Lá Cờ Ma
Chương 23: Ác mộng bắt đầu(3)
Ngày 9 tháng 8 năm 1928, trời âm u, có sấm khan.
Cuối cùng, Hán Thăng cũng đã tới, huyết mạch trên dương gian của gia tộc Tôn Thị chỉ còn lại bốn anh em nhà mình.
Trời không mưa mà có sấm khan, hẳn nhiên là một điềm báo.
Cơ hội cuối cùng đã tới và điều cấm kị chỉ truyền lại cho con trưởng của gia tộc đã bị phá bỏ. Tất cả mọi người trong gia tộc Tôn Thị đều phải phấn đấu vì mục tiêu này, đáng tiếc là chỉ còn lại có bốn anh em nhà mình.
Mình đã kể hết với các em.
Liệt tổ liệt tông đã dốc hết tâm cơ mà vẫn không thể tìm thấy ngôi mộ cổ đó, bây giờ mọi hi vọng đều gửi cả vào lá cờ này.
Nhưng lá cờ đó hiện nay đang ở trong tay Tôn Điện Anh. Dù Hán Chương đi theo Tôn Điện Anh đã nhiều năm nhưng nếu hỏi xin lá cờ một cách thẳng thắn, Tôn Điện Anh có lẽ sẽ không gật đầu.
Bốn anh em bàn bạc cả một buổi chiều, vẫn chưa ngã ngũ.
***
Ngày 13 tháng 11 năm 1929, trời nhiều mây.
Hán Chương vẫn không có được lá cờ đó. Tôn Điện Anh cất giấu những bảo bối như thế rất kĩ.
Rốt cuộc thì phải chờ đợi thêm bao nhiêu lâu nữa? Rốt cuộc thì gia tộc Tôn Thị nhà mình còn có cơ hội phục hưng nữa hay không? Câu hỏi ấy luôn dằn vặt mình từng giây từng phút, nhưng mình không thể để lộ cho các em thấy, trước mặt chúng, mình vẫn phải tỏ ra tự tin.
Nhưng vì sao để mình thấy hi vọng rồi lại làm cho niềm hi vọng ấy mỗi lúc một mịt mờ?
Chỉ có thể trách ông trời thôi!
***
Ngày 17 tháng 3 năm 1934, trời nhiều mây.
Hôm nay nhận được điện khẩn của Hán Chương: việc đã thành.
Mình không kìm nén được, òa khóc nức nở.
Mình cứ tưởng sẽ không còn cơ hội để ghi chép thêm điều gì vào cuốn sổ này nữa, đã hơn năm năm rồi.
Mình phải mau chóng lên đường.
***
Ngày 20 tháng 3 năm 1934, trời hửng nắng.
Mình không ngờ lại gặp Hán Chương trong bệnh viện. Nó bị đạn găm vào phổi. Lúc trò chuyện với nó, nó bảo, thân thể có cường tráng rắn rỏi đến đâu đi nữa cũng chẳng nhằm nhò gì so với mấy viên đạn.
Nhưng cũng nhờ viên đạn đó mà bốn anh em nhà mình mới lại được thấy niềm hi vọng.
Nó đã đỡ viên đạn ấy thay cho Tôn Điện Anh.
Tôn Điện Anh là người ân trả nghĩa đền, ông ta bảo Hán Chương, nó muốn gì, ông ta cũng thỏa nguyện.
Vì thế, ông ta hứa sẽ cho Hán Chương lá cờ đó, nhưng phải chờ sau khi nó ra viện.
Việc cần làm bây giờ là chờ đợi.
Đành chờ đợi.
***
Ngày 3 tháng 5 năm 1934, trời mưa.
Cuối cùng cũng có được lá cờ đó.
Dù đã chuẩn bị về mặt tâm lý nhưng khi đứng cách xa lá cờ đó ba mươi mét, mình vẫn sợ đến nỗi nằm bẹp xuống đất.
Có điều, mình vui lắm, vì nó đúng là lá cờ đó. Tay phất lá cờ, ngàn quân đại bại.
Hi vọng là lá cờ này sẽ giúp anh em mình tìm thấy cuốn sách đó, hi vọng là những suy đoán của tổ tiên hoàn toàn đúng.
Nhưng bây giờ thì chưa được, vẫn phải chờ đợi và chờ đợi, đợi cơ hội Hán Chương và lá cờ đó mất hút khỏi tầm mắt của Tôn Điện Anh.
Đã đợi lâu như vậy rồi, anh em mình cách mục tiêu không xa nữa.
***
Ngày 18 tháng 1 năm 1935, trời có tuyết.
Tôn Điện Anh thất thế đã được một quãng thời gian, mình có cảm giác như thời khắc đã điểm.
Phải bàn bạc với tụi Hán Chương, có thể bắt tay vào hành động được rồi.
Chỉ đợi trận tuyết này ngừng rơi.
***
Ngày 20 tháng 1 năm 1935, trời hửng nắng.
Kế hoạch mượn lửa chạy trốn thành công.
Hán Chương đi theo Tôn Điện Anh bao nhiêu năm như vậy, ông ta không thể ngờ rằng, một Tôn Huy Tổ trung thành theo ông ta tới tận Sơn Tây sau khi ông ta thất thế lại có thể mượn lửa đào tẩu.
Có lẽ ông ta chỉ có thể khóc rống lên thôi. Những người đi theo ông ta năm xưa giờ không còn một ai, ngoại trừ Hán Chương.
Cũng may là mấy anh em tìm được một người có thân hình giống với Hán Chương để chết thay.
Từ hôm nay trở đi, anh em mình có thể thực hiện bước tiếp theo của kế hoạch rồi.
Ở vào thời hoàng kim, thế lực của Tôn Điện Anh cũng không thể vượt qua sông Trường Giang nên mấy anh em nhà mình sẽ an toàn.
***
Tôi lật từng trang, từng trang của cuốn nhật kí, có lúc phải dùng móng tay để cạo bớt những vết máu che lấp nét chữ, đầu móng tay đã chuyển sang màu đỏ sậm.
Mấy chục trang tiếp theo ghi lại những hành động của bốn anh em nhà họ Tôn trong khoảng thời gian hơn một năm. Họ đã đặt chân tới mọi thành phố, huyện thị, làng xã khắp miền Giang Nam, đã đi qua từng tấc đất của hai tỉnh Giang Chiết[2]. Rõ ràng, các vị tổ tông của họ cũng không biết vị trí chính xác của ngôi mộ cổ đó.
[2] Giang Chiết: tức tỉnh Giang Tô và Chiết Giang.
Đáng tiếc, tôi không tìm thấy câu trả lời cho bất kì một câu hỏi quan trọng nào, ví dụ như ngôi mộ cổ đó rốt cuộc là mộ của ai chẳng hạn. Từ đầu tới cuối, Tôn Diệu Tổ chỉ dùng những từ như “ngôi mộ cổ đó”, hay “ông ấy” để ám chỉ mà không hề viết rõ ràng. Cả cụm từ “cuốn sách đó” cũng tương tự như thế.
Con người ta khi viết nhật kí, nếu đối diện với những sự việc bí ẩn không thể diễn tả bằng lời thường dùng một cách nói mơ hồ nào đó để thay thế, họ muốn né tránh nó như một bản năng, và trường hợp tôi đang gặp phải là một ví dụ như thế.
Xét trên tổng thể thì cuốn nhật kí này cũng giúp tôi giải đáp một số nghi vấn, như vì sao Tôn Huy Tổ lại là người vác cờ?
***
Ngày 24 tháng 2 năm 1935, trời mưa nhỏ.
Ngày mai đến lượt Lão Tứ vác cờ, nhưng nó không vui vẻ lắm.
Nó và Lão Nhị có chung một ý kiến là nên cố định một người vác cờ, như thế sẽ giúp người vác cờ có nhiều cơ hội để gần gũi lá cờ hơn. Nghe nói, những thần binh lợi khí trong truyền thuyết đều có ý thức và cảm nhận riêng của nó, có lẽ làm như thế sẽ tạo ra mối giao cảm giữa người vác cờ và lá cờ, nhờ đó việc tìm thấy ngôi mộ cổ đó sẽ dễ dàng hơn.
Việc này thì chỉ có Lão Tam mới đảm đương nổi, vì lá cờ đó tính cả cán dễ có đến hơn 30 cân[3] trọng lượng, mình mới chỉ vác một ngày đã thấy mệt rã rời. Lão Nhị và Lão Tứ cũng chẳng khá khẩm hơn mình.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp