Kiếm Đăng

Chương 41: Tuyệt Mệnh tam thức


Chương trước Chương tiếp

Nói về Lữ Cừu Cốc, vung kiếm chém chết độc long rồi cảm thấy thân mình như một chiếc sao rơi, chìm lỉm xuống dưới hồ.

Trong đàm, nước bị độc long vùng vẫy nên cuồn cuộn gợn sóng, thành thử thân chàng vừa rơi xuống đã chìm ngay tới đáy. Tuy không quen bơi lội, song thần trí sáng suốt, chàng liền nín ngay hơi thở, lấy sức tung lên.

Độc Long đàm khác hơn ngoài biển, thân chàng vừa trồi lên dã bị nước chảy cuốn vào một hang đá tối om. Chàng không còn hy vọng sống được nữa, nào ngờ nước vẫn kéo đi, bên hang lại rộng không nơi bấu víu vì đá trơn như sữa, dựng đứng thẳng hàng. Thân chàng cứ trôi đi... trôi đi... Lặn hụp trong hang tối giây lâu, rồi từ từ giòng nước đưa chàng ra nơi sáng. Thì ra, kế bên là một bờ đá lổm chổm và cũng là nơi mà chàng có cơ hội thoát thân.

Cừu Cốc tụ hết sức lực, bám chặt vào bờ, cũng nhờ nội lực cao thâm, nên chàng đã rời khỏi mặt nước không khó mấy.

Ngồi trên bờ tịnh dưỡng thần trí, vận khí tụ công, độ một tiếng đồng hồ trôi qua, chàng đã cảm thấy trong người khỏe khoắn trở lại.

Trời vừa hừng sáng bỗng có tiếng động khiến chàng giựt mình, mở mắt ra xem. Thấy cách chỗ mình ngồi không bao xa, những con cá thỉnh thoảng tung nhảy lên bờ.

Lòng chàng cảm thấy kỳ lạ, tự nhủ :

- “Sao những con cá này lại nhảy lên bờ kìa? Chúng không sợ chết khô sao?”

Bây giờ mặt trời đã mọc, nhưng trên vách núi lại có một luồng quang tuyến rọi ngay xuống nước. Xem kỹ giây lâu, mới biết nơi ấy là một phiến đá trong tợ thủy tinh, nhờ ánh mặt trời rọi xuống nên phản chiếu vào mặt nước hồ, cá thấy ánh sáng tưởng mồi, nhảy lên chực đớp.

Cừu Cốc từ từ đứng dậy đi đến bên vách đá, đưa mắt nhìn quanh. Thì ra nơi đây là một eo núi, đã từng có người bước chân qua, không những có hang đá, đường đi, lại còn có những xương đã khô nằm rải rác.

Chàng không hiểu trong hang đá này có gì, người hay thú ở, nên không dám vào ngay, vội rút thần kiếm cầm tay, rồi dè dặt bước vào từng bước một.

Đến nơi, liền thấy một cửa động bên trong cát trắng làm nền khô ráo sạch sẽ.

Vào sâu hai trượng, nơi đáy hang lại có một cái hang khác nối tiếp. Trong ấy có một phiến đá phẳng lì, bên trên có một bộ xương người đang ngồi ngay thẳng.

Chàng liền đảo mắt xem quanh, tuyệt nhiên không thấy có gì lạ cả. Lòng chàng vẫn còn tự hỏi :

- “Nhân vật nào đã vào được nơi đây vốn không phải là kẻ tầm thường, sao lại không lưu một vết tích gì cả”.

Nghĩ thế nên chàng đi tứ phía tìm lại một phen.

Trước và sau động có khoảng rộng không quá năm trượng. Quả nhiên, trên một vách đá, chàng bắt gặp có những hàng chữ khắc sâu vào độ ba phân, hình như kẻ viết đã vận dụng Kim Cương chỉ pháp lưu tự như sau :

“Ta, Đông Hán Nhứt Dương Tử, vì vào đàm giết cặp độc long, nên bị nước cuốn đến đây. Sở dĩ chưa chết cũng nhờ những con cá tươi hằng ngày dưới nước nhảy lên bờ giúp cho ta làm vật thực. Cá ấy đã hấp nước linh truyền dưới đáy đàm, thành thử thơm ngon. Nhờ vậy mà ta sống đến ba trăm ngoài năm. Hàng ngày chuyên luyện Huyền Môn Thái Thanh tâm pháp”...

