Kim Ốc Hận

Chương 46: Ngựa xéo Hung Nô nức tiếng anh hùng


Chương trước Chương tiếp

Tháng Tư năm Nguyên Thú thứ hai.

Vào ngày xuất chinh, Hoắc Khứ Bệnh thay quân phục, vừa mở cửa phòng thì thấy vẻ mặt lo lắng của mẫu thân.

“Khứ Bệnh”, Vệ Thiếu Nhi thở dài, “Mẫu thân biết con có chí hướng của mình, là người có bản lĩnh khiến cữu cữu của con cũng phải coi trọng. Mẫu thân không thể ngăn cản con xuất chinh, cũng không muốn ngăn cản, chỉ cần khi con giết giặc ở trên chiến trường luôn ghi nhớ mẫu thân ở thành Trường An, ở trong phủ Thiếu chưởng sứ này chờ con trở về là được rồi.”

“Mẫu thân”, Hoắc Khứ Bệnh mỉm cười đáp, “Con đã biết.”

Vệ Thiếu Nhi nhìn dáng vẻ oai hùng của con trai đang dắt ngựa rời đi lại không an lòng, dù sao lần này cũng không giống năm Nguyên Sóc thứ sáu có đệ đệ Vệ Thanh bảo hộ, việc nó ra sa trường chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Lần này Khứ Bệnh phải tự mình cầm quân ra chiến trường chém giết bằng đao thật kiếm thật vô cùng hung hiểm. Hơn nữa bà cũng hiểu con mình to gan lớn mật không sợ trời, không sợ đất, chỉ e nó lại cứ tìm nơi nào nguy hiểm nhất để xông vào.

“Quan Quân hầu”, Hoắc Khứ Bệnh vừa ra khỏi phủ Thiếu chưởng sứ thì có nội thị từ phía đông đi tới, tay nâng khay tựa như vừa thừa lệnh Hoàng thượng gọi giật lại.

Hoắc Khứ Bệnh nhíu mày, “Có chuyện gì?” Đừng bảo là có biến cố gì đó làm chậm trễ việc hắn xuất chinh.

Nội thị cười nói, “Cũng không có chuyện gì. Hôm qua Công chúa Duyệt Trữ hồi cung, nghe nói mấy ngày nữa Hầu gia sẽ xuất chinh nên một mực đòi Hoàng thượng tới tiễn nhưng không được chuẩn y. Công chúa liền sai nô tài mang tặng Hầu gia lá bùa cầu phúc cho người bình an trở về.” Tiếp đó, nội thị vén tấm lụa phủ bên trên, lấy ra một chiếc túi gấm.

Trong tâm trí Hoắc Khứ Bệnh hiện lên hình ảnh cô bé có khuôn mặt linh lợi. Đến hôm nay, hắn đã không còn cách nào thuyết phục bản thân làm ngơ trước những tình cảm tốt đẹp dành cho cô. Đó là cô công chúa nhỏ được sủng ái nhất của Hoàng đế nhưng không hề đanh đá kiêu căng ngạo mạn mà lại rất thấu hiểu lòng người. Hắn mỉm cười nhận lấy, lên ngựa rồi nói, “Ta biết rồi, hãy chuyển lời cảm tạ của ta tới Công chúa Duyệt Trữ.”

Vệ Thiếu Nhi đứng ở của phủ trông thấy bèn nhíu mày, xem chừng tiểu công chúa của Trần gia vẫn có quan hệ tốt với Khứ Bệnh. Bà biết Khứ Bệnh rất bưởng bỉnh, đã quyết định việc gì thì ngay cả bà là mẫu thân cũng không thể lay chuyển được. Những câu nói của Vệ Tử Phu năm đó ở đình nghỉ chân trong cung Vị Ương hiện lên trong lòng bà.

“Muội muội”, bà thầm nghĩ, “Muội tất không ngờ đến kết quả ngày hôm nay. Khứ Bệnh vốn cao ngạo, rốt cuộc cũng là người phàm, chỉ sợ người nó yêu thương lại chính là cô bé chưa đầy tám tuổi đó.”

Hoắc Khứ Bệnh lên đường, tách đại quân với Liễu Duệ rồi mỗi người đi một hướng. Hắn dẫn Triệu Phá Lỗ, Tiết Thực, Triệu Tín mang theo một vạn kỵ binh với tốc độ nhanh như chớp ra Lũng Tây, vượt dãy núi Ô Sao tới hành lang Hà Tây[1].

[1] Hành lang Hà Tây hay còn gọi là hành lang Cam Túc, về cơ bản là một chuỗi các ốc đảo nằm dọc theo rìa phía bắc cao nguyên Thanh – Tạng. Phía nam là cao nguyên Thanh – Tạng cao vút và hoang vắng, phía bắc là sa mạc Gobi và vùng đồng cỏ Ngoại Mông. Ở cực tây, tuyến đường phân làm ba, hoặc đi về phía bắc hoặc phía nam của Thiên Sơn ở hai bên lòng chảo Tarim. Ở cực đông là các dãy núi bao quanh Lan Châu trước khi đến thung lũng Vị Hà và Trung Quốc bản thổ.

“Khứ Bệnh”, Triệu Phá Lỗ thúc ngựa tới bên cạnh hắn, khẽ báo cáo, “Bộ lạc Hung Nô ở ngay phía trước rồi.”

“Ừ.” Hoắc Khứ Bệnh gật đầu. Thảo nguyên dưới nắng xuân khiến cho lòng người ngây ngất nhưng kỵ binh không mang nhiều quân nhu nên phải lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Trên khuôn mặt tuấn tú trẻ trung của hắn thoáng hiện lên một tia sát khí, hắn hạ lệnh: “Giết, không để một ai sống sót. Lấy đủ khẩu phần lương thực và nước uống, thiêu hủy toàn bộ những gì còn lại.”

Đây là chiến trường nên không cho phép có lòng từ bi. Từ bi trên chiến trường chính là tàn nhẫn với bản thân mình, đó là đạo lý tất cả mọi người đều hiểu. Không một ai dị nghị, khi kỵ binh cưỡi khoái mã mang giáp sắt công phá xóm làng thì bộ lạc chỉ còn toàn những người Hung Nô già yếu không hề có phản ứng. Rất nhanh, tất cả hóa thành biển máu. Một lúc lâu sau, đại quân lại rời đi cũng nhanh như lúc đến, để lại sau lưng là một biển lửa hoang vắng và thê lương. Chỉ qua sáu ngày ngắn ngủi, Hoắc Khứ Bệnh đã liên tục triệt phá năm bộ lạc Hung Nô. Trước khi người Hung Nô kịp báo tin đến vương đình thì kỵ binh Đại Hán đã vượt qua núi Yên Chi tiến thẳng vào nội địa Hung Nô.

“Khứ Bệnh, nếu chiến bại thì một vạn kỵ binh chúng ta sẽ phải vùi thây ở thảo nguyên, không thể trở về quê hương”, Tiết Thực cưỡi trên tuấn mã lo lắng nói.

“Thì sao?” Hoắc Khứ Bệnh nhướng mày, thản nhiên nói, “A Thực sợ ư?”

“Sợ?” Tiết Thực bị hắn kích liền bộc lộ hào khí, “Lão tử sống đến hôm nay vẫn còn chưa biết chữ sợ viết như thế nào!”

Bọn họ phi ngựa ngược chiều gió. Gió thảo nguyên thổi vù vù tạt vào mặt, lúc đầu họ còn cảm thấy đau rát nhưng dần dần không cảm giác gì nữa. Mỗi người chỉ mang theo khẩu phần lương thực và nước uống đủ cho một ngày, đến nơi nào có nước thì nghỉ ngơi một lát, trên đường hễ gặp bộ lạc Hung Nô nào cũng không hề buông tha. Thảo nguyên bốn bề đều giống nhau, dần dà không còn phân biệt được phương hướng.

