Không Kết Hôn Liệu Có Chết?

Chương 16: Câu chuyện của người phụ nữ


Chương trước Chương tiếp

Đôi mắt sâu thẳm, mái tóc bay bay; tuyết sương mờ mịt, mây bay lượn lờ, sương khói khi tỏ khi mờ.

Đêm dài, người ở nơi xa, hoài niệm chỉ còn màu đen; mưa mênh mang, gió hiu quạnh; hình bóng nhạt nhòa, thư từ xa xôi.

— “Bụi trắng đen”

Đường Đường vẫn đang miệt mài đánh đàn ở góc phòng khách, dường như ngoài đầu ngón tay gảy đàn, cả thế giới không còn liên quan gì đến cô.

Bình Tử kéo tay Tiểu Mỹ, “em mau nghĩ cách đi. Đã ba ngày nay rồi cô ấy cứ tỉnh dậy lại thế này, không ngủ được lại dùng rượu mạnh mà bản thân cô ấy có khỏe mạnh gì đâu chứ.”

Tiểu Mỹ: “Em đang cố nghĩ cách đây. Em bảo Văn Văn cố ý đến khiêu khích nhưng rốt cuộc cô ấy chẳng có phản ứng gì. Bình thường là hai nàng đã xông vào đấu võ mồm rồi đấy.”

Bình Tử: “Thế Quang Tử là người như nào mà cô ấy phản ứng như vậy?”

Tiểu Mỹ: “Anh còn hỏi làm gì nữa? Sau lưng người đàn ông thành đạt là bóng dáng một người phụ nữ hi sinh mọi thứ cho anh ta, còn sau lưng người phụ nữ thành đạt là hình ảnh người đàn ông đã làm tổn thương cô gái sâu sắc.”

Bình Tử lặng người, “em nói Quang Tử năm đó…”

Tiểu Mỹ: “Trước đây không phải Đường Đường đã từng kể có một giai đoạn yêu đương với một nhà thơ, suýt sinh cho hắn một đứa con nhưng rồi cuối cùng đành phải bỏ sao, gã nhà thơ sau chuyện ấy cũng không thấy tăm hơi đâu nữa?”

Bình Tử: “Em nói Quang Tử chính là nhà thơ đó?”

Tiểu Mỹ đáp lại, “Dương Quang không phải chính là nhà thơ đã mai danh ẩn tích mười năm về trước đó sao? Anh thử nghĩ mà xem.”

Bình Tử: “Nếu đúng như vậy thì gã Quang Tử này quá khốn nạn.”

Tiểu Mỹ: “Anh cũng thấy hắn khi nhìn thấy Đường Đường đã xanh mặt rồi đó. Cô ấy nhất định là người hắn không muốn gặp, không chột dạ thì sao phải phản ứng như vậy?”

Hai người đang nói chuyện thì Văn Văn đẩy cửa bước vào.

Thấy hai người đang thì thầm to nhỏ với nhau còn Đường Đường lại thờ ơ một góc thì cô đi nhẹ nhàng đến và hỏi: “Sao rồi, Đường Đường vẫn không nói gì à? Nhưng vẫn ăn và ngủ được chứ?”

Vẻ mặt anh buồn rầu khẽ gật đầu.

Tiểu Mỹ ngẩng đầu lên hỏi: “Đã mua về chưa?”

Văn Văn: “Mua rồi.”

Bình Tử ngạc nhiên: “Em mua về từ khi nào đấy?”

Tiểu Mỹ vỗ vai anh nói, “anh cùng em xuống nấu bếp nhé. Hôm nay chúng ta sẽ uống với nhau một bữa cho đến khi cô ấy chịu nói ra mới thôi.”

Bình Tử: “Thế cũng được. Đến khi mọi người say rồi anh sẽ phụ trách thu dọn.”

Văn Văn: “Cũng may dạo này em thấy cũng buồn buồn, muốn uống mấy chén.”

©STENT

Hai mươi tuổi, Đường Đường sắp tốt nghiệp cao đẳng, ba mẹ vẫn muốn cô học tiếp lên đại học.

Do Đường Đường học khá lệch nên điểm thi đại học năm đó không tốt nên đành miễn cưỡng học cao đẳng, coi như đó là ý trời.

Đó là những ngày tháng sáng lạn của Dương Quang nhưng trong lòng cô không vui vẻ. Cho dù là bạn gái của anh nhưng Dương Quang mang đến cho cô nhiều vui vẻ hay hoang mang?

Con gái cung Cự Giải thường rất lưu luyến gia đình, Đường Đường cũng không phải ngoại lệ. Khi ở bên Quang Tử, cô nghĩ hai người chỉ cần được ở bên nhau là thấy hạnh phúc nhất rồi.

Nhưng Quang Tử không phải người đàn ông như vậy, anh không hề hẹn hò với cô bất cứ điều gì về cuộc sống hôn nhân sau này. Cô biết anh là người rất yêu bản thân, con gái thường nhạy cảm. Cô không biết rằng liệu tình yêu anh dành cho mình còn được bao lâu nữa. Có lẽ con gái thường suy nghĩ giống nhau, nếu người đàn ông chỉ đến với họ như phong hoa tuyết nguyệt mà không để lại bất cứ lời hứa hẹn gì về cuộc sống mai sau, họ đều cảm thấy nghi ngờ về tình yêu đó.

Dương Quang chính là học trò của chú cô, hơn cô sáu tuổi. Khi mới chỉ hai mươi tuổi, anh đã là một nhà thơ nổi tiếng phía Nam, còn khi anh hai sáu, tên tuổi đã ghi danh không chỉ ở Đại Lục mà còn có những bài phát biểu về tác phẩm thơ của mình ở Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, Singapore, những tác phẩm của anh đều do chú và ba cô giúp đỡ xuất bản. Những nhà thơ thập kỷ 90 của thế kỷ 20 thật may mắn, họ không những tìm ra được phương hướng viết lách cho bản thân còn có sự đồng cảm của độc giả. Quang Tử cũng có một số lượng lớn độc giả của mình.

Đường Đường khi mới mười sáu tuổi đã có thơ được đăng. Nhưng do vốn học lệch, trên lớp lại mải mê sáng tác nên điểm số tụt từ hạng đầu xuống cuối lớp. Khi hai mươi tuổi, cô cũng có những thành tích nho nhỏ trong lĩnh vực sáng tác.

Khi ấy cô nghĩ rằng khi hai nhà thơ gắn kết với nhau nhất định sẽ rất tuyệt diệu. Cuộc sống tương lai sẽ như thơ như họa, đặc sắc nhiều màu.

Vì sự tin tưởng của chú và ba mẹ dành cho bạn trai mình nên cô càng phóng túng hơn. Cuối cùng cô chấp nhận đề nghị của anh – Sống thử.

Điều này đối với tư tưởng thời đó của ba mẹ cô là chuyện không thể chấp nhận được, lý do đưa ra là họ còn quá trẻ. Đời người chưa thể biết hết chuyện sau này, không thể phó thác ngay bản thân cho đối phương được. Sống thử có nghĩa là phải biết rộng lượng hơn với những chuyện nhỏ nhặt hằng ngày, thậm chí phải đủ dũng cảm để đối diện với những gì không hoàn mỹ của người kia. Điểm này chính là sự thiếu sót của hai người, hai nhà thơ trẻ còn chưa hiểu nhiều về sự đời, nhìn cuộc sống quá đơn giản.

Mặc dù đã kiên quyết với cô nhưng ba mẹ đành để cô chuyển nhà ra ngoài sống cùng Dương Quang Tử.

Ngày cô chuyển đi, ba kéo tay cô dặn dò: “Con nhớ kỹ nhé, cho dù xảy ra chuyện gì hay gặp khó khăn đều không được nghĩ linh tinh. Con còn ba mẹ ở đây, ba mẹ luôn đứng về phía con.”

Cuộc sống thử của hai người bắt đầu.

Hai người trẻ chỉ quen lý luận suông, khi đối diện với muôn vàn khó khăn của cuộc sống, hàng ngày phải chịu tính cách sớm nắng chiều mưa của nhau thì bắt đầu sinh ra bất đồng. Tuy những bất đồng rất lặt vặt nhưng mâu thuẫn lại ngày một lớn dần.

Đối với một người chưa từng nghĩ đến chuyện hôn nhân như Dương Quang, lại trải qua hai cuộc tình không thành công, anh càng chỉ trích cô nhiều hơn.

Ngay khi cô quyết định chia tay anh để quay lại cuộc sống với ba mẹ ngày nào thì một chuyện ngoài ý muốn xảy ra…

Cô đã mang dòng máu của anh trong người.

Cô gái mới hai mươi tuổi, chưa kết hôn nhưng đã có con, cho dù ở nước ngoài thì đây cũng là chuyện không thể chấp nhận được.

Đường Đường không phải loại người muốn dùng cái thai ra để uy hiếp. Sau một đêm dài suy nghĩ, cô quyết định nói với anh, cho dù không cần anh phải chịu trách nhiệm nhưng anh cũng có quyền quyết định chuyện này. Giữ hay bỏ đứa trẻ cô phải xem thái độ của anh trước.

Cô bỏ ra hai tiếng giữ mình được bình tĩnh và lý trí nhất, cuối cùng đã nói ra được chuyện đứa trẻ và tình yêu chưa xác định của hai người.

Trong suốt hai tiếng đó, anh chỉ nói duy nhất được một tiếng “ờ”.

Đợi cô nói xong, anh cúi đầu trầm ngâm.

Cô ho khan một tiếng như muốn phá vỡ bầu không khí im lặng.

Dường như anh bị tiếng ho làm cho giật mình, ngẩng đầu lên nhìn cô, phát hiện cô đã nhìn mình từ lâu lắm. Anh hướng đôi lông mày lên trên, bước ra đến ngoài mở cửa và bước đi.

Về chuyện đứa bé trong bụng giữ hay bỏ anh không ý kiến gì, không phản đối hay đồng ý, thậm chí còn lạnh lùng không một biểu hiện nào, cứ thế nghênh ngang ra ngoài.

Cô có cảm giác mình đã cùng đường, cũng may còn được ba mẹ bao dung. Cô là con gái duy nhất của hai người, giờ ba mẹ là chỗ dựa duy nhất của cô.

Chỉ còn cách quay về nhà sám hối. Ngay cả việc xử lý đứa bé thế nào cô cũng không có ý kiến gì.

Ba mẹ cô không nói gì, dường như cô chỉ vừa trải qua chuyến du lịch dài rồi về nhà vậy. Họ đưa cặp mắt âu sầu nhìn nhau nhưng không trách móc con gái nửa lời.

Sau một ngày đấu tranh, cuối cùng ba mẹ đưa ra quyết định: Đứa trẻ sẽ giữ lại để họ nuôi dưỡng, sau khi cô sinh nở xong sẽ tiếp tục học trở lại.

Với sự bao dung của ba mẹ, cô không có bất cứ phản ứng gì.

Thế là cô bắt đầu ở cùng ba mẹ, ngóng trông ngày tiểu sinh linh chào đời.

Khi cô bắt đầu chấp nhận sự thật làm bà mẹ đơn thân thì anh lại xuất hiện. Anh ta đến để xin lỗi và muốn cầu hôn.

Đó là một kết thúc khiến người ta hài lòng. Ba mẹ cô lại một lần nữa nhân từ dang rộng cánh tay đón chào.

Anh không chỉ tới một mình, còn mang theo mẹ ruột tới thăm nhà cô. Mẹ anh biết con dâu tương lai mang bầu nên muốn tới để chăm sóc cho cô.

Mẹ anh là một người phụ nữ rất từng trải, nhìn khóe mắt bà có thể nhìn rõ điều đó.

Ba mẹ cô rất vui mừng. Họ biết mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu từ bao đời nay vốn phức tạp, hơn nữa một người con dâu đã trót “ăn cơm trước kẻng” như cô có thể hòa hợp với mẹ chồng được hay không là một câu hỏi khó. Họ đành đồng ý chấp nhận lễ cưới của con nhưng chưa cho cô được về ở nhà trai luôn.

Ba mẹ cô tin rằng trong quãng thời gian cô chưa sinh nở có thể gần gũi với mẹ chồng hơn. Mẹ anh là người hiền từ, hôm nào cũng mang canh bổ tới hoặc đến đưa cô ra ngoài đi dạo.

Nhưng bị kịch thường xảy ra vào lúc người ta không ngờ đến nhất.

Đó là một ngày trời nắng đẹp.

Khi ấy cô đã mang thai được 4 tháng, cái thai thỉnh thoảng đã biết quẫy đạp.

Cho dù thời điểm đó, anh đối xử với cô vẫn chỉ đều đều, nhưng nghĩ đến sinh linh bé nhỏ sắp chào đời, cô không để ý gì nữa.

Canh hàng ngày vẫn do mẹ anh mang tới đều đều. Điều này khiến ba mẹ cô rất cảm kích với gia đình thông gia.

Một hôm, ba mẹ cô tổ chức một bữa tiệc ở nhà một người bạn, cô đang bụng mang dạ chửa không đi được nên có mẹ anh tới chăm lo.

Uống hết chỗ canh bổ mẹ chồng mang tới, cô theo bà ra ngoài phố đi dạo.

Khi hai người đang đi qua một sườn dốc, mẹ anh quay sang nói: “Con gái tốt thế này đáng tiếc quá, bát tự không tốt!”

Trong lòng cô rất ngạc nhiên, không hiểu ý của mẹ chồng là gì bèn định quay sang hỏi. Bỗng nhiên, cô thấy một lực mạnh đẩy về phía mình, cô bỗng mất thăng bằng rồi ngã lăn xuống sườn dốc.

Khi cô lăn từ sườn dốc xuống vẫn kịp nhìn thấy một tia tàn nhẫn trong khóe mắt của mẹ anh.

Sau đó trời đất quay cuồng.



Khi tỉnh lại cô đã thấy mình trong bệnh viện. Sau đó cô được bác sỹ thông báo đứa con trong bụng không cứu được, do cô lăn từ trên dốc xuống gặp phải chấn động mạnh nên sau này khả năng làm mẹ cũng không còn nữa; và dường như cô phải uống loại thuốc gì không tốt cho thai nhi… Lúc bấy giờ ba mẹ cô mới nhớ ra những bát canh của mẹ chồng tương lai…

Sau khi mọi chuyện xảy ra, Dương Quang và mẹ biến mất như là nước bốc hơi trong ánh nắng, cũng không còn tin tức gì nữa. Điều kỳ lạ hơn, cái tên Dương Quang cũng biến mất hẳn trên diễn đàn thơ văn, dường như người đó cũng đã biến mất trong ngày định mệnh đó.

Cho đến tận mười năm sau, cô vẫn không lý giải được hành động của mẹ anh, càng hoài nghi về chuyện anh ra đi không lời từ biệt.

Đường Đường xuất viện phải ở nhà tĩnh dưỡng một thời gian.

Một ngày kia, cô nhận thấy ba mẹ mình đã già đi nhiều, tóc cũng bạc không ít.

Vào thời khắc ấy, cô thấy hận đến tận sâu tim gan… Hận bản thân bất hiếu, ngay từ đầu không chịu nghe theo lời của ba mẹ; đau đớn, đau vì người đàn ông mình yêu thương sâu đậm đã làm tổn hại đến cô, ra đi không lời giải thích.

Cô không thể đối diện với nỗi buồn và sự già nua của ba mẹ, cũng không đối diện được với những ánh mắt nghi ngờ của bạn bè nơi đây. Thế rồi trong một buổi chiều hoàng hôn, cô đóng gói đồ đạc, viết lại một bức thư gửi ba mẹ rồi đi Bắc Kinh.

Mùa thu năm 2001, cô gái hai mươi tuổi Đường Đường chỉ có trong tay tấm bằng cao đẳng, không có bất cứ kinh nghiệm gì.

Tới Bắc Kinh, cô chọn cho mình một căn phòng thuê rẻ tiền dưới tầng hầm. Đầu tiên, cô đi làm hiệu đính cho các nhà xuất bản, hiệu sách, tạp chí, ngoài ra cô còn viết bài gửi báo.

Cuối cùng, một bài báo của cô đạt được giải nhất toàn quốc.

Ngày lĩnh thưởng, tòa soạn chợt nhận ra đây chính là cô gái thường đến hiệu đính, từ đó họ đã nhìn cô bằng cặp mắt khác. Sau đó, các tòa soạn báo khác cũng mời cô viết bài, khi đã có kinh nghiệm biên tập, Đường Đường nhận công việc biên tập sách cho một công ty văn hóa. Đồng thời cô cũng bắt đầu học được cách viết văn cho hợp với thị trường.

Cũng vào năm này, Đường Đường đã quen được Văn Văn ở một hiệu sách. Do hai người cùng thích một quyển sách nhưng cửa hiệu chỉ còn lại một quyển, cô và Văn Văn cùng muốn mua, sau một hồi tranh chấp, cuối cùng Đường Đường mua được nhưng lại nhường Văn Văn đọc trước.

Do sự đồng điệu về tâm hồn, cô và Văn Văn bắt đầu kết thân nhau. Nhờ Đường Đường truyền những kinh nghiệm về biên tập cho Văn Văn, cô không những phỏng vấn thành công ở nhà xuất bản, sau đó còn tự mình biên tập.

Văn Văn vào nhà xuất bản không lâu thì quen với một cô gái rất thú vị, đó chính là Tiểu Mỹ. Sau đó Văn Văn giới thiệu Tiểu Mỹ cho Đường Đường, họ cùng học hỏi được những kinh nghiệm về cách Đường Đường viết lách.

Vào những ngày mùa thu năm 2003, ba cô gái đã sống rất vui vẻ và hòa thuận với nhau.

Đường Đường kể xong câu chuyện về mình, rồi đến Văn Văn và Tiểu Mỹ, khi đó trời cũng bắt đầu sáng.

Ba cô gái say không biết trời đất gì nữa rồi ai nấy về phòng của mình, Bình Tử lại một mình thu dọn bãi chiến trường.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...