Cừu Cốc đọc đến đây không khỏi thất kinh tự nhủ :

- “Người này đến đây đã mấy trăm năm, chẳng lẽ không còn phương pháp nào để ra sao?”

Vì vậy mà chàng đưa mắt nhìn về xương người, không khỏi cảm thấy một nỗi buồn vô vọng. Người ta đã không ra được, thì ta lại có khác gì. Chàng thở dài ảo não đọc tiếp :

“Không phải ta vô phương trở lại thế gian, chỉ vì kẻ xuất gia đâu đâu cũng là nơi tu hành được, gặp phải nơi đây xa biệt giang hồ, nên càng thêm thuận tiện.

Ta biết hai con độc long dưới đàm, sớm muộn cũng gây họa cho nhân gian, cũng sẽ có kẻ bị cảnh ngộ như ta. Vì vậy mà lo tìm phương pháp thoát thân, ta lại khổ tập thành mấy môn võ công tuyệt kỹ, lưu lại trên vách này. Nếu kẻ nào hữu duyên gặp được, mong sao phò khổ cứu nguy”.

Cừu Cốc vốn là con nhà võ, vừa biết trên vách có đề lại các thức võ công, thì chàng không màng đến phương pháp thoát thân nữa.

Chàng thấy phía trên viết rất nhiều chữ, dưới lại có những đồ hình, như hình thì dạy “Huyền Môn Tiên Thiên chân kinh” tâm pháp, hình thì dạy Cầm Nã Chưởng pháp bổ túc lẫn nhau, phía dưới đề năm chữ thật to “Ngự Điện Bài Vân Thủ”.

Thần công Bài Vân thủ mới nhìn sơ thấy như đơn giản, nhưng thực tập lại huyền ảo dị thường.

Cừu Cốc mải mê luyện tập một hồi, cũng phí quá thời gian hai tiếng đồng hồ, mới có thể luyện thuộc được. Nghỉ ngơi giây lát chàng lại bắt đầu nghiên cứu đến Huyền môn Tiên Thiên chân khí theo sự chỉ dẫn trên vách đá. Chàng cảm thấy còn tinh thâm bát đại hơn môn Thiên Chân Chánh khí của chàng nhiều.

Cừu Cốc ở trong hang không biết là mấy ngày mấy đêm, đến một hôm chàng thấy võ học đã luyện thành thục xong. Bấy giờ chàng mới bắt đầu lo tìm cách thoát thân.

Chàng đến trước một bộ xương người, cung kính lạy mấy lạy, rồi ngước đầu lên, bỗng chàng phát giác trên mặt đá nơi chỗ ngồi của bộ xương người, ẩn hiện những giòng chữ nhỏ. Nhưng vì thời gian lâu ngày, đã bị rong rêu phủ lên một lớp mỏng. Chàng lấy tay chùi sạch bụi bặm, mới rõ đấy là những giòng chữ ghi lại một môn võ công. Những văn tự này đã được lão đạo trưởng đề lại lúc sắp chết, trên đầu ghi bốn chữ lớn “Tuyệt Mệnh tam thức”. Kế tiếp là ba đoạn văn chỉ dẫn mỗi chiêu thức võ công. Chiêu đầu tên gọi “Hồn Quy Ly hận”, chiêu thứ hai “Đoạt Mệnh Truy hồn”, chiêu thứ ba “Phan Thiên Phục Địa”. Ba chiêu này được giảng giải rõ ràng theo phương thức tập, phía sau lại có câu bị chú như vầy :

“Phàm hễ kẻ nào học được ba thức này, chưa gặp hồi nguy kịch, tuyệt không được đem ra sử dụng. Còn dưới phiến đá thủy tinh, ta có cất di vật nơi ấy, sau khi lấy xong tìm cách phá vỡ bàn thạch ấy, để cho lũ cá khỏi bị ánh sáng chiếu tưởng lầm nhảy lên bờ chết khô tội nghiệp. Những lời đã dặn, nên khá nghe theo”.

Cừu Cốc vội vàng đến nơi phiến đá. Quả thấy bên dưới có một lỗ hổng, lão đạo trưởng đã cất cẩn thận vào trong ấy một cây trường kiếm cũ kỹ, một lọ hoàn đan, trên nắp lọ viết rõ là “Độc Long đan” có thể chữa trị được trăm độc. Lòng Cừu Cốc không khỏi giựt mình tự nhủ :

- “Chẳng lẽ Long Đinh thảo đã luyện thành đan được đây chăng?”

Chàng cất xong hai di vật của lão đạo trưởng vào người, rồi đưa tay ra sau rút cây thần kiếm, vụt một cái đánh bể phiến đá lưu ly.

Thời gian Cừu Cốc ở trong động, một lòng học tập võ công, nên chẳng bao lâu chàng đã tiến tới rất mau. Chỉ nhún mình một cái, đã như chiếc pháo thăng thiên, nhảy vọt lên cao mười ba trượng.

Hai bên vách núi thẳng trơn, không nơi lồi lõm, nếu người võ công kém cỏi, suốt đời cũng đừng hòng leo lên. Nhưng đối với Cừu Cốc, nội lực cao thâm, võ công tinh diệu, chàng tung mình nhảy lên một cái, đôi chân chạm vào vách đá bên hữ, lập tức mượn thế dậm chân, thân mình lại vọt qua bên tả, cứ qua qua lại lại mãi đến nửa ngày thì người chàng đã trèo lên chót núi.

Ánh thái dương rọi khắp bốn phương, luồng gió mát thổi vào ngực. Mười mấy ngày trời Cừu Cốc sống trong thạch động, tinh thần thảnh thơi, cứ chuyên tâm học tập võ công, nên quên cả mọi điều thế sự. Giờ đây thân lại vào đời, các điều phiền phức từ từ đưa đến trong đầu óc chàng.

Chàng nghĩ đến mình đã mất tích mười mấy hôm, tin ấy chắc giang hồ ai cũng đã hay biết, các vị tiền bối cùng người thân thuộc, thế nào cũng một phen lo lắng buồn rầu.

Mẹ ta Tỵ Trần sư huynh, và Từ Thanh Thu, người vợ kết hôn vừa được mấy tháng. Thế nào họ cũng tưởng ta đã chết, chắc họ đau khổ vì ta.

Giờ đây ta đã thoát hiểm, cần phải cho họ biết gấp tin mừng.

Lại còn việc vị tiền bối đã trút hết hy vọng vào ta, Thái Bạch Tiên Ông ấy, ông ta đang chờ đợi nơi núi Thái Sơn, nếu giờ ta nhanh chóng đến nơi, có lẽ còn gặp mặt kịp.

Suy đi nghĩ lại hồi lâu, chàng liền quyết định việc công làm trước, việc tư để sau. Phải đi lên núi Thái Sơn rồi mới trở về Phỉ Thúy cốc gặp mẹ.

Chủ tâm đã định, thân hình nhanh nhẹn tung bay hướng về Thái Sơn tấn phát.

Đi đến giữa đường, bỗng nhiên mây kéo bốn phương, sấm vang sét chớp. Một trận mưa lớn bắt đầu rơi hạt, Cừu Cốc đang đi trong rừng núi âm u, một nơi đụt mưa cũng chẳng có, nên người chàng phút chốc đã bị ướt như chuột lội.

Bỗng nhiên chàng thấy xa xa có một trang viện, không cần suy nghĩ liền rộng bước phi nhanh đến đấy. Khi đến kế bên mới biết là một biệt thự nguy nga, trên cửa có đề hai chữ mạ vàng to lớn “Di Viên”.

Lòng Cừu Cốc không muốn vào khuấy rầy người ta, nhưng mưa càng lúc càng lớn, thêm gió thét mưa gào mỗi lúc thêm dữ dội, nên chàng bắt buộc phải gõ cửa.

Không bao lâu cánh cửa nạng nề mở, một cụ già tóc bạc hiện ra, đưa mắt nhìn chàng từ đầu đến cuối, đoạn từ từ cất tiếng hỏi :

- Có phải tướng công đến tìm người chăng?

Cừu Cốc kính cẩn chắp tay đáp :

- Tại hạ vốn là kẻ qua đường, đến đây xin đụt mưa. Mong lão công công thương tình cho tạm trú.

Cụ già gật đầu đưa tay ra hiệu cho chàng vào trong nói :

- Nếu là tướng công đụt mưa, vậy xin mời vào nhà nhỏ của lão mà ngồi. Còn nếu muốn gặp chủ nhân, thì phải đợi cho lão thông báo trước đã.

- Thôi, khỏi cần. Tại hạ ẩn mưa đây giây lát, mưa tạnh lập tức đi ngay.

Bỗng nhiên nghe giọng nói từ trong vọng ra, lớn tiếng hỏi :

- Lão Vương, ngươi đang nói chuyện với ai thế?

- Một cậu công tử xin đụt mưa.

- Có khách ghé nhà, sao không mời vào khách thính hầu trà.

Lời dứt thì người ấy cũng đã đến nơi. Một cụ già thân hình to lớn, đầu đội khăn chữ vạn mình mặc vải lam.

Thấy cụ già đến nơi, Cừu Cốc vội cung tay thi lễ nói :

- Vô cớ đã khuấy nhiễu bảo trang, thật lòng vãn bối áy náy vô cùng.

Cụ già mới đến cười lớn nói :

- Tứ hải giai huynh đệ. May mắn lắm mới được cậu vào nhà. Xin mời vào trong dùng trà đàm đạo.

Cụ già ra vẻ ân cần, khiến Cừu Cốc không thể từ chối. Vừa đi cụ già vừa tự giới thiệu :

- Lão phu Vương Phổ Trọng Hoa, trước kia cũng từng qua lại giang hồ, giờ thì cất kiếm về hưu, sống điền viên trong những ngày tuổi đã về già.

Cừu Cốc thấy vậy cũng tự thông danh tánh.

Vương Phổ Trong Hoa nhìn chàng từ trên xuống dưới, bỗng cất tiếng cười hỏi :

- Cậu đã từ đâu đến đây? Sao áo quần lem luốt như thế ấy?

Cừu Cốc cúi đầu tự nhìn mình, không khỏi bật cười. Thì ra đã mười mấy hôm chàng vất vả dưới địa huyệt, mình mẩy dính đầy cát bụi, mặt thì lem luốc chỗ trắng chỗ đen, nhưng chàng tự bảo không nên nói thật ra, đành đáp dối :

- Vãn bối mười mấy hôm nay mải miết trong chốn thâm sơn, cũng vì muốn tìm một môn thảo dược, nên phải dơ bẩn thế này, thật là thất lễ.

Trọng Hoa vội cười đỡ lời :

- Thì ra là vậy. Chẳng có chi đâu.

Đoạn ông quay sang bảo cụ già mở cửa lúc nãy dẫn Cừu Cốc vào trong tắm rửa sạch sẽ.

Trong khi tắm, Cừu Cốc như bỗng nhớ ra một việc liền đưa tay vào áo lấy cuốn “Kiêu Đang Khán Kiếm lục” ra, chàng lộ sắc thất kinh. Thì ra sau khi rớt xuống đấy đàm, cuốn Khiếu Đăng Khán Kiếm lục bị ướt rách tả tơi, màu giấy biến thành vàng cũ, nhưng có một điều lạ sau lưng các trang giấy lại ẩn hiện những giòng chữ lu mờ.

Cừu Cốc đang định xem thử những giòng chữ ấy đã ghi những gì, bỗng nghe hình như có kẻ đang âm thầm dòm ngó. Chàng cười nhạt một tiếng, vội vã cất sách vào trong người cẩn thận, rồi như chẳng hay biết gì cả bước ra khỏi phòng tắm.

Chàng biết mấy hôm nay, ngày nào cũng lo luyện tập Huyền Môn Tiên Thiên Chân Kinh, nên mắt tai linh mẫn dị thường, chỉ một chiếc lá khẽ rơi ngoài hai mươi trượng cũng khó qua được mắt chàng.

Một mặt đi vào đại thính, một mặt e dè kẻ địch, vì cảm nghĩ chủ nhân tòa nhà này vốn cũng là nhân vật giang hồ, biết đâu chẳng phải là người đang tìm mình hay sao.

Khi Cừu Cốc đến giữa hành lang, bỗng một giọng trong trẻo quát to, một đường sáng lòa mắt xẹt đến bên người chàng.

Trong lúc bất thần, Cừu Cốc vội lách mình sang bên, mới tránh khỏi đường gươm đâm lén kẻ địch.

Thì ra một nàng thiếu nữ áo hồng, dung mạo tương trợ như Hàn Thanh Thanh, nhưng tuyệt nhiên không phải là nàng. Cừu Cốc nhớ rõ chưa từng gặp mặt qua người này bao giờ, nên tức giận nói :

- Sao cô nương vô duyên, vô cớ lại đâm lén tại hạ?

Hồng y thiếu nữ như giận đến cực độ, chẳng nói chẳng rằng, đường kiếm cứ liên tiếp công ra, chiêu nào chiêu nấy hiểm nguy khó tả.

Cừu Cốc biết mình là khách trong nhà, không tiện tranh đua với một cô con gái, hơn nữa chàng biết thế nào bên trong cũng có sự hiểu lầm, nên cứ lách mình né tránh.

Lúc ấy, trong nhà như cũng đã phát giác ra, chớp mặt năm bóng người đã đến đứng sau thiếu nữ.

Cừu Cốc đưa mắt lên nhìn, thấy những kẻ ấy nào là tăng nhân, đạo sĩ, thư sinh. Người nào người nấy đôi mắt có thần, thái dương huyệt cao lên, đủ thấy võ công của họ vô cùng thâm hậu.

Đang lúc chàng ngạc nhiên, bỗng đường kiếm của thiếu nữ đã đâm ngay vào ngực. Không còn tránh né kịp nữa, chàng vội ra tay chụp lấy cổ tay nàng.

Hồng y thiếu nữ tưởng rằng thế kiếm này sẽ hạ được đối phương, ngờ đâu mắt bỗng hoa lên, cổ tay đã bị Cừu Cốc nắm chặt. Nàng vừa thẹn vừa giận, tay trái nhanh như chớp điểm ngay vào ngực Cừu Cốc.

Gần đây, Cừu Cốc đã luyện tập quen thủ pháp của cụ già, nên vừa ra tay đã sử dụng hiệu quả lập tức. Cảm thấy một làn da mền mại mát rợi đang nằm gọn trong lòng bàn tay, bất giác người chàng đứng yên ngây ngất.

Lúc ấy tả chưởng của thiếu nữ đánh ra, “Bùng” một tiếng, đập ngày vào ngực chàng. Nhưng thiếu nữ lại hoảng hốt ré lên, miệng rịn máu tươi, người ngã ngồi xuống đất.

Sự việc xảy ra quá đột ngột, ngay cả chàng cũng phải ngơ ngác. Thì ra giờ đây kinh mạch chàng đã đả thông. Một khi ngoại lực chạm vào, lập tức nội thể phản ứng dữ dội. Võ công thiếu nữ tuy cao, nhưng chịu sao nổi sức chấn động của nội gia chân lực, thành thử chàng chẳng bị thương, ngược lại toàn thân nàng lại bị phản kích đến tột độ.

Hiện tượng vừa xảy ra đã làm náo loạn cả trang viện.

Cừu Cốc cảm thấy trong lòng bứt rứt, định tiến lên xem xét thương thế cho nàng.

Bỗng một tiếng quát từ trong nhà phát ra :

- Dâm đồ! Thủ đoạn của ngươi thật quá độc ác.

Cừu Cốc lâu nay chưa từng bị ai gọi là dâm đồ, nên không khỏi ngạc nhiên.

Chàng chưa kịp nhận ra kẻ ấy diện mạo thế nào, thì một luồng chưởng phong như bài sơn đảo hải ồ ồ đánh tới người chàng rồi.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...