Lửa Hận Rừng Xanh

Chương 12: Bắc yên thần nữ biên giới


Chương trước Chương tiếp

Không hiểu bao lâu, tự nhiên Võ Minh Thần choàng tỉnh lại. Hay nằm mê, chàng vẫn không phân biệt rõ được.

Chàng thấy mình vẫn nằm mọp trên lưng dị thú, đầu nghẹo sang một bên. Ánh sáng kỳ lạ ùa vào mắt làm chàng tuổi trẻ vô cùng ngạc nhiên thấy cánh rừng bên Cung A Phòng tại thượng nguồn Hắc Giang đã biến mất từ hồi nào rồi! Cả Tây Sắc Ma Vương, đàn quy mắt đỏ, ánh trăng khuya, tất cả đều như lùi về dĩ vãng xa xôi. Chàng thấy quanh mình đầy ánh thái dương trong trắng như ngọc lưu ly, ríu rít tiếng oanh thỏ thẻ, tiếng nhiều giống chim hót véo von, xa chút có tiếng vượn ru con chót vót và gió thổi nhè nhẹ, tiết trời ấm áp lạ.

Đồng thời Võ nhận ra con dị thú đang đi bước một thong dong như ngựa được lỏng buông tay khấu!

Chàng trai hít một hơi dài. Không khí trong lành hít vào thấy nhẹ hẳn người. Tuy vậy trong người chàng vẫn mệt rũ chẳng khác ốm liệt giường. Cố gượng sức, chàng ngóc cổ lên nhìn quanh, lòng thêm bàng hoàng khó tả. Dị thú đang đi giữa một vùng nương đồi cao vọi, phong quang, hoa bướm bạt ngàn sơn dã. Trên các tàn cây xa, oanh yến líu lo như chào lạc thiên thai, ngay cạnh có mấy bầy công trắng, công xanh đang xòe đuôi múa, thấy thú đi qua, không buồn bay!

- Lạ thật! Mình mê hay tỉnh thế này? Đây là đâu? Hay là lạc vào thế giới thần tiên? Võ băn khoăn tự hỏi, con dị thú đi về phía mặt trời mọc, qua mấy cánh nương đồi Võ thấy nhiều rặng núi xanh lam xanh đậm in trên nền trời. Đang nghĩ miên man bỗng nghe tiếng địch thổi véo von, âm thanh trong vắt như tiếng sáo thổi non bồng.

Ngạc nhiên, Võ Minh Thần cố lắng tai nghe, tiếng sáo chơi vơi bốc tận mấy tầng trời, tỏa rộng, tiếng sáo nổ phía trước, rồi lại nghe tiếng sáo nổi sau lưng, phía tả, hữu, cứ thế veo von réo rắt rồi nhất loạt đổ cả xuống, làm chàng tuổi trẻ bỗng lâng lâng cảm giác thần tiên lạ lùng hết sức.

Chàng cố gượng ngóc đầu lên dòm quanh, chỉ thấy bốn bề toàn bướm bay, ngút ngàn sơn dã, chợt hàng đàn tấp vào bờm thú, mặt chàng. Võ giương mắt nhìn kĩ, mới hay lại không phải đàn bướm, mà là hoa, toàn hoa nở xòe cành lá rung rinh trước gió, lao xao như bướm bay, màu hoa cà tuyệt đẹp.

- Không phải "hoa bướm"! Miền Tây Bắc Việt Nam rừng rú nhiều "hoa bướm", nhưng "hoa bướm" thường nở tại các bờ bụi, vào cử giêng, hai,... trắng xóa. Đây là đâu? Lại chơi vơi tiếng sáo Thiên Thai?

Chàng muốn ngồi dậy nhưng toàn thân như tê dại, dán vào lưng thú. Tiếng sáo véo von "trôi" lại phía chàng, nghe càng gần, rồi bỗng nhiên ngừng bặt. Chợt nghe có tiếng cười khanh khách bên tai, khắp mấy phía nương hoa đổ lại. Rồi tiếng cười cũng im bặt. Võ nghe có tiếng kêu thánh thót, rõ giọng đàn bà con gái.

- Ô kỳa... có con thú lạ đâu lạc tới! Lại coi!

- Con gì thế kia? Ô coi giống con nai.

-Không phải con nai... à! Con long mã. Ờ mà lạ dữ à! Hình như trên lưng nó mọc đầy cây cối hoa cỏ! Nó có cái bướu như con lac đà!

-Không phải cái bướu! Người! Trên lưng nó có người nằm! Một cô gái mặc "phá" Thổ! Lại coi xem! Cô gái nằm ngủ! Giọng nói líu lo thánh thót nói tiếng Thổ Thái nhưng âm khác, tuy vậy nghe thánh thót như suối đàn, hình như tiếng một bầy gái trẻ. Ngay khi đó, con dị thú đứng lại, phát ra mấy tiếng kêu lạ tai, tuy nho nhỏ nhưng vang ầm tỏa rộng, chứng tỏ nó khí lực cực sung mãn. Võ Minh Thần nghe nhiều tiếng xôn xao, rồi thấy từ mấy phía kéo tới một bọn gái núi ríu rít như bầy chim sơn ca. Các nàng đứng vây quanh con dị thú nhưng không lại gần, chỉ trỏ, bàn tán, toàn gái trẻ, từ mười sáu tới hai mươi, xinh xắn lạ.

Minh Thần nghe bọn gái xúm nhau bàn tán, có nàng bảo đem lưới ra bắt, có nàng lại gạt đi, xem chừng tất cả đều tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự xuất hiện của con dị thú chở người trên lưng. Con thú gật đầu, lững thững đi tới. Mấy cô lùi lại. Bỗng nghe có nàng bao:

- Con long mã này không làm dữ! Cứ lại gần coi sao! Không chừng cô nàng kia bị nạn!

Minh Thần ngóc đầu lên, đã thấy bầy gái lạ rón rén kéo lại gần đứng cách độ hai thước. Võ muốn lên tiếng nhưng lưỡi cứng lại, khong sao cử động nổi. Chàng chỉ biết mở mắt dòm xuống trừng trừng. Chợt một cô gái reo lên:

- Lại coi! Lại coi! Người đàn bà mở mắt, còn thức! A lạ chưa! Mở mắt mà không nói! Đàn bà lại có lông chân!

Minh Thần muốn đưa tay vẫy, có dấu hiệu làm thân, nhưng không sao giơ nổi. Tình trạng chàng lúc này giống hệt kẻ nằm mơ, ngủ co chân không sao chạy nổi. Chàng thoáng nghĩ chẳng biết mình đang mơ hay thực? Trước mắt, bầy gái lạ bỗng lắc lư chờn vờn to lớn dị thường, đầu muốn đụng trời xanh. Võ ú ớ, mê đi lúc nào chẳng biết.

Rồi, lần này chẳng biết bao lâu, bỗng nhiên chàng tuổi trẻ lại choàng tỉnh giấc.

Cảm giác đầu tiên cũng kỳ dị, như hồi chợt tỉnh miền động thất Pi A Ya. Vì chàng tuổi trẻ thấy mình nằm trong một căn phòng hết sức nhỏ nhắn, hương thơm ngào ngạt, nhẹ hẳn người.

Ngạc nhiên, chàng cúi nhìn mình, thấy mặc một bộ quần áo chàm mới, hình như quần áo của Bạc Khao Lan ngày nào may cho chàng lúc lên đường. Ngó quanh, chàng thấy mình nằm trên một chiếc giường đẹp, chăn nệm thơm tho, màn vắt cánh, các đồ đạc bầy biện trang hoàng trong phòng coi đều lạ mắt, với các đường nét, hình thể hay hay, phảng phất vẻ phi phàm.

Từ phía sau cửa màn trông thẳng lên trên vách có treo một chiếc "đồng hồ nước", loại đồng hồ thời cổ vẫn dùng, hình dáng rất lạ. Giọt nước tí tách rơi, cứ mỗi khắc một giọt, rỏ xuống một mảnh kim khí chi đó, phát lên một tiếng "coong" trong vắt êm tai.

Im lặng bao trùm, "giọt đồng hồ" rỏ triền miên, đơn điệu, cảm giác Võ Minh Thần như lạc vào cõi xa xăm mơ hồ lạ. Chàng hít mạnh một hơi, cảm thấy trong mình đã khá, tuy vậy vẫn còn mệt. Chàng chống tay ngồi dậy, nhưng vừa ngồi lên, mắt đã hoa, đầu choáng, lảo đảo nằm dụi xuống.

- Đây là đâu?

Tự nhiên, chàng buột miệng kêu lên, nghe tiếng mình vang âm xa lạ như tiếng người khác nói, làm chàng bất giác kinh dị, vùng kêu:

- Sao lạ thế này? Tiếng mình thốt sao nghe xa lạ thế?

Lại phen kinh ngạc nữa, thấy miệng phát âm rõ ràng, nhưng liên tục, tiếng nói như từ đâu tới.

- Có lẽ tại mình ốm yếu, thính giác không tốt! Hay có chuyện gì khác đây?

Minh Thần nằm nghĩ loanh quanh thấy trong người rất tỉnh, chẳng hôn mê chút nào. Đang hồi tưởng chuyện xảy ra, chẳng hiểu con dị thú đâu, bỗng nghe có tiếng cửa mở, rồi thấy bảy, tám bóng nữ thướt tha tiến vào, bước thẳng lại cạnh giường. Võ ngước mắt trông ra, thấy đám nữ nhân này mặc xiêm y rất lạ, đi đầu là một người đàn bà rất trẻ, chẳng rõ là thiếu phụ hay thế nữ. Người đàn bà nói:

- Mặt mũi thân dáng có đòn tinh ghê gớm thế? Võ không khỏi phục thầm nàng hiểu rộng, gượng lên tiếng:

- Bà đoán không sai! Kẻ này xuống Cung A Phòng đánh nhau với Tây Sắc tinh trong Mê Hồn Trận, không ngờ bị đòn tinh!

Người đàn bà thở dài, ái ngại:

- Thiếp có thể trị được đủ thứ đàn công, nhưng cũng đành bó tay trước vết thương của khách. Vì Tây Sắc đánh đòn phi phàm, thuộc bí pháp càn khôn, khác hẳn võ học xưa nay! Ngoài vòng càn khôn trên đời chỉ có một người trị nổi! Thiếp đã cho khách uống linh đơn chế ngự độc tinh, chờ người đó! Khách cứ yên lòng nằm nghỉ.

