Hội Chợ Phù Hoa

Chương 56


Chương trước Chương tiếp

VẪN CÂU CHUYỆN CŨ

Georgy bây giờ sống ra dáng ông hoàng trong toà nhà sang trọng của ông nội ở khu phố Russell; nó được dùng gian phòng riêng của bố nó ngày trước; nó cũng là người thừa kế chính thức tất cả cơ nghiệp lộng lẫy ở đây. Thấy cháu khôi ngô, cử chỉ đường hoàng rõ ra vẻ con nhà, ông Osborne rất quý. Ông kiêu hãnh về cháu nội không kém gì xưa kia đã từng kiêu hãnh về George.

� thử được nhìn thấy cháu có danh vọng như vậy thì chết cũng yên tâm nhắm mắt. Phải tìm cho nó một ông thầy học có tiếng...Không thể dùng mấy ông lang băm hoặc mấy ông trí thức mạo danh được...Mới vài năm trước đây, ông vẫn có thói quen kịch liệt công kích các học giả,các ông mục sư, nói chung là “các giới trí thức”...ông gọi họ là một bọn vô tích sự, chỉ biết nhai đi nhai lại mấy câu La tinh hay Hy Lạp để kiếm cơm, là một bầy chó đói cứ muốn khinh khỉnh lên mặt với các nhà buôn và các nhà quý tộc nước Anh, mặc dầu những người này có thể bỏ tiền ra mua họ từng mớ một. Bây giờ thường thường ông vẫn trịnh trọng tỏ ý buồn rầu về hồi xưa kia mình không được học hành mấy, cho nên nhiều bận ông vẫn nghiêm trang dạy Georgy rằng một nền học vấn cổ điển là hết sức quan trọng.

Lúc hai ông cháu gặp nhau trong bữa ăn, ông hay hỏi xem hôm ấy cháu học được những gì; nghe cháu kể lại việc học hành ông tỏ ra rất quan tâm; cháu nói gì, ông cũng làm ra vẻ hiểu rõ lắm. Cũng có nhiều bận ông lỡ lời, để lòi cái đuôi của mình ra; điều đó chẳng làm tăng uy tín của ông đối với thằng cháu nội chút nào. Vốn tinh ranh lại được ăn học cẩn thận, nó hiểu ngay rằng ông nó chỉ là một lão già ngờ nghệch; thế là nó bắt đầu coi thường, và muốn cưỡi cổ ông nội nó. Phải nhận rằng, tuy trước kia thằng bé chỉ được học hành gọi là, nhưng cũng đủ biến thành một cậu công tử con nhà, hơn cả những ước mơ cao xa của ông nội nó. Kẻ nuôi dưỡng nó trước kia là một người đàn bà hiền hậu, yếu đuối, dịu dàng, cả đời chỉ có niềm kiêu hãnh duy nhất là đứa con trai; người đàn bà ấy tâm hồn trong trắng quá, cử chỉ thuỳ mị và ngoan ngoãn quá; người như thế nhất định phải là một vị phu nhân chân chính.

Amelia bận rộn với những công việc gia đình, lặng lẽ làm nhiệm vụ của mình; cô không nói được điều gì cao xa bóng bẩy, nhưng cũng chưa hề nói hoặc nghĩ tới điều gì độc địa xấu xa. Con người trong sạch, chân thực, giàu lòng thương yêu và đức hạnh như vậy làm sao mà lại không thực sự là một người đàn bà thượng lưu cho được?

Người đàn bà hiền hậu, phục tùng ấy đã bị thằng Georgy đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ, gặp ông nội là người ngờ nghệch, long trọng một cách thô kệch, trái hẳn với tính tình giản dị và tế nhị của mẹ nó, thằng bé cũng khống chế nốt. Có thể nói một hoàng tử cũng không được nuôi dưỡng để sẵn sàng tự cao về mình như nó. Ở nhà mẹ nó mong nhớ con có thể nói là từng giờ từng phút; nhiều đêm Amelia trằn trọc không ngủ được vì nhớ con; trong khi ấy thằng bé cảm thấy xa mẹ cũng chẳng đáng buồn mấy tý, vì nó có bao nhiêu là thú giải trí. Trẻ nhỏ thường cứ đi học là khóc... chúng khóc vì phải đến một chỗ không được thoải mái lắm. Rất hiếm có đứa biết khóc vì yêu thương. Thử nhớ lại xem có phải xưa kia mỗi lần mẹ hoặc chị đi vắng, đang khóc mấy mà nhìn thấy tấm bánh đa hoặc chiếc bánh ngọt nhân thịt, y như rằng mắt chúng ta ráo hoảnh lập tức. Thôi, các bạn ơi, cũng chẳng nên quá tin vào những tính tốt của mình làm gì.

Vậy thì cậu Georgy Osborne được ông nội nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Ông lão ra lệnh cho bác xà ích tìm mua cho cháu bằng được một con ngựa non thật đẹp. Georgy được theo học tại một trường dạy khoa kỵ mã; sau khi đã cưỡi thạo không cần phải dùng bàn đạp, lại có thể phi qua gióng chắn được rồi, thì nó được dẫn đi ra Phố Mới đến công viên Nhiếp-chính, và công viên Hyde. Từ đó người ta thấy nó đường hoàng cưỡi ngựa dạo chơi ở công viên Hyde có bác xà ích Martin theo hầu. Hồi này thỉnh thoảng ông Osborne mới đến khu City; ông để cho những người cộng tác trẻ tuổi của mình trông nom việc doanh thương; ông thường cùng cô Osborne đánh xe ngựa đi chơi về phía công viên Hyde.

Thằng Georgy hiên ngang trông ra phết công tử thúc ngựa tiến đến đón ông; ông Osborne thú quá, huých vào tay con gái bảo: “Nom kìa, cô Osborne”. Rồi ông cười, mặt đỏ lên vì sung sướng; ông ngó qua cửa xe gật đầu với cháu; bác bồi ngựa của Georgy vội cúi chào hai bố con ông chủ; anh hầu xe cũng lễ phép chào cậu Georgy. Lại cả bà Frederick Bullock, cô thằng Georgy, cũng đến kia; ngày nào cũng thấy xe ngựa của bà trong công viên, trên vách xe có treo huy hiệu gia đình mạ vàng; ba cái đầu trẻ con đội mũ đính lông, cổ áo viền đăng- ten lấp ló trong khung cửa giương mắt ngó ra ngoài; bà Frederick Bullock liếc mắt khinh khỉnh hằn học nhìn thằng bé cưỡi ngựa đi qua; một tay nó khuỳnh khuỳnh đặt vào cạnh sườn, mũ đội lệch sang một bên đầu, trông kiêu hãnh như một ông hoàng.

Tuy mới mười một tuổi đầu, nhưng Georgy đã mặc quần có dây đeo và đi một đôi ủng đẹp như người lớn. Nó đeo một đôi cựa giày mạ vàng, cầm một cái roi ngựa đầu bịt vàng, khăn tay có đính một cái cặp rất đẹp. Đôi bao tay xinh xinh bằng da dê thuộc của nó thuộc loại quý nhất mua trong hiệu Lamb ở phố Conduit. Mẹ nó gửi cho nó một đôi ca-vat, lại cẩn thận viền cho nó mấy chiếc áo sơ- mi. Nhưng lúc nó về thăm nhà, mẹ nó thấy con trai vận áo may bằng thứ vải đẹp hơn nhiều. Khuy đính trên ngực áo của nó bằng chất nhựa bóng rất đẹp. Nó chẳng thèm mặc đến những thứ quần áo tầm thường của mẹ nó... có lẽ cô Osborne đem cho đứa con bác xà ích rồi. Amelia cố nghĩ rằng mình cũng vui vì thấy con đã thay đổi hẳn. Nói cho đúng thì thấy con có vẻ xinh xắn hơn, cô cũng sung sướng. Amelia đã thuê vẽ một tấm hình nhỏ của con trai mất một si-linh, đem treo cạnh hình bố nó trên tường cạnh giường ngủ. Một bữa, thằng bé theo lệ thường đến thăm mẹ, phi ngựa nước đại dọc theo dẫy phố hẹp ở Brompton làm cho mọi người trong phố phải ngó ra trầm trồ khen; vào nhà, nó rút trong túi áo choàng ra một chiếc hộp nhỏ bằng gỗ mun đỏ (nó có một tấm áo choàng màu trắng cổ nhung), vẻ mặt sung sướng và kiêu hãnh đưa cho mẹ, nói:

- Mẹ ạ, con mua bằng tiền của con đấy. Con biết mẹ thích lắm.

Amelia mở hộp, kêu lên một tiếng ngạc nhiên và thú vị, ôm lấy con hôn lấy hôn để. Trong hộp có một bức hình của nó vẽ rất khéo (nhưng người đàn bà goá vẫn cho rằng còn kém đẹp xa so với con trai). Một lần ông nội nó đi qua Southampton Row, thấy bày mấy tác phẩm của một hoạ sĩ, ông tỏ vẻ rất ưng ý, muốn nhờ vẽ cho cháu một bức chân dung. Sẵn tiền trong túi, Georgy đến hỏi nhà hoạ sĩ xem một bức chân dung nhỏ giá bao nhiêu; nó bảo rằng muốn bỏ tiền riêng ra thuê vẽ để gửi về cho mẹ. Nhà hoạ sĩ mến thằng bé, báng lòng vẽ với giá rẻ. Ông lão Osborne biết chuyện cũng tỏ ý hài lòng, ông cho cháu gấp đôi số tiền cháu vừa tiêu.

Nỗi sung sướng của Amelia còn gấp bội. Thấy con tỏ lòng quyến luyến mình như vậy, Amelia cho rằng trên đời không có đứa trẻ nào ngoan ngoãn bằng. Có đến mấy tuần lễ liền, hễ nghĩ đến con, cô lại thấy vui, Amelia cảm thấy đặt tấm hình của con dưới gối thì mình ngủ ngon giấc hơn. Nhiều lần, Amelia hôn tấm hình của con rồi khóc và cầu nguyện mãi. Con người có tâm hồn e lệ dịu dàng ấy chỉ cần những người mình yêu bộc lộ một chút cảm tình thôi cũng đủ lấy làm sung sướng. Từ buổi xa con, chưa lần nào cô hài lòng được như vậy.

Trong gia đình mới của mình, Georgy có quyền thế như một ông vua con. Vào bữa ăn, nó mời các bà dùng rượu vang, điệu bộ cứ tỉnh khô. Nom cách nó nâng cốc sâm-banh lên uống mà ông nội nó thích quá. Ông lão đỏ mặt, hích người ngồi bên cạnh nói: “Nom cháu kìa, ông có thấy đứa trẻ nào được như thế không? Lạy chúa! Nó sắp mua một bộ đồ trang sức và dao cạo để cạo râu đấy, không đúng cứ đem cổ tôi ra mà chặt”.

Có lẽ mấy ông khách không lấy làm thú vị lắm về cái điệu bộ láu lỉnh của thằng bé như ông Osborne. Ông Justice Coffin có vẻ không bằng lòng vì đang nói chuyện bị thằng Georgy nói leo vào làm ông cụt hứng. Đại tá Fogey nhìn bộ mặt ngà ngà say của thằng bé cũng không ưa lắm. Bà vợ viên đội già Toffy bị nó kéo hích khuỷu tay một cái làm sóng một ít rượu ra tấm áo sa-tanh vàng của bà rồi cười, bà cũng hơi bực mình. Một lần thằng con trai thứ ba của bà hơn Georgy một tuổi được nghỉ học, bà đưa đến công viên Russell chơi; tháng bé bị Georgy choảng cho một trận; chuyện này không làm bà hài lòng mấy tuy ông Osborne thì lấy thế làm thú vị lắm. Ông nội nó thấy cháu anh hùng, bèn thưởng cho hai đồng tiền vàng, lại hứa lần sau hễ cứ bắt nạt nổi những đứa lớn hơn thì sẽ có thưởng. Khó lòng hiểu ông lão thích cháu bắt nạt trẻ con khác vì lẽ gì ông chỉ mang máng thấy rằng trẻ con đánh nhau nhiều thì sinh bạo, và biết thống trị người khác là một điều bổ ích, chúng cần phải học. Thiếu niên nước Anh từ lâu vẫn được giáo dục như vậy, cho nên chúng ta mới gặp trong đám trẻ con hàng vạn đứa quen kính trọng và biện hộ cho sự bất công, và sự tàn nhẫn.

Được khen, và lại dã được cả thằng Toffy, Georgy phổng mũi, càng hống hách dữ tợn; một hôm, nó bận một bộ áo mới thật bảnh, đang đi vênh vang gần phố St. Pancras thì bị thằng bé con một người làm bánh mì nói mấy câu châm chọc; cậu công tử nhà ta bèn hăng hái lột phăng áo, giao cho thằng bạn cùng đi với mình (tức là thằng Tođ ở Phố Greet Coram, khu Russell, con trai người cộng tác với ông Osborne trong hãng buôn). Georgy định choảng cho thằng kia một trận; nhưng lần này cu cậu không gặp may mắn, lại bị thằng bé con nhà hàng bánh nện cho một vố nên thân. Nó đành mang đôi mắt sưng húp tím bầm về nhà, chiếc áo sơ-mi mới tinh rách tơi tả, bị máu chảy ròng ròng từ mũi xuống làm cho loang lổ.

Nó kể với ông nội rằng mình vừa chiến đấu với một thằng khổng lồ; hôm về thăm mẹ nó kể lại câu chuyện thật dài, dĩ nhiên là không đúng sự thực lắm, làm cho mẹ nó sợ hết hồn.

Thằng Tođ ở phố Coram, khu Russell, là bạn thân của Georgy; thằng này phục bạn lắm. Hai đứa cùng thích vẽ tranh diễn viên đóng kịch, cùng thích ăn bánh rán, và mùa rét cũng thích chơi trò trượt tuyết ở công viên Nhiếp chính và trên sông Serpentine. Ông Osborne vẫn sai Rowson là người hầu riêng của Georgy đưa hai đứa đi xem hát; cả ba ngồi đình huỳnh trong lô ghế hạng nhất.

Chúng được đưa đến khắp các rạp hát lớn trong kinh đô, thuộc lòng tên các đào kép, từ đường Drury đến Sadler’s Wells. Về nhà, hai đưa hì hục cắt giấy tô màu, dựng lại những cảnh trên sân khấu cho các bạn xem. Bác hầu việc Rowson tính cũng hào phóng, khi tan hát, nếu túi tiền rủng rẻng một chút, vẫn hay thết hai cậu một chầu sò huyết, lại kèm theo một chút rượu “rum” để cậu về ngủ cho ngon giấc. Dĩ nhiên, Rowson cũng được cậu chủ đền bù lại rộng rãi để tỏ lòng biết ơn bác người nhà đã cho mình thưởng thức những thú chơi khoái trá kể trên.

Ông Osborne không bao giờ chịu mượn bọn phó may cà mèng ở khu City may áo cho cháu, mặc dầu chính ông vẫn nhờ họ cắt áo cho mình; ông gọi một bác thợ may nổi tiếng ở tận West End đến để trang hoàng cho cái thân thể của cậu cháu nội, lại căn dặn chớ có ngại ông tiếc tiền. Được lời như cởi tấm lòng, ông Woolsey ở phố Conduit bèn ra sức phát huy trí tưởng tượng, cắt cho thằng bé kiểu áo tối tân, nhiều vô kể, cho trẻ con hàng xóm cũng không hết.

Dự những buổi tiếp khách tối thì Georgy mặc áo chẽn trắng, dùng bữa trưa thì mặc áo chẽn nhung; nó lại có cả một bộ py-ja-ma dùng riêng để mặc trong nhà y như người lớn. Bữa trưa nào nó cũng bận lễ phục cẩn thận; thấy thế, ông nội khen cháu “Chẳng thua gì con nhà khá giả ở West End”; ông lại sai riêng một người nhà chuyên việc hầu hạ cậu, giúp cậu mặc quần áo, để cậu sai vặt, lại bắt hễ có thư gửi cho cậu thì phải đặt vào khay bạc cẩn thận mới được mang lên.

Ăn sáng xong, thường thường Georgy hay ngồi trong ghế bành ở phòng ăn đọc báo “Tin tức buổi sáng”, trông ra phết người lớn. Thấy cậu chủ hay văng tục và thề độc, bọn đầy tớ cho là sớm hiểu biết, phục lăn. Những người có biết bố nó ngày xưa đều nói nó giống viên đại uý như đúc. Tuy thằng bé tính tình nghịch ngợm, “ông hạng”, hay quát tháo nhưng tốt bụng, nhà cửa thế cũng vui.

Việc giáo dục của Georgy được giao cho một nhà học giả mở trường dạy tư ở gần nhà; ông này chuyên “chuẩn bị cho các thiếu niên con nhà quý tộc và con nhà thượng lưu để vào các trường đại học, và nghị viện và làm các nghề tự do; phương pháp giáo dục không dựa vào sự trừng phạt thân thể đã lỗi thời mà nhiều nơi vẫn còn dùng; tại nhà trường, học trò sẽ được sống trong một bầu không khí ấm cúng của gia đình với những tập quán của một xã hội thượng lưu lịch sự”. Đó là phương pháp “câu học trò của ngài mục sư Lawrence Veal ở phố Hart Bloomsbury, và là giáo sĩ riêng của gia đình bá tước Bareacre.

Nhờ khéo quảng cáo và ra sức vận động, ngài “mục sư gia đình”, và bà vợ vẫn thường có một hai học trò lưu trú trong nhà; bố mẹ họ phải trả thật nhiều tiền, cứ yên trí rằng đã cho con được ăn học trong một trường đứng đắn thực sự. Có một cậu lộc ngộc người xứ Tây Ấn quanh năm chả có ai đến thăm, da màu súc-cù-là, tóc quăn tít, điệu ra phết công tử. Lại có một chàng thanh niên vụng về đã hai mươi ba tuổi, trước nay học hành không ra sao cả, nhưng bây giờ ông bà Veal đang có nhiệm vụ đưa dắt vào xã hội thượng lưu. Ngoài ra còn có hai đứa con trai chịa đại tá Bangles, thuộc Công ty Đông Ấn Độ. Khi Georgy đến thụ giáo thấy cả bốn đang ngồi ăn chung một bàn do bà Veal chủ toạ.

Georgy cùng khoảng một tá học sinh khác ngoại trú. Sáng sáng bác Rowson đưa nó đi học; nếu trời đẹp, đến trưa nó cưỡi con ngựa non về nhà, có bác bồi, ngựa theo sau. Trong trường ai cũng đồn rằng ông nội nó giàu nứt đố đổ vách. Ngài mục sư Veal vẫn tấm tắc khen thằng bé về chuyện này, chắc sau này nó phải làm to. Ông ta lại khuyên nó nên chăm chỉ học hành và vâng lời để chuẩn bị lãnh những nhiệm vụ quan trọng chắc chắn nó sẽ phải đảm đương khi đến tuổi thành nhân. Ông bảo rằng trẻ con ngoan ngoãn vâng lời là cách tốt nhất để học chỉ huy người khác khi lớn lên. Vì vậy ông yêu cầu Georgy không nên đem kẹo ngọt đến trường để làm hư dạ dày của cậu Bangles; cần ăn thức ăn gì, bà Veal đã cung cấp đầy đủ rồi.

Riêng về mặt học vấn thì “Học đường” - ông Veal vẫn ưa gọi như vậy - cung cấp hết sức phong phú. Các cậu học sinh ở phố Hart được học đủ mọi môn. Mục sư Veal có một bảng thiên văn, một máy phát điện, một máy tiện, một sân khấu (thiết lập trong phòng giặt quần áo), một ít dụng cụ thí nghiệm hoá học, và một cái mà ông gọi là tủ sách chọn lọc, toàn tác phẩm của các tác giả cổ kim bậc thầy đủ các thứ tiếng. Ông đưa học trò đi thăm Viện bảo tàng nước Anh, giảng giải về những di tích cổ sử và những hiện vật về khoa vạn vật học bày tại đây cho học trò nghe. Ông nói hay đến nỗi người xem xúm xít xung quanh; ông nổi tiếng trong khu phố Bloomsbury là một học giả biết rộng hiểu nhiều. Mỗi khi ông nói (mà ông nói luôn) bao giờ ông cũng cố tìm những tiếng thật dài, thật hay trong ngữ vựng; ông cho rằng dùng một tính từ thật kêu, thật hay cũng không tốn kém hơn một tiếng đơn giản thông thường là mấy tý.

Đại khái ở trường, ông thường hỏi Georgy thế này: “Hôm qua tôi được hân hạnh tham dự buổi nói chuyện khoa học với ông bạn hết sức quý báu của tôi là Bulders tiên sinh, một nhà khảo cổ học chân chính... phải, một nhà khảo cổ học chân chính... lúc trở về nhà tôi quan sát thấy những khung cửa sổ trên ngôi nhà vô cùng lộng lẫy của con người đáng kính là ông nội anh, sáng rực rỡ như có đại tiệc. Không biết tôi có lý không khi tôi phỏng đoán rằng đêm qua ông Osborne đã mở tiệc long trọng thết đãi toàn những vị khách lựa chọn?”

Georgy tính cũng ưa khôi hài bèn trả lời ông Veal rằng ông phỏng đoán rất đúng; nó vẫn hay bắt chước điệu bộ của thầy giáo rất khéo ngay trước mũi ông ta.

- Vậy thì, các anh, tôi dám cam đoan rằng, những ông bạn đã có hân hạnh được ông Osborne thiết đãi không có lý do gì để phàn nàn về bữa tiệc; chính tôi đây cũng từng nhiều lần được thưởng thức những bữa tiệc như vậy... (Nhưng anh Osborne, sáng nay anh đi học hơi muộn đấy: và đây không phải là lần đầu tiên tôi nhận thấy khuyết điểm ấy của anh). Vậy thì tôi xin nói với các anh rằng tầm thường như tôi đây, tôi cũng cảm thấy mình không đến nỗi không xứng đáng dự hưởng sự thết đãi lọng trọng của ông Osborne. Tuy tôi đây cũng đã từng nhiều phen tiệc tùng với những vị quý tộc tai mặt - tôi thấy có thể dẫn ra trong số ấy tên vị bá tước đáng kính Bareacre, người bạn quý đồng thời là người che chở cho tôi, nhưng tôi có thể cam kết với các anh rằng bàn tiệc của một thương gia Anh quốc vẫn đầy đủ cách tiếp đãi, vẫn lịch sự hơn hết.

Anh Bluck, chúng ta hãy trở về đoạn văn của Eutropis vừa bị anh Osborne đến làm ngắt đoạn”.

Đó tức là vị học giả vĩ đại đã phụ trách việc dạy dỗ Georgy trong một thời gian. Nghe những câu nói văn hoa bóng bẩy, Amelia chẳng hiểu ra sao cả, nhưng cũng yên trí Veal tiên sinh là một tay uyên bác. Vì những lý do riêng, người đàn bà góa này đã tìm cách kết thân với bà Veal. Cô thích lại chơi nhà bà này để được nhìn thấy Georgy đến đây học. Cô cũng thích được bà Veal mời đến dự những buổi họp mặt hàng tháng; nhà giáo sư thường gửi những tấm thiếp màu hồng có in chữ Minerva trên góc, mời học trò và bạn hữu đến dự những buổi nói chuyện về khoa học, có thết nước trà pha thật loãng.

Amelia không bao giờ vắng mặt trong những buổi gặp gỡ này; được có Georgy ngồi cạnh, bà mẹ thấy buổi họp mặt hết sức lý thú. Buổi nói chuyện tan, khách khứa ra về, bác Rowson cũng đến đón Georgy đi nốt; Amelia cảm động ôm lấy bà Veal mà hôn để cảm tạ vì vừa được dự một buổi họp mặt rất vui, rồi khoác áo, choàng khăn san đi bộ về nhà.

Về mặt học vấn mà Georgy thụ hưởng được của vị giáo sư đa ngôn thông hiểu mọi khoa học trên trái đất này, thì hình như thằng bé tấn tới lắm, nếu ta căn cứ vào những tờ thông báo hàng tuần nó mang về đưa cho ông nội. Tờ giấy liệt kê có tới hơn một tá các môn khoa học nghe rất hấp dẫn, vị giáo sư phê rành rọt về sự tiến bộ của học trò trong từng môn. Về môn tiếng Hy Lạp Georgy được phê là aristos, về môn tiếng la tinh, optimus, về môn Pháp văn, très bien và v.v...

Cuối năm học. Cả cái cậu Swartz tóc quăn tít em trai cùng bố khác mẹ của bà Mac Mull, và cậu Bluck tức là anh thanh niên đã hai mươi ba tuổi đầu ở nhà quê ra, học dốt như bò cùng cậu Todd mà ta cũng đã biết, được phát thưởng mấy cuốn sách rẻ tiền có ghi chữ “Minerva” ở ngoài bìa, kèm theo một câu tiếng La- tinh của vị giáo sư đề tặng.

Gia đình cậu Todd là những kẻ ăn bám nhà ông Osborne; ông lão đã nâng địa vị ông Todd từ chân nhân viên thường lên hàng một người cộng tác trẻ tuổi của hãng buôn. Ông Osborne nhận làm cha đỡ đầu cho thằng Todd (về sau lớn lên, đi đâu Todd cũng chìa ra một tấm danh thiếp in tên “Ông Osborne Todd”, và trở thành một tay phong lưu công tử khét tiếng). Cô Osborne vẫn dắt cô Mary Todd đi lễ nhà thờ, hàng năm lại tặng cô bạn gái được mình che chở một cuốn sách đạo, một bộ sách, một tập thơ tôn giáo có giá trị hết sức... văn chương, hoặc một vài tặng phẩm khác làm kỷ niệm. Thỉnh thoảng cô Osborne lại cho đánh xe ngựa đưa chị em cô Todd đi chơi. Khi nào họ ốm, thế nào cô Osborne cũng sai bác người nhà bận chế phục may bằng nhung đem kẹo mứt từ công viên Russell đến phố Coram để cho. Hiển nhiên là phố Coram phải lép vế và khúm núm trước công viên Russell. Bà Todd vốn là người khéo tay, cắt; hoa giấy để lót tay ăn món thịt cừu rán rất tài, lại khéo gọt củ cải và cà-rốt thành những hình con vịt, những cánh hoa v.v... nom như thật : mỗi khi “bên công viên” có mở tiệc lớn thết khách, bà vẫn sang làm giúp, nhưng không mấy khi dám nghĩ đến việc cùng ngồi dự tiệc. Nếu đến phút cuối cùng mà còn trống một ghế khách không tới, thì ông Todd được gọi đến thế chân cho tròn cỗ. Bà Todd và cô Mary đã rón rén vào trong phòng khách đợi trước; lúc cô Osborne dẫn các quý bà vào, thì hai mẹ con phải sẵn sàng bắt đầu chơi nhạc và hát để giúp vui trong lúc chờ đợi các quý ông uống rượu vang xong lại sang. Đáng thương thay cho hai mẹ con bà. Trước khi ra mắt biểu diễn trước công chúng ở “công viên” hai mẹ con đã tốn bao nhiêu công phu tập tành với nhau ở nhà !

Vậy thì hầu như số phận đã định rằng người nào gặp Georgy cũng bị thằng bé thống trị, cho nên khách khứa, người trong họ cũng như đầy tớ trong nhà thấy nó đều phải cúi rạp xuống mà chào. Phải nhận rằng thằng bé đóng vai trò của mình đến nơi đến chốn. Thiên hạ nhiều kẻ vẫn thế. Georgy rất ưa lên mặt ông lớn, và hình như có năng khiếu bẩm sinh về khoa này thì phải.

Ở khu phốRussell ai cũng sợ ông Osborne, mà ông Osborne thì lại sợ Georgy. Cái phong thái đường hoàng của thằng bé, cái cách nó thao thao bất tuyệt bàn về kiến thức, về sách vở, cái bộ mặt giống bố như đúc, khiến ông lão nhớ đến người con trai chưa được tha thứ đã chết trận ở Brussels mà sinh ra tôn trọng cháu, sợ hãi cháu như nô lệ sợ chủ. Thấy một vài cử chỉ vô tình của thằng bé, một vài lối nói đặc biệt như thừa hưởng được của bố, ông lão giật mình, tưởng như con trai sống lại đang đứng trước mặt. Để chuộc lỗi xưa kia đã trót quá khe khắt với cha nó, ông càng ra sức chiều chuộng cháu nội. Ai thấy ông nuông cháu quá đáng cũng phải lấy làm lạ. Ông vẫn hay càu nhàu gắt gỏng với cô Osborne như trước, nhưng ông vẫn tươi cười mặc dầu Georgy xuống ăn sáng muộn.

Cô Osborne bây giờ đã thành một cô gái già, nhan sắc phai úa, vì trải hơn bốn mươi năm trời sống trong cảnh đời tẻ nhạt, đầy đoạ. Cho nên thằng cháu láu lỉnh cưỡi cổ cô nó dễ như bỡn. Georgy muốn gì cô nó cũng phải cho, từ lọ mứt trong tủ cho tới hộp màu vẽ cũ kỹ đã khô nứt (hộp màu vẽ cô mua từ hồi cô còn có thể gọi là tuổi xuân phơi phới, đang theo học ông Smee); Georgy vớ được thứ đồ chơi mình ưa thích rồi thì lờ tít không cần đến cô nữa.

Nói về bè bạn, Georgy có ông giáo long trọng vẫn hay nịnh nọt nó, và thằng Todd, tuy lớn hơn nhưng vẫn bị nó bắt nạt thẳng cánh. Bà Todd rất thích cho nó chơi với đứa con gái út là Rsa Jemima, một con bé kháu khỉnh mới lên tám tuổi. Bà thường bảo rằng hai đưa nom tốt đôi quá (dĩ nhiên bà không dám nói thế với những người “bên công viên”; bà nghĩ thầm: “Biết đâu sau này hai đứa lại không thành vợ thành chồng.

Ông ngoại nó, ông lão chán đời, cũng bị thằng bé thống trị. Thấy nó bận quần áo sang trọng, cưỡi ngựa có người theo hầu, ông đâm ra nể cháu. Về phần Georgy, nó vẫn thường nghe ông Osborne mỉa mai thóa mạ một cách thô bỉ kẻ thù của mình là ông John Sedley.

Ông Osborne vẫn gọi ông thông gia của mình là thằng ăn mày, thằng bán than, thằng phá sản, và bằng nhiều tiếng tàn nhẫn khác. Vậy thì làm sao thằng Georgy có thể kính trọng được một con người tồi tệ đến thế ? Nó về ở với ông ngoại được vài tháng thì bà Sedley chết. Hai bà cháu không hợp nhau, thành ra thằng bé cũng chẳng buồn tỏ ra rầu rĩ lắm. Nó bận một bộ áo tang mới may đến thăm mẹ, và có vẻ hết sức bực mình vì lỡ mất một tích hát nó ao ước xem từ lâu.

Hồi bà lão bị ốm, Amelia hết sức lo lắng săn sóc dường như cố lấy việc đó làm lẽ sống của mình. Đàn ông ai thấu hết được những nỗi khổ thầm kín của phụ nữ ? Chỉ cần một phần trăm những sự dầy vò hàng ngày họ vẫn ngoan ngoãn chịu đựng cũng đủ làm cho chúng ta đến phát điên lên rồi. Biết bao nhiêu người đàn bà đã phải đeo đẳng cảnh sống nô lệ đằng đẵng không chút hy vọng được đền bù, rất thuỳ mị hiền hậu mà luôn luôn bị đối xử tàn tệ; họ yêu chồng quý con, làm lụng vất vả, chịu đựng kiên nhẫn mà không được lấy một lời nói ngọt ngào an ủi gọi là có; vậy mà đi ra ngoài, vẻ mặt họ vẫn tươi tỉnh như không. Họ tức là những kẻ nô lệ thuần thục bị bắt buộc phải tỏ ra yếu đuối và giả dối vậy.

Bà cụ Sedley được nâng từ ghế bành đặt lên giường rồi cứ nằm liệt ở đó mãi, Amelia lúc nào cũng có mặt bên giường mẹ, trừ những lúc phải chạy đi thăm Georgy. Những buổi vắng mặt như thế cũng hiếm, nhưng bà cụ vẫn lấy làm giận con gái. Hồi còn làm ăn thịnh vượng, bà cụ vẫn là một người mẹ dịu dàng, tươi tỉnh, rộng lượng; bây giờ nghèo túng bệnh hoạn đã thay đổi cả tính tình.

Nhưng Amelia không vì mẹ ốm đau trái tính mà lấy làm khó chịu. Hình như tình trạng ấy lại giúp cô chịu đựng nổi một sự đau khổ khác đang vò xé lòng mình, vì phải luôn luôn săn sóc mẹ ốm, không có thì giờ mà nghĩ đến nữa. Dẫu vất vả, nhưng Amelia vẫn tươi tỉnh hầu mẹ từng ly từng tý; bà cụ cứ rên rỉ gọi luôn, bao giờ cô cũng dịu dàng thưa lại. Amelia hết sức khuyến khích mẹ hy vọng bằng những lời lẽ thốt tự đáy lòng mình, và cuối cùng chính cô đã vuốt mắt cho mẹ, đôi mắt xưa kia đã từng trìu mến nhìn cô, bây giờ vĩnh viễn nhắm lại.

Từ đó, Amelia để hết thì giờ và tâm trí vào việc săn sóc ông bố già nua bất hạnh; ông lão bị tai hoạ dồn dập gieo xuống đầu, bây giờ như hoàn toàn trơ trọi giữa cuộc đời. Ông mất vợ, mất danh dự, mất cơ nghiệp, mất hết những thứ ông tha thiết nhất trên đời. Còn lại một mình Amelia đứng cạnh đưa đôi cánh tay dịu dàng ra nâng đỡ ông lão già nua run rẩy và đau khổ. Chúng tôi không muốn viết về đời sống của ông Sedley, vì tẻ nhạt vô cùng; chưa nói chúng tôi đã thấy trước cả Hội chợ phù hoa ngáp dài rồi.

Một hôm, học trò đang tề tựu đông đủ trong phòng học của ông Veal, và ông “mục sư gia đình” của ngài bá tước Bareacre đang “phun châu nhả ngọc” như thường lệ, thì thấy một chiếc xe ngựa tuyệt đẹp đến chỗ cạnh bức tượng thần Minerva ngoài cổng trường; từ xe hai người đàn ông sang trọng bước xuống. Cậu Bangles vội xô cửa sổ ngó, hy vọng bố mình ở Bombay sang thăm; còn vị sinh viên to đầu đã hai mươi ba tuổi, vừa khóc dở mếu dở vì bài văn của Eutropius cũng ra dán mũi vào ô cửa kính nhòm chiếc xe ngựa; cậu thấy hai anh hầu xe nhảy vội xuống mở cửa xe cho hai ông khách bước xuống.

Ngoài cửa có tiếng gõ thình thình, Bluck reo lên:

- Một ông béo, một ông gầy, chúng mày ạ.

Mọi người nháo nhác cả lên, kể cả ông “mục sư gia đình”; ông ta hy vọng có phụ huynh mới đến xin học cho con; riêng Georgy thì khoan khoái vì được dịp bỏ sách xuống chơi một lúc.

Người hầu việc () của nhà trường vội xỏ tay vào bộ chế phục chật ních cũ rích, khuy đồng rỉ bét chạy ra mở cổng, rồi quay trở vào báo: “Có hai vị khách muốn gặp cậu Osborne”. Sáng nay vị giáo sư vừa cãi nhau một tí với cậu học trò vì chuyện cậu mang pháo vào lớp học; nhưng bây giờ ông lấy vẻ mặt điềm tĩnh thường ngày nói: “Anh Osborne. tôi cho phép anh ra gặp người nhà vừa đến tìm...nhờ anh chuyển hộ tới các vị lời chào kính cẩn của tôi và bà Veal.

Georgy bước vào phòng tiếp khách, thấy hai người lạ mặt, nó ngẩng cao đầu theo thói quen kiêu hãnh nhìn thẳng vào mặt họ.

Một người to béo, để râu, một người vừa cao, vừa gầy, bận một tấm áo màu xanh nước biển, da mặt rám nắng, tóc lốm đốm hoa râm.

Người cao gầy giật mình nói:

- Trời ơi nom giống như lột ấy nhỉ! Georgy, em có biết chúng ta là ai không?

Mặt thằng bé đỏ bừng lên, hai mắt long lanh; khi nó cảm động nó vẫn như vậy. Nó đáp:

- Cháu không biết ông kia là ai, nhưng nhất định bác là thiếu tá Dobbin.

Quả thực đó là anh bạn của chúng ta. Dobbin chào thằng bé mà giọng nói run run; anh ta nắm hai tay áo kéo thằng bé lại gần mình hỏi:

- Má cháu nói chuyện về bác luôn cho cháu nghe... có đúng không?

Georgy đáp:

Đúng. Má cháu nói chuyện hàng trăm lần ấy.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...