“Hay bị lạc đường?” Ngay cả Triệu Phá Lỗ cũng lo lắng, trên vùng thảo nguyên vốn xa lạ đối với người Hán này thì rõ ràng quân Hung Nô chiếm ưu thế hơn hẳn. Nổi tiếng như Phi tướng quân Lý Quảng còn hết lần này đến lần khác bị lạc đường, nếu không có Trường Tín hầu Liễu Duệ thì e rằng cho đến hôm nay vẫn còn đau khổ vật lộn trên con đường phong hầu của mình.

“Không đâu.” Bọn họ đang nằm ngủ dưới bầu trời sao của vùng thảo nguyên. Tiết Thực chỉ vào ngôi sao Bắc Cực sáng rõ trên bầu trời, “Trường Tín hầu từng nói rằng cho dù con người có ở đâu thì vì sao kia vẫn vĩnh viễn chỉ về phương bắc, chỉ cần có nó ở trên trời thì chúng ta sẽ không bao giờ bị lạc đường.”

“Trường Tín hầu đúng là thông tuệ.” Triệu Tín mỉm cười, “Đôi khi ngay cả ta là người Hung Nô cũng không bằng, bản thân ta cũng chưa từng đặt chân tới vùng đất này.”

“Năm đó, nếu không có Trương Tín hầu thì e rằng ta đã đầu hàng Hung Nô từ lâu rồi”, hắn nói đầy cảm khái.[2]

[2] Triệu Tín vốn là một tiểu vương Hung Nô, nhưng đã hàng Hán, quay lại đánh Hung Nô.

“Từ núi Yên Chi đi theo hướng tây bắc là đến núi Cao Lan”, Triệu Tín nghiêm nghị nói, “Người xưa tương truyền núi Cao Lan là thánh địa của người Hung Nô, ở đó tất sẽ gặp đại quân của bọn chúng.”

“Tốt!” Hoắc Khứ Bệnh hào sảng ghé miệng vào bình tu nước ừng ực rồi quăng chiếc bình ra xa, buông gọn, “Ngày mai tiếp tục hành quân!”

Mặc dù thiết kỵ của quân Hán hành quân nhanh như chớp, trên đường đi gặp bất kỳ người Hung Nô nào đều đuổi giết, tuyệt không để một ai sống sót, nhưng bọn họ đi cả nghìn dặm trên thảo nguyên nên khi tới được dưới chân núi Cao Lan thì đối phương cũng đã biết là có một đạo thiết kỵ binh như vậy. Dưới chân núi Cao Lan, Hoắc Khứ Bệnh lần đầu tiên kể từ khi rong ruổi trên thảo nguyên đối mặt với một đạo quân Hung Nô hùng mạnh gồm bốn vạn người do những thanh niên trai tráng của hai bộ lạc Hồn Tà, Hưu Đồ tạo thành.

Một vạn kỵ binh giáp chiến với bốn vạn người Hung Nô nhưng không một ai cảm thấy sợ hãi. Những ngày hành quân cấp tốc và tiễu trừ các bộ lạc Hung Nô vừa qua đã làm bùng phát tính hiếu chiến ẩn sâu trong lòng mọi người. Chính những người Hung Nô này đã xâm phạm đất nước họ, hãm hiếp đàn bà con gái trên quê hương họ, giết người nhà của họ. Cuối cùng, cũng có một ngày người Hán tấn công tới tận sào huyệt, tựa như một lưỡi đao sắc bén đâm vào bụng bọn chúng, vậy thì còn có lý do gì để không hăng hái đánh một trận thật sự. Đó cũng chính là mục đích khiến bọn họ hành quân ngàn dặm xa nhà tới đây.

Vào lúc ý niệm “không thành công thì cũng thành nhân” hiện lên trong đầu mỗi binh lính quân Hán thì trận ác chiến bắt đầu nổ ra. Người Hung Nô kinh ngạc trước sức chiến đấu ngoan cường mãnh liệt của quân Hán. Đám người Hán vẫn luôn yếu ớt, chỉ cần dí ngón ty cũng có thể xô ngã trong ký ức đột nhiên mạnh mẽ hung hãn hơn cả đàn sói của Trường Sinh Thiên, khi vó ngựa giày xéo lên tim người Hung Nô thì họ không thể không thừa nhận đây là một đội ngũ hùng mạnh hơn hẳn so với tưởng tượng của mình. Từ lúc giáp chiến đến lúc tạm ngừng, hai bên vẫn duy trì thế giằng co.

Hoắc Khứ Bệnh hạ lệnh cho mọi người nghỉ ngơi dưới chân núi Cao Lan. Hắn đứng một mình trong đêm nhìn lên ngọn núi sừng sững giữa bóng tối. Công bằng mà nói thì ngọn núi Cao Lan này thật ra không hiểm trở bằng Hoa Sơn mà hắn từng vượt qua. Hoắc Khứ Bệnh nhớ lại lời mẫu thân nói trước lúc ra đi. Hắn là đứa con độc nhất của người, nếu không chiến thắng thì hắn sẽ không thể sống sót trở về đoàn tụ, thế nên chỉ được phép thắng, không được thất bại.

Chiếc túi gấm mềm mại vẫn đeo trên ngực hắn trong suốt cuộc hành trình dài dằng dặc từ Lũng Tây đến nay. Hắn không nhớ về những vui buồn cùng ba cô em họ công chúa tôn quý mà chỉ nhớ tới cô bé không thích giết chóc kia. Đáng tiếc rằng, hắn lại là kẻ trời sinh ra để giết chóc. Ngựa xéo Hung Nô là giấc mộng của hắn. Giờ ước mơ đó sắp được thực hiện khiến hắn không thể ngủ nổi. Hắn nghĩ tới rất nhiều chuyện. Ví như chuyện tranh đấu mãi mãi không ngừng trong hậu cung ở thành Trường An và khuôn mặt phảng phất nét cười của Hoàng thượng. Cữu cữu nói rằng hai cậu cháu nhờ may mắn gặp được một Hoàng thượng như vậy nên mới có cơ hội cưỡi ngựa cầm binh bảo vệ biên cương. Nhưng cữu cữu đã bị liên lụy vào cuộc chiến trong cung đình, đến nỗi phải sống những ngày buồn tẻ, không thể dẫn đại quân tiến vào lãnh thổ của người Hung Nô lần nữa.

Hắn nhớ tới lễ thành thân của Vệ Trường công chúa hồi tháng trước. Hắn cũng đã đến tuổi kết hôn, trước ngày xuất chinh, mẫu thân đã bắt đầu lựa chọn tiểu thư thế gia quý tộc để hắn thành gia lập thất, nhưng giấc mộng của hắn lại nằm ở vùng thảo nguyên này. Vì giấc mộng của mình, hắn chưa bao giờ chuẩn bị sẵn sàng để trở về quê hương. Người như hắn thì làm sao có thể nắm tay một người con gái, hứa hẹn dâng cho nàng cả cuộc đời?

“Khứ Bệnh”, Triệu Phá Lỗ gọi hắn với giọng trong trẻo quen thuộc, “Nghỉ thôi. Hành quân liên tục như vậy cũng mệt mỏi lắm rồi. Nếu không đủ tinh thần thì làm sao chém giết bọn Hung Nô được chứ?”

Hoắc Khứ Bệnh nhìn về hướng doanh trại của quân Hung Nô, đôi mắt đen nhánh ánh lên vẻ kiên quyết, “Ta sợ rằng chỉ cần nghỉ một chút là mình sẽ không còn tinh thần nữa.” Hắn mỉm cười đáp rồi phi thân lên ngựa, hô vang, “Tất cả huynh đệ, chuẩn bị xuất kích.”

Trận đánh thứ hai do quân Hán phát động còn kịch liệt hơn cả trận đánh đầu tiên. Người Hung Nô luôn miệng chửi rủa quân Hán xảo trá đã đánh lén khi trời còn chưa sáng, nhưng dưới ánh đao loang loáng như tuyết thì mọi lời oán trách đều trở nên vô nghĩa. Bộ mặt tàn khốc của chiến tranh đã hiện ra trước hai dân tộc, trong số những người đã ngã xuống có kẻ địch, cũng có cả chiến hữu của mình.

Hoắc Khứ Bệnh phất tay ra lệnh, một đội nỗ binh[3] tiến lên, giương nỏ liên hoàn nhằm bắn quân Hung Nô. Trong bóng tối, quân Hung Nô cho đó là cung tên nên không coi trọng. Tên bay vun vút như châu chấu, hàng loạt quân Hung Nô nối nhau lớp lớp ngã gục. Thủ lĩnh quân Hung Nô hoảng sợ rút lui, Hoắc Khứ Bệnh dò theo đấu chân, thúc ngựa đuổi theo. Ngựa phi như bay trên thảo nguyên, tiếng vó dồn dập kích động tâm hồn mỗi người. Tướng bại trận trước hết là thua ở khí thế, chỉ lát sau đã bị Hoắc Khứ Bệnh đuổi kịp.

[3] Nỗ binh: Đội quân chuyên dùng nỏ.

Hoắc Khứ Bệnh đánh cho gã từ trên lưng ngựa ngã vật xuống đất, lạnh lùng quát hỏi, “Ngươi cũng xứng làm người Hung Nô sao? Không phải người Hung Nô coi việc chiến bại bỏ chạy là nhục nhã sao?”

Trận này tiêu diệt năm ngàn quân địch, bắt sống con trai của Hồn Tà vương và chém chết một vương gia Hung Nô khác. Quân Hán mệt mỏi rã rời, tựa sát vào nhau ngủ gà ngủ gật. Ánh dương dần tỏa rạng, soi tỏ vùng thảo nguyên hỗn độn những đống thi thể. Hỗn Tà vương dẫn quân tới cứu con trai, hai bên đều đã kiệt sức.

“Các huynh đệ”, Hoắc Khứ Bệnh tung người nhảy lên ngựa, trầm giọng nói, “Đánh xong trận này, chúng ta về nhà.” Chúng ta sống trở về nhà, có cận kề cái chết mới biết sống là chuyện tốt đẹp đến nhường nào.

Quân Hán anh dũng vùng lên, chiến đấu quyết tử, ánh mặt trời ở cuối chân trời đỏ rực như máu người Hung Nô đã đổ xuống, tính mạng ở nơi này không đáng giá một xu.

Cuối cùng quân Hán cũng thắng lợi, ba trận ác chiến tiêu diệt gần chín nghìn quân địch. Từ nay, Hoắc Khứ Bệnh trở thành một truyền thuyết bất bại trong quân đội Đại Hán, cùng với cữu cữu của mình là Trường Bình hầu Vệ Thanh và Trường Tín hầu Liễu Duệ được xưng tụng là ba đại danh tướng tuyệt thế triều Hán Vũ Đế, làm mờ nhạt danh vọng của những lão tướng như Trình Tri Tiết, Lý Quảng…

Khi Hoắc Khứ Bệnh dẫn theo những kỵ binh còn sống trở về lãnh thổ Đại Hán, quân Phiêu kỵ bộc phát hoan hô. Phía đông, Trường Tín hầu Liễu Duệ cũng báo tin chiến thắng. Từ đầu đến cuối, triều Hán Vũ Đế là thời đại của những anh hùng.

Rất nhiều năm sau, mọi người nhìn lại giai đoạn lịch sử này đều cảm khái, tiếc không sinh ra sớm ba trăm năm để được ngắm cảnh huy hoàng cường thịnh đó.

Ngày mồng năm tháng Tư năm Nguyên Thú thứ hai, Liễu Duệ dẫn chủ lực quân Hán gồm hai vạn kỵ binh tới hữu Bắc Bình. Không ai biết Trường Tín hầu Liễu Duệ đã phân nhiệm vụ gì cho Trấn Viễn hầu Lý Quảng ở trong trướng nhưng ngày hôm sau Lý Quảng đã dẫn một vạn kỵ binh của hữu Bắc Bình và của các địa phương xung quanh điều tới biến mất không còn tung tích. Trường Tín hầu Liễu Duệ chỉ huy trung quân từ từ tiến về cánh trái của Hung Nô, nơi nào đi qua cũng thẳng tay tiêu diệt các bộ lạc của đối phương.

Ngày mười ba tháng Tư, đại quân gặp quân tiên phong của Hung Nô do Tả Hiền vương Mãng Thái chỉ huy ở Ô Lan Ba Thác, phân cách bởi bờ sông Nhược Lạc. Mãng Thái cưỡi tuấn mã Hung Nô nhìn sang bờ sông bên kia, thấy trong trướng quân Hán dựng lá cờ thêu chữ Liễu.

“Không được khinh thường Liễu Duệ.” Thiền vu Y Trĩ Tà của Hung Nô đích thân cầm quân xuất chinh lần này đã từng dặn hắn ta trước khi tới đây: “Trong chiến dịch Mạc Nam năm xưa, hắn và bộ hạ đã tự tay bắt được Hữu Hiền vương Lạc Cổ Tư ở Hà Nam. Trung Hành Thuyết từng giao chiến với hắn cũng phải khen ngợi hắn là một nhân tài.” Lúc ấy, hắn ta bĩu môi cho rằng Liễu Duệ chẳng qua lại là một tướng lĩnh bám váy nữ nhân có quan hệ với hoàng đế triều Hán giống như Vệ Thanh trước đây. Hắn ta không thể tin hoàng đế triều Hán ngồi ở thành Trường An phồn hoa xa xôi kia lại may mắn đến như vậy, người thân của những người phụ nữ trong tay y đều là cao thủ hành quân đánh trận. Đứa con út Ngạc La Đa mà hắn ta thương yêu nhất đã chết chính ở trong tay Liễu Duệ năm đó nên hắn ta nhớ kỹ mối thù này suốt hai năm qua. Hắn ta cũng không tin rằng nếu chém giết công bằng trên chiến trường thì người Hung Nô có Trường Sinh Thiên che chở lại thua người Hán yếu ớt chỉ ăn lúa gạo lớn lên.

Ngày mười bốn tháng Tư, hai quân hội chiến.

Quân Hán cưỡi tuấn mã vượt sông, bọt nước bắn tung tóe lên người nhau, trong nháy mắt đã chảy xuôi xuống theo áo giáp. Mãng Thái dũng mãnh hơn người, quát lớn một tiếng rồi đứng ở bờ sông hò hét, “Các dũng sĩ Hung Nô, không cho đám người Hán man rợ này bước qua bờ sông Nhược Thủy của chúng ta nửa bước.” Hắn ta quát xong liền vung đao chém vào đùi ngựa một quân Hán khiến con ngựa hoảng sợ chồm vó trước lên. Người lính Hán kia không thể khống chế được dây cương ngã nhào xuống, trong giây lát bị người phía sau giẫm lên. Cũng không ai rảnh rỗi để ý, cho dù chỉ một khắc.

Từ trong trung quân, quân Hán tách ra một tuấn mã trắng tuyền, tướng quân trên ngựa đội mũ giáp màu xám, oai phong lẫm liệt. Người này hừ lạnh một tiếng, đón lấy cây cung cứng từ hộ vệ phía sau, giương cung lắp tên nhắm chuẩn Mãng Thái bắn tới. Mũi tên rít lên xé gió bắn trúng tay phải của Mãng Thái, đầu mũi tên cắm vào tận xương. Mãng Thái đau điếng, suýt nữa đánh rơi cả thanh loan đao đang cầm trên tay, vừa ngẩng đầu thì liền biến sắc, giọng run lên, “Lý Quảng?”