Minh Thần khẽ hỏi:

- Thưa có phải là vị Thánh y Mai Hoa Thung?

- Chính thế, sao khách biết?

- Vì "người" đã cứu kẻ này một lần.

- À! Nhưng Thánh y hay đi chu du đây đó, chỉ sợ khó tìm, mà bệnh này... chỉ còn hai ngày nữa!

Minh Thần kín đáo thở dài. Chàng không sợ chết, chỉ buồn thù mẹ cha chưa trả nổi và lịm đi, khi tỉnh lại thì thấy người đàn bà lạ đứng ngay bên giường, chỉ trạc hai mươi thôi, khoác một cái áo choàng đen viền kim tuyến coi tròn trịa loại "kimônô" Nhật, thân hình cân đối yểu điệu, áo choàng hở, lồ lộ khuôn ngực căng phây phây sức sống, sống cổ cao trắng như ngó, mắt phượng, mày ngài hơi xếch, môi cong, mũi thon, cốt cách thần tiên, khiến Võ vừa nhác thấy phải sinh lòng kính mến ngay.

Người đàn bà nhìn vào, thấy Võ mở mắt, nàng vùng nhướng may, thỏ thẻ kêu:

- A! Khách đã tỉnh! Khách thấy dễ chịu phần nào chưa? Minh Thần lại một phen kinh ngạc, nghe nàng nói, vành môi động đậy, nhưng tiếng lại như chính Võ nói ra. Chàng cố chống tay dậy thủ lễ, nàng tiến lại rất tự nhiên, kéo ghế ngồi bên giường, dịu dàng ra hiệu cho chàng cứ nằm yên. Không đợi chàng hỏi, nàng nói luôn:

- Con dị thú mang khách tới vùng thần động, khách mê man. Chúng thị nữ tưởng đàn bà, thay áo mới hay đàn ông. Khách bị thương nặng, gặp hồi phát tác. Nữ chủ lại dịu dàng bảo:

- Dị thú mang khách đến đây, đó là duyên ngộ đặc biệt, có khi nào lại chịu đoản mạng vì đòn độc. Khách cứ an tâm nằm nghỉ, sớm muộn sẽ có tin vui.

Nghe nàng nhắc đến con dị thú, Võ chợt hỏi:

- Thưa... phu nhân, chẳng hay con thú đó đâu rồi?

Nữ chủ thánh thót đáp:

- Con thú đó đưa khách tới sơn động, cứ đứng chảy nước mắt, hình như linh thú biết khách lâm nguy, sau đó nó đã đưa sứ giả đi kiếm Thánh y rồi! Xem ra nó mến khách hết sức! Có lẽ cũng do kỳ duyên hiếm có, chưa ai hiểu nó thuộc giống chi?

Minh Thần nghe chuyện càng lấy làm lạ, chàng gượng kể qua cuộc gặp gỡ con dị thú trên biên thùy Trùng Khánh cho nữ chủ nghe. Chủ khách đàm đạo mấy câu, chàng trai nghe tiếng mình từ đâu vọng tới, còn tiếng người đối thoại lại như miệng mình nói ra, lòng chàng rất kinh dị, nhưng không nói ra.

Chợt nữ chủ mỉm cười hỏi:

- Sao khách lại nói thiếp là phu nhân?

Minh Thần cũng chẳng biết trả lời sao, chỉ lúng túng đáp:

- Kẻ ngộ nạn này được dị thú cứu đem tới đây, nào đã hiểu chi đâu, chỉ có cảm tưởng... phu nhân... vì... Chàng chưa tìm được lời dien tả thì nữ chủ đẹp uy nghi đã cười bí ẩn bảo:

- Người ta thường chỉ gọi phụ nữ có chồng là phu nhân, có điều lạ là cảm tưởng của khách rất đúng, tuy sơn động này chưa khi nào có bóng đàn ông. Khách là người đầu tiên đặt chân đến chốn này! Âu cũng do cơ trời xui khiến. Từ lúc gặp khách, sơn động này mới biết đạo trời màu nhiệm, không hề phụ kẻ thành tâm.

Minh Thần nghe lời úp mở, chẳng hiểu chi cả, vội lên tiếng hỏi, chỉ thấy ca đám chủ tớ đều mỉm cười khó hiểu... Nữ chủ bảo:

- Giờ chưa phải lúc khách hiểu rõ chốn này, khách hãy nằm nghỉ, trị bệnh ngặt xong hãy hay!

Dứt lời, lấy trong hộp khảm ra một viên linh đơn bỏ vào miệng Võ, tự tay nàng rót nước nóng, đỡ đầu chàng lên cho uống.

Tuy đang mệt rũ, nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, Minh Thần không khỏi ngượng nghịu thấy nữ chủ săn sóc mình quá tự nhiên. Chàng thấy gáy mát dịu hẳn đi trên cánh tay ngà ngọc, mũi thoáng thấy mot mùi thơm vô cùng huyền bí từ cơ thể nàng tiết ra, hình như là mùi lan xạ đặc biệt của đàn bà tuyệt thế, nhưng trong mùi thơm lại phảng phất một thứ hương "siêu phàm" kỳ ảo lạ khiến chàng tuổi trẻ lại vụt có cảm giác mình lạc vào một miền "khác thường", gặp đám thục nữ "khác thường" có sức hấp dẫn kỳ dị, làm người ta phát điên đảo tâm hồn. Võ nín thở uống vội ngụm nước, vô tình chạm ánh mắt nàng, ánh mắt sáng biếc như vì sao, vưa âu yếm khó hiểu lại vừa đứng đắn chỉnh tề hết sức, làm người ta xao xuyến bồi hồi và hối hận ngay vì sự xao xuyến đó.

Võ lại nhắm nghiền mắt lại, "nghe" rõ nàng vừa đặt đầu mình xuống gối bông, và như miệng mình tho thẻ với giọng suối đàn vui vui rất nhỏ:

- Khách này lạ thật! Gần đàn bà không dám thở sợ hít phải hơi nữ, mắt không dám mở sợ trông rõ nhan sắc! Hảo lang quân! Kỳ trượng phu! Yếu bóng vía!

Minh Thần muốn cãi lại, nhưng không muốn nghe tiếng mình từ đâu vẳng tới như ma quái nên cứ nằm im. Chừng mươi khắc nghe yên lặng, vội mở mắt ra thì người đàn bà kỳ dị kia đã bỏ ra từ khắc nào với đám thế nữ.

- Đây là đâu? Miền nào mà bí hiểm thế? Nữ chủ cũng bí hiểm, nói khó hiểu lạ? Thế giới nào đây? Hay cảnh trong mê? Phải, biết đâu đấy!

Minh Thần nằm nghĩ vẩn vơ, đầu óc chập chờn, chẳng dám quyết hiện đang sống thực hay nằm mộng sau lúc đòn thương tái phát! Chàng trai có cảm giác bàng bạc, nhìn vật nào cũng có vẻ Lão Trang, vơ vẩn như Trang Sinh xưa chẳng hiểu mình hóa thành con bướm hay bướm hóa ra mình.

Bốn bề yên lặng, chỉ có tiếng đồng hồ nước nhỏ giọt boong boong gợn âm hưởng xa xôi...

Rồi chàng lại thiếp ngủ mất. Hình như rất lâu. Và khi tỉnh dậy lần thứ hai, đã thấy người đàn bà lạ và tỳ nữ xúm quanh giường, lần này hàng hai mươi nàng! Vẻ mặt ai nấy đều có vẻ buồn rầu, tất cả đứng vòng trong vòng ngoài, yên lặng không khác đứng... mặc niệm chàng vậy! Còn nữ chủ bắc ghế ngồi bên giường, khuôn mặt đẹp tuyệt trần như phủ một làn mây chiều u ám, coi não nùng hết sức.

Lần này Minh Thần không còn tỉnh táo hoàn toàn như trước, tay chân bất động, tuy vậy đầu óc chưa hôn mê, chàng vẫn còn tri giác hơn năm phần để hiểu là bệnh trạng mình chắc đến hồi nguy kịch!

Quả nhiên thấy chàng mở mắt ra, nữ chủ lập tức cui xuống hỏi thăm bệnh trạng và buồn bã cho biết tính đến chiều này, đã gần hết hạn kỳ bảy ngày đêm, chỉ còn mươi tiếng nữa là hoàn toàn tuyệt vọng và hiện giờ đã tám giờ đêm.

- Chỉ còn đêm nay nữa thôi, không lẽ sứ giả động phủ không tìm được Thánh y? Hay tìm được nhưng vì xa quá, không về kịp? Nếu khách có mệnh hệ nào... thì...

Nàng thỏ thẻ, ngó Minh Thần như định nói gì, lại thôi. Võ Minh Thần chỉ nằm im, kín đáo thở dài. Trong cơn thập tử nhất sinh, chàng nghĩ đến mớ di hài mẫu thân, đến gốc nguồn, mối thù bất cộng đới thiên chưa báo được.

Chàng tuổi trẻ cố gượng lắp bắp môi định nhờ nữ chủ lấy giùm hành trang, lục mớ di hài, nhờ trối lại cho Chúa Mã Đầu, bỗng ngay lúc đó ngoài xa nổi lên mấy tràng âm thanh lạ, người đàn bà và đám thế nữ lật đật kéo ùa ra.

Phút chốc đã thấy nữ chúa cùng đám hầu gái vùn vụt trở vào, dẫn theo một vị khách, mặc áo trắng lòa xòa, râu tóc bạc phơ, mình còn mang nguyên dấu vết bôn hành.

Vị khách theo nữ chủ tiến thẳng đến cạnh giường Võ nằm, phiêu phiêu đầy vẻ tiên phong đạo cốt, tay chống cây gậy trúc dài. Nữ chủ nói luôn:

- Đến nay vừa đúng bảy ngày, chỉ còn đêm nay nữa! Yên Phủ mong đợi tôn giá từng giờ từng phút! Dám mong Thánh y ra tay cứu mạng cho chàng!

