Kiếm Vương Triều

Chương 6: Thời cơ


Chương trước Chương tiếp

Cơn mưa to đột nhiên ngừng lại. Đa số người dân Trường Lăng đều thở dài một hơi. Bầu trời xanh bình thường dã nhìn chán mắt bỗng chốc trở nên vô cùng thân thiết đáng yêu. Nhiều đội buôn vội vàng tranh thủ lúc này để xử lý hàng hóa bị ẩm ướt. Nhưng thật khiến người ta không ngờ được là chỉ mới qua giữa trưa, bầu trời lại mờ mịt, rồi một trận mưa lại bao phù khắp Trường Lăng.

Trận mưa này không dữ dội như đêm qua nhưng lại hết sức dai dẳng, tí tách từng giọt, trước mắt có thể thấy là không ngừng ngay được.

Trong cơn mưa mịt mờ, những lối phố ngang dọc như được che phủ bằng vô số lớp rèm mỏng mờ mờ.

Ở phía nam thành trường Lăng, có một kiến trúc nhìn như đạo quán, chiếm diện tích vài chục mẫu.

Vương triều Đại Tần ban thưởng rất hậu, có thể lấy đầu một quân địch sẽ được tăng chức một bậc, nhận chín mẫu nhà cửa, chém hai ngàn đầu được thu thuế ba trăm hộ.

Thế nên phần lớn nhà cửa ở Trường Lăng, dù chỉ là của binh sĩ bình thường trông đều lớn đến lạ. Cả Trường Lăng vì thế cứ tiếp tục khuếch trương ra ngoài thêm. Công trình ở phía nam thành này quả thực không coi là lớn gì.

Dù vậy, ngoại trừ mấy vị đại nhân vật ở chốn thâm cung thì tất cả quyền chức vương triều Đại Tần đều ôm thái độ cực kỳ đề phòng và sợ sệt chốn này.

Bởi vì đây là chỗ của Thần Đô Giám.

Công việc điều tra phá án của vương triều Đại Tần chủ yếu dựa vào Giám Thiên Tư. Các chức vị quan viên chính của Giám Thiên tư có hơn ngàn người, tổng số lượng thực khách* dưới trướng của các quan viên nhiều vô số kể. Ngoại trừ các đại án không phải xin phép, còn lại đều phải trình thẳng lên trên. Cho nên quyền lực của Giám Thiên Tư vẫn mơ hồ áp đảo tất cả các ty.

*Khách nuôi bao ăn ở

Song, Thần Đô Giám là ngoại lệ trong số đó.

Danh sách quan viên Thần Đô Giám khoảng trăm người, chưa bằng một phần mười Giám Thiên Tư, bình thường cũng chỉ phụ trách việc điều tra, theo dõi. Thế nhưng đối tượng theo dõi, điều tra đều là các loại quan viên, người tu hành và kẻ có khả năng trở thành người tu hành.

Có thể nói, Thần Đô Giám chính là bộ máy bí mật chuyên dùng để giám sát đội ngũ quan lại và người tu hành của hoàng đế bệ hạ và hai vị thừa tướng dưới một người, trên vạn người kia.

Mặt khác, các quan viên chính của Thần Đô Giám đều là "Chiến cô nhi", đều là con em của các tướng lĩnh, quân sĩ chết trận. Những kẻ này không có nhiều vướng bận, mà cũng không có nhiều chỗ cho người ta uy hiếp nên thông thường sẽ càng lạnh lùng và vô tình.

Đó là lí do tại sao trong mắt đa số quan lại và người tu hành, Thần Đô Giám còn có phần đáng sợ hơn Giám Thiên Tư.

Mạc Thanh Cung lúc này đang ở trong một căn phòng tại Thần Đô Giám. Khác với khi trước, lúc này cơ thể mập mạp của lão đang tỏa ra một mùi máu tanh nhàn nhạt, trên gương mặt bóng loáng không hề còn vẻ tươi cười, chỉ có một luồng sát khí như ẩn như hiện.

Loại hơi thở này khiến cho mấy con côn trùng mùa thu thường xuất hiện trong sân phải chạy biến đi không còn bóng dáng.

