Huyết Tâm Lệnh
Chương 3: Tiên thần tây môn nhu
Không biết ở tận đâu, xa lắm, tiếng canh khắc khoải.
Không biết đã bao lâu, vành môi trệ xuống như miếng thịt trâu của lão già một giò vụt điểm phớt nụ cười.
Thật là lạ, lão là một con người có bộ mặt ghê gớm quá, nói bằng một giọng khinh bạc thì lão là một con người co bộ mặt thấy buồn nôn.
Thế mà khi lão cười, đành rằng không biết lão cười hay nhe răng ra để hù dọa thiên hạ nhưng nếu nhìn kỹ thì lại có phần ôn nhu tha thiết.
Lão già một giò giữ nguyên nụ cười thân thiện thật lâu và lão nói :
- Các hạ là ai, chúng tôi đã biết rất rõ.
Tên có bớt xanh vẫn cứ thỉnh bơ :
- Thế à?
Lão già một giò cười :
- Và chúng tôi là ai, nghĩ rằng chắc các hạ cũng biết rồi.
Tên mặt có bớt xanh tinh đến mức lạnh băng băng :
- Trong vòng hai năm gần đây những kẻ không biết các ngươi chắc là hơi ít.
Lão già một giò lại cười, lão từ trong lưng ra một phong thơ.
Phong thơ này cũng y chang như phong thơ mà lão già áo vàng khi nãy đã móc trao cho những người đứng ngoài sân xem, nó không khác một tí nào cả, nhưng không hiểu tại sao lão Tôn Gù bỗng lại muốn xem thử một chút coi trong ấy viết những gì.
Hình như cô gái tóc bím cũng thế, chắc cô ta cũng muốn xem nên đưa đôi mắt cứ liếc chừng về phía đó.
Chỉ tiếc một điều là lão một giò đã đặt lá thư trên bàn và lão lại bật cười :
- Các hạ không nề hà từ ngàn dặm đến, nguyên do nghĩ chắc cũng vì phong thơ này đấy chứ?
Tên có bớt xanh trên mặt trả lời mà chẳng gật đầu :
- Đúng thế.
Lão già một giò hỏi luôn :
- Chắc các hạ không biết phong thơ này của ai chứ?
Tên có bớt xanh nơi mặt đáp thỏn lỏn :
- Không biết.
Lão già một giò cười :
- Cứ theo chúng tôi biết thì trong giang hồ tiếp được thơ này không dưới một trăm người, thế nhưng một kẻ nào biết người viết cũng như người gửi là ai. Chúng tôi đã dò xét khắp nơi, cuối cùng vẫn không ra manh mối.
Tên có bớt xanh trên mặt khẽ rùng vai :
- Nếu luôn cả các ngươi mà dò xét cũng không ra thì trên đời này còn ai mà biết.
Lão một giò cứ cười :
- Chúng tôi tuy không biết là ai viết phong thơ này nhưng dụng ý của họ thì chúng tôi biết rất rõ ràng.
Tên có bớt xanh nơi mặt nhướng nhướng mày :
- Sao?
Lão một giò nói :
- Dụng ý của kẻ viết thư này dẫn dụ những hào kiệt thành danh trong chốn giang hồ đến đây, dẫn dụ cho mọi người vì tranh giành báu vật chôn giấu nơi này mà sinh ra tàn sát và tự nhiên kẻ viết thư này sữ làm cái công việc của ngư ông.
Tên có bớt xanh trên mặt vặn lại :
- Đã biết thế mà sao các hạ lại cũng đến đây?
Lão một giò nói :
- Chính vì dụng ý của kẻ viết thư này quá ác cho nên chúng tôi phải đến.
Tên có bớt xanh nơi mặt nhướng mày lơ đãng :
- Thế à?
Lão già một giò càng tỏ giọng ôn tồn :
- Chúng tôi đến đây cốt là khuyên các vị không nên để vướng bẫy con người ấy, chỉ cần các vị bỏ đi rồi đừng nhúng tay vào thì đại họa tự nó sẽ tiêu.
Gã có bớt xanh nơi mặt cười khẩy :
- Kể ra lòng dạ của các ngươi cũng khá tốt đấy chứ.
Như không nghe thấy ý nghĩa mỉa mai trong câu nói đó, lão già một giò cứ cười cười :
- Chúng tôi chỉ mong đem đại sự biến thành tiểu sự, để cho toàn thể được sống trong cảnh bình tịnh dài lâu.
Gã có bớt xanh trên mặt nói thật chậm :
- Thật ra thì nơi đó có chôn giấu báu vật hay không, chắc chắn tất cả chưa biết.
Lão già một giò như chụp được cơ hội may mắn lại vỗ tay tán thưởng :
- Chính như thế... chính như thế, vì lẽ ấy nếu tất cả chết sống với nhau thì chẳng lẽ hóa ra oan uổng lắm ư!
Gã có bớt xanh trên mặt nói :
- Nhưng ta đã đến đây rồi, lành dữ gì cũng phải xem cho hết chuyện, đâu lẽ vì vài câu “thuyết phục” vu vơ mà lại đi bỏ cược hay sao.
Mặt lão một giò vụt nặng xuống ngay :
- Cứ như thế thì các hạ không chịu bỏ trôi?
Gã có bớt xanh nơi mặt rùn vai :
- Cho dầu ta có bỏ trôi thì chưa chắc các ngươi đã được.
Lão già một giò cười nhạt :
- Ngoài các hạ ra, tôi không thấy ai là người có thể tranh chấp với chúng tôi.
Lão chấm dứt câu bằng cách động nhẹ đầu gậy trên mặt đất và một tiếng “cộc” khô khan chưa kịp phát ra, là đá xanh đã tóe lửa tứ tung.
Chiếc gậy của lão xuyên qua thớt đá xanh, lún sâu xuống nền gần quá hai phân.
Gã có bớt xanh nơi mặt vẫn cứ tỉnh bơ :
- Cũng khá, thảo nào trong “Binh Khí phổ” đã chẳng liệt chiếc gậy vào hàng thứ tám.
Lão một giò rít giọng :
- Biết rồi, Xà Tiên của các hạ được liệt vào hàng thứ bẩy, hơn ta một bậc nhưng ta vẫn muốn xem.
Gã có bớt xanh trên mặt vẫn điềm nhiên :
- Ta cũng đang có ý cho các ngươi xem đó.
Vừa nói, tên có bớt xanh trên mặt vừa ấn nhẹ trên mặt bàn, thân hình bắn vọt như chiếc pháo thăng thiên.
Vút!
Một tiếng rít xé trong gió, tay phải của hắn đã tung ngọn roi dài đen bóng.
Tất cả cá loại binh khi mềm, càng dài càng khó sử dụng, ai dùng ngọn nhuyễn tiên hơn một xải tay, người ấy được kể là cao thủ võ lâm, thế mà ngọn Xà Tiên của gã có bớt xanh nơi mặt lại dài hơn hai trượng rưỡi.
Quả là một chuyện kinh người.
Hắn chỉ rung tay một cái, ngọn roi đã vút tới ngoài sân, cuốn trọn một vòng khắp những đầu người đang đứng co ro, bao nhiêu đồng tiền trên đầu họ đều văng xuống đất.
Trong số bốn mươi mấy người đang bị “nhốt” trong những vòng tròn, họ không đều nhau, cao có lùn có thế mà ngọn roi cuốn qua làm rơi tất cả những đồng tiền lại không phạm lại ai một sợi tóc.
Lối sử dụng roi của hắn thật là uyển chuyển và vô cùng chính xác.
Ngọn roi vào tay hắn đã thành và đầu như một con rắn, ngọn roi như có thêm một con mắt để phóng cho trúng đích.
Bốn mươi mấy người “tù” đều thuộc vào hàng có hạng trong chốn võ lâm nhưng họ chưa từng thấy mà cũng chưa từng nghe có một tay roi siêu phàm như thế.
Họ đưa mắt nhìn nhau và không hẹn mà cũng một lúc, họ phóng mình lên vượt qua bờ tường như bầy ong vỡ tổ mất dạng trong đêm tối.
Lão già áo vàng tái mặt quát lên :
- Ngươi đã đánh rơi Đoạt Mạng Kim Tiền thì ngươi phải thế mạng cho những kẻ ấy.
Lão một giò khoát tay cười :
- Đã có một mạng của Tiên Thần Tây Môn Nhu thì đã quá đủ để thay cho bốn mươi nhân mạng.
Sự việc diễn biến bất giờ làm cho lão Tôn Gù sửng sốt nhưng đồng thời cũng giải đáp được những thắc mắc trong lòng lão này giờ, lão biết thêm được tên của gã có bớt xanh trên mặt : Tiên Thần Tây Môn Nhu.
Gã áo vàng có da mặt màu nâu không nói một tiếng nào nhưng tay gã đã người ánh thép : một món binh khí lạ lùng, đao không ra đao, cưa cũng không phải là lưỡi cưa, nó lấp lánh trông rờn rợn.
Đặc biệt là tên thiếu niên áo vàng từ trước đến giờ không hé môi, hai tay của hắn cũng không rút ra khỏi túi áo, bây giờ thì hắn mới chầm chậm rút ra kéo theo luôn binh khí : Hai chiếc vòng cọng lớn hơn tay cái.
Binh khí có hai đặc điểm : dài thì lợi thế, ngắn thì hiểm ác, vậy thì binh khí của gã thiếu niên phải nói là cực kỳ hiểm ác.
Một lần ra tay là một thế công trí mạng bởi vì bằng vào món binh khí ngắn ngủi như thế, nếu không làm cho đối thủ mang thương thì trái lại chính người sử dụng sẽ mang thương.
Đó là nguyên tắc nằm lòng của người dùng binh khí ngắn.
Sử dụng những món binh khí như thế tất nhiên là những kẻ võ công không thể tầm thường.
Bốn tên áo vàng vừa nhoáng mình lên và đã vây chặt Tiên Thần Tây Môn Nhu vào giữa.
Chỉ có lão một giò thì lại không kết vào vòng vây.
Lão lui mấy bước và nhếch môi cười theo dõi.
Gã áo vàng mũi quặp vùng kéo bành thân áo: trước ngực gã có một sợi dây đai lớn bảng, trên đó giắt chồng chất lên nhau bốn mươi chín cây lao dài ngắn không đều.
Đây không phải là thứ lao dài như lao của giống dân thiểu số, có lẽ phải gọi nó là đoản thương thì mới đúng bởi vì cây dài lắm cũng không đầy nửa sải.
Cả nắm người của bọn áo vàng cùng xoáy mắt vào Tây Môn Nhu, vẻ mặt họ hầm hầm nhưng trong ánh mắt họ vẫn không giấu được sự e dè bởi ngọn roi như có mắt ấy.
Lão một giò cười sằng sặc :
- Lai lịch của bốn vị bằng hữu ta đây, chắc các hạ đã biết qua rồi chứ?
Tây Môn Nhu lạnh lùng :
- Tự nhiên.
Lão một giò gật đầu :
- Cứ theo lý lịch mà nói thì thân danh của năm ngươi trong bọn ta đúng ra thì không nên liên hợp vây công nhưng chỉ vì cần đối phó gấp với ngươi nên hôm nay không thể từ nan.
Tây Môn Nhu cười khẩy :
- Trong giang hồ, bọn tiểu nhân thường lấy đông thắng ít, chuyện đó ta đã thấy quá nhiều rồi chứ đâu phải chi có các ngươi.
Lão già một giò lại gật gật :
- Ta vốn không muốn kết liễu tính mạng của ngươi nhưng tiếc vì ngươi đã phạm vào quy củ của chúng ta thì chúng ta làm sao lại có thể để cho ngươi đi được? Có lẽ ngươi cũng thừa biết, một khi quy củ bị hủy diệt thì uy tín sẽ tan theo.
Tây Môn Nhu nhếch môi :
- Nhưng nếu ta cứ muốn đi thì sao?
Lão một giò lắc đầu :
- Không, ngươi không đi được.
Tây Môn Nhu cười ha hả :
- Nếu đến lúc mà ta thật tình muốn đi thì bằng sức của các ngươi không làm sao giữ được ta cả.
Vừa nói, Tây Môn Nhu vừa rung nhẹ cổ tay, ngọn roi vụt cuốn lại thành bảy tám vòng dưới lớn trên nhỏ y như là một con ốc và hắn đứng yên trong những vòng roi tròn ốc ấy.
Lão một giò gầm lên một tiếng, chiếc gậy sắt vụt ngang.
Chiêu thế đánh ra đó chỉ là Hoành Tảo Thiên Quân tầm thường như ai có học võ đều nhận rõ như thế ấy phát ra từ cánh tay, từ chiếc gậy của lão một giò thì lại càng tầm thường.
Ai đã mầm vào võ nghiệp cũng đều có thể sử dụng chiêu Hoành Tảo Thiên Quân nhưng đối với lão một giò thì bốn chữ “thiện” ấy mới thật đúng nghĩa.
Tây Môn Nhu vẫn không ngớt tiếng cười và cả thân hình của hắn, cả vòng roi tròn ốc vụt nhấc bổng lên.
Rẹt! Rẹt!
Nhiều tiếng động liên tiếp nổi lên, chỉ trong chớp nhoáng gã áo vàng một mắt đã phóng luôn mười ba ngọn lao một lượt.
Những ngọn lão xé đi trong gió những xâu chuỗi bằng tơ đỡ nơi cán lao tủa ra nhưng những cánh hoa đào.
Những ngọn lao dài phóng ra trước nhưng lại đi sau, nhưng ngọn lao phóng ra sau mà tới trước và nhiều tiếng dội nổi lên.
Rắt! Rắt! Rắt!
Mười mấy ngọn lao đều bị vòng roi đánh bật, dài cũng như ngắn đều bị gãy làm đôi, những chùm tuôi đỏ cũng như lúc nãy vẫn như những cánh hoa đào rơi ra.
Nhiều ngọn lao còn trớn bám ghim vào thành tường, sức mạnh bị phản đà rung lên bần bật.
Tây Môn Nhu như một con rồng lớn trong mây, hắn bắn thẳng mình mất hút vào đám sương mù.
Lão một giò rống lên :
- Theo!
Cây gậy sắt chống “nạch” một cái xuống nền đá, thân hình lão vọt thẳng như cây pháo tăng thiên, một chân của lão hình như còn hơn những kẻ đủ hai chân, tiếng gậy khua chưa dứt thì lão đã không còn thấy nữa.
Bốn người áo vàng còn lại cùng phóng lên một lượt, họ nhắm theo tiếng gió cây gậy sắt.
Ngõ hẻm lại trờ về vắng lặng như khung cảnh cố hữu của nó, trước sân tửu điếm còn lại hai vũng máu và hai cái thây người sóng sượt.
Giá như không có hai cái thây người làm chứng tích thì có lẽ lão Tôn Gù sẽ nghĩ những chuyện vừa qua là cơn ác mộng vì mặc dầu dấu vết chết chóc hãy còn sờ sờ ra đó nhưng lão vẫn cứ đứng lặng ngơ ngơ.
Thật lâu, lão Tôn Gù mới như chợt tỉnh, lão quay vào trong quán, lão già kể chuyện đã “tỉnh dậy” từ bao giờ, cũng y như một cơn mơ, vẻ mặt lão không thấy chút hơi hám gì để nói lên rằng lão vừa uống rượu, đã không có gì chứng tỏ rằng vừa mới say khướt mà ánh mắt của lão già “kể chuyện” lại có vẻ sáng hơn, lão nhìn theo hướng những người áo vàng vừa đi khuất và lão vụt thở phào.
Trong tửu quán lúc nàu chỉ còn lại ba người : lão già “kể chuyện”, cô gái tóc bím và Tửu Quỷ đã say mềm nằm ngục trên bàn.
Lão Tôn Gù cất tiếng khàn khàn hỏi :
- Tôn giá rành chuyện giang hồ, tôn giá có thể giải thích vì sao bọn người võ lâm khi nãy lại sợ đồng tiền như vậy. Họ sợ đến nỗi đứng yên chờ chết.
Lão già “kể chuyện” như không nghe. Lão Tôn Gù hỏi, lão quay mặt về hướng cô gái nói :
- Cháu có nghe nói đến Kim Tiền bang bao giờ chưa?
Cô gái đáp :
- Kim Tiền bang là một bang phái coi tiền như sinh mạng con người. Người cầm đầu Kim Tiền bang được xếp vào hàng thứ hai trong Binh Khí phổ.
Lão già “kể chuyện” gật đật đầu rồi nói :
- Kẻ cầm đầu được xếp vào hàng thứ hai trong Binh Khí phổ thì kẻ ấy võ công đâu phải tầm thường. Chính vì lẽ đó mà những người ban nãy bị đặt đồng tiền lên đầu coi như đã giao mạng mình cho đồng tiền đó. Hiện nay Kim Tiền bang đang bành trướng thế lực trong võ lâm, đã có bao nhiêu người quy phục nhằm bảo toàn tính mạng và mưu cầu danh lợi.
Cô gái tóc bím nhếch môi ngẫm nghĩ gồi lâu rồi nàng bật cười :
- Kim Tiền bang cho dù lớn mạnh thế nào nhưng danh nghĩa vẫn không minh chính, đáng để cho người ta ghét mà cũng đáng để cho thiên hạ tức cười.
Lão già “kể chuyện” nghiêm giọng :
- Tiền là một thứ có thể sai thần khiến quỷ, tiền là một thứ thần thông quảng đại, thiên hạ vạn vật sinh tồn cũng nhờ có nó. Trong đời nay còn có uy lực nào mạnh hơn “Kim Tiền” chứ, khi đó cháu sẽ thấy “nó” không có gì tức cười cả.
Cô gái tóc bím gật đầu :
- Nhưng trong đời này còn có những kẻ mà thế lực vẫn không làm lay chuyển nổi.
Lão già “kể chuyện” thở ra :
- Làm lay chuyển con người được không là một chuyện mà làm sống cho con người lại là chuyện khác, vả lại những người mà thế lực kim tiền không lay chuyển nổi ấy tiếc vì chẳng được bao nhiêu, thêm nữa số mà kim tiền không làm lay chuyển được đó ngày một giảm dần.
Cô gái tóc bím lại nhếch môi, nhưng nàng không nói, nàng chỉ cúi xuống nhìn những móng tay mình.
Lão già “kể chuyện” hút mấy hơi thuốc, lão gõ gõ chiếc ông điếu lên thành bàn và nói chậm :
- Ông nói thế, cháu có nghe rõ hay không?
Cô gái tóc bím mở tròn đôi mắt, nàng khẽ liếc qua bàn Tửu Quỷ và nở nụ cười tươi :
- Cháu đâu có uống say thì làm sao lại không nghe trhấy.
Lão già “kể chuyện” gật gật đầu :
- Lai lịch của nhưng kẻ ấy chắc chắn cháu cũng đã hiểu rõ rồi chứ?
Cô gái tóc bím nói :
- Hiểu tất cả.
Lão già “kể chuyện” lại gật đầu :
- Ở đây rượu tuy có ngon nhưng một con người muốn sống không thể cứ mãi cắm đầu vào hũ rượu mà ù ù cạc cạc suốt đời... đến lúc cần đi thì phải đi... à... à... chủ quán, tính tiền đi. Mà ông chủ quán này, có phải thế hay không nhỉ?
Hai ông cháu nhà “kể chuyện”, một hỏi, một trả lời, giống như một cuộc đàm thoại giải buồn khi nhàn rỗi nhưng thật sự thì đối với lão Tôn Gù, cuộc “vấn đáp” này y như là một “lớp” có chuẩn bị, có sắp đặt đàng hoàng để dẫn giải những chuyện khó hiểu cho người khác hiểu.
Nhưng dầu sao, quả thật lão già “kể chuyện” đã kể chuyện khá hấp dẫn làm cho lão Tôn Gù nghe đến xuất thần, bây giờ nghe hỏi lão bật cười đáp lại :
- Lão Tiên sinh hiểu biết chuyện giang hồ quá nhiều chắc Tiên sinh phải là một anh hùng, vậy thì cái khoản rượu này tôi xin đài thọ để làm quen.
Lão già “kể chuyện” lắc đầu :
- Tôi vốn không phải là anh hùng mà chỉ là một con sâu rượu. Nhưng mà, anh hùng cũng tốt, sâu rượu cũng hay, song nợ thì phải trả, có lười trả cũng không thể được, muốn trốn cũng không thể được.
Lão móc ra một nén bạc đặt lên bàn vịn lấy vai cô cháu gái, lứng cứng đi ra.
Lão Tôn Gù nhìn theo trân trối, cho đến khi hai ông cháu nhà “kể chuyện” khuất rồi, lão quay vào thì Tửu Quỷ không biết tỉnh dậy từ bao giờ.
Hắn đứng ngay nơi bàn của gã có bớt xanh, hắn đang cầm phong thơ mà lão một giò bỏ quên nơi đó.
Lão Tôn Gù cười hề hề :
- Đáng lý hôm nay ông bạn đừng uống rượu, ông bạn đã không xem được một vở kịch khá hay.
Gã Tửu Quỷ cũng cười nhưng rồi hắn vụt thở ra :
- Gút chính của vở kịch ông nói có lẽ chưa kịp diễn hay nói cách khác, là nó sẽ diễn tiếp vào một nơi khác gần đây, có lẽ tôi không xem cũng không thể được.
Lão Tôn Gù cau mày.
Lão cảm thấy hôm nay người nào nói chuyện nghe cũng hơi kỳ cục, y như họ đã cùng uống lầm một thứ thuốc sật sừ.
Gã Tửu Quỷ rút lá thơ, hắn chỉ liếc sơ qua, da mặt tái mét của hắn vụt hơi ửng đỏ và hắn gập mình xuống ho sặc sụa.
Lão Tôn Gù không dằn được, lão nhích tới hỏi :
- Trong thơ đó nói những gì thế?
Tửu Quỷ ngập ngừng :
- À... không, không có gì... cũng chẳng có gì.
Lão Tôn Gù chớp chớp mắt :
- Nghe nói những kia đều vì lá thơ ấy mà đến?
Tửu Quỷ nheo mắt :
- Sao?
Lão Tôn Gù cười :
- Họ còn nói nơi ấy có chôn giấu báu vật gì đó. Hừ, thật đúng là ngày hiện quỷ.
Lão vừa lau bàn vừa nói tiếp :
- Ông bạn còn muốn uống rượu nữa thôi? Bữa nay tôi mời đấy.
Không nghe hắn trả lời, lão Tôn Gù quay lại thấy Tửu Quỷ đứng ngơ ngác, đôi mắt hắn đăm đăm về hướng xa xôi không biết hắn đang nghĩ ngợi những gì?
Ánh mắt của hắn đã không có một mảy may màu rượu mà còn đượm vẻ thê lương vô hạn, hắn cứ nhìn đăm về phía vòng tường cao, hướng ngọn đèn leo lét ở ngôi lầu nhỏ phía sau viện.
Ánh đèn leo lét này bây giờ sao bỗng giống như mắt hắn, nó như chứa đựng cả một trời u uất.
Lão Tôn Gù trở ra nhà sau thì tiếng trống vọng từ lâu xa xa đã báo mãn canh ba.
Mấy gian phòng dành cho khách ngụ vẫn im lìm.
Riêng gian phòng của Tửu Quỷ đèn hãy còn chong, cánh cửa khép hờ theo từng cơn gió đong đưa nghe ken két.
Nhớ lại chuyện xảy ra hồi hôm, lão Tôn Gù bước lại vỗ vỗ vào cánh cửa :
- Ngủ rồi à? Sao không gài chốt?
Bên trong không có tiếng trả lời.
Lão Tôn Gù muốn đi ngủ nhưng không hiểu tại sao lại lại xô cửa bước vô.
Tửu Quỷ không biết đã đi đâu mất.
Nửa đêm gà gáy canh ba mà đi đâu thế chứ?
Lão Tôn Gù lẩm bẩm một mình.
Ngôi quán nhỏ nhưng thật là cà ngầu, dầu thế vẫn không bừa bãi bằng gian phòng của Tửu Quỷ.
Quần áo, khăn chiếu vất vẩy đó đây, ngay trong đầu gường của hắn bảy tám khúc gỗ tròn tròn nho nhỏ nhưng vẫn còn nguyên, hắn chưa khắc gì trên ấy cả.
Bên cạnh bầu rượu còn có mảnh giấy vo tròn.
Lão Tôn Gù nhìn biết đó là lá thư của lão già một giò bỏ lại.
Lão Tôn Gù đã quá quen với cài nghề làm “chủ quán” lâu nắm, câu nhật tụng là nếu không đụng đến chén cơm của mình thì không nên tò mò. Thiên hạ đa sự nhưng trong trường hợp này có khác, ít ra là lão biết hơi hơi mới được.
Lão kéo thẳng mảnh giấy, vuốt ngay ngắn, lão thấy trong ấy viết :
“Đúng ngày rằm tháng chín, tại Hưng Vân trang sẽ có cuộc khai quật nơi chôn báu vật, mong các hạ đừng bỏ qua cơ hội ngàn năm một thưở”
Mảnh giấy vỏn vẹn bấy nhiêu thôi.
Không đề tên người nhận, không ký tên người viết.
Nhưng ở đời, càng có vẻ mập mờ càng gợi ý tò mò, cái gì hơi bí mật mới có nhiều người ham khám phá.
Công dụng của mảnh giấy có mấy hàng chữ ngắn này có lẽ sẽ thỏa mãn tất cả. Người nhận cũng như người gửi, tự nhiên kẻ chủ động sẽ đạt mục đích của mình.
Và nhất định người viết lá thư này phải là một người sành tâm lý.
Lão Tôn Gù khẽ cau mày, vẻ mặt phớt tình cố hữu của ông chủ quán chuyên nghiệp bây giờ phải tỏ vẻ lạ lùng.
Hưng Vân trang, một láng giềng có “cận” nhưng không bao giờ “thân” nằm sát bên quán của lão, nói quen thì thật là quen, nói lạ thì cũng thật là lạ. Lão Tôn Gù và Hưng Vân trang quả là khắn khít, cả hai luôn luôn “nhìn” nhau nhưng chưa bao giờ nói với nhau được một tiếng. Ngọn đèn dầu leo lét phía sau ngôi lầu nhỏ thì cùng với lão “vẫy tay”.
Lão vụt nhớ đến Tửu Quỷ, lão nhớ tia mắt gần như “đắm đuối” của hắn cũng trao đổi tâm sự với ánh đèn hiu quạnh ấy mà bây giờ thì hắn đi đâu? Hắn và Hưng Vân trang có gì quan hệ?
Đêm vẫn trầm trầm.
Sương vẫn một màu trắng đục.
Bên bờ ao sen lá rụng lớp lớp, con đường mòn cỏ rối dệt ngang dọc, lối mòn như lâu quá không người lui tới bây giờ, đêm nay lại cành lạnh ngắt, cái lạnh của những gì rờn rợn.
Mút đầu của chiếc cầu ao có năm ba ngôi nhà mắt, đo là Lãnh Hương tiểu trúc.
Lãnh Hương tiểu trúc, một nơi mà trước kia một vị danh hiệp hào hoa, một vị võ lâm đệ nhất mỹ nhân - cặp hào kiệt giai nhân đã hơn một lần tao ngộ - lúc bấy giờ hoa mai đang độ hé nhụy khoe màu.
Nhưng bây giờ, hiện tại vách tường đã bị tơ nhện giăng màn, gác lộ thiên đã chất chồng nhiều lớp bụi, nói không còn vết tích nào của thời gian vàng son năm cũ, mai già đã trụi lá trơ cành.
Ngọn đèn leo lét nơi gian lầu nhỏ vẫn còn chưa tắt - xa xa tiếng canh lơ đễnh buông dùi.
Bây giờ đã sang canh tư.
Đêm dài nhưng không vô tận, sương đầy nhưng đã có thấp thoáng bóng người.
Một bóng người.
Tại sao đêm trường không yên giấc? Người bị mối sầu thức trắng hay âm hồn vất vưởng không tan?
Dáng người lọ rõ dần.
Quần áo hắn hơi xốc xếch, đầu tóc bềnh bồng, dáng sắc hắn thật là tiều tụy.
Tuy nhiên phong thái hắn vẫn còn có phảng phất vẻ hào hoa, mắt hắn vẫn lạnh lùng nhưng trong sáng.
Hắn âm thầm tiến tới cây cầu nhỏ, hắn nhìn vào vườn mai cằn cội và hắn chợt thở dài.
Hình như năm xưa hoa mai là bạn thân của hắn, hình như bây giờ hoa mai cũng vì hắn mà tiều tụy héo tàn.
Nhưng, thân ảnh hắn đang lờ đờ bỗng nhấc lên như một cánh én xuyên ngang.
Hình như hắn vút lên ngôi lầu nhỏ, nơi có ánh đèn leo lét.
Cánh cửa sổ trên ngôi lầu nhỏ khép kín rồi, ánh sáng lờ mờ xuyên dội trên khung cửa giấy.
Nếu đứng gần sẽ thấy bóng bên trong.
Bóng một chiếc bàn nhỏ, bóng một người thiếu phụ cô liêu.
Một kẽ hở nơi khung cửa sổ, từ đó nhìn vào thấy rõ người thiếu phụ mảnh mai đối diện với ngọn đèn leo lét.
Nàng đang khâu vá.
Da mặt nàng trắng đến nhợt nhạt, đôi mắt bồ câu đã kém vẻ tinh anh - vẻ tinh anh của ngày xa xưa ấy.
Ngày xưa của thời vàng son nhất trong đời.
Mặt nàng bây giờ không lộ vẻ gì để có thể từ đó đoán ra tâm trạng.
Không hiểu rõ tâm trạng của nàng trong hiện tại ra sao nhưng nhìn vào khóe mắt, bằng vào cành môi lặng lẽ, người ta thấy nơi đó một cái gì lạnh nhạt mà sự hân hoan có lẽ lâu lắm rồi bị người mang nó bỏ lại sau lưng.
Nàng ngồi thật thằng, đầu hơi khum xuống, cây kim trên tay từng mũi, từng mũi chậm chạp đều đều.
Nàng ngồi dậy nhưng tâm tư xa vắng lắm. Quần áo rách có thể dùng kim chỉ làm lành nhưng khoảng trống trong lòng nàng vĩnh viễn không làm sao khâu vá được.
Đối diện với nàng là một cậu bé trạc mười ba mười bốn tuổi.
Gã thiếu niên này thật khá khôi ngô, đôi mắt của gã có lẽ là đôi mắt của nàng, đôi mắt thưở xuân thì của người thiếu phụ.
Chỉ có một điều da mặt hắn trắng xanh, không giống da mặt lứa tuổi đồng niên.
Gã đang cắm đầu luyện viết cho mềm nét chữ.
Tuổi gã tuy nhỏ nhưng có lẽ gã cũng đã quen, đã có sức chịu đựng cô liêu.
Người đàn ông trung niên mang dáng hình xơ xác, cái bõng khi nãy bên cạnh vườn mai nơi Lãnh Hương tiểu trúc bây giờ đang đứng gục đầu bên cửa sổ, lặng nhìn người thiếu phụ và cậu bé trong phòng.
Khóe mắt của hắn hình như phảng phất còn ngấn lệ.
Không biết qua bao lâu vì thời gian ở đay như ngưng đọng, cậu bé buông bút viết ngẩng đầu.
Gã nhìn ngọn đèn trước mắt một cách trân trối đến gần như ngờ nghệch.
Người thiếu phụ cũng buông kim ngẩng mặt nhìn con, tia mắt của nàng bây giờ thật hiền dịu :
- Tiểu Vân, con đang nghĩ gì thế?
Cậu bé cắn môi :
- Con đang nghĩ không biết bao giờ cha mới trở về.
Tay người thiếu phụ vụt rung, mũi kim chạm vào đầu ngón tay nhưng hình như nàng không biết gì đau đớn vì một cơn đau trầm trong hơn đang nhói ở lòng nàng.
Cậu bé lại nói :
- Mẹ, tại sao đột nhiên cha lại bỏ đi? Bây giờ đã hai năm rồi không tin không tức.
Trâm ngâm một lúc, người thiếu phụ thở ra :
- Lúc cha con đi, mẹ cũng không hề hay biết.
Tia mắt của cậu bé vụt sáng lên như mũi nhọn :
- Nhưng con thì con biết, con biết tại sao cha con đi.
Người thiếu phụ cau mày gắt nhỏ :
- Con còn nhỏ lắm, biết chi mà nói.
Cậu bé vẫn thản nhiên :
- Tự nhiên con biết, chứ cha con vì sợ Lý Tầm Hoan trở về tìm cha để báo thù. Chỉ cần nghe đến cái tên Lý Tầm Hoan là mặt của cha con tái hẳn.
Người thiếu phụ muốn nói nhưng cuối cùng tất cả những gì muốn nói biến thành tiếng thở dài.
Nàng biết con nàng hiểu chuyện rất nhiều, có lẽ quá nhiều.
Cậu bé lại nói :
- Nhưng Lý Tầm Hoan trước sau vẫn không về, mà tại sao hắn lại không về thăm mẹ?
Bây giờ thì cả thân hình của người thiếu phụ đã rung lên, giọng nói của nàng cũng rung và hơi lớn, nàng nói một câu tối nghĩ, không hẳn lập lại lời cậu bé mà cũng không hẳn để hỏi ai :
- Tại sao hắn không về thăm mẹ?
Cậu bé cười hì hì :
- Con biết hắn luôn luôn là người bạn thân của mẹ.
Da mặt người thiếu phụ càng ngày mét thêm nhiều hơn nữa, nhưng nàng vụt đứng lên rắn giọng :
- Đã suốt đêm rồi, trời sắp sang rồi, con hãy đi ngủ đi.
Cậu bé chớp mắt :
- Con không ngủ, con cần ở đây cho có bạn với mẹ, suốt hai năm nay, ban đêm mẹ có ngủ bao giờ? Chính vì thế cho nên con xốn xang hết sức.
Người thiếu phụ từ từ khép mắt lại, những hạt nước mắt đọng ngoài mi và rơi dài trên má.
Cậu bé cũng đứng lên nhưng cậu ta lại cười :
- Nhưng con cũng cần đi ngủ, ngày mai là ngày sinh nhật của mẹ rồi, con phải dậy sớm một tí.
Cậu ta bước lại hôn mẹ và cười :
- Mẹ cũng đi ngủ đi, sáng mai mẹ nhé.
Cậu bé đi ra cửa, miệng cậu ta vẫn cười nhưng khi khuất cánh cửa, mắt cậu bé vụt sáng lên lạ thường, miệng lẩm bẩm :
- Lý Tầm Hoan, Lý Tầm Hoan, ai ai cũng đều sợ ngươi nhưng ta thì không sợ. Hừ, hừ, sẽ có một ngày nào đó ngươi sẽ chết vào tay ta.
Đưa mắt nhìn theo con ra tới tận cửa, người thiếu phụ thở dài đau khổ.
Nàng như âm thầm thương tiếc. Nàng cảm nhận từ lâu là con nàng rất thông minh hay nói đúng ra là quá thông minh so với lứa tuổi của nó.
Nàng chỉ có một đứa con.
Đứa con là sinh mạng của nàng cho dù nó có làm nhiều việc mà thiên hạ đau lòng và chính nàng cũng phải đau lòng vì hành động hung hăng của nó nhưng nàng vẫn hết mực yêu con.
“Mẹ thương con như biển hồ lai láng”.
Lòng người mẹ thương con là một thứ lòng không biên giới và lòng thương đó là vĩnh viễn, là vô điều kiện.
Nàng lại ngồi xuống khều ngọn đèn cho tỏ rõ hơn lên. Nàng rất sợ bóng tối.
Cứ mỗi lần đếm xuống là lòng nàng cảm nghe sờ sợ, thứ sợ sệt không thể giải thích bằng lời.
Và ngay trong lúc đó, nàng thiếu phụ vùng biến sắc, nàng nghe tiếng ho nhỏ ngoài cửa sổ.
Toàn thân nàng chợt nghe tê dại như hình cây tượng đá, nàng ngồi sờ sững, đôi mắt nàng trơ trơ nhìn ra cửa sổ, ánh mắt ngơ ngác của nàng vụt lóe lên một trạng thái vừa vui mừng vừa sợ sệt.
Và cứ như thế khá lâu, người thiếu phụ chầm chậm đứng lên, chầm chậm đi lần lại hướng cửa sổ và đưa cánh tay rung rung đẩy chốt :
- Ai?
Cũng như cánh tay nàng, cũng như toàn thân nàng, giọng của nàng đang run rẩy.
Bóng trăng xuyên qua màn sương đục như biển sữa, bốn bên vắng lặng không một bóng người.
Ánh mắt của người thiếu phụ chiếu nhanh bốn phía, giọng của nàng trở nên thê thiết :
- Tôi biết thúc thúc đã về, đã về thì tại sao còn tránh mặt tôi?
Không một tiếng trả lời, chỉ có âm hưởng của nàng vọng lại.
Người thiếu phụ thở dài :
- Thúc thúc không bằng lòng gặp tôi điều đó tôi cũng không trách, quả thật chúng tôi đã làm điều không phải với thúc thúc... đã làm điều không phải.
Càng nói, giọng của nàng càng thật nhẹ như chỉ nói bàng hơi thở và thật lâu, nàng cứ đứng như thế thật lâu mới từ từ khép cánh cửa sổ lại.
Ngọn đèn trong phòng có lẽ cũng như giọng nói của nàng, ánh sáng rọi qua cửa sổ nhạt dần rồi tắt dần.
Cả trời đất tối sầm như lòng người khép kín.
Trước giờ hửng sáng, bóng đêm như hối tiếc, tối lại một lúc khá lâu.
Nhưng dầu muốn tới, thời gian cũng cứ phải trôi đi, từ phương đông nhiều vệt mây đâm ngang và cuối cùng là một khối cầu đỏ rực.
Bóng đêm lui dần về phía trời tây.
Dưới gốc ngô đồng cằn cỗi của ngôi lầu nhỏ thấp thoáng một bóng người.
Hắn đứng bất động như một pho tượng gỗ. Không biết hắn đứng như thế đã bao lâu, quần áo, đầu tóc của hắn hơi sương đã làm ướt đẫm.
Tia mắt đăm đăm như đờ đẫn của hắn cứ dán lên khung cửa sổ trên lầu.
Dáng sắc của hắn cằn cỗi y như gốc ngô đồng u xù tiều tụy.
Hắn là con người hồi đêm hôm xuất hiện bên chiếc cầu con, bên vườn mai của Lãnh Hương tiểu trúc, hắn là con người dòm vào khung cửa sổ trên ngôi lầu nhỏ bằng đôi mắt tham u, hắn là con người đã say khướt gục đầu trên bàn rượu ở quán của lão Tôn Gù, hắn là Tửu Quỷ.
Hắn đứng một mình lặng lẽ nhưng cũng là lúc mà tận đáy lòng của hắn kêu lên không không ngớt : Lâm Thi Âm. Lâm Thi Âm, nàng chưa bao giờ đối xử không phải với ta mà trái lại ta đã đối xử không phải với nàng. Ta tuy không thể gặp mặt nàng, đối diện nàng nhưng suốt hai năm nay, đêm đêm ta ở kế bên nàng để bảo hộ cho nàng, nàng có biết không?
Tiếng lòng của hắn kêu lên không biết ở trên ngôi lầu cao kia có nghe thấy?
Nàng đang làm gì? Phải chăng nàng cố dỗ giấc ngủ để thả hồn đón nghe lòng tri kỷ?
Đêm đã hoàn toàn lùi bước, trời đã sáng hẳn rồi.
Hắn đưa tay bụm miệng cố đè nén cơn ho, lặng lẽ băng qua con đường mòn cỏ mà như lâu rồi không có bước chân đi vào nơi đây, lá khô mục quện với đất bùn ẩm thấp.
Hắn băng qua một ngả rẽ lát đá đã rêu xanh, xuyên qua khung cửa vòng nguyệt sơn son đã loang lổ khá nhiều.
Bên trên, mạng nhện lớp cũ đã rách te, lớp mới chồng lên đầy bịt, hắn xuyên qua khung cửa ấy đi vào đại sảnh.
Nơi đây, ngày xưa ghế bàn khởi quét mà vẫn láng bóng với khách khứa vầy vầy, bây giờ thì bụi đóng lên từng lớp.
Bốn bên không thấy một ai, không nghe một tiếng người, dầu nhỏ.
Hắn xuyên thẳng ra phía trước, sân lộ thiên nay đã hoang tàn.
Những kẻ ngày xưa nếu có ai tình cờ đặt bước vào đây thật không ngờ một trang viện huy hoàng đệ nhất năm nào bây giờ lại thê lương dường đấy.
Hắn khom mình xuống ho nho nhỏ, một tia nắng sớm xuyên qua đầu hắn, nếu người ngày xưa bất chợt nhìn lên có lẽ cũng phải ngậm ngùi : Mái tóc xanh mướt ngày nào và với mớ tuổi của hắn đáng lý bây giờ cũng vẫn còn xanh thế mà năm tháng buồn đau, mái tóc xanh mướt ấy bây giờ đã nhiều sương tuyết điểm.
Sau cùng hắn đi đến một gian phòng nhỏ nới phía trước.
Cánh cửa khép hò, hắn đưa tay xô nhẹ.
Cánh cửa bật vào trong, mắt hắn sáng lên. Một mùi rượu dìu dịu hăng hắc phất vào mũi hắn.
Gian phòng ẩm thấp lại vừa dơ dấy có một người gục đầu trên chén rượu, tay vẫn còn nắm chặt một bầu.
Hừ, lại thêm một Tửu Quỷ.
Gã Tửu Quỷ “chánh hiệu” mỉm cười và vỗ nhẹ lên khung cửa.
Người gục đầu trên bàn chậm chạp ngẩng đầu lên.
Mặt hắn rỗ chằng.
Rượu đã làm tăng gấp nếp nhăn trên mặt hắn và hình như khung cảnh cô liêu cũng là một thứ thuốc trắng nhuộm bạc mái đầu.
Bây giờ không ai có thể rằng người mặt rỗ ấy là vị Tổng quản của trang viện ngày xưa, không ai có thể ngờ đó là vị thân sinh của giang hồ “đệ nhất mỹ nhân”.
Lão mặt rỗ dịu mắt lầm thầm :
- Sáng sớm mới bét mắt là đã có người gõ cửa, đúng là ngày quỷ ám.
Và lão vụt lớn tiếng khi thấy Tửu Quỷ :
- Ai! Ngươi là ai? Tại sao lại vào đây? Vào đây để làm gì?
Giọng lão ồ ồ, với sự xuất hiện của người lạ mặt hình cái giọng của “quản gia” ngày xưa sống lại mà từ lâu rồi, lão không biết “sử dụng” với ai.
Tửu Quỷ mỉm cười :
- Mới xa nhau chỉ có hai năm mà đã sớm quên đến thế sao?
Lão mặt rỗ nhướng nhướng mắt nhìn hắn và lão vụt biến sắc đứng lên vòng tay cười mơn trớn :
- Trời ơi, Lý.
Tửu Quỷ đỡ lấy tay lão mặt rỗ và tay kia che lấy miệng lão, cười cười :
- Lão quản gia còn nhớ như thế là tốt rồi, chúng mình ngồi xuống đây nói chuyện.
Lão mặt rỗ lật đật nhắc ghế, lau bụi và cười hề hề :
- Tiểu nhân làm sao quên được đại gia nhưng nhất thời mắt kém hồ đồ.
Tửu Quỷ thở ra nhè nhẹ :
- Lão quản gia cũng đã quá già rồi, chúng ta đều già hết, hai năm qua ở đây, chư vị đều vui vẻ?
Lão mặt rỗ lắc đầu :
- Trước mặt người khác có thể tiểu nhân còn giữ thể diện nhưng trước mặt đại gia.
Lão thở dài nói tiếp :
- Không dám giấu đại gia, suốt hai năm nay chính tiểu nhân cũng không hiểu sao mình còn sống được, tất cả ngày này sang ngày khác, hết bán những bức họa lại bán bớt bàn ghế để mà độ nhật.
Tửu Quỷ cau mày :
- Khốn đốn đến mức thế sao?
Lão mặt rỗ cúi đầu dịu mắt.
Tửu Quỷ hỏi :
- Long đại gia không có về à? Trước khi đi chẳng lẽ đại gia lại không thu xếp gia phí cho ổn thỏa sao?
Lão quản gia lắc đầu, mắt lão đỏ hoe.
Da mặt của Tửu Quỷ vụt tái nhợt, hắn khom mình xuống ho sặc sụa.
Lão mặt rỗ nói :
- Những món trang sức khá tiền của phu nhân, người đã chia hết cho gia nhân lớn nhỏ, bảo họ đi tìm mưu sinh nơi khác. Người bằng lòng tự mình chịu khổ chứ không nỡ nhìn kẻ khác.
Lão mặt rỗ nghẹn ngào, lão không nói được hết lời.
Lặng đi một lúc thật lâu, Tửu Quỷ thở ra :
- Nhưng ông vẫn không đi, ông quả là một con người trung hậu.
Lão mặt rỗ cúi mặt cười cười :
- Thật ra tiểu nhân cũng không biết đi đâu.
Tửu Quỷ nói thật dịu :
- Lão quản gia đừng giấu tôi, đừng tự khiêm thái quá, có những người tính tình hơi kỳ lạ nhưng lòng dạ rất tốt chỉ có điều quá ít người thông cảm.
Lão mặt rỗ gượng cười :
- Rượu này dở quá nhưng nếu đại gia không nỡ chê thì xin uống tạm vài chung.
Lão lăn xăn lấy chén nhưng bây giờ lão mới hay là bầu rượu đã cạn khô.
Tửu Quỷ tươi cười :
- Tôi không muốn uống rượu chỉ muốn uống trà thôi, lão quản gia thấy có lạ không, bỗng nhiên tôi lại muốn uống trà, bao nhiêu năm nay có lẽ đây là lần thứ nhất tôi phá lện.
Lão mặt rỗ cũng cười :
- Ồ, thế thì dễ lắm, tôi sẽ đi nấu nước, chỉ một chốc thôi nước sẽ có ngay.
Tửu Quỷ dặn :
- Bất cứ gặp ai, lão quản gia cũng đừng cho biết có tôi ở đây nhé.
Lão mặt rỗ gật đầu :
- Đại gia về lần này chắc có lẽ phải có vấn đề?
Tửu Quỷ hoáng vẻ trầm ngâm :
- Có người nói rằng nơi đây có chôn báu vật.
Lão mặt rỗ bật cười :
- Chôn giấu báu vật? Há, nếu nơi đây có thật như thế thì hay biết bao nhiêu.
Nhưng lão vụt nín cười, lão nhìn chắm chú người đối diện và buông một câu hỏi :
- Nhưng nếu nơi đây có chôn báu vật thì đại gia phải biết chứ?
Tửu Quỷ thở ra :
- Tôi và lão quản gia tuy không tin rằng nơi đây có chôn báu vật nhưng người tin chuyện đó thì lại quá nhiều.
Lão mặt rỗ nhướng mắt :
- Nhưng kẻ tạo phao ngôn đó là ai? Tại làm sao họ lại bịa ra chuyện ấy?
Tửu Quỷ lại trầm ngâm :
- Tôi nghĩ rằng người ấy có hai dụng ý : thứ nhất họ muốn tập trung những kẻ tham lại để tàn sát lẫn nhau và họ tự nhiên sẽ đóng vai trò “Ngư ông thủ lợi”.
Lão mặt rỗ hỏi :
- Ngoài ra.
Tửu Quỷ nói luôn :
- Thứ hai, từ lâu nay tôi được coi như là tuyệt tích giang hồ mà người đó rất muốn tôi ra mặt, họ tung tin cốt ý kéo tôi ra ánh sáng.
Lão mặt rỗ ưỡn ngực :
- Ra thì ra chứ có gì mà sợ và cũng nên cho kẻ ấy biết qua thủ pháp của đại gia chứ.
Tửu Quỷ gượng cười :
- Đến đây về chuyện đó có khá nhiều người, trong đó có mấy nhân vật mà sợ rằng tôi khó lòng đối phó.
Lão mặt rỗ trố mắt :
- Có những kẻ mà đại gia không thể đối phó lại à?
Tửu Quỷ chưa kịp trả lời thì bên ngoài có tiếng gõ cửa và bên ngoài một giọng ông ống vàng lên :
- Nơi đây có phải là phòng khách của Long đại gia không. Chúng tôi là những kẻ đường xa xin yết kiến.
Lão mặt rỗ nói thì thầm :
- Lạ không, suốt hai năm trời không một ma nào léo hánh sao bây giờ lại có kẻ dẫn xác đến đây?
Tửu Quỷ ngồi im lặng.
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp