Lã Mai Nương
Chương 21: Nam Sơn trấn, Miêu Thúy Hoa cần thiền sư giúp sức Mai Hoa Thung, Lý Ba Sơn cậy sức gặp cao tay
Đứng về phương diện kẻ thù, nàng biết rằng dù có nhờ cả toàn bang Quảng Đông nói với họ Lý cũng chẳng được nào, chi bằng Lý Ba Sơn đã cậy mình tài nghệ cao siêu thì nàng thỉnh sư bá Chí Thiện, là người công phu điêu luyện danh vang giới võ nghệ thời bấy giờ, may ra Lý Ba Sơn nể sợ bỏ qua việc rắc rối thù hiềm do vụ Vô Địch đài gây nên.
Khi lên đến chùa Thiếu Lâm, chư tăng đều biết nàng là dòng dõi Miêu Hiểu, nên niềm nở thăm hỏi. Thái Minh tăng, vị hòa thượng trưởng tràng thường thay thế Chí Thiện sư trưởng trong khi Người đi vắng, thấy Miêu Thúy Hoa đi một mình vẻ mặt lo âu thì lấy làm lạ hỏi rằng :
- Năm năm nay không thấy sư muội lên Tung Sơn, nay đến bắt thăm thế này chắc có chuyện chi cần kíp? Miêu sư thúc đâu không cùng đi?
Câu hỏi vô tình của Thái Minh khiến Thúy Hoa xúc động nhớ tới cha già thân mến đã quá cố, và hiện nay chính thân nàng đang bôn tẩu dặm trường mong cứu kịp đứa con trai độc nhất thân yêu.
Nàng bịn rịn :
- Gia phụ mất hồi đầu năm nay rồi. Quả thiệt tôi lên đây có chút việc cần, Sư bá có nhà không?
Thái Minh mời Thúy Hoa lên phương trượng, vừa đi vừa nói :
- Sư trưởng vân du từ đầu tháng trước, không biết ngày nào mới về. Việc chi cấp bách vậy, có thể cho bần tăng biết được không, may ra có giải pháp nào hay.
Thúy Hoa kể chuyện Phương Thế Ngọc đả Vô Địch đài, do đó gây oán chuốc thù với họ Lý cho Thái Minh tăng nghe. Minh tăng bảo :
- Cớ sự bây giờ đã như vậy, bần tăng khuyên sư muội nên cố công vào Bạch Hạc sơn yêu cầu Ngũ Mai đại sư bá tiếp tay. Chính bần tăng cũng muốn giúp sư muội trong vụ này, thiệt ra bản lãnh Lý Ba Sơn không ghê gớm như người ta tưởng đâu, nhưng bần tăng sợ hành động ấy ngoài sự hiểu biết dặn dò của Sư Trưởng, e phương hại tới tiếng Thiếu Lâm tự. Trái lại, với Ngũ Mai địa sư bá thì sự can thiệp có tánh chất quan trọng hơn. Lý Ba Sơn có lẽ nể sư bá, bỏ qua việc thù hiềm. Như vậy sẽ tránh được sự đụng độ giữa các võ phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Tây Khương mà không có ích lợi cho bên nào cả. Sư muội nên nghe lời bần tăng.
Miêu Thúy Hoa suy nghĩ hồi lâu :
- Từ đây vào Vân Nam đường xa dặm thẳng, hèn kỳ chỉ có ba tháng, mọc cánh cũng không đi về kịp, biết làm thế nào bây giờ?
Thấy Miêu Thúy Hoa nhăn nhó lo sợ, Thái Minh Tăng ái ngại mà rằng :
- Sư muội cũng bình tâm vào Bạch Hạc sơn thỉnh sư bá, bần tăng sẽ cấp tốc phái người đi tìm Sư trưởng tại những nơi người thường lui tới thăm nom. Nếu gặp Sư trưởng sẽ theo lời trong thơ của bần tăng đi thẳng Hàng Châu, như vậy tiện hơn.
Nghe Thái Minh Tăng nói hữu lý, vả lại không còn biện pháp nào hơn, Miêu Thúy Hoa thấy trời đã ngả về chiều, rán đi cũng lỡ độ đoạn đường, bèn ngủ lại chùa sáng hôm sau lên đường sớm.
Miêu thị cấp tốc tranh thủ thời gian đi Vân Nam.
Trưa hôm ấy, Miêu thị đang giục giã ngựa chạy dọc theo dãy Trung Nam Sơn cao vút ngàn mây bỗng có tiếng người sang sảng gọi :
- Miêu Thúy Hoa!...
Nàng giựt mình đánh thót một cái, ghì ngựa, nhìn quanh.
Tiếng gọi lớn vừa rồi còn âm vang. Miêu thị thấy ngay một vị thiền sư ngồi chênh vênh trên một mỏm đá cao bên sườn núi. Nàng ngạc nhiên giây lát rồi vui mừng ngay vì vừa mới nhận ra vị thiền sư đó không phải ai xa lạ mà chính là người nàng đang cố công tìm kiếm: Ngũ Mai sư bá.
Miêu thị quỳ xuống lạy chào. Ngũ Mai đỡ dậy :
- Điệt nữ đi đâu qua đây mà có vẻ vội vàng không kịp nhìn trước ngó sau thế?
- Bạch sư bá, con vào Bạch Hạc sơn, nhưng may mắn được gặp người nơi đây...
- A!... Vào Bạch Hạc sơn kiếm ta? Có chuyện chi điệt nữ khá trình bày.
Miêu Thúy Hoa đem chuyện đả Lôi đài ở Hàng Châu kể tỉ mỉ cho Ngũ Mai nghe và nói tiếp :
- Hiện thời Lý Bá Sơn thẳng tay can thiệp, phân trần giảng giải thế nào cũng không nghe, con đành thỉnh cầu sư bá tới Hàng Châu can thiệp.
Ngũ Mai suy nghĩ giây lát :
- Từ Hàng Châu vào Tung Sơn gần hơn sao điệt nữ không đến Thiếu Lâm thỉnh cầu nhị sư bá Chí Thiện, dại dột vào Vân Nam xa với làm chi?
- Nhị sư bá vân du vắng. Thái Minh sư huynh khuyên con vào Bạch Hạc thỉnh đại sư.
Ngũ Mai vẻ mặt nghĩ ngợi :
- Giúp đỡ các con, lúc nào ta cũng sẵn lòng. Hiềm vì Lý Bá Sơn tánh tình ngang ngược, ít biết lẽ phải, gặp ta lỡ y hỗn hào, không chịu được ta phải ra tay, sợ sẽ động chạm đến hòa khí của môn phái.
Miêu Thúy Hoa sợ Ngũ Mai không chịu nhận lời, năn nỉ :
- Sư bá thương tình cấp cứu Phương Thế Ngọc. Với sự hiện diện của người con chắc họ Lý sẽ nể nang mà chịu hòa giải.
Ngũ Mai nói :
- Việc Lý Ba Sơn chịu hòa giải hay không chẳng đáng quan tâm, nhưng ta đang thắc mắc suy tính về sự giao hảo từ trước đến nay giữa các môn phái, nên muốn tìm một giải pháp khác hơn là năn nỉ với y đó thôi.
Suy nghĩ giây lát, Ngũ Mai chép miệng :
- Ta có ý muốn gặp Bạch Mi đại sư, nhưng từ đây vào Tây Khương cũng rất diệu vợi mà chưa chắc đã hội kiến... Thôi điệt nữ đã có lòng lặn lội vào tới đây lẽ nào ta làm ngơ? Giờ đây không còn cách nào hơn là cùng đi Hàng Châu rồi sẽ tùy cơ ứng biến.
Thấy Thiền sư chịu nhận lời giúp đỡ, Miêu Thúy Hoa rất đỗi vui mừng vái tạ. Hai người một thấy một trò đi suốt ngày đêm về tới Hàng Châu thì vừa vặn hết hạn kỳ.
Nguyên Ngũ Mai, Chí Thiện là hai hảo đồ của Hồng Mi đại sư, trưởng chùa Thiếu Lâm. Hai người này theo Hồng Mi thế phát ngay từ lúc nhỏ. Ngũ Mai vốn người họ Hoàng ở Bạch Hạc thôn tỉnh Vân Nam, theo Hồng Mi đại sư trước Chí Thiện gốc người Tân Mật huyện, họ võ, mới thế phát vào chùa. Bởi vậy, vừa kém tuổi vừa gọc sau, Chí Thiện phải đứng vào hàng sư đệ, tuy sau này hai người Công phu khổ luyện đồng sức đồng tài.
Mãi sau, Miêu Hiển mới nhập học theo hàng môn đồ không thế phát. Hồi đó Miêu Hiển đứng đầu các môn đồ ngoại nhập nên được Hồng Mi đại sư và hai vị trưởng tràng Ngũ Mai, Chí Thiện quý mến. Thành tài, Miêu Hiển từ thầy, bạn xuống núi về Miêu động ở Quảng Đông lập gia đình, Khi Hồng Mi đại sư viên tịch, theo cấp bực đáng lẽ Ngũ Mai được thay thế đại sư điều khiển Thiếu Lâm tự, nhưng vì việc gia đình, Ngũ Mai phải về Bạch Hạc thôn thu xếp trang trại, vào núi Bạch Hạc tu luôn tại đó. Dĩ nhiên Chí Thiện là người duy nhất xứng đáng để được toàn thể nhân viên trong chùa bầu làm sư trưởng phái Thiếu Lâm.
Ngũ Mai vốn thuộc nữ giới, muốn trụ trì ở gần nhà, vả lại cũng ham mến cảnh Bạch Hạc sơn nên nhường chức sư trưởng Thiếu Lâm cho sư đệ Chí Thiện.
Ngũ Mai tánh ưa thích vân du khắp chốn hải hồ mà vị trí Sư trưởng Thiếu Lâm tự trách nhiệm rất nặng nề, không mấy được rời nhà chùa, trừ khi nào đào luyện được một trưởng tràng có đủ tư cách về cả hai phương diện: đạo hạnh và công phu.
Quy luật Thiếu Lâm tự thật nghiêm khắc, nhất là đối với tăng đồ. Tuy nhà chùa là một võ phái, ngoài giờ tập luyện công phu, toàn thể chư tăng vẫn phải người nào nhận phận sự ấy, không được xao nhãng kinh kệ nhật tụng. Đạo hạnh cao, kinh pháp làu thông, vị tăng Thiếu Lâm tự được Sư trưởng tùy tài phân cấp bực từng người thuộc phương diện Đạo giới.
Một vị tăng võ thuật cao nhưng đạo hạnh kém, không thể vượt bực lên cấp trên nhằm chức Trưởng tràng, hoặc đạt trình độ được Sư trưởng cho phép đi nơi khác điều khiển một ngôi tiểu tự. Trái lại vị tăng đạo có đứng hạnh cao nhưng kém phần võ thuật cũng chịu chung một ảnh hưởng.
Bởi quy luật Thiếu Lâm tự nghiêm khắc đến như vậy nên chư tăng luôn luôn cố gắng hòng được vượt bực. Tỉ dụ một tăng nhân muốn vượt cấp bực trong chùa, trước hêt sphải chịu qua một khóa thi về kinh pháp.
Đạt về kinh pháp rồi, tăng nhân đó phải chịu cuộc sát hạch về võ công.
Sát hạch võ công chia làm hai cấp:
Cấp thức nhất, thảo luận về phương pháp khổ luyện, côn phu toàn thể.
