Kim Lăng Thập Tam Thoa
Chương 4
Fabbi thấy lệnh cấm của mình chẳng ăn thua gì, bèn gọi Ngọc Mặc đến buồng ăn, đánh rắn phải đánh trúng đầu.
“Lần cuối cùng tôi cảnh cáo các người, còn ra ngoài đi lung tung thì các người không được chấp nhận nữa.”
Ngọc Mặc xin lỗi rồi nói: “Chúng tôi biết chúng tôi không được chấp nhận, nhưng họ đói thật sự.”
Đám đàn bà nhớn nhác tụ tập ở cửa buồng ăn để xem đại biểu đàm phán của mình có làm hết trách nhiệm không, có cần họ giúp gì không. Mười bốn người bọn họ dồn cục lại, mồm mép chân tay đều sẵn sàng.
“Chuyện ăn uống nói sau. Trước hết hãy nhắc lại qui định mà tôi đã nói với các người” Fabbi nói.
Anh ta cố gắng chuyển giọng Dương Châu thành giọng phổ thông khiến mấy mụ hay tếu táo cười phì.
“Vậy thì anh nói chuyện cái nhà xí trước đi.” Nan Ni nói.
“Chỉ mỗi nhà xí nữ trong đó, khóa rồi. Chúng tôi đành phài đại tiện trong nhà thờ.” Hồng Lăng chỉ vào xưởng đóng sách.
“Nhà xí đó để các người sử dụng sao? Đó là để cho các ông bà các cô cậu làm lễ Misa sử dụng! Bây giờ nước xối cũng cạn rồi, thối hoăng lên thì làm sao?”
Ánh mắt của Ngọc Mặc trùm lên Fabbi, khi cô ta nhìn kiểu như thế, trên khuôn mặt nhỏ nhắn hầu như chỉ còn lại đôi mắt đen to, có muốn lẩn tránh chúng cũng không được. Trái tim đập ba mươi ba năm của Fabbi ngừng lại giây lát. Anh ta không biết rằng đàn ông đừng để cho Ngọc Mặc nhìn như thế, bị nhìn là ăn đòn.
“Ông phó linh mục, bọn họ đều biết tự trọng, nhưng thường thường bị bắt buộc để mất tự trọng” Ngọc Mặc nói. Cô vạch ra một cách rạch ròi ranh giới giữa cô và đám đồng sự hoặc chị em đó để cho Fabbi đừng lẫn lộn, lúc thường loại như Fabbi nghèo kiết xác đừng có hòng được nhìn mặt cô ca kỹ năm sao này.
Fabbi lại nói, rõ ràng có chịu hậu quả của cái nhìn chiếu tướng của Ngọc Mặc. Anh ta hạ thấp giọng nói với Ngọc Mặc như đọc sách, vấn đề nhà xí đúng là phiền phức quá, đã bảo A Cố giải quyết giúp. Họ sẽ cho hai cái thùng kẽm, có nắp các tông, đầy rồi thì đổ vào hố vệ sinh tạm thời đào trong vườn. Nhưng qui định phải đổ trước năm giờ sáng, tránh gặp các nữ sinh hoặc nhìn thấy Engman.
“Năm giờ sáng ư?” Hồng Lăng nói. “Sáng của chúng tôi là bây giờ.”
Con bé giơ cánh tay nung núc những thịt, lộ ra chiếc đồng hồ đeo tay nhỏ, kim chỉ một rưỡi chiều.
“Từ nay, mọi người phải tuân thủ thời gian biểu của nhà thờ. Dậy đúng giờ, ăn đúng giờ. Quá giờ ăn thì xin lỗi, đành chịu. Các học sinh đều chắt bóp sẻ lương thực cho, các cô không ăn, họ chưa chắc đã chịu để yên.” Nói mãi nói mãi, Fabbi tự nhủ, lạ thật tại sao mình lại bình tâm mà tỉ tê với cô thủ lĩnh ca kỹ này.
“Ôi thôi, đúng là nhập tu viện rồi!” Hồng Lăng cười. Bọn đàn bà đều biết gốc tích câu nói này, họ bụm miệng cười. Cái cười của bọn họ vừa nghe đã biết là có ngụ ý, dù Fabbi chẳng hiểu gì chuyện trai gái cũng cảm thấy bị xỏ xiên. “Yên nào, tôi chưa nói hết!” Fabbi thô bạo quát lên, anh có phần thô bạo với chính mình vì thấy mình hiền lành với họ quá.
Ngọc Mặc quay đầu nghiêm khắc nhìn đồng nghiệp. Tiếng cười tắt.
“Mỗi ngày ăn mấy bữa?” Đậu Hoàn hỏi.
“Cô muốn mỗi ngày mấy bữa, thưa cô?” Anh ta hất cằm lên. Mi mắt cụp xuống, nhìn cô bé lùn lại càng lùn.
“Chúng em quen ăn ngày bốn bữa, đêm lại thêm bữa nữa.” Đậu Hoàn trả lời thật thà.
Hồng Lăng vội tiếp lời: “Đêm đơn giản chút cũng được, mấy món nhẹ, một bát súp, một ly rượu mạnh là tạm được rồi.” Con bé biết Fabbi tức lắm, trêu tức Fabbi cũng khoái. Theo kinh nghiệm của nó, một đàn ông một đàn bà đấu đá nhau sẽ rất dễ thân nhau, hứng lên là quấn lấy nhau.
Nan Ni hỏi: “Có được dự lễ không?”
Hồng Lăng khoái quá vỗ tay: “Ở đây có người muốn cải tà qui chính để làm lại cuộc đời nhưng thực ra là để thăm dò, dự lễ thì được uống bao nhiêu rượu, đừng mắc bẫy, nó có thể uống cạn thùng rượu của các ông đấy.”
“Cút mẹ mày đi!” Nan Ni vờ mắng.
Ngọc Mặc lập tức khỏa lấp đi, cô nói với Fabbi: “Thưa ông phó linh mục, nếu không được các ông tốt bụng thu nhận thì có thể chúng tôi đã gặp nạn rồi.” Cô vừa nói vừa dùng đôi mắt đen thăm thẳm chiếu thẳng vào Fabbi, khiến anh chàng rơi tõm vào đó và chìm nghỉm. “Thời loạn, được đãi chị em hớp cháo loãng chúng tôi cũng thấy cảm kích lắm rồi, nó thay chúng tôi cám ơn chị em.”
Có lúc nào đó Fabbi quên béng thân phận của người đàn bà này, anh ta cảm thấy mình như đang ở trong một công viên hay bên bờ hồ Huyền Vũ, hoặc đi trong bóng mát của rặng cây ngô đồng Pháp trên đường Trung Sơn(4), vô tình gặp một người con gái, không cần hỏi han cũng biết là con nhà danh gia thế phiệt. Tuy sự đoan trang có vẻ hơi quá nhưng sự thanh lịch và hiền hậu là thật, lời ăn tiếng nói chững chạc cho dù có chút điệu đà.
Fabbi vốn định nói gọn trong vài câu là xong, nhưng anh ta phát hiện ra mình đang dẫn Ngọc Mặc đi ra phía sau nhà thờ. Thấy các ả nghi nghi hoặc hoặc bám theo, anh ta bèn đứng lại, bảo họ nên nghe lời một chút, đi về chỗ ở dưới tầng hầm. Vừa rồi Fabbi nói là “xin cô đi theo tôi” chứ không phải “xin các cô đi theo tôi.”
Phía sau nhà thờ có một cái hồ hình chữ nhật, nước dùng để rửa tội. Bể xây bằng đá trắng, đáy hồ đọng một lớp lá đào rụng, đã úa thành màu nâu đỏ. Khi Thượng Hải thất thủ, người ta lo phần xác hơn phần hồn, suốt ba tháng trời không có ai rửa tội. Fabbi chỉ vào bể nước đã ngả màu nước trà và nói: “Tôi muốn cô xem cái này. Từ khi các cô đến, nước đã cạn mất nửa. Tôi có thể nhờ cô bảo họ đừng lấy trộm nước đi giặt quần áo và rửa ráy nữa được không?”
Fabbi lật tẩy chính mình: Mày chẳng cần phải dẫn cô ta ra đây mà nhắc nhở. Chẳng qua là mày muốn chuyện trò với cô ta, muốn cô ta cứ chiếu tướng mày để mày ngụp lặn trong đôi mắt đen của cô ta thêm nữa?
Cặp mắt ấy khiến Fabbi cảm thấy nguy hiểm và đáng sợ hơn cả chiến tranh. Mong sao mối nguy hiểm của cuộc chiến tranh bên ngoài bức tường sẽ chấm dứt vào ngày mai hoặc ngày kia, nếu được thế thì mối nguy hiểm ở trong này có tính hủy diệt hơn sẽ không kịp nảy sinh.
“Được, tôi nhất định sẽ chuyển lời của ông phó linh mục.” Ngọc Mặc mỉm cười.
Nụ cười của cô ta khiến Fabbi sợ chết khiếp. Cái ý nghĩ mà chính anh ta còn mù mờ thì cô ta đã biết tỏng rồi và dùng nụ cười để an ủi anh ta: Không sao đâu, đàn ông mà, điều ấy chỉ nói lên rằng anh là con người bằng xương bằng thịt.
“Nếu trong ba hôm nữa nhà máy nước vẫn không làm việc thì chúng ta sẽ chết khát, sẽ khô như đám cỏ này.” Fabbi di chân lên đám cỏ mùa đông khô trắng. Anh ta nhận ra giọng nói mình hơi chua chát, nhưng biết làm sao được, anh ta không định nói kiểu như thế.
Ngọc Mặc nói: “Trước kia ở đây có một cái giếng, đúng không?”
“Năm ấy tuyết rơi rất nhiều, con ngựa non của linh mục Engman bị sa xuống giếng chết. Ông bảo A Cố lấp giếng đi.”
Ngọc Mặc nói: “Có thể đào lại không?”
“Không biết. Tốn công lắm. Dùng hết nửa hồ nước này lẽ nào vẫn chưa có nước máy?” Anh thầm cảnh báo mình: Đây là câu nói cuối cùng, nói xong câu này là không được hé răng nữa.
Ngay cả câu tự cảnh báo không phát ra thành lời này của anh ta Ngọc Mặc cũng nghe được, cô mỉm cười, khẽ cúi mình và nói: “Không dám phiền ông thêm nữa.”
“Nếu tình hình cứ tiếp tục xấu đi, nước không về, không biết tính sao nữa.” Fabbi thấy câu nói vớ vẩn của mình giữ được chân Ngọc Mặc lại. Anh ta hy vọng Ngọc Mặc coi đó chỉ là câu buột miệng nói một mình và cô ta cáo từ nhưng cô ta lại vin lấy câu nói ấy để lại có một cuộc đối thoại tiếp theo.
“Không đâu. Nếu vậy sẽ đi gánh nước, khi chạy đến đây chúng tôi thấy có một cái ao, ở mạn bắc ngay đây thôi.” Cô nói.
“Tại sao mình không nhớ có cái ao nhỉ?” Anh ta nghĩ, đây là câu cuối cùng, cô ta có nói gì cũng không bắt chuyện nữa.
“Tôi thì lại nhớ.” Cô ta lại cười tinh quái. Người đàn ông nào cũng muốn gần cô, huống hồ là anh chàng cô đơn này. Cô đã sớm nhận ra anh chàng này rất cô đơn. Chẳng ai chấp nhận anh ta. Anh ta khác với dân tộc sinh ra mình và khác cả với dân tộc nuôi dưỡng mình.
Fabbi gật gật đầu nhìn cô. Miệng ngừng lại rồi nhưng mắt cứ tiếp tục nói. Điều này chính anh ta không ý thức được. Ngọc Mặc quay mình bước đi. Fabbi thấy dáng sau cô ta đẹp thật, toàn thân đều đẹp.
Đi mấy bước, Ngọc Mặc dừng chân quay lại: “Tối qua chúng tôi cá nhau rằng, nếu người Trung Quốc và người phương Tây choảng nhau, ông đứng về phía nào.”
Fabbi nói: “Cô nghĩ sao?”
Ngọc Mặc cười nhìn anh ta một lát rồi bỏ đi.
Fabbi đột nhiên tức tối nghĩ: Đồ quỷ cái! Khi bóng dáng Ngọc Mặc đi khuất, anh ta tự nhủ không được phép để cho đôi mắt cô ta có cơ hội lôi kéo mình nữa cho dù là nửa giây đồng hồ. Đó là lôi kéo ư? Lôi kéo khó gỡ đến thế ư? Tuy Fabbi là Fabbi Dương Châu, tư duy cũng theo kiểu Dương Châu nhưng anh ta có dòng máu đa tình lãng mạn Italia đang chảy trong người, anh ta đã đọc những trước tác sân khấu và văn học của thế giới mà cha mẹ là hậu duệ của dân Địa Trung Hải để lại, anh ta cảm thấy đôi mắt đen đó không chỉ lôi kéo người ta mà còn cảm thấy chúng lôi kéo người ta bằng câu chuyện nơi thẳm sâu của chúng.
Đêm đó có mưa kèm theo tuyết cho nên trời lạnh thêm mấy độ. Linh mục Engman đọc sách ở căn buồng bên cạnh thư phòng có lò sưởi tường mà vẫn cảm thấy rét thấu xương. Tháp chuông bị bắn sập khiến mấy gian buồng tầng 2 hở toang hoác gió lùa lạnh ngăn ngắt, George Trần không ngừng bỏ thêm than vẫn lạnh. Khi George Trần định thêm nữa, Engman bảo, bớt chút nào hay chút ấy, than không kịp chuyển đến, ở khu an toàn nhiều người già và người bệnh bị chết rét rồi. Về sau ông đọc sách trong buồng ngủ. Nửa đêm không ngủ được, ông muốn đến phòng sách lấy mấy quyển về đọc, vừa đến cầu thang thì nghe tiếng đàn bà trong phòng sách. Ông nghĩ đám bà bà này giống như bệnh dịch, không cẩn thận lây đi khắp nơi. Đi đến phòng đọc, ông thấy Ngọc Mặc, Nan Ni, Hồng Lăng đang ngồi quanh đống than tàn, ai cũng cầm đồ lót vừa hơ vừa cười đùa.
Đây là nơi bốn bề xếp kín sách thánh, có cả ảnh Chúa!
Hai má ông tê cứng lại. Ông nghĩ đám đàn bà này không đáng để ông phải quở trách, ông đến phòng ngủ Fabbi Atonado gọi anh ta dậy.
“Fabbi, tại sao để những loại người này vào phòng đọc của tôi?!”
Fabbi vừa thiếp đi trong hơi rượu nồng nặc, bây giờ lại mượn hơi rượu quát ầm lên: “Cấm đọc! Các người dám đến đây à? Đây là đâu các người có biết không?”
Hồng Lăng nói: “Chúng em bị lạnh nổi cả cục cước đây này! Thấy không!” Con bé rút chân ra khỏi giày giơ ra cho hai linh mục xem. Thấy Fabbi lùi lại như tránh dịch, Nan Ni cười khục khục, Ngọc Mặc lấy cánh tay hích nó. Cô ta biết phen này rầy rà to rồi, chưa bao giờ thấy vị linh mục già điềm đạm này giận dữ đến thế.
“Đi thôi!” Cô cuốn cái nịt ngực trong tay lại, mặt nóng rát mà sống lưng lạnh buốt.
“Em không đi! Ở đây có lửa, tại sao lại để chúng ta chết rét?” Hồng Lăng nói.
Con bé quay lưng về phía hai vị linh mục, duỗi cái chân trần về phía vách lò, ngồi giạng ra như ra hiệu.
“Nếu cô không rời khỏi đây, tôi lập tức mời các người ra khỏi nhà thờ!” Fabbi nói.
“Mời cách gì đây?” Hồng Lăng ngoe nguẩy ngón chân, vừa trẻ con vừa đểu cáng.
Ngọc Mặc đến lôi nó: “Đừng lộn xộn nữa!”
Hồng Lăng nói: “Mời ra khỏi nhà thờ, nói dễ! Đốt cho chậu than nữa đi.”
“George Trần!”
Engman phát hiện thấy có bóng người thập thò góc cầu thang. Đó là George Trần, anh ta vừa đến đây, thấy chẳng nên dây vào chuyện này, anh ta láu cá quay ngoắt lủi xuống.
“Tôi trông thấy anh rồi! George Trần lại đây!”
George Trần sợ cứng người, lò dò bước đến. Liếc nhìn cảnh tượng lập tức hiểu ra nhưng anh ta vờ vẫn hỏi: “Linh mục chưa đi nghỉ ạ?”
“Tôi bảo anh tắt lửa đi, anh chưa hiểu à?” Engman chỉ vào cái lò tường.
“Con định đến để tắt ạ.” George Trần nói.
George Trần là trẻ ăn mày Engman nhặt về, đưa đi học nấu bếp mấy tháng, trở về anh ta tự đổi thành tên Tây: George.
“Rõ ràng anh đã bỏ thêm than vào!” Linh mục Engman nói.
Hồng Lăng cười mắt sáng lên: “George Trần sợ chúng em chết cóng đúng không?”
George Trần rất nhanh trừng mắt nhìn con bé. Thấy thế Engman hiểu ngay, anh ta đã kiếm chác trên thân xác ả gái điếm mũm mĩm này rồi.
Chú thích:
(4) Những địa danh nổi tiếng của thành phố Nam Kinh – ND.
truyen hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp