Kiếm Châu Duyên

Chương 1: Ngón võ nhà sư kinh phường tục tư, Lời nghiêm cô gái, hoảng chí anh hùng


Chương tiếp

Trời đất dọc ngang ba tấc kiếm.

Nợ duyên dan díu một vòng châu .

Bể trần sóng ác sôi muôn trượng.

Ai, mảnh buồm từ tế độ nhau.

Động Lưu Xuân cách ngàn dâu,

Con người nghĩa hiệp hỏi đâu bây giờ.

Đời còn những lúc gió mưa,

Gươm hùng sẵn liếc còn chờ đợi ai...

° ° °

Cách Ngô quận chừng 8, 9 dặm đường, có tòa núi Thiên Bình, là một nơi danh thắng rất thú, khắp nước Trung Hoa, ai ai cũng biết. Trên tòa núi ấy, có một ngôi chùa cổ, tuy cảnh vảng am thanh, song cứ đến mùa thu, thì khách thập phương đến chơi ngoạn cảnh có phần náo nhiệt, lạ thường.

Một hôm, chính thu tiết, ở trên gác Duyên Thu, ngay trước cửa ngôi chùa cổ, bỗng có ba người thiếu niên ăn mặc sang trọng đương ngồi đánh chén nói chuyện với nhau. Xung quanh ba người thiếu niên đó, có 8 đứa đầy tớ đứng hầu, toàn là những hạng đầu trâu mặt ngựa, nhác trông đều có vẻ hung ác lạ lùng. Ngoài ra lại có một nhà sư trụ trì ở ngôi chùa cổ, hiệu là Thiện Duyên hòa thượng, thỉnh thoảng lại nâng bầu rượu, xum xuê chạy đến, rót cho ba vị thiếu niên rồi lại mời nịnh hót khiến cho ba vị thiếu niên lại càng đắc ý, thi nhau uống rượu thực hăng.

Bấy giờ mặt trời đã xế, ánh tà dương xuyên xuống quãng rừng phong, làm cho những lá cây phong càng thêm sặc sỡ, nhác trông chẳng khác thế giới hoàng kim. Ba người thiếu niên vừa ngồi uống rượu vừa ngắm cảnh rừng phong, thỉnh thoảng lại gọi Thiện Duyên hòa thượng hỏi dăm ba câu chuyện bâng quơ, tỏ ý ra chiều tự đắc.

Đương khi đó, chợt thấy ở phía thang gác có người sình sịch đi lên. Mấy người đều đổ mắt ra nhìn thì thoạt tiên thấy nhô lên một cái đầu trọc tếu, rồi đến cái bộ mặt nhem nhếch bẩn nhơ, bao bọc đôi con mắt tròn xoe, có hai cái đồng tử sáng đen lay láy. Rồi dần dần lên hẳn cầu thang thì là một vị nhà sư, ăn mặc rất đỗi tồi tàn, ngoài khoác cái đạo bào đã rách, vá hàng trăm ngàn miếng, chân trái sỏ một chiếc giày vải đã hở cả ngón với gót ra ngoài, chân phải đi một cái giày rơm cũng đã xác xơ cũ rích. Quần thì ống cao ống thấp, lòi ra hai cái ống chân đen như củ súng, trước ngực lại đeo cái túi vải vàng trong túi không biết đựng những vật chi mà coi bộ chất đầy ninh ních. Nhà sư ấy vừa thò đầu lên đến thang gác thì đã đưa hai con mắt đen nhánh, nhìn vào bọn ba người thiếu niên rồi nhe bộ răng vàng ra cười, cái bộ răng vàng vàng xàm xạm như bựa bám đầy.

Ba người thiếu niên thấy nhà sư ấy đặt chân lên đến sàn gác thì đưa mắt nhìn nhau, rồi đều một tay bưng lên mũi. còn một tay xua xua trước mũi, ra vẻ ghê tởm vô cùng.

Bấy giờ có một đứa đầy tớ đứng gần trông thấy vậy, liền quát bảo Thiện Duyên hòa thượng rằng:

- Ba vị thiếu gia ngồi uống rượu ở đây, sao lại để cho lão sư ăn mày nào xáo xốc lên đây thế kia?...

Thiện Duyên hòa thượng nghe nói, bỗng nét mặt hùng hùng hổ hổ, chạy đến trước mặt nhà sư kia, ầm ọe gắt lên rằng:

- Đây là chỗ nào mà dám đi xồng xộc lên đây? Đi xuống ngay đi không lại lôi thôi bây giờ...

Nhà sư kia nghe nói dứt lời, vẻ mặt điềm nhiên cười khì khì đáp rằng:

- Quái lạ! Đồ đệ ta làm gì mà ồn lên thế. Thầy đây há lại không biết chỗ này là cái gác Duyên Thu, nhờ của thập phương bố thí mà tu bổ hay sao? Vậy nhà ngươi cứ việc mà thờ phụng thí chủ của nhà ngươi, còn thầy đây, thầy chỉ xem ngắm phong cảnh rồi đi, có việc chi mà ngươi phải ra điều sừng sộ!

Thiện Duyên hòa thượng nghe mấy câu nói, bỗng mặt đỏ gay lên, hầm hầm xỉa vào mặt nhà sư kia, quát mắng một hồi:

- Ai là đồ đệ nhà anh mà anh sưng sưng nói láo? Muốn sống anh cút đi ngay, đừng làm nhiễu các ngài đây mà chết mất xác bây giờ...

Nhà sư kia lại cứ thản nhiên, đưa mắt nhìn qua ba người thiếu niên, nhoẻn miệng ra cười và nói lên rằng:

- Các ngài ở đây thì phỏng đáng giá được mấy trăm đồng mà nhà ngươi phải làm rối lên thế?

Thiện Duyên hòa thượng nghe đến câu đó, vội vàng sấn đến lấy tay bưng miệng nhà sư kia lại, rồi dậm chân ra dáng tức giận mà rằng:

- Quái lạ ! Anh này không tiếc đến mạng hay sao?

Nói đoạn, một tay níu ngay lấy cánh tay nhà sư kia toan đẩy ngay xuống thang gác. Nhưng ngờ đâu nhà sư kia vẫn cứ ung dung tự nhiên, miệng thì cười lên sằng sặc, mà hai chân tựa như đóng đinh liền vào sàn gác, tha hồ hết sức lôi đẩy cũng không nhúc nhích tí nào.

Lúc đó trong đám ba người thiếu niên, có một người tên là Mã Không Quần, là con quan phủ Tô Châu, trông thấy như vậy, nổi giận đùng đùng, bèn thét gọi đầy tớ, sai ra trói cổ nhà sư kia lại để giải về nha... Tám đứa đầy tớ như beo như cọp đứng đó, nghe lời chủ nói, dạ lên một tiếng răm rắp, rồi đổ xô nhau lại để bắt. Nhà sư kia thấy chúng xô đến, gật đầu cười nhạt một cái rồi cứ ung dung đi lùng quanh gác để cho tám đứa gia nhân hết sức lùng theo, mà cũng không sao bắt được...

Một lúc lâu, tám tên gia nô, đều đứa nào đứa ấy thở hổn ha hổn hển, ra dáng nhọc mệt, uể oải không thể chạy theo sát sạt như lúc trước nữa. Nhà sư kia bèn nhân cơ hội đó, chạy đến đứng nấp ngay vào phía sau Thiện Duyên hòa thượng rồi lại cười lên sằng sặc. Bọn gia nô thấy vậy căm tức vô cùng, lại hò nhau xô đến, hăm hở xúm vào vật ngã ngay xuống đến hự một cái, rồi thi nhau giơ đấm giơ đá, đánh vào túi bụi như mưa.

Bất đồ chúng vừa mới ra oai đánh đá thì bỗng thấy người nằm đó kêu dội lên rằng:

- Đánh lầm rồi. Các anh đánh lầm rồi, không buông ra thì chết tôi bây giờ...

Tám người nghe nói ngừng tay nhìn lại, thì té ra người bị đánh đó lại chính là Thiện Duyên hòa thượng, mà không phải là nhà sư kia. Chúng bèn xúm vào nâng Thiện Duyên hòa thượng dậy, thì mặt mũi đã bị đấm đá sưng vếu cả lên, mà tìm đến nhà sư kia thì không thấy đâu nữa.

Mã Không Quần thấy vậy, liền thét mắng bọn gia nô:

- Chúng bay rặt đồ cơm toi, để cho thằng sư ăn mày nó trốn đi đâu mất rồi...

Vừa nói tới đó, thì chợt thấy ngay ở dưới gầm cái bàn ăn đó có tiếng người nói to lên rằng:

- Sư phụ nhà các người ở đây, chứ có thèm trốn đi đâu...

Nói đoạn, thấy cái đầu trọc tếu nhô ra một tí, rồi lại thụt vào lập tức ba chàng thiếu niên thấy vậy đều kinh sợ hoảng người đứng vội dậy, chạy dạt ra chỗ khác và thét tám tên gia nô xông vào để chém nhà sư. Tám tên kia được lệnh, bèn bổ vây xung quanh cái bàn, rồi rút dao lưng ra, nhằm dưới gầm bàn đâm vào tua tủa.

Lúc đó, Thiện Duyên hòa thượng đứng ở góc gác, đoán chắc là nhà sư kia bị chúng đâm chết ở dưới gầm bàn rồi, nên không thấy kêu van chi cả, bèn làm ra bộ từ bi, chấp tay lên ngực, nói với Mã Không Quần rằng:

- A di đà Phật! Bần tăng vốn là giữ đạo từ bi, không muốn cho nhà sư ấy bị chết một cách quá thảm như thế, vậy xin người truyền lệnh cho các cậu ấy hãy dừng tay lại, để cho nhà sư ấy sám hối thì hơn...

Mã Không Quần nghe nói, cười nhạt mà rằng:

- Bây giờ hòa thượng mới nói thì còn gì nữa. Có lẽ xác nhà sư kia đã bị đâm chém nhừ tử mất rồi... Hòa thượng có thương, thì liệu rồi nhặt xác đem mà siêu hóa, chớ còn giả giọng từ bi làm gì...

Thiện Duyên hòa thượng nghe nói nét mặt thẹn đỏ bừng lên, lại niệm mô phật luôn mồm, không dám nói năng chi nữa.

Đằng kia mấy đứa gia nô đâm chém xuống gầm bàn một lúc cũng đoán chắc là nhà sư đó không còn cách gì mà sống được nữa, bèn cùng nhau vén cái khăn phủ bàn lên để nom xuống gầm bàn xem có đích xác hay không. Ngờ đâu chúng vừa nom xuống, thì một sự ngạc nhiên làm cho chúng phải hoảng hồn kinh sợ. Chúng thấy nhà sư kia vẫn ung dung như người vô sự ngồi xếp vòng tròn ở giữa gầm bàn, một tay cầm bầu rượu và một tay cầm cái đùi gà chín, đương nhồm nhoàm ăn uống, ra vẻ tự đắc vô cùng.

Tám tên gia nô thấy vậy đều cho là quỉ sứ hiện hình, vội vàng chạy dạt cả ra. Ba người thiếu niên cùng Thiện Duyên hòa thượng cũng đều hoảng hồn sợ hãi, kéo nhau lập tức chạy xuống dưới để trốn. Còn tám tên gia nô cũng ùa chạy trốn cho mau, không dám quay đầu nhìn lại.

Sau khi bọn ấy kéo đi cả rồi, thì chợt đâu lại có một chàng thiếu niên nữa sình sịch đi lên trên gác. Chàng thiếu niên này, nguyên tên là chàng Vu Anh, biệt hiệu gọi là Khí Thành, là một anh chàng thất chí về việc gia đình, trong bụng ngầm mang một mối u sầu đau đớn, bất đắc dĩ phải lìa nhà lìa cửa đâm ra lưu lạc phong trần.

Vu Anh đi lên đến gác, nhìn quanh nhìn quẩn, thấy trên bàn còn đồ ăn thức nhắm bỏ ngổn bỏ ngang mà không có một ai ở đó thì trong bụng lấy làm ngờ vực không hiểu ra sao. Chàng lại quay nhìn ra phía ngoài gác thấy rừng phong man mác đỏ úa xắc vàng, thỉnh thoảng một trận kim phong đưa đến, làm cho lá cây rơi rụng, thoảng nghe lắc rắc như tiếng đao binh tranh chiến đâu đây. Chàng ta đối cảnh sinh tình, sực nghĩ đến thân thế giang hồ phiêu lạc, bất giác ngậm ngùi ngơ ngẩn, thở dài một tiếng rất to.

Bất đồ chàng vừa thở dài dứt tiếng, thì chợt nghe ở phía trong gác cũng có một tiếng thở dài kế tiếp ứng lên. Chàng giật mình ngoảnh vào nhìn quanh nhìn quẩn, vẫn y nhiên không thấy một ai, trong bụng lại càng kinh lạ.

Chàng nhân rút thanh bảo kiếm ra tay rồi quát to lên rằng:

- Nào giống ma rừng quỷ núi nào đấy, lại dám trêu người với ta như thế?

Chàng nói dứt lời thì chợt nghe ở dưới gầm bàn có tiếng nói lên rằng:

- Mình hôm nay đen quá, tránh được bọn tục khách kia đi rồi thì lại thêm một anh ngu phu tiến đến.

Vu Anh lúc đó vội vàng vén cái khăn bàn lên nom thì thấy có một nhà sư đương ngồi xếp tròn ở đó. Chàng thoạt trông nhà sư không biết là hạng thế nào, nên cũng không dám đường đột can thiệp. Song vì nghe nhà sư bảo mình là đứa ngu phu thì trong bụng lấy làm uất ức không yên, bèn ra dáng tức giận nói lên rằng:

- Vu mỗ tự xét không phải là người ngu dại, nhưng chẳng hay nhà sư là hạng người nào mà dám mở giọng khinh người như vậy.

Nhà sư kia cười ha hả lên mà rằng:

- Những nơi danh sơn thắng tích, làm chi lại có quỉ núi ma rừng! Anh bảo anh không ngu dại nhưng tôi nghe anh nói, tôi cứ cho anh là một ngu phu, vì chỉ ngu phu mới nói những câu như thế.

Vu Anh nghe câu ấy, nhân ngồi quì một gối xuống, trông kỹ lại nhà sư kia, thấy cách ăn mặc tuy có phần lam lũ, song vẻ mặt kỳ cổ khác thường, mà tiếng nói cao to khoát đạt, không giống những hạng phàm nhân. Chàng nhân nghĩ đến thân mình tuy đường đường một vị nam nhi, song công nghiệp chửa thành, thù nhà chưa rửa, đến đây thở ra câu nói không khỏi lại thêm có vẻ ngây ngô, không trách nhà sư cho mình là phường ngu dốt.

Nhân vậy, chàng bèn đổi ngay ra vẻ tươi cười nói với nhà sư kia rằng:

- Sư phụ chắc là một bậc kỳ nhân trong đám giang hồ. Vu mỗ không biết, xin sư phụ đại xá tội cho. Vu mỗ xin lấy đầu làm lễ để tạ sư phụ .

Nói đoạn, bèn chắp tay cúi đầu xuống đất làm lễ bái yết nhà sư.

Nhà sư thấy vậy liền bò từ trong gầm bò ra, lắc đầu quầy quậy mà rằng:

- Không được, đừng làm thế! Tôi đâu có dám, để tôi xin tạ lại thôi...

Nói xong cũng chắp tay lên trước ngực, niệm một câu "A di đà phật" đáp lễ lại Vu Anh. Trong lúc nhà sư đáp lễ, tuy chắp tay lên ngực, song một cái đùi gà và một cái bầu rượu vẫn cầm nhăm nhăm không bỏ, làm cho rượu ở trong bầu bị bầu nghiêng đi chảy sớt cả ra phía ngoài.

Vu Anh nhân thấy mùi rượu bốc lên thơm phức, bất giác buột mồm khen lên rằng:

- Rượu của sư phụ, chắc là thứ rượu lạ thường, cho nên mới thơm được như thế.

Nhà sư nghe nói, bèn giơ cái bầu ra bảo Vu Anh rằng:

- Anh đã biết là rượu tốt, anh thử nếm một tí xem.

Vu Anh vốn tính nhanh nhẩu, nghe nhà sư nói, bèn cầm lấy cái bầu nốc thẳng một hơi, thấy hương vị nồng nàn rất là thích miệng. Nhân thế chàng lại nốc luôn mấy hơi rồi lại giữ luôn bầu rượu toan uống ít nữa.

Nhà sư thấy vậy vội giơ tay ra, giật cái bầu lại, rồi bảo Vu Anh rằng:

- Thôi, uống ba hớp thế cũng đủ rồi, nếu uống nữa tôi e không chịu được đâu.

Vu Anh nghe nói, trong bụng cười thầm, cho nhà sư là người biển lận, nhưng không dám nói ra.

Đoạn rồi nhà sư đắt tay Vu Anh kéo thẳng ra ngoài bao lơn, trỏ xuống thung lũng rừng phong mà nói:

- Anh trông phong cảnh giang sơn thế kia, mà lại điểm thêm cái bóng trăng thu vào nữa, thì phỏng thú vị biết đến chừng nào? Nếu anh có ưng cảnh vật này, thì anh hãy lưu lại đây mà chờ bóng trăng một lúc.

Vu Anh gật đầu vâng vâng luôn miệng. Nhà sư lúc đó lại cầm bầu dốc rượu uống luôn và lại gặm cái đùi gà, nhai nhắm tự do mặc cho Vu Anh đứng đó. Vu Anh đứng một bên, nghĩ thầm trong bụng "cái bầu tí hon ấy phỗng chứa được là bao? Vừa rồi ta đã nốc một hơi thẳng, thì trong đó còn chi mà lão này uống mãi!"

Chàng nghĩ như vậy, song thấy nhà sư vẫn cứ giơ bầu uống mãi không hết, thì trong bụng lấy làm kì quái, bèn hỏi lên rằng:

- Dám thưa sư phụ, cái bầu của người, phỏng đựng rượu được bao nhiêu, mà người uống luôn mãi thế?

Nhà sư cười nhạt đáp rằng:

- Cũng không được mấy nỗi ! Nhưng tôi coi anh bây giờ, hình như hơi rượu đã bốc lên rồi đó...

Vu Anh nghe nói, đương toan cất miệng lên chối, thì bỗng thấy trên mặt bằng bằng nóng nóng, hơi rượu bốc lên sừng sực, rồi thì tinh thần choáng váng cả lên. Vu Anh lấy làm kì quái, cười bảo nhà sư rằng:

- Thế thì nực cười thực? Sau chỉ có ba hớp rượu mà ghê gớm đến thế?

Nhà sư lại cười ồ lên mà rằng:

- Thế mới biết anh vẫn không khỏi là đứa ngu phu. Anh phải biết: ba hớp rượu ấy, kể bằng ba bốn mươi cân rượu thường vẫn uống xưa nay. Vì thứ rượu này là tôi đem gom các thứ nước suối ngọt trong thiên hạ, cất lấy tinh túy mà chế tạo ra, nếu kẻ thường tục chỉ uống một giọt cũng đủ say ra rồi. Anh này cũng là hạng người có dày căn phúc, nên tôi mới để cho anh uống được ba hớp nhưng nếu để anh uống nữa thì có lẽ bây giờ anh đã say chết mất rồi...

Vu Anh nghe nói, lòng còn nửa ngờ nửa tin, song đã thấy ngả ngớn nặng nề, lao đao như người muốn ngã. Dần dà không thể gượng được, đành phải ngồi phệch xuống gác, hai mi mắt càng ngày càng trập mãi xuống, rồi một lát thì nằm vật ra, ngủ lịm lúc nào không biết.

Khi chàng tỉnh dậy thì nào thấy đâu là gác Duyên Thu, chỉ thấy mình nằm trên một cái sập đá, ở trong cái nhà xung quanh bằng đá, các đồ bày biện trong nhà cũng toàn bằng đá cả. Bấy giờ chàng cũng không biết là ngày hay là đêm, nhưng trông trước trông sau không thấy nhà sư đâu nữa.

Vu Anh đứng dậy, chạy ra khỏi cái nhà đá, thì thấy có một con đường hẻm liền kề ngay đó, hai bên toàn là đá núi lởm chởm bao bọc, mà ở giữa ướt lội đầm đìa. Chàng ngờ mình lạc vào trong hang núi, bèn men theo đường hẻm ớm lối để ra.

Bất đồ đi chừng hai ba dặm đường, bỗng thấy có một bức vách đá chắn ngang trước mặt, không có lối thông, chàng lại phải đi quay trở lại. Khi về tới chỗ nhà đá, chàng cố tâm tìm xét mãi sau mới thấy cách chỗ nhà đá chừng hơn một dặm đường, lại có một con đường hẻm nữa cũng lại chật hẹp lầy lội hơn cả đường kia. Bất đắc dĩ Vu Anh cũng phải xắn quần, xắn áo đi len vào con đường hẻm để tìm kiếm lối. Càng đi vào trong, con đường càng ngày càng hẹp. Hai bên đá núi tua tủa chĩa ra như chông như mác, làm cho áo xống Vu Anh vướng mắc vào đá, bị rách mấy chỗ, mà chân tay mặt mũi cũng bị trầy xướt cả ra. Tuy vậy nhưng chàng vẫn gắng sức len lỏi tiến lên, không chịu lùi chân trở lại.

Hồi lâu, ước chừng đi tới năm sáu dặm đường, không ngờ lại thấy có bức tường đá chắn ngang lấy lối. Vu Anh lấy làm thất vọng, đã toan quay gót trở về. May sao trông quanh trông quẩn, lại thấy gần về phía dưới có một cái hang nho nhỏ. Chàng bèn gắng gượng tinh thần, len vào cái hang đó, bò đi một quãng xem sao.

Đi chừng mười lăm trượng, thì sang tới cửa hang bên kia. Liếc mắt nom ra, thấy trong đó lại như mở riêng một khu trời đất chung quanh man mác toàn một thứ mai, hoa mai đua nở, mùi hương xông lên xực nức. Vu Anh lúc đó tinh thần khoan khoái quên hẳn những sự nguy hiểm gian truân. Hồi tưởng lúc nào say rượu, rõ ràng ở gác Duyên Thu, cảnh vật chính đương mùa thu hiu hắt. Vậy mà bây giờ tỉnh dậy, thì đã thấy hoa mơ đua nở đầy trời, rõ ràng mùa xuân đã tới, cảnh vật phong quang như vậy chẳng hay là giấc chiêm bao.

Chàng vừa nghĩ lẩn thẩn trong bụng, vừa nhẩn nha đi thẳng vào đám rừng mai, thì chợt thấy giữa rừng mai hiện ra một nếp tường vách vàng vàng, cao to rộng rãi. Chàng đi dần tới nơi thì hóa ra một tòa nhà to tát, tường đất bao bọc xung quanh, làm giữa những vườn mai triu trít, chính về phía nam có một cánh cửa trổ ra.

Vu Anh lẻn bước vào cửa, thấy phía trong tường lại trồng toàn mai trắng, bao bọc mấy nếp nhà con. Vu Anh nghĩ thầm trong bụng, chủ nhân chỗ này, tất nhiên là bậc thanh nhã khác thường, nếu mình đường đột đi vào, thế nào cũng bị người ta quở mắng. Nhân vậy, chàng đứng ở ngoài hiên nhà, đằng hắng một tiếng để lên hiệu xem...

Chàng vừa đằng hắng xong thì thấy gian nhà bên đông, bỗng dưng cánh cửa sổ mở ra, nhìn thấp thoáng có người con gái tuyệt sắc đứng trong. Vu Anh thấy vậy, đoán chắc đó là một chỗ khuê phòng, chàng liền quay vội toan ra lập tức.

Bất đồ chưa kịp quay ra thì đã thấy có một người con gái vào trạc 17, 18 ở trong chạy ra hỏi Vu Anh rằng:

- Anh ở đâu đến đây, anh định hỏi ai?

Vu Anh ngẩng nhìn người con gái ấy, thấy vẻ người dong dỏng xinh xinh, mặt tươi như hoa phù dung, mắt sắc như làn thu thủy, da trắng như ngà, tóc đen như mực, mình vận áo vàng quần đen, chân đi đôi giày cong lớn, rõ ra một bậc khuê nữ thiên kim.

Chàng nhân vái chào đáp rằng:

- Tôi ở Thiên Bình sơn lạc bước tới đây, dám xin cô nương báo giúp đây là trang trại chi.

Người con gái mỉm cười mà rằng:

- Thiên Bình sơn là ở chỗ nào, tôi đây cũng không được biết. Còn đây tức là Lưu Xuân động, là một nơi xuân suốt quanh năm không hết. Anh không nhìn hoa mai hiện đương đua nở đó sao? Tôi coi anh không phải là người quanh quẩn gần đây, vậy chẳng hay có phải anh là Vu mỗ hay không, anh cho tôi biết...

Vu Anh nghe hỏi, giật mình kinh sợ mà rằng:

- Chính tôi là Vu mỗ đây nhưng sao cô nương lại biết tôi?

Người con gái tươi cười mà rằng:

- Anh hãy đứng đây một lát, rồi anh khắc hiểu.

Nói đoạn, người con gái quay ngoắt vào trong nhà mất. Vu Anh ngơ ngẩn nghĩ quanh, những tưởng hiện thân trong nơi cảnh mộng. Quay nhìn vào trong nhà, thấy nhà bỏ trống không, không kê bày chi cả. Duy ở khu vách giữa nhà, có treo một cái túi vải vàng vàng, đúng như cái túi của nhà sư đã gặp ở Duyên Thu các. Nhân vậy chàng ngờ chỗ đó là nơi ở của nhà sư, nhưng sao lại có những trang mĩ nhân ở đó? Chàng nghĩ quanh nghĩ quẩn, càng thấy hồ đồ trong bụng không hiểu ra sao.

Đương khi ấy, chợt thấy phía trong có tiếng mở cửa đến thình, rồi quả thấy vị nhà sư gặp ở Duyên Thu các trước, sòng sọc đi ra. Vu Anh hoảng hốt, chưa kịp vái chào thì nhà sư đã chạy ra tới nơi, vỗ tay vào vai Vũ Anh cười nói lên rằng:

- Quả nhiên anh này thực? Tôi đã biết, căn phúc của anh cũng khá, ai ngờ đúng như lời nói không sai.

Vu Anh tới đó, cũng hơi hiểu vị sư ấy là một vị cao đạo ngoài đời, bèn quì gối ngay xuống trước mặt, cung kính mà rằng:

- Vu mỗ đi tìm thầy học đạo đã 6 năm nay mà chưa được gặp. Nay gặp sư phụ ở đây, thực là hạnh phúc cho đời đệ tử. Vậy xin sư phụ rộng lòng dạy dỗ giúp.

Nói đoạn, không đợi nhà sư trả lời vội vàng lạy ngay tám lạy.

Nhà sư lúc đó ra dáng đứng đắn, bảo Vu Anh rằng:

- Ta đây là phường rượu thịt, có bản lĩnh gì mà dám nhận làm sư phụ của anh...

Vừa nói tới đó, thì người con gái đứng ở trong nhà, bỗng cười nói mà tiếp lên rằng:

- Thôi đừng nói giả vờ làm gì như thế! Đã dẫn người ta đến đây, lại còn từ chối, bỏ cho người ta đi đâu được nữa?

Nhà sư nghe người con gái nói, cười ha hả lên mà rằng:

- Tôi nói ở đây, việc gì bà giây vào đó. Bà đã có lòng tác thành cho người ta, thì bảo người ta bái bà làm sư phụ có được hay không?

Người con gái nghe vậy liền từ từ ở trong đi ra, cười bảo Vu Anh rằng:

- Ông ấy đã từ chối, vậy anh theo tôi học mấy ngón xoàng cũng được.

Vu Anh nghe nói, bụng lại bảo dạ: "Một người con gái mảnh dẻ thế kia, gió thổi cũng ngã, phỏng mình học lấy cái chi? Hay là học lấy đường kim mũi chỉ hoặc giả có được là cùng..."

Chàng nghĩ vậy, nhân vẻ mặt có dáng do dự không biết đáp ra sao.

Nhà sư đứng đó, hiểu ý Vu Anh, nhân cười bảo Vu Anh rằng:

- Anh đừng coi khinh bà lão nhà tôi. Bà ấy là Lưu đại nương đã nổi tiếng trong giang hồ vào khoảng hơn ba mươi năm nay... Khi bà ấy tung hoành ở Đại giang nam bắc, thì anh chưa ra đời kia đó.

Vu Anh nghe mấy câu đó lại càng mơ hồ không hiểu. không lẽ một có gái trẻ tuổi thế kia mà lại là vợ nhà sư, và lại đã từng nổi tiếng từ ngày mình chưa ra đời. Nếu vậy năm nay bà ta đã ngoại 40 tuổi mà còn trẻ măng như thế hay sao?

Bấy giờ Lưu đại nương lại làm ra dáng không bằng lòng, cự nhà sư rằng:

- Ông rõ khéo, cái mồm cứ bô bô lên thế? Tôi đây có khi nào xứng đáng làm sư phụ được ai ?

Nhà sư nhân thấy Vũ Anh còn đứng do dự, bèn giơ sẽ ấn đầu Vu Anh xuống, mà nói lên rằng:

- Thằng này ngu xuẩn thực ! Không bái ngay sư phụ đi, còn đứng ngẩn người làm gì như thế?

Vu Anh nghe nói cũng miễn cưỡng phải cúi đầu quay sang toan lạy Lưu đại nương. Lưu đại nương vội ngăn lại mà rằng:

- Hãy khoan, hãy khoan... Ta đây thu dụng đồ đệ xưa nay, đã có quy củ nhất định cả rồi. Phàm ai vào xin học, trước hết phải cùng ta đấu nhau một lúc, bất luận là côn quyền gươm giáo cái gì tất phải đánh vào mình ta một cái rồi ta mới nhận dạy cho. Bằng không thì không khi nào ta dạy. Nhà ngươi có ưng theo thế hay không?

Vu Anh đương lúc nghi ngờ trong bụng, cho Lưu đại nương là hạng ngây thơ yếu ớt không đủ dạy mình, nay thấy nói như vậy liền tỏ ý hoan nghênh vô hạn, bèn cười nói mà rằng:

- Nếu người cho phép như thế, khi nào Vu mỗ lại dám trái lời. Vậy xin đại nương đừng chấp trách cho.

Nói đoạn, liền xắn quần áo gọn gàng, đứng ra thủ thế và xin phép Lưu đại Nương để cho quần thảo.

Gác thu vừa tỉnh giấc say

Động xuân dân dã tiếp ngay truyền kỳ

Cõi trần muôn cảnh mê li,

Anh hùng tráng sĩ cũng khi chồn lòng.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...