Kiếm Châu Duyên
Chương 24: Vì lòng mê sắc vô cớ bắt người. Dùng phép ẩn thân, giữa ngày thoát nạn
- Quái lạ, thằng Trương nhà ta, sao mà mày lại nằm vật ở đây?
Chúng hỏi xong rồi xúm nhau vào vực tên Trương lên giường ở phía ngoài cửa hàng thì thấy tên Trương không bị thương tích ở đâu, song có ôm ngực kêu rên nói là bị người đánh vào không sao chịu nổi.
Nguyên tên Trương cũng là một tên tiểu nhị hầu trong điếm đó song tính nết láu lỉnh và vẫn thường có tính gian tham, thỉnh thoảng lại xoáy của những hành khách cô đơn đến trọ ở đó.
Hôm ấy nguyên lúc Hoàng Vân Nhi vào trọ thì tên Trương trông thấy biết nàng là con gái mà lại đi có một mình, nên đem lòng khinh rẻ, toan lừa lúc quá khuya thì lẻn vào đó để đánh cắp đồ đạc tiền nong. Bất chợt khi hắn ta vừa mới vào tới phía ngoài cửa sồ thì Diêu cương nằm trong tỉnh biết, liền đánh cho một ngọn "Khí quyền" vào ngay giữa ngực, làm cho hắn ta ngã ngay xuống không sao gượng dậy được nữa.
Bấy giờ Diêu Cương hỏi biết lên Trương cũng là người hầu trong tiệm, liền đem chuyện đó thuật cho mọi người cùng nghe.
Các người nghe nói, nhân biết tên Trương vẫn có tính gian, nên cũng không dám nói năng chi cả, chỉ xúm nhau kêu với bọn Diêu Cương để xin cứu chữa giúp cho.
Bọn Diêu Cương nghĩ cũng thương tình, không nỡ làm hại, chàng bèn dùng phép "án quyền" xoa vào ngoài ngực cho tên Trương một lúc thì thấy tên Trương trở dậy được ngay. Khi chàng ta dậy rồi thấy bọn anh em thuật lại thì sợ hãi hổ thẹn vô cùng, vội tránh đi một nơi, không đám thò mặt ra nữa.
Lúc đó trời đã gần sáng, Diêu Cương bèn bảo nhà hàng dọn cơm lên, ba người ăn cơm thực sớm, rồi anh trả tiền hàng ra đi.
Vào khoảng giữa trưa hôm ấy thì ba người cùng đi đến thành Tế Nam. Hoàng Vân Nhi hỏi thăm đến phố Đông Môn thì đến ngay nhà Âu Dương Vĩnh Minh ở đó.
Khi đi đến cửa nhà Âu Dương Vinh Minh, hỏi ra mới biết là Vĩnh Minh đi Sơn Tây vắng, Hoàng Vân Nhi liền bảo người nhà rằng:
- Tôi là học trò của Lục Bất hòa thượng, đại sư tôi có một bức thư rất cần, sai tôi đưa sang đây trình hầu lão gia. Nhưng nay lão gia đi vắng thì xin anh giữ giúp lấy cho, khi nào lão gia về, anh làm ơn đưa trình ngài ngay lập tức, và phải giữ cho cẩn thận giúp tôi, nếu lỡ thất lạc thì rất là nguy hiểm...
Tên người nhà thấy nói là bức thư của Lục Bất hòa thượng thì vội vàng ra dáng ân cần, bảo Hoàng Vân Nhi rằng:
- Thưa cô, ông tôi tuy đi vắng, song công việc ở nhà ông tôi đã giao cho Lưu công tử trông coi. Vậy nếu có việc cô cần thì xin cứ vào nói chuyện cho Lưu công tử biết, có lẽ tiện hơn.
Hoàng Vân Nhi không biết Lưu công tử là ai nên cũng không muốn vào, liền bảo tên người nhà rằng:
- Tôi còn có việc cần phải đi sang Tương Dương một chút, khi nào trở về tôi sẽ vào đây. Vậy phiền anh cứ đưa bức thư này cho lão đạo nhân giúp tôi cũng được.
Nói đoạn liền trao bức thư cho tên người nhà, rồi cùng Diêu Cương và Tấn Từ quay ra ngoài phố. Bấy giờ trời đã đúng trưa, ba người liền tìm đến một hàng cơm Tụ Anh Lâu là một ngôi hàng rất lớn ở đất Tế Nam, rồi cùng nhau vào đó.
Khi bước chân vào trong hàng thì thấy vừa đúng giữa buổi ăn trưa, cho nên khách hàng đến ăn rất nhiều, chỗ nào chỗ ấy đều ngồi chật đông tất cả. Người chủ hàng thấy vậy bèn mời bọn họ đi lên trên gác và chọn một chỗ ngồi ở gần cửa trông ngay ra phố để ngồi. Đoạn rồi Diêu Cương gọi nhà hàng lấy các món ăn lên cùng ngồi ăn uống với nhau.
Đương khi ba người ăn uống trò chuyện với nhau thì chợt thấy có một người vào trạc 80 tuổi, đương ngồi ăn uống ở một gian phía trong, bỗng đứng lên, chạy ra chỗ bên cạnh bàn ăn của bọn này ngồi, đứng tựa vào chắn song cửa, quay nhìn ra phố, song vẫn ra ý lắng tai để nghe bọn này nói chuyện. Diêu Cương thấy vậy cũng hơi hiểu ý, song nghĩ mình ở đó không ai biết tới, vả cũng không có việc gì dính líu với ai, nên cũng phó mặc tự nhiên, không hề để ý.
Nhưng không ngờ người đó là Trương sư gia, chính là một anh thầy của cậu con quan phủ Tế Nam, vốn hay nịnh hót phỉnh phò, giúp con quan phủ Tế Nam để làm những việc bất nghĩa xưa nay.
Hôm ấy con quan phủ Tế Nam, là Công Tôn Pháp cùng Trương dư gia nhân khi vô sự, theo lệ ngày thường dắt nhau ra hiệu Tụ Anh để uống chè chén và nhân tìm cách tiêu khiển với nhau. Khi Công Tôn Pháp thấy bọn Hoàng Vân Nhi kéo nhau vào ăn thì hắn ta để ý nhìn theo rồi gật gù bảo Trương sư gia rằng:
- Tôi coi hai con bé đi với anh chàng kia đều có vẻ ưa nhìn tất cả. Một đứa trẻ tuổi, tuy nét mặt hơi đen, song hai con mắt long lanh như kính, trông thực dễ coi. Còn con bé hơn tuổi thì mặt lại càng kháu khỉnh thú vị lắm... Nhưng không hiểu cái anh đen đen cùng đi với chúng kia là chồng con thế nào của chúng?
Trương sư gia nghe nói, ngẩng nhìn bọn này một lúc rồi gật đầu bảo Công Tôn Pháp rằng:
- Công tử tinh mắt lắm, trông hai con bé khá thực, thế mà tôi sơ tâm không biết, để tôi thử dò xem bọn họ có phải vợ chồng chi không, khắc biết được ngay.
Nói đoạn liền đứng dậy, chạy ra gần chỗ bọn Diêu Cương ngồi, giả vờ đứng nhìn ra phố song vẫn để ý lắng nghe bọn này nói chuyện với nhau.
Một lúc, Trương sư gia liền chạy về bàn ngồi, vẻ mặt tươi cười bảo Công Tôn Pháp rằng:
- Công tử có muốn tôi lập cách để dụ được bọn này cho công tử hay không.
Công Tôn Pháp tươi cười hỏi rằng:
- Sư gia định làm thế nào mà dụ được họ?
Trương sư gia sẽ đáp rằng:
- Tôi đã nghe rõ tiếng nói của bọn họ, một anh chàng mặt đen và một chị chàng trắng trẻo kia thì đều nói tiếng Tứ Xuyên, còn con bé ít tuổi đó thì lại nói tiếng Giang Nam, không giống với nhau. Coi chừng bọn họ không phải là người một nhà thì phải... Nhưng dù sao mặc lòng, công tử cứ lập cách thế này, thế này... là có thể đem bọn họ về tay ta ngay lập tức.
Công Tôn Pháp nghe nói, khen là diệu kế, bèn cùng ăn uống qua loa cho xong bữa, rồi cùng đứng dậy vội vàng về phủ.
Đằng này bọn ba người Diêu Cương, thoạt trước thấy bọn người kia nhỏ to bàn tán với nhau thì cũng có ý hơi ngờ, cố tâm lắng tai để nghe, song không nghe thấy câu gì hết thảy. Mãi sau thấy bọn hai người ấy ăn xong đứng dậy ngay trước thì Diêu Cương lại điềm nhiên coi là vô sự, lại cùng nhau mời chào ăn uống rất là vui vẻ.
Hồi lâu, ba người đã no say rồi, Diêu Cương liền gọi nhà hàng lên tính trả tiền, rồi cùng nhau lững thững xuống lầu đi ra. Bất chợt khi ba người vừa đi ra tới trước cửa hàng cơm thì bỗng thấy có tới 7, 8 người ăn mặc ra lối công sai, người cầm đao, kẻ cầm xích, lăm lăm đi đến, ngăn bọn Diêu Cương đứng lại.
Diêu Cương thấy vậy, không biết chuyện gì, cũng đứng dừng lại, cười bảo bọn công sai rằng:
- Các ông định hỏi ai, hay là các ông hỏi nhầm chúng tôi chăng?
Bọn công sai liền giơ ba cái xích ra rồi đáp rằng:
- Vâng lệnh quan phủ Tế Nam, cho bắt ba người vào để ngài hỏi, vậy xin mời ông và hai cô đi vào ngay cho.
Tấn Từ nghe nói ngạc nhiên kêu dội lên rằng:
- Chúng tôi có tội lỗi gì, các ông bắt tôi là nghĩa làm sao!
Tên công sai cười mà đáp rằng:
- Cái đó chúng tôi cũng không hiểu. Chúng tôi làm việc quan, hễ quan trên sai là chúng tôi phải làm. Còn chuyện các ngài có tội tình gì hay không thì xin cứ vào đó hỏi lại quan phủ, các ngài khắc rõ.
Diêu Cương biết ý nói với bọn họ cũng là vô ích bèn bảo Tấn Từ càng Hoàng Vân Nhi hay cứ theo bọn họ vào phủ xem sao.
Khi về tới phủ, bọn công sai bèn đem cả ba người nhốt vào trong một gian phòng nhỏ, cho người canh giữ sát sạt, không cho ba người nói chuyện với nhau.
Được một lát chợt thấy một tên công sai, chạy vào bảo Diêu Cương rằng:
- Mời anh ra cho quan hỏi.
Diêu Cương ngơ ngẩn theo tên công sai ra tới một gian phòng rộng rãi thì thấy phía trên có hai người ngồi rất oai vệ, một người vào trạc 19, 20 và một người người vào trạc 30 tuổi, tức là hai người mà chàng trông thấy ở hiệu cao lâu lúc nãy, là Trương sư gia và Công Tôn Pháp vậy.
Diêu Cương thoạt bước vào tới nơi thì Trương sư gia cười nhạt hỏi ngay lên rằng:
- Bọn anh ở đâu đến đây, anh định đi đâu mà lại mang theo hai người đàn bà đi đó!
Diêu Cương nghe câu hỏi vớ vẩn, nhân có ý e ngại, bèn trả lời rằng:
- Tôi là Diêu Cương, tôi đi sang Tương Dương có việc. Hai người đàn bà đó một người là vợ tôi còn một người là bạn cùng đi đường với nhau, chứ không phải là họ hàng thân thuộc chi cả.
Trương sư gia nghe nói, cười cười gật gật mà rằng:
- Nếu vậy, anh hãy ngồi ra một chỗ kia, để tôi hỏi rõ hai người xem sao?
Nói đoạn liền sai người vào bắt vợ Diêu Cương ra trước.
Tên công sai vâng lời, vào trong phòng lúc nãy bất Tấn Từ điệu ra. Tấn Từ tới nơi, Trương sư gia liền hỏi:
- Chị với anh chàng kia là gì?
Tấn Từ đáp:
- Người ấy là chồng tôi tên là Diêu Cương...
Vừa nói tới đó thì Trương sư gia vội ngắt lời mà rằng:
- Sao hắn nói tên hắn là Cường mà chị lại nói là Cương.
Tấn Từ cười mà đáp rằng:
- Chính tôi cũng nói là Cường có điều ngài nghe không rỏ đó thôi.
Trương sư gia gật gật cười nhạt mà rằng:
- Thôi được. Cương với Cường cũng chẳng làm chi, nhưng còn người con gái kia là thế nào với chị?
Tấn Từ đáp:
- Người ấy tên là Hoàng Vân Nhi là chị em kết nghĩa với tôi..
Trương sư gia nghe tới đó mỉm cười gật gật rồi sai một đứa thị nữ đem Tấn Từ nhốt riêng vào một chỗ. Đoạn lại cho người đòi Hoàng Vân Nhi ra hỏi.
Hoàng Vân Nhi không biết vợ chồng Diêu Cương khai nói thế nào, và cũng không nhớ tới những công việc bí mật của vợ chồng Diêu Cương trước đây, nên nàng đem cả tên họ của hai người khai rõ cả ra và lại nói cùng đi sang huyện Nhã An bên tỉnh Tứ Xuyên có việc.
Trương sư gia nghe đoạn cười nhạt, trông vào Công Tôn Pháp mà nói lên rằng:
- Đấy, công tử đã nghe thấy hay chưa.
Hoàng Vân Nhi thấy họ xử như vậy thì lấy làm sốt ruột, bèn ra vẻ tức giận mà nói lên rằng:
- Chúng tôi là lương dân an phận làm ăn, vậy có việc gì mà các ngài lại bắt tới đây?
Trương sư gia cười cười gật mà rằng:
- Cô là lương dân an, an phận song bọn hai vợ chồng nhà kia thì có phải là lương dân đâu!
Hoàng Vân Nhi ngạc nhiên hỏi lại rằng:
- Tại sao ngài lại nói thế?
Trương sư gia cười mà đáp rằng:
- Họ là lương dân an phận, cớ sao họ còn đổi tên họ mà gọi là Diêu Cường?
Vân Nhi nghe nói, bấy giờ mới giật mình kinh lạ, song đã trót nói rồi cũng không thể nào mà vớt lại được nữa.
Trương sư gia lại hỏi tiếp luôn:
- Vậy nói cho thực, cô với vợ chồng họ là thế nào, có cứ nói cho thực, đừng bị bọn họ lừa dối mà nguy.
Hoàng Vân Nhi lắc đầu đáp rằng:
- Tôi đi sang Tương Dương thăm người bà con, còn họ đi về quê ở hạt Tứ Xuyên, hai bên quen nhau thì đi với nhau cho vui chớ có việc gì mà phải nổi là dấu điếm.
Công Tôn Pháp nghe đoạn, liền đưa mắt bảo ý Trương sư gia rồi sai người hãy đem Hoàng Vân Nhi giam xuống một phòng với Tấn Từ và lại bắt giải Tấn Từ ra để tra hỏi lại.
Khi Tấn Từ ra tới nơi, Trương sư gia liền làm bộ nộ nạt, quát hỏi lên rằng:
- Nhà ngươi là người nguy hiểm, có biết hay không?
Tấn Từ thấy thái độ như vậy thì giật mình kinh sợ đứng lặng một lát rồi mới nói:
- Chúng tôi có làm việc gì mà ngài cho là hạng người nguy hiểm?
Trương sư gia nói:
- Bọn các ngươi dám thay tên đổi họ và dụ dỗ người con gái kia đi đâu? Ngươi không nói ra thì ta sẽ liệu.
Tấn Từ nghe nói thì biết ngay là Hoàng Vân Nhi đã lộ tên họ thực rồi, trong bụng lấy làm bối rối, bèn nói vội lên rằng:
- Cô ta đi lên Tương Dương, còn vợ chồng tôi đi lên Tứ Xuyên, hai đằng cùng đi với nhau cho vui, chớ nào phải dỗ dành ai đâu!
Trương sư gia gật gật mà rằng:
- Các ngươi là người ở Nhã An thuộc tỉnh Tứ Xuyên, vậy để đợi tư công văn sang đó, hỏi rõ xem sao, nếu quả là không có gì gian trá thì sẽ thả ngay cho về...
Công Tôn Pháp lúc đó mới gật gù hỏi Tấn Từ rằng:
- Vợ chồng nhà ngươi lấy nhau từ bao giờ.
Tấn Từ nghe hỏi tới đó, đỏ bừng mặt lên, nói phắt ngay lên rằng:
- Chúng tôi lấy nhau từ bao giờ, có việc gì đến các ông? Các ông hỏi câu ấy thì khí vô nghĩa quá.
Công Tôn Pháp cười sằng sặc không nói gì, liền sai đứa thị nữ mang giam vào ngay một phòng với Hoàng Vân Nhi.
Bấy giờ Tấn Từ cùng Hoàng Vân Nhi trông thấy cái phòng ấy bày biện lịch sự, rõ ra một cái phòng ngủ rất sang thì hai người không hiểu ý tứ ra sao ?
Hoàng Vân Nhi nhân hỏi Tấn Từ rằng:
- Chị ra đó, họ hỏi thế nào, có quan hệ gì không?
Tấn Tờ cười nhạt mà rằng:
- Họ bảo đợi họ tư giấy sang Tứ Xuyên tra hỏi căn cước, rồi mới cho đi, nhưng...
Nàng nói đến đó, quay nhìn chung quanh, thấy chỉ có một đứa thị nữ ngồi coi ở gần đó, liền nói tiếp lên rằng:
- Nhưng khi nào chúng ta lại chịu. Bất nhược ta đi ngay bây giờ cho rảnh.
Nói đoạn đưa mắt bảo ý cho Hoàng Vân Nhi biết. Vân Nhi hiểu ý bèn đứng ngay lên, chạy đến ôm choàng lấy đứa thị nữ, bưng chặt lấy miệng không cho kêu. Đoạn rồi Tấn Từ liền chạy đến, lấy giẻ nhét chặt vào mồm đứa thị nữ và trói gô cổ ngay lại. Khi trói xong, hai người liền mở cửa đi ra.
Vừa tới cửa, trông trước, trông sau không thấy có ai ở đó, Tấn Từ liền sẽ bảo Hoàng Vân Nhi rằng:
- Liền chỗ đầu nhà đây, tôi thấy có một cái tường liền với ngoài phố, vậy cô nên nhảy qua tường ra phố về ngay nhà Âu Dương Vĩnh Minh đợi chúng tôi ở đó rồi tôi sẽ ra sau.
Hoàng Vân Nhi nghe nói gật đầu một cái rồi quay ra đi ngay lập tức.
Tấn Từ thấy Hoàng Vân Nhi đi rồi, bèn dùng bùa làm phép ẩn hình, quay đi các ngã để tìm Diêu Cương. May đâu vừa đi được mươi bước thì gặp ngay Công Tôn Pháp cùng Trương sư gia vừa đi tới đó, hai người đương nhỏ to trò chuyện với nhau.
Tấn Từ vội vàng len lẻn đi theo hai người để nghe thì thấy Trương sư gia bảo Công Tôn Pháp rằng:
- Việc ấy bây giờ không còn gì là khó nữa, nhân tiện vừa có cái án ăn trộm mới xảy ra đây, vậy chi bằng ta ấn ngay thằng đàn ông cho vào thủ phạm cái án ấy thì tự khắc là đứa đàn bà phải trơ trọi ra ngay. Nhưng trước hết, quan anh hãy cứ làm mặt tôn nghiêm oai vệ mới được.
Công Tôn Pháp thì gật gật cười cười bảo Trương sư gia rằng:
- Cái đó tùy ông, ông làm thế nào mau cho xong thì tôi mới khỏi sốt ruột
Bấy giờ Tấn Từ nghe thấy hai người ấy nói chuyện với nhau thì mới hiểu rõ là bọn họ chỉ vì muốn sự khoái lạc riêng tư mà đến nỗi gây ra công việc như thế. nên trong lòng lấy làm tức giận vô cùng. Tuy vậy song nàng cũng cứ lẳng lặng nín hơi để theo bọn kia xem họ đi đâu. Ba người vừa đi gần tới chỗ hiên nhà kia thì chợt thấy đứa thị nữ bị trói lúc nãy hộc tốc chạy đến.
Công Tôn Pháp thoạt trông thấy đứa thị nữ thì hỏi vội lên rằng:
- Mày chạy đi đâu mà hớt hơ hớt hải thế kia?
Đứa thị nữ vừa mếu vừa ấp úng đáp lại:
- Thưa cậu, con ở trong phòng coi hai người đàn bà, nhưng bị bọn họ trói con lại và bỏ trốn đi đâu mất cả rồi...
Trương sư gia vừa nghe tới đó thì biến ngay sắc mặt hỏi dồn lên rằng:
- Chúng nó trốn đi đâu, sao mày không kêu ngay lên để người ta đến bắt.
Đứa thị nữ cất giọng run run mà đáp:
- Thưa ông con bị chúng nó trói cả chân tay nhét dẻ vào mồm, bây giờ mới có người vào gỡ ra cho con thì con chạy vội ra đây để báo.
Công Tôn Pháp cau nét mặt lại mà rằng:
- Bây giờ mày mới đến báo thì còn làm sao bắt nổi được nữa.
Trương sư gia ngẩn người ra nghĩ một lúc rồi bảo Công Tôn Pháp rằng:
- Được rồi công tử không cần phải nghĩ, còn thằng cha họ Diêu ở đây, ta cứ tra nó thì khắc là thấy hai đứa này ngay.
Nói đoạn liền dắt Công Tôn Pháp đi thẳng sang một gian nhà ở đằng kia. Tấn Từ liền cũng lẽo đẽo đi theo liền ở đằng sau, để lập kế đánh tháo cho Diêu Cương. Khi đi được một lúc, đến một gian nhà kia thì thấy Trương sư gia gọi một tên lính đến bảo mở cửa ra cùng Công Tôn Pháp bước đi vào. Tấn Từ để cho hai người vào rồi thì cũng lẻn ngay vào.
Khi vào tới nơi, Tấn Từ vội vàng chạy sấn lên, đến gần chỗ Diêu Cương, khẽ bảo thầm Diêu Cương rằng:
- Có tôi vào đây rồi anh cứ vững tâm không ngại.
Diêu Cương hiểu ý như vậy, liền lẳng lặng không nói gì.
Lúc đó Trương sư gia làm bộ hách dịch, quát hỏi Diêu Cương rằng:
- Vợ mày với con bé lúc nãy trốn đi đâu rồi? Muốn sống mày phải nói ra, không thì ta sẽ làm tội bây giờ...
Diêu Cương nghe nói chỉ cười ngặt nghẽo mà không trả lời.
Trương sư gia cùng Công Tôn Pháp thấy vậy, đều cho Diêu Cương là điên, toan quay ra gọi người nhà vào để trói lại. Bất chợt chàng chưa kịp quay ra thì Tấn Từ đã chạy đến, giơ tay điểm cho một huyệt, ngã lăn ngay xuống đất. Công Tôn Pháp vội vàng chạy đến toan cứu thì không ngờ Tấn Từ lại điểm luôn cho một huyệt nữa, lại ngã lăn bò ra đất.
Tấn Từ nhân lúc đó, sấn đến tháo ngay xích cho Diêu Cương, và bảo Diêu Cương rằng:
- Hoàng Vân Nhi đã ở ngoài nhà Âu Dương Vĩnh Minh rồi, anh đi mau mau ra đấy, rồi tôi sẽ chạy ra sau. Diêu Cương nghe nói liền chạy ra phía ngoài, nhảy thoắt lên mái nhà chuyền theo lối sau mà đi ra phố... Đoạn Tấn Từ cũng lững thững đi ra ngoài phố đón gặp Diêu Cương, hai vợ chồng cùng đưa nhau đến nhà Âu Dương Vĩnh Minh để tìm Hoàng Vân Nhi.
Về phần Hoàng Vân Nhi sau khi chạy khỏi dinh tri phủ, bèn săm săm đến ngay nhà Âu Dương Vĩnh Minh. Khi tới nơi, bọn người nhà Âu Dương Vĩnh Minh trông thấy thì lấy làm ngạc nhiên hỏi vội lên rằng:
- Chắc hẳn cô lại còn quên cái gì cho nên mới vội vàng đến ngay như thế?
Vân Nhi cũng gật gật cười nói mà rằng:
- Tôi còn quên chút việc, tôi muốn gặp Lưu công tử để hỏi câu chuyện, vậy xin anh làm ơn đưa tôi vào một tí.
Tên người nhà nghe nói liền để vâng lời dẫn Hoàng Vân Nhi đi vào trong nhà để tìm Lưu công tử. Công tử họ Lưu đó nguyên là Lưu Hướng tức là học trò của Tiêu Thất ngày xưa mà Tiêu Thất gửi sang Âu Dương Vĩnh Minh để nhờ Âu Dương Vĩnh Minh dạy giúp. Từ khi Lưu Hướng ở đó với Âu Dương Vĩnh Minh, nhờ có Vĩnh Minh dạy bảo cho các món võ nghệ, lại được thêm giỏi hơn xưa. Bởi thế Âu Dương Vĩnh Minh đối với Lưu Hướng cũng rất có lòng tin cậy và mỗi khi đi vắng thì có công việc gì ở nhà cũng đều giao cho Lưu Hướng trông nom tất.
Hôm đó vừa mới lúc nãy Lưu Hướng nhận được bức thư của tên người nhà cầm vào, nói là có người con gái đem đến để gửi đưa cho Âu Dương Vĩnh Minh thì trong lòng đã lấy làm quái lạ không hiểu là ai, song cũng phải cất đi để đợi Âu Dương về thì đưa lên trình nộp. Không ngờ vừa mới được một lúc lâu lâu thì đã thấy người nhà dẫn một người con gái đưa vào.
Lưu Hướng ngoảnh trông ra thấy người con gái ấy tuy nét mặt hơi đen song vẻ người trẻ trung tráng kiện trông rất đáng yêu. Chàng liền vội vàng đứng dậy đi xuống dưới thềm để đón Hoàng Vân Nhi vào.
Vân Nhi vào tới nơi, ngửa trông lên Lưu Hướng thì thấy là một người con trai tuổi trẻ, mình cao 7 thước, mặt đầy khuôn giăng, môi đỏ như son, hai lông mi nằm ngang như hai lưỡi kiếm đặt trên mắt, hai vai bằng phẳng rộng rãi, lại thêm nét mặt sáng sủa tinh anh rõ ra một trang hào kiệt. Lưu Hướng thoạt trông thấy Hoàng Vân Nhi thì ra dáng lễ phép, nghiêng mình vái chào mà khẽ nói rằng:
- Có phải lúc nãy cô nương để gửi bức thư đây để trình sư phụ tôi hay không?
Hoàng Vân Nhi cũng cúi đầu đáp lễ lại và đem câu chuyện vừa mới bị bắt vào trong phủ thuật lại cho Lưu Hướng nghe. Lưu Hướng nghe đoạn liền dậm chân thở dài mà rằng:
- Thôi, lại thằng Công Tôn Pháp, nó lắm như thế, chớ không còn ai vào đấy nữa.
Hoàng Vân Nhi vội hỏi lên rằng:
- Thưa cậu Công Tôn Pháp là người nào thế?
Lưu Hướng sẽ cười mà nói rằng:
- Mời cô vào chơi trong này rồi tôi sẽ nói chuyện cho cô nghe.
Nói đoạn liền mời Hoàng Vân Nhi vào ngồi chơi, và sai người pha nước lên để thết. Đoạn rồi Lưu Hướng hỏi lại Hoàng Vân Nhi rằng:
- Có phải hai người ấy, một người còn trai trẻ và một người đã hơi đứng tuổi, thường ngồi liền với nhau ở trong tư thất phải không?
Hoàng Vân Nhi gật gật đáp rằng;
- Vâng, thưa cậu chính hai người ấy đấy.
Lưu Hướng gật đầu cười mà rằng:
- Nếu thế thì chính phải rồi. Một thằng trẻ trẻ đó là con ông phủ Công Tôn Vĩnh, tên hắn là Công Tôn Pháp, còn thằng đứng tuổi đó thì chính là thằng Trương sư gia, vẫn làm quân sư cho thằng Công Tôn Pháp xưa nay. Hai đứa ấy nó vẫn quen thói ỷ thế ông phủ làm bậy làm càn, sư phụ tôi đã định trị nó đã lâu để cho tuyệt nọc. Duy còn nghe một điều ông phủ Công Tôn Vĩnh là một người thanh liêm chính trực, cho nên sư phụ tôi chưa nỡ hạ thủ trị ngay. Nhưng nay không ngờ nó lại ngông càn đến thế! Vậy cô cứ yên tâm để tối hôm nay tôi sẽ sửa tội cho chúng nó một mẻ mới được.
Hoàng Vân Nhi vâng lời cảm tạ rồi ngồi chơi đó để đợi bọn Tấn Từ. Vừa được một lát thì thấy người nhà chạy vào bảo rằng:
- Ở ngoài cửa cổng, có hai người, một người đàn ông và một người đàn bà, nói là vào tìm cô nương họ Hoàng ở đây.
Hoàng Vân Nhi nghe nói hiểu ngay là vợ chồng Diêu Cương, liền bảo tên người nhà chạy ra mời vào. Vợ chồng Diêu Cương vào đến nơi, Hoàng Vân Nhi bèn giới thiệu cho Lưu Hướng biết. Lưu Hướng lấy làm mừng rỡ. đón hai người vào chơi và sai người làm cơm lên thết.
Trong khi uống rượu ăn cơm, bốn người liền đem chuyện Công Tôn Pháp và Trương sư gia bàn phiếm với nhau. Lưu Hướng nhân vậy liền nói với ba người rằng:
- Trong bọn ấy khả ố nhất là thằng cha họ Trương... Thằng Công Tôn Pháp là một đứa công tử ngốc, nào nó có biết chuyện chi. Nhưng việc lôi thôi rắc rối chẳng qua chỉ là thằng cha họ Trương đầu mưu ra cả. Vậy tối hôm nay thế nào tôi cũng sửa cho nó một mẻ. Các ông hãy cứ ở đây đến mai để chờ xem tin tức ra sao cái đã.
Bọn Diêu Cương nghe nói đều tỏ ý vui mừng cảm tạ rồi lại cùng nhau chè chén chuyện trò.
Vào khoảng hết trống canh một sang trống canh hai thì bữa tiệc mới tan, Lưu Hướng bèn dẫn bọn Diêu Cương vào một gian phòng rộng rãi, sai dọn một cái giường để cho một mình Diêu Cương nằm và dọn riêng một cái để cho Hoàng Vân Nhi và Tấn Từ cùng nằm.
Khi thu xếp xong rồi, Lưu Hướng bảo ba người rằng:
- Mời các ngài cứ nằm ở nhà yên nghỉ, để tôi đi đằng này một lát rồi tôi lại về ngay.
Bọn Diêu Cương nghe nói, biết là Lưu Hướng định đi xử tội đám kia thì đều lấy làm vui lòng vâng lời ở lại. Đoạn rồi Lưu Hướng liền quay ra, thay mặc quần áo dạ hành, dắt thanh bảo kiếm vào mình cẩn thận, rồi khóa cổng trái lại đi ra ngoài phố không cho người nhà biết tới. Khi ra tới ngoài phố, chàng liền nhảy tót lên nóc nhà, đi qua mấy dãy phố, rồi lần đến nhà Trương sư gia để dò tin tức.
Về phần Trương sư gia, ngày hôm ấy, sau khi cùng Tôn Pháp bị Tấn Từ điểm cho một huyệt mất hẳn tinh thần, hai người đều bị ngã lăn ra đất.
Được một hồi lâu thì có một tên người nhà đi vào, trông thấy tình hình như vậy, lấy làm hoảng hết kinh sợ, chu chéo ầm lên, rồi lập tức chạy lên báo với tri phủ Công Tôn Vĩnh. Công Tôn Vĩnh nghe báo thì lật đật chạy ngay xuống dưới phòng khách để xem tình thế ra sao.
Khi xuống tới nơi thấy Trương sư gia cùng Công Tôn Pháp đều nằm ngã lăn ra đất, sờ người thì vẫn nóng như thường, mà gọi đến thì tịnh không biết chi hết cả. Công Tôn Vĩnh cũng lấy làm lạ lùng kinh hoàng, vội sai người sắc nước gừng lên để đổ cho uống và hết sức lay gọi hồi lâu.
Ngờ đâu đã làm hết cách mà hai người kia vẫn cứ trơ trơ bất tỉnh, hai cái xác vẫn cứ nằm thẳng cả ra, chẳng khác chi người giả chết. Công Tôn Vĩnh nghĩ quanh nghĩ quẩn. vô kế khả thi.
Ông liền bắt một tên người nhà hầu thân cận với Công Tôn Pháp đến mà hỏi rằng:
- Ngày hôm nay công tử đi đâu, chúng mày có biết hay không?
Tên người nhà ấy nguyên vẫn theo hầu bên cạnh Công Tôn Pháp và Trương sư gia, nên hôm ấy khi công việc xảy ra từ lúc ở hiệu cao lâu, tên người nhà cũng đều hiểu biết tất cả. Duy tên người nhà nghĩ thầm trong bụng nếu giờ nói ra ngay thì không khéo Trương sư gia tất bị quở mà mình đây cũng khó lòng tránh thoát được thân. Nhưng nếu trái lại, mà không nói ra cho rõ, ngộ lỡ ra Công Tôn Pháp có thế nào thì cái tội ấy sau này lại càng nguy lắm. Tên người nhà nghĩ như vậy, nên cứ ấp úng ngượng nghịu, không sao trả lời ngay được.
Công Tôn Vĩnh thấy vậy quát hỏi lên rằng:
- Làm sao, tao hỏi, ngươi lại chậm trả lời như thế? Hay là có việc gian dối gì chăng? Muốn sống thì phải nói rõ ngay ra, không có ta sẽ làm tội lập tức bây giờ...
Tên người nhà nghe nói như vậy cuống cả người lên, vội vàng líu lưỡi nói lên rằng:
- Dám bẩm lão gia. Công tử con..., xưa nay vẫn là một người chín chắn, nhất sinh không hề gây sự với ai... Nhưng...
Nói tới đó, tên người nhà bỗng lại nghĩ thầm trong bụng:
- Cái lão Trương sư gia nó không phải là hạng người vừa. Bây giờ nếu ta nói rõ nó ra, ngộ lỡ sau này nó biết mà lập tâm thù ta thì ta tất là nguy hiểm. Nhưng nếu không nói rõ ra, mà việc đó sau này đến tai tri phủ thì cũng khó lòng mà sống cho yên... Tên người nhà nghĩ tới đó, lại càng băn khoăn không quyết, không sao nói được nên lời.
Công Tôn Vĩnh thấy vậy, lại càng nóng lòng sốt ruột, vội vàng đứng dậy chạy ngay lại, toan nắm lấy tên người nhà để đánh. Bất chợt chàng ta vừa chạy ra thì lại vấp ngay phải Công Tôn Pháp đương nằm ở đất.
Chàng sực lại nghĩ ngay đến sự nguy hiểm của Công Tôn Pháp đương nằm ở đó, chưa sao cứu được thì lại hồi hộp trong lòng, liền đứng dừng ngay lại, nhìn vào Công Tôn Pháp rồi vẫy tên người nhà mà bảo rằng:
- Ngươi hãy lại đây ta bảo. Ngươi nên biết công tử có làm việc gì phi pháp, cũng là tội tự công tử mà ra, chứ các ngươi có việc gì tới đó. Việc này ta chắc là lại có điều chi khuất khúc ở trong, cho nên ngươi cứ ấp úng mà không dám nói. Vậy đầu đuôi thế nào ngươi nói thực ta nghe, ta sẽ vui lòng tha cho.
Tên người nhà nghe thấy những lời ôn tồn như vậy, bèn đem câu chuyện Công Tôn Pháp cùng Trương gia ra uống rượu ở Tụ Anh lâu và gặp bọn Diêu Cương, rồi sinh ra bắt bớ, lôi thôi thuật lại cho Công Tôn Vĩnh nghe.
Công Tôn Vĩnh nghe đoạn, ngẩn người ra một lúc, rồi hỏi tên người nhà rằng:
- Thế thì những ai ra bắt bọn kia? Rồi sau khi bắt họ thì xảy ra như thế nào, ngươi phải nói rõ ra một thể.. .
Tên người nhà run lên như cầy sấy mà đáp lại rằng:
- Dám bẩm đại nhân, việc đó là ở Bộ đầu Mã Trường Sinh đi bắt, chớ chúng con thực không được biết nguyên ủy ra sao.
Công Tôn Vĩnh nghe nói bèn lập tức truyền lệnh cho đòi ngay Mã Trường Sinh đến. Khi Mã Trường Sinh tới nơi, trông thấy Trương sư gia cùng Công Tôn Pháp đều nằm ườn cả ra thì trong bụng đã lấy làm kinh ngạc lo thầm. Sau chàng lại thấy tri phủ Công Tôn Vĩnh ra vẻ âm thầm tức giận thì trong bụng lại càng sợ hãi không hiểu ra sao.
Tri phủ Công Tôn Vĩnh thấy Mã Trường Sinh vào tới nơi thì ra dáng nghiêm khắc hỏi ngay Mã Trường Sinh rằng:
- Buổi trưa hôm nay có hai người con gái và một người đàn ông bị bắt, là vì việc gì như thế?
Mã Trường Sinh hoảng hốt vội kêu lên rằng:
- Dám bẩm lão gia, cái đó là Trương sư gia sai con đi bắt chứ con cũng không hiểu là vì việc gì.
Công Tôn Vĩnh lại hỏi:
- Vậy thì hiện giờ mấy người ấy trốn đi đâu, nhà ngươi có biết hay không?
Mã Trường Sinh sờ gáy sờ đầu ra dáng ngẩn ngơ đáp rằng:
- Chúng con vâng lệnh bắt về tới đây thì trao ngay cho mấy cậu người nhà hầu trong, rồi sau đó thế nào, tịnh con không biết...
Công Tôn Vĩnh nghe tới đó ngồi thần ra nghĩ một lúc, rồi trỏ vào Công Tôn Pháp và Trương sư gia mà bảo Mã Trường Sinh rằng:
- Vậy thì vì duyên cớ sao mà đến nỗi xảy ra thế này, ngươi có hiểu đầu đuôi thế nào, phải nói ra ta nghe mới được.
Mã Trường Sinh bèn chạy đến, nhìn kĩ mặt mũi Công Tôn Pháp cùng Trương sư gia và sờ khắp chân tay bụng bịu một lượt, rồi nói với Công Tôn Vĩnh rằng:
- Chúng con về môn thuốc men thì không được hiểu, song về môn võ nghệ thì chúng con cũng hơi biết qua loa. Vậy trông cách thức thế này không khéo là bị những người kia điểm lối Vận huyệt, cho nên người và mình mẩy điều hòa mà tinh thần, cử động thì mất hẳn đi như thế.
Công Tôn Vĩnh nghe tới đó gật đầu cho là có lý và bảo Mã Trường Sinh rằng:
- Nếu vậy thì nhà ngươi có biết cách gì để cứu không?
Mã Trường Sinh hơi ra dáng ngẫm nghĩ một tí rồi tươi cười mà bẩm lên rằng:
- Ở ngoài phía cửa phủ đây, có một ông lang họ Lam, ông ta đã già, có biết ít nhiều võ nghệ, mà môn thuốc ngoại khoa thì vẫn nổi tiếng xưa nay. Vậy xin đại gia cho đón ông ta vào, may ra ông ta chữa được.
Công Tôn Vĩnh nghe nói bèn lập tức sai Mã Trường Sinh đi ra mời ông lang họ Lam vào. Được một lát quả thấy Mã Trường Sinh trở về, dẫn theo một ông già xúng xính mặc bộ áo nho, ra dáng một thầy lang đạo mạo. ông già vào tới nơi, thoạt trông thấy tri phủ Công Tôn Vĩnh thì cúi rạp ngay xuống lạy chào và nói lên rằng:
- Chúng tôi là Lam Y Sinh ở ngoài phủ gần đây, nghe đại nhân có cho lệnh đòi, vậy xin vào hầu trước phủ.
Công Tôn Vĩnh nghe đoạn liền chạy ra nắm lấy tay Lam Y sinh, ra dáng tươi cười mà nói lên rằng:
- Thầy lang bất tất phải lễ phép quá thế... Tôi mời thầy vào đây là cốt nhờ thầy xem giúp xem thằng con trai tôi và Trương sư gia ở đây, không biết bị người ta dùng pháp thuật gì mà làm cho đến nỗi mê man như thế.
Nói đoạn liền trỏ sang Công Tôn Pháp cùng Trương sư gia và bảo Lam Y Sinh đến đó để xem.
Lam Y Sinh chạy đến xem qua một tí rồi nói với Công Tôn Vĩnh rằng:
- Dám bẩm đại gia, cái này chắc là công tử nhà ta lại bị những đám giang hồ võ sĩ dùng phép Vận huyệt mà điểm cho tinh thần mê mẩn đi thôi, chúng tôi xin lấy thuật khai huyệt mà khai lại thì lại khỏi ngay, chớ không có chi là ngại.
Nói đoạn liền sắn hai tay áo lên, dang hai tay lấy gân một tí rồi lật Công Tôn Pháp nằm ngửa lên, giơ ngón tay trỏ sẽ ấn vào thái dương Công Tôn Pháp một cái thì thấy Công Tôn Pháp ngồi nhỏm ngay lên, nét mặt ngơ ngác bàng hoàng chẳng khác chi người vừa ngủ dậy. Kế đến Trương sư gia, Lam Y Sinh lại dùng cách như thế để chữa thì thấy Trương sư gia cũng lại tỉnh dậy được ngay .
Công Tôn Vĩnh thấy vậy, vui mừng vô cùng, vội sai người lấy ra 5 lạng bạc để tạ Lam Y Sinh, Lam Y Sinh nhất định từ chối không nhận, và xin cáo lui ra về.
Công Tôn Vĩnh nài ép không được đành phải lấy lời trân trọng cảm tạ Y Sinh và đưa chân ra tận ngoài cổng phủ, rồi mới bái biệt quay vào.
Khi vào tới trong nhà, Công Tôn Vĩnh liền gọi Trương sư gia đến để hỏi đầu đuôi. Trương sư gia sợ lộ mưu kế gian ra thì là nguy hiểm. Chàng bèn lập cách trí trá nói ngay với Công Tôn Vĩnh rằng :
- Buổi trưa hôm nay, chúng con đang ngồi ăn cơm ở hiệu Tụ Anh thì chợt trông thấy có một người con trai và hai người con gái cùng vào ăn ở đó. Chúng con nhìn ba người có vẻ khả nghi, nên khi trở về, liền bảo Mã bộ đầu ra bắt. Chẳng dè khi bắt họ về tới phủ nha, chúng con toan hỏi mấy câu để rồi đem trình đại gia thì bỗng đã bị ngay bọn họ dùng phép để làm cho mê mẩn, rồi bọn họ trốn ngay đi mất. Cứ theo ý chúng con thì trong đám ba đứa ấy, tất là những bọn giang hồ đại bợm, cho nên mới có thủ đoạn gớm ghê như thế. Vậy thiết tướng đại gia cũng nên lưu tâm cho người dò xét, kẻo sau đây tất lại có việc xảy ra, khó lòng tránh được.
Công Tôn Vĩnh nghe nói, tin cho là thực, bèn dặn Mã bộ đầu nên nhớ lấy mặt mấy người đó và phải lưu tâm dò xét cho ra. Đoạn rồi Công Tôn Vĩnh lại dặn Trương sư gia cùng Công Tôn Pháp từ nay có công việc gì, tất phải cẩn thận báo cho quan quân ra bắt, chớ đừng nên hững hờ như thế, mà lỡ ra nguy hiểm có phen.
Trương sư gia thấy Công Tôn Vĩnh tin nghe lời nói của mình mà không quở phạt thì trong bụng lấy làm vui mừng vô hạn, bèn cáo từ cha con tri phủ rồi một mình lửng thửng quay gót ra về.
Nguyên nhà Trương sư gia cũng ở ngoài phố cửa phủ, chỉ cách thành phủ chừng mười lăm bước thì đến nơi ngay. Trương sư gia là một anh giang hồ du đãng, trước đây cũng có học hành võ vẽ ít nhiều và cũng là một tay con nhà khá giả.
Song chẳng may vào khoảng anh ta ngoài 20 tuổi thì cha mẹ đều bị mất sớm mà anh em không có một ai. Nhân thế chàng ta một mình phóng túng lêu lỏng chơi bời, rồi không bao lâu thì cơ nghiệp sạch tan mất cả. Trong khi chàng ta còn đương phóng túng chơi bời, thường hay gặp Công Tôn Pháp cũng mới bắt đầu vào tay du đãng. Công Tôn Pháp nhân thấy Trương sư gia là người láu lỉnh nhanh trí, và trong khi chơi bời, lại khéo lựa ý để chiều Công Tôn Pháp.
Bởi thế Công Tôn Pháp đem lòng yêu mến Trương sư gia, sớm khuya đàn đúm với nhau tình thân chẳng khác chi người ruột thịt.
Công Tôn Vĩnh tuy biết như vậy song thấy Trương sư gia ra ý ngoan ngoãn thông minh thì cũng vui lòng để mặc tự do, không hề nói đến.
Trương sư gia mới đây có dan díu với một người đào hát tên là Quế Nhi. cũng là một tay nổi tiếng trong chốn bình khang. Quế Nhi người đẹp, tính nết thông minh, cho nên khi gặp Trương sư gia thì đôi bên khắng khít với nhau để đính những lời nguyền ước. Rồi được ít lâu thì Quế Nhi bắt Trương sư gia phải cưới đem về, nghiễm nhiên như là vợ chồng chính thức...
Hồi ấy Trương sư gia vẫn thường đàn đúm đi chơi với Công Tôn Pháp, và vẫn thường nhờ tay Công Tôn Pháp để đưa đón việc quan, cho nên đồng tiền ở trong túi Trương sư gia cũng được rộng rãi. Vả chăng mỗi khi có thiếu thốn việc gì thì Công Tôn Pháp lại phải bỏ tiền ra giúp đỡ, không hề để cho thiếu thốn bao giờ. Chính ngay số tiền để cưới Quế Nhi về làm vợ thì cũng là của Công Tôn Pháp xuất ra mà giúp cho Trương sư gia được việc.
Bởi có những sự rắc rối như thế, cho nên Công Tôn Pháp thường khi đi lại nhà Trương sư gia thì Quế Nhi đem lòng yêu mến rồi dần dần hai người cũng tự do đùa bỡn với nhau. Trương sư gia biết thế, nhưng vì cái vận mệnh của mình đều thuộc về tay Công Tôn Pháp hết cả, cho nên cũng vui lòng để mặc tự do, không dám đả động.
Hôm ấy Trương sư gia ở phủ nha trở về, khi đi tới cửa thì thấy Quế Nhi đã đứng đợi ở đó. Quế Nhi trông thấy Trương sư gia thì vội vàng nắm lấy tay reo ầm lên rằng:
- Sao thấy nói rằng anh bị chết rồi mà còn về đây thế?
Trương sư gia nghe nói toét mồm ra cười, dắt Quế Nhi đi thẳng vào trong phòng, bảo Quế Nhi rằng;
- Em phải biết, nếu ta chết thì Công Tôn Pháp cũng chẳng sống được nào, mà nếu Công Tôn Pháp cùng ta chết cả thì em còn sống với ai ?
Nói đoạn hai người liền sai dọn cơm lên ăn, rồi cùng nhau hú hí vui cười trò chuyện. Bấy giờ vào khoảng gần hết canh hai, hai người đương trò chuyện với nhau thì bỗng thấy tiếng cửa đẩy đến kẹt một cái, rồi Trương sư gia ngẩng ta nhìn thì thấy Công Tôn Pháp đi vào. Trương sư gia thấy vậy biết là Công Tôn Pháp đã đi vào tìm Quế Nhi, liền bỏ cho Quế Nhi ngồi đó một mình, rồi đứng phắt ngay dậy, chạy thắng vào trong phòng trong để nấp. Công Tôn Pháp vào tới nơi thì Quế Nhi thấy có hơi rượu sặc sụa cả lên, liền đứng ngay dậy, kéo tay Công Tôn Pháp vào một cái giường nằm và làm bộ mắng lên rằng:
- Đi đâu mà đã rượu chè say khướt như thế? Muốn sống thì cởi áo xống ra, để ta hỏi tội...
Công Tôn Pháp nghe nói cũng cười toét mồm ra mà không trả lời. Quế Nhi liền lần cởi ngay quần áo ngoài của Công Tôn Pháp ra, rồi hai người dắt nhau vào màn nô đùa.
Bất chợt đương khi vui thú với nhau thì chợt thấy cửa màn vén ra, rồi thấy có một người trẻ trung lực lưỡng, tay cầm thanh kiếm sáng loáng, kề ngay vào cổ hai người quát to lên rằng:
- Muốn sống nằm im, nếu đứa nào cựa quậy, hay la kêu lên thì ta cắt cổ bây giờ...
Quế Nhi càng Công Tôn Pháp thấy vậy, đều sợ sám xanh mặt lại, nằm im thin thít, không dám thở mạnh hơi ra.
Cuộc vui chưa dứt trận cười.
Thì đâu sóng gió tung trời đến ngay.
Việc đời lắt léo ai hay,
Cái vui thường vẫn theo tay cái buồn.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp