chỉ hai mắt ẩn sâu trong hố mắt phát ra những ánh sáng xanh đến rợn người.
Người kia lại càng kỳ quái hơn, đầu và thân đều rất lớn, trái lại hai chân tay vừa nhỏ, vừa ngắn chỉ bằng chân tay của đứa trẻ chỉ sáu bảy tuổi.
Hai người đều vận y phục màu xám nên trong đêm tối chẳng khác nào ma quỷ hiện hình.
Hai quái nhân này là huynh đệ song sinh tự hiệu Thiên Tàn Tiêu Hóa và Thiên Phế Tiêu Hao, giang hồ gọi chúng là Hải Thiên song sát, khét tiếng trong giới lục lâm đương đại.
Lãnh tụ của giới lục lâm Trung Nguyên lúc đó là Quang Trung cửu hùng.
Sau khi Tân Bằng Cửu và Tân Nghi bỏ nhà đi đã phải bôn ba nhiều chỗ, tình cờ được một kỳ nhân trên giang hồ đã rửa tay gác kiếm truyền thụ võ nghệ nên đều có nhất thân võ công rất cao cường.
Vốn bị đời ruồng rẫy nên hai người sinh ra ác cảm, sau khi học được võ nghệ liền cùng nhau hành khứ giang hồ chuyên cướp bóc.
Chẳng bao lâu, danh hiệu Điền Quế song điêu truyền đi khắp võ lâm, nhiều người biết tiếng đôi nam nữ cường đạo này không những võ công cao cường mà còn tâm độc thủ lạt, đã hại không biết bao nhiêu người.
Về sau Hải Thiên song sát tổ chức ra Quang Trung cửu hùng, thấy Điền Quế song điêu hợp với tính khí của mình nên đã lôi kéo về nhập bọn.
Trong Hắc đạo, Quang Trung cửu hùng được coi là Thái Sơn, bởi thế Điền Quế song điêu gia nhập ngay.
Những năm đó Điền Quế song điêu cũng tàn ác, giết người đốt nhà chẳng kém gì những tên ma đầu lừng danh khác, nhưng sau đó Tân Nghi sanh được một hài tử kháu khỉnh, tâm tính cả hai thay đổi dần, hiểu ra những hành động tàn ác của mình trước đây là nghịch thiên đạo, bí mật bàn định nhau rửa tay gác kiếm.
Nhưng tổ chức của Quang Trung cửu hùng hết sức nghiêm mật, chỉ trừ người chết, không ai có thể thoái xuất. Hơn nữa Hải Thiên song sát võ công cao hơn phu thê Tân Bằng Cửu nhiều, bởi thế hai người không dám vọng động, cố chờ thời cơ thích hợp.
Mãi đến khi Tân Tiệp lên bảy tuổi, Hải Thiên song sát có việc phải ra quan ngoại, trong số Cửu hào ở lại chỉ còn lão thất Tử Mẫu Ly Hồn Thụ Trần Kỷ Chiêu và phu thê Tân Bằng Cửu. Hai người thấy thời cơ đến liền giết Trần Kỷ Chiêu rồi dắt con rời khỏi Tổng đàn.
Hải Thiên song sát trở lại Trung Nguyên. Biết được tin này chúng rất tức giận truyền tin cho thiên hạ lục lâm rằng nếu trong vòng năm năm Điền Quế song điêu không chịu quay về đầu thú thì tháng cuối cùng của năm năm đó cả ba người sẽ bị giết.
Phu thê Tân Bằng Cửu cho rằng thiên hạ rộng lớn, làm gì không kiếm được chỗ dung thân cho ba người. Sau khi tính kỹ, họ quyết trở lại quê hương. Giới lục lâm không mấy ai tiết lộ cố cư của mình, và cũng ít người hỏi vì chúng là những kẻ trôi nổi vô gia cư. Điền Quế song điêu quyết định trở lại Tân gia thôn vì chưa bao giờ lộ địa danh đó và cho rằng đây là nơi dung thân lý tưởng.
Năm năm yên ổn trôi qua, tưởng rằng mọi việc đã yên ổn, ngờ đâu chính ngày cuối cùng của kỳ hạn năm năm, Hải Thiên song sát đột nhiên xuất hiện.
Theo Tân Bằng Cửu, võ công của hai phu thê không sao địch nổi đối phương, hơn nữa những tội ác mà hai người gây ra trước đây thì chết cũng đáng tội, chỉ cầu xin cho Tân Tiệp mà thôi. Thế nhưng Tân Nghi lại không chịu nổi sự bức hiếp như vậy nên đã cất lời nhục mạ.
Hải Thiên song sát là huynh đệ song sinh, mới ra đời đã mang tàn phế, một người chân tay cũn cỡn, người kia vừa điếc vừa câm. Tuy chúng tự xưng là Thiên Tàn, Thiên Phế nhưng rất hận người khác gọi chúng là tàn phế. Bởi vậy nghe Tân Nghi chửi rủa, Thiên Tàn Tiêu Hóa độc địa nói :
- Không ngờ Tân cửu nương ngươi còn cứng đầu hơn cả Tân lão lục! Tốt lắm! Nếu hôm nay các ngươi không chết thảm thì từ đây trên giang hồ không còn danh hiệu Hải Thiên song sát nữa!
Tân Nghi bình thản kêu lên :
- Bằng Cửu! Hãy liều mạng với chúng một phen!
Dứt lời lao ra sân vung chưởng xuất một chiêu “Cơ Ưng Phọc Thố” nhằm vào Thiên Tàn Tiêu Hóa, uy thế kinh nhân.
Nhưng vì đang tức giận nên Tân Nghi xuất thủ đã phạm vào điều tối kỵ.
Chiêu “Cơ Ưng Phọc Thố” này chỉ nên dùng với người có võ công dưới mình, nếu gặp đối thủ cao tay hơn thì sẽ gặp bất lợi.
Tân Bằng Cửu thấy vợ xuất chiêu này biết trước rằng thất thế kêu lên mấy tiếng nhưng không kịp nữa...
Thiên Tàn Tiêu Hóa thấy Tân Nghi lao tới liền rụt nhanh người lại. Lão ma đầu này vốn đã thấp, nay lại dùng thuật thúc cốt nên chỉ còn ba thước như ngồi bết xuống đất.
Tân Nghi vừa rồi xuất tuyệt chiêu lao thẳng vào đối phương với mục đích lưỡng bại câu thương, nào ngờ Thiên Tàn Tiêu Hóa dùng thuật Thúc cốt đã đạt cảnh giới thượng thừa, chờ khi kình lực uy mãnh của Tân Nghi sạt qua đầu mới nhanh như chớp vung cả song thủ chộp lấy tay đối phương bẻ quặp xuống.
Tân Nghi đau đớn thét lên, cả hai tay đều bị chấn gãy, thân thể bị quật mạnh xuống đất.
Tân Bằng Cửu cũng rú lên kinh hoàng.
Thiên Tàn Tiêu Hóa nhìn Tân Bằng Cửu nói :
- Tân lão lục! Nếu cha con ngươi cứ ngồi yên ở đó xem huynh đệ ta xử trí vợ ngươi, chúng ta sẽ phá lệ một lần tha mạng cho hài tử ngươi, nếu không cả ba sẽ cùng chết thảm!
Tân Bằng Cửu đưa mắt tuyệt vọng nhìn nhi tử, thấy thân hình của Tân Tiệp rất cương nghị không chút sợ hãi, thậm chí còn trấn định hơn cả mình, chỉ là trong mắt lấp lánh lệ quang. Tân Bằng Cửu ngạc nhiên nghĩ rằng một hài tử mới có mười hai tuổi mà nghị lực phi thường như vậy so với hầu hết những hài nhi khác mà mãi đến lúc này Tân Bằng Cửu mới nhận ra. Y tin rằng nếu khôn lớn thành người, nhi tử mình sẽ trở thành một kỳ nhân.
- “Phải bằng mọi giá cứu sống nhi tử...”
