Hội Chợ Phù Hoa

Chương 48


Chương trước Chương tiếp

MỜI BẠN ĐỌC BƯỚC CHÂN VÀO GIỚI THƯỢNG LƯU

Becky đã ngoan ngoãn săn sóc người cầm đầu gia đình nhà chồng, bây giờ thật là được đền bù vô cùng xứng đáng. Phần thưởng không phải là mối lợi trông thấy trước mắt nhưng cô ta còn lấy làm sung sướng hơn là được tiền. Rebecca không mong sống cuộc đời tiết hạnh, nhưng cô ta rất ưa làm ra vẻ tiết hạnh; ta lại biết rằng trong giới thượng lưu, người đàn bà nào muốn được thiên hạ coi là tiết hạnh thì phải mặc áo có đuôi dài quét đất, phải đội mũ có gài một túm lông và phải được đưa vào triều kiến đức kim thượng. Cuộc hội kiến vĩ đại ấy sẽ đóng một con dấu chứng thực đó là người đàn bà lương thiện. Ngài thị vệ đại thần sẽ trao cho một tấm sắc “tiết hạnh khả phong”. Cũng tương tự như những phong thư và những hàng hoá phải lưu ký trong phòng tẩy trùng, được phun một lượt dầu thơm, rồi được tuyên bố là vô hại, nhiều bà nhiều cô tư cách đáng khả nghi và rất có thể truyền sang người khác, chỉ cần qua một cuộc triều kiến, cũng được coi là “trắng như ngà, trong như ngọc”.

Bareacres phu nhân, Tufto phu nhân và bà Bute Crawley ở nhà quê, là những người có dịp tiếp xúc với Rebecca cứ tưởng tượng ra cảnh cô ta được cúi chào đức Kim thượng mà lộn cả ruột; họ tuyên bố rằng ví thử Hoàng hậu Charlotte còn sống, nhất định không bao giờ chịu cho con người tồi tệ quá sức tưởng tượng ấy đặt chân vào điện tiếp tân trong sạch của người. Họ có biết đâu bà Rawdon đã được nhân vật thượng lưu danh tiếng nhất châu Âu sát hạch và đã tốt nghiệp về khoa tiết hạnh; vậy mà còn hoài nghi đạo đức của bà thì dứt khoát là một thái độ “mạn thượng”. Về phần tôi, tôi đưa nhân vật vĩ đại này vào truyện với một thái độ vô cùng yêu kính.

Thử coi, nếu trong Hội chợ phù hoa người ta không biết đề cao giới thượng lưu thì sao con người vĩ đại đáng tôn kính kia lại được xưng tụng là nhân vật đệ nhất thượng lưu trong toàn quốc, và được toàn thể những con người có giáo dục nhất, lịch sự nhất, đồng tình tán thưởng? M... ông bạn thuở trẻ của tôi ơi, hẳn ông chưa quên hai mươi lăm năm trước có lần người ta diễn vở kịch “Kẻ đạo đức giả”, hồi ấy đạo diễn là Elliston, diễn viên thủ vai chính là Dowton và Liston; có hai thằng bé trọ học tại trường Slaughter-House, được các thầy cho phép bỏ học, đến rạp Drury Lane lách vào giữa đám đông để được đón chào đức vua. Đức vua à? Kia chứ đâu. Một đội vệ binh túc trực trước “lô” ghế dành riêng cho hoàng thượng. Sau ghế của Người là hầu tước Steyne, tước tuỳ giá thị vệ đại thần và nhiều vị quan lớn trong triều. Người ngồi kia, mặt mũi phương phi rạng rỡ, thân hình thật phì nộn, khắp người la liệt huy chương, mớ tóc giả rậm rạp xoăn tít... Chúng mình hát bài: “Thượng đế phù hộ cho vua”. Hăng quá! Cả rạp đồng thanh hát bài xưng tụng Người mới say sưa làm sao! Và hoan hô! Và hò reo! Và phất khăn tay! Các bà các cô khóc thút thít, các bà mẹ ghì chặt lấy con; có vài đứa ngất đi vì xúc động quá mạnh, đám khán giả ở hàng ghế hạng bét gần chết ngột. Từ bầy người nhấp nhô sôi nổi vang lên những tiếng kêu la, tiếng rên rỉ; quần chúng tỏ ra như sẵn sàng vì Người mà nhảy vào lửa. Đúng, chính mắt chúng mình đã được chiêm ngưỡng long nhan của Người. Số mệnh cũng không cướp được kỷ niệm ấy đi. Có người đã được nhìn mặt Napoléon. Một số ít người này còn sống đã được thấy mặt Frederick đại đế, nhà học giả Johnson, Hoàng hậu Marie Antoinette Bareacres, v.v.. riêng chúng mình rất có quyền khoe với con cháu mà không sợ quá lời rằng đã từng được nhìn mặt Hoàng đế George đại từ bi, Hoàng đế George chí tôn, hoàng đế George vĩ đại.

Vậy thì bà Rawdon Crawley đã sống một ngày sung sướng nhất đời; vị thiên thần ấy đã được dẫn tới thiên đường mình hằng khát khao, tức là được vào chầu trong triều, do người chị dâu đứng ra đỡ đầu. Đúng ngày đã định, tôn ông Pitt và phu nhân ngồi trên chiếc xe ngựa đồ sộ của gia đình (chiếc xe mới toanh vừa mua, sẵn sàng phục vụ tôn ông trong việc thực hiện chức vụ “bảo an đại quan” trong quận) cho chạy thẳng đến ngôi nhà ở phố Curzon; bác Raggles đứng sau quầy kính cửa hàng khoan khoái ngắm những chiếc mũ có đính lông của các bà, và những chùm hoa kếch xù cài trên ngực bộ chế phục mới tinh của bọn gia nhân.

Tôn ông Pitt xuống xe, bước vào trong nhà trong bộ triều phục lộng lẫy, thanh gươm lủng lẳng bên đùi. Thằng Rawdy đứng áp mặt vào khung kính cửa sổ phòng khách vừa mỉm cười vừa gật đầu mãi với bác gái ngồi ngoài xe. Một lát sau, tôn ông Pitt từ trong nhà bước ra cùng với một vị phu nhân choàng khăn san trắng, trên mũ gài một túm lông thật to, hai tay rón rén nâng vạt áo, tấm áo dài có đuôi loà xoà may bằng thứ lụa tuyệt đẹp. Vị phu nhân bước lên xe, dáng điệu quý phái như một bà hoàng cả đời vẫn quen đi lại trong triều, mỉm cười rất duyên dáng với người hầu túc trực ở cửa, và với tôn ông Pitt đang đi theo sau mình ra đến tận xe.

Rồi đến Rawdon bận rộn bình phục ngự lâm quân, bây giờ trông đã cũ rích và chật bó lấy người. Suýt nữa anh ta phải đi xe ngựa thuê theo sau đám rước để hầu ngự giá, may được bà chị dâu cứ nhất định mời anh ta cùng lên xe ngồi. Xe thì rộng, mấy người đàn bà cũng không lấy gì làm to béo, họ có thể vén vạt áo vào lòng cho gọn cũng được... Cuối cùng cả bốn người cùng ngồi xe đi. Xe ngựa của họ cũng nhập vào đoàn xe tiến về phía toà lâu đài cổ kính xây bằng gạch; nơi đây ngôi sao Brunswick đang chờ đón giới thượng lưu quý phái.

Becky sung sướng quá, cô ta cảm thấy rõ ràng bây giờ mình đã chiếm một địa vị cao quý trong đời đến nỗi muốn thò cổ ngay ra ngoài cửa xe mà ban phước lành cho đám đông dân chúng bên đường. Đến ngay Becky của chúng ta cũng có một số nhược điểm; cô ta thuộc loại người cứ muốn kiêu hãnh về những ưu điểm thiên hạ ít nhận ra nơi mình; Comus vẫn yên trí minh là diễn viên bi kịch có tài nhất nước Anh; Brown tiên sinh là một tiểu thuyết gia nổi tiếng, nhưng lại ưa người ta coi mình không phải là một thiên tài mà là một tay phong lưu công tử, trong khi ấy nhà luật sư đại danh Robinson không chịu quan tâm đến tiếng tăm của mình ở Westminster Hall, mà cứ khăng khăng tự cho mình là một nhà thể thao cừ khôi... Cho nên Becky suốt đời chỉ có một mục đích làm cho thiên hạ tưởng mình là một người đàn bà đáng kính; sự cố gắng kiên nhẫn của cô ta đã được đền bù xứng đáng. Đã có nhiều lúc Becky yên trí thực sự rằng mình xứng đáng là một bậc mệnh phụ, quên đứt cái ngăn kéo rỗng không ở nhà, quên đứt cả bọn chủ nợ đang rình ngoài cổng, quên đứt rằng mình phải ngọt ngào nói khó với bọn chủ hiệu để khất nợ... Tóm lại, quên đứt mất cái cảnh một mảnh đất cũng không có mà ở của mình. Được ngồi trên xe ngựa riêng vào triều, cô ta bèn lấy điệu bộ thật đường bệ, thật tự mãn, thật nghiêm trang làm cho công nương Jane cũng phải buồn cười. Cô ta vênh vênh cái mặt đi vào trong cung trông như một bà chúa, ví thử cô ta được làm bà chúa thật, chắc chắn sẽ đóng được vai trò đến nơi đến chốn.

Bộ triều phục () của bà Rawdon Crawley mặc bữa được vào triều kiến đức Kim thượng quả thật là một tác phẩm tuyệt hảo của khoa may mặc. Nếu chúng ta đã có dịp gặp một số mệnh phụ - chúng ta đây là những người có đeo huy chương vẫn dự những cuộc dạ hội ở St. James hoặc chúng ta là những kẻ đi ủng cáu bùn vẫn lang thang trên đường Pall Mall để ngó vào những chiếc xe ngựa chở những vị tai mặt đội mũ có đính lông - vào khoảng hai giờ trưa ngồi xe đi dự lễ ngự tẩy, trong tiếng nhạc tiến quân hùng hồn của đoàn lính ngự lâm bận binh phục lộng lẫy cưỡi ngựa lông màu tro sáng... thì mới thấy rằng giữa ánh sáng ban trưa, nhan sắc của các phu nhân cũng chẳng quyến rũ người ta lắm. Một nữ bá tước sáu mươi cái xuân xanh, bận áo hở ngực, da mặt nhăn nheo, phấn son đỏ choét, mi mắt hum húp, kim cương nhấp nhánh trên mớ tóc giả, kể cũng thú vị đấy, nhưng nom không mê được. Trông bà ấy mà ta nhớ đến cảnh tượng đại lộ St. James buổi sáng sớm khi đèn ngoài phố tắt gần hết, còn lại một số biến nốt trong ánh bình minh.

Những đoá hoa khôi ta nhìn thấy trong xe ngựa của các phu nhân đó chỉ lộng lẫy trong lúc ban đêm. Nếu Cynthia mà đôi lần ta gặp trong mùa đông năm nay, dưới ánh sáng ban chiều trông cũng thành nhợt nhạt, mặc dù bên kia trời Phoebus () vẫn giương mắt thao láo ra mà ngắm thì hỏi rằng Castlemouldy phu nhân sao dám ngẩng cao mặt cho ánh nắng xuyên qua cửa xe chiếu thẳng vào, để soi rõ từng nét nhăn, từng kẽ rạn là vết tích tàn phá của thời gian?

Không thể được. Những buổi triều kiến phải tổ chức trong tháng một, vào những ngày có sương mù, nếu không các vị phi tần trong Hội chợ phù hoa đến phải ngồi xe bịt kín cửa, đi qua những hành lang tối om, và làm lễ triều kiến trong ánh đèn đã được che dịu mắt.

Nhưng sắc đẹp của Rebecca không cần nhờ đến phương pháp ấy mới có sức hấp dẫn. Làn da ấy đâu có sợ ánh sáng mặt trời; bộ áo ấy giá bây giờ ta được trông thấy có lẽ bà nào trong Hội chợ phù hoa cũng phải cho là lố bịch và cổ lỗ sĩ, nhưng hai mươi lăm năm nay là những tác phẩm tài tình nhất về khoa trang phục cũng trở thành lố lăng như bất cứ một thứ gì trong cuộc sống phù hoa này. Nhưng chúng ta đã quá lan man. Buổi triều kiến ngày ấy ai cũng khen bộ áo của bà Rawdon là đẹp tuyệt Ngay đến công nương Jane, con người nhỏ nhắn tốt bụng nhìn em dâu cũng phải công nhận lời khen là đúng và buôn rầu mà cảm thấy mình thua xa Becky về khiếu thẩm mỹ.

Cô ta có biết đâu rằng Becky đã để bao nhiêu tâm lực vào bộ áo. Rebecca vốn là người có khiếu thẩm mỹ không kém gì người thợ trang sức khéo nhất Âu châu, lại vượt xa công nương Jane về mặt khéo tay... Người chị dâu thoáng nhìn biết ngay thứ gấm Becky may áo rất quý, và bộ đăng ten đẹp tuyệt. Becky nói rằng gấm ấy là một thứ hàng cũ còn lại, đăng ten thì mua lại của một người khác, một thứ đăng ten đẹp nhất từ mấy thế kỷ nay.

- Thím Crawley ạ, thím mang một cái gia sản nhỏ trên người đấy Công nương Jane nói thế rồi nhìn xuống bộ đăng-ten của mình thấy giá trị còn kém xa. Lúc xem kỹ thứ hàng Becky dùng may áo, công nương Jane định hỏi em dâu lấy tiền đâu ra mà mua nổi, nhưng kìm lại được ngay vì thấy câu hỏi có vẻ khiếm nhã.

Ví thử công nương Jane biết rõ sự thực, có lẽ dù hiền lành mấy cũng phải phát tức; số là khi Becky dọn dẹp ngôi nhà của Pitt, cô ta vớ được miếng gấm và bộ đăng ten trong một cái tủ áo cũ, những thứ này là của hai bà vợ lão Pitt đã chết. Cô ta lẳng lặng đem về nhà may áo. Bà Briggs cũng nhìn thấy Becky đem gấm về, nhưng không hỏi han gì cũng không nói chuyện với ai; không chừng bà ta lại tán thành việc ấy cũng nên. Thì người đàn bà lương thiện nào mà chẳng thế.

Còn chuỗi hạt kim cương… “Mình đào đâu ra được những hạt kim cương này thế, Becky?” Anh chồng ngắm mấy vật trang sức lóng la lóng lánh trên cổ, trên tay vợ mà trước kia không hề thấy đeo bao giờ, tò mò hỏi vậy. Becky hơi đỏ mặt nhìn thẳng vào mặt chồng một lúc có ý không bằng lòng. Pitt Crawley cũng đỏ mặt giả vờ ra ngoài cửa sổ xe ngựa. Sự thực là Pitt đã làm quà cho em dâu mấy vật trang sức, đáng chú ý nhất là chuỗi ngọc và một chiếc cặp gài áo có nạm kim cương. Anh chàng nam tước quên không kể chuyện này cho vợ biết.

Becky nhìn chồng rồi lại nhìn Pitt, vẻ thắng thế hỗn xược như muốn nói: “ Tôi khai cả ra nhé?” Rồi cô ta bảo chồng:

- Mình đoán xem. Mình chỉ vớ vẩn, còn đào đâu ra nữa. Chiếc cặp này là của một người bạn cho em từ lâu, các thứ khác thì em thuê cả đấy, thuê ở cửa hiệu ông Polonius, phố Coventry. Mình đừng tưởng rằng ai vào chầu trong triều cũng có kim cương của riêng mà đeo như công nương Jane đây đâu. Của chị ấy đẹp quá, thứ em đeo còn thua xa.

Pitt vẫn còn có vẻ ngượng đáp:

- Đấy là những của gia bảo đấy, thím ạ.

Chiếc xe vẫn lăn dọc theo dãy phố rồi đỗ ngay ngoài cổng toà lâu đài nơi đức Kim thượng đang ngự tiếp các bề tôi.

Những viên kim cương làm cho Rawdon loá mắt kia không bao giờ trở về với ông Polonius ở phố Coventry, mà ông ta cũng không bao giờ đòi lại. Chúng được Becky mang cất kỹ trong một chiếc hộp cũ của Amelia Sedley cho từ lâu, trong hộp Rebecca còn giấu khá nhiều vật hữu ích và có thể là rất đáng tiền mà anh chồng không hề biết. Có những ông chồng trời sinh ra để không biết gì, hoặc để chỉ biết rất ít. Và hầu hết các bà vợ trời sinh ra cũng để mà bịt mắt chồng con. Nhưng thưa các bà, biết bao nhiêu bà đã giấu giếm những hoá đơn của thợ kim hoàn? Biết bao nhiêu bà có áo, có vòng xuyến mà không dám khoe với chồng, mà vừa đeo vừa run. Vừa run mà lại vừa mỉm cười duyên nịnh khéo ông chồng đứng bên, cái ông chồng mù tịt không phân biệt nổi áo mới với áo cũ, xuyến mới đánh với xuyến năm ngoái của vợ; ông ta cũng không hề ngờ rằng chiếc khăn viền đăng-ten vàng trông cũng đã tàng tàng của vợ giá tới bốn mươi đồng, và tuần lễ nào bà Bobinot cũng viết thư đến đòi thanh toán tiền.

Rawdon cũng vậy, anh ta không biết gì về chuyện đôi hoa tai kim cương cũng như chuỗi ngọc trang điểm trên bộ ngực xinh đẹp của vợ. Nhưng hầu tước Steyne biết rõ: mặc dù ở tận trong triều, lãnh trọng trách tuỳ giá đại thần và là một cây cột trụ chống đỡ nền quân chủ của Anh quốc, khắp người đeo đủ các thứ huy chương và bội tinh, ngài cũng đã chú ý đến người đàn bà xinh xinh này; ngài biết rõ những vật trang sức kia mua ở đâu, ai trả tiền.

Hầu tước cúi chào Rebecca, mỉm cười và đọc mấy câu thơ cũ rích, nhưng rất hay trong bài “Búp tóc ngắn” nói về những viên kim cương của Belinda, “những viên kim cương mà bên Do Thái phải thèm muốn và kẻ ngoại đạo phải phụng thờ”.

Nhưng tôi hy vọng rằng đại nhân không phải là kẻ ngoại đạo nhé.

Người đàn bà vừa lắc đầu vừa đáp, xung quanh nhiều ông, nhiều bà gật đầu thì thầm với nhau, họ không rõ tại sao vị thượng quan lại tỏ ra có biệt nhỡn đối với con người xảo quyệt này đến thế. Cuộc triều kiến giữa Crawley Rebecca, tục danh Sharp, với đức Kim thượng đã diễn ta như thế nào, ngòi bút thô thiển dốt nát này không dám có cao vọng kể lại. Cảnh tượng tôn nghiêm rực rỡ ấy, kẻ phàm tục không dám nhìn. Lòng tôn kính đối với Hoàng đế buộc trí tưởng tượng không được phép táo bạo nhòm ngó vào nội điện mà phải lập tức lặng lẽ kính cẩn cúi lạy mà lui ra ngoài.

Sau buổi triều kiến, khắp thành Luân đôn không có người nào trung thành với Hoàng đế bằng Becky. Cô ta luôn mồm nhắc đến đức Kim thượng, lại tuyên bố rằng Người lịch sự nhất đời không ai bì kịp. Becky tìm ngay đến hoạ sĩ Colnaghi đòi mua một bức chân dung của Hoàng thượng, vẽ sao cho thật đẹp thì vẽ, không quản đắt rẻ. Cô ta chọn bức vẽ Hoàng đế mỉm cười ngồi trên ghế xô fa, đội mớ tóc giả màu nâu quăn tít, mặc áo choàng cổ lông, đi bít tất lụa. Cô ta lại đặt vẽ thêm một bức chân dung nhỏ để đeo trước ngực... Người quen kẻ thuộc thấy vậy buồn cười quá và cũng hơi bực mình vì cứ bị nghe cô ta khen mãi đức Hoàng đế vô cùng điển trai và lịch sự. Biết đâu người đàn bà bé nhỏ này chẳng đang muốn đóng vai trò của một Maintenon () hay là một Pompadour (). Nhưng thú vị nhất là được nghe Becky ăn nói kiểu cách.

Becky có mấy người bạn gái, không thuộc đám người tiếng tăm thực sự lừng lẫy trong Hội chợ phù hoa, phải công nhận như vậy. Nhưng bây giờ đã được công nhận là con người tiết hạnh, đời nào cô ta lại còn muốn đi lại với những hạng người như vậy. Một bữa đi coi hát, Crackenbury phu nhân gật đầu chào, Becky làm ngơ không đáp, cô ta cũng không thèm giao thiệp với bà Washington White. Cô bảo chồng: “Mình có địa vị, phải biết giữ sĩ diện chứ, giao thiệp với cái bọn không ra gì ấy thế nào được. Thực tâm em vẫn thương hại Crackenbury phu nhân lắm; bà Washington cũng là người tốt. Mình muốn đến ăn cơm với họ cũng được, cũng như mình ưa đánh bài thôi. Nhưng em ấy à, em không thích, không thể thế được. Lần sau họ có đến chơi, mình cứ sai thằng Smith ra bảo là em không có nhà”.

Cách Becky phục sức hôm nào chầu vua được đăng tỉ mỉ lên báo... đủ cả mũ lông, giải áo, kim cương. Crackenbury phu nhân xem báo giận lắm; bà dè bỉu mãi với đám đàn ông quen thuộc về điệu bộ kiểu cách của Becky. Bà Bute và hai cô con gái vẫn đặt mua báo “Tin tức buổi sáng” ở tỉnh. Ba mẹ con dài mồm nói xấu Becky với nhau cho bõ ghét; bà mẹ bảo cô con gái lớn: “Nếu cô là cái con tóc xám, mắt xanh, con gái mụ đàn bà người Pháp làm cái nghề leo dây kia (song con gái bà tóc lại đen, mũi lại tẹt mà chân thì ngắn cũn cỡn), cô cũng có thể được đeo kim cương, và được chị dâu cô là công nương Jane đưa vào chầu vua đấy. Nhưng con gái yêu của mẹ ơi, con chỉ là một thiếu nữ con nhà dòng dõi, con chỉ mang trong người một dòng máu quý tộc nước Anh, và của cải duy nhất của con chỉ là điều lễ, nghĩa, trung, tín. Chính mẹ đây, tuy là em dâu một vị nam tước thật, mẹ cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện được vào triều chầu vua...hồi Hoàng hậu Charlotte còn sống, có đâu dễ dàng như thế. Bà vợ ông giáo sĩ đành tự an ủi bằng cách ấy, hai cô con gái cứ thở dài sườn sượt suốt đêm ngồi nghiền ngẫm cuốn “Danh bạ quý tộc”.

Vài ngày sau cuộc triều kiến lịch sử nói trên, cô Bécky tiết hạnh của chúng ta lại được hưởng thêm một vinh dự lớn lao khác.

Chiếc xe ngựa của hầu tước Steyne phu nhân chạy thẳng đến cổng nhà Rawdon đỗ lại; người hầu gõ chuông thật mạnh như có ý muốn đánh xe chạy thẳng vào trong sân, nhưng anh ta chỉ đưa vào hai tấm danh thiếp có ghi tên Steyne hầu tước phu nhân và nữ hầu tước Gaunt. Becky nhìn hai mảnh bìa, trong lòng rộn ràng sung sướng, dường như đó là những bức hoạ tuyệt tác, hoặc có hàng trăm thước đăng-ten Malin hai đồng ghi nê một thước viền quanh cũng không bằng. Cô ta đặt chúng nằm thật lộ liễu trong chiếc bát sứ trên bàn giữa phòng khách, nơi vẫn để danh thiếp của bà White và Crackenbury phu nhân mấy tháng trước được Becky trân trọng biết bao, bây giờ sao trông đáng thương đến thế!... Những tấm danh thiếp của bè bạn cũ lập tức bị xếp đống dưới đáy hộp, dành chỗ cho những mảnh bìa các bậc mệnh phụ. Becky và bà Briggs lật giở tập “Danh bạ quý tộc” tìm những tên Steyne, Bareacres, Johnes Helvellyn và theo dõi qua các chi nhánh trong từng họ đến tận cao tằng tổ khảo!

Vài giờ sau, hầu tước Steyne đến chơi nhà Becky; lão vẫn có thói quen ngó đây đó, nhận xét vật quanh mình, chợt thấy hai tấm danh thiếp của vợ và con dâu được Becky trưng bầy trên mặt bàn, lão nhếch mép cười khẩy; lão già quỷ quái này vẫn quen giễu cợt thói phù hoa của người đời. Becky vội xuống tiếp khách ngay. Mỗi lần có ngài hầu tước hẹn đến thăm bao giờ Becky cũng trang điểm cẩn thận, tóc chải thật đẹp, nào mùi xoa, nào khăn quàng, nào đôi dép xinh xinh bằng da dê thuộc cùng các vật trang sức khác, tất cả đều được sửa soạn chu đáo... đoạn cô ta mới lấy điệu bộ thật tự nhiên duyên dáng ngồi sẵn vào ghế đợi quý khách. Nếu lão đến thăm bất thường, dĩ nhiên cô ta lập tức chạy bay lên gác, vào phòng ngủ, soi gương, cấp tốc sửa sang lại bộ cánh cho thật bảnh, rồi mới bước xuống hầu tiếp. Lần này Becky thấy lão đang nhìn vào chiếc bát nhếch mép cười; biết lão đã đi guốc vào bụng mình, cô ta mới hơi đỏ mặt, bèn nói đỡ đòn:

- Xin cảm tạ đại nhân. Ngài đã rõ hai vị phu nhân nhà ta cũng vừa lại đây xong. Ngài thật có lòng chiếu cố. Em không ra hầu tiếp ngay được... em đang bận giở món dồi trong bếp.

Lão già bèn đáp:

- Tôi biết bà đang bận... Lúc xe ngựa sắp đỗ, nhìn qua hàng rào, tôi đã thấy.

- Thật không có chuyện gì thoát được mắt ngài.

Lão vui vẻ nói tiếp:

- Nhờ trời mắt tôi có nhìn thấy ít nhiều, nhưng không thấy bà đang làm bếp, quý bà xinh đẹp của tôi ạ. Bà không thực thà tí nào nhé. Tôi nghe rõ tiếng bà trên gác, chắc đang bận đánh phấn hồng! Bà nên cho Gaunt phu nhân nhà tôi một ít, nước da em nó không được đẹp lắm. Rồi tôi mới nghe tiếng cửa phòng ngủ mở ra, và bà bước xuống cầu thang.

- Thế ra làm đẹp để vui lòng ngài là một trọng tội thực ư?

Bà Rawdon vừa than thở vừa lấy khăn tay chùi mãi đôi má, hình như muốn tỏ ra mình đỏ mặt vì cảm động chứ không phải vì thoa phấn. Ai mà biết được. Nghe nói có thứ phấn hồng khăn tay lau không sạch; lại có thứ đã bôi vào má thì nước mắt rỏ xuống cũng không phai được.

Lão già mân mê tấm danh thiếp của vợ, nói:

- Được lắm, bà đang muốn trở thành một nhân vật thượng lưu. Bà mà chưa len được vào giới quý tộc thì bà chưa để cho cái thằng già này yên thân đâu. Nhưng bà bạn bé nhỏ của tôi ơi, liệu bà có đủ tiền để sống cho xứng đáng với địa vị không?

Becky vội vã đáp ngay:

- Thì ngài sẽ lo cho nhà em một chức vụ chứ sao?

- Bà không có tiền mà vẫn muốn chơi trèo với kẻ sẵn tiền. Bà là cái bình đất muốn bơi thi với cái chậu đồng. Đàn bà thế cả. Người nào cũng lăn lóc cầu lấy những thứ không đáng cầu. Chao ôi! Hôm qua tôi vừa ăn cơm với nhà vua, bữa ăn chỉ có thịt vai cừu nấu củ cải. Nhiều khi tự do ăn cỏ non ngoài đồng, lại sướng hơn xơi cỏ khô trong chuồng đấy. Bà sẽ lại chơi bên lâu đài Gaunt. Bà chưa lại đó chơi thì có người chưa ăn ngon ngủ yên được đâu. Bên ấy không vui bằng đây, rồi bà sẽ chán ngay. Tôi đã phát ngấy lên rồi. Bà vợ tôi vui tính như Macbeth phu nhân, con dâu tôi cũng lịch thiệp như Regan và Goneril () vậy. Tôi không dám ngủ trong cái mà họ gọi là giường ngủ của tôi. Trông nó giống như cái linh cữu của thánh Peter, nom tranh ảnh treo xung quanh mà phát khiếp. Tôi có một cái giường sắt nhỏ kê trong phòng rửa mặt, và một cái đệm cỏ y như của nhà ẩn sĩ. Hi! Hi! Tuần sau mời bà sang ăn cơm, và hãy coi chừng bọn phụ nữ(), phải cẩn thận đấy nhé, bọn đàn bà sẽ làm tình làm tội bà đấy.

Hầu tước Steyne vốn ít nói, lần này nói hơi nhiều. Hôm ấy Becky được lão ban cho khá nhiều lời dạy dỗ.

Bà Briggs ngồi làm việc ở trong phòng nhìn ra, nghe lão nói xấu giới phụ nữ, bà thở dài. Hầu tước Steyne quay lại nhìn bà Briggs mắt long lên sòng sọc, bảo Becky:

- Nếu bà không tống cổ con chó chăn cừu kia đi thì tôi sẽ đánh thuốc độc cho nó chết toi mạng.

Rebecca cười tinh quái đáp:

- Em vẫn quen cho chó ăn trong đĩa của em đấy.

Bị bà Briggs cản trở cuộc trò chuyện tay đôi với cô vợ xinh đẹp của viên trung tá, lão hầu tước cáu lắm. Becky thấy thế lại có vẻ thú vị, nhưng rồi cô thấy thương hại lão, bèn mượn cớ trời đẹp, gọi là Briggs sai đem thằng con trai đi chơi.

Becky im lặng một lúc rồi buồn rầu nói:

- Em không đuổi được bà ấy đi đâu.

Đôi mắt rơm rớm lệ, cô ta quay nhìn đi chỗ khác. Lão hầu tước hỏi:

- Chắc bà nợ tiền công chưa trả?

Becky vẫn nhìn xuống đất đáp:

- Nào phải chỉ có thế. Bà ấy bị phá sản vì em đấy.

- Phá sản cơ à? Thế thì cứ tống cổ phăng mụ ấy đi chứ sao nữa?

Becky chua chát đáp:

- Đàn ông mới xử sự như vậy. Đàn bà chúng em không nỡ ác thế đâu. Năm ngoái chúng em hết sạch cả tiền, bà ta có đồng nào cho em vay cả. Không đời nào em đuổi bà ấy đi, trừ phi chúng em cùng bị phá sản, mà xem chừng chuyện này cũng chả còn xa xôi gì nữa, nếu không thì phải trả bà ấy hết nợ mới được.

- Bỏ mẹ thật! Thế nợ bao nhiêu?

Lão hầu tước văng tục một câu rồi hỏi. Becky biết lão lắm của, bèn khai ra một món tiền gần gấp đôi số nợ thực, lão lại càng cáu khoẻ; còn Rebecca thì cứ ngồi cúi gằm mặt xuống thút thít khóc có vẻ đau khổ lắm.

- Em biết làm thế nào được. Chỉ còn một cách ấy thôi. Em có dám cho nhà em biết đâu. Nếu biết chuyện này thì nhà em đến giết chết em mất. Ngoài ngài ra, em chẳng dám hở chuyện cho ai biết. Mà chính ngài bắt em phải nói đấy thôi, hầu tước Steyne ơi, làm thế nào bây giờ? Em khổ lắm, em khổ quá.

Hầu tước Steyne không đáp, lão yên lặng gõ gõ mấy ngón tay, rồi đưa móng tay lên miệng nhấm nhấm, nghĩ ngợi. Đoạn lão chụp mũ lên đầu, đẩy tung cánh cửa, bước ra ngoài. Rebecca cứ giữ nguyên dáng điệu rầu rĩ như thế cho tới lúc nghe rõ tiếng cửa khép mạnh lại và tiếng xe ngựa lăn bánh đi mới đứng dậy, trong ánh mắt loáng lên một tia sáng tinh quái, thoả mãn, rất kỳ lạ. Rồi bỗng nhiên cô ta phá lên cười hai ba bận, và ngồi vào cây dương cầm, lướt mấy ngón tay rất nhanh trên hàng phím; tiếng nhạc reo vui lạ lùng, khiến cho mấy người qua đường phải dừng lại dưới cửa sổ lắng nghe.

Đến tối hôm ấy, lâu đài Gaunt có gửi lại cho hai phong thư, một phong đựng tấm thiếp của hầu tước Steyne và phu nhân mời thứ sáu sau đến dự tiệc ở lâu đài Gaunt, một phong đựng một mẩu giấy màu xám có chữ ký của hầu tước Steyne gửi cho nhà ngân hàng Jones Brown và Robinson ở phố Lombard.

Đêm hôm ấy, Rawdon thấy tự nhiên Becky cười hai ba lần.

Cô ta bảo vì mình được đến giáp mặt với bọn phụ nữ quý tộc ở lâu đài Gaunt nên khoái trá mà cười. Thực ra Becky đang bận rộn với nhiều ý nghĩ khác. Bây giờ có nên trả nợ bà Briggs rồi cho ra không nhỉ? Becky trằn trọc mãi trên gối với những ý nghĩ đó. Sớm hôm sau, khi Rawdon đi tụ tập với bè bạn ở quán rượu thì cô vợ mặc bộ áo giản dị, che chàng mạng kín mặt, thuê xe ngựa đến khu City, vào ngân hàng Jones Brown và Robinson, đưa ra một tờ tín phiếu. Người nhân viên ngồi ở bàn giấy hỏi:

- Bà muốn lấy những loại tiền gì?

Becky ngọt ngào đáp:

- Ông cho một trăm năm mươi đồng tiền lẻ, chỗ còn lại, ông cho vào một tấm ngân phiếu.

Đoạn cô ta rẽ qua mé nghĩa địa nhà thờ St. Paul, vào hiệu mua một bộ áo lụa đen thật đẹp mang về cho bà Briggs. Lúc tặng món quà cho người đàn bà chất phác cô lại kèm theo một cái hôn và mấy lời thật âu yếm.

Rồi Becky đi bộ đến nhà bác Raggles thân mật hỏi thăm bọn trẻ và đưa cho bác năm mươi đồng, sau đó cô ta tìm đến ông chủ hiệu cho thuê xe ngựa, đưa trả một số tiền tương tự. Cô ta nói:

“Này ông Spavin, ông nên coi đó là một bài học nhé. Tôi mong rằng đến buổi tiến triều sắp tới, ông anh tôi là tôn ông Pitt sẽ không phải ngồi chật ních bốn người một xe để vào chầu đức Kim thượng vì cớ xe của tôi hỏng, nghe không?”

Hình như ngày tiến triều lần trước, hai bên có chuyện không ổn thoả thì phải, cho nên xuýt nữa trung tá phải muối mặt mà ngồi xe ngựa rong vào chầu vua.

Giải quyết xong mấy việc trên, Becky mới về nhà lên gác thăm lại cái hộp cô Amelia Sedley tặng mình từ lâu, trong đó cô ta giấu vô khối đồ vật có ích và quý giá. Cô ta cất kỹ tấm ngân phiếu vừa lĩnh được ở nhà băng Jones Brown và Robinson vào cái viện bảo tàng cá nhân ấy.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...