Một thớt tuấn mã trong tư thế giương vó phi nước đại. Những lọn bờm dài dựng ngược, mường tượng đang bay phần phật trong gió, sống động như thật. Bôn mã vươn người lao lên, ba chân đạp không, chân còn lại đạp trên lưng một con yến.
Con chim yến nhỏ xinh, khoảnh khắc ấy dường như chống chịu cả sức nặng ngàn cân của con ngựa.
Bức tượng "Phi mã đạp yến" đúng là một thể hiện hiếm có của sự kết hợp hoàn mỹ giữa sức mạnh và kỹ thuật. Với nghệ thuật chế tác xảo đoạt thiên công, toàn bộ khuôn hình gợi lên một cảm giác không thể tưởng tượng, song lại vô cùng huyền ảo.
"Mã hình trầm ổn, khí lực bền bỉ, sở trường giương vó dùng cơ hậu bàn phát lực, dưới liên kết với cơ đùi, trên liên kết với bụng, thắt lưng, ngực, cổ, đầu. Trong khi Yến hình thanh thoát, sở trường đạp nước. Yến hình trong Hình Ý Quyền cũng là dùng chân phát cước, đằng không bay lên, tấn công liên hoàn."
Vương Siêu và Trần Ngãi Dương kề vai đứng trước bức tượng khổng lồ, cùng chăm chú quan sát.
"Không sai, Yến hình đấu pháp là hai chân cùng đằng không, hai tay mượn lực, sau đó hai chân liên hoàn xuất cước, chỉ dùng một hơi, vận hết lực khí toàn thân, liên hoàn cước phóng về phía địch nhân, đích xác như chim yến xẹt qua mặt nước vạch ra một vệt dài. Vạch thẳng mà chim yến tạo ra đó chính là đường trung tuyến của thân người đối thủ!"
Thông thường, quyền thuật đều không xem trọng nhấc chân, bởi lẽ chân đạp xuống đất mới có thể sinh lực, có thể biến hóa vô cùng, cho dù nhấc chân lên cũng hầu như không được quá gối. Chiêu "Hoàng Cẩu Tản Niệu" của Miêu Tuấn Hoa chính là một động tác tinh túy của sát chiêu dùng chân.