Một ý nghĩ lóe lên trong đầu.
Tân Bằng Cửu biết rằng Thiên Tàn Tiêu Hóa đã đề xuất đề nghị đó, tất nhiên chúng sẽ dùng thủ đoạn vô cùng tàn khốc đối với vợ mình, nhưng bây giờ đã tin chắc không còn khả năng phản kháng nên dù thế nào cũng phải chịu đựng để giữ mạng sống cho Tân Tiệp! Bởi thế nên ra hiệu cho nhi tử ngồi yên bên cạnh mình.
Thiên Tàn Tiêu Hóa biết đối phương đã chấp nhận, cao hứng cất một tràng cười đắc ý.
Đối với hạng quái nhân có những ý tưởng ngông cuồng, nhiều tên tàn bạo đến nỗi lấy nỗi thống khổ của người khác làm nguồn lạc thú cho mình. Hải Thiên song sát là hạng như thế.
Thiên Tàn Tiêu Hóa liền quay lại hướng sang Thiên Phế Tiêu Hao từ trước vẫn đứng bất động đưa tay ra hiệu những gì mà người khác không sao hiểu được.
Thiên Phế Tiêu Hao nhếch đôi môi khuyết hơn một nửa phát một nụ cười, nụ cười đó khiến Tân Bằng Cửu nổi gai ốc như con mồi đứng trước một dã thú trước khi bị xé xác.
Cơn đau nhói vừa dịu bớt Tân Nghi đang cố giãy dụa định nhổm lên thì Thiên Tàn Tiêu Hóa nhanh như chớp xuất mấy chỉ dùng thủ pháp điểm huyệt độc môn của Hải Thiên song sát làm Tân Nghi không còn cử động được nữa, nhưng thần trí vẫn hoàn toàn tỉnh táo.
Hắn lại hướng sang Thiên Phế Tiêu Hao gật đầu, tên câm điếc nhún vai rồi cúi xuống cầm y phục Tân Nghi xé toạc một đường lộ gần hết da thịt.
Thân hình trần trụi của Tân Nghi lộ hết ra, huyệt đạo bị khống chế nên không cử động được, chỉ có da thịt run lên vì lạnh.
Tân Bằng Cửu vô cùng thống khổ, cố hết sức ngăn lại ý định muốn xông ra liều mạng với hai tên ác ma chỉ vì một ý nghĩ duy nhất là bảo vệ tính mạng của nhi tử, tuy vậy huyết khí sôi lên, răng nghiến chặt đứt cả vành môi!
Nỗi thống khổ của Tân Nghi lúc đó không thể dùng ngôn từ mà hình dung được. Toàn thân lộ hẳn ra dưới gió rét, hai tay bị gãy vẫn còn đau nhức nhối, nhưng tất cả nỗi đau xác thịt còn chưa sánh bằng với nỗi lòng dày vò nhức nhối và tuyệt vọng khi mình bị làm nhục ngay trước mặt chồng con.
Tân Nghi lúc này không thể cắn lưỡi tự tử và cũng không thể nói, ngay cả muốn phong bế hô hấp để được chết thanh thản hơn cũng không làm được. Chợt có cảm giác những bộ phận trên thân thể mình đau buốt, biết rằng đang diễn ra việc bi thảm nhất.
Với nỗi bất lực và tuyệt vọng, Tân Nghi thống khổ nghĩ rằng mình giờ đây chỉ có nỗi thù hận trào dâng, không những đối với Hải Thiên song sát mà hận cả chính mình, hận chồng...
Thiếu phụ nghiến răng rủa thầm :
“Sau khi chết, ta sẽ biến thành quỷ trả thù tất cả mọi người!”
Đối với Tân Tiệp, một hài tử mới có mười hai tuổi mà phải chịu chứng kiến hành vi của bọn ác quỷ mất hết nhân tính này là nỗi bất hạnh khủng khiếp.
Ký ức trong trắng của trẻ thơ sẽ vĩnh viễn hoen ố, trái tim sẵn sàng yêu thương trở thành thù hận đối với loài người!
Nếu nó là kẻ yếu nhược, tất đã òa khóc từ lâu, sẽ điên dại gào lên, bất chấp tất cả. Nhưng nó cố trấn tĩnh, cố chịu đựng, biết rằng cha mình cũng đang cố chịu đựng như thế, thậm chí còn thống khổ hơn chỉ vì bảo toàn mạng sống cho mình.
Bởi thế đôi mắt nó ráo hoảnh, chỉ phát ra những tia căm thù ngùn ngụt.
Đối với một hài tử chỉ mới mười hai tuổi mà hành động được như vậy là một kỳ tích.
Hải Thiên song sát không chú ý đến hành động của Tân Tiệp, chúng đang bị nguồn đam mê của loài dã thú cuốn hút, trở nên điên cuồng, dùng tay dùng chân thọc vào những nơi nhạy cảm nhất của thiếu phụ vô lực phản kháng trong tiếng cười sằng sặc như của bầy quỷ đói tranh mồi...
Tân Bằng Cửu đột nhiên lao ra như con mãnh thú, song chưởng cùng vung lên xuất một chiêu “Tỉ Dực Song Phi” đánh vào trọng huyệt Huyền Châu và Kiên Tĩnh của Thiên Tàn Tiêu Hóa.
“Tỉ Dực Song Phi” là tuyệt chiêu của dị nhân truyền thụ, nhờ đó mà Điền Quế song điêu thành danh trong giang hồ, cũng là chiêu sát thủ.
Với tất cả nỗi bi thương và thù hận, Tân Bằng Cửu đem hết sức bình sinh xuất thủ nên uy lực tăng gấp bội so với lúc bình thường, hung mãnh vô luân!
Thêm nữa, Thiên Tàn Tiêu Hóa đang trong cơn hí hửng chìm đắm trong cơn hưởng lạc thú súc vật, khi phát hiện ra thì chưởng lực đã cận kề.
Nhưng hắn là kẻ xưng hùng của lục lâm Trung Nguyên nên bản lĩnh có chỗ siêu quần bạt chúng.
Chưởng lực của Tân Bằng Cửu sắp chạm đến, cơ thể hắn đột nhiên chùn xuống tránh chiêu sát thủ, đồng thời nhún chân nhảy phắt sang bên thoát được cái chết trong chân tơ kẽ tóc!
Tân Bằng Cửu nghiến răng, cố diệt bằng được đối phương, tuy biết rằng chiêu vừa rồi thất thủ thì không còn hy vọng lấy mạng đổi mạng được nữa, nhưng trước sau gì cũng chết nên thân ảnh chùn xuống, thân hình quay sang trái xuất chưởng liên hoàn “Thần Điêu chưởng pháp” không quản đến gian nguy của bản thân xuất chưởng như mưa sa bão táp, không cần biết nội lực, không cần tính chiêu số!
Cách động thủ như vậy chỉ trừ khi người ta liều mạng hoặc đối với kẻ thù sinh tử, ngoài ra chẳng mấy khi dùng.
Thiên Tàn Tiêu Hóa tuy võ công cao cường nhưng vẫn phải vất vả ứng phó với cách đánh liều mạng đó.
Sau một lúc, do vận hết nội lực nên chiêu thức của Tân Bằng Cửu phát ra rời rạc hẳn.
Thiên Phế Tiêu Hao vẫn lạnh lùng đứng một bên đưa mắt nhìn cuộc chiến.
Hắn biết tuy hung mãnh nhưng Tân Bằng Cửu không đủ sức sát thương Thiên Tàn Tiêu Hóa.
Tân Bằng Cửu xuất một hơi đến cả trăm chiêu “Thần Điêu chưởng pháp”, tới mấy chiêu cuối cùng “Thần Điêu Xuyên Vân”, chợt liếc sang thấy Thiên Phế Tiêu Hao sơ hở bộ vị liền biến chiêu nhằm tên câm điếc xuất một chiêu “Phá Phong Thả Khởi”!
Hải Thiên song sát không ngờ tới biến cố đó. Thiên Tàn Tiêu Hóa chợt thấy đối phương bỏ mình mà tấn công Thiên Phế Tiêu Hao bỗng sững người vì ngạc nhiên.
Thiên Phế Tiêu Hao về thuật thúc cốt không bằng lão huynh, nếu bất ngờ bị song chưởng đánh sang chỉ đành dùng nội lực và chân khí hộ thân để giữ vững cho khỏi ngã.
Sự tình diễn biến thật nhanh không bút pháp nào miêu tả được.
Thiên Phế Tiêu Hao còn chưa trụ vững thì trố mắt kinh hoàng khi thấy đối phương lao cả người tới, miệng hoác ra nhằm vào cổ mình!
Nếu đối phương cắn vào cổ, cho dù võ công có cao tuyệt bao nhiêu cũng phải tuyệt khí lập tức, làm sao không kinh hoảng?
Vốn là kẻ lão luyện giang hồ, từng lâm nhiều đại địch nên Thiên Phế Tiêu Hao phản ứng rất nhanh, đó là ứng biến theo bản năng mỗi khi gặp nguy cấp.
Chỉ chớp mắt, Thiên Phế Tiêu Hao đã nhô vai lên, rụt đầu xuống, bởi thế chiếc cổ nhanh chóng được giấu dưới cằm và vai.
Tân Bằng Cửu chỉ đớp trúng là bả vai khiến đối phương bị gãy xương quai xanh và mất hẳn một miếng thịt.
Thiên Phế Tiêu Hao cố nén cơn đau buốt, xuất chỉ điểm vào tử huyệt Thương Hải ngay dưới sườn đối phương.
Tân Bằng Cửu bị luồng chỉ phong rất mạnh điểm trúng tử huyệt không kịp kêu lên một tiếng, miệng rời khỏi vai đối phương, thân ảnh đổ xuống chết ngay.
Thiên Phế Tiêu Hao sờ vào vết thương bị cắn nơi vai lóe máu đau buốt tận xương, đưa mắt lạnh lùng nhìn tử thi dưới đất, nhưng trên mặt không lộ ra chút biểu cảm nào, như thể mọi biến cố trên đời đều không thể khiến hắn thay đổi nét mặt. Thiên Tàn Tiêu Hóa tức giận nói :
- Để hắn chết như vậy thì quá dễ dàng!
Đột nhiên hắn chợt nghĩ ra trong viện, ngoài huynh đệ mình ra vẫn còn một người chưa chết liền vội vã quay vào nhà.
Tân Tiệp vẫn ngồi trên bàn ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn trân trân vào tử thi cha mẹ trước thềm.
Thiên Tàn Tiêu Hóa kinh ngạc nghĩ thầm :
- “Tiểu hài này sao kỳ quái như vậy? Đừng nói chi là đứa bé, cho dù là tráng hán, gặp tình cảnh này không thể không kêu thét lên, hoặc chí ít cũng thất kinh đổi sắc... Nếu không phải là kẻ điên thì tất là một dị nhân... đã điên thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu hắn là dị nhân tất sau này sẽ là mối đại họa...”
Nghĩ đoạn, hắn từ từ bước tới trước mặt Tân Tiệp vung chưởng lên.
Với chưởng lực của Thiên Tàn Tiêu Hóa, đừng nói huyết thịt con người mà cho dù có luyện được xương đồng da sắt cũng phải nát thây!
Nhưng trước khi phát chưởng, mắt hắn ngưng chú vào Tân Tiệp và nhận thấy đôi mắt nam hài đang mở to đầy căm hận nhìn mình. Trong đầu Thiên Tàn Tiêu Hóa bỗng nẩy ra một ý niệm. Hắn không hạ thủ nữa mà hạ tay xuống. Tính mạng của Tân Tiệp cũng thay đổi theo ý niệm này.
Đêm như nước, bốn bề thúc tĩnh. Đột nhiên nghe như có tiếng gió rít lên...
Chốc lát từ phía hậu viện vang lên tiếng chân nặng nề và gấp gáp chừng như không phải chỉ một người. Tiếng chân nặng nề trong đêm thanh tĩnh nghe thật khác thường. Thiên Tàn Tiêu Hóa thất kinh đưa tay ra hiệu cho Thiên Phế Tiêu Hao nhẹ nhàng ẩn vào một góc tối trong viện.
Chỉ thấy từ hậu viện, một con trâu lớn đi ra, chắc rằng vừa sổng khỏi chuồng. Hải Thiên song sát thấy vậy nhìn nhau cười.
Con trâu mộng có lẽ được nuôi dưỡng rất tốt nên to lớn vạm vỡ khác thường.
Nó dừng lại trước sân đánh hơi, và sợ hãi khi phát hiện có mùi tử thi liền co chân chạy ra cửa.
Thiên Tàn Tiêu Hóa không hiểu nghĩ gì chợt lao ra chận trước con trâu.
Những quái nhân thường hành động trái với ý nghĩ của người thường, không ai hiểu hắn làm thế với mục đích gì, có lẽ nghĩ ra một trò tiêu khiển nào khác.
Nhưng dù sao hành động bất thường đó cũng làm biến đổi vận mạng của hài tử Tân Tiệp.
Con trâu chợt thấy người đứng chắn trước mặt liền cúi ngay đầu theo bản năng chực húc tới, nhưng Thiên Tàn Tiêu Hóa xuất thủ như chớp chộp cứng lấy đôi sừng rồi vận tiềm lực nội gia giữ chặt lấy khiến con trâu không thể húc lên nổi đành phải chúi mũi xuống thở phì phò vừa dẫm chân làm bùn đất bay lên tung tóe.
Thiên Tàn Tiêu Hóa giữ một lúc rồi chờ cho con trâu hơi lặng đi, tay trái vẫn giữ chặt một bên sừng, tay kia ra hiệu rất nhanh cho Thiên Phế Tiêu Hao mấy ký hiệu mà chỉ huynh đệ chúng biết với nhau, hiển nhiên mang ý nghĩa nào đó.
Cặp huynh đệ song sinh từ nhỏ sống với nhau, phải nói là tâm ý tương thông, ngoài những động tác làm hiệu của Thiên Tàn Tiêu Hóa ra, chắc rằng Thiên Phế Tiêu Hao không còn hiểu ý ai khác trong nhân gian nữa. Bởi thế từ nhỏ Thiên Tàn Tiêu Hóa đại biểu luôn cho Thiên Phế Tiêu Hao và hai người này như một cơ thể không thể tách rời được.
Thiên Phế Tiêu Hao nhanh chóng mở cửa viện rồi lao nhanh vào nhà cắp Tân Tiệp vào nách.
Hài tử không sợ hãi, cũng không phản kháng bởi vì nó hiểu rõ rằng làm thế là vô ích. Nó biết bây giờ vận mạng mình là ở trong tay hai quái vật này, nhưng không hiểu sao nó tin tưởng rằng sẽ có một ngày mình sẽ bắt đối phương trả giá cho những hành vi thú vật mà hôm nay chúng đã gây ra. Tân Tiệp cứ để cho Thiên Phế Tiêu Hao cắp đến gần con trâu đang phát cuồng.
Con trâu lúc này đang vô cùng quẩn bách quì cả hai chân trước xuống đúng lúc Thiên Phế Tiêu Hao ném Tân Tiệp vào đầu nó!
Biết rằng tính mạng mình chỉ còn khoảnh khắc, nhưng theo bản năng Tân Tiệp bám được vào bờm cổ.
Vừa lúc đó, Thiên Tàn Tiêu Hóa lắc mạnh khiến một sừng trâu gãy lìa phún máu.
Con trâu vô cùng đau đớn, điên lên cực điểm lấy hết sức bình sinh chồm dậy!
Thiên Tàn Tiêu Hóa thừa thế lấy chiếc đầu nhọn của chiếc sừng vạch mạnh vào da trâu làm đứt một đường máu chảy túa ra.
Khi một sừng bị gãy, con trâu chồm lên húc mạnh khiến chiếc sừng còn lại thoát khỏi lực giữ của Thiên Tàn Tiêu Hóa, đồng thời Tân Tiệp cũng nảy ngược lên rơi đúng vào lưng trâu. Nó chỉ kịp nép mình xuống bám chặt vào lưng trâu thì con trâu đã lồng lên chạy băng ra cửa như một mũi tên.
Cha mẹ Tân Tiệp tuy thân hoài võ học nhưng sau khi sinh hạ nhi tử đã chán ghét cảnh giang hồ, nên không muốn truyền thụ võ công cho Tân Tiệp, vì thế ngoài cơ thể cường tráng do được nuôi dưỡng tốt, nó hoàn toàn không có chút võ công nào.
Con trâu bị đau phát cuồng chạy suốt đêm.
Tân Tiệp nằm rạp trên lưng trâu, cố sức bám chặt cho khỏi ngã, nghe gió thổi qua tai ù ù, tưởng chừng như con trâu sẵn sàng vứt nó khỏi lưng.
Thật là sự hãi hùng không sao tả nổi đối với một hài tử mới mười hai tuổi.
Có lẽ phải đưa hết nghị lực, Tân Tiệp mới khỏi buông tay bỏ mặc cho con trâu quật mình xuống rồi quay lại dày xéo cho đến khi chỉ còn đống thịt. Bởi thế nó rất coi trọng tính mạng mình. Nó đã lập trọng thệ trong lòng rằng cảnh tượng thê thảm mà nó vừa chứng kiến, chính nó sẽ bắt đối phương trả giá gấp nhiều lần.
Phải cố bảo vệ tính mạng trước khi thực hiện được mục đích.
Quyết định đó hãy còn lờ mờ trong đầu đứa bé mười hai tuổi nhưng trái lại những ký ức bi thảm vừa qua khắc vào tâm trí nó hết sức rõ rệt.
Tuy giờ đây nó không đủ khả năng khắc phục hoàn cảnh nguy hiểm này nhưng quyết không chịu buông tay trước số phận nghiệt ngã. Do vậy nó đưa hết sức lực bám chặt lấy lưng trâu cho đến sức lực cuối cùng.
Một hài tử không có võ công bám trên lưng một con trâu đang điên cuồng vì đau đớn và giận dữ với hy vọng sao mà nhỏ nhoi và thảm hại!
Con trâu đã chạy không biết bao nhiêu thời gian và đường đất. Dần dần Tân Tiệp thấy những ngón tay mình đau buốt rồi tê đi, thần trí cũng dần dần mê loạn, chỉ có cảm giác hình như con trâu đang lao lên mỏm núi cao, tuy vậy nó không thấy rõ vật gì.
Trời sáng dần.
Tân Tiệp cố tỉnh trí lại. Nó hy vọng gặp người qua đường chận con trâu lại, nhưng chợt gạt bỏ ý định đó đi, vì cho dù gặp người đi đường cũng không sao chặn được con trâu vẫn còn trong tình trạng điên cuồng như thế. Nó lại hy vọng con trâu sẽ kiệt lực, nhưng chợt hiểu rằng nó sẽ kiệt lực sớm hơn.
Quả thật sức lực của nó chẳng còn duy trì được bao lâu, chỉ cần buông tay rơi xuống là mất mạng.
Cảm giác ban đầu của nó là đúng, con trâu đang chạy thẳng lên núi Ngũ Hoa Sơn.
Vì trên lưng con trâu rất xóc mà nó bám chặt vào lưng cúi gập người nên không nhìn thấy gì cứ tưởng đang phi trên một trái núi cao nhưng kỳ thật Ngũ Hoa Sơn không hiểm trở mà khá bằng phẳng.
Con trâu điên cuồng vẫn không hề giảm tốc độ.
Đang chạy, con trâu chợt đổi hướng ngoặt sang bên, làm cho Tân Tiệp bị bất ngờ buông lỏng tay và bị bắn nhào về phía trước!
Nó có cảm giác mình bị rơi vào một đám tuyết rồi mất hẳn tri giác.