Qua được kỳ khảo luận, tăng nhân dự thí phải thực hành bằng hai lối. Lối thứ nhất là biểu diễn công phu đã thâu nhận được trong thời ký theo học.
Biểu diễn hoàn toàn rồi, tăng nhân dự thí đó phải song đấu với vị đống đạo thuộc cấp trên mình. Nếu đấu ngang tay không hề bị suy kém trong hai trăm hiệp từ quyền thuật đến khí giới, tăng nhân đó được sư trưởng phê chuẩn trúng cách lên cấp trên.
Trái lại, tăng nhân dự thí do công phu cá nhân ngấm ngầm khổ luyện thắng người cấp trên, sẽ được vượt bực. Nhưng đó là trường hợp hãn hữu, đấu ngang tay cũng đã khó lắm rồi, vì lẽ vị tăng ở cấp trên lúc nào cũng chăm tập luyện để giữ vững địa vị của mình.
Cứ tuần tự như thế tiễn mãi, chừng nào tăng nhân vượt hết cả cấp bực, kể từ lúc quy y thế phát cho đến khi thành một vị đại tăng vượt hết mọi bực đạo hạnh và công phu, thì sẽ được sư trưởng tính thời gian quy y nhắc lên bực trưởng tràng.
Thí dụ, hai vị tăng đồng tài đồng sức, vị nào quy y lâu hơn sẽ được lãnh vị trí Trưởng tràng, khả dĩ thay thế nổi sư trưởng điều khiển toàn thể Thiếu Lâm tự trong khi người đi vân du, hoặc giả vì một lý do gì khiến người vắng mặt.
Khi sư trưởng viên tịch, vị trưởng tràng sẽ được toàn thể nhân viên trong chùa suy tôn lên hàng đại sư thế người đã mất. Đạt địa vị ấy, phần nhiều vị trưởng tràng đều đứng tuổi. Đó là nghiêm luật đối với nội môn đồ, nghĩa là các tăng nhân.
Phần ngoại môn đồ thì khác. Người trần đến xin nhập học dĩ nhiên là có đủ các hạng người và các hạng tuổi. Họ phải qua một thời gian khảo sát đức hạnh mới được thiệt thọ tòng học. Ngoại môn đồ chuyên chăm chú về võ thuật, chia ra làm ba cấp: sơ, trung, thượng. Họ học võ để tự vệ, để ra đời xuất thân thí võ nhập ngành võ quan, mở võ đường, làm nghề bảo tiêu. Phần đông ai cũng có nhiệm vụ các nhân, hoặc gia đình nên họ thường theo cấp bực trung đẳng tương đương năm, sáu năm học tùy theo khả năng là xin từ thầy xuống núi xuất thân lập nghiệp, kiếm đường tiền thủ.
Không mấy ai theo nổi tới cấp Thượng thừa, ngang bằng với các vị trưởng tràng đồng môn quy y, nghĩa là phải ở luôn trong chùa, theo hầu sư trường suốt thời gian mười năm hay trên nữa. Bởi có nhiều người hấp tấp, bồng bột, mới theo học được vài ba năm, tưởng mình đã đủ tài thi thố trong thiên hạ nên từ biệt thầy về nhà.
Cử chỉ ấy trái với luật lệ nhà chùa, rất đỗi phật ý sư trưởng. Ra đời với sức luyện tập còn non nớt, dĩ nhiên môn đồ không đủ sức tự vệ làm mất thanh danh môn phái.
Nếu được sư trưởng ưng thuận cho xuống núi, vì xét không thể giữ lại được, người ấy sẽ bị ra trước ban Hội đồng đại tăng, và trước sự hiện diện toàn thể môn đồ Nội, Ngoại Sư trưởng tuyên bố không nhận làm môn đồ Thiếu Lâm tự nữa. Khi xuống núi, kẻ ấy phải ra lối sau chùa.
Các môn đồ học tới Trung đẳng thường ngang sức ngang tài, muốn hồi hương tuy không bị sát hạch gắt gao như những Nội đồ tranh cấp bực trưởng tràng, nhưng phải qua lần khảo thí đồng đều: đấu Mộc Nhân, Mộc Mã. Mộc Nhân, Mộc Mã đúng với nghĩa những người, ngựa chế ra bằng gỗ, lớn bằng cỡ thật, bên trong đặt cơ quan tự động được, đặt thành hai hàng quay mặt vào nhau trong một hành lang rộng rãi có mái che mưa.
Giữa hai hàng Nhân, Mã ấy có chỗ đủ cho một người đi lọt. Mỗi một Mộc Nhân tự động đánh ra một thế võ hoặc quyền cước, hoặc cầm khí giới. Mỗi Mộc Mã có Mộc Nhân gắn trên lưng, cũng được cơ quan chuyển động tại chỗ như thật và Mộc Nhân kỵ sĩ cầm khí giới đánh xuống một thế võ nhất đĩnh. Tổng cộng có một trăm lẻ tám cặp giàn cả hai bên dọc theo hành lang.
Khi vị tăng phụ trách khu vực ấy vận động cơ quan tức khắc Mộc Mã chuyển động đánh ra tới tấp. Sư trưởng ra lệnh, từng người một phải nhảy vào giữa giữa hàng Nhân, Mã đang loạn đả, trổ tài bình sanh đã thâu nhận được trong thời gian tòng học trên chùa, hoặc gạt đỡ, hoặc né tránh miễn sao cho khỏi trúng đòn, lanh lẹ qua hai hàng Nhân, Mã loạn đả ấy thoát ra đầu bên kia hành lang.
Môn đồ nào thoát ra dễ dàng được coi là trúng cách, có thể xuất sơn. Người nào bị đánh quỵ hoặc trúng đòn dù nhẹ cũng phải lưu lại chùa tập luyện một thời gian, tới khi nào sát hạch qua nổi hành lang Mộc Nhân, Mộc Mã mới được ra khỏi chùa. Nhờ lối sát hạch thực hành thận trọng ấy của nhà chùa, nên các môn đồ Thiếu Lâm đều có bản lãnh chắc chắn không đến nỗi nhục danh môn phái.
Mộc Nhân, Mộc Mã do Đạt Ma sư tổ chế biến ra trên giấy tờ từ khi người khai lập phái võ Thiếu Lâm. Về sau, người xin nhập học mỗi ngày một đông nên sư trưởng Huyền Không dưới thời Văn Tông thời Nguyên, mới thực hành để khảo thí môn đồ. Khởi đầu, các cơ quan đều thô sơ, về sau các sư trưởng chế hóa, chuyển biến thêm, các cơ quan Nhân, Mã được coi là hoàn toàn từ thời Minh Thành Tổ về Tân Thanh, là hai triều đại mà nền võ thuật Trung Nguyên được coi như là hưng thịnh nhất.
Ngoại đồ theo học tới cấp thượng thừa rất hiếm. Người nào chủ tâm theo tới trình độ ấy, sau khi vượt bực trung đẳng bằng cách đả Mộc Nhân, Mộc Mã, đều phải chịu lối sát hạch chung với các nội đồ cho tới khi thành đạt.
Ba phái võ thâu nhận nhiều môn đồ, ngoại trừ Thiếu Lâm, là Không Động, Võ Đang và Tây Khương. Vì không tuyển lựa gắt gao như Thiếu Lâm tự, nên võ phái này tuy cũng đào tạo được nhiều nhân tài, nhưng phần nhiều kém về phương diện hạnh kiểm nên họ hay gây rối, đụng độ với các đồng đạo thuộc phái khác.
Ngoài ra các võ phái khác như Sơn Đông (Bắc Thiếu Lâm), Côn Luân, Nga Mi, Bạch Hạc, phần nhiều không chịu thâu nhận môn đồ theo lối đại quy mô như ba phái trên.
Số môn đồ được chọn lựa kỹ càng theo tới trung đẳng. Còn lại những ai theo học tới cao độ Siêu đẳng, phần nhiều là được đại sư trưởng phải lựa chọn trong khi vân du đưa về núi ngay từ lúc còn nhỏ tuổi để đào luyện cho tới khi thành tài khả dĩ thay thế đại sư sau này. Các môn đồ cấp độ siêu đẳng thưởng hoặc ở lại chùa thế phát hoặc trở thành kiếm khách giang hồ, võ sư, tiêu sư tài danh, nhưng không ai chịu gò bó trong giới quan trường, võ tướng.
Nói về Ngũ Mai thiền sư và Miêu Thúy Hoa, khi đã về đến hội quán Quảng Đông tại Hàng Châu thì Phương Thế Ngọc đã được lành mạnh như trước.
Bang trưởng Trần Ngọc Thơ và Phương Đức mừng rỡ đón tiếp.
Phương ông nói với Thúy Hoa :
- Thấy hiền thê mãi không về, tôi đã bắt đầu lo sợ không hiểu tình hình sẽ biến chuyển tới đâu, Miêu Thúy Hoa kể việc lên Tung Sơn không gặp Chí Thiện, sau lại tới Trấn Nam sơn thì may mắn gặp Ngũ Mai sư bá. Phần Ngũ Mai thấy Phương Thế Ngọc anh hùng, cử chỉ đàng hoàng thì lấy làm quý mến, bảo tiểu khách vạch vết thương ở ngực ra xem. Ba vết đinh ở ngực thành sẹo nhỏ ngay phía trên ngực bên tả. Thiền sư nói :
- Con tránh được thế đá Bàn Long chệch sang ngực tả trúng bắp ngực là một điều đáng mừng đó. Tuy Thiết Đinh hài không dài xâm nhập vào tim nhưng cũng bị tổn hại vì sức đá mạnh nhằm chỗ nghiệt. Điều may thứ hai nữa là Lý Tiểu Hoàn không tẩm độc dược vào đinh hài, nếu có thì hết phương cứu chữa, vì không có linh dược chống đọc tại chỗ.
Nói đoạn, thiền sư lấy trong túi bát bảo mấy hườn thuốc Hoàn Căn bảo Thế Ngọc uống ngay và cho một gói thuốc bọc sáp trừ độc phòng bị sau này.
Bang trưởng Trần Ngọc Thơ sai người sửa soạn căn phòng rộng rãi để Đại sư tạm trú. Miêu Thúy Hoa hỏi thiền sư :
- Bạch sư bá, có nên báo cáo trước cho bên Lý Tiểu Hoàn biết ta đã sẵn sàng không?
Ngũ Mai lắc đầu :
- Không! Hạn kỳ còn hay hết cũng mặc họ, điệt nữ không nên đả động tới. Ta mong rằng trong thời gian ba tháng qua, cha con Lý Bá Sơn nguôi giận, biết nghĩ lại bỏ qua vụ này đi là một điều hay, hay cho cả đôi bên.
Bằng mà cha con Lý Tiểu Hoàn không suy nghĩ, nhất quyết gây lại mối lửa hận thù thì tất họ sẽ kéo đến đây tìm Phương Thế Ngọc, ta sẽ nhân đó tùy cơ ứng biến.. Như thế không mang tiếng háo chiến.
Hạn kỳ đã hết. Toàn thể hội quán Quảng Đông và dân Hàng Châu hồi hộp chờ tin tức cuộc tái đấu của họ Lý, Phương.
Nhưng một ngày qua, ba ngày qua, không hề xảy ra chuyện gì cả. Phương Đức đã mừng thầm có lẽ êm chuyện, chuyến này nhất quyết về quê ít lâu để tránh mọi hậu quả, sau sẽ hay. Phần Ngũ Mai thản nhiên như thường. Thiền sư nhân việc nhàn rỗi chỉ dẫn cho Phương tiểu khách nhiều đường hay thế lạ. Nhờ có căn bản luyện tập từ nhỏ, Thế Ngọc thâu nhận rất mau lẹ. Thiền sư ngợi khen bảo rằng :
- Với tài sức này, hiền điệt đừng để phí thì giờ quý báu, nên lên Thiếu Lâm theo Chí Thiện sư bá một thời gian.
Nếu ở gần, chính ta sẽ thâu nhận con, ngặt vì Vân Nam đường sá xa xôi, núi sông hiểm trở, mẹ con có muốn thăm con cũng không tiện. Với căn bản hiện thời, con không cần phải ở lâu trên núi. Gần Chí Thiện một năm là đủ lắm rồi.
* * * * *
Trong thời gian ba tháng chờ đợi Phương Thế Ngọc bình phục và quyết định của Lý Bá Sơn trong vụ báo thù cho Lôi Lão Hổ, vua Càn Long rời Triệu Gia lầu đi du ngoạn nơi khác.
Trước khi lên đường, nhà Vua phía Chu Nhật Thanh đến Kim Long lữ quán triệu Thị lang Hòa Thân và Thiết Diện Hổ căn dặn về vụ lôi đài :
- Ngọn lửa đã nhón, hai khanh chớ để mau tàn. Nếu dịp này không tiến mạnh thi hành chương trình, Trẫm e khó tái nhóm sau này. Vắng Trẫm cũng như có Trẫm, hai khanh hãy cố tâm thành tựu, công ấy rất lớn. Trẫm cho toàn quyền định đoạt.
Càn Long rời khỏi Hàng Châu.
Thiết Diện Hổ e để lâu Lý Bá Sơn nguôi giận, nên thường tới nhà Lý Tiểu Hoàn ở Nhưởng Cung lộ thăm nom cha con họ Lý.
Thiết Diện Hổ tính toán đủ mọi cách tra dầu vào lửa suốt thời gian chờ đợi Phương Thế Ngọc bình phục.
Ngày qua tháng lại, chẳng bao lâu hạn kỳ đã hết.
Một hôm, Lâm Minh, tên môn đồ của Lôi Lão Hổ có nhiệm vụ dò xét, canh phòng quanh khu Quảng Đông hội quán, về báo Lý Bá Sơn :
- Thưa võ sư, Miêu Thúy Hoa đã trở về Hội quán hồi đầu giờ Tị, cùng đi với một vị thiền sư cưỡi con lừa cao lớn.
- A! Thiền sư người thế nào? Nam hay nữ?
- Thưa, tiểu đồ không phân biệt là nam hay nữ, vóc dáng người to lớn, đầu cọa nhẵn bóng.
Lý Ba Sơn gật đầu :
- Được, cho ngươi lui và cứ tiếp tục dò la tin tức coi. Nếu hỏi được đạo hiệu vị thiền sư càng hay.
Chờ Lâm Minh đi khỏi, Lý Ba Sơn nói với Tiểu Hoàn :
- Theo lời Lâm Minh, vóc dáng ấy chắc là Chí Thiện sư trưởng Thiếu Lâm. Hừ! Cha không muốn gây lớn, nhưng khó tránh được vụ này khỏi bành trướng!
Hạn kỳ đã hết, Thiết Diện Hổ lại đến thăm cha con Lý Bá Sơn nghe tin tức và được họ Lý cho biết Miêu thị đã có viện binh. Y mừng thầm cơ sự biến chuyển đúng theo chương trình dự tính. Tuy vậy y vẫn đạo đức :
- Dù sao, tiểu đệ khuyên sư huynh thận trọng. Bản lãnh Chí Thiện không vừa đâu.
Chạm lòng tự ái, Lý Ba Sơn quắc mắt :
- Sư đệ kỳ quá! Luôn luôn tưng bốc sức mạnh của đối phương là thế nào?
Thiết Diện Hổ nhấn mạnh :
- Sư huynh đừng giận. Chí Thiện tới nơi can thiệp không phải là chuyện chơi! Chẳng nên coi thường. Thiệt tình tiểu đệ thấy ngài ngại thế nào ấy.
Bực mình, Lý Ba Sơn lấy hồ rượu trên án tự rót đầy ly uống cạnh :
- Được! Mặc sư huynh xử sự. Chí Thiện bất quá cũng như mình, cùng một công phu tập luyện, chỉ khác nhau ở môn phái. Sư đệ tưởng y cao tay hơn ta chăng?
Thiết Diện Hổ mỉm cười nha hiểm :
- Tiểu đệ không bao giờ nghĩ thế. Nhưng chỉ nhắc sư huynh nên thận trọng. Hạn kỳ đã hết, bao giờ sư huynh tìm gặp mẹ con Phương Thế Ngọc?
Lý Bá Sơn suy nghĩ giây lát :
- Nay dựa vào hậu thuẫn của Chí Thiện, có lẽ chúng tìm ta trước. Hãy thử chờ xem sao. Qua vài ngày, không thấy gì, ngu huynh sẽ quyết tìm chúng.
Ngày nọ qua ngày kia, bên Quảng Đông hội quán vẫn im lìm, mà theo tin tức Lâm Minh mang về, Miêu Thúy Hoa đã về tới nơi rồi.
Không chờ nữa, Lý Ba Sơn viết một phong thơ sai tiều đồ đem đến Hội quán, chánh thức nhắc lại việc giao đầu và hẹn sáng hôm sau Miêu Thúy Hoa, Phương Thế Ngọc phải đến Lôi đài.
Theo lời Ngũ Mai, Miêu Thúy Hoa hồi âm, lời lẽ kính cẩn, khiêm tốn xin lỗi Lý Ba Sơn, yêu cầu bỏ qua vụ này.
Nhận được phúc đáp, Lý Ba Sơn cười gằn đưa cho Tiểu Hoàn xem, đoạn bảo sứ giả Hội quán :
- Ngươi về bảo mẹ con Miêu thị hay rằng ta không ưng thuận. Sáng mai đúng giờ hẹn, chúng phải đến Lôi đài lãnh tội. Và bất tất thơ từ đi lại làm chi nữa!
Phần Lý Tiểu Hoàn thân ra lôi đài đốc thúc môn đồ dọn dẹp trang hoàng chờ ngày hôm sau giao đấu. Dân chúng vốn đã chờ sẵn, theo dõi vụ Vô Địch đài, quá hạn kỳ thấy hai bên cùng im lìm, đang hoang mang không hiểu vì lẽ gì, thì tin Nữ Bá Vương thân ra sửa sang Lôi đài được chuyển khẩu loan khắp Hàng Châu.
Đúng ngày giờ hẹn, cha con họ Lý bệ vệ thượng đài. Miêu Thúy Hoa và Phương Thế Ngọc đai nịt gọn ghẽ cùng toàn bang Quảng Đông đi tới nơi. Hai mẹ con không thượng đài, nhưng cùng mọi người đứng cả phía trước, cách đài ba trượng.
Đây là lần đầu tiên Lý Ba Sơn trông thấy Phương Thế Ngọc, liền hỏi Tiểu Hoàn :
- Thế Ngọc là tên vị thành niên đi cạnh Miêu Thúy Hoa, phải không?
- Dạ. Chính nó.
Ba Sơn nghĩ thầm: “Thiếu niên anh hùng mạnh mẽ thiệt. Nhưng quá lắm là đánh tay ngang chớ làm chi hạ nổi Lôi Lão Hổ? Có lẽ tiểu tử này được luyện từ nhỏ chăng? Ủa. Sao chúng ngừng cả lại kia. Chí Thiện đâu không thấy mặt?”
Nghĩ đoạn, họ Lý vỗ tay gọi tiểu đồ bảo dùng loa thỉnh mẹ con Thế Ngọc thượng đài. Hai mẹ con Thế Ngọc vẫn im lặng đứng nguyên một chỗ, nhìn lên đài nhận xét. Lý Ba Sơn tức mình đứng ra trước đài gọi :
- Miêu Thúy Hoa! Hay tới đây ta bảo!...
Miêu thị vẫn đứng nguyên trừng trừng nhìn lên đài trước sự ngạc nhiên của khán giả. Không nén nổi giận, Lý Ba Sơn nhảy phắt xuống đài quát :
- Mẹ con ngươi đã không thượng đìa chịu tội thì ta tới nơi vậy! Chạy đi đằng trời cũng không thoát!
Ba Sơn hùng hổ sấn tới trước mặt mẹ con Thế Ngọc, đưa tay túm ngực áo Thế Ngọc thì tiểu khách điềm nhiên gạt mạnh, lùi lại mấy bước cung kính nói :
- Lão sư thúc không nên bạo động!
Bị gạt cái bất ngờ, Lý Ba Sơn giận sôi sùng sục, thét lớn :
- Tặc tử, coi đây!
Vừa lúc ấy, một vị cao tăng từ đám đông điềm đạm tiến tới đứng ngăn hẳn đôi bên mà rằng :
- Kìa, Lý sư đệ làm gì ở đây mà coi mòi giận dữ thế này?
Lý Ba Sơn định thần nhận ra Ngũ Mai thiền sư, nghĩ thầm: “Té ra là Ngũ Mai chớ không phải Chí Thiện. Ờ, ta quên khuấy đi mất, hai người vóc dáng như nhau”.
Cực chẳng đã, họ Lý chắp tay chào :
- Kính chào sư tỉ, người giáng lâm hồi nào, qua đây có việc chi?
Ngũ Mai tươi cười :
- Tôi vừa từ Quế Lâm lên Hàng Châu thấy có đám đông liền rẽ vào coi, mới hay là... sư đệ thủ đài. Thiệt không ngờ. Giận dữ điều chi mà sư đệ đánh người vậy?
Ngũ Mai vờ nhìn hai mẹ con Thế Ngọc, đoạn nói tiếp :
- Kìa! Miêu điệt nữ, làm gì ở đây? Thiếu niên này là ai?
Miêu Thúy Hoa - hành động theo kế hoạch của Ngũ Mai - vái chào thiền sư :
- Thưa sư bá, mẹ con điệt nữ hôm nay phải cùng Lý sư thúc đây thượng đài đấu võ.
Ngũ Mai giả đò ngạc nhiên nhìn Lý Ba Sơn :
- Lẽ nào lại ngược đời như thế? Dù dị phái, tình đồng đạo vẫn phải được tôn trọng như thường! Thật vậy không sư đệ?
Lý Ba Sơn cười gằn, chỉ Thế Ngọc :
- Đúng lẽ ra thì có tôn tư trật tự thiệt đấy, nhưng lúc tên tiểu tử kia hạ sát tế tử ta có nghĩ tới tình đồng đạo hay không?
Ngũ Mai vẫn thản nhiên :
- Thật vậy ư? Nhưng lệnh tế làm gì ở đây mà bị tiểu tử hạ sát?
- Tế tử tôi trấn lôi đài. Còn tên Phương Thế Ngọc là kẻ thượng đài...
Ngũ Mai ngắt lời :
- À, ra vậy đó! Đường quyền, ngọn cước vô tình, lỡ tay là một sự kiện khó tránh được trong lúc giao đấu.
Lý Ba Sơn phản đối :
- Đâu phải chuyện lỡ tay! Phương tặc tử ngầm đi Diệp kiếm hại hạ sát đài chủ. Nếu chỉ so tàu không thôi thì sự thua, được, nguy đến tánh mạng cũng bất thành vấn đề.
Ngũ Mai điềm đạm :
- Bần ni mới tới Hàng Châu đã nghe thấy thiên hạ thì thào bàn tán về Lôi Lão Hổ trấn đài mạt sát dân Tô, Hàng, đả tử nhiều người đã chịu thua rồi mà không thoát chết, phải chăng họ Lôi là lệnh quý tế?
Lý Ba Sơn thừa đoán chính Miêu thị đã thỉnh được Ngũ Mai về Hàng Châu can thiệp nên nghĩ thầm: “Con mụ vãi và này khéo vờ vĩnh! Ngươi đã tới đây can thiệp tiếp tay cho đối phương của ta, muốn giở trò gì thì cứ việc, còn luồn lọi như rắn làm chi! Ai chớ, Lý Ba Sơn này thì ngươi không nạt nộ nổi đâu!”
Nghĩ đoạn, họ Lý đáp :
- Phải, chính Lôi Lão Hổ là tế tử của tôi. Thiên hạ đồn thế nào, nơi đây không phải là chỗ luận bàn. Yêu cầu nữ tỉ tránh ra để tôi hỏi tội tên tiểu tử sát nhân này.
Dứt lời, Lý Ba Sơn sấn tới định đánh cùng Phương Thế Ngọc nhưng Ngũ Mai đã dang hai bàn tay ngăn lại :
- Yêu cầu Lý sư đệ nể lời bần ni, điều tra kỹ càng vụ này trước khi kết tội một người. Thiệt ra sư đệ có mục kích trận đấu không? Đừng quên rằng Lão Hổ là một vị giáo đầu trấn đài đầy đủ kinh nghiệm, trái lại Phương Thế Ngọc dù sao cũng còn vị thành niên.
Nếu những gia đình có người thượng đài bị Lão Hổ thuận tay đả tử không vì lẽ nọ điều kia đòi thường mạng thì sư đệ cũng nên bỏ qua việc Thế Ngọc vì tự vệ lỡ tay, chấm dứt vụ Lôi đài kẻo thiên hạ bình luận không hay về giới võ nghệ chúng ta. Thiệt tình yêu cầu, sư đệ nên nể bần ni.
Lý Ba Sơn cười gằn :
- Sư tỉ là người tu hành, chẳng nên can thiệp vào thế sự làm chi. Hoặc giả sư tỉ tới đây với mục đích nào khác, xin vui lòng nói thẳng, chớ để Lý mỗ này có cảm tưởng là người cốt ý đến Hàng Châu can thiệp cho phe tên tiểu tử.
Ngũ Mai mỉm cười :
- Bần ni thuộc giới tu hành, không màng thế sự thiệt, nhưng nội vụ thuộc phạm vi giới võ nghệ. Mẹ con Thế Ngọc là đồng phái thuộc hạng môn đồ, còn sư đệ ở trong tình đồng đạo, cả hai phe cùng thân, thiết tưởng nếu bần ni can thiệp cũng không có gì quá đáng để sư đệ trách cứ.
Hành động của bần ni không ngoài mục đích phụng sự tình hòa hảo giữa các môn phái. Sư đệ là bực lão thành nên suy xét cho kỹ.
Lôi Lão Hổ bị đả tử cũng như bao nhiêu người đã bị Lão Hổ đả tử, tất không vì cuộc báo oán vu vơ này mà hồi sanh nhân thế, chi bằng dẹp hẳn cho rồi vụ Lôi đài, bần ni sẽ bắt Thế Ngọc tạ lỗi với sư đệ có hơn không!?...
Vốn tánh cố chấp, Lý Ba Sơn khi nào chịu nghe theo lời lẽ hơn thiệt của lão ni dị phái, nhưng tính đánh Thế Ngọc tất bị Ngũ Mai cản trở, bèn nghĩ ngay ra một kế gian hiểm để hạ sát Thế Ngọc ngay tại chỗ.
Họ Lý nói :
- Được, sư tỉ đã can ngăn, tôi ưng thuận nhưng tặc tử phải tạ lỗi ngay nơi đây trước công chúng.
Ngũ Mai mừng rỡ :
- Có thế chớ! Xử sự đàng hoàng như sư đệ bần ni rất khâm phục.
Dứt lời, Thiền sư quay lại bảo Miêu Thúy Hoa :
- Điệt nữ nghe rõ đó chứ? Thế Ngọc hãy ra lạy tạ Lý sư thúc đi, ta coi.
Miêu Thúy Hoa lo sợ Lý Ba Sơn trở mặt thừa dịp con nàng quỳ lạy sẽ ra tay hạ sát chăng, nhưng trông cặp mắt quả quyết sáng như điện của Ngũ Mai thiền sư, nàng không dám cưỡng lời. Phương Thế Ngọc không đợi mẹ nhắc, tức thì dõng dạc tiến đến trước mặt Lý Ba Sơn đang đứng dang chân, hai tay chống lên mạn sườn, lạnh lùng nhìn kẻ thù. Ngũ Mai đi kế bên Thế Ngọc giám sát cuộc tạ lỗi.
Phương tiểu khách quỳ xuống đất cách Lý Ba Sơn độ hơn sải tay cúi đầu tam bái...
Mọi người hồi hộp theo dõi, nhất là Miêu Thúy Hoa, Phương Đức và toàn thể nhân viên trong hội quán Quảng Đông, ai nấy đều rùng mình lạnh gáy lo cho Thế Ngọc. Trong trường hợp này, Ba Sơn chỉ phóng một cước trúng mặt thì rồi đời trang thiếu niên anh hùng.
Thế Ngọc vẫn thong thả lễ tới nhị bái. Chàng chú ý đề phòng bất trắc... Thì việc phải đến đã đến. Cơ sự chỉ xảy ra trong chớp mắt khiến ai nấy đều bàng hoàng!
Bất thình lình, Lý Ba Sơn thét lớn :
- Chết này!...
Đồng thời họ Lý phóng chân tả đá một cước ngay mặt Thế Ngọc đang quỳ lạy. Miêu Thúy Hoa kinh hoàng nhào tới, thục mạng đinh lăn mình đè lên bàn chân độc ác của Ba Sơn cứu đứa con độc nhất thân yêu. Phương Đức xây xẩm mặt mày lảo đảo muốn té. Trần Ngọc Thơ và con là Ngọc Thành đứng bên vội đỡ lấy Phương ông.
Tiếp theo tiếng thét của Lý Ba Sơn là tiếng quát dằn giọng của Ngũ Mai :
- Bậy quá!
Thiền sư xoạc chân hữu ra chèn đúng bắp vế tả Lý Ba Sơn, đồng thời đưa bàn tay ra xô mạnh họ Lý bật chéo sang bên, thành thử ngọn cước đáng lẽ gieo chết chóc của Lý Ba Sơn lại phóng vượt vào khoảng không.
Về phần Phương Thế Ngọc cũng không kém phần ranh mãnh. Chàng không tin Lý Ba Sơn thật tình muốn cho chàng tạ lỗi. Nét mặt vừa hung dữ tối sầm thâm hiểm kia đủ bộc lộ tâm tính con người nham hiểm. Bởi thế khi vái, Thế Ngọc làm điệu bộ thản nhiên kỳ thật chàng hết sức chú ý tới cặp cước của Lý Ba Sơn.
Dù hạ quyền hay phóng cước, Ba Sơn cũng phải xê dịch mới tới chỗ chàng quỳ xa hơn một sải tay.
Đồng thời với tiếng thét, ngọn cước của Ba Sơn phóng lẹ và đồng thời Thế Ngọc cũng đảo người nhảy vút qua bên tránh đòn... Chàng thấy kịp mẫu thân chàng nhào tới chân họ Lý bèn vươn tay cắp lấy ngang lưng Miêu thị lăn đi một vòng. Hai mẹ con cùng vùng dậy nhìn ngoái lại, e bị đuổi theo thì chỉ kịp thấy Ba Sơn bị Ngũ Mai độn chân hất ra bất ngờ đẩy sang hẳn một bên.
Thiền sư chắp tay vái Lý Ba Sơn :
- Xin lỗi sư đệ, bần ni không muốn như vậy nhưng e sư đệ quá giận lỡ chân gây án mạng là chuyện không nên.
Trái với thái độ điềm đạm của Ngũ Mai, Lý Ba Sơn mặt tái ngắt, nổi giận đùng đùng chỉ mặt Ngũ Mai mắng lớn :
- Hay cho sư tỉ cố ý can thiệp vụ này. Đối với sư tỉ dễ thường chỉ có Phương tặc tử là người, còn tế tử của ta là giấy sao?
Ngũ Mai ôn tồn :
- Sư đệ đừng quá giận mất khôn. Tại không giữ lời hứa quân tử nên bần ni buộc lòng ngăn cản đó thôi. Thiệt tình không vì phe đảng nào cả.
Lý Ba Sơn thét như sấm :
- Chớ có nhiều lời! Nếu sư tỉ đến Hàng Châu cố ý che chở bênh vực Phương tiểu tử thì cứ việc ngang nhiên giao đấu, ta không sờn lòng, nhưng đừng có thái độ úp mở như vậy.
Ngũ Mai cười lạt :
- Thế nào là thái độ úp mở? Tiên sinh là người lớn lẽ nào lừa một thiếu nhi đang quỳ bái kính trọng mình mà can đảm phóng cước định sát hại ư? Bần ni giúp tiên sinh thoát khỏi tiếng xấu ấy mà còn cố chấp oán hận nữa sao?
Bị nhiếc, Lý Ba Sơn mặt đỏ gay gắt, mắc cỡ trước công chúng, chỉ mặt Thiền sư mắng lại :
- Tên tiểu tử là kẻ thù của gia đình ta muốn thoát thân nên ta lập mưu hạ y, không có chi lạ. Còn việc tăng ni là hạng người tu hành, cớ sao tới đây can thiệp? Đã vậy có tài chi cứ việc trổ coi!...
Ngũ Mai nói :
- Phàm người hào khí, bất cứ giới nào thấy sự bất bình không thể bỏ qua. Huống hồ Phương Thế Ngọc là hàng tôn điệt, bần ni can thiệp không ngoài mục đích giữ tình giao hảo giữa các môn phái. Nếu bản ai cũng như ai, xử sự trái lương tâm, hà tất bắt Thế Ngọc tạ lỗi với tiên sinh, tuy y không có lỗi? Bần ni phân trần biện bạch nhiều rồi, mong tiên sinh chớ vượt quá giới hạn lẽ phải. Tiên sinh là hàng tiền bối, nội thúc, cư xử như vậy, kẻ dưới kính nể sao được.
Bị Ngũ Mai giáo huấn cho một hồi, Lý Ba Sơn tức điên ruột, quát lớn :
- Vãi già hà tất nhiều lời! Đã xuống đây can thiệp cứ việc trổ tài. Ngươi binh vực Thế Ngọc, quyết dành lẽ phải phần ngươi, hãy lên đây cùng ta phân cao hạ. Lên đây!
Dứt lời, Ba Sơn xoay mình nhảy vút lên Lôi đài, Lý Tiểu Hoàn nhảy theo. Ngũ Mai nghĩ thầm: “Quả thật tên Ba Sơn này tánh tình khó thương, bất chấp lý lẽ.Ta không thượng đài, y cho là nể sợ sẽ làm tàn hơn nữa, theo đuổi truy sát mẹ con Thúy Hoa, chi bằng đánh cho y một trận cho biết tay!”
Nghĩ vậy, Thiền sư từ tốn leo bực thang lên đài, Mẹ con Miêu thị cũng theo sau giám trận. Lý Ba Sơn chống nạnh tay lên ba sườn, cao lớn, hung dữ đứng bên hướng Đông. Ngũ Mai bỏ áo cà sa liệng cho Thúy Hoa, bên trong vận sẵn võ phục áo cài chéo vạt, quần cho vào trong vớ vải thô kiểu nhà chùa. Hai tay áo rộng, ngắn lộ hai cổ tay tròn chắc nịch. Thiền sư điềm đạm bước đứng sang hướng Tây, nghiêm chỉnh, cân nhắc nói nhỏ :
- Lý tiên sinh nhất quyết bất chấp lẽ phải chớ?
Thay vì từ tốn, Lý Ba Sơn quắc mắt :
- Nói nhiều rồi, câm miệng đi!
Dứt lời, họ Lý hoa tay đạo quyền, bộ pháp nhà nghề, hùng dũng dữ dội
Dưới đài hồi nãy nhốn nháo bao nhiêu, nay trái lại im phăng phắc bấy nhiêu theo dõi trận đấu hứa hẹn hào hứng, bất ngờ của một tăng, một tục ở cấp bực thượng thừa.
Dân chúng im lặng theo dõi, nhận xét từng bước đi, từng cái ngoắc tay hất đầu của hai đối thủ thượng thặng.
Ngũ Mai thiền sư nhìn qua họ Lý, niệm nhỏ Nam mô phật, đoạn hoa quyền chuyển cước dượt mấy đường dẻo tuyệt đẹp trở về bái tổ theo đúng khuôn phép, lịch sự của môn phái Thiếu Lâm danh tiếng.
Biết Ngũ Mai, Chí Thiện là đệ nhất môn đồ của Hồng Mi lão tổ, Lý Ba Sơn tuy đứng vào hàng đệ nhất cao đồ phái Tây Khương, cũng hết sức thận trọng, chú ý từng cử chỉ nhỏ nhặt của đối phương.
Sau mấy đường quyền dạo giáo đầu, Lý Ba Sơn chuyển mình bái tổ hành thế “Mãnh Hổ Cầm Dương” oai hùng dữ dội, quắc mắt nhìn đối phương. Ngũ Mai thản nhiên, điềm đạm, tỏa bộ chảo mã, tay hữu nắm lại thu về bên sườn, tay tả xòe cương đao thâu về trước ngực, lưng hơi cong nhã nhặn cúi đầu theo thế “Quan Âm Thủ Kính” :
- Xin mời Lý tiên sinh cứ việc ra tay.
Ba Sơn lặng lẽ nhảy chồm lên như mãnh hổ vồ mồi, đưa bàn tay thọc vào cổ địch, đồng thời tay hữu hạ Thôi Sơn Thủ vào đỉnh đầu Thiền sư. Đó là ngọn Suy Sơn Trưởng.
Ngũ Mai rút chân Tả Kinh Bộ về phía sau, chuyển bộ cước thành Đinh tấn vững như thành đá, khoát tay tả gạt bật đòn yết hầu, đưa tay hữu thành thước thợ lên đỉnh đầu chịu trái đấm Suy Sơn tuy nặng nề như đại phủ nhưng nện trúng một chiếc... đe toàn thép.
Thiền sư nói nhẹ đủ nghe :
- Nhường Lý tiên sinh một đòn!
Lầm lì, Lý Ba Sơn thâu hai tay lại bên sườn, cất chân hữu đạp thốc một ngọn “Thiết Cước Quy Hồn” vào bụng địch. Lẹ như cắt, Ngũ Mai xoay mình sang bên nhường ngọn độc cước đạp vuột vào không khí.
- Nhường tiên sinh hai đòn!
Đánh trượt, Ba Sơn nổi giận đùng đùng dậm chân đạp “Thiết Cước Quy Hồn” xuống sàn đài đánh rầm một tiếng, đưa luôn cả nắm Thôi Sơn đánh thốc vào ngực Thiền sư cực kỳ dũng mãnh. Đó là ngọn “Song Long Triều Nguyệt”.
- Nhường ba đòn. Coi đây!
Ngũ Mai tọa mã ngồi thụp hẳn xuống nhường hai cánh tay rắn chắc của đối phương chặt trượt qua đầu, và tức thì chắp hai bàn tay lại như người lễ phật, toàn thân bật đứng hẳn lên, đưa thốc hai bàn tay đánh bật hẳn hai cánh tay địch sang bên, khiến Lý Ba Sơn mất thăng bằng phải lùi lại liên tiếp mấy bước. Thừa thêm, Ngũ Mai dẻo dai tiến theo như vượn, gài chân tả vào giữa hai gối địch, hạ trung bình tấn đánh thọc luôn quyền tả vào ngang bao tử đối phương theo thế Tọa Mã Độc Quyền. Ngọn quyền Tọa Mã vừa độc dữ vừa lanh lẹ, Lý Ba Sơn bị chận, không còn cách gì hơn là thoái luôn mấy bước nữa mới khỏi trúng đòn.
Dưới đài khán giả vỗ tay ầm ầm hoan hô hảo thủ.
Mà quả vậy, hai đối thủ đúng là bậc thượng thặng. Mỗi động tay là phóng ta một đường quyền danh giá hảo thủ, mỗi bước chân là một bộ pháp tuyệt diệu của nhà nghề, chỉ sơ hở chân tơ kẽ tóc là mắc phải thế nghiệt nguy đến tánh mạng ngay.
Kẻ tám lượng, người nửa cân, tướng ngộ lương tài, đòn ra như gió giựt mưa rào, Lý Ba Sơn hầm hè, lúc la thét dữ dội không khác chi mãnh hổ cầm dương. Trái lại, Ngũ Mai thiền sư im lìm đánh đỡ, công phá, uyển chuyển như giao long bộ thủy.
Trận đấu diễn ra ngoạn mục, hào hứng, khốc liệt, người xem mê mải theo dõi thích thú. Nhưng không phải ai cũng vậy, nhiều người nhắm cả mắt lại không dám nhìn những loạt tấn công dồn dập, nguy hiểm, ghê gớm của bên nọ hoặc bên kia.
Lý Ba Sơn quyết hạ đối thủ cho kỳ được, sử dụng toàn đòn nghề, thế hiểm. Trước hết Ba Sơn muốn báo thù cho Lôi Lão Hổ, hơn nữa, hạ được Ngũ Mai, danh tiếng Lý lão sư sẽ vang như cồn trong giới võ nghệ. Một đàng, Ngũ Mai thiền sư vạn bất đắc dĩ mới buộc lòng phải thượng đài.
Thiền sư hiểu rõ tình thế lưỡng nan của mẹ con Miêu thị, nên cố gắng giảng hòa không xong, đành phải thượng đài dùng võ lực cản võ lực, may ra Lý Ba Sơn thấy thắng không nổi sẽ đổi ý thu xếp giảng hòa chăng.
Thiền sư là bậc thượng thặng, tiền bối thuộc phái Thiếu Lâm, lẽ nào nhắm mắt bước qua mặc cho Lý Ba Sơn, người phái Tây Khương làm mưa làm gió, sát hại Phương Thế Ngọc? Thế Ngọc bị hại tất Miêu Thúy Hoa, mẫu tử tình thâm, không thể bỏ qua. Nàng sẽ liều mạng báo thù! Mà liều mạng trước cha con Lý Ba Sơn và có lẽ còn bao nhiêu lẻ khác nữa, là táng mạng.
Trước tình thế ấy, Thiền sư nhất định phải can thiệp đến nơi đến chốn, bằng bất cứ giá nào. Một vị đại sư Thiếu Lâm đi qua một nơi mà người của Thiếu Lâm đang lâm nguy vì chính nghĩa, bỏ qua sẽ bị kẻ dị phái chê cười.
Cho nên trong trận đấu, Thiền sư cầm cự, trổ tài cho Lý Ba Sơn phải thầm phục nể nang chịu điều đình. Hơn nữa, Thiền sư còn muốn cho Ba Sơn từ nay biết kiêng nể môn đồ Thiếu Lâm tự. Người ung dung chiến đấu dữ dội chống một đối thủ hữu tài, hữu lực nhưng không hằn thù. Mỗi khi Lý Ba Sơn trổ thế hiểm, Thiền sư trả đòn bằng những thế gỡ tuyệt diệu và trả đòn ngay tức thì buộc đối phương phải thoái bộ luôn luôn nhường mặt trận, lấy lợi thế về phần mình.
Dồn địch thủ tới nước bí. Thiền sư tự thoái bộ nhường Lý Ba Sơn có lối thoát để lấy ơn. Nhưng Thiền sư đã làm một việc thừa!
Thừa, vì Ba Sơn không những không biết ơn tình rộng lượng, quân tử của đối thủ mà trái lại còn hiềm ghét hơn.
Thói đời, kẻ tiểu nhân bao giờ cũng vậy!
Đánh lâu không thắng. Ba Sơn nghĩ thầm: “Cứ đấu dai dẳng thế này bất lợi lợi. Mụ vãi này tài lực cao lắm, chi bằng ta lập thế trên buộc mụ lâm chiến mới hòng thủ thắng được!”
Nghĩ đoạn, Lý Ba Sơn đánh dồn một quyền rồi nhảy ra khỏi vòng chiến quát lớn :
- Khoan tay!
Ngũ Mai cũng thâu quyền hỏi :
- Sao? Lý tiên sinh muốn... nghỉ tay chăng?
Ba Sơn gườm gườm nhìn kẻ thù :
- Sợ chi mà phải nghỉ tay? Đấu ba trăm hiệp nữa cũng không sao, nhưng ta không muốn phí thời giờ. Nghe nói đây, nếu không ưng chịu thì cứ việc phản đối, nghe?
Ngũ Mai mỉm cười :
- Cứ nói đi, thế nào bần ni cũng theo được.
Lý Ba Sơn nói :
- Kể từ hôm nay, nghỉ tay bốn ngày. Lập xong Mai Hoa Thung ta sẽ tái phân cao thấp?
Ngũ Mai chắp tay :
- Mô Phật! Lý tiên sinh định tiếp tục chiến đấu đại quy mô sao mà lập Mai Hoa Thung?
Lý Ba Sơn cười gằn :
- Nhà chùa còn ngạc nhiên nữa ư? Đã lên nổi Lôi đài há không lên nổi Mai Hoa Thung sao? Nếu e ngại, cứ việc nói, ta sẽ chấp thuận ưng tha.
Ngũ Mai quắc mắt :
- Ô hay! Ngần ấy tuổi đầu chồng chất mà nói lảm nhảm chi vậy? Ai xin tha? Đã không tự lượng muốn lập Mai Hoa Thung thì cứ việc. Bần ni chỉ e có kẻ hối bất cập thôi!
Nói đoạn, Ngũ Mai cùng mẹ con Phương Thế Ngọc xuống đài cùng mọi người về Hội quán Quảng Đông.
Trong bốn ngày rỗi rãi, Ngũ Mai thiền sư tiếp tục truyền dạy các thế võ bí hiểm cho Phương Thế Ngọc.
* * * * *
Xin nói về phép đánh Mai Hoa Thung.
Đó là một thế trận mà lối bầy rất nguy hiểm dành riêng cho những võ nghệ gia cao siêu thách thức nhau lên thung giao đấu.
Nhiều người không theo đến nơi đến chốn ngành võ thuật nên khi nghe đến hai chữ Mai Hoa thì tưởng ngay thung được trình bày theo bộ pháp lối Mai Hoa quyền lục thập tứ thế. Thực ra bộ pháp Mai Hoa Thung chính là bộ pháp La Hán quyền của phái Thiếu Lâm Nam Bắc (Sơn Đông) có một trăm lẻ tám thế quyền, cước. Phái Tây Khương thấy hai trăm lẻ tám đường dài quá nên thu gọn lại còn tám mươi tư thế và biến hóa thành một bài riêng biệt gọi là Lôi Trấn quyền.
Mai Hoa Thung bộ pháp vuông vắn tính theo bốn phương, tám hướng. Thay vì dạo quyền trên mặt đất, mỗi chỗ có bước chân ghi trong bản đồ bội phép, có đóng một cây sào cao hẳn lên trên mặt đất. Cọc đó bằng cây, bằng tre hay bằng sắt tùy người thiết lập thung Mai Hoa. Mỗi cọc, mệnh danh là trụ bộ, gồm có sáu cọc chụm lại: một cây lớn ở chính giữa, năm cây nhỏ ở chung quanh. Toàn thể trông như một bông Mai năm cánh, bởi vậy mới thành tên Mai Hoa Thung.
Ô Thung có một trăm lẻ tám trụ bộ, mỗi trụ bộ cách nhau hai thước theo bộ vị. Nhưng người thiết lập thung có thể rút ngắn bớt đi chiều dài cách nhau giữa hai trụ bộ hoặc tăng thêm lên tùy theo bản lãnh cá nhân. Mai Hoa Thung càng rộng lớn bao nhiêu càng nguy hiểm bấy nhiêu, trông thấy diện tích của thung, người ta có thể thấy được bản lãnh người thiết lập nó.
Chiều cao của thung cũng vậy, lẽ tất nhiên càng cao càng nguy hiểm. Về phần trụ bộ, cột đóng xuống đất càng nhỏ mảnh bao nhiêu thì công phu luyện tập Khinh Thân Pháp của chủ thung cao bấy nhiêu.
Có hai lối lập Mai Hoa Thung. Thứ nhất: đơn thung, nghĩa là chỉ có trụ bộ trồng trên mặt đất. Thứ nhì: trâm thung, nghĩa là thay vì để đất trơn dưới các thủ bộ và chung quanh Mai Hoa Thung, người ta đóng cọc vót nhọn hay cọc sắt chổng ngược. Nếu người đấu trên thung lỡ trượt chân hay bị đánh té sẽ bị các cọc nhọn xiên vào thân thể như kẻ bị bàn chông xiên vậy. Cũng có khi người ta đào hố lập Mai Hoa Thung, trụ bộ cao bằng mặt đất, dưới hố cắm chông. Từ mặt đất liền vào đến thung xa đến trượng rưỡi. Đấu thủ bị đối phương đàn áp khó lòng nhảy nổi từ thung vào đất liền để chạy, nên đành thất thế chịu trận cho đến khi thất thế trúng đòn sa xuống hố chông nếu không đứng ngay trên thung bái hàng.
Nhưng bái hàng là chuyện ít có vì đối thủ Mai Hoa Thung phần lớn là hàng cao thủ, đại sư. Đấu thủ nào thua chạy không kịp - để tập luyện, chờ dịp khác báo thù - thì phần nhiều đều vì danh dự môn phái, danh dự cá nhân, cố gắng chịu trận đến cuối cùng, lực tàn, bị đối phương đánh rớt xuống mặt chông, chết ngay tại trận.
Mai Hoa Thung nguy hiểm như vậy.
Lý Ba Sơn sở dĩ chọn thứ trận nguy ác này thách đấu cùng Ngũ Mai vì họ Lý là một nhân vật kỳ khôi Tây Khương phái, chuyên luyện trận Mai Hoa. Hơn nữa, Ba Sơn biết lối đánh Mai Hoa của Thiếu Lâm tự quen đánh rộng, thì với thế trận Mai Hoa biến cải thâu hẹp của Tây Khương chắc chắn Ngũ Mai sẽ bỡ ngỡ, do đó họ Lý sẽ tạo được nhiều cơ hội hạ đối thủ hơn.
Còn một điều nữa mà chính Ba Sơn nham hiểm đã tính để hại Ngũ Mai bằng bất cứ phương pháp nào. Đó là đủ thì giờ cho Lý Tiểu Hoàn ám hại Thiền sư dị phái.
Hôm giao đấu trên Lôi đài, Lý Tiều Hoàn áp trận, nhận xét thấy cha nàng nếu chẳng ngang tay thì cũng khó bề thủ thắng, nên đã lo ngại. Tới khi Ba Sơn hoãn chiến, thách Ngũ Mai đấu Mai Hoa Thung, Tiểu Hoàn còn ngạc nhiên hơn nữa, không hiểu cha nàng tính thế nào mà lại thách thức trái ngược như vậy.
Về đến nhà nàng thắc mắc hỏi ngay :
- Thân phụ thách Ngũ Mai lên Thung giáp trận có định ý gì khác nữa không? Con thấy ngài ngại thế nào ấy!
Lý Ba Sơn điềm nhiên hỏi :
- Ngại gì hà con?
Tiều Hoàn ngần ngừ, giây lát mới đáp :
- Thiết tưởng Ngũ Mai là hàng đại sư Thiếu Lâm, chắc chắn phải rõ rành các trận thế Mai Hoa, thân phụ thách đấu như vậy có lẽ bất lợi.
Lý Ba Sơn cười vang :
- Con tưởng ta không thắng nổi mụ vãi đó trên Lôi đài thì sao thắng nổi trên thung?
Thấy cha đoán trúng ý, Tiểu Hoàn im lặng, Lý Ba Sơn nói :
- Trên đất liền dễ dàng, Ngũ Mai không chú ý đến trụ bộ đủ tinh thần chống đánh, chớ trên thung thì khác, mụ phải chú ý đến cước bộ nhiều thì hiệu lực xung trận của mụ ta tất phải bớt đi rất nhiều.
Tiểu Hoàn phản đối :
- Nhưng phụ thân cũng đứng trên thung như Ngũ Mai chớ được đứng ở đất liền đâu?
Ba Sơn gật đầu mỉm cười mà rằng :
- Cha hiểu con định nói gì rồi, nhưng cha lập Mai Hoa trận đồ theo phương pháp Tây Khương, tất Ngũ Mai phải bỡ ngỡ hơn thế trận Thiếu Lâm tự. Mụ vãi ấy đã bất cẩn không ra điều kiện lập Mai Hoa theo trận đồ thường lệ. Con hiểu chưa?...
* * * * *
Nói về bên Quảng Đông hội quán, trước ngày lâm trận, Ngũ Mai căn dặn Miêu thị và Thế Ngọc :
- Các con hiểu tánh chất Ba Sơn rồi chớ gì? Đối với Thế Ngọc là hàng tôn đồ y còn không biết nhường nhịn, tiểu nhân thì riêng đối với ta chắc chắn y sẽ quyết liệt dùng đủ mọi âm mưu ám toán. Mẹ con phải hết sức coi chừng Lý Tiểu Hoàn. Nó có thể bất chợt phóng ám khí. Ta tự đến Mai Hoa Thung với mọi người trong hội quán. Con và Thế Ngọc trộn vào đám khán giả tìm cách đứng gần Lý Tiểu Hoàn mà phòng bị. Nếu nó sanh sự thì cứ việc đánh, đánh cầm chừng cho đến cuối trận Mai Hoa ta sẽ liệu sau.
Sáng hôm sau, thành Hàng Châu nhộn nhịp như một ngày đại hội. Dân chúng dậy thật sớm lũ lượt từ các ngả đường kéo ra Thanh Ba môn.
Đúng giờ, Lý Ba Sơn cưỡi ngựa dẫn mười tên tiểu đồ đến Mai Hoa Thung. Y vận võ phục toàn đen, đầu quấn khăn, bỏ múi sau lưng, chân quấn xà cạp, dận võ hài mỏng gót, ngoài choàng áo dài, cao lớn hùng dũng. Họ Lý xuống ngựa trao cho bọn tiểu đồ theo hầu, nhảy vụt lên Mai Hoa Thung truyền qua các trụ bộ, nhìn qua một lượt lấy làm đắc ý. Lão sư nhảy qua bốn lần chông xuống nơi bày án kéo kỷ ngồi.
Giữa lúc đó, Ngũ Mai thiền sư đến nơi, trang phục như mấy hôm trước.
Lý Ba Sơn thấy địch thủ đi với mọi người trong Hội quán, vắng mẹ con Thế Ngọc thấy làm lạ.
Ngược lại, Ngũ Mai kín đáo nhìn thấy vắng Lý Tiểu Hoàn thì cũng ngạc nhiên không ít. Thiền sư chắc rằng thế nào Tiểu Ngọc cũng quanh quẩn gần bên thân phụ nàng. Nhìn kỹ một lần nữa, quả nhiên thấy vắng nàng thật.
Bọn tiểu đồ của Lôi Lão Hổ võ phục đồng đều nghiêm chỉnh đứng thành hai hàng canh phòng, bao phủ toàn thể Mai Hoa Thung. Quan quân chỉ giữ trật tự bên ngoài...
Phần Miêu thị và Thế Ngọc lẫn vào đám khán giả đứng gần lối ra vào thung, thấy Lý Bá Sơn đơn thân nhập thung thì không khỏi ngạc nhiên. Miêu thị ghé tai Thế Ngọc nói nhỏ :
- Lý Tiểu Hoàn không đi cùng Ba Sơn tất lẫn khuất trong đám khán giả như mẹ con ta rồi. Nàng hành động như vậy chắc có gian ý như Thiền sư tiên đoán. Tìm sao ra được bây giờ!
Thế Ngọc không do dự :
- Nhìn qua cách sắp đặt đủ hiểu Tiểu Ngọc không cần phải lẫn trong đám dân chúng. Nếu nàng hóa trang lẫn trong bọn tiều đồ canh phòng cũng đủ mọi người khó tìm ra và được đứng gần các hàng chông hơn hết. Mẹ con ta thủ len lỏi nhận xét xem.
Miêu thị khen phải, cầm tay Thế Ngọc len lỏi đi vòng đến chỗ bày án kỷ có Lý Ba Sơn ngồi, nhận xét không có toại ý bèn tiếp tục đi nữa.Vừa được một quãng ngắn bỗng Thế Ngọc mừng rỡ giựt tay Miêu thị mà rằng :
- Mẫu thân hãy thử nhìn tên tiểu đồ đứng hàng thứ nhì đầu quấn khăn như đồng bọn nhưng lộ gáy trắng nõn nà khác hẳn với những tên đứng hai bên. Từ nãy con chỉ nhìn gáy chúng thấy tên nào cũng đen thui, riêng tên này trắng quá!
Tuy không thấy rõ mặt, Miêu thị cũng ngờ ngay.
Mẹ con nàng bèn len lỏi đến ngay phía sau. Bây giờ Miêu thị trông thấy toàn thân tên tiểu đồ có nước da trắng nõn nà ấy. Tên này đai lưng có đáy mà hông lớn đặc biệt. Dù nam trang cao lớn như mọi người nhưng thân hình phụ nữ nở hông khó mà giấu nổi mắt Miêu thị. Ngay cả mớ tóc quấn trong khăn cũng dày hơn. Cả hai mẹ con đều nhận ra tên tiểu đồ ấy không phải ai xa lạ chính là Nữ Bá Vương. Không nghi ngờ gì nữa. Miêu thị và Phương Thế Ngọc đứng lẫn sau hai khán giả sau đó phòng ngừa.
Ngũ Mai thiền sư điềm tĩnh đứng gần Mai Hoa Thung. Lý Ba Sơn đứng phắt dậy, liệng áo khoác lên thành kỷ, ngạo nghễ :
- Nhà chùa đã sắn sàng chưa?
Ngũ Mai chắp tay lên ngực :
- Mô phật, khởi trận lúc nào cũng được, nhưng bần ni xin nhắc để Lý tiên sinh hay rằng cách giàn đồ canh phòng gần thung bất hợp lệ. Bần ni muốn biết tiên sinh muốn canh phòng, ngăn ngừa ai?
Lý Ba Sơn cười khẩy :
- Hàng đại sư mà e sợ chúng tiểu đồ ư?
Ngũ Mai trả đũa :
- Chúng tiểu đồ thật, nhưng kẻ đánh trộm dù vô giá trị vẫn nguy hiểm như thường! Bởi lẽ quân tử phòng thân nên bần ni mới hỏi. Nhưng thôi! Không sao cả. Cần tiểu tâm chút đỉnh, lo gì!... Lý tiên sinh đã nghĩ kỹ chưa? Giờ này muốn triệt Mai Hoa trận đi còn kịp, kẻo thêm hối hận cho cả... hai bên!
Lý Ba Sơn nổi nóng :
- Ta không đấu khẩu với ngươi. Có giỏi lên Mai Hoa Thung phân tài cao hạ Ngũ Mai nghiêm nghị đưa tay mời :
- Lên trước đi, tiên sinh là người thủ trận.
Lý Ba Sơn lặng lẽ phi thân qua hàng chông sắt bên ngoài, đứng chân co chân duỗi trên trụ bộ, hai cánh tay xòe ra như con đại bàng vũ cánh, dữ dội, quắc mắt nhìn Ngũ Mai đứng phía sau, đoạn đảo mình nhảy vút vào trụ bộ trung ương đứng thẳng người, hoàng hai tay, bàn tay tả xòe Cương Đao thủ, bàn tay hữu nắm đấm Thôi Sơn bái tổ.
Lý Ba Sơn chuyển mình xử bài Lôi Trấn quyền, bài quyền đặc sắc Tây Khương thích hợp Mai Hoa Thung. Quyền ra như vũ bão. Cước phóng tựa chớp giựt mưa sa, gân cốt chuyển răng rắc, sức khỏe dư ngàn cân, lão sư Lý Ba Sơn phóng mình đảo khắp thung dạo hết tám mươi ba đường Lôi Trấn quyền theo đúng phép tắc cao luyện của nhà nghề, ngừng chân bái tổ đoạn phóng mình xuống đất nhẹ như én liệng, mặt không bốc đỏ, ngực không thở mạnh, điều hòa như thường.
Khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt vang động cả khu Thanh Ba.
Thấy Lý Ba Sơn biểu diễn xong, Ngũ Mai thiền sư chắp tay lên ngực vận dụng Kinh Thân Pháp bước lên mũi chông sắt từ tốn đặt chân từ mũi nhọn nọ sang mũi nhọn kia vào tới Mai Hoa Thung cất mình nhảy lên trụ bộ lẹ làng như én liệng...
Khán giả ghê rợn, kinh hồn hang nghênh nhiệt liệt vang động tự sóng cồn. Chính Lý Ba Sơn cũng phải khen thầm lối ra oai tự nhiên nhưng thiệt hay của nhân vật thượng đẳng Thiếu Lâm tự. Lão sư kín đáo khẽ quay đầu đưa mắt nhìn về phía tả. Mọi người mải theo dõi Ngũ Mai thiền sư trên thung nên không một ai thấy cái nhìn ra hiệu của Lý Ba Sơn, nhưng nhãn hiệu ấy không qua được mắt hai người: mẹ con Phương Thế Ngọc.
Thật vậy, Miêu thị và Thế Ngọc chăm chú quan sát lão sư họ Lý nhận thấy cử chỉ ấy, và đồng thời nhận luôn thấy tên tiểu đồ “gái trắng nõn nà” nọ khẽ gật đầu...
Ngũ Mai thiền sư đứng thẳng người trên trụ bộ trung ương khoát tay nhẹ nhàng đảo bốn thế bái tổ Đồng Tử Bái Quan Âm xoay mình khắp bốn phương, chân liên tiếp đổi bốn thứ tấn Trung bình, Chảo mã, Đinh và Độc cước. Mỗi lần đổi tấn là một lần đổi trụ bộ. Đó là lối nhập bài quyền La Hán rất đặc sắc của chùa Thiếu Lâm.
Lần lượt, chậm chạp, dẻo dai, đi xong bốn thế tổ khác nhau, Ngũ Mai chuyển mình khởi diễn La Hán quyền một trăm lẻ tám thế võ thiệt rùng rợn, lúc nhẹ nhàng chơi vơi như chiếc én là cánh lưng trời,khi rầm rầm dữ dội tựa mãnh hổ băng sơn, giao long động thủy, quyền ra, cước phóng phân đủ bốn phương, tả hữu, tiền hậu, tiến thoái phép tắc, oai phong nhuệ khí đằng đằng. Mỗi ngọn quyền là một thế của danh gia, mỗi cước phóng ra là một ký thuật của nhà nghề.
Đảo hết một trăm lẻ tám thế La Hán quyền, dạo khắp Trụ Bộ trên Thung Mai Hoa, Thiền sư chắp tay bái tổ, thần sắc không đổi, hơi thở nhẹ nhàng, chuyển mình phi thân trụ bộ trung ương qua giàn chông xuống đất trước sự cổ vũ vang động của khán giả muốn bể cả toàn khu Thanh Ba.
Lý Ba Sơn cố mỉm cười, thật ra vị lão sư ấy đã thất kinh táng đởm về lối biểu diễn La Hán quyền trên Mai Hoa Thung của đối phương.
Lão sư không ngờ trên thung cải đổi của Tây Khương mà Ngũ Mai biểu diễn không chút loạng choạng, ngượng ngập, trái lại Thiền sư vẫn oai hùng đáng sợ như trên thung của phái Thiếu Lâm.
Ngũ Mai điềm tĩnh hỏi Ba Sơn :
- Bây giờ giao đấu... hay thôi?
Lý Ba Sơn cố cười lạt :
- Trận đã lập ra chờ đấu thủ, lẽ nào lại thôi?
- Tiên sinh định đấu đến lúc đến lúc phân tài cao hạ hay đấu đến kỳ cùng kiệt sức?
Ba Sơn liều mạng :
- Hạng người như chúng ta vì danh dự môn phái, danh dự cá nhân không bao giờ đấu dở dang! Chỉ có một mất một còn!
Trước khi phi thân lên Mai Hoa Thung, họ Lý đưa mắt nhìn qua Lý Tiểu Hoàn. Cái nhìn ấy đã không thoát khỏi cặp mắt sáng ngời như sao băng của Ngũ Mai, và Thiền sư theo hướng nhìn của Ba Sơn nhận ngay ra Nữ Bá Vương trong bộ võ phục đồng đều các tiểu đồng, đồng thời thấy luôn Miêu thị, Thế Ngọc đứng phía sau nàng.
An tâm, Ngũ Mai theo Lý Ba Sơn lên thung sửa soạn khởi đấu.
Ngũ Mai bản tánh từ bi, tâm trí nhẹ lâng lâng thoát tục, không bao giờ bị tánh nóng ngự trị, nhận xét tình thế vô cùng rõ rệt. Khởi đầu, thoạt nhìn trận thế Mai Hoa, Thiền sư đã nhận ngay ra đồ pháp đã bị biến đổi thiết lập theo bộ pháp Tây Khương, và hiểu thâm ý của Lý Ba Sơn.
Trên Mai Hoa Thung, người trổ La Hán quyền diễn đạt đủ mọi khía cạnh của bài quyền nổi danh ấy cũng không ngoài mục đích tỏ cho đối phương nhận thấy chân tài và thực lực khổ luyện của mình, mong rằng Lý Ba Sơn kinh sợ dàn hòa, dẹp Mai Hoa Thung, bỏ mối thù không chính đáng với Phương Thế Ngọc.
Ngờ đâu lão sư họ Lý chấp nê, khăng khăng quyết đấu, tin tưởng ở mưu mô ám toán do Lý Tiều Hoàn tiếp tay.
Ba Sơn nhảy lên thung rồi, Thiền sư chép miệng lắc đầu, buồn thay cho thái độ ngang bướng ngu ngốc, quá ư chấp nhặt của đối thủ. Người lặng lẽ niệm Phật trong giây lát và sau đó phi thân lên trận.
Trong phân khắc nghiêm trọng này, Thiền sư không còn là một nhà tu hành nữa. Tình thế do Lý Ba Sơn tạo ra đã biến người thành một viên hổ tướng lâm trận quyết đấu, đấu để tự vệ, đấu cho thiên hạ biết Thiếu Lâm danh bất hư truyền.
Ngũ Mai lâm trận oai phong như thần tướng.
Chờ địch thụt vừa đáp xuống trụ bộ trên thung, Lý Ba Sơn bỏ hết luật lệ lịch sự thông thường, thét lên một tiếng vang dậy như sét đánh ngang trời, nhào tới đã quét một thế “Toàn Phong Tảo Lạc Diệp” định thừa lúc Ngũ Mai mới tới trụ bộ thì đá lộn bật xuống thung.
Họ Lý ác ý như vậy là một chuyện nhưng Ngũ Mai đâu phải người chịu để hạ dễ đến như thế. Tức thì, Thiền sư nhảy vút lên cao tránh đòn, đồng thời thọc luôn Cương Đao Thủ vào yết hầu họ Lý khiến Ba Sơn phải đổi trụ bộ tránh đòn độc. Thiền sư theo sát tống luôn trái đấm Mãnh Hổ Xuất Động vào gáy đối thủ.
Không kém. Ba Sơn hoành tay tả gạt, hai cánh tay toàn thép va vào nhau bật lên một tiếng bịch nặng nề, âm thầm, đoạn Ba Sơn lấn lên một bộ, đưa ngược cánh tay Phượng Dực (Cùi chỏ) vào ngực đối phương. Lẹ tựa chớp, Ngũ Mai tạo bộ tránh đòn, hoành tấn trung bình đấm luôn tả thôi sơn nhằm rún Ba Sơn. Đó là thế Thiết Thủ Yểm Đan Điền bắt buộc họ Lý phải thoái bộ lần nữa.
Hai bên xáp trận dùng toàn đòn ngắn, đánh xáp lá cà sử dụng toàn độc thủ, chỉ sơ hở chân tơ kẽ tóc là trượt chân lao mình xuống bàn chông sắt lởm chởm trên mặt đất ngay.
Lúc tiến khi lui, cả hai người nhịp nhàng khuôn phép đảo mắt toàn diện Mai Hoa Thung. Ngũ Mai vừa đấu vừa lưu ý phòng bị mỗi khi thế trận chuyển về phía Lý Tiểu Hoàn. Tuy Người rất tin vào tài nghệ, tin tưởng ở mẹ con Miêu thị và Phương Thế Ngọc, Thiền sư chuyển trận không bao giờ chịu xoay lưng về phía có Tiểu Hoàn.
Thấm thoắt trận đấu đã diễn ra được trăm hiệp, Lý Ba Sơn đổ mồ hôi toát đầy mình.
Lão sư cố chuyển thế trận buộc Ngũ Mai phải xoay lưng về phái Tiểu Hoàn một lần nữa. Được dịp may vạn nhất, Tiểu Hoàn nhảy vút ra giơ tay phóng phi tiêu, đồng thời miệng thét :
- Vãi già chết này!...
Nhưng lúc ấy, ngọn tiêu chưa kịp dời khỏi tay Tiểu Hoàn thì một bàn tay sắt bí mật từ phía sau đã đánh trúng vào cổ tay nàng, khiến ngọn tiêu văng xuống đất, tiếp theo là một tiếng quát :
- Không được ám toán! Có ta đây!
Tiểu Hoàn giựt mình vội quay lại thì nhận ngay ra là Phương Thế Ngọc. Nàng đang yên chí thế nào cũng giúp được phụ thân với ngọn tiêu thần diệu của nàng, chẳng ngờ bất chợt bị cản trở. Mũi tiêu ấy trúng Ngũ Mai thì âm mưu ám toán dù mọi người có biết, cha con nàng cũng không cần dư luận. Trái lại, mũi tiêu chưa bay khỏi tay nàng đã bị Thế Ngọc cản lại, trước mặt số đông khán giả, dĩ nhiên ai ai cũng biết và sẽ lan truyền. Hại người chẳng thành, nay lại còn mang tiếng hèn hạ.
Oán thù gặp oán thù, Nữ Bá Vương nổi giận đùng đùng, hoa đoản đao nhảy bổ tới chém Thế Ngọc, những tưởng một nhát là đủ xẻ đôi kẻ thù. Thế Ngọc lùi bước tránh đòn. Lý Tiều Hoàn theo riết chém thục mạng. Thế Ngọc lùi dần đến chỗ bày kỷ và án, bất chợt vác cả chiếc gỗ gụ nặng nề tiến lên chống đỡ, chế nhạo :
- Chuyến này người hết dùng Bàn Long cước nhé.
Đứng ngoài, Miêu Thúy Hoa tin ở tài sức Thế Ngọc nên không can thiệp. Tuy vậy nàng cũng liệng cây thiết giản cho Thế Ngọc bắt lấy. Thế là hai trận chiến cùng tiếp diễn.
Nói về trên Mai Hoa Thung, Lý Ba Sơn trông thấy Tiểu Hoàn lạ lùng nhảy ra phóng phi tiêu thì đã khấp khởi mừng thầm, sửa soạn hạ độc thủ kết quả tánh mạng đối phương. Cái mừng của Ba Sơn chỉ như đốm lửa gần tàn lóe lên trong nháy mắt để rồi tàn hẳn. Ngọn tiêu do Thế Ngọc gạt băng xuống đất không những làm tiêu tan hy vọng của lão sư họ Lý, mà trái lại còn đem cả sự hoang mang sợ hãi tột bực đến cho con người thâm ác ấy nữa. Trận đấu diễn ra dư trăm hiệp, Lý Ba Sơn thấy thấm mệt.
Đã mệt lại thêm hoang mang, Lý Ba Sơn bất giác tứ chi bủn rủn, mất tự tin, thoát bộ giữ Thung. Suy tính đã chán không có lối thoát, Lý Ba Sơn vận dụng toàn lực phóng mình lao thẳng vào ngực Ngũ Mai, đồng thời chụm cả hai nắm đấm Thôi Sơn tả, hữu đánh quật ngược vào cổ địch thủ, đó là thế “Sư Tử Giao Đầu”. Lý Ba Sơn định bất ngờ đánh bật Ngũ Mai ra khỏi Trụ Bộ trong lúc Ngũ Mai đang mải đuổi theo mình.
Tuy rượt theo nhưng Thiền sư vẫn sẵn sàng chờ phản ứng của địch thủ, bởi vậy khi Lý Ba Sơn vừa cất chân ra khỏi Trụ Bộ thì Người hiểu ngay họ Lý dùng đòn gì. Tức thì, Ngũ Mai ngồi thụp xuống, nhường cho Lý Ba Sơn phóng mình đánh hụt ở phía trên. Nhưng cùng lúc họ Lý đánh hụt, toàn thân chơi vơi trong khoảng không, Ngũ Mai đứng phắt dậy, đưa ngược hai tay lên đầu đẩy mạnh theo thế “Đại Hỏa Thiêu Thiên”. Sức đẩy ấy của Thiền sư có thể chuyển cả ngàn cân. Lý Ba Sơn dù lực lưỡng đến đâu cũng bị văng bổng lên như một trái cầu.
Lý Ba Sơn hoảng quá nhìn xuống đất thấy mũi chông sắt nhọn hoắt, cắm ngược sáng loáng bèn rú lên kinh khủng...
Toàn thân họ Lý dốc ngược, gieo đầu xuống trước húc thẳng vào các ngọn chông nghe “phập” một tiếng rùng rợn. Mũi chông sắt xiên thẳng vào đỉnh đầu suốt tới cổ, vào vai suốt tới ngực. Ba Sơn chết ngay, chân chổng lên trời, tứ cho rũ xuống đất, huyết tuôn ra như suối...
Thế là hết một đời hảo hán khổ luyện đã tới bực thượng thừa mà không biết nghe lẽ phải, tự kiềm chế, suy xét, đến nỗi uổng mạng trên bàn chông do chính mình có ác ý đặt ra những mong hại người. Tiếc thay!...
Nói về Lý Tiểu Hoàn đang đấu chiến với Phương Thế Ngọc, thì tiếng rú lớn khủng khiếp đến lạnh gáy của Lý Ba Sơn trên Mai Hoa Thung, khiến cả hai đấu thủ cùng giựt mình nhảy lùi khỏi vòng chiến nhìn lên Thung.
Trước thảm cảnh Lý Ba Sơn bị chông sắt xiên ngực chết cứng, Lý Tiểu Hoàn đau khổ, sắc diện tái ngắt.
Nàng la thét tựa một kẻ điên rồ quên như không có Phương Thế Ngọc đứng gần đấy nữa, nàng vác đao chạy lẹ đến cửa Mai Hoa Thung đón Ngũ Mai thiền sư vừa nhảy xuống đất chỉ mặt xỉ vả :
- Con vãi già này đã hạ sát phụ thân ta, có giỏi hạ ta nốt đi coi nào!...
Dứt lời, nàng liều mạng nhào tới chém một đao vào mặt Ngũ Mai.
Thiền sư né nhảy ra xa quát :
- Tiểu Hoàn! Không được hỗn! Phụ thân ngươi tự mua lấy cái chết, ta khuyên can hết lời không biết nghe, nay còn oán thán nỗi gì?
Nàng xô vào liều mạng chém bừa, những muốn phân thây Ngũ Mai thiền sư ra moi gan, móc ruột mới hả lòng căm giận.
Biết Tiểu Hoàn chẳng nghe nào, Ngũ Mai đứng sững lại, không né nữa. Lưỡi dao sáng loáng hạ xuống gần trán, bỗng Ngũ Mai lẹ như cắt nhảy sang bên, đồng thời dùng bốn ngón tay tả đánh bật vào cổ tay Tiểu Hoàn khiến nàng buốt tay rời thanh đao văng xuống đất, cổ tay đau buốt.
Tiểu Hoàn vì xuất lực quá nhiều và xúc cảm về cái chết thê thảm của Lý Ba Sơn, nên tâm thần bỗng nhiên hỗn loạn, mặt mày xây xẩm té xỉu úp mặt trên đất.
Bọn tiểu đồ vội xúm lại khiêng sư mẫu đặt lên mặt án.
Ngũ Mai và mẹ con Thế Ngọc tiến tới xem. Thiền sư cầm cổ tay Tiểu Hoàn chẩn mạch :
- Không hề chi đâu. Kiệt lực và bị cảm xúc nên ngất đi thôi. Khiêng về nhà đổ nước gừng cho uống sẽ tỉnh.
Nói đoạn, Thiền sư lấy trong túi áo dài ra một hoàn thuốc nhỏ bỏ vào miệng Tiểu Hoàn, rồi cùng mẹ con Phương Thế Ngọc và mọi người trở về Hội quán.
Nói về Lý Tiểu Hoàn được chúng tiểu đồ thuê kiệu đem về đến nhà thì hãy còn mê man chưa tỉnh.
Thiết Diện Hổ đã về trước chờ ở đó.
Y bế Lý Tiểu Hoàn đặt lên giường, tự tay tháo vỏ hài và đai lưng, cởi khuy áo cho nàng dễ thở.
Tiểu Hoàn lần lần tỉnh dậy, miệng bập bẹ kêu phụ thân.
Trí nhớ lần lần trở lại với nàng và cảnh Mai Hoa Thung rùng rợn với Lý Ba Sơn bị chông cắm chổng ngược tái hiện trước mắt nàng...
Bất giác hai dòng lệ tuôn rơi, Tiểu Hoàn nức nở úp mặt xuống gối khóc không ra tiếng.
Hồi lâu, nàng ngồi phắt dậy lau sạch nước mắt và thề quyết báo thù chồng, thù cha :
- Từ nay không những đối với Ngũ Mai, mẹ con Thế Ngọc mà với toàn thể phái Thiếu Lâm, Lý Tiểu Hoàn này chẳng đội trời chung!
Đắc ý, Thiết Diện Hổ khai thác triệt để mối thù của Lý Tiểu Hoàn, biến thành mối thù giữa các võ phái. Thiết Diện Hổ đã thuyết phục Lý Tiểu Hoàn chở thi hài Lý Ba Sơn về Tây Khương nói khích Bạch Mi sư tổ để người chú ý cuộc phục thù này. Đồng thời, Thiết Diện Hổ dùng tài chánh xuôi giục Lý Tiểu Hoàn tiếp tay phá Hổ Lôi đài và Mai Hoa Thung, vận động cuộc phục thù chuyển sang khu vực khác quan trọng hơn.
Xong xuôi đâu đấy, Thiết Diện Hổ ra về lập lại cách thu xếp công việc với Lý Tiểu Hoàn cho Thị lang Hòa Thân nghe.
Hòa Thân nói :
- Tướng quân lo liệu như thế rất trúng ý tôi. Cái chết của Lý Ba Sơn đau đớn cho Tiểu Hoàn thật nhưng rất ích lợi cho chương trình hành động của chúng ta. Tướng quân tính bao giờ lên đường vào Hồ Nam?
- Lý Tiểu Hoàn đi khỏi thì tôi cũng đi ngay. Tướng công cùng đi không?
- Tôi đi sao được? Phải chờ Thánh thượng ở đây xem người có trở lại cần sai bảo gì chăng? Nhất định ta phải hoàn tất chương trình do Thánh thượng ban truyền. Công ấy lớn lắm. Tôi sẽ cất nhắc cho tướng quân lên cấp cao và sẽ hài lòng về đủ mọi phương diện. Thánh thượng thưởng phạt rất công minh và rộng rãi về mặt tài chánh.
Thiết Diện Hổ mừng rỡ :
- Tướng công an tâm, nếu không có sự gì đặc biệt cản trở, tôi chắc chắn thành công. Cứ xem như việc Lý Ba Sơn đấu với Ngũ Mai, Tướng công đủ hiểu. Sắp đặt nổi trận đấu giữa hai nhân vật siêu đẳng ấy không dễ dàng.
Hòa Thân đứng lên vỗ vai Thiết Diện Hổ, cười khà :
- Nào, chúng ta đi uống rượu, ngồi nhà mãi buồn quá!