Kẻ Trộm Sách

Chương 28


Chương trước Chương tiếp

TRẬN ĐẤU CUỐI CÙNG: 24 THÁNG SÁU

Sau đó là đến mặt thứ bảy của hạt xúc xắc. Hai ngày sau khi Đức xâm lược Nga. Ba ngày trước khi Anh và Liên Xô tham gia cuộc chiến.

Mặt số bảy.

Bạn tung con xúc xắc và nhìn nó tới, hoàn toàn nhận thúc được rằng đây không phải là một viên xúc xắc thông thường. Bạn nói nó là một điều xui xẻo, nhưng bạn vẫn biết rằng nó phải xảy đến. Bạn mang nó vào trong phòng. Cái bàn có thể ngửi thấy nó trong hơi thở bạn. Người Do Thái đang thò ra khỏi miệng túi của bạn. Anh ta làm bẩn ve áo bạn, và ngay khoảnh khắc bạn gieo con xúc xắc, bạn biết đó sẽ là mặt số bảy – điều mà làm thế nào đó đã tìm ra cách khiến bạn tổn thương. Nó rơi xuống. Nó nhìn chằm chằm vào từng con mắt của bạn, một cách phi thường và đáng ghét, rồi bạn quay đi với một viên xúc xắc đang gieo vào lồng ngực.

Chỉ là xui xẻo thôi.

Đó là điều bạn nói.

Không có hậu quả gì cả.

Đó là điều mà bạn bắt bản thân mình phải tin – bởi vì thẳm sâu trong lòng, bạn biết rằng cái miếng nhỏ của vận may đang thay đổi ấy là một dấu hiệu của những điều sẽ xảy đến. Bạn che giấu một người Do Thái. Bạn phải trả giá. Dù bằng cách này hay cách khác, thì bạn cũng phải trả giá.

Ngay cả đến mãi sau này, khi nhìn lại, Liesel cũng tự nhủ rằng đó không phải là một vấn đề lớn. Có thể vì đã có quá nhiều thứ xảy ra lúc con bé viết câu chuyện của mình dưới tầng hầm. Trong toàn bộ câu chuyện kinh khủng này, con bé suy luận rằng việc Rosa bị ông thị trưởng và vợ ông ta làm cho thất nghiệp không phải là một sự xui xẻo chút nào. Nó chẳng liên quan gì đến việc che giấu một người Do Thái cả. Nó liên quan đến hoàn cảnh chung của cuộc chiến tranh. Dù vậy, khi đó, chắc hẳn là con bé đã cảm nhận thấy một cảm giác của sự trừng phạt.



Mọi việc thực sự bắt đầu khoảng một tuần trước ngày thứ hai mươi bốn của tháng. Liesel bới thùng rác để tìm một tờ báo cho Max Vandenburg như nó vẫn thường làm. Con bé thò tay vào một thùng rác đoạn vừa qua khỏi phố Munich, lấy ra một tờ báo rồi kẹp nó dưới nách. Khi nó đã đưa tờ báo cho Max và anh bắt đầu lần đọc đầu tiên của mình, anh liếc nhìn con bé rồi chỉ vào một bức ảnh trên trang bìa tờ báo. “Đây chẳng phải là người mà em vẫn giao đồ giặt ủi sao?”

Liesel tiến lại từ chỗ bức tường. Con bé đã viết từ “cãi nhau” sáu lần, bên cạnh bức tranh Max vẽ đám mây hình sợi dây thừng và ông mặt trời đang nhỏ giọt. Max đưa cho nó tờ báo và con bé khẳng định lại điều anh vừa nói. “Đúng là ông ta đấy.”

Khi tiếp tục đọc bài báo, nó biết rằng Heinz Hermann, ông thị trưởng, đã có một câu nói được trích dẫn lại rằng: dù cuộc chiến đang diễn tiến một cách hết sức thuận lợi, thì người dân Molching, cũng như mọi người dân Đức có trách nhiệm khác, nên cân nhắc một cách kỹ lưỡng và chuẩn bị cho những giai đoạn khó khăn có thể xảy đến sắp tới. “Các bạn sẽ chẳng bao giờ biết được,” ông ta nói, “kẻ thù của chúng ta đang nghĩ gì, hay bọn chúng sẽ cố gắng làm suy yếu chúng ta như thế nào.”

Một tuần sau, lời nói của ông thị trưởng trở thành một hiện thực phũ phàng. Liesel, như thường lệ, xuất hiện trên phố Grande và đọc Người huýt sáo trên sàn thư phòng của ông. Vợ ông ta không tỏ ra bất cứ dấu hiệu bất thường nào (hay nói thẳng ra, là không có dấu hiệu nào khác) cho đến khi đã đến lúc con bé ra về.

Lần này, khi đưa cho Liesel quyển Người huýt sáo, bà ta cứ nằng nặc bắt Liesel phải nhận nó. “Làm ơn đi.” Bà gần như là van xin con bé. Quyển sách được nắm rất chặt và cẩn thận trên một tay bà. “Hãy nhận đi. Làm ơn hãy nhận lấy nó đi.”

Liesel, bị rung động bởi hành động lạ lùng của người đàn bà này, không thể chịu nổi việc phải làm bà ta thất vọng lần nữa. Quyển sách bìa xám với những trang sách màu vàng đã tìm được cách nằm trong tay nó, và con bé bắt đầu bước ra hành lang. Khi con bé chuẩn bị hỏi về đám đồ giặt ủi, vợ ông thị trưởng nhìn nó một lần cuối cùng, cái nhìn của một nỗi buồn trong bộ áo choàng tắm. Bà ta thò tay vào trong ngăn kéo và rút ra một phong bì. Giọng nói của bà, đứt quãng vì ít khi được dùng đến, bật ra những từ ngữ như tiếng ho. “Ta rất tiếc. Cái này là cho mẹ của cháu.”

Liesel ngừng thở.

Đột nhiên con bé nhận thức được đôi chân nó đang cảm thấy trống rỗng đến thế nào trong đôi giày nó mang. Có cái gì đó như giễu cợt nơi cổ họng con bé. Nó run rẩy. Sau cùng, khi đưa tay ra và nhận lấy cái phong bì, nó nghe thấy tiếng đồng hồ đang chạy trong thư viện. Với một niềm tin không cách gì lay chuyển được, con bé nhận thấy rằng những chiếc đồng hồ không tạo ra một âm thanh tích tắc đều đặn rất nhỏ. Âm thanh ấy giống với âm thanh của một cái búa lộn ngược, đang gõ theo một phương pháp cụ thể nào đó, vào trái đất. Đó là âm thanh của một nấm mồ. Con bé nghĩ thầm, giá như nấm mồ của mình đã sẵn sàng lúc này – bởi vì Lm, vào khoảnh khắc đó, đã muốn được chết. Khi những người khác không còn thuê mẹ nó làm nữa, thì nó vẫn cảm thấy cũng không đến nỗi đau đớn lắm. Luôn có ông thị trưởng, thư phòng của ông ta, và mối liên hệ của con bé với người vợ của ông. Ngoài ra, đây là nhà cuối cùng còn thuê mẹ nó làm, hy vọng cuối cùng, và cái hy vọng ấy rốt cuộc cũng đã tan biến đi mất rồi. Lần này, con bé thấy như mình vừa phải hứng chịu sự phản bội phũ phàng nhất trên đời.

Làm sao mà con bé có thể đối mặt với mẹ nó cơ chứ?

Với Rosa, mấy đồng bạc ít ỏi vẫn còn có ích theo một vài cách nào đó. Một vốc tay đầy bột nữa. Một miếng mỡ nữa.

Bản thân Ilsa Hermann lúc này cũng đang hấp hối – để rũ bỏ nó. Liesel có thể nhận thấy điều này, đâu đó trong cái cách mà bà ôm lấy tấm áo choàng của mình chặt hơn một chút. Sự vụng về của niềm hối tiếc vẫn giữ bà ở khoảng cách gần gũi, nhưng rõ ràn là bà rất muốn những chuyện này chấm dứt. “Hãy nói với mẹ của cháu là,” bà lại nói. Lúc này giọng của bà đang thay đổi, vì một câu đã thành hai câu. “Rằng chúng ta rất lấy làm tiếc.” Bà bắt đầu xua con bé ra phía cửa.

Lúc này Liesel có thể cảm nhận được điều đó trên đôi vai nó. Nỗi đau đớn, hậu quả của một sự chối bỏ cuối cùng.

Vậy đó sao? Con bé thầm hỏi. Bà chỉ đơn giản là đá cháu ra ngoài như thế này đây sao?

Một cách chậm chạp, con bé nhặt cái túi rỗng của mình lên và lê bước về phía cửa ra vào. Khi đã ở bên ngoài, con bé quay lại và đối mặt với vợ của ông thị trưởng lần cuối-cùng-thứ-hai của ngày hôm đó. Con bé nhìn thẳng vào mắt bà ta với một niềm kiêu hãnh gần như hoang dại. “Danke schon,” con bé nói, và Ilsa Hermann mỉm cười, một cách hết sức thất bại và vô dụng.

“Nếu có khi nào cháu muốn đến chỉ để đọc sách,” người đàn bà ấy nói dối (hay đứa bé gái, trong tình trạng buồn bã, bàng hoàng của nó, nhìn nhận câu này là một câu nói dối), “thì cháu sẽ luôn được đón tiếp.”

Ngay lúc đó, Liesel cảm thấy kinh ngạc bởi chiều rộng của ngưỡng cửa. Có quá nhiều khoảng trống. Tại sao người ta lại cần nhiều khoảng trống như vậy để đi qua cửa cơ chứ? Nếu Rudy có ở đây, hẳn thằng bé đã gọi nó là một đứa ngốc – để mang được thứ đồ đạc của họ vào trong nhà chứ còn làm sao nữa.

“Tạm biệt,” đứa bé gái nói, và một cách từ từ, với một sự buồn bã đến vô hạn, cánh cửa được đóng lại.

Liesel vẫn không đi.

Con bé ngồi lại trên những bậc cấp một lúc lâu và quan sát Molching. Trời không ấm mà cũng chẳng mát, thị trấn trông thật sạch sẽ và tĩnh lặng. Molching đang ở trong một cái lọ.

Con bé mở bức thư ra. Trong đó, thị trưởng Heinz Hermann chỉ ra một cách hết sức ngoại giao lý do chính xác vì sao ông ta ngưng thuê Rosa Hubermann giặt ủi đồ cho mình. Gần như trong toàn bộ lá thư, ông ta chỉ làm có một điều, ấy là giải thích rằng mình sẽ là một kẻ giả nhân giả nghĩ nếu vẫn duy trì cái việc làm xa xỉ nhỏ nhặt là thuê người khác giặt ủi quần áo cho mình, trong khi miệng thì vẫn ra rả khuyên người khác hãy chuẩn bị cho những quãng thời gian khó khăn hơn sắp tới.

Sau cùng, khi con bé đứng dậy và đi về nhà, thì cái thời điểm phản ứng của con bé lại đến một lần nữa, khi nó nhìn thấy biển hiệu STEINER SCHNEIDERMEISTER trên phố Munich. Nỗi bồn bã rời bỏ con bé, và nó đã bị lấn át hoàn toàn bởi cơn giận dữ. “Cái lão thị trưởng khốn kiếp ấy,” con bé thì thầm, “mụ đàn bà đáng thương hại ấy.” Một thực tế là những quãng thời gian khó khăn hơn đang tới chắc chắn là lý do tôt nhất để tiếp tục thuê Rosa làm việc, nhưng không, họ đã sa thải bà ấy. Dù sao đi nữa, con bé quyết định, rốt cuộc thì họ cũng có thể tự giặt và ủi lấy mớ quần áo thánh vật của mình, như những người bình thường. Như những người nghèo.

Trong tay nó, quyển Người huýt sáo bị nghiến chặt dần.

“Vậy là bà đưa cho tôi quyển sách,” con bé nói thành tiếng, “để tỏ lòng thương hại – để bà cảm thấy không quá cắn rứt…” Cái thực tế là quyển sách ấy cũng đã được đưa cho con bé trước ngày hôm đó trở nên không còn quan trọng lắm với nó nữa.

Con bé quay người lại như trước đây nó đã từng làm thế một lần, và quay trở lại nhà số 8 phố Grande. Sức cám dỗ của việc chạy là rất mãnh liệt, nhưng con bé đã cố gắng kìm nén hành động này để có đủ sức dành cho những từ ngữ.

Khi đến nơi, con bé cảm thấy thất vọng vì ông thị trưởng không có nhà. Không có chiếc xe hơi nào đậu ngay ngắn bên vệ đường cả, và điều này có thể là một điều tốt. Nếu nó đậu ở đó, chẳng biết con bé có thể làm gì nữa trong cái khoảnh khắc người giàu đấu với người nghèo này.

Phóng hai bậc thang một, con bé đến được chỗ cánh cửa và đập vào nó đủ mạnh để cảm thấy tay mình đau. Nó thấy vui thích vì những cơn đau nhỏ nhoi ấy.

Rõ ràng là vợ của ông thị trưởng đã hết sức sửng sốt khi bà gặp lại con bé. Mớ tóc lơ thơ của bà hơi ước và những nếp nhăn của bà như giãn ra khi bà nhận thấy cơn phẫn nộ lộ rõ trên gương mặt xanh xao của con bé. Bà mở miệng nhưng không có gì được nói ra cả, điều này thực sự rất có ích, vì Liesel là người đã chiếm đoạt quyền được nói.

“Bà nghĩ là,” con bé nói, “bà có thể mua chuộc tôi với quyển sách này ư?”

Giọng của con bé, dù run rẩy, nhưng vẫn móc thẳng vào cuống họng của người đàn bà nọ. Cơn giận dữ của nó tỏa ánh sáng lấp lánh, dày đặc và khiến con bé mất bình tĩnh, nhưng nó vẫn vượt qua được điều đó một cách khó khăn. Con bé còn tiến xa hơn, đến độ nó phải chùi nước mắt khỏi mắt mình. “Bà đưa cho tôi cái quyển sách con lợn này rồi cho rằng nó sẽ khiến cho mọi việc trở nên tốt đẹp khi tôi đi nói với mẹ tôi là chúng tôi vừa mới mất khách hàng cuối cùng ư? Trong khi bà ngồi đây, trong tòa biệt thự này?”

Những cánh tay của vợ ông thị trưởng.

Chúng buông thõng xuống.

Mặt bà chảy dài ra.

Dù vây, Liesel vẫn không chùn bước. Con bé xịt thẳng những từ ngữ của mình vào đôi mắt của người đàn bà nọ.

“Bà và lão chồng của bà. Ngồi ru rú nơi đây.” Bây giờ con bé đã trở nên cay độc. Cay độc và xấu xa hơn mức mà nó nghĩ mình có thể đạt tới.

Vết thương của những từ ngữ.

Phải, sự tàn khốc của những từ ngữ.

Con bé triệu tập chúng từ một nơi nào đó mà chỉ lúc này con bé mới nhận thức được và ném mạnh tất cả vào Ilsa Hermann.

“Đã đến lúc rồi,” nó nói với và, “đã đến lúc bà phải giặt mớ đồ hôi hám của mình rồi. Đã đến lúc bà phải đối mặt với một sự thực là con trai các người đã chết. Nó đã bị giết! Nó đã bị siết cổ và cắt nát ra hơn hai mươi năm về trước! Hay là nó đã bị chết cóng? Dù theo cách nào đi nữa, thì nó cũng đã chết! Nó đã chết và thật đáng thương hại làm sao khi các người ngồi đây, run lẩy bẩy trong ngôi nhà của chính mình để trả giá cho điều ấy. Các người nghĩ chỉ có mình các người thôi à?”

Ngay lập tức.

Em trai nó đã ở bên cạnh nó.

Thằng bé thì thầm ra hiệu cho nó hãy ngừng lại, nhưng chính nó cũng đã chết rồi, và không đáng được lắng nghe.

Nó đã chết trong một đoàn tàu.

Người ta đã chôn nó trong tuyết.

Liesel liếc nhìn nó, nhưng con bé không thể bắt mình dừng lại được. Chưa thể.

“Quyển sách này,” con bé lại tiếp tục. Nó đẩy thằng bé xuống những bậc cấp, làm nó ngã dúi dụi. “Tôi không muốn có nó.” Những từ ngữ lúc này đã được nói ra khẽ hơn, nhưng chúng vẫn nóng hừng hực như trước. Con bé ném quyển Người huýt sáo vào đôi cẳng chân đi dép lê của bà ta, nghe tiếng nó kêu lạch xạch khi đáp xuống nền xi măng. “Tôi không muốn có quyển sách khốn nạn của bà…”

Bây giờ, con bé đã có thể kiểm soát bản thân mình được rồi. Nó im lặng.

Lúc này cổ họng của nó đã bị chặn lại. Không có từ ngữ nào được nói ra trong phạm vi hàng nhiều dặm.

Em trai nó, vẫn đang ôm đầu gối, giờ cũng đã biến mất.

Sau một quãng ngừng để thấm thía nỗi thất bại, vợ ông thị trưởng cúi người về phía trước và nhặt quyển sách lên. Bà ta đã ăn no đòn và bị hạ gục, và lần này không phải là từ nụ cười. Liesel có thể nhìn thấy điều đó trên gương mặt bà ta. Máu rỉ ra từ mũi và liếm láp đôi môi bà ta. Đôi mắt bà ta tối đen đi. Những vết cắt đã hở ra và một loạt những vết thương đang dâng trào lên bề mặt của da bà. Tất cả đều xuất phát từ những lời nói. Từ những lời nói của Liesel.

Với quyển sách trong tay, và đã chuyển từ dáng quỳ sang dáng đứng, Ilsa Hermann lại bắt đầu nói lời xin lỗi, nhưng câu nói ấy không phát ra được.

Hãy tát tôi đi, Liesel nghĩ. Coi nào, hãy tát tôi đi.

Ilsa Hermann không tát nó. Bà chỉ lui ra đằng sau, vào bầu không khí xấu xí trong căn nhà đẹp đẽ của bà, và Liesel, một lần nữa, lại bị bỏ lại một mình, đang bấu chặt lấy những bậc cấp. Nó sợ phải quay lại vì nó biết rằng sau khi làm thế, nó sẽ thấy lớp vỏ thủy tinh của Molching giờ đã bị vỡ vụn ra, và con bé sẽ vui mừng vì điều đó.

Như là một thủ tục làm việc cuối cùng, con bé đọc lại lá thư một lần nữa và khi đã gần đến chỗ cánh cổng, con bé vò nát lá thư lại hết sức có thể rồi ném nó vào cánh cửa, như thể nó là một hòn đá vậy. Tôi không biết khi đó kẻ trộm sách đã mong đợi điều gì, nhưng quả bóng bằng giấy ấy đã chạm vào tấm gỗ to tướng rồi bật ngược lại xuống những bậc cấp. Nó dừng lại dưới chân con bé.

“Thật tầm thường,” con bé tuyên bố, rồi đá nó vào trong đám cỏ. “Thật vô dụng.”

Trên đường về nhà lần này, con bé tưởng tượng ra số phận của tờ giấy đó khi cơn mưa kế tiếp trút xuống, khi cái nhà kính được vá víu lại của Molching bị úp ngược lại. Con bé đã có thể thấy được những con chữ bị tan rã ra từng từ một, cho đến khi chẳng còn lại gì nữa. Chỉ còn giấy mà thôi. Chỉ còn đất mà thôi.

Ở nhà, như một sự xui xẻo cuối cùng, khi Liesel bước qua cánh cửa, Rosa đã ở trong nhà bếp rồi. “Và?” bà ấy hỏi. “Đám đồ giặt ủi đâu rồi?”

“Hôm nay không có đồ giặt ủi đâu,” Liesel bảo bà.

Rosa đến chỗ bàn bếp và ngồi xuống. Bà đã biết tất cả. Bỗng nhiên trông bà già hơn rất nhiều. Liesel hình dung xem trông bà sẽ thế nào nếu bà xõa món tóc nhỏ của mình ra, để nó buông xuống vai. Mái tóc bà là một cái khăn bong màu trắng được dệt từ những sợi tóc như dây chun.

“Mày đã làm gì ở đó, hả cái đồ lợn ranh kia?” Một câu nói như chết lặng. Bà không thể tập hợp được sức lực để nhả ra những lời độc địa thường lệ của mình nữa.

“Đó là lỗi của con,” Liesel đáp. “Hoàn toàn là lỗi của con. Con đã xúc phạm vợ của ông thị trưởng và bảo bà ta thôi khóc lóc than vãn cho đứa con trai đã chết của họ đi. Con bảo bà ta thật đáng thương hại. Đó là lúc họ đã quyết định không thuê mẹ làm nữa. Đây.” Con bé đi đến chỗ những cái thìa gỗ, tóm lấy một nắm thìa rồi đặt chúng trước mặt bà ấy. “Mẹ hãy cầm chúng lên đi.”

Rosa chạm vào một cái thìa và cầm nó lên, nhưng bà không sử dụng nó. “Mẹ không tin con.”

Liesel bị giằng xé giữa nỗi đau đớn và sự hoang mang đến cực độ. Đây là lần duy nhất mà con bé muốn vô cùng trận đòn mà nó lại không được ban cho! “Đó là lỗi của con.”

“Không phải,” Mẹ nói, và thậm chí bà còn đứng đó và vuốt mớ tóc nhơm nhớp, lâu ngày chưa gội của Liesel. “Mẹ biết con sẽ không nói những lời đó.”

“Con đã nói như thế mà!”

“Được rồi, con đã nói như thế.”

Khi Liesel ra khỏi phòng, con bé có thể nghe thấy tiếng những chiếc thìa bằng gỗ được bỏ lại vào vị trí và phát ra âm thanh lách cách trong cái lọ bằng kim loại chưa chún. Lúc con bé đi đến chỗ phòng ngủ, thì toàn bộ số thìa, bao gồm cả cái lọ, bị ném xuống sàn nhà.

Sau đó, con bé bước xuống tầng hầm, nơi Max đang đứng trong bóng tối, rất có thể là đang đấm nhau với Quốc trưởng.

“Max?” Ánh sáng lờ mờ – như một đồng xu màu đỏ, đang trôi nổi trong góc hầm. “Anh có thể dạy em hít đất được không?”

Max chỉ nó hít đất và thỉnh thoảng lại nhấc thân mình con bé lên để giúp nó, nhưng dầu cho vẻ ngoài mảnh khảnh của mình, Liesel rất khỏi và có thể nâng được trọng lượng cơ thể mình một cách dễ dàng. Con bé không đếm mình đã hít đất bao nhiêu cái, nhưng đêm hôm đó, trong ánh sáng lờ mờ của gian hầm, kẻ trộm sách đã hít đất nhiều lần đến nỗi đủ để khiến nó đau nhức ê ẩm suốt vài ngày sau. Ngay cả khi Max bảo nó rằng nó đã làm nhiều lần lắm rồi, con bé vẫn tiếp tục.

Nó đọc sách trên giường với Bố, và ông biết ngay là đã có chuyện. Đó là lần đầu tiên trong tháng đó, ông bước vào và ngồi cùng với con bé, và nó thấy thật thoải mái, dù chỉ là một chút thôi. Làm thế nào đó, Hans Hubermann luôn biết phải nói gì, có mặt lúc nào, và khi nào thì nên để cho con bé yên. Có thể nói Liesel là một lĩnh vực mà ông thực sự rành rẽ như lòng bàn tay mình.

“Có phải chuyện đám đồ giặt ủi không?” ông hỏi.

Liesel lắc đầu.

Đã vài ngày nay Bố không cạo râu và cứ mỗi hai ba phút ông lại xoa xoa mớ râu cứng cáp của mình. Đôi mắt màu bạc của ông rất phẳng và bình lặng, hơi ấm một chút, như chúng vẫn luôn như thế mỗi khi nhìn Liesel.

Khi buổi đọc sách kết thúc, Bố bắt đầu buồn ngủ. Đó là lúc mà Liesel nói ra cái điều mà con bé vẫn muốn nói từ trước đến giờ.

“Bố ơi,” nó thì thầm, “Con nghĩ mình sẽ xuống địa ngục.”

Đôi chân của con bé rất ấm. Đầu gối của nó thì lạnh.

Con bé nhớ lại cái đêm mà nó tè dầm ra giường và Bố đã giặt tấm trải giường rồi dạy nó bảng chữ cái. Giờ thì hơi thở của ông đang phả qua tấm mền và con bé hôn lên gò má lởm chởm râu của ông.

“Bồ cần phải cạo râu đi,” con bé nói.

“Con sẽ không xuống địa ngục đâu,” Bố đáp.

Trong vài phút, con bé ngắm nhìn gương mặt của ông. Sau đó nó lại nằm xuống, vùi vào người ông, và họ cùng nhau ngủ ở Munich, nhưng là đâu đó trên mặt thứ bảy của viên xúc xắc nước Đức.

THỜI NIÊN THIẾU CỦA RUDY

Cuối cùng, con bé đã phải cho nó điều đó.

Thằng nhóc biết phải làm thế nào.

š MỘT CHÂN DUNG CỦA RUDY STEINER ›

THÁNG BẢY 1941

Những vệt bùn loang lổ trên gương mặt nó.

Cái cà vạt của thằng bé là một quả lắc đong đưa,

Đã chết từ lâu trong chiếc đồng hồ của nó. Mái tóc màu

vàng chanh của nó rối bù, và thằng nhóc mang trên

gương mặt mình một nụ cười buồn bã, ngớ ngẩn.

Nó đứng cách bậc cấp vài mét với một niềm tin không gì lay chuyển nổi, với một niềm vui cực độ.

“Alles ist Scheisse,” nó tuyên bố.

Tất cả đều là cứt.

Nửa đầu năm 1941, khi Liesel tiếp tục thực hiện công việc che giấu Max Vandenburg, ăn trộm những tờ báo và chửi thẳng vào mặt vợ ông thị trưởng, thì Rudy đang trải qua một cuộc đời mới của chính nó, ở Trung tâm Thiếu niên Hitler. Từ đầu tháng Hai, nó đã quay trở về từ những buổi họp mặt trong một tình trạng tệ hại hơn trước. Trong rất nhiều những chuyến quay về như vậy, Tommy Muller đi bên cạnh nó, và cũng đang ở trong một hoàn cảnh tương tự. Vấn đề này được cấu thành từ ba yếu tố.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...