Khách râu bạc đăm đăm ngó Võ Minh Thần, chàng trai chưa kịp cử động, bỗng khách râu bạc vùng nhướng cau mày sửng sốt kêu len:

- Ôi chao nghiệt số! Người lành hiếu nghĩa sao mãi gặp tai ương? Tưởng khách Yên Phủ là ai, hóa chàng khách Pi A Ya trước? Năm nọ chính lão hủ này đã trị bệnh dữ cho chàng rồi! Lần trước bị Giao Long Tinh, lần này Tây Sac Tinh Sài lang Chúa. Hai phen đều bị đòn tinh, lạ thật! Ha ha! Kỳ ngộ, kỳ ngộ! Tưởng khách nào đáo Yên phủ chứ chàng khách này lão hủ có lời mừng! Có lời mừng!

Lão ngồi luôn xuống bên giường khẽ hỏi:

- Này người bạn trẻ biết lão chăng? Võ gật đầu vì vị khách chính là Thánh y Hải Thượng Lãn Ông tái thế miệt rừng thẳm Si Công Linh.

Ông lão vén tay áo, thò tay chẩn mạch, bỗng cau mày nói:

- Còn xương da con Mạc ngày nọ không? Bệnh nguy lắm rồi! Phi xương da con Mạc thì không phép nào trị nổi!

Võ Minh Thần gật đầu, phều phào được hai tiếng "trong sắc" rồi hôn mê đi không hay biết gì nữa.

... Cũng chẳng biết bao lâu, bỗng một hôm chàng tuổi trẻ vùng dậy! Mở choàng mắt ra, thấy mình vẫn nằm trong gian phòng trước, đồ đạc y nguyên, bốn bề im vắng thâm sâu.

Cảm giác đầu tiên của chàng là cảm giác của kẻ chết đi sống lại, trong mình như đổi khác hẳn! Vì bệnh hiểm đã biến sạch bao giờ, chàng thấy thể xác linh hồn như mở rộng đón tiếp cuộc sống mới.

- Ta mê hay tỉnh thế này? Đây vẫn dương gian hay thế giới nào? Chàng bật kêu lên, và thấy rõ tiếng nói của mình từ miệng phát ra chứ không nghe như từ đâu vọng tới.

Võ vùng chống tay nhổm dậy. Mãi lúc đó mới thấy người còn mệt nhưng chỉ là cái mệt của kẻ mang bạo bệnh mới khỏi, đang thời kỳ "ăn trả bữa"!

- Có ai ngoài đó không? Chàng gọi lớn, bước xuống giường, định tìm dép, bỗng hơi giật mình chợt nhận ra ngay chỗ đầu giường, có một bóng nữ ngồi trên chiếc ghế tay ngai cổ, khoanh tay gục vào thành giường. Bóng này nghe động sực tỉnh, choàng thức ngẩng trông lên. Thì ra người đàn bà chủ động phu bí ẩn này!

Vẻ mừng hết sức, nàng vội bước lại, dìu Võ nằm xuống giường, thỏ thẻ bảo:

- Ấy chết! Khách chớ nên cử động sớm có hại! Thánh y bảo khách còn phải nằm hai mươi bốn giờ nữa mới hoàn toàn hồi phục.

Nhìn vẻ lo âu, mất ngủ còn hiện rõ, chàng trai cảm kích đáp:

- Cám ơn lượng bao dung của phu nhân, ngu mỗ thấy trong mình đổi khác hẳn, tuy còn hơi mệt chút! Hình như phu nhân đã vì kẻ ngộ nạn này mà... mất ngủ nhiều đêm... ân trọng biết lấy chi đền đáp?

Người đàn bà ngó Minh Thần đăm đăm, giọng mười phần sung sướng như chính nàng khỏi bệnh:

- Chắc chắn khách thoát nạn rồi! Giờ thiếp mới hết lo! Theo vị thánh y Lãn Ông tái thế cho biết, bệnh khách phải đúng bảy ngày đêm mới khỏi hẳn, đúng bằng thời gian chất độc hoành hành trong mình. Khách đã nằm thiếp đi đúng sáu ngày đêm, chỉ còn hai mươi bốn giờ nữa. Thánh y bảo, dẫu tỉnh trước kỳ hạn cũng vẫn phải đơi chân nguyên khí ngũ hành phục hồi theo đúng ngày giờ. Khách chớ nên khinh suất!

Minh Thần cảm động vô cùng, nhưng vốn không hay khách sáo, chàng chỉ nằm ngó người đàn bà kỳ lạ, trên khuôn mặt đẹp uy nghi huyền bí, hiện vẻ thân thiết khác thường, chợt nàng để tay lên ngực khẽ bảo:

- Giờ nhìn khách thiếp mới hết kinh sợ! Đêm Thánh y Si Công Linh tới động phủ, lúc "người" đang làm thuốc trị bệnh, bỗng khách vùng bật đứng giữa giường, hú lên một tràng quái gở như tiếng chó sói tru đêm trăng lạnh, rồi nằm vật xuống, thân thể phập phồng, teo dần lại như trái bóng xì hơi, trong người phát những tiếng oẹ chòm chọp, như có con heo vô hình đang "ăn hèm" hết sức ghê sợ! Chỉ trong vòng năm phút, thân thể khách đã bị xẹp hẳn đi đến nửa phần, coi phát rợn! Đến nỗi Thánh y cũng phải sợ, tưởng đến hồi tuyệt vọng. May sao, nhờ thiếp cũng biết qua nghề thuốc, đã phụ giúp Thánh y bào chế, nên lúc đó, dược liệu cũng vừa xong. Sở dĩ lâu tới mấy trống canh là vì phải cất chế thành nước, thành bột vừa tiện uống vừa đắp vào người. Đêm đó Thánh y đã phải tiêm vào người khách hàng lít dược thủy! Chữa trị xong thì trơi vừa sáng!

Nàng ngưng một chút, nói tiếp:

- Thiếp ngồi canh, đúng ngọ, mở chăn ra thì thấy thuốc đắp đã vụn từng mảng, chỉ thổi nhẹ một cái đã tan thành bụi khô như cám bay đi! Thân hình khách đã trở lại gần bằng trước, gân thịt đã rắn như cũ! Mãi khi đó mới đỡ lo! Theo lời Thánh y thì bệnh trạng đã tới hồi phát tác, kẻ khác có lẽ nguy rồi, may nhờ khách vốn vững nhân nguyên khí nên mới thoát, nếu không... sẽ biến thành cái túi da người nằm trên giường này, cũng như hàng trăm nạn nhân Tây Sắc hấp sát tinh quân Hồng cẩu quẩy.

- Phu nhân và Thánh y đã gia ân tái tạo cho kẻ khốn cùng này! Ân đức thật như trời biển!

Minh Thần thở phào, tiếp lời nữ chủ, hai người ngó nhau chưa dứt kinh hoàng, Võ chợt hỏi:

- Chẳng hay Thánh y đâu? Xin cho ngu mỗ được gặp!

- Thánh y bận việc nên đã rời động phủ ngay sau đêm trị bệnh! Nhưng "người" hẹn sẽ trở lại. Người cũng muốn gặp lại khách và thiếp để... nói... cho khách hay điều gì lạ lùng đó.

Câu cuối, người đàn bà có vẻ hơi lúng túng, mãi mới thốt nên lời, làm Minh Thần cũng lấy làm lạ. Tuy còn mệt, lòng đầy thắc mắc, Võ định lên tiếng hỏi nhiều chuyện, thì nàng đã đứng dậy, cáo từ, thoăn thoắt bỏ ra ngoài mất.

Võ Minh Thần nằm lại một mình, lòng hoang mang, vẩn vơ, chờn vờn hàng trăm câu hỏi trong đầu.

Ánh sáng từ ngoài lọt vào, trong suốt như ngọc lưu ly, nhưng thấy ánh thái dương! Không khí rất nhẹ, khí hậu đầm ấm dịu dàng như về tiết xuân thiên. Võ nhìn đồng hồ nước, tiếng giọt đồng "bong bong" đơn điệu, ngấn nước trỏ con số mười! Bốn bề tĩnh mịch vô cùng.

Lắng nghe văng vẳng có tiếng sáo nổi chìm véo von huyền ảo như tiếng sáo Thiên Thai, mơ hồ xa xôi, phảng phất có tiếng chim khảm khắc bâng khuâng từ hai vòm trời nào rớt vọng về buồn cô đơn.

- Khảm khắc kêu... có lẽ là mười giờ đêm. Võ đang nằm nghe tiếng động đêm thâu, chợt có một thế nữ bưng khay thuốc vào, mời uống. Cô ta trạc mười bảy mười tám, mặt mũi xinh xắn, dáng dấp nhanh nhẹn, cử chỉ lễ phép hết sức.

Uống xong, thấy Võ vừa đặt bát xuống khay, cô ta định bưng ra ngay. Võ nằm buồn, lại định thắc mắc, vội bảo:

- Này cô em! Hãy nán lại chút cho mỗ hỏi vài câu!

Thế nữ đứng khựng, vẻ ngạc nhiên, Võ cười dịu bảo:

- Này, hình như mỗ có gặp cô em trên nương hoa bướm ngày nọ thì phải!

Coi mặt quen.

Thế nữ kính cẩn, mắt ánh lên nét vui vui:

- Dạ bẩm tướng công vẫn còn nhớ con? Chính con thấy dị thú mang tướng công tới đầu tiên, lúc đầu chúng con lại tưởng "ông thú" có cái bướu.

Minh Thần nghe cô ta xưng hô quá kính cẩn lại gọi mình là tướng công, gọi luôn dị thú là "ông thú", chàng trai không khỏi bật cười, nhướng mày kêu:

- Ôi chao, cô em chớ xưng hô bừa bãi thế. Mỗ đây chỉ là một kẻ lang thang gió bụi, sao cô em lại gọi mỗ là tướng công? Gọi khách, gọi... tiên sinh cũng đủ rồi.

Thế nữ thoáng ngạc nhiên, hơi cười chút, vẫn cung kính:

- Dạ bẩm tướng công, chúng con đâu dám vô lễ! Dẫu chúa có thương, phận chúng con đâu dám thế! Được hầu hạ tướng công là con sung sướng rồi! Bẩm tướng công dạy con điều gì?

Thấy cô gái xinh ăn nói hết sức chững chạc, xem chừng đã quen hẳn chốn quyền quý, Minh Thần càng lạ, nhưng nghĩ có nói cũng bằng thừa, chàng vội hỏi:

- Này... đây là đâu vậy cô em? Ta yếu mấy hôm, quên mất! Cô gái đáp luôn:

- Bẩm... đây là miền động phủ Yên Thần.

- Nhưng là ở đâu? Xứ nào chứ?

- Dạ bẩm Yên Thần động phủ xứ Phù Dung! Cũng có khi gọi là Phù Dung

Thần Động!

Minh Thần lắc đầu:

- Mỗ muốn biết đây thuộc nước nào? Tàu hay ta...?

Cô gái đáp luôn:

- Dạ không thuộc nước nào! Đây là nước riêng! Không phải Tàu, không phải ta, không phải Lào! Gọi là nước Yên!

Minh Thần nghe lạ tai hết sức, tưởng chừng đã thác hồn lạc đến miền nào. Chàng dòm sững thế nữ, nghĩ:

- Bình sinh ta chưa hề nghe ai nhắc đến nước Yên bao giờ! Đêm đó ta bị thương ngất trên lưng thú, có lẽ nó đã đem ta vào miền đất lạ này, chắc phải xa thượng nguồn Đà Giang! Cứ xem ngôn ngữ, y phục, cung cách của nữ chủ, các thế nữ, có lẽ đây thuộc đất Lào, Tàu chi đó, chứ thủa nay làm gì có đất Yên? Lạ dữ à! Phải kiem cách hỏi cho ra mới được!

Bèn dịu dàng bảo:

- Nước Yên này có gần sông Đà, khúc Hắc Giang không? Cô gái lắc đầu:

- Con không biết! Con chưa ra khỏi động phủ bao giờ!

- À quên! Nữ chủ đây là ai nhỉ? Người thuộc sắc dan nào?

Võ lại thêm một lần nữa sững sờ khi nghe thế, thế nữ vội cung kính đáp nhỏ như sợ phạm thượng:

- Bẩm... Chúa bà là Thần Nữ cai quản cả nước Yên, rừng núi, súc vật, người ta, tà ma yêu quỉ đều dưới quyền Chúa bà!

- Thần Nữ! Nữ Thần? Nước Yên? Thần cai quản cả tà ma yêu quỉ? Thế là thế nào? Không thuộc đất Tàu, ta, Lào? Chẳng lẽ thuộc thế giới... ngoài cuộc sống?

Ngay khi đó thế nữ cúi đầu chào quay ra, Minh Thần gọi giật lại:

- Khoan! Cho mỗ hỏi đã! Thế nữ ngoảnh lại, Minh Thần cười gật gù:

- Nữ chủ của cô em là Thần Nữ? Phải chăng Thần Nữ là Nữ Thần... người ta vẫn thờ không?

Cô gái gật đầu "dạ phải" làm Võ Minh Thần càng lấy làm lạ, nhất thời chưa biết hỏi sao cho thật sát nghĩa để có thể hiểu được thực trạng nơi mình đang tá túc! Mươi khắc mới tìm được câu hỏi:

- Vậy Nữ Thần chủ cô em đây là người gì?

- Dạ người nước Yên và là Chúa các động thần trên xứ Phù Dung.

Thực ý Võ muốn hỏi là người cõi thế hay cõi âm, là người ta hay là ma quái thánh thần... Nhưng nghĩ hỏi thế vừa sỗ sàng vừa ngộ nghĩnh, Võ sực kiếm được câu hỏi khác:

- À Thần Nữ có lệnh phu quân không? Là mỗ muốn hỏi Thần chủ cô em có chồng không?

Thế nữ mở to mắt dòm đầy vẻ sửng sốt, rồi chợt cô gái che miệng, cô nhịn cười như lấy làm kỳ lạ về câu chàng hỏi. Ngay lúc đó, bỗng vẳng có tiếng đàn bà ngoài xa vọng vào, giọng nghiêm nghị tuy vẫn dịu dàng:

- Em Slao làm gì trong đấy mà lâu thế? Làm kinh động tướng công ư? Phải, phải, tiếng nữ chủ động phủ, nhưng vừa nghe lọt, thế nữ bỗng tái mặt, dáo dác ngó ra, rồi chào vội Minh Thần, bỏ đi liền. Chàng trai nằm nghĩ loanh quanh, càng nghĩ càng lạ, thấy người đàn bà nào đó vừa gọi Slao cũng xưng tụng chàng là "tướng công", chứng tỏ không chỉ có cô gái Slao kia gọi, có lẽ thảy đều gọi thế.

- Sao lại phong mình là "tướng công" oai vệ thế? Minh Thần chỉ là kẻ lang thang sông hồ cầu sương điếm cỏ, có làm quan chức chi đâu? Có lẽ người ta gọi thế cho long trọng, tỏ lòng hiếu khách! Minh Thần tạm thỏa mãn với lời phỏng đoán của mình. Chàng định bụng sẽ lựa lời hỏi thêm nữa. Nhưng một ngày một đêm nữa trôi qua, vẫn chẳng thấy người đàn bà kỳ dị kia tới thăm chàng. Thế nữ Slao cũng không thấy mặt, ngày đêm mấy lần có một cô gái khác mang các món cần dùng vào "dâng" khách. Nàng này cung kính và câm lặng như cái bóng, Võ hỏi, nàng chỉ đứng im rồi quay ra. Chàng trai đành chịu phép. Qua hai mươi bốn giờ nữa, chàng đã hoàn toàn bình phục. Sáng sớm tỉnh dậy, vươn vai, thay trong mình khoan khoái hết sức, Võ Minh Thần vừa bước xuống giường, định ra ngoài coi xem, đã thấy thế nữ bưng nước rửa mặt vào, như thông lệ.

Võ rửa mặt xong, lại thấy cô gái khác mang trà vào. Chàng uống vội một tuần. Bỗng thấy một toán ngót chục cô gái trẻ thoăn thoắt bước vào tay xách nách mang đủ thứ. Võ ngồi trên giường nhìn ra, chợt để ý thấy hôm nay các nàng đều mặc áo quần mới rực rỡ nhiều màu, như sửa soạn dự hội mùa xuân. Cả đám đứng trước giường, cúi rạp đầu, chắp tay cung kính. Một nàng lớn tuổi nhất líu lo:

- Kính bẩm tướng công, bữa nay tướng công khỏi bệnh, chúng con được lệnh Thần Nữ thỉnh tướng công đi tắm, còn dự yến chung thân!

Nghe lạ tai, Minh Thần cười bảo:

- À! Tắm cũng tốt đó! Mỗ đây liệt giường cả tuần. Thấy nhớp nhúa lắm rồi! Nhưng sao lại dự yến tiệc chung thân? Cả đời mỗ mới được ăn yến sao? Nàng kia cung kính:

- Dạ bẩm tướng công, nhân dịp tướng công khỏi bệnh, động phủ có mở tiệc ăn mừng. Tiệc này cả đời mới có một lần nên gọi là yến chung thân. Dạ dám thỉnh tướng công! Thần Nữ sắp vào thăm tướng công!

Minh Thần đứng dậy, theo đám gái hầu lạ này ra khỏi căn "phòng", mới hay chàng đang nằm trong một căn nhà sàn rộng lớn, nền gỗ bóng loáng, trước phòng Võ là một dãy hành lang rộng, nhìn tít xa thấy điếu kiều in đậm trên nền trời. Nhưng đi chưa hết hành lang, đám gái đã rẽ sang một hành lang khác dẫn tới một khu buồng rộng, khói tỏa mịt mù.

Nàng lớn tuổi kính cẩn:

- Dạ bẩm tướng công, xin cho cởi áo quần, đã tới buồng tắm rồi! Võ Minh Thần bình sinh sống tại nhiều miền sơn cước, vốn đã hiểu phong tục miền núi thường coi chuyện tắm truồng hết sức tự nhiên. Tuy vậy, thực sự chàng chưa hề tắm lối đó trước mặt ai, nhất là đàn bà, nên nghe thế nữa nói, chàng hốt hoảng, xua tay bảo:

- Cám ơn! Cám ơn! Để mỗ tắm lấy được rồi! Các cô cứ ra ngoài! Cả bọn lộ vẻ ngạc nhiên, gái lớn tuổi lễ phép:

- Dạ chúng con đâu dám vô lễ! Bổn phận của chúng con phải hầu tắm theo tục lệ, nếu không, sẽ đắc tội với Thần Nữ! Tướng công thương, cho ra chúng con đâu dám! Được hầu tướng công cũng là có phước rồi!

Chối mãi không được, Võ đành phải chiều theo lệ động phủ, để mặc cả đám xúm lại hầu!

Tuy vậy, Võ Minh Thần vẫn nhất định không cho cởi hết quần áo, cứ để nguyên chiếc quần cộc, vào buồng tắm. Hơi nóng mịt mờ như sương khói, nhìn kỹ mới thấy mọi vật.

Đám gái hầu "phò" chàng vào một cái ghế bành rộng, có thể bấm ngã ra như nằm trên giường.

Ghế bằng mây đặt trên hai khúc song hình cung, nằm, ngồi, gật gù như "ông lật đật" làm Minh Thần muốn phì cười. Nhìn lên, thấy quanh buồng có nhiều ống kim khí đang phun khói phì phì. Khói ám vào người, vật, lấm tấm rỏ giọt.

Võ Minh Thần hỏi đám the nữ:

- Phải bên kia vách có lò nấu nước không?

Một nàng kính cẩn đáp:

- Dạ bẩm tướng công không phải, chỉ có một bộ máy nhỏ chạy bằng sức nước, mang các ống kim khí cho nước nóng thôi. Đằng sau có một con suối nước nóng rất trong lành tắm có thể khỏi được nhiều thứ bệnh. Chẳng những thế, suối nước nóng này còn làm da thịt mịn màng, gân cốt cứng cáp. Ai có bệnh đau bụng kinh niên, nhức đầu, nhất là ghẻ lở, sốt rét rừng, uống vào rất mau khỏi. Suối này có tên "Thánh Toàn Ôn" vốn là nguồn nước quý của nước Yên! Xưa nay Yên Phủ có lệ cứ một năm có một ngày ban nước "ôn toàn" trị bệnh cho thiên hạ. Sợ cho lắm làm ô uế nguồn nước quý, Thần Nư có truyền làm một cái ao riêng khơi nước vào cho người Yên tắm, gọi "ôn trì" về phía cuối chân núi, còn đây chính là chỗ tắm riêng của Thần Nữ gọi là "Trầm ôn phòng", không ai được vào đây tắm. Hôm nay chỉ có tướng công! "Ôn toàn" có một mạch khe phun nước phun khói đêm ngày, Thần Nữ cho khói tuôn qua ống nóng để tắm cho tinh túy!

Võ Minh Thần đang nhìn bên vách, thấy có nhiều bàn tay kỳ cọ mình, vội quay nhìn lại, bỗng hơi giật mình một cái vì lố nhố quanh mình năm sáu nàng thế nữ đã trút bỏ xiêm y lúc nào chẳng biết, trong làn khói mờ hình bóng đám nữ nhân hiện ra không một chút vải lụa che phủ, phô trọn các đường cong uốn chờn vờn như một bầy tiên nữ khỏa thân tắm nước Ngọc Tuyền.

Vẻ tự nhiên hết sức, cả bọn xúm lại, kẻ nắm tay, người nắm chân, đè gáy, dùng khăn thổ cẩm kỳ cọ cho "tướng công", mấy bàn tay ngà xinh xắn hầu rất khéo léo, nét mặt cả đám tuy tươi như hoa nở, vẫn hiện rõ vẻ kính cẩn không khác đám cung nữ hầu vua chúa, làm Võ Minh Thần thấy ngượng hết sức. Vì tuy đã biết qua phong tục tập quán của dân các bộ tộc sơn cước, vẫn coi chuyện tắm truồng là chuyện vô cùng tự nhiên, nhưng bình sinh chàng cũng chưa quen tắm khỏa với phái nữ, nên mắt thấy cảnh này thì không khỏi "thất kinh", đỏ cả mặt.

- Ối chao! Bày đặt chi chuyện tắm rửa "giết người" thế này? Mình từ nhỏ ở với tôn sư quen lối "nam nữ thụ thụ bất thân" lối Khổng Mạnh, giờ Thần Nữ nước Yên lại bắt mình chịu cảnh "hầu tắm" thật khổ! Nhưng người ta có quý khách thì mới cho thế nữ hầu hạ cẩn thận, theo tục lệ bản địa, chẳng lẽ mình phản đối, vậy chẳng khác nào chê tục lệ người ta? Thù bất nhược, cứ mặc họ muốn làm chi thì làm!

Bất quá cũng như chịu một cái tai nạn hay hay vậy thôi! Bèn cứ ngồi yên trong ghế mây, cho các nàng kỳ cọ. Hơi khói ấm áp làm người chàng dễ chịu hẳn, như trút sạch được cả tàn tích bệnh dữ trên mình. Chừng mười phút, các nàng lại dìu khách nằm xuống, vừa kỳ vừa xoa bóp, y hệt các chú khách "tẩm cốt" vậy. Một mùi thơm kỳ ảo từ trong sương khói phả vào mũi vào các thơ thịt, những bàn tay xinh xắn chạy trên lưng như rắn bò, khác hẳn lối xoa bóp của con nhà võ. Bỗng thấy các nàng đẩy ghế ra khỏi buồng, Võ ngạc nhiên hỏi:

- Các cô em không tắm sao?

- Dạ bẩm tướng công, chúng con đã làm lễ tắm rửa sạch sẽ trước khi vào hầu tướng công! Chúng con chỉ bỏ xiêm y cho khỏi ướt!

Sang căn buồng bên, ánh sáng chan hòa, các nàng đặt Võ nằm xuống đấm bóp một hồi nữa, và bôi vào người chàng một thứ nước thơm kỳ lạ, trong khi một nàng bưng đặt dưới gầm ghế một lò trầm nghi ngút.

Một nàng lớn tuổi nhất cầm dao cạo râu, cạo mặt, bấm gáy cho khách, tay dao, kéo thạo không thua thợ hớt tóc lành nghề! Chải đầu xong, một nàng keo soạt bức rèm xanh lơ, để lộ một tấm gương bằng cái chiếu.

Võ nhìn vào gương, không khỏi mừng vì thấy thần sắc đã như xưa. Mấy nàng bưng khay y phục tới:

- Xin tướng công mặc lễ phục! Sắp tới giờ hành lễ rồi! Sửng sốt, Minh Thần ngơ ngác:

- Sao? Lễ phục? Cái gì đó?

- Dạ, đại lễ của Yên Phủ, nhân ngày tướng công bình phục! Nước Yên đã van cầu từ buổi tướng công tới! Dứt lời, không đợi Võ kịp đáp nữa, mấy nàng xúm lại mặc quần áo cho chàng.

Minh Thần không khỏi lấy làm lạ, thấy thứ quần áo mấy nàng mặc cho hết sức kỳ dị, không kể quần áo trong nguyên chiếc áo dài mặc bên ngoài coi đã lạ lùng, đặc biệt, toàn bằng thứ cẩm dệt rực rỡ, nửa như thứ áo xường xám Tàu, nửa như áo tế xưa, màu đỏ, viền, thêu kim tuyến, rất khéo!

Nhìn vào gương coi đỏ đỏ vàng vàng tua ngũ sắc sặc sỡ như quần áo pháp sư nhưng lối y phục của vua rừng chúa núi hay của một pho tượng thần nào đó!

Càng nhìn càng lạ, Võ Minh Thần suýt bật cười, vì từ nhỏ chàng thường chỉ quen mặc quần áo chàm, hoặc có một vài lần mặc áo dài gấm chữ "thọ" may lối áo Kinh, áo Tàu, chưa hề mặc thứ y phục kỳ dị như bữa nay. Bất giác chàng vùng hỏi lớn:

- Ôi chao! Này các cô em! Sao lại mặc thứ quần áo sặc sỡ lòe loẹt như... phường tuồng thế này? Quần áo lối gì đây? Bọn thế nữ ngó nhau mỉm cười, nàng lớn tuổi nhất kính cẩn đáp qua:

- Dạ bẩm tướng công, đây là y phục cao quý nhất Yên Phủ! Hơn hai mươi năm nay mới có tướng công mặc lần thứ nhất! Bữa nay là ngày vui nhất của nước Yên chúng con!

Rồi không đợi chàng khách kịp hỏi, mấy nàng xúm lại sửa sang ngắm nghía, khen líu lo như bầy sơn ca.

- May hai, ba năm rồi, không ngờ lại vừa khổ người tướng công. Từ nay Yên Phủ càng linh hiển, dân gian được hòa cốc phong đăng! Tướng công mặc y phục trọng lễ coi uy nghi khôi vĩ lạ thường, thật đai phước cho nước Yên!

Nghe các nàng nói cả chữ nho thành thạo không thua các cô đồ cô khóa dưới bình nguyên, Minh Thần càng ngạc nhiên, vừa toan hỏi nữa, đã nghe xa xa có tiếng "đàn cồng" nổi lên tiếng rầm vang núi rừng nghe hết sức huyền bí. Nàng lớn tuổi nhất cung kính cúi đầu:

- Xin rước tướng công dời gót, sắp tới giờ làm lễ! Minh Thần theo đám thế nữ ra khỏi phòng tắm, người thơm phức toàn mùi kỳ dị, dễ ngửi hết sức, lòng riêng đầy thắc mắc, đảo lộn bao ý nghĩ phức tạp. Chàng thấy "miền hoa bướm" Yên Phủ này mỗi lúc thêm bí ẩn lạ lùng, nhưng cứ làm thinh không hỏi nữa. Cả bọn "phò" Võ qua mấy dãy hành lang về phòng cũ. Vừa tới cửa phòng chơt ngạc nhiên thấy một đám đông người sắc phục rực rỡ đủ màu từ phía hành lang xế trước tiến lại, đông hàng mấy trăm người, phía sau đám đông có tiếng đàn cồng, tiếng khèn tiếng sáo địch sênh tiền đủ thứ âm véo von như nước chảy. Dẫn đầu đám đông chính là người đàn bà đẹp uy nghi có tên lạ Thần Nữ Yên Phủ. Sáng nay nàng mặc bộ quần áo vàng, ngoài khoác áo choàng cũng màu vàng, đầu chít khăn vàng bằng kim tuyến hoa nổi lấp lánh như dắt trang kim, chân đi hài Thổ màu vàng nạm bạc cườm, sa phia, kim cương sáng rực. Trong sắc phục toàn vàng kim tuyến, nàng đẹp lộng lẫy hẳn lên gấp bội, sắc tuyệt trần lồ lộ còn phảng phất nét uy nghi như có pha nhan sắc phi phàm, làm Võ Minh Than nhác thấy càng sửng sốt, chẳng hiểu sáng nay có đại lễ chi mà nữ chủ mặc lộng lẫy thế!

Theo nhịp âm thanh nổi, Thần Nữ Yên Phủ uyển chuyển bước lại trước mặt Võ. Vạt áo nàng dài lê thê, có hai thế nữ cầm nâng, không khác cung nữ dâng xiêm y cho các bà Âu Châu xưa. Xế sau lưng, hai bên có một bầy thế nữ bưng lắm thứ như khay, mâm quả, giỏ... phủ vải điều! Sau nữa, lố nhố đâu đây trẻ già nam nữ, ai nấy khăn áo chỉnh tề rực rỡ, dẫn đầu là một đám bô lão râu tóc bạc phơ! Nhiều người chống gậy lưng còng.

Và xế bên Thần Nữ là một ông già râu tóc bạc phơ coi đầy vẻ tiên phong đạo cốt. Võ thấy mặt hao hao quen, đoán chắc vị Thánh Y Hải Thượng Lãn Ông tái thế!

Khi nữ chủ miền đất lạ này bước đến sát chỗ Minh Thần thì tiếng "nhã nhạc" chợt im, một bọn ngót hai chục ông già râu dài tiến lại đứng xế bên nữ chủ, nhất loạt chắp tay vái Minh Thần, hô lớn như đọc văn tế:

- Hàng động phủ mừng tướng công lành bệnh, xin kính chúc tướng công bình an trường thọ hưởng phúc lâu dài, xứ Yên thịnh vượng.

Nhất hô bá ứng, Minh Thần chưa kịp đáp, đã thấy ông già tiên phong đạo cốt tiến lại nói luôn:

- Lão mỗ vội vã từ Si Công Linh trở lại đây mừng công tử đã thoát nạn dữ, và xin chúc công tử vui nơi Yên Phủ, ngộ kỳ duyên đáo miền Phù Dung mười phần xứng ý.

Võ Minh Thần lật đật tránh sang bên, toan phục xuống tạ ân cứu mạng, vị Thánh Y Lãn Ông đã trỏ Thần Nữ vẻ trịnh trọng lạ thường bảo:

- Từ ngày công tử lạc tới miền Yên Phủ hôn mê bất tỉnh chưa biết chuyện kỳ ngộ do thiên số định, nay bệnh ngặt đã qua khỏi, công tử cũng cần biết qua định số. Đây Thần Nữ chúa tể Phù Dung xứ, giáo chủ Phù Dung Thần Giáo, Chúa Ngàn ba biên giới, chúa người, chúa vật, chúa các loại thảo mộc cỏ hoa, Chủ tế các Thần Mây Thần Gió Thần Mưa... Danh tôn Phù Dung Thần Nữ Phù Dung Nương Nương, chủ tế Tam Biên lãnh địa, hậu duệ Yên Thần!

Võ Minh Thần tuy đã đoán người đàn bà đẹp này là nữ chúa miền động lạ này, nhưng nghe xong lời giới thiệu của vị Thánh Y Lãn Ong chàng trai cũng không khỏi sững sờ khi được biết thêm người đẹp đã cứu mạng mình là một nhân vật thần bí, vừa là một nữ hoàng biên giới, vừa là giáo chủ Thần Giáo, kiêm luôn giáo chủ Đa Thần Giáo, uy quyền có le còn hơn cả các bực vua chúa khác vì coi cả pháp quyền lẫn thần quyền. Trong thoáng giây, chàng hiểu mình đang đứng trước một nhân vật thiêng liêng hết sức đối với dân bản địa, chàng trai sực nghĩ:

- À! Yên quốc, Phù Dung Thần Giáo...? "miền hoa bướm"! Thôi đúng rồi, hoa thuốc phiện! Chúa Ngàn Tam Biên lãnh địa...? À! Nếu vậy thì miền này chẳng phải thuộc thế giới nào khác lạ, chắc là miền quanh vùng biên giới Tây Sắc chi đây! Nhưng có lẽ là một miền bất khả xâm phạm chi đây, nếu không Sài Lang Chúa dám lần mò tới. Nữ chúa giáo chủ hết lòng cứu giúp mình, ân này lớn lắm, nay trước hàng động, ta phải tạ ơn ngay mới được.

Bèn cúi đầu, chắp tay toan phục dài cả Thánh Y lẫn Thần Nữ, nhưng rất nhanh, nàng đã bước tới, dịu dàng nắm lấy tay Minh Thần, cất giọng thánh thót nhưng suối đàn:

- Tướng công chớ nghĩ tới ân nghĩa nữa! Bữa nay là ngày đại lễ, tướng công sẽ đứng cho hàng động thần dân Yên quốc lễ mừng! Xin tướng công chớ khinh động!

Dứt lời, dìu nhẹ chàng vào trong cùng với vị Thánh Y. Minh Thần vẫn chưa dứt ngạc nhiên, ngó hai người bảo:

- Mạng này lẽ ra đã dứt, nay còn được là nhờ Thánh Y, Thần Nữ, nếu không cho ngu mỗ tạ ơn, lòng sao yên ổn?

Thánh Y xua tay, vuốt râu bảo:

- Chính là do ân thiên địa thần linh mới phải! Công tử bất tất nhọc lòng nghĩ tới! Có điều rất lạ, khi trị bệnh, lão phu thấy có điều hết sức quái gở, cần phải nói ngay công tử rõ! Là cả hai lần bị đòn dữ đều giống nhau như đúc, cũng đều là đòn tiên chất kim khí trong cơ thể, nếu không có xương da con Mạc thú, chắc vô phương cứu chữa! Công tử nên lưu tâm, xương da con Mạc thú là thần dược trị đòn tinh, công tử còn chút nào, nhớ cất giữ cho cẩn thận! Tinh Chúa còn nguy hiểm, công tử nhớ kỹ phòng về sau!

Ngạc nhiên, Võ hỏi:

- Nếu vậy cả hai đòn cùng một gốc? Giao Long Chúa, Sài Lang Chúa đều dùng dị pháp càn khôn? Hay cả hai con tinh này chỉ là một giống hóa hình ra? Thần Nữ dịu dàng:

- Điều đó sau sẽ rõ, nhưng tướng công có thể an lòng từ nay không sợ nó nữa! Yên Phủ có bí pháp trấn quốc, thiếp sẽ truyền cho tướng công, nếu không trị được loài tinh chúa đó, cũng không lo nó phạm tới người.

Thế nữ dâng trà, nước, ba người cùng cạn, bỗng nghe tiếng âm nhạc nổi lên. Thánh Y cao giọng:

- Đã tới giờ hoàng đạo, thần dân ngóng đợi, xin Thần Nữ hãy thỉnh tướng công đến đền thờ.

Hai người đưa Võ ra ngoài, thế nữ xúm quanh, thần dân xếp hàng "phò" ba người đi thẳng ra phía đầu hành lang. Minh Thần bàng hoàng thấy một vùng nương đồi rực rỡ hiện ra, bỗng nghe có tiếng hô "kiệu đăng sơn"!

Từ ngoài, ba cỗ kiệu khá lớn tiến vào, kê sát hành lang. Mỗi cỗ kiệu có bốn thổ dân khiêng, một cỗ sơn đỏ, một cỗ sơn vàng, còn một cỗ sơn xanh coi rất lạ mắt. Đám thế nữ xúm lại "pho" Võ Minh Thần lên cỗ kiệu đỏ, Thánh Y Lãn Ông lên kiệu xanh, Thần Nữ lên kiệu vàng.

Cồng nổi vang rền, đàn sáo địch tiêu khèn sênh tiền... trổi âm thanh bổng trầm véo von như tiếng nhạc nước thần. Ba cỗ kiệu tiến vụt đi như trôi theo luồng âm thanh phi phàm, kiệu Thần Nữ đi trước, tới Minh Thần rồi Thánh Y, theo sau là dòng người nước Yên cuồn cuộn như nguồn thác lũ.

Chàng tuổi trẻ phong trần bỗng rơi vào một vùng cảm giác hết sức lạ lùng, tâm hồn xao xuyến, bàng hoàng, bất định giữa khung cảnh càng lúc càng trở nên thần bí, khó hiểu. Nhưng trước tấm thịnh tình của Yên Phủ, và nhất là trước cảnh tượng nghiêm đầy vẻ thiêng liêng, đầy tính cách lễ nghi, tập tục của miền đất đã cứu mình thoát nạn dữ, Võ cũng chẳng biết làm gì hơn là cứ phó mặc cho dòng người thần bí này cuốn đi theo tiếng nhạc rước thần.

- Chắc tục lệ xứ Phù Dung này đây, các sắc sơn cước biên thùy, thượng du đất Việt ta thường vô cùng hiếu khách. Miền Phù Dung quốc này lại biền biệt giữa ba dải biên giới Việt Trung Lào lại càng hiếu khách hơn! Có lẽ nhân dịp khách khỏi bệnh, họ tổ chức kỳ đại lễ ăn mừng đay! Nhưng một kẻ tứ cố vô thân không nhà không cửa như ta mà họ lại phong cho chức tướng công kể cũng buồn cười thật! Mà kỳ lạ nữa là đến vị Thánh Y đạo mạo râu dài cũng cứ gọi mình là tướng công... mới khó hiểu chư! Nhưng chắc lễ mừng khác thật, vị Thánh Y cũng được dự mà! Chắc ra nơi hành lễ đây!

Võ Minh Thần thấy yên lòng, đưa tay vén rèm trông ra, mới hay chỗ mình vừa nằm dưỡng bệnh là một khu dinh cơ thật nguy nga đồ sộ, nằm lưng đồi phong quang đầy kỳ hoa dị thảo, tòa ngang dãy dọc, điếu kiều chạy quanh như lối kiến dinh Chúa Mèo Woòng Chí Sình trên miệt Hoàng Sĩ Phù!

Nhưng lối kiến trúc và màu sắc lại phảng phất vẻ thần bí như chốn đền thờ nào, so sánh với lối kiến trúc Cung A Phòng Tây Sắc dưới đáy Hắc Giang, chốn dinh phủ lâm tuyền này phảng phất nét thiêng liêng kỳ bí, còn A Phòng quái gở phi phàm như dưới cõi âm!

- Phù Dung Thần Giáo! Dinh phủ của Thần Nữ Phù Dung có khác! Thần bí thật! Kỳ lạ thật!

Võ lẩm bẩm, lòng lâng lâng nhẹ nhõm, chung quanh chàng là một miền hoa bướm bạt ngàn sơn dã, bản thổ rải rác, không khí trong lành, cảnh trí thần tiên như chon Bồng Lai, suối khe róc rách "ôn toàn" bốc khói mờ sương coi càng giống cảnh tiên non Bồng trong các bức tranh thủy mặc.

Đặc biệt là rất nhiều công, trĩ, oanh, yến, sơn ca, họa mi, khướu, yểng toàn giống chim đẹp nhởn nhơ bay đậu múa hót líu lo, chứng tỏ đây là miền đất lành, khí hậu tốt lạ thường.

Qua nhiều rặng đồi nương, thung lũng, tới một cánh rừng thưa cây, đầy dị thảo, kỳ hoa, ba cỗ kiệu lướt lên một trái đồi lớn. Võ trông ra thay cờ quạt cắm đầy, thổ dân võ trang đứng dàn dọc từ dưới lên trên đồi, hiện ra một tòa đền đài nguy nga đồ sộ toàn bằng đá xanh đá trắng, hình thể cũng nhiễm vẻ thần bí lạ thường.

Ba cỗ kiệu vượt lên đồi, giữa hàng thổ dân dàn dọc, tinh kỳ phấp phới. Dòng người đứng cả dưới chân đồi, chỉ có một bầy thế nữ theo đi kiệu cùng phường nhạc rừng.

Đền thờ chót vót ngọn đồi, chung quanh cây cối um tùm, coi như những cây tùng tán khổng lồ. Ngoài khu vực đền thờ, cả rặng đồi đều trồng "thâu" hoa nở xòe bạt ngàn.

Võ Minh Thần vén hé rèm trông lên, thấy sân đền rất rộng, lối đi lót toàn đá trắng, phía ngoài có hàng rào trồng cây thấp như các dậu dam bụt, găng, xương rồng dưới xuôi, hoa leo, hoa "bướm" mọc đầy, một cái cổng đồ sộ, cũng bằng đá ghép như lối kiến trúc thành nhà Hồ tại Phủ Quảng Thanh Hóa, ngoài có tấm biển sơn son khắc nổi thếp vàng rực rỡ bốn chư Hán lối chân phương "Phù Dung Thần Điện".

Trong sân, bên cổng, trên thềm, lố nhố nhiều bóng người y phục chỉnh tề. Ba cỗ kiệu vượt qua cổng tiền, băng qua sân, đặt sịch dưới thềm, tới đâu người người cúi rạp đầu chào hết sức cung kính. Đám thế nữ chạy lên, vén rèm, tít trên, có hai "lực sĩ" ôm thảm trải vụt xuống, tấm thảm dệt bằng vỏ cây, màu sặc sỡ loang loáng chạy cuồn cuộn như lớp sò ngũ sắc. Võ Minh Thần vừa đặt chân xuống thì mép thảm cũng vừa kịp phủ kín bệ đá, không nhanh, không chậm nửa khắc! Đám thế nữ "phò" ba người lên điện, vị Thánh Y Lãn Ông tái thế đi trước, tay chống gậy trúc, cách vài bậc mới tới Thần Nữ Phù Dung Giáo Chủ và Võ Minh Thần, chàng trai định lùi lại đi sau nhưng Thần Nữ cứ đi sát bên chàng, đám thế nữ bước sát sau, bưng các mâm lễ vật phủ vải điều, làm chàng phải bước song song với Thần Nữ, lòng chợt nổi lên hàng trăm ý tưởng vẩn vơ nghi hoặc!

Nhưng chàng tuổi trẻ không có thì giờ nghĩ nhiều, phường nhạc sau lưng đã trỗi khúc gấp gấp dặt dìu như thác chảy, Thánh Y Lãn Ông, Thần Nữ Phù Dung đi vùn vụt theo, thoắt đã vượt hai mươi tầng bệ đá, lần tới thần điện trên.

Minh Thần nhìn vào thấy điện rộng mênh mông, trần thiết rực rỡ vàng son coi vừa thâm nghiêm vừa thần bí với những bệ thờ, đồ thờ, rèm trướng, cờ quạt, thứ nào cũng lạ mắt hết sức! Đặc biệt là lối kiến trúc trong điện khác hẳn những đền thờ Phật giáo, Ki Tô giáo, hoặc các điện thần, Võ đã được thấy từ trước đến giờ, lối kiến trúc trần thiết khác lạ này như hút con mắt người ta. Võ mới ngó đã có cảm giác kỳ dị như bị cuốn cả tâm hồn vào cảnh trí thần bí trong đền. Chàng thoáng cảm thấy mơ hồ như mình cũng đã từng thấy lối kiến trúc này ở nơi nào đó trên bước đường luân lạc theo tôn sư năm mười năm trước.

- À... coi từa tựa như đền thờ Hồi giáo thì phải! À! Hồi theo tôn sư đến xứ Turkestan (Tân Cương) miền đất Tàu Hồi giáo, ta cũng đã được thấy nhiều ngôi đền thờ đạo Hồi kiến trúc giống ngôi đền này! Tại miền Bắc biên giới Việt-Trung- Lào không có dân theo Hồi giáo, sao xứ Yên này lại có ngôi đền giống đền đài của dân Ả Rập? Không lẽ do lính Ả Rập trong đội quân thuộc địa người Bắc Phi đem tới? À! Có lẽ do nguồn gốc giống Phù Dung Yên quốc xưa mãi tận lưu vực Lưỡng Hà, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ chăng? Nhưng chẳng lẽ người xứ Phù Dung khuất tịch này có liên lạc tận các xứ xa xôi kia sao?

Đang nghĩ loanh quanh, đã thấy một đám đồng nam đồng nữ tiến ra, dẫn đầu là một ông lão râu tóc cũng bạc phơ như vị Thánh Y Lãn Ông, vẻ người đạo mạo, tay trái cầm một chiếc chìa khóa vàng, tay phải cầm một cái gậy hình thân cây cũng bằng vàng. Cả bọn tới trước mặt ba người, đồng nam đồng nữ xếp dọc hai hàng, đứng sau ông lão dáng người thủ đền, tất cả đồng cúi rạp đầu chào. Ông lão kia nói một tràng tiếng lạ tai, chừng thổ ngữ riêng, lơ lớ như tiếng Thổ Thái, hai tay lão giơ cao khỏi đầu.

Võ Minh Thần ngó qua, thấy đúng hai mươi đồng nam, hai mươi đồng nữ, tuổi từ mười hai tới mười bốn, mười lăm, nam mặc áo đỏ, nữ mặc áo vàng, màu áo Thần Nữ và chàng, còn ông lão kia mặc áo xanh giống áo Thánh Y.

Thần Nữ không nói nửa lời, đưa tay trái đỡ lay chiếc chìa khóa, lão thủ đền đi vòng ra phía sau ba người. Thánh Y Lãn Ông tiến vào trước, hơi nghiêng mình ra hiệu thỉnh mời Thần Nữ, Minh Thần nhập nội.

Nàng hơi đưa mắt cho Minh Thần, cả hai cùng song song bước hẳn vào đền, giữa hai hàng đồng nam đồng nữ. Minh Thần chân bước song song, đầu óc đầy bỡ ngỡ, lấy làm lạ hết sức. Nhất là về dáng điệu của vị Thánh Y. Ông già này cũng chỉ là khách của Yên

Phủ, lại có cử chỉ của người trong cuộc, như hướng dẫn cả Thần Nữ đi vào, và người đàn bà là giáo chủ bữa nay vào đền Phù Dung Thần Giáo lại có vẻ như nữ khách!

- Lạ dữ chưa? Lễ chi lại kỳ quái thế này? Có lẽ phong tục xứ người ta thế! Minh Thần vẫn không hài lòng về lời phỏng đoán của mình. Chàng trai để ý ngó đám đồng nam đồng nữ, thấy bọn này bưng những cái khay mâm đồng trên đựng lắm món kỳ dị, giống dụng cụ hút thuốc phiện, cặp đồng nam đồng nữ đứng đầu trên, mâm có đe một trái "thẩu" rất to, thường gọi "cổ tác xác" và một mớ hạt giống thuốc phiện tựa hạt vừng. Nhưng chàng chưa kịp liếc qua, đã phải theo Thần Nữ đi vào phía trong. Ông lão thủ đền cùng đám đồng nam đồng nữ kia kế tiep đi phía sau, tất cả vào nội tẩm. Thần Nữ có bầy thế nữ theo nâng vạt áo sau. Đền Phù Dung Thần Giáo sâu thăm thẳm, bạch lạp thắp sáng trưng trên các bệ. Theo lối trải thảm đi thẳng vào sâu mãi, bỗng đứng trước một khung cửa lớn đóng kín. Lão thủ đền vòng lên, giơ cao giá bạch lạp, Thần Nữ cầm chìa khóa mở cửa. Lão thủ đền kéo rộng cánh cửa. Rồi lão cung kính thỉnh hai người vào, và tự tay ông già này đóng cửa lại, để bọn thủ đen, đồng nam, đồng nữ, thế nữ đứng cả bên ngoài. Võ Minh Thần vụt rơi vào một cảnh trí nhiễm đầy vẻ thần bí, như lạc vào một thế giới có pha lẫn chất thần tiên ma quái làm giác quan chàng bỗng trở nên mông lung bàng bac mơ hồ lạ! Im lặng mênh mông! Trong nội điện kín này, ánh sáng vàng sệt lung linh, huyền ảo, phảng phất có mùi thơm ngầy ngậy phả vào mũi Minh Thần, lẫn cả mùi trầm hương thoảng ngát tạo nên một thứ mùi đặc biệt làm thần kinh như chùng hẳn xuống, bao nhiêu huyết khí phương cương tuổi trẻ cũng lắng đọng theo, cảm giác yên tĩnh, siêu thoát tỏa rộng. Võ liếc sang bên, dưới vùng ánh sáng vàng đọng, khuôn mặt Phù Dung giáo chủ nương nương vut trở nên huyền bí lạ, nhan sắc uy nghi phảng phất vẻ thiêng liêng thần kỳ, như đã thoát ra ngoài cảnh thực, nhập vào thế giới bàng bạc của đền thần giáo huyền kỳ bí ẩn! Hay nói rõ hơn, cả đền thần giáo nhập vào nàng, tỏa ra trên khuôn diện dáng dấp tạo cho nàng một thứ nhan sắc thần bí và có sức hấp dẫn đến chết lòng người!

Phải mất mấy khắc, nhãn quang Võ Minh Thần mới làm quen hẳn với thứ ánh sáng chập chờn huyền ảo trong nội điện. Hình như trong này thắp nhiều đèn nến, nhưng có rèm che cản, chỉ thấy ánh sáng mà không thấy ngọn. Nội điện cao vút, kiến trúc toàn đường nét lạ, từng hàng cột đá sừng sững to hàng một hai vầng, chạm khắc các hình thú, điểu, cỏ, hoa, vân vũ hết sức công phu, sơn phết đủ màu. Trần điện cũng ghép toàn đá phiến tựa lối xây cuốn tại các đình chùa dưới Kinh, và phiến đá nào cũng nặng hàng tấn, chỉ xếp ghép dính nhau vừa khít mà không gắn vôi vữa, mỗi phiến đá là một khối kỷ hà, coi kỳ diệu hết sức. Chỉ cần nhác trông qua các hình đá ghép ăn khớp như thợ mộc "vào mộng" cũng đủ biết phải có tay giỏi toán hình học mới làm nổi, tuy cũng như lối kiến trúc ghép thành nhà Hồ của Quý Ly, nhưng xem chừng còn tinh vi hơn. Vì thành nhà Hồ chỉ ghép bằng các phiến đá hình chữ nhật, chỗ trần uốn cong như các cổng thành thì ghép đá hình thang, còn đây lại ghép đủ thứ hình tam giác, hình vuông, bán nguyệt, lục lăng, bát giác, hình thang, chữ nhật lệch...

Dáng dấp thật khoan thai, nghiêm túc, Phù Dung giáo chủ nương nương sánh vai cùng Võ Minh Thần tiến thẳng vào nội điện, Thánh Y theo sau.

Được chừng mươi thước, bỗng nàng đứng lai trước một sợi dây xích sáng loáng có nắm tay cầm. Nàng nắm lấy đầu dây giật nhẹ một cái! Binh boong binh boong! Bỗng tiếng chuông đồng nổi lên, trước khoan nhặt như tiếng chuông chùa, sau dồn dập đổ hồi như tiếng chuông nhà thờ, âm thanh vang ngân bổng trầm như gần như xa, giữa cảnh im lìm, nghe như tiếng chuông thần bí gọi hồn người về thế giới xa xăm nào bên kia cuộc đời trần lụy.

Minh Thần đứng nhìn thấy hình như khu nội tẩm cũng rung động theo âm thanh trầm bổng, rồi cả ánh sáng vàng cũng rung rung.

Còn đang ngạc nhiên cho là mắt mình bị thính giác đánh lừa, bỗng chàng trai hơi giật mình sửng sốt, thấy khu nội tẩm rõ ràng đang biến đổi dần các nét kỷ hà giữa vùng ánh sáng chập chờn, rồi vụt cái, tiếng chuông vừa ngừng, dư âm còn vương vấn bên tai, trước mặt Võ đã hiện ra một cảnh trí khác hẳn, với những ngọn đèn quái ảo sáng như sao sa, những bệ thờ, những chiếc giường kỳ dị và... khá nhiều bóng người nằm ngồi rải rác khắp nội điện. Nói bóng người là đúng nhất, vì tất cả đều lặng lẽ câm nín, như đang đắm hồn trong cảnh u tĩnh thẳm sâu phảng phất khói hương trầm.

Ngạc nhiên, Võ đưa mắt ngó Thần Nữ như ngầm hỏi, nhưng nàng không nói gì. Ngay khi đó, vị Thánh Y chợt tiến lên, đứng xế trước Minh Thần, vẻ mặt nghiêm trang bảo:

- Không phải người sống đâu! Đây là chỉ là xác thân đệ tử Phù Dung đã hiến trọn linh hồn xác thịt cho Thần Ma Túy! Các đệ tử này đều là các tín đồ thuần thành đã dâng đời mình cho Thần Giáo, các đệ tử này đã sống những ngày đau khổ trong cát bụi trầm luân, và đã tìm thấy niềm hoan lạc, yên tĩnh đời đời dưới bóng Thần Yên! Và họ đã lìa đời trong niềm yên tĩnh nương theo cánh biếc của nàng Tiên Nâu đi về cõi hư vô... trả lại hình hài cho cõi phù sinh. Những xác thân kia đã được sưu tầm khắp thế gian, thuộc nhiều thời kỳ, tiêu biểu cho nhiều giới, nhiều sắc tộc.

Thánh Y ngừng lại chút, vụt tiếp lời:

- Sáng nay chính là ngày tướng công bái kiến Phù Dung thần, đồng chủ tế giáo chủ, đã đến lúc tướng công phải hiểu rõ các điều bí mật về Phù Dung Thần Giáo. Vậy trước giờ hành lễ, tướng công hãy duyệt qua một vòng nội điện cùng Thần Nữ nương nương.

Dứt lời lão hơi nghiêng mình làm hiệu thỉnh, Thần Nữ lập tức song hàng uyển chuyển đưa Võ vào sâu trong nội tẩm. Ba người đi dọc hai bên tả hữu điện trước. Càng lại gần, cảnh tượng càng kỳ bí, đượm vẻ quái gở. Trên bệ thờ, mỗi bệ đều có thắp một ngọn đèn dầu lạc, ánh sáng lung linh, trước đèn có để một thứ dụng cụ "hấp" theo các thời đại. Có bệ đặt một cái điếu loại ống vố dài của các sắc dân Ấn Độ, Ả Rập xưa nay vẫn dùng nhét cục thuốc vào, tựa hút thuốc lào. Có bệ đặt một bộ ấm để nấu thuốc "thẩu" uống trị bệnh. Còn một hàng bệ khác, mỗi bệ đều có bày một dụng cụ để hút thuốc phiện như dọc, tẩu, tiêm, móc chén đánh sái... Tóm lại, khu này là khu thờ dụng cụ "tiêu thụ" nha phiến các cách.

Bước tới khu vực bày di hài các đệ tử Phù Dung, Võ Minh Thần càng dòm kỹ, càng thấy rùng rợn, cảm giác ơn ớn như đứng trước cảnh tượng ma quái nhưng không giống hẳn cảnh xác người bị hấp sát bày trong Bảo Tàng Viện Tây Sắc Ma Vương, vì đây là xác thân các tín đồ "hap" thuốc phiện đã dâng hiến trọn đời cho á phiện qua các thời đại, qua các thế hệ, thuộc đủ sắc dân trên thế giới, thuộc đủ các thành phần trong các xã hội xưa nay. Có nghĩa là toàn cảnh xác nghiền chất ma túy tìm cảm giác say sưa ma quái trong chất Phù Dung và trở thành đám tín đồ nô lệ cho Thần Phù Dung, tiêu mòn dần cuộc đời đến chết vẫn còn say sưa.

Đây! Trên một cái bục gỗ có chất một cái bếp lửa than đã nguội ngắt, mấy cái xác da nâu đen bóng, đầu "quấn thừng" đang quây quần ngồi nhớ thuốc phiện, có mấy người nướng nuốt, sắc lá "thẩu", trái "thẩu" làm nước uống, coi y phục, mặt mũi, vẻ dân Ấn Độ xưa.

Bục gần đấy có ba người đội mũ kiểu Hồi Giáo Nam Dương, Mã Lai đang ngồi nhét thuốc vào nả điếu hút, tựa hút điếu cày. Cái điều này dài gang tay, một kẻ nhét cục nhựa, một kẻ gắp cục than dí vào, một kẻ đang hút, cả ba còn nguyên nét say sưa, tuy đã thac nhiều thế kỷ.

Xế bên lại có người Ả Rập dáng dân Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ đang dùng thuốc phiện theo lối trung cổ, thô sơ. Quá chút nữa, trên mấy cái ghế kiểu Âu Châu, có mấy người đang hít bạch phiến (cocaine), chỗ khác lại có mấy người Tàu đang hút hồng den (heroine).

Đại lược khu này, đủ mọi sắc dân, giới dân tiêu thụ chất ma túy theo các lối giản dị, nhưng vẫn không kém bề say sưa.

Sang khu bên, đây lại là khu vực của những kẻ tiêu thụ nha phiến theo lối tân kỳ trên giường thất bảo, có người Trung Hoa, nam, nữ đang nằm hút thuốc với dọc tẩu tuyệt đẹp, tiêm vàng móc bạc, măng đèn, toàn đồ quý giá, cạnh lại có dân Tàu nghèo túng nằm hút trên giường mọt dụng cụ xấu xí, đèn rạng rỡ, những mặt mày xương xẩu còn hiện rõ nét đê mê của những kẻ lên tiên bằng ảo giác. Gần đấy, lại có các chỗ tiêu biểu cho "làng bẹp" Việt Nam, đủ mọi giới sang hèn, tiêu thụ Phù Dung các lối, có những kẻ da bọc xương nhưng mặt vẫn đê mê huyền bí.

Võ Minh Thần đảo qua các khu thờ đệ tử "nàng tiên nâu" tuy đó chỉ là các món sưu tầm từ xưa, bày trong điện, nhưng coi cũng linh hoạt như thực, làm chàng tuổi trẻ bất giác thấy ớn lạnh trong mình, khi hình dung tới số người không biết bao nhiêu triệu đã thành đệ tử Phù Dung, tiêu mòn dần thân thể trong ảo giác chập chờn.

Trong khi Võ Minh Thần chăm chú quan sát từng cảnh xác đệ tử "tiên nâu" say sưa hiến mình cho Phù Dung Thần, nàng giáo chủ Phù Dung chỉ lặng lẽ đi bên, không nói lời nào. Chỉ có vị Thánh Y lanon tái thế thỉnh thoảng lại lên tiếng giải thích ý nghĩa của một vài cảnh tượng lạ mắt, nói rõ về tiểu sử một vài đệ tử nằm ngồi trên giường, bệ, giảng thêm cả cách thức dùng nha phiến của "bộ xác ướp" đó. Trong số di hài đệ tử Thần Giáo này (hay Ma Giáo cũng được), Võ Minh Thần thấy có cả những tay đã nổi danh một thời trên thế giới như một hai tay quan hoạn trong nhóm "Thập Thường Thị" đời Mãn Thanh, một hai viên quan đại thần Ba Tư về thời Aladin chiến bại Đại Hãn Mông Cổ Thémouzin (Thiết Mộc Chân).

Bất giác chàng tuổi trẻ giang hồ khẽ chép miệng, chẳng biết nên vui hay nên buồn trước cảnh tiêu mòn thân thể bên ngọn đèn dầu lạc này. Bỗng nghe Thánh Y Lãn Ông dịu dàng bảo:

- Mời tướng công sang bên này! Minh Thần vội "dạ" bước theo, trong lòng vô cùng ngượng nghịu bất nhẫn, thấy bực ân nhân cứu mạng mình cứ mãi xưng hô quá ư trịnh trọng vượt hẳn địa vị.

Nhưng bên kia điện lại những cảnh tượng kỳ dị đập vào nhãn quang chàng, và lần này thấy càng phát ớn.

Vì đây không phải cảnh đệ tử Phù Dung Thần say sưa ma túy quên sầu thế gian, mà lại là những cảnh đệ tử á phiện đang "cai" thuốc, đang chiến đấu dữ dội với "á phiện" và đang bị "cô hành" ghê gớm.

Chỉ cần ngó qua một vài cảnh tượng cũng đủ hình dung được sự đau đớn khủng khiếp đang dày vò thể xác linh hồn đám đệ tử muốn thoát ly khỏi Ma Giáo gớm ghê kỳ bí này.

Và sau cuộc chiến đấu không tiền khoáng hậu, các đệ tử đã bị hành đến thác bằng cả ngàn "tử lộ" không thua hàng ngàn con đường dẫn đến đền thờ Thần Yên.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...