Kẻ Nhắc Tuồng
Chương 15
Mila biết điều đó. Nhưng điều cô không biết là mắt người sản sinh ra ba loại nước mắt. Nước mắt cơ bản, có tác dụng làm ẩm và nuôi dưỡng nhãn cầu. Nước mắt phản xạ, tự tiết ra khi có vật thể lạ rơi vào mắt. Nước mắt cảm xúc, đi kèm với sự đau đớn. Loại nước mắt sau cùng này có một thành phần hóa học khác biệt: nó chứa một hàm lượng cao mangan và prolactin, một loại nội tiết tố.
Trong thế giới của các hiện tượng tự nhiên, mọi thứ đều có thể được tối giản hóa thành công thức, nhưng giải thích tại sao nước mắt do đau đớn có thành phần khác với các loại nước mắt còn lại là một điều không thể.
Nước mắt của Mila không chứa prolactin.
Đó là bí mật của cô.
Cô không biết thế nào là chịu đựng. Cô cũng không có được sự thấu cảm cần thiết để thấu hiểu được người khác và để không cảm thấy mình cô độc giữa mọi người.
Liệu có phải cô luôn như thế? Hay một điều gì, một ai đó đã làm cô mất đi khả năng ấy?
Mila nhận ra điều đó khi cha cô qua đời. Lúc đó cô mới mười bốn tuổi. Cô là người đã tìm thấy ông nằm bất động trên trường kỷ chiều hôm ấy. Trông ông như đang ngủ. Ít ra thì đó là những gì cô nói khi bị người khác cật vấn tại sao không gọi cấp cứu ngay, mà để cả giờ đồng hồ trôi qua. Thật ra Mila đã hiểu ra ngay không còn làm gì được nữa. Nhưng sự kiện bi thảm đó không làm cô mảy may xúc động. Điều khiến cô kinh ngạc là sự bất lực của cô trong việc tìm kiếm cảm xúc trước việc cô chứng kiến. Cha cô, người đàn ông quan trọng nhất cuộc đời cô, người đã dạy dỗ cô mọi điều, hình mẫu của cô, đã ra đi. Mãi mãi. Nhưng cô không thấy tan nát cõi lòng.
Lúc chôn cất ông, cô đã khóc. Không phải vì cái chết cuối cùng đã gây dựng được một chút tuyệt vọng trong đầu cô, mà chỉ bởi đó là điều mà mọi người chờ đợi ở một đứa con gái. Những giọt nước mắt cá sấu đó là kết quả của một nỗ lực to lớn.
Do ức chế, cô đã tự nhủ như thế. Đơn giản là ức chế. Chắc là do căng thẳng. Mình bị sốc mà. Chắc hẳn chuyện này cũng từng xảy đến với người khác. Cô đã thử mọi cách. Cô tra tấn bản thân với những hoài niệm về quá khứ để chí ít cũng tạo cho mình cảm giác có lỗi. Nhưng vô ích.
Cô không tài nào lý giải được chuyện đó. Do vậy cô giấu mình trong sự im lặng không thể xuyên phá, không để cho người khác thắc mắc về trạng thái tinh thần của mình. Ngay đến mẹ cô sau vài lần cố gắng cũng đành bỏ cuộc trước bức tường u uất mà cô đã dựng lên.
Mọi người tưởng cô đau đớn, gục ngã. Nhưng thật ra, khi giấu mình trong phòng, Mila đã tự hỏi vì sao cô chỉ có một mong muốn duy nhất, đó là trở lại với cuộc sống thường nhật và chôn cất người cha quá cố trong tim nhanh nhất có thể.
Theo thời gian, mọi chuyện vẫn không thay đổi. Nỗi đau mất mát không bao giờ xuất hiện. Đã có những đám tang khác. Bà cô, một cô bạn học, mấy người họ hàng. Nhưng đối với họ, Mila cũng vẫn không cảm thấy gì, ngoài mong muốn được quên đi cái chết của họ thật nhanh.
Cô có thể giãi bày chuyện này với ai đây? Người ta sẽ nhìn cô như một con quái vật không đáng được làm người. Chỉ có mẹ cô lúc gần đất xa trời là thoáng cảm thấy sự dửng dưng của cô con gái và bà đã rụt tay khỏi bàn tay cô, như thể bất ngờ cảm thấy nó thật lạnh lẽo.
Khi những dịp đưa tiễn người thân về cõi vĩnh hằng đã hết, việc phải giả vờ có những cảm xúc mà cô không có đối với những người xa lạ đã trở nên đơn giản hơn. Khi đến tuổi bắt đầu cần đến những cuộc tiếp xúc cá nhân, nhất là với người khác phái, cô lại gặp vấn đề. Mình không thể cặp kè với một cậu con trai nếu như không thể thấu cảm người ta được, Mila cứ tự nhắc nhở mình như thế suốt. Trước đó, cô đã nhận ra vấn đề của mình khi biết được định nghĩa trong sách vở của chữ “thấu cảm”: đó là “khả năng hướng các cảm xúc của bản thân mình vào một chủ thể để đồng cảm với chủ thể đó”.
Khi ấy, cô đã đến gặp các nhà phân tích tâm lý lần đầu tiên. Vài người trong số họ không biết phải trả lời cô như thế nào, những người khác thì bảo cô quá trình điều trị sẽ kéo dài và rất phức tạp, cần phải đào sâu nghiên cứu để tìm ra “căn nguyên tâm lý” và biết được luồng xúc cảm của cô bị gián đoạn ở chỗ nào.
Nhưng tất cả đều nhất trí ở một điểm: cần phải gỡ bỏ sự ức chế.
Cô đi làm phân tích tâm lý trong nhiều năm trời nhưng không đạt kết quả. Cô thay đổi bác sĩ điều trị nhiều lần, và có lẽ sẽ tiếp tục như thế mãi nếu như một người trong số họ - kẻ vô liêm sỉ nhất, người mà cô biết ơn đời đời - không nói huỵch toẹt ra với cô rằng: “Sự đau buồn không hề tồn tại. Cũng như mọi cung bậc cảm xúc còn lại của con người. Hóa học cả thôi. Tình yêu chỉ là vấn đề endorphiri, một loại morphin nội sinh. Với một mũi tiêm Pentothal, tôi có thể dẹp bỏ mọi đòi hỏi cảm xúc cho cô. Chúng ta chỉ là những cỗ máy bằng thịt”.
Rốt cuộc cô cũng thấy nhẹ lòng. Hài lòng thì không, nhưng nhẹ nhõm thì có! Cô chẳng thể làm gì để thay đổi nó được nữa: cơ thể cô đã rơi vào chế độ “tự bảo vệ”, giống như một số thiết bị điện tử khi bị quá tải và buộc phải bảo vệ mạch điện của chúng. Tay bác sĩ tâm lý kia cũng cho cô biết có một số người ở một thời điểm nào đó cảm thấy rất, rất đau buồn, hơn cả những gì mà một con người có thể chịu được trong cả cuộc đời. Và họ thôi không sống nữa, hoặc là tập làm quen với nó.
Mila không biết liệu có nên xem việc “tập làm quen” của mình là một điều may mắn không, nhưng cũng nhờ nó mà cô thành ra như bây giờ. Một người đi tìm trẻ con mất tích. Tìm ra phương thuốc hóa giải cho sự chịu đựng của những người khác là hành động bù đắp cho những gì mà cô không bao giờ cảm nhận được. Lời nguyền cô bị dính phải bỗng trở thành năng lực của cô.
Mila giải cứu lũ trẻ và đưa chúng về nhà. Chúng biết ơn cô. Một vài đứa còn gắn bó với cô tới mức sau này, khi đã lớn vẫn đến tìm cô để xin cô kể lại chuyện của chúng.
Chúng cảm ơn cô đã quan tâm đến chúng.
Tất nhiên cô không thể tiết lộ rằng thật ra “sự quan tâm” đó là gì, bất kể đứa nào được cô tìm thấy cũng vậy. Cô có thể cảm thấy phẫn nộ về chuyện đã xảy đến với chúng, giống như cô bé số sáu trong vụ án này, nhưng cô chưa bao giờ cảm thấy “động lòng”.
Cô đã chấp nhận số mệnh của mình. Nhưng dù vậy cô cũng phải tự hỏi một câu: liệu cô có khả năng yêu được một ai đó hay không?
Không biết câu trả lời, Mila đã dọn sạch trái tim và tâm hồn của mình từ lâu. Cô sẽ không bao giờ có một tình yêu, một người chồng hay bạn trai, con cái hoặc thậm chí là thú nuôi. Bởi bí mật của cô nằm ở chỗ cô không có gì để mất. Không ai có thể lấy đi điều gì ở cô. Cách duy nhất giúp cô chui sâu vào trong đầu những người cô đi tìm là tạo ra quanh mình sự trống trải đang vây quanh họ.
Nhưng một ngày nọ, một vấn đề đã nảy sinh. Đó là sau khi Mila giải phóng một thằng bé khỏi móng vuốt của một kẻ ấu dâm. Hắn đã bắt cóc thằng bé để chơi bời trong dịp cuối tuần. Hắn đã định sẽ thả thằng bé sau ba ngày, vì trong đầu óc bệnh hoạn của hắn, hành động bắt cóc chỉ là “mượn tạm”. Tình trạng của thằng bé khi hắn trả nó về với gia đình không quan trọng đối với hắn. Hắn tự bào chữa rằng mình sẽ không bao giờ làm hại thằng bé.
Vậy còn những thứ khác thì sao? Hắn định nghĩa cú sốc của việc bắt cóc như thế nào? Sự giam giữ? Sự bạo hành?
Đó không phải là một toan tính tuyệt vọng nhằm tìm kiếm tính hợp pháp hóa cho điều mà hắn đã làm, mà hắn thực sự tin vào nó! Bởi hắn không thể đặt mình vào vị trí của nạn nhân. Rốt cuộc Mila đã hiểu ra, con người đó cũng bị giống như cô.
Kể từ hôm ấy, cô đã xác định sẽ không để cho tâm hồn mình bị thiếu đi sự thương hại, thứ giúp cô cảm nhận người khác và cuộc sống chung quanh. Nếu không thể tự tìm thấy nó, cô sẽ tìm cách tạo ra nó.
Cô đã nói dối nhóm điều tra và giáo sư Gavila. Thật ra cô biết rất rõ về bọn sát nhân hàng loạt, hay chí ít là một khía cạnh trong thái độ của chúng.
Sự ác dâm.
Gần như luôn là thế, hành vi của một kẻ sát nhân hàng loạt về căn bản có sự tàn ác rõ rệt và sâu sắc. Các nạn nhân bị xem như “món đồ” mà việc sử dụng và hành hạ họ sẽ đem lại một ưu thế cá nhân.
Kẻ sát nhân hàng loạt thu được khoái cảm thông qua hành vi bạo hành những nạn nhân của mình.
Thường thì người ta nhận thấy thủ phạm không thể đạt được một mối quan hệ chín chắn và trọn vẹn với người khác, vốn bị hắn coi như đồ vật hơn là một con người. Bạo lực do đó chỉ là khả năng tiếp cận duy nhất của hung thủ với phần còn lại của thế giới.
Mình không muốn bị như thế, Mila tự nhủ. Dù ý nghĩ cho rằng cô có vài điểm chung với những tên sát nhân không biết thương xót là gì đi nữa cũng đủ khiến cô phát ốm.
Sau khi phát hiện ra thi thể của Anneke, lúc cùng với Rosa rời nhà cha Timothy, Mila một lần nữa tự hứa rằng tối nay, cô sẽ khắc cốt ghi tâm những gì đã xảy ra với cô bé kia. Vì vậy, vào lúc cuối ngày, khi những người khác quay về studio để tổng hợp và sắp xếp lại các kết quả điều tra thu được, Mila quyết định ra ngoài vài tiếng.
Thế rồi, như đã từng làm đôi lần trước kia, cô đi đến hiệu thuốc, mua mọi thứ cần thiết. Thuốc sát trùng, băng cá nhân, bông thấm nước, băng dính tiệt trùng, kim và chỉ khâu vết thương.
Cùng với một lưỡi dao lam.
Cô quay về phòng trọ cũ ở khu nhà nghỉ với một ý định rõ ràng trong đầu. Cô chưa trả phòng và vẫn tiếp tục thanh toán tiền trọ chỉ với mục đích này. Cô kéo rèm, bật chiếc đèn ngủ đầu giường, rồi ngồi xuống và trút những thứ vừa mua từ trong túi giấy lên nệm.
Cô xắn quần jean lên.
Sau khi đổ một ít thuốc sát trùng ra tay rồi xoa mạnh hai tay với nhau, cô dùng bông gòn thấm thuốc và bôi lên da đùi phải. Ở phía trên chỗ đó có một vết sẹo cũ, hậu quả của một lần thử vụng về trước đó. Nhưng lần này cô sẽ không thất bại và sẽ làm thật tốt. Cô dùng răng xé giấy bọc lưỡi lam. Kẹp lưỡi thép giữa các ngón tay, cô nhắm mắt, và hạ tay xuống. Cô đếm đến ba, rồi vuốt lớp da đùi. Cô cảm thấy lưỡi lam cứa vào trong thịt, di chuyển và tạo ra một vết thương hở.
Cơn đau thể xác bùng nổ trong một tiếng thét câm lặng. Từ vết thương, nó chạy dọc theo thân thể cô, lên đến tận đỉnh đầu, xóa sạch mọi hình ảnh chết chóc trong đó.
- Dành cho cháu đấy, Anneke. - Mila nói với sự im lặng.
Và rồi, cô bật khóc.
Nụ cười trong nước mắt.
Đó là hình ảnh ấn tượng mà hiện trường vụ án để lại. Tiếp đến là chi tiết không thể bỏ qua: thi thể trần truồng của cô bé thứ hai đã được tìm thấy trong một xưởng giặt.
- Ý đồ của hung thủ liệu có phải là làm sạch tác phẩm của mình bằng nước mắt? - Roche đã hỏi như thế.
Nhưng như thường lệ, giáo sư Goran Gavila không tin vào những lối giải thích quá đơn giản. Cho đến lúc ấy, bộ óc giết người của Albert tỏ ra quá tinh xảo để có thể sa đà vào những chuyện tầm thường như thế. Gã tự cho rằng mình có đẳng cấp cao hơn bọn sát nhân hàng loạt trước đây.
Tại studio, sự mệt mỏi đã lộ rõ. Mila từ nhà nghỉ quay về lúc chín giờ tối với đôi mắt sưng húp, chân phải hơi kéo lê. Ngay lập tức cô vào trong phòng nằm xuống nghỉ một lúc, chẳng buồn dọn giường và cởi quần áo. Tầm mười một giờ, cô bị đánh thức bởi giọng thì thầm qua điện thoại của Goran ở ngoài hành lang. Cô nằm yên, làm ra vẻ như đang ngủ. Sự thực là cô đang dỏng tai lên nghe. Cô tưởng đầu dây bên kia là vợ ông, nhưng hóa ra là một bà vú nuôi hoặc là quản gia, mà ông gọi là “bà Runa”. Ông hỏi thăm bà ta về tin tức của Tommy, - vậy ra đó là tên thằng bé - xem liệu nó có bỏ làm bài tập về nhà, nó có hư hay không. Goran ừ hử nhiều lần trong lúc nghe bà Runa báo cáo tình hình. Cuối mẩu đối thoại, ông hứa sáng hôm sau sẽ về nhà để chơi với Tommy vài tiếng.
Mila nằm cuộn mình quay lưng về phía cửa, không nhúc nhích. Khi Goran gác máy, có vẻ như ông dừng lại trên ngưỡng cửa một chút và đưa mắt nhìn về phía cô. Cô nhận ra điều đó khi thấy bóng ông hắt lên bức tường trước mặt mình. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô quay người lại? Ánh mắt hai người sẽ chạm nhau trong bóng tối. Biết đâu sự ngượng ngập ban đầu sẽ nhường chỗ cho một cảm giác khác. Một cuộc đối thoại câm lặng. Nhưng liệu đó có phải là điều cô thực sự cần hay không? Người đàn ông này có một sức hút lạ lùng đối với cô. Cuối cùng cô quyết định xoay người lại. Nhưng Goran đã biến mất.
Cô nhanh chóng chìm lại vào giấc ngủ.
Mila... Mila...
Như một tiếng thì thầm, giọng nói của Boris luồn lách vào trong một giấc mơ đầy những thân cây tối thẫm và con đường hun hút. Mila mở mắt và nhìn thấy anh chàng đang cúi xuống mình trên chiếc giường gấp. Anh không đụng vào người cô để đánh thức cô dậy mà chỉ khẽ gọi tên cô. Nhưng anh đang mỉm cười.
- Mấy giờ rồi? Tôi ngủ quên à?
- Không, mới có sáu giờ sáng… Tôi đi đây. Giáo sư Gavila muốn tôi đi thẩm vấn vài người từng ở trong trại trẻ mồ côi. Tôi tự hỏi liệu cô có muốn đi cùng không.
Mila thấy bất ngờ trước lời đề nghị này. Nhưng nhận thấy sự lúng túng của Boris, cô hiểu đây không phải là ý của anh.
- Được, tôi sẽ đi.
Anh chàng cao to gật đầu, thầm cảm ơn cô đã không bắt anh phải nài ép.
Năm phút sau, hai người gặp nhau tại bãi đậu xe trước tòa nhà. Chiếc xe hơi đã nổ máy sẵn. Boris đứng đợi cô bên ngoài, lưng dựa vào xe, trên môi phì phèo một điếu thuốc lá. Anh mặc một áo khoác đã sờn cũ dài gần đến đầu gối. Mila thì vẫn khoác chiếc áo da thường mặc. Trong lúc soạn đồ, cô đã không nghĩ trời lạnh đến thế. Ánh mặt trời e ấp rọi xuyên qua các tòa nhà chỉ đủ làm ấm đôi chút các đụn tuyết ứ lại nơi góc đường, và tình hình cũng sẽ chẳng kéo dài: chiều nay dự báo sẽ có bão tuyết.
- Lẽ ra cô nên mặc ấm hơn, cô thấy đấy. - Boris vừa nói vừa nhìn cô bằng ánh mắt lo lắng. - Vào thời điểm này trong năm, ở đây trời lạnh lắm.
Trong xe thật ấm áp và dễ chịu. Một cái cốc nhựa và một túi giấy đã đặt sẵn trên bảng điều khiển.
- Cà phê và bánh sừng bò nóng à?
- Tất cả là của cô đấy! - Boris đáp, trong đầu nhớ lại sự háu ăn của cô.
Một lời đề nghị giảng hòa. Mila chấp nhận ngay không bàn cãi. Cô vừa nhai nhồm nhoàm vừa hỏi:
- Chúng ta đi đâu đây?
- Tôi đã nói rồi: đi thẩm tra một số học sinh cũ của cô nhi viện. Gavila tin rằng vụ dàn dựng với cái xác trong bể giặt không phải chỉ để chúng ta xem cho vui.
- Có thể nó gợi nhắc một chuyện trong quá khứ.
- Rất xa xưa, nếu quả thực là thế. May mắn là những chỗ như thế này đã không còn tồn tại từ gần hai mươi tám năm nay, khi người ta thay đổi luật.
Có một chút gì đó đau đớn trong giọng điệu của Boris. Anh thú nhận.
- Cô biết không, tôi cũng đã từng vào một nơi như thế này. Hồi đó tôi khoảng mười tuổi. Tôi chưa bao giờ biết bố mình là ai, mẹ tôi chỉ có một mình nên không thể xoay xở nuôi tôi được. Thế nên bà ấy đã đưa tôi vào chỗ như thế này trong một thời gian.
Mila không biết phải nói gì. Cô bối rối trước tiết lộ quá riêng tư đó. Boris hiểu ra ngay.
- Cô không cần phải nói gì đâu. Không phải lo. Mà, không hiểu sao tôi lại đi kể cho cô nghe chuyện này nhỉ.
- Tôi xin lỗi, tôi không phải là người cởi mở. Thường thì người khác thấy tôi là một người lạnh lùng.
- Tôi thì không.
Boris nhìn con đường. Giao thông đã bị chậm lại do sương giá vẫn còn bám trên mặt đường nhựa. Khói thải từ các ống xả lơ lửng trong không trung. Trên vỉa hè, mọi người bước đi vội vã.
- Stern, cầu Chúa giữ cho anh ấy luôn như thế, đã tìm ra được một tá cựu học viên của cô nhi viện. Chúng ta lãnh một nửa, Rosa và anh ấy phụ trách phần còn lại.
- Chỉ có chừng ấy thôi sao?
- Trong chừng đó thôi. Tôi không biết ông giáo sư có ý gì trong đầu, nhưng ông ấy cho rằng ta có thể rút ra được điều gì đó...
Thật ra thì họ không có lựa chọn nào khác, và đôi khi cũng phải bấu víu vào một thứ gì đó để tiếp tục cuộc điều tra.
Sáng hôm ấy, họ đi thẩm vấn bốn học sinh cũ. Tất cả đều trên hai mươi tám tuổi, và có lý lịch tương đối bất hảo. Cô nhi viện, trường giáo dưỡng, nhà tù, tại ngoại có quản thúc, xộ khám trở lại, tù treo. Chỉ có duy nhất một người đã thoát ra khỏi vòng xoáy bùn lầy, nhờ vào nhà thờ: ông ta đã trở thành mục sư của một trong số nhiều cộng đồng Tin lành trong vùng. Hai người khác sống trong chật vật. Người thứ tư đang bị giam giữ tại gia do hành vi buôn lậu. Nhưng khi họ nhắc đến quãng thời gian ở trong cô nhi viện, Mila và Boris đều nhận thấy họ đột ngột đổi giọng. Những kẻ từng vào tù ra khám nhiều lần nhưng không sao quên được chốn ấy.
- Anh có để ý nét mặt họ không? - Mila hỏi anh bạn đồng nghiệp sau chuyến viếng thăm thứ tư. - Anh có nghĩ một điều gì đó rất khủng khiếp đã từng xảy ra trong cô nhi viện này, giống như tôi không?
- Chỗ này cũng không khác gì những nơi khác, tin tôi đi. Nhưng tôi nghĩ có gì đó liên hệ với thời thơ ấu của gã. Khi ta đã lớn, mọi thứ trôi tuột đi, kể cả những điều tồi tệ nhất. Nhưng ở vào tuổi ấy, những kỷ niệm ăn sâu vào trong xương tủy và nằm nguyên trong đó.
Cứ mỗi lần họ thuật lại việc phát hiện ra cái xác trong bể giặt với mọi sự cẩn trọng cần thiết, những học sinh cũ của cô nhi viện đều lắc đầu. Hình ảnh ghê rợn đó chẳng nói lên điều gì với họ.
Sau nửa ngày, Mila và Boris dừng lại ăn qua quýt món bánh mì kẹp cá ngừ và uống cà phê. Bầu trời trở nên nặng trĩu. Các nhà khí tượng học đã không nhầm: trời lại sắp đổ tuyết.
Họ còn phải gặp hai người nữa trước khi thời tiết trở nên quá xấu và chặn mất đường về. Họ quyết định bắt đầu với người ở xa nhất.
- Ông ta tên là Feldher, sống cách đây khoảng ba chục cây số.
Boris đang có tâm trạng vui vẻ. Mila định tận dụng cơ hội để hỏi han một chút về Goran. Ông giáo sư khiến cô tò mò: dường như với cô ông không thể có một cuộc sống riêng, với một vợ và một con trai. Đặc biệt, vợ ông là một ẩn số thực sự. Nhất là sau cuộc nói chuyện điện thoại mà Mila đã nghe được đêm hôm qua. Vợ ông đang ở đâu? Tại sao bà ấy không có mặt ở nhà để chăm sóc cậu con trai Tommy? Tại sao lại có bà Runa thế vào chỗ của bà ấy? Biết đâu Boris có câu trả lời cho những câu hỏi đó? Nhưng Mila không tìm được cách để đề cập tới thắc mắc của mình, nên đành bỏ cuộc.
Hai người đến nhà của Feldher khi đồng hồ vừa chỉ hai giờ chiều. Họ đã cố gọi điện thoại để báo trước, nhưng chỉ nhận được câu trả lời tự động rằng số điện thoại họ gọi không tồn tại.
- Có vẻ ông bạn của chúng ta đang gặp một chút khó khăn. - Boris bình phẩm.
Khi nhìn thấy nơi ở của ông ta, họ đã có lời khẳng định. Căn nhà, nếu người ta có thể gọi đó là nhà, nằm ở giữa một bãi phế liệu, chung quanh toàn những xác xe. Một con chó có bộ lông hung nom như bị han gỉ giống những thứ xung quanh chào đón hai người bằng một tiếng tru khàn khàn. Một người đàn ông tầm bốn mươi xuất hiện trên ngưỡng cửa. Ông ta mặc độc một chiếc áo thun bẩn thỉu và quần jean, dù trời đang rất lạnh.
- Ông là Feldher?
- Phải... còn mấy người là ai?
Boris dùng tay phải giơ thẻ cảnh sát ra.
- Chúng ta có thể nói chuyện được không?
Feldher có vẻ không chào đón chuyến viếng thăm, nhưng vẫn ra hiệu cho họ bước vào.
Ông ta có một cái bụng to đùng và những ngón tay vàng ệch vì thuốc lá.
Bên trong, căn nhà cũng giống với chủ nhân của nó, dơ dáy và bừa bãi. Ông ta cho họ uống món trà nguội trong hai cái cốc cọc cạch, đoạn châm một điếu thuốc và ngồi xuống một chiếc ghế dài ọp ẹp, nhường cho khách chiếc xa lông.
- Hai người may lắm mới tìm được tôi đấy. Thường thì tôi đi làm...
- Vậy sao hôm nay ông không đi? - Mila thắc mắc.
Ông ta nhìn ra bên ngoài.
- Tuyết. Thời tiết thế này thì làm lụng thế quái nào được. Tôi mất hàng mấy ngày trời rồi.
Mila và Boris cầm cốc trà lên, nhưng không uống. Feldher không tỏ ra phật ý.
- Vậy sao ông không thử đổi công việc? - Mila dò hỏi, cố làm ra vẻ quan tâm để tạo sự tiếp xúc thân thiện.
Feldher thở dài.
- Tôi có thử đấy chứ! Hai người tưởng tôi không hả? Nhưng rồi có ra cái trò gì đâu, y như con mụ vợ nhà tôi. Nó tếch đi tìm chỗ tốt hơn rồi. Ngày nào nó cũng lải nhải cái điệp khúc là tôi chẳng làm được trò trống gì. Giờ thì nó đi làm bồi bàn và ở ghép với hai đứa đần độn giống như nó. Tôi đã biết mà. Mấy người biết không, chỗ đó do cái nhà thờ mà nó theo quản lý đó! Bọn họ bảo nó là ngay cả một con hầu vứt đi như nó cũng có chỗ trên thiên đàng cơ đấy! Hai người có thấy không?
Mila nhớ đã nhìn thấy chừng một tá nhà thờ tân giáo như ông ta nói trên đường đi. Tất cả đều có những tấm bảng gắn đèn nêông to tướng đề tên giáo phận và câu biểu ngữ của họ. Từ nhiều năm nay, các nhà thờ này mọc lên như nấm trong vùng, thu hút những người cải đạo, chủ yếu là đám công nhân thất nghiệp dạt ra từ các khu công nghiệp lớn, những bà mẹ đơn thân và những người thất vọng với nhà thờ truyền thống. Mặc dù có tuyên ngôn khác nhau, nhưng các nhà thờ này vẫn có chung một sự gắn bó với thuyết sáng tạo, bài trừ đồng tính, phản đối phá thai, khẳng định nguyên tắc theo đó mỗi cá nhân đều có quyền sở hữu vũ khí và hoàn toàn ủng hộ án tử hình.
Mila tự hỏi Feldher sẽ phản ứng như thế nào khi họ cho ông ta biết là một trong số các bạn học cũ của ông ta ở cô nhi viện nay đã trở thành mục sư của một trong các nhà thờ kia.
- Lúc hai người tới, tôi tưởng là người của bọn kia. Bọn nó tới tận đây để thuyết giáo cơ đấy! Hồi tháng rồi, con mụ vợ tôi, cái con điếm ấy, nó đã cử hai đứa đến để thuyết phục tôi cải đạo đấy!
Ông ta cười hềnh hệch, để lộ hai hàm răng sâu. Mila thử tìm cách lái câu chuyện ra khỏi đề tài hôn nhân bằng một câu hỏi dò:
- Trước khi đi lao động thì ông làm nghề gì?
- Hai người không tin nổi đâu... - Ông ta bật cười, đưa mắt nhìn đống rác rưởi chung quanh mình. - Tôi từng có một tiệm giặt nhỏ.
Hai cảnh sát viên cố không nhìn nhau để không lộ ra cho Feldher thấy là điều ông ta tiết lộ đáng quan tâm tới mức nào. Mila nhận thấy Boris lướt một tay qua hông và mở bao súng. Cô nhớ lại khi đến nơi cô đã nhận ra chỗ này không có sóng di động. Do không biết gì nhiều về người đàn ông trước mặt, họ buộc phải thận trọng.
- Ông từng đi tù, phải không?
- Mấy cái tội vặt vãnh thôi mà. Chẳng khiến một người tử tế phải mất ngủ đâu.
Boris tỏ rõ anh đang ghi nhận thông tin này, đồng thời nhìn Feldher chằm chằm để khiến ông ta nao núng.
- Này, tôi giúp gì được cho mấy người đây? - Người đàn ông hỏi, không buồn che giấu sự bực dọc.
- Chúng tôi biết hồi còn nhỏ ông đã trải qua phần lớn thời gian trong một cô nhi viện. - Boris thận trọng vào đề.
Feldher nhìn anh dò xét, vẻ nghi ngờ: cũng như những người kia, ông ta không nghĩ đến việc bị hai cảnh sát đến làm phiền chỉ vì lý do đó.
- Những năm tốt nhất đời tôi đó. - Ông ta nói một cách hằn học.
Boris giải thích cho ông ta hiểu lý do đã đưa anh và Mila đến tận đây. Feldher có vẻ hài lòng khi được nghe các chi tiết trước cả cánh báo chí.
- Tôi có thể kiếm bộn tiền nếu tuồn tin này ra cho đám nhà báo. - Ông ta chỉ nói có thế khi nghe xong.
- Cứ thử đi, chúng tôi sẽ bắt ông ngay lập tức. - Boris vừa nói vừa nhìn xoáy vào mặt ông ta.
Nụ cười trên gương mặt Feldher tắt ngóm. Boris cúi người tới trước, về phía ông ta. Đó là một kỹ thuật thẩm vấn mà ngay cả Mila cũng biết. Trừ phi có một mối liên hệ tình cảm hoặc đặc biệt thân mật, người ta luôn phải tôn trọng một ranh giới vô hình với người đối thoại. Tuy nhiên, thẩm vấn viên luôn áp sát đối tượng được hỏi để xâm nhập vào vùng không gian riêng tư của anh ta, khiến anh ta lúng túng.
- Ông Feldher, tôi tin chắc là ông rất thích giỡn mặt đám cảnh sát đến tìm ông bằng cách rót cho họ món trà pha nước tiểu của mình, để ông khoái trá nhìn họ đần mặt ngồi cầm cốc mà không dám uống.
Feldher không nói lời nào. Mila nhìn Boris, tự hỏi liệu anh có đang hành động đúng trong tình trạng này. Họ sẽ biết ngay thôi. Boris bình tĩnh đặt cốc trà xuống cái bàn thấp, rồi nhìn thẳng vào mắt Feldher trở lại.
- Bây giờ tôi muốn ông kể lại khoảng thời gian ông sống trong trại mồ côi...
Feldher cụp mắt, lí nhí nói:
- Có thể nói là tôi đã được sinh ra trong đó. Tôi chẳng bao giờ biết ba mẹ mình là ai. Bọn họ đưa tôi đến đó ngay khi tôi mới chào đời. Tên tôi là do cha Rolf đặt cho. Ông ấy bảo cái tên ấy thuộc về một người ông biết rõ và đã hy sinh trong chiến tranh. Tôi tự hỏi làm sao ông cha xứ điên rồ đó lại nghĩ rằng cái tên mang đến sự xui xẻo cho người khác thì có thể mang lại hạnh phúc cho tôi kia chứ!
Bên ngoài, con chó lại sủa khiến Feldher quay ra bắt nó im tiếng:
- Yên nào Koch! - Feldher quay lại nhìn hai cảnh sát. - Hồi trước tôi có đầy chó. Cái chỗ này là một bãi rác. Lúc tôi mua nó, người ta bảo đảm là nó đã được tẩy uế. Nhưng cứ lâu lâu một thứ gì đó lại xì ra: nước rỉ rác cùng với đủ thứ bẩn thỉu khác, nhất là khi trời mưa. Lũ chó uống vào, bụng chúng trương lên rồi vài ngày sau thì chết. Tôi chỉ còn mỗi con Koch, nhưng tôi nghĩ nó cũng sắp ngoẻo rồi.
Feldher đang tìm cách đánh trống lảng. Ông ta không muốn quay trở lại nơi có lẽ đã định đoạt số mệnh của mình. Bằng câu chuyện về cái chết của đàn chó, ông ta cố gắng đấu dịu với hai cảnh sát viên để được yên thân. Nhưng Boris và Mila không chịu bỏ cuộc.
- Tôi muốn ông nỗ lực một lần này, ông Feldher... - Mila nói, cố gắng tỏ ra thuyết phục.
- Thôi được, cô nói đi...
- Tôi muốn ông nói cho chúng tôi biết đối với ông, hình ảnh “cười trong nước mắt” gợi cho ông nghĩ đến điều gì.
- Cái này giống trò của bọn bác sĩ tâm thần chứ gì? Một kiểu kết hợp hú họa hả?
- Đại loại thế. - Mila đồng tình.
Feldher ra vẻ đăm chiêu suy nghĩ, đôi mắt hướng lên trần nhà, tay gãi cằm. Ông ta muốn làm ra vẻ hợp tác, hoặc cũng có thể đã hiểu hai cảnh sát không thể buộc tội mình vì đã “ém nhẹm chuyện cũ” nên tìm cách chế giễu họ.
- Billy Moore. - Cuối cùng Feldher nói.
- Ai vậy? Một trong đám bạn học của ông hả?
- À, một thằng rất đặc biệt! Nó vào cô nhi viện năm chín tuổi. Lúc nào nó cũng vui vẻ cười đùa. Nó nhanh chóng trở thành người đem lại may mắn cho tụi tôi... Hồi đó, cô nhi viện đã bắt đầu đóng cửa. Chúng tôi chỉ còn có mười sáu người cả thảy.
- Cả một chỗ rộng lớn như thế chỉ để cho một nhúm trẻ em thôi sao?
- Ngay cả các cha xứ cũng đã ra đi! Chỉ mình cha Rolf là còn ở lại… Tôi là một trong những đứa lớn nhất, lúc đó tôi mười lăm tuổi, tầm đó... Chuyện của Billy buồn lắm. Ba mẹ nó treo cổ tự tử. Nó đã phát hiện ra họ. Nó không khóc, cũng không kêu cứu, mà chỉ bắc ghế leo lên và gỡ xác họ từ trần nhà xuống.
- Kinh nghiệm nhớ đời.
- Không phải với Billy. Nó luôn vui vẻ. Nó thích ứng được với những điều tồi tệ nhất. Đối với nó, mọi thứ chỉ là một trò chơi. Tụi tôi chưa từng thấy cái gì như thế. Với đám trẻ chúng tôi, chỗ đó là một nhà tù, nhưng Billy mặc kệ. Nó rất năng động, tôi không biết phải nói thế nào nữa... Nó có hai niềm đam mê lớn: đôi giày có bánh xe mà nó hay dùng để trượt qua các hành lang vắng vẻ, và các trận bóng đá! Nhưng nó không thích đá bóng. Nó chỉ thích ngồi làm bình luận viên tại chỗ thôi! “Tôi là Billy Moore, tường thuật trực tiếp trận chung kết cúp bóng đá thế giới từ sân vận động Aztec, thủ đô Mexico...” Vào hôm sinh nhật của nó, chúng tôi đã hùn nhau mua tặng nó một cái máy ghi âm! Đúng là cá gặp nước: nó dành hàng giờ để thu âm rồi ngồi nghe đi nghe lại!
Feldher bắt đầu huyên thuyên và đi lạc chủ đề. Mila cố đưa ông ta trở lại:
- Ông hãy kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng cuối cùng trong cô nhi viện của ông...
- Như tôi đã nói, nó sắp sửa bị đóng cửa, chúng tôi chỉ có hai lựa chọn: được nhận nuôi, hoặc là đi sang những tổ chức khác, các mái ấm tình thương chẳng hạn. Nhưng chúng tôi chỉ là những đứa trẻ mồ côi loại hai, chẳng ai muốn nhận về. Billy thì khác, người ta xếp hàng nhận nuôi nó! Tất cả mọi người đều quý mến và muốn có nó!
- Mọi chuyện kết thúc như thế nào? Billy có tìm được một gia đình tử tế không?
- Billy chết rồi.
Feldher nói câu đó với một sự thất vọng não nề đến nỗi tưởng như đó là định mệnh của chính ông ta. Mà có lẽ là thế thật: thằng bé kia giống như một sự cứu chuộc cho những đứa bạn của nó. Rốt cuộc cũng có một đứa có khả năng thoát ra khỏi cô nhi viện.
- Chuyện xảy ra thế nào? - Boris hỏi.
- Viêm màng não.
Feldher sụt sịt, mắt hơi ươn ướt. Ông ta quay về phía cửa sổ, vì không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt người lạ. Mila chắc chắn là khi cô và Boris đi khỏi, những hồi ức về Billy vẫn sẽ tiếp tục ùa vào căn nhà này như một bóng ma. Nhưng cũng nhờ những giọt nước mắt, Feldher đã thuyết phục được họ. Mila thấy Boris rời tay khỏi bao súng. Ông ta là người vô hại.
- Bệnh viêm màng não đã đem Billy đi. Do sợ nó thành dịch, người ta đã lập tức đem chúng tôi ra khỏi chỗ đó... trong cái rủi cũng có cái may, nhỉ? - Feldher cười gằn. - Họ đã ân xá cho chúng tôi, theo một cách nào đó! Và cái lỗ cống đó đã bị đóng cửa sáu tháng trước dự kiến.
Lúc hai người đứng dậy ra về, Boris hỏi lại lần nữa:
- Ông có gặp lại ai trong đám bạn cũ không?
- Không, nhưng cách đây khoảng hai năm tôi có gặp lại cha Rolf.
- Bây giờ ông ta đã nghỉ hưu.
- Chỉ mong ông ta xuống lỗ cho rồi.
- Tại sao? - Mila hỏi, nghĩ đến điều tệ hại nhất. - Ông ta đã làm gì ông à?
- Không hề. Nhưng khi trải qua cả thời thơ ấu trong một nơi như thế, buộc lòng người ta phải căm ghét tất cả những gì khiến họ nhớ lại nó.
Một suy nghĩ không khác mấy so với Boris. Bất giác anh gật gù đồng tình.
Feldher không tiễn họ ra cửa. Ông ta cúi xuống bàn và cầm lấy chỗ trà nguội mà Boris không uống, đưa lên môi nốc cạn.
Rồi ông ta nhìn họ một cách đắc thắng:
- Chúc một ngày tốt lành.
Một tấm ảnh cũ của nhóm học sinh cũ - những đứa trẻ cuối cùng từng sống ở cô nhi viện trước khi nó bị đóng cửa - đã được tìm thấy tại nơi ngày trước vốn là văn phòng của cha Rolf.
Trong số mười sáu đứa trẻ đứng cùng cha Rolf, chỉ có một đứa mỉm cười trước ống kính.
Một nụ cười trong nước mắt.
Đôi mắt lanh lợi, mái tóc rối bù, một chiếc răng cửa bị khuyết, một vệt dầu mỡ trên chiếc áo phông xanh nom giống như chiếc huy chương.
Billy Moore mãi mãi nằm lại trong bức ảnh và khu nghĩa trang nhỏ cạnh nhà thờ của cô nhi viện. Nó không phải là đứa trẻ duy nhất được chôn tại đó, nhưng ngôi mộ của nó là cái đẹp nhất. Một bức tượng thiên thần bằng đá giương cánh trong tư thế bảo vệ thằng bé.
Sau khi đã nghe báo cáo của Mila và Boris, giáo sư Gavila yêu cầu Stern thu thập tất cả những tài liệu có liên quan đến cái chết của Billy. Anh thực hiện công việc bằng sự nhiệt tình thường lệ, và trong khi phân tích hồ sơ, anh đã phát hiện một sự trùng hợp lý thú.
- Đối với loại bệnh có khả năng lây lan như viêm màng não, việc báo cáo cho nhà chức trách là bắt buộc. Người bác sĩ đã ký vào biên bản báo cáo do cha Rolf viết cũng chính là người đã viết giấy chứng tử. Hai giấy tờ này được ký cùng ngày.
Goran ngẫm nghĩ:
- Bệnh viện gần nhất cách đây ba mươi cây số. Khó có chuyện ông ta cất công đi đến tận nơi để tự mình xác nhận.
- Ông ta tin tưởng vào lời của cha xứ. - Boris nói. - Vì nhìn chung các cha không bao giờ nói dối...
Không phải lúc nào cũng thế, Mila nghĩ bụng.
Gavila thì không còn nghi ngờ nữa.
- Ta cần phải khai quật ngôi mộ.
Tuyết rơi từng bông nhỏ xíu, như thể dọn đường cho trận rơi tiếp theo. Do vậy, họ cần phải nhanh tay lên. Đội đào huyệt của bác sĩ Chang đang làm việc. Nhờ sự trợ giúp của một chiếc máy xúc, họ đào xuống lớp đất đông cứng vì lạnh. Không ai nói nửa lời.
Thanh tra Roche đã được thông báo về diễn tiến của vụ án và đang bận xua đuổi cánh báo chí đã sôi sục trở lại. Có lẽ Feldher quả thật đã thử đồn đoán dựa trên những gì được hai cảnh sát kể cho, nhưng vẫn tránh không tiết lộ quá nhiều. Thêm vào đó, như Roche vẫn luôn nói: “Khi không biết chuyện, truyền thông sẽ dựng chuyện”.
Do vậy họ cần phải gấp rút hơn trước khi có ai đó quyết định bù khuyết vào sự im lặng này bằng những thứ vớ vẩn được dựng lên. Đến lúc đó sẽ rất khó để bác bỏ mọi thứ.
Một tiếng thịch vang lên. Máy xúc cuối cùng đã chạm phải thứ gì đó.
Đội của Chang trèo xuống hố và bắt đầu đào bới bằng tay. Một tấm vải bạt được phủ lên quan tài để làm chậm quá trình phân hủy. Họ cắt nó ra. Qua vết cắt, có thể nhìn thấy nắp của một cỗ áo quan màu trắng nhỏ.
- Nó mục rữa hết cả rồi. - Bác sĩ Chang nói sau khi quan sát thật nhanh. - Nếu nhấc nó lên, ta có nguy cơ làm nó vỡ vụn. Chưa kể tuyết đang làm mọi thứ lộn xộn hết cả. - Anh nói thêm với giáo sư Goran và chờ nghe quyết định của ông.
- Thôi được, mở nó ra đi.
Không ai chờ đợi việc ông quyết định mở quan tài tại chỗ. Do đó đội của Chang trải một tấm vải dầu trên cái hố, dùng mấy cái cuốc căng nó ra như một mái che lớn để bảo vệ hiện trường khai quật.
Anh mặc vào người một chiếc áo chẽn có gắn đèn trên vai, rồi leo xuống hố dưới cái nhìn của thiên thần đá. Một kỹ thuật viên dùng ngọn lửa hàn xì nung chảy mối hàn bằng kẽm của cỗ áo quan. Nắp quan tài bắt đầu nhúc nhích.
Làm sao người ta có thể đánh thức một đứa trẻ đã chết từ mười tám năm trước? Mila tự hỏi. Billy More lẽ ra xứng đáng với một buổi lễ nho nhỏ, hoặc một vài lời cầu nguyện. Nhưng không ai muốn và cũng chẳng có thời gian cho việc đó.
Khi Chang mở nắp quan tài, họ phát hiện ra phần còn lại của thằng bé Billy tội nghiệp trong bộ trang phục của lễ ban thánh thể. Lịch lãm, với càvạt có ghim kẹp và quần dài gấu lơvê. Trong một góc quan tài là đôi giày trượt han gỉ và một chiếc máy ghi âm cũ.
Mila nhớ lại lời kể của Feldher: “Nó có hai niềm đam mê lớn: đôi giày có bánh xe mà nó hay dùng để trượt qua các hành lang vắng vẻ, và các trận bóng đá! Nhưng nó không thích đá bóng. Nó chỉ thích ngồi làm bình luận viên tại chỗ thôi”.
Đó là tất cả những gì mà Billy sở hữu.
Chang bắt đầu dùng dao mổ cắt lớp vải quần áo ở một đôi chỗ. Mặc dù tư thế không được thoải mái, các thao tác của anh vẫn rất mau lẹ và chính xác. Anh kiểm tra tình trạng của bộ xương, rồi quay ra tuyên bố với những người còn lại:
- Có rất nhiều vết gãy. Tôi không thể khẳng định thời điểm của chúng... Nhưng theo tôi nghĩ, thằng bé này chắc chắn không chết vì viêm màng não.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp