Vào lúc Xuân tô điểm Phố Thayer bằng màu vàng màu lục màu hồng, thì Lolita đã mê sân khấu đến mức không thể bỏ được nữa. Pratt, mà tôi tình cờ nhận ra vào Chủ Nhật nọ đang ăn trưa với mấy người ở tiệm Walton, bắt được ánh mắt tôi từ xa và tán thưởng tôi bằng cử chỉ vỗ tay thân tình và kín đáo vào lúc Lo không để ý. Tôi rất ghét sân khấu vì tôi cho rằng, nhận định trên phương diện lịch sử, nó là một hình thái thô sơ và thối nát; một hình thái mang dấu ấn những lễ nghi thời đồ đá và đủ thứ ba lăng nhăng công cộng bất chấp những mũi tiêm cá nhân ấy của các thiên tài, giả dụ như, chẳng hạn, thi phẩm thời nữ hoàng Elizabeth đệ nhất mà một độc giả giam mình trong phòng kín cũng tự động xóc ra được từ kịch bản. Hồi ấy tôi đang hết sức bận rộn với những công việc văn chương của mình, nên tôi không buồn đọc toàn bộ kịch bản Những Thợ Săn Bị Bỏ Bùa, một vở kịch ngắn trong đó Dolores Haze được phân vai con gái của người tá điền, một cô gái tự cho mình là phù thủy miệt rừng, hoặc nữ thần săn bắn Diana, hoặc cái gì đó, và cô gái này, nhờ kiếm được cuốn sách về thuật thôi miên, đã dìm được một số thợ săn mất tích vào những trạng thái xuất thần thú vị khác nhau trước khi đến lượt cô gục ngã dưới bùa mê của chàng thi sĩ lãng tử (Mona Dahl). Đó là tất cả những gì tôi lượm lặt được từ những mẩu kịch bản nhàu nát được đánh máy cẩu thả mà Lo gieo rắc khắp nhà. Sự trùng khớp của tiêu đề với cái tên của một khách sạn không quên quả là điều thú vị hơi buồn một chút: tôi mệt mỏi nghĩ rằng tốt hơn là tôi không làm cho cô bé phù thủy của tôi để ý đến nó nữa, e rằng sự buộc tội trơ tráo về tính đa sầu đa cảm sẽ làm tổn thương tôi thậm chí còn nhiều hơn là việc nàng không tự để ý thấy điều đó có thể gây ra. Tôi cho rằng vở kịch ngắn chỉ là cách diễn tả khác, trên thực tế là nặc danh, của truyền thuyết tầm thường nào đó. Đương nhiên chẳng có gì ngăn được người ta khỏi giả định rằng vào lúc tìm kiếm một cái tên hấp dẫn thì người sáng lập khách sạn đã bị ảnh hưởng trực tiếp và độc nhất bởi những tưởng tượng tình cờ từ gã họa sỹ tranh tường hạng hai mà ông ta đã thuê, và rằng sau đó tên khách sạn đã gợi ra cái ý về tên vở kịch. Nhưng theo tâm trí cả tin, đơn giản, thương người của mình, tôi lại tình cờ lái nó vòng qua hướng khác, và không đắn đo suy nghĩ gì thực sự nhiều về toàn bộ vấn đề, cho rằng cả bức bích hoạ ấy, cả tên và tiêu đề, toàn bộ đều xuất phát từ một nguồn gốc chung, từ truyền thống địa phương nào đó, mà tôi, một ngoại kiều không hiểu biết gì về văn hoá dân gian New England, không cần phải biết đến. Vì thế tôi có cảm tưởng (mọi điều này hoàn toàn ngẫu nhiên, quí vị hiểu không, hoàn toàn nằm ngoài bất cứ quỹ đạo nào của sự quan trọng) rằng vở kịch ngắn đáng nguyền rủa ấy thuộc dạng kỳ quặc với cảm thụ của trẻ em, được soạn đi soạn lại nhiều lần, như Hansel và Gretel của Richard Roe, hoặc Người Đẹp Say Ngủ của Dorothy Doe, hoặc Bộ Hoàng Bào Mới của Maurice Vermont và Marion Rumpelmeyer — tất cả những cái này được tìm thấy trong bất cứ cuốn Kịch Cho Diễn Viên Trung Học hay Ta Cùng Đóng Kịch nào! Nói cách khác, tôi không biết — và cũng sẽ chẳng cần quan tâm, giả dụ như tôi có biết — rằng thực sự thì Những Thợ Săn Bị Bỏ Bùa là một tác phẩm độc đáo về mặt kỹ thuật được sáng tác khá gần đây và được dựng lần đầu tiên chỉ mới ba hay bốn tháng trước đây bởi một nhóm trí thức ở New York. Với tôi — trong chừng mực tôi có thể đánh giá từ vai diễn của cô gái bỏ bùa của tôi — nó dường như là một tác phẩm màu mè thuộc thể loại khá buồn thảm, với tiếng dội từ Lenormand và Maeterlinck và những người Anh trầm lặng và mơ mộng khác nhau. Những thợ săn đội mũ đỏ, mặc quần áo giống nhau, trong số họ một người là chủ ngân hàng, người khác là thợ sửa ống nước, người thứ ba là cảnh sát, người thứ tư là ông chủ nhà đòn, người thứ năm là chuyên viên bảo hiểm, người thứ sáu là tù vượt ngục (quý vị thấy các khả thể!), trải qua một sự thay đổi hoàn toàn về nội tâm trong Thung Lũng Dolly, và nhớ về cuộc đời thực của họ chỉ như những giấc mơ hoặc những cơn ác mộng mà Diana bé nhỏ đã đánh thức họ; nhưng người Thợ Săn thứ bẩy (đội mũ xanh, thằng hề) là một Thi Sĩ Trẻ, và anh ta khăng khăng, chủ yếu để Diana bực mình, rằng cô và buổi chiêu đãi đã được chuẩn bị (các nàng tiên khiêu vũ, lũ yêu tinh lùn tịt, và những con quái vật khổng lồ) chính là sáng tác của anh ta, của Thi Sĩ. Tôi hiểu rằng cuối cùng, do quá đỗi chán ghét với sự ngạo mạn này, Dolores chân trần đã dẫn Mona quần ca rô đến trang trại của cha đằng sau Khu Rừng Nguy Hiểm để chứng tỏ với kẻ huênh hoang rằng nàng không phải là tưởng tượng của thi sĩ, mà là một thiếu nữ quê mùa, chân-bấu-đất-nâu — và nụ hôn phút cuối đã nhấn mạnh thông điệp sâu sắc của vở kịch, rằng thì, là ảo tượng và thực tại hòa trộn vào tình yêu. Tôi cho rằng khôn ngoan hơn cả là không chỉ trích chuyện này trước mặt Lo: nàng bị cuốn hút lành mạnh đến nhường nào vào "những vấn đề biểu cảm," chắp đôi bàn tay Florence hẹp của nàng lại với nhau một cách đáng yêu đến nhường nào, chớp chớp hàng mi và cầu xin tôi đừng đến các buổi diễn tập như vài bậc cha mẹ lố bịch vẫn đến bởi lẽ nàng muốn làm tôi kinh ngạc với một Đêm Đầu Tiên hoàn hảo — và bởi vì tôi, dù sao thì, luôn thò mũi vào nói năng lăng nhăng, và làm nàng vướng víu trước mặt người khác.
Có một buổi diễn tập rất đặc biệt... ôi tim tôi, tim tôi... có một ngày trong tháng Năm được đánh dấu bởi rất nhiều nhộn nhịp vui tươi — tất cả đều trôi qua, vượt ra khỏi tầm mắt của tôi, không lọt được vào tâm trí tôi, và khi tôi thấy Lo sau đó, vào một chiều muộn, giữ thăng bằng trên xe đạp của nàng, áp lòng bàn tay nàng vào lớp vỏ ẩm ướt của cây bulô non mọc bên rìa bãi cỏ của chúng tôi, tôi đã kinh ngạc bởi sự dịu dàng tỏa sáng từ nụ cười của nàng đến nỗi trong chốc lát tôi tin là mọi phiền muộn lo lắng của chúng tôi đã trôi qua. "Anh còn nhớ," nàng nói, "tên cái khách sạn ấy không, anh biết mà [nhăn mũi], nào, anh biết mà — nơi có những hàng cột trắng và con thiên nga cẩm thạch ấy ở sảnh chờ? Ôi, anh biết mà [thở to] — cái khách sạn nơi anh hiếp em ấy. Thôi được rồi, cho qua. Em muốn nói, có phải nó [gần như thì thào] tên là Những Thợ Săn Bị Bỏ Bùa? Ồ, là nó ạ? [đăm chiêu] Phải nó không nhỉ?" — và với một tiếng cười lanh lảnh, thanh xuân và đa tình, nàng vỗ thân cây bóng loáng và lao vút lên dốc, đến cuối con phố, rồi cưỡi xe quay lại, đôi chân nghỉ trên cặp pê đan ngừng quay, tư thế thoải mái, một bàn tay mơ màng trên vạt váy in hoa.