Phi tướng quân Lý Quảng! Viên tướng quân kia chính là Lý Quảng được truyền tụng qua hai câu thơ:

“Ví thử Long Thành Phi tướng trấn

Ngựa Hồ đâu dám vượt Âm Sơn.”

Quân Hán tức thì hoan hô như sấm động, sĩ khí dâng cao. Lý Quảng nhìn chăm chú vùng chiến trường thuộc về mình, chờ đợi bao lâu mới mở ra được cơ hội trời cho này? Trong khoảnh khắc quyết định sinh tử trên chiến trường, dù biết không thể nhưng ông vẫn bất giác nhớ lại lời mà Trường Tín hầu Liễu Duệ đã từng nói khi hai người bí mật họp bàn trong trướng.

“‘Phùng Đường chóng già, Lý Quảng khó phong’, Lý Quảng, ông có biết vì sao mình lại khó được phong hầu như thế hay không? Thân là thống soái ba quân nhưng lại thích cái dũng của kẻ thất phu. Cho dù là dẫn trăm người truy kích Hung Nô hay là tìm đường sống trong cõi chết, chẳng qua cũng chỉ là mạo hiểm. Một người chỉ biết mình thì lấy đâu ra quân sĩ đồng lòng?”

Lý Quảng nín lặng. Ông có tính cách tự phụ, trước giờ vốn chưa từng nghe ai. Nhưng người đối diện chính là Trường Tín hầu Liễu Duệ, nếu như không có Liễu Duệ chỉ điểm trong cuộc chiến Mạc Nam vào năm Nguyên Sóc thứ sáu thì ông cũng không thể nào được phong danh hiệu Trấn Viễn hầu. Nửa đời ông chinh chiến trên lưng ngựa, cuối cùng được phong hầu lại là nhờ một người mới chỉ điểm. Nhưng chính vì ông là quân nhân, hiểu rõ đạo lý quân tử không được phụ dù chỉ một lần ân huệ, nên ngay cả tộc đệ Lý Thái trở thành thừa tướng nhờ vào hôn lễ với Vệ Trường công chúa mà mơ hồ ủng hộ Vệ gia thì ông vẫn nhớ tới ân tình của Liễu Duệ nên không chịu hùa vào.

“Ta giao hai vạn kỵ quân cho ông. Để xem khi Lý Quảng có chiến trường thì sẽ lập nên chiến tích huy hoàng thế nào?”

Lý Quảng chia quân Hán thành bốn phần, luân phiên vượt sông phát động tiến công nhưng chỉ giao chiến một lát thì lui về. Lúc mới bắt đầu, người Hung Nô tin là thật, vất vả ứng phó, rốt cuộc sau mấy lần bị lừa mới tỉnh ra. Mãng Thái ở bờ bên kia giậm chân mắng chửi nhưng toàn tiếng Hung Nô nên quân Hán không hiểu, cũng không thèm để ý. Đến lúc tối mịt,người Hung Nô đã mỏi mệt thì Lý Quảng hạ lệnh toàn lực tiến công. Khi người Hung Nô vừa có phản ứng thì tốp kỵ binh đi đầu của quân Hán đã tới được giữa dòng Nhược Thủy.

Đó là cuộc chiến cực kỳ gian khổ, quân Hán lớp trước ngã xuống lập tức có lớp sau tiến lên, không sợ hy sinh, đạp trên thi thể đồng đội để vượt qua. Thế công mãnh liệt của thiết kỵ Đại Hán đã chia cắt đội hình của người Hung Nô, tiếp đó là cận chiến khốc liệt. Quân Hán vượt trội ở sĩ khí hung mãnh, lại có Phi tướng quân danh chấn Hồ Hán chỉ huy, một mình một ngựa dẫn đầu chém giết rất nhiều binh lính Hung Nô. Máu tươi đổ xuống dòng Nhược Thủy rồi chầm chậm xuôi về hạ du, càng lúc càng nhạt. Người Hung Nô tử thương nặng nề, Mãng Thái dẫn tàn quân liều chết chạy trốn về hướng tây bắc.

“Thôi được rồi.” Lý Quảng ngẩng đầu nhìn Mãng Thái đang bỏ chạy, cười hào sảng, “Hắn có thể chạy thoát trận này nhưng phía trước còn có thiết kỵ của Trường Tín hầu chờ hắn.”

Nếu chỉ huy trung quân là Phi tướng quân Lý Quảng, vậy thì Trường Tín hầu Liễu Duệ đi đâu? Quân Hán quay mặt nhìn nhau, không một ai biết đáp án.

Lúc này Trường Tín hầu Liễu Duệ đang dẫn một vạn kỵ binh dưới trướng Lý Quảng, trong đó có cả kỵ binh Khâu Trạch do chính tay hắn đào tạo nên, nổi danh khắp Đại Hán, được xưng Đại Hán song hùng cùng với Phiêu kỵ quân của Hoắc Khứ Bệnh, từ trước đến giờ vẫn chỉ hành quân trong nước, chưa bao giờ đặt chân lên vùng thảo nguyên Mạc Bắc.

Vừa tới thảo nguyên một ngày, Liễu Duệ ngồi trên lưng ngựa ngoảnh lại nhìn mặt trời vừa nhú lên ở phía sau. Người đời đều nói Hoắc Khứ Bệnh dũng cảm mạo hiểm nhưng không biết rằng lá gan của Liễu Duệ còn lớn hơn cả Hoắc Khứ Bệnh.

Liễu Duệ dũng cảm nhưng không mạo hiểm, tất cả mưu lược của hắn đều dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về giai đoạn lịch sử này. Nếu như không có chuyện Triệu Tín quy hàng người Hồ thì sau cuộc chiến Mạc Nam, Y Trĩ Tà vẫn nghe theo đề nghị của Trung Hành Thuyết dời vương đình về Mạc Bắc. Vì thế lần này Y Trĩ Tà có thể yên tâm dẫn quân tiến về phía trước, không lo vương đình bị tập kích. Thế nhưng giới hạn xa nhất của việc luồn sâu tập kích là do con người lập nên, chỉ sợ chính bản thân người Hung Nô cũng không thông thạo thảo nguyên bằng Liễu Duệ có ký ức thời hiện đại.

Liễu Duệ luồn sâu tập kích còn thông thạo hơn cả Hoắc Khứ Bệnh về mặt che giấu dấu vết. Vì thế khi hắn lội qua sông Khắc Lỗ Luân, vượt qua núi Sắc Lặc tiến sát tới vương đình Hung Nô thì vương đình không hề hay biết. Cho dù Y Trĩ Tà có chủ ý phân bổ quân lực để đối phó với cánh quân Hán bố trí không biết để làm gì này thì tuyệt đối cũng không ngờ rằng mục đích của quân Hán là nhằm vào sào huyệt của mình.

“Truyền lệnh xuống”, Liễu Duệ không sợ hãi bất kỳ nguy hiểm nào nên không thèm che đậy dấu vết, ra lệnh, “Hễ là người Hung Nô thì đều giết sạch.” Hung Nô là một dân tộc dũng mãnh như cỏ dại, lửa thiêu không hết sẽ lại sinh sôi khi gió xuân về. Lúc này hắn đành phải quên đi những gì được giáo dục từ nhỏ mà nhẫn tâm ra quyết định như vậy.

“Nhớ kỹ!” Hắn nghiêm nghị hạ lệnh, “Lưu ý có tin tức của công chúa trưởng Nam Cung thì không được làm tổn hại.”


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...