Kẻ khiến tâm tĩnh lão khó chịu như thế chính là Dạ Ty Thủ của Giám Thiên Tư.

Hôm qua, Dạ Ty Thủ đã một kiếm chém chết học trò thứ bảy của Kiếm Lô Triệu Trảm, rút đi một cây gai trong mắt cho Đại Tần, là chuyện khiến mỗi người Tần đều lấy làm kiêu hãnh. Thế nhưng, hiện tại đã có chứng cứ xác thực cho thấy viên quan Mộ Dung Thành của Thần Đô Giám ở đó lúc đấy không phải chết trong tay Triệu Trảm mà là bị cô ả giết.

Vai trò của sự có mặt của quan viên Thần Đô Giám là giám sát quá trình làm việc của quan lại các ty. Mộ Dung Thành lại là một người tu hành rất có tiền đồ. Vậy mà sau khi giết chết hắn, cả Dạ ty Thủ và mấy tên cung phụng của Giám Thiên Tư thậm chí đều không thèm xử lý qua miệng vết thương trên xác hắn.

Điều đó chứng tỏ rằng bọn chúng khinh thường chẳng thèm che dấu làm gì.

Dạ Ty Thủ Dạ Sách Lãnh thực sự quá ngang ngược càn rỡ!

Càng khiến cho lão bực tức hơn là thân phận Triệu Trảm vốn do Thần Đô Giám bọn lão phát hiện ra. Dù triệu Trảm chết nhưng đệ tử chân truyền của Triệu Kiếm Lô vẫn còn ba tên, sau lưng lại còn không biết bao nhiêu dư đảng nước Triệu nữa. Dựa theo kế hoạch của Thần Đô Giám thì sau khi giết chết Triệu Trảm, sẽ đem phơi thây hắn ở chỗ đông người để thu hút thêm nhiều dư nghiệt nước Triệu. Thế mà không biết Dạ Sách Lãnh đã áp dụng thủ đoạn gì mà có thể đứng ra làm chủ cho an táng Triệu Trảm, còn nhận được sự ngầm đồng thuận của bệ hạ. Điều này hiển nhiên đã khiến rất nhiều nỗ lực bỏ ra và các bố trí tiếp theo của Thần Đô Giám toàn bộ tan thành bọt nước.

Ngay vào lúc này, sau mấy tiếng gõ cửa có tiết tấu, Tần Hoài Thư bước vào phòng, đi tới trước bàn đọc sách của lão.

"Hỏi rõ rồi chứ?"

Mạc Thanh Cung ngẩng đầu lên, đè cơn tức giận xuống, thấp giọng hỏi.

Tần Hoài Thư khẽ gật đầu kính cẩn, nói luôn: "Phương Hầu phủ đã cung cấp câu trả lời thuyết phục. Dù tư chất tên nhóc quán rượu ngõ Ngô Đồng rất tốt nhưng lại là dạng thân thể Dương Cang Nan Phản hiếm thấy."

Mạc Thanh Cung khó chịu nhíu mày, "Thân thể Dương Cang Nan Phản là cái gì?"

"Một loại thể chất dương khí quá vượng." Tần Hoài Thư tỉ mỉ giải thích: "Loại thể chất này có khí ngũ tạng dồi dào gấp mấy lần người thường nhưng mãnh liệt như lửa cháy. Loại thể chất này ngay ở thời kỳ tráng niên, cơ thể cũng đã suy sụp hoàn toàn."

Sắc mặt Mạc Thanh Cung càng thêm khó coi hơn: "Nói đơn giản là hư hỏa* quá vượng, thiêu đốt tinh huyết?"

*Có thể hiểu là ngọn lửa vô hình, xuất hiện bên trong cơ thể.

"Ý nghĩa đó không sai biệt lắm. Có điều hư hỏa quá vượng, thiêu đốt tinh huyết bình thường còn có thể nghĩ cách chữa trị nhưng với loại thể tạng này ngay cả Phương Tú Mạc cũng bó tay, hoặc cũng có thể có dạng linh dược, bảo vật đó nhưng cũng không đáng phí trên người nó." Tần Hoài Thư khẽ gật đầu. Trong ánh mắt của gã có vẻ đồng cảm xen lẫn tiếc nuối, bởi vì gã hiểu rất rõ rằng một kẻ bình dân muốn lọt vào mắt những đại nhân vật chân chính kia là chuyện khó khăn cỡ nào.

Theo một ý nghĩa nào đó thì tên nhóc ngõ Ngô Đồng kia đã có cơ hội một bước lên trời, nhưng vì vấn đề thể chất nên nó chỉ có thể tiếp tục ở lại con phố xập xệ đó.

Mạc Thanh Cung đã an vị nhiều năm tại vị trí hiển hách này nên dĩ nhiên lão không còn có cảm xúc của kẻ đang gian nan leo lên trước như Tần Hoài Thư.

Đã không thể trở thành người tu hành, đại biểu cho tên nhóc đó không thể trở thành kẻ hữu dụng với Thần Đô Giám. Thế nên lão chỉ khẽ lắc đầu rồi tiện tay nhét sổ hồ sơ tên nhóc đó vào chậu than chuyên dùng để đốt hủy hồ sơ án ở một bên.

Ngọn lửa đỏ tươi liếm láp ra vành chậu như lưỡi rắn. Mạc Thanh Cung đã lâm vào trầm mặc khá lâu nhưng Tần Hoài Thư vẫn chưa rời đi như lão tưởng, vì thế lão lại ngẩng đầu lên nhìn hắn.

"Đại nhân, thân phận Mộ Dung Thành có vấn đề." Tần Hoài Thư nói tiếp, giọng của y trở nên nhỏ hơn, nếu không cẩn thận thì chẳng thể nào nghe rõ.

Mạc Thanh Cung liền hơi nhíu mắt lại, băn khoăn nói: "Tuy là ngày thường Mộ Dung Thành không thân thiết với chúng ta lắm nhưng gia thế của hắn chúng ta đều rất rõ, có thể có vấn đề gì đây?"

Tần Hoài Thư nói: "Xuất thân của hắn không có vấn đề gì, có điều vài ngày trước hắn mới cùng Hứa Hầu phủ định ra chuyện hôn sự. Nếu như không có gì bất ngờ xảy ra, ước chừng mùa đông năm nay hắn sẽ tới ở rể Hứa Hầu phủ."

"Ở rể Hứa Hầu phủ?"

Con ngươi Mạc Thanh Cung không tự chủ co rút lại kịch liệt, trong lòng lão dâng lên cảm giác lạnh lẽo vô cùng.

Trong vương triều Đại Tần, để được phong hầu chỉ có một cách đó là dựa vào quân công.

Hưởng thuế má vạn hộ, ngàn khoảnh ruộng tốt mới là hầu.

Ba trăm hộ cần chém hai ngàn địch thì vạn hộ cần bao nhiêu quân công? Cho dù là kẻ không giỏi tính toán thì trong lòng cũng sẽ dự đoán ra một con số kinh khủng.

Thế nên kẻ có tư cách xưng hầu ở vương triều Đại Tần tổng cộng chỉ có mười ba người.

Nhị tướng song tư thập tam hầu. Mười ba vị vương hầu này cùng với hai vị tư thủ* và hai vị thừa tướng thần bí, cường đại chính là tồn tại đỉnh cao của vương triều cường thịnh này.

*Người đứng đầu một tư/ty.

Một nụ cười khổ dần hiện ra nơi khóe miệng Mạc Thanh Cung.

Lão lại tiếp tục ném một cuốn sổ hồ sơ vào trong chậu than kế bên.

Mặc kệ Trần tư thủ - Nhân vật cao cấp nhất Thần Đô Giám - đang ngồi ở gian phòng trong tận cùng Thần Đô Giám rốt cục có biết hay không chuyện Mộ Dung Thành ở rể Hứa Hầu Phủ, mặc kệ Trần tư thủ có an bài gì không, nhưng nếu chuyện này đã dính dáng đến cấp độ Trần tư thủ và Hừa Hầu phủ thì sự bất mãn và căm tức của lão đối với Dạ Sách Lãnh vì chuyện này đã không còn bất kỳ ý nghĩa gì.

. . .

Mưa vẫn đang rơi.

Đã qua thời gian bữa trưa, mấy vị khách trong quán rượu đã rời đi. Đinh Trữ xác một chiếc ghế trúc lại ngồi dưới mái hiên, rồi vừa ngắm mưa vừa ăn mì.

Mì này là mì cá chua, các lát cá trắng tinh nằm chen chúc lẫn lộn với sợi mì, lát cá không quá vuông vắn, nhìn qua không hút mắt lắm nhưng trộn lẫn với ít dưa chua lại nhìn rất ngon miệng. Nước dùng đậm đà, bên trên nổi lên một lớp váng mỏng trong veo, khiến người ta vừa trông đã nghĩ ngay nhất định vị rất ngon.

Đinh Trữ ăn chẳng vội chẳng vàng, húp gần hết tô mì nóng , rửa sạch tô mì xong, nó cất tiếng chào Trường Tôn Thiển Tuyết ở sau nhà, rồi thay đôi giày rơm cũ, cầm lấy cây dù cũ và đi vào trong màn mưa.

Tại đầu cửa ngõ Ngô Đồng, một đội buôn chạy sát qua bên người nó, mấy tay đánh xe mặc áo tơi lầm bầm theo thói quen, mắng thời tiết quỷ quái.

Đinh Trữ khẽ nở nụ cười.

Đội mưa đi trên con đường ngập cứt gà và nồng mùi nước tiểu quả thực không phải là chuyện sung sướng gì nhưng trận mưa lớn này lại như một món quà trời ban cho nó.

Mưa có thể che khuất tầm nhìn và cảm giác của rất nhiều người, có thể giúp thời cơ mà nó vất vả lắm mới chờ được này càng thêm hoàn mỹ.

Cho nên, dù giày rơm của nó ướt sũng rất khó chịu nhưng tâm tình nó rất vui sướng.

Nó mang theo tâm tình sung sướng đi về chợ cá ở rìa đông Trường Lăng.

Con sông Vị Hà hùng vĩ chạy xuyên qua lãnh thổ vương triều Đại Tần rồi đổ vào biển Đông. Con sông lớn này không chỉ bồi đắp cho phần lớn đồng ruộng Đại Tần mà còn giúp Đại Tần mở ra con đường thông thương tàu thuyền với các đảo quốc hải ngoại, thậm chí có thể giúp một ít người tu hành tìm được ngoài biển một vài trân bảo hiếm có.

Vị Hà khổng lồ đến Trường Lăng lại phân thành mấy nhánh sông, đầu nguồn của nó có thể bắt đầu từ nơi giáp biên vương triều Đại Tần - Vùng đất hoang dã Ba Sơn.

Chợ cá Trường Lăng nằm trên hai bờ nhánh nhỏ nhất của sông Vị Hạ ở đông Trường Lăng.

Nhánh sông nhỏ chỉ rộng tầm mười thước này vì yêu cầu khai khẩn ruộng đồng nên đã bị dựng đê chặn ngang, đoạn nằm trong thành có phần thì trở thành ao cá, có phần thì dựng chợ ở trên.

Những khu chợ này bản thân vốn chỉ là mấy chợ nổi thuyền bè không cách nào chạy tới, nhưng năm dài tháng rộng, hai bờ sông đã mọc lên những túp lều san sát. Mái những căn lều này cùng với các biển hiệu che kín bầu trời, bên trong không gian trập trùng đó ẩn chứa vô số lối đi. Ngay cả trên mặt nước và vũng bùn cũng dựng lên rất nhiều nhà sàn, những con đường gỗ đơn sơ.Thuyền ba lá hay là thuyền nhỏ, thậm chí cái chậu gỗ hơi lớn hơn chút cũng trở thành phương tiện đi lại chốn này, càng khiến mạng lưới cống rãnh đi lại đan xen càng thêm rắc rối phức tạp.

Lúc sắc trời chưa sáng tỏ, đứng ở chỗ cao trên hai bờ sông cúi nhìn vào trung tâm chợ trũng thấp, thấy nó thật giống như quỷ vực trong vực sâu, ma trơi tầng tầng, bóng quỷ lớp lớp.

Khu chợ nhìn không thấy đầu này chính là chợ Cá. Ở đây, ngoại trừ cá thì ngay cả những thứ người thường hay thậm chí cả đa số người tu hành có thể nghĩ tới cũng đều có.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...