Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao
Chương 23
“Chúng ta nên làm gì đó,” tôi nói.
“Gì đó có thể là ngồi chơi điện tử dành cho người khiếm thị trên ghế nệm xô-pha không?”
“Đúng rồi, em cũng nghĩ đến chuyện chơi trò đó đó.”
Và chúng tôi ngồi lì ở đó trong mấy tiếng đồng hồ, thi nhau nói chuyện với màn hình, len lỏi tìm đường trong một mê cung hang động vô hình mà không có lấy một tí ánh sáng le lói nào. Phần thú vị nhất của trò chơi này tính ra chính là làm sao để máy vi tính xử lý cuộc đàm thoại của chúng tôi theo hướng hài hước:
Tôi: “Chạm tay vào vách hang.”
Máy tính: “Bạn chạm tay vào vách hang. Nó ẩm ướt.”
Anh Isaac: “Liếm vách hang.”
Máy tính: “Tôi không hiểu. Xin lặp lại.”
Tôi: “Nạy vách hang ra.”
Máy tính: “Bạn thử nhảy lên. Bạn bị đụng đầu.”
Anh Isaac: “Không phải nhảy. NẠY VÁCH HANG RA.”
Máy tính: “Tôi không hiểu.”
Anh Isaac: “Anh bạn, tôi đã ở một mình với bóng tối trong hang động này nhiều tuần rồi và tôi cần gọi cứu viện. NẠY VÁCH HANG RA.”
Máy tính: “Bạn cố gắng nha –”
Tôi: “Ẩy hông vào vách hang.”
Máy tính: “Tôi không –”
Anh Isaac: “Cạ mông vào vách hang.”
Máy tính: “Tôi không –”
Tôi: “THÔI ĐƯỢC. Men theo lối bên trái.”
Máy tính: “Bạn men theo lối bên trái. Đường đi hẹp dần.”
Tôi: “Bò.”
Máy tính: “Bạn bò được một trăm thước. Đường hẹp dần.”
Tôi: “Trườn như rắn đi.”
Máy tính: “Bạn trườn kiểu rắn được gần ba mươi thước. Một dòng nước chảy xuống người bạn. Bạn gặp một đống đá nhỏ chắn ngang lối đi.”
Tôi: “Bây giờ tôi có thể nạy hang không?”
Máy tính: “Bạn không thể nhảy lên mà không đứng dậy.”
Anh Isaac: “Tôi không thích sống trong một thế giới mà không có Augustus Waters.”
Máy tính: “Tôi không hiểu –”
Anh Isaac: “Tôi cũng không hiểu. Tạm dừng.”
Anh buông bộ điều khiển từ xa xuống chiếc ghế xô-pha giữa hai chúng tôi và hỏi: “Em có biết là nó đau đớn hay sao không?”
“Chắc anh ấy thở rất khó nhọc, em đoán thế,” tôi đáp. “Cuối cùng anh ấy chìm vào hôn mê, nhưng chuyện nghe như, ừ, chuyện đó không có gì thú vị cả. Chết chóc chẳng hay ho gì!”
“Ừ,” anh Isaac nói. Và sau một hồi lâu im lặng, anh nói tiếp, “Chuyện cứ như không thể xảy ra vậy.”
“Vẫn luôn xảy ra mà,” tôi nói.
“Hình như em giận,” anh nhận xét.
“Dạ,” tôi đáp. Chúng tôi chỉ ngồi đó trong im lặng một hồi lâu, như vậy thật tốt. Tôi đang nhớ lại buổi đầu gặp gỡ trong Trái Tim của Chúa Giêsu khi anh Gus chia sẻ rằng anh sợ bị lãng quên. Khi đó tôi đã nói với anh rằng anh đã lo sợ một chuyện rất phổ quát và không thể tránh khỏi, thực ra, vấn đề không phải là chính sự đau khổ hay sự lãng quên mà là tính vô nghĩa của những khái niệm này, tính vô nghĩa của thuyết hư vô hoàn toàn vô nhân đạo về sự khổ đau. Tôi chợt nhớ lời Ba nói với tôi rằng vũ trụ này muốn được chú ý. Nhưng những gì chúng ta muốn là được vũ trụ chú ý, được vũ trụ quan tâm đến những gì xảy ra với chúng ta – không phải là khái niệm chung về cuộc sống nhân sinh mà là từng người trong chúng ta, như những cá nhân riêng lẻ.
“Gus thực sự yêu em, em biết chứ,” anh nói.
“Em biết.”
“Thằng đó sẽ không ngại ngần khoe chuyện đó đâu.”
“Em biết,” tôi đáp.
“Vậy cũng bực mình ha!”
“Em không thấy bực mình chuyện đó,” tôi nói.
“Thế nó có bao giờ đưa em coi cái thứ nó viết chưa?”
“Thứ gì?”
“Phần tiếp theo hay gì đó cho cuốn sách mà em yêu thích á,”
Tôi quay sang anh Isaac. “Cái gì?”
“Nó nói đang viết gì đó cho em, nhưng lại không có năng khiếu viết lách.”
“Anh ấy nói điều này khi nào vậy?”
“Anh không nhớ. Khoảng một thời gian sau khi nó trở về từ Amsterdam thôi.”
“Là thời điểm nào?” tôi hỏi dồn. Chẳng nhẽ anh đã không có cơ hội để hoàn thành nó? Hay anh đã hoàn thành nó và để trong máy tính hoặc ở đâu đó chăng?
“Ừm,” anh Isaac thở dài. “Ừm, anh không biết. Tụi anh nói chuyện đó ở đây có một lần. Nó đã đến đây, lúc đó – à, tụi anh đã nghịch cái máy đọc email của anh, khi đó, anh vừa nhận được một email từ bà ngoại anh. Anh có thể kiểm tra trên máy nếu em –”
“Dạ, dạ, mà nó ở đâu vậy?”
Anh đã đề cập đến chuyện này một tháng trước. Một tháng. Phải thừa nhận không phải là một tháng tốt lành gì, nhưng dù gì vẫn tròn – một tháng. Vậy là đủ thời gian cho anh viết một cái gì đó, chí ít là như vậy. Anh vẫn còn lưu lại một cái gì đó của mình, hoặc ít nhất do anh viết ra, đang lưu lạc ở đâu đó quanh đây. Tôi cần tìm nó.
“Em sẽ đến nhà của anh ấy tìm,” tôi nói với anh Isaac.
Tôi vội đi ra chiếc xe tải nhỏ và lôi giá ô-xy lên đặt vào ghế phụ lái, rồi khởi động xe. Một đoạn nhạc hip-hop xập xình phát ra từ dàn âm thanh trên xe. Và khi tôi đưa tay định đổi đài thì có một người nào đó bắt đầu hát rap. Bằng tiếng Thụy Điển.
Tôi quay nhìn xung quanh và thét lên khi thấy Peter Van Houten đang ngồi ở băng ghế sau.
“Tôi xin lỗi vì đã làm cô bé giật mình,” Peter Van Houten nói qua lời rap. Ông ta vẫn mặt bộ suit hôm trước, sau gần một tuần. Người ông ta nồng nặc mùi rượu như thể bây giờ mồ hôi của ông ta cũng là rượu. “Cô bé cứ tự nhiên giữ cái đĩa CD,” ông ta nói. “Của Snook đó, một trong những ban nhạc lớn của Thụy Điển –”
“Á á á á RA KHỎI XE CỦA TÔI MAU.” Tôi tắt luôn dàn âm thanh.
“Đây là xe của mẹ cháu, theo như tôi hiểu là vậy,” ông ta nói. “Đồng thời, cửa xe không khóa.”
“Ôi, Chúa ơi! Có ra khỏi xe không hay đợi tôi gọi chín một một. Này, bộ ông có vấn đề gì hả?”
“Nếu có thì chỉ vì một vấn đề thôi,” ông ta trầm ngâm. “Tôi đến đây đơn giản chỉ để nói lời xin lỗi. Cô bé đã đúng khi chỉ ra rằng trước đây tôi là một kẻ nhỏ mọn thảm hại, sống chỉ biết đến rượu. Tôi chỉ có một người quen duy nhất đã dành thời gian ở bên cạnh tôi bởi vì tôi đã trả lương cho cô ấy làm việc – tệ hại hơn là bây giờ, kể từ khi cô ấy nghỉ việc, tôi chỉ còn là một linh hồn chơ vơ không thể tìm được người đồng hành thậm chí thông qua hối lộ. Tất cả đều đúng, Hazel à. Tất cả những điều đó và thậm chí hơn thế nữa.”
“Được rồi,” tôi nói. Bài phát biểu sẽ cảm động hơn nếu ông ta không nói ngọng nghịu líu nhíu trong hơi rượu.
“Cô bé làm tôi nhớ đến Anna.”
“Tôi làm rất nhiều người nhớ đến rất nhiều người khác,” tôi đáp xẵng. “Tôi thực sự phải đi.”
“Vậy cứ lái đi,” ông ta bảo.
“Ông xuống xe mau.”
“Không. Cô bé làm tôi nhớ đến Anna,” ông ta lúng búng một lần nữa. Sau một giây, tôi cài số de và lùi xe lại. Tôi không thể đuổi ông ta ra khỏi xe và tôi cũng không cần phải làm như vậy. Tôi sẽ lái xe đến nhà anh Gus, và ba mẹ anh sẽ đuổi ông ta xuống.
“Cô bé dĩ nhiên là rất quen thuộc,” Van Houten nói tiếp, “với Antonietta Meo.”
“À, không,” tôi đáp. Tôi bật dàn âm thanh và tiếng nhạc hip-hop Thụy Điển lại xập xình vang lên, nhưng Van Houten hét oang oang át cả tiếng nhạc.
“Có lẽ cô bé ấy là đứa trẻ chết vì bệnh nhỏ tuổi nhất từng được phong chân phước bởi Giáo hội Công giáo. Cô bé ấy mắc cùng căn bệnh ung thư như cậu Waters, bị u xương ác tính. Các bác sĩ đã cắt bỏ chân phải của cô bé. Đau đớn tột cùng. Khi Antonietta Meo nằm hấp hối ở độ tuổi chín chắn khi vừa lên sáu do căn bệnh ung thư đầy đau đớn này, cô bé đã nói với cha mình như sau, ‘Cơn đau giống như vải vậy: càng dai càng có giá trị.’ Có phải như vậy không, Hazel?”
Tôi nhìn Van Houten trực tiếp mà qua hình ảnh phản chiếu của ông ta trong kính chiếu hậu. “Không,” tôi la toáng lên trong tiếng nhạc xập xình. “Thật nhảm nhí!”
“Hóa ra cô bé không cho là vậy!” Ông ta gào lên. Tôi tắt nhạc. “Tôi xin lỗi đã làm hỏng chuyến đi của cô bé. Cô bé còn quá trẻ. Cô bé còn –” Ông ta nức nở. Như thể ông ta có quyền khóc tang anh Gus vậy. Van Houten chỉ là một trong vô số những kẻ khóc tang mà không hề biết anh, một sự than khóc quá muộn màng trên nấm mồ của anh.
“Ông đã không làm hỏng chuyến đi của chúng tôi, ông già tự phụ. Chúng tôi đã có một chuyến đi tuyệt vời.”
“Tôi đang cố gắng,” ông ta nói. “Tôi đang rất cố gắng, tôi thề đó.” Và lúc ấy tôi mới hiểu ra trong gia đình Perter Van Houten đã có một người mất vì bệnh ung thư. Tôi nghĩ đến tính trung thực trong những gì ông ta đã viết về bệnh nhi ung thư; đến chuyện ông ta không thể nói chuyện với tôi ở Amsterdam ngoại trừ đặt ra câu hỏi rằng có phải tôi đã cố tình ăn mặc giống bạn ấy; đến thái độ ti tiện mà ông ta phủ lên đầu tôi và anh Augusutus; đến câu hỏi nhức nhối của ông ta về mói quan hệ giữa cơn đau cực điểm và giá trị của nó. Con người ấy chỉ ngồi đó nốc rượu, một ông già say như hũ chum trong nhiều năm. Tôi chợt nhớ đến một thống kê mà phải chi tôi không được biết: Một nửa các cuộc hôn nhân kết thúc trong vòng một năm sau khi đứa con chung qua đời. Tôi quay lại nhìn Van Houten, đoạn lái xe xuống College, tấp vào phía sau một hàng xe đang đậu và hỏi, “Chú có con qua đời vì bệnh phải không?”
“Con gái tôi,” người đồng hành với tôi thốt lên. “Con bé mới lên tám. Chịu đau rất giỏi. Sẽ không bao giờ được phong chân phước.”
“Cô bé bị bệnh bạch cầu?” tôi dò hỏi. Van Houten gật đầu. “Giống như bạn Anna,” tôi nói.
“Rất giống với Anna, ừ.”
“Chú có gia đình?”
“Không. À, không phải vào thời điểm con bé qua đời. Từ trước khi mất con bé rất lâu thì tôi đã là người không chịu đựng nổi rồi. Sự đau buồn thương tiếc không làm thay đổi ta, Hazel à. Nó chỉ bộc lộ bản chất của ta mà thôi.”
“Chú đã sống với cô bé?”
“Không, hồi đầu thì không. Mặc dù lúc cuối, chúng tôi đã đưa con bé đến New York, nơi tôi đang sống, để trải qua hàng loạt các thử nghiệm tra tấn vốn chỉ tăng thêm sự đau khổ trong chuỗi ngày còn lại của con bé chứ chẳng tăng thêm được số ngày nào hết.”
Sau một giây, tôi nói, “Vậy giống như là chú đã cho cô bé cuộc sống thứ hai trong tiểu thuyết, để cô bé được trải qua tuổi thiếu niên.”
“Tôi nghĩ đó sẽ là một đánh giá công bằng,” ông ta nói, và nhanh chóng nói thêm, “Tôi cho rằng cô bé có biết đến thực nghiệm tư duy mang tên ‘bài toán luân lý với xe lửa mất lái’ của Philippa Foot?”
“Và sau đó cháu xuất hiện trước cửa nhà chú, ăn mặc như người mà chú hy vọng là con gái chú sẽ sống và trở thành như vậy, cho nên chú, giống như chú quá bàng hoàng sửng sốt trước điều đó.”
“Có một chiếc xe lửa bị mất lái trên đường ray,” ông ta nói.
“Cháu không quan tâm đến thực nghiệm tư duy kì cục của chú,” tôi đáp xẵng.
“Thật ra là của Philippa Foot.”
“Chậc, của bà ấy cũng thế,” tôi nói.
“Con bé không hiểu tại sao chuyện lại diễn biến như vậy,” ông ta tiếp tục nói. “Tôi phải nói với con bé rằng nó sắp chết. Nhân viên xã hội của con bé buộc tôi phải nói với nó. Tôi phải báo với con bé là nó sắp chết, nên tôi bảo là nó sẽ được lên thiên đường. Con bé bèn hỏi liệu tôi cũng có mặt ở trên đó không thì tôi bảo rằng không, chưa đến lúc. Nhưng cuối cùng, vì con bé cứ nói mãi nên tôi đã hứa là ừ, tất nhiên rồi, sẽ sớm thôi. Rằng trong khi chờ đợi thì có cả một đại gia đình ở trên đó sẽ chăm sóc nó. Con tôi hỏi lạ là khi nào tôi sẽ lên đó, thì tôi đã trả lời là sẽ sớm thôi. Vậy mà cũng đã hai mươi năm rồi.”
“Cháu rất tiếc.”
“Tôi cũng vậy.”
Sau một lúc, tôi hỏi, “Thế điều gì đã xảy ra với mẹ của cô bé?”
Ông ta mỉm cười. “Cô bé vẫn đang tìm hiểu phần tiếp theo của câu chuyện, cô nhỏ tinh quái này.”
Tôi mỉm cười đáp lại. “Chú nên về nhà,” tôi nói với ông ta. “Cai dứt rượu. Viết một cuốn tiểu thuyết khác. Hãy làm những gì thuộc năng khiếu của chú. Không có nhiều người đủ may mắn để sở hữu năng khiếu trời phú như vậy đâu.”
Ông ta nhìn tôi chằm chằm qua kính chiếu hậu một lúc lâu. “Được rồi,” ông ta nói. “Ừ. Cô bé nói đúng. Cô bé nói đúng.” Nhưng ngay cả khi miệng nói thế, tay ông ta vẫn rút cái chai whiskey đã gần cạn ra. Ông ta uống, đậy nắp lại và mở cửa xe. “Tạm biệt, Hazel.”
“Đừng căng thẳng quá nhé, chú Van Houten.”
Van Houten ngồi bệt xuống lề đường phía sau xe. Khi tôi dõi theo bóng hình ông ta nhỏ dần trong kính chiếu hậu, tôi thấy ông ta lấy chai rượu ra. Và trong một tích tắc ngắn ngủi, tôi đã tin rằng ông ta sẽ để nó lại trên vỉa hè. Thế nhưng người đàn ông ấy đã ngửa cổ nốc ừng ực.
Đó là một buổi chiều nóng nực ở Indianapolis, không khí đặc quánh và im ắng như lúc chúng tôi ở giữa một đám mây. Đây là thời tiết xấu nhất đối với tôi, và tôi tự nhủ tất cả là do khí hậu này khi quãng đường đi bộ từ lối vào đến cửa trước nhà anh Gus có vẻ như kéo dài vô tận. Tôi bấm chuông, và mẹ anh ra mở cửa.
“Ồ, Hazel,” bà thốt lên, ôm choàng lấy tôi và bật khóc.
Bà làm cho tôi món mì lasagna cà tím – có lẽ nhiều người đã mang đồ ăn đến biếu hay sao đó – để ăn với bà và ba anh. “Cháu khỏe không?”
“Cháu rất nhớ anh ấy.”
“Ừ.”
Tôi thực sự không biết phải nói gì. Tôi chỉ muốn đi xuống cầu thang và tìm kiếm bất cứ cái gì anh đã viết cho tôi. Thêm vào đó, bầu không khí im lặng trong phòng khiến tôi không được thoải mái. Tôi muốn họ trò chuyện với nhau, an ủi, nắm tay hay làm bất cứ điều gì. Nhưng họ chỉ ngồi đó ăn qua loa món lasagna, thậm chí chẳng buồn nhìn nhau. “Thiên đường cần một thiên thần,” ba anh lên tiếng sau một hồi im lặng.
“Cháu biết ạ,” tôi nói. Sau đó, các chị của anh cùng đám cháu nhộn nhạo xuất hiện và ùa vào bếp. Tôi đứng dậy, ôm chào hai chị và sau đó theo dõi mấy đứa nhoc chạy lăng quăng quanh nhà bếp với nguồn năng lượng dồi dào vô cùng cần thiết của tiếng ồn và chuyển động, các phân tử bị kích thích này va vào nhau và la hét ỏm tỏi, “Anh bị không em bị không em bị rồi nhưng em đã bắt được anh em có bắt được anh đâu em bắt hụt mà ờ thì giờ em bắt được anh rồi nè thằng ngu thời gian nghỉ mà đâu có tính đâu DANIEL KHÔNG ĐƯỢC GỌI EM CON LÀ THẰNG NGU ủa Mẹ nếu con không được phép sử dụng từ đó thì sao Mẹ hay nói thằng ngu thằng ngu đó,” và sau đó là một tràng thằng ngu thằng ngu thằng ngu thằng ngu, ở bên bàn ăn ba mẹ anh lúc này đã nắm tay nhau, khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn.
“Anh Isaac nói với cháu là anh Gus đã viết gì đó, một cái gì đó cho cháu,” tôi phân trần. Mấy đứa cháu vẫn lải nhải cái điệp khúc thằng ngu ngớ ngẩn của chúng.
“Chúng ta có thể kiểm tra máy tính của thằng bé,” mẹ anh nói.
“Anh không dùng máy nhiều trong mấy tuần cuối,” tôi giải thích.
“Đúng thế. Bác thậm chí không biết mọi người đã mang nó lên đây chưa. Cái máy vẫn còn ở dưới tầng hầm phải không anh Mark?”
“Anh không biết nữa.”
“Dạ,” tôi nói, “vậy cháu có thể…” tôi ngoái đầu về phía cửa tầng hầm.
“Nhà bác vẫn chưa dọn dẹp gì,” ba anh đáp. “Dĩ nhiên là được, Hazel. Dĩ nhiên là cháu có thể xuống đó.
Tôi đi xuống cầu thang, băng qua chiếc giường bề bộn chưa dọn dẹp của anh, qua mấy chiếc ghế chơi điện tử chỏng chơ bên dưới kệ ti-vi. Máy tính của anh vẫn mở. Tôi nhấp chuột để kích hoạt lại máy tính rồi tìm kiếm những tập tin được chỉnh sửa gần nhất. Không có gì trong tháng vừa qua. Tài liệu gần nhất là một bài viết phản hồi về tác phẩm Mắt biếc của tác giả Toni Morrison.
Có lẽ anh viết tay chăng. Tôi đi đến kệ sách trong phòng, tìm một quyển tạp chí hay một cuốn sổ tay. Nhưng không có gì hết. Tôi lật đi lật lại cuốn Nỗi đau tột cùng của anh. Anh đã không để lại một vết tích nào trong đó.
Tiếp theo, tôi bước đến chiếc bàn ở phía đầu giường ngủ. Mayhem bất tử, phần thứ chín sau cuốn Cái giá của Bình minh, nằm trên cùng bên cạnh cái đèn đọc sách, mép trang 138 được gấp xuống. Anh không bao giờ làm như vậy trong lúc đọc. “Cảnh báo ẩn: Mayhem vẫn sống,” tôi nói to như thể anh còn nghe được lời tôi.
Và sau đó tôi bò lên chiếc giường bừa bộn của anh, cuộn mình trong chăn như một cái kén, để mùi của anh bao bọc lấy tôi. Tôi rút ống trợ thở ra để có thể hít sâu hơn mùi của anh, hít hơi anh vào và thở hơi anh ra, mùi hương phai dần ngay cả khi tôi nằm yên ở đó, ngực nóng ran như lửa đốt cho đến khi tôi không thể phân biệt được gì giữa những cơn đau.
Tôi ngồi dậy trên giường sau một lúc và lồng ống trợ thở vào lại, ngồi thở dốc một hồi trước khi đi lên cầu thang. Tôi chỉ lắc đầu để trả lời ánh mắt đầy vẻ mong đợi của ba mẹ anh. Mấy đứa cháu chạy ngang qua chỗ tôi. Một trong hai chị của Gus – tôi không thể phân biệt ai là ai – lên tiếng, “Mẹ ơi, Mẹ có muốn con dẫn chúng ra ngoài công viên chơi không?”
“Không, không, không sao đâu.”
“Liệu còn có nơi nào để anh ấy để lại một cuốn sổ tay không hai bác? Chẳng hạn như cạnh giường của anh ấy ở bệnh viện hay nơi nào đó?” Chiếc giường đã được bệnh viện dọn dẹp mất rồi.
“Hazel,” ba anh ái ngại nói, “cháu đã ở đây mỗi ngày với gia đình bác. Cháu – thằng bé đã không cô đơn một mình, cháu yêu à. Chắc nó không có thời gian để viết gì đâu. Bác biết cháu muôn… Bác cũng muốn thế mà. Nhưng giờ đây có lẽ những thông điệp mà thằng bé muốn nhắn cho chúng ta được gửi từ trên đó, Hazel à.” Ông chỉ tay lên trần nhà, như thể anh Gus đang lơ lửng ngay trên nóc. Biết đâu như thế cũng nên. Tôi không biết nữa, riêng tôi thì không cảm nhận được sự hiện diện của anh ở đâu hết.
“Dạ,” tôi nói. Tôi hứa sẽ đến thăm họ trong vài ngày tới.
Tôi không bao giờ còn gặp lại mùi hương của anh nữa.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp