Hội Chợ Phù Hoa

Chương 31


Chương trước Chương tiếp

JOE SEDLEY TRÔNG NOM CÔ EM GÁI

Tất cả các sĩ quan cao cấp đều phải lo nhiệm vụ ở nơi khác nên trao quyền quản lý cái thuộc địa nhỏ bé ở Brussels lại cho Joe Sedley. Dưới quyền anh ta có Amelia đang ốm, có Isidor thằng hầu người Bỉ, và một chị hầu gái có nhiệm vụ làm đủ mọi việc trong nhà: đó là đội lính của Joe. Tuy đầu óc đang rối như bòng bong, lại bị Dobbin và những sự kiện xảy ra buổi sớm phá mất giấc ngủ, nhưng Joe vẫn nằm dài trên giường thêm mấy tiếng đồng hồ, trằn trọc trở mình mãi cho tới giờ thường lệ mới dậy. Mặt trời đã lên cao, những người bạn dũng cảm của chúng ta đã rời khỏi Brussels được đến mươi dặm, anh chàng “dân thường” này mới dạy ăn sáng, trên mình còn khoác tấm áo ngủ có in hoa.

Ông anh vợ cũng không bận tâm gì lắm về việc George ra đi. Có lẽ trong thâm tâm, Joe lại lấy thế làm thích; vì suốt thời gian viên đại úy còn ở nhà, anh ta chỉ được đóng một vai trò rất phụ trong gia đình. Osborne không nể nang gì, vẫn tỏ ra coi khinh anh chàng dân thường béo ị này.

Nhưng Emmy đối với anh trai vẫn tốt, vẫn săn sóc chu đáo; cô lo lắng mọi điều tiện nghi cho anh, lo dọn cho anh những món ăn theo sở thích, cùng đi bộ hoặc cưỡi ngựa dạo mát với anh (Amelia có rất nhiều dịp, quá nhiều nữa, để đi chơi với anh, vì George cứ biền biệt tận đâu đâu ấy); thấy anh trai giận dữ trước thái độ miệt thị của George, cô hết sức tươi cười cho anh vui lòng. Trước kia đã nhiều lần Amelia đã rụt rè ngỏ ý trách chồng để bênh vực ông anh, nhưng George gạt phắt ngay đi, nói:

- Tôi là một người chân thực nghĩ sao nói vậy, cũng như mọi người chân thực khác. Sao mình lại cứ muốn tôi phải lễ độ với một kẻ ngốc nghếch như ông anh trai của mình kia chứ?

Cho nên bây giờ George đi vắng thì Joe khoái lắm. Cứ nhìn cái mũ và đôi bao tay của em rể đặt trên mặt tủ bát và cứ nghĩ rằng chủ chúng không có nhà, cũng đủ cho Joe cảm thấy một niềm vui kín đáo dào dạt trong thâm tâm.

Anh ta nghĩ thầm: “Sáng hôm nay, mình không còn bị khó chịu vì cái điệu bộ công tử bột và cái thái độ hỗn xược của hắn nữa rồi”. Anh ta sai thằng hầu Isidor:

- Mang cái mũ của ông đại úy vào trong phòng khách kia cho tao. Có nhẽ ông ấy không cần đến cái đó nữa đâu.

Thằng hầu láu lỉnh nhìn chủ. Nó cũng không ưa gì George, vì vẫn bị anh ta đối xử với một thái độ hách dịch đặc biệt Anh-cát-lợi.

- Rồi vào thưa bà ra dùng bữa sáng, nghe.

Sedley ra lệnh có vẻ oai vệ lắm; anh ta ngượng, không muốn nói chuyện với thằng hầu về sự xích mích giữa George và mình. Thực ra đã có đến bao nhiêu lần George cự ông anh vợ ngay trước mặt người ở.

Nhưng than ôi! Bà đại úy không thể nào ra dùng bữa sáng, để cắt khoanh bánh mỳ phết bơ mà ông Joe rất thích. Chị hầu gái ra thưa rằng bà rất khó ở; từ lúc ông đại úy đi, trông bà tiều tụy lắm. Joe rót cho em gái một tách lớn nước trà bảo bưng vào, đó là cách anh ta tỏ sự thông cảm. Hơn thế nữa, anh ta còn sai mang bữa ăn sáng vào phòng em gái, và còn cố nghĩ xem đến bữa chiều nên sai làm món ăn gì Amelia ưa nhất.

Trước khi George lên đường, trong khi bác người hầu của Osborne sửa soạn hành lý, Isidor đứng nhìn, mặt cứ nặng ra. Bởi lẽ, trước hết, hắn ghét George như đào đất đổ đi; anh ta đối đãi với hắn cũng như với mọi người bề dưới một cách quá quắt (giới đầy tớ trong đất liền không quen bị đối xử hách dịch, khác với bọn tôi tớ nước ta, vốn quen chịu đựng); hai là hắn thấy rõ, nếu có chuyện hỗn độn xảy ra thì bao nhiêu đồ vật quý giá sẽ lọt khỏi tay hắn mà chạy vào túi người khác sạch; cho nên hắn tức. Về chuyện thất bại của quân đồng minh, thì hắn cũng như mọi người ở Brussels và ở khắp nước Bỉ, không ngờ vực mảy may.

Thiên hạ, ai cũng đinh ninh rằng Hoàng đế sẽ cắt rời đội quân Phổ ra khỏi đội quân Anh, rồi lần lượt tiêu diệt cả hai, và không đến ba ngày sau sẽ chiếm được Brussels; khi ấy mấy ông chủ sẽ hoặc tử trận, hoặc chạy trốn, hoặc bị cầm tù, còn bao nhiêu của cải, tất nhiên phải chui vào túi ngài Isidor một cách hợp pháp.

Vừa giúp đỡ trong công việc trang điểm buổi sáng rất phức tạp và vất vả như thường ngày, thằng hầu trung thành này vừa tính toán sẵn xem sẽ nên dùng chính những đồ vật nó đang trang sức lên mình chủ như thế nào. Hắn sẽ tặng cho người con gái hắn đang yêu những bình nước hoa bằng bạc và đồ trang điểm, hắn sẽ giữ lại bộ dao kéo và chiếc cặp có nạm hồng ngọc để dùng riêng. Mặc áo sơ- mi lụa mà gài thêm cái này thì phải biết là bảnh. Lại còn chiếc mũ có lăn vàng, tấm áo khoác có viền - chữa lại cho vừa khổ người hẳn cũng dễ thôi - chiếc can đầu bịt vàng, có chiếc nhẫn to tướng có đính hồng ngọc thì có thể mang đánh lại thành một đôi hoa tai rất đẹp; hắn tính rằng với bộ đồ ấy, hắn sẽ thành một chàng Adonis rõ lịch sự trai, chim cô Reine dễ như ăn kẹo. Vừa nhìn chằm chằm vào đôi cổ tay trùng trục của Sedley, hắn vừa nghĩ: bộ khuy tay áo mình ưa quá, lâu nay vẫn thèm. Còn đôi ủng của lão đại úy có cựa gót bằng đồng cất ở phòng bên, chu cha! Diện vào mà đi chơi ở Đại Lộ Xanh () thì tuyệt? Thế là trong khi chính bàn tay ngài Isidor còn đang bẹo mũi ông chủ để cạo nốt phần dưới bộ mặt, thì hắn đã tưởng tượng mình mặc cái áo có viền và lon vàng cùng cô Reine sóng đôi đi dạo mát ở Đại Lộ Xanh rồi; ngả mình trên ghế dựa, hắn sẽ ngắm những chiếc thuyền nhẹ nhàng trườn mình dưới bóng râm của hàng cây ven con sông đào, hoặc ngồi trong một quán rượu trên đường đi Leaken, hắn sẽ nhấm nháp một cốc rượu Faro cho đỡ khát. Song cũng may cho Joeseph Sedley, anh ta không biết những ý nghĩ gì đang diễn ra trong đầu thằng hầu của mình, cũng như bạn đọc không hề bao giờ biết thằng John hoặc con Mary () được bạn trả lương, nhưng nghĩ về bạn thế nào. Bọn đầy tớ nghĩ gì về chúng ta?... Giả sử ta biết rõ đám thân bằng cố hữu nghĩ về ta thế nào, có nhẽ chúng ta đến sẵn sàng vui vẻ từ giã cõi đời này mất; vì nếu không thì lúc nào tâm trí ta cũng hốt hoảng, hỏi còn chịu đựng làm sao? Thêm thằng hầu của Joe sắp sửa hạ giá nạn nhân của hắn rồi, chẳng khác gì ta thấy bày một người giúp việc của ông Paynter ở phố Leadenhall đặt lên mình một con ba-ba vô tư lự tấm biển đề: “Ngày mai có xúp ba-ba”.

Chị hầu phòng của Amelia thì không đến nỗi quá tệ như thế. Rất ít đầy tớ được gần gũi con người dịu dàng, dễ tính là bà Osborne, nếu chưa chứng tỏ được rằng mình là người hiền hành trung thực. Nói của đáng tội, chị bếp Pauline đã an ủi bà chủ nhiều hơn bất cứ người nào Amelia gặp trong buổi sáng tai hại này. Bởi vì, lúc chị ta thấy Amelia cứ ngồi lặng lẽ hàng giờ không động đậy bên cạnh khung cửa sổ mà lúc nãy những hàng lưỡi lê cuối cùng của đoàn quân đã diễu qua, thì chị hầu gái thực thà cầm lấy tay bà chủ nói:

- Kìa, thưa bà, người yêu của cháu chẳng cũng phải ra trận đó sao?()

Rồi chị ta nức nở khóc; Amelia ngã vào hai cánh tay của chị hầu, cũng khóc; chủ và tớ xót xa, an ủi lẫn nhau.

Suốt buổi sáng hôm ấy, nhiều lần, thằng Isidor chạy vào trong tỉnh, la cà đến cổng những khách sạn và những quán trọ xung quanh công viên, chỗ người Anh tập trung trú ngụ, để nghe ngóng tin tức. Hắn trà trộn vào đám quân hầu đầy tớ và những thông tin viên, lượm lặt được vô khối tin sốt dẻo về báo cáo lại với chủ. Hầu hết những người dân này trong thâm tâm đều có cảm tình với Hoàng đế, họ đều chắc mẩm chiến tranh sẽ chóng vánh kết thúc.

Bản bố cáo của Hoàng đế từ Avesnes được phân phát rộng rãi tại Brussels, nội dung như sau:

“Hỡi binh sĩ!

Hôm nay là ngày kỷ niệm trận Marengo và Friedland, hai trận đánh lớn đã hai lần quyết định vận mệnh của châu Âu. Thế mà sau trận Austerlitz cũng như sau trận Wagram, chúng ta đã tỏ ra quá rộng lượng. Chúng ta đã quá tin vào lời thề, lời hứa của những ông hoàng còn được chúng ta cho phép ngồi lại ngai vàng. Một lần nữa, chúng ta hãy tiến quân trên gặp họ. Chúng ta không là người như họ sao? Hỡi binh lính! Cũng bọn lính Phổ ngạo mạn ngày hôm nay, ở Jena, ba người đánh một, và ở Montmirail, sáu đánh một chống lại chúng ta. Ai từng bị bắt làm tù binh bên nước Anh hãy kể lại mình đã bị đối xử tàn tệ thế nào trên những tàu chiến của chúng. Quân rồ dại! Một phút thịnh vượng ngắn ngủi đã làm cho chúng mù quáng, nếu chúng tiến sang nước Pháp, thì đây sẽ là mồ chôn chúng!”

Nhưng người Bỉ đứng về phe quân Pháp lại còn đoán trước kẻ thù của Hoàng đế sẽ bị thất bại nhanh chóng hơn thế nữa. Ai nấy đều đồng tình rằng quân Phổ và quân Anh chỉ có thể trở về giữa đám hậu quân của Hoàng đế với tư cách là tù binh.

Những tin tức trên được báo cáo lại với Sedley ngay hôm đó. Anh ta được tin thêm hôm trước đội quân của quận công Wellington đã bị đè bẹp rồi; hiện giờ quận công đang cố gắng tập hợp tàn binh lại.

- Bị đè bẹp, xì? Quận công sẽ đánh bại Napoléon như đã đánh bại bất cứ tướng lĩnh địch quân nào trước kia.

Lúc ăn sáng Joe vẫn còn có vẻ can đảm lắm.

Thằng hầu thông tín viên đáp:

- Tài liệu của quận công bị đốt sạch, hành lý bị mất rồi; còn tổng hành dinh thì đã sửa sang lại để quận công Dalmatia dùng. Tin này con nghe chính mồm lão quản gia của quận công nói lại. Gia nhân ngài quận công Richemont cũng đang thu xếp đồ đạc; ngài quận công đã trơn biệt, còn quận chúa thì chờ gói ghém những đồ vật bằng bạc xong, cũng lên đường tìm đến Ostend với vua nước Pháp ().

Joe giả vờ không tin, đáp:

- Vua nước Pháp ở Ghent cơ, anh bạn ơi - Đêm qua, ông ta đã đến Bruges rồi, hôm nay sẽ rời khỏi Ostend. Quận công de Berri bị bắt làm tù binh. Ai muốn yên thân nên sớm trốn đi ngay; ngày mai chúng sẽ mở cửa đập nước, cả xứ này bị ngập thì có mọc cánh cũng không thoát.

Sedley vẫn cãi:

- Vô lý lắm. Ta có ba người chống một. Lực lượng như thế, Bonaparte làm gì được. Áo, và Nga cũng đang tiến quân. Hắn sẽ bị tiêu diệt; hắn phải bị tiêu diệt.

Joe vừa nói vừa đập mạnh tay xuống bàn.

- Ở Jena, quân Phổ dùng ba người đánh một, thế mà hắn bắt sống cả quân đội, cướp cả nước trong có một tuần lễ ở Montmirail ta cũng sáu người đánh một, mà chạy tan tác như đàn cừu. Quân Áo đang tiến về thật, nhưng lại có hoàng hậu và vua La-mã cầm đầu! Còn quân Nga? Chu cha! Quân Nga thì rồi cũng đến chạy như vịt. Chúng sẽ không để cho người Anh đầu hàng; cứ xem cách chúng đối xử với binh lính của ta trên những chiếc tàu chở tù binh khủng khiếp ấy thì đủ biết. Ngài hãy đọc mà xem, có phải rõ như ban ngày không? Đây là tờ bố cáo của hoàng đế và vua nước Pháp.

Thằng Isidor ra mặt đứng về phe Napoléon hắn rút tờ bố cáo trong túi ra, lạnh lùng giơ vào giữa mặt ông chủ, mắt đã lăm le ngó vào bộ áo khoác có viền và các thứ đồ vật quý giá mà hắn coi như đã nằm gọn trong tay rồi.

Nếu chưa đến nỗi hoảng sợ thực sự, thì ít nhất Joe cũng thấy không yên tâm chút nào.

- Đưa áo và mũ đây, rồi theo tao đi. Tao phải đích thân đi xem xét thực hư ra sao mới được.

Thấy Joe mặc chiếc áo khoác có viền, thằng Isidor tức lắm. Hắn nói:

- Có lẽ ngài không nên mặc áo nhà binh. Bọn Pháp đã thề không cho một tên lính người Anh nào sống sót.

- Im mồm đi?

Joe vẫn hoàn toàn cương quyết, xỏ tay vào ống tay áo; đang còn bận công việc anh hùng ấy, thì thấy bà Rawdon Crawley bước vào. Rebecca định đến thăm Amelia; cửa mở sẵn, cô ta không giật chuông.

Rebecca vẫn trang điểm thật lộng lẫy lịch sự như mọi khi. Sau lúc chồng ra đi, cô ta đánh một giấc ngon lành, đã lại sức. Giữa một thành phố và trong một ngày mà thiên hạ ai ai cũng có vẻ đăm chiêu, rầu rĩ, đôi má hồng hồng chúm chím của cô ta trông thật ngon mắt; thấy điệu bộ anh chàng to béo loay hoay, cuống quít mặc mãi không xong chiếc áo khoác có viền, Rebecca không nhịn được cười:

- Anh sửa soạn đi theo đoàn quân đấy à, anh Joseph? Thế không có ai ở lại Brussels bảo vệ đám đàn bà con gái đáng thương chúng em ư?

Cuối cùng Joe cũng mặc xong áo; anh ta đỏ mặt tía tai tiến ra, ấp úng chào người khách xinh đẹp:

- Sau những chuyện xảy ra sớm nay, cô có được vui vẻ không? Buổi dạ hội đêm qua hẳn em mỏi mệt?

Ngài Isidor biến ngay vào trong căn phòng của chủ kề bên, mang theo cả tấm áo ngủ có in hoa.

Rebecca giơ cả hai bàn tay nắm chặt lấy tay Joe, nói:

- Cảm ơn anh có lòng hỏi thăm. Thiên hạ ai cũng khiếp đảm, chỉ có anh là điềm nhiên như không, chị Emmy thân yêu của em ra sao? Phút chia tay chắc đau đớn nắm đấy nhỉ?

Joe đáp :

- Đau xót vô cùng.

Rebecca tiếp:

- Đàn ông các ngài cái gì cũng chịu đựng được. Chia ly, nguy hiểm, chả coi mùi gì. Anh thú thực đi, sắp ra trận, định bỏ mặc chúng em ở nhà phải không nào? Em biết, đúng thế, linh tính báo với em như vậy. Cứ nghĩ thế mà em sợ quá cơ, chả là thỉnh thoảng ngồi buồn một mình, em vẫn nhớ đến anh đấy, anh Joseph ạ? Cho nên em phải chạy ngay đến đây; em van anh đừng bỏ chúng em mà đi nhé.

Câu nói ấy có thể hiểu thế này: “Ông ơi, nếu quân ta thất bại, ta phải đi chỗ khác, thì ông có sẵn xe ngựa đấy, nhớ dành cho tôi một ghế.”

Chẳng rõ Joe có hiểu như vậy không. Nhưng anh ta vẫn hết sức bực mình vì suốt thời gian ở Brussels, không hề được Rebecca chú ý đến bao giờ. Chưa lần nào anh ta được giới thiệu với đám bạn bè sang trọng của Rawdon Crawley, cũng ít khi được mời đến dự những buổi tiếp khách tối của Rebecca. Bởi vì tính Joe rụt rè, không dám chơi những tiếng bạc to; vả lại George và Rawdon cũng không muốn anh ta có mặt; cả hai cùng không thích có người chứng kiến những trò giải trí riêng của họ. Joe nghĩ bụng: “À thì ra bây giờ cần mình, cô ta mới mò đến. Mãi đến lúc tứ cố vô thân, cô ta mới nhớ đến lão Joseph này!”. Nhưng bên cạnh những ý nghi ngờ, anh ta vẫn khoái vì được Rebecca khen mình can đảm.

Mặt mũi đỏ bừng, anh ta lấy ngay điệu bộ quan trọng nói:

- Tôi cũng muốn xem trận mạc ra sao một tý. Chắc cô hiểu, người có đôi chút can đảm ai cũng thế. Trước tôi cũng có xem đánh nhau chút ít ở Ấn Độ, nhưng chưa dự trận nào lớn như lần này.

Rebecca đáp:

- Đàn ông các ngài quen hy sinh mọi thứ cho thú vui chốc lát. Sớm nay, đại úy Crawley từ biệt em mà vui vẻ y như sắp đi săn vậy. Anh ấy cần gì đâu? Các anh, có ai thèm để ý đến một người đàn bà đáng thương trơ trọi đau khổ như thế nào? Em cũng chẳng biết anh chàng to lớn lười biếng tham ăn của em có ra trận thật hay không nữa! Ôi, anh Sedley thân mến ơi, em đến với anh để xin được an ủi đây. Em cầu kinh suốt buổi sáng nay. Nghĩ đến những người chồng của chúng ta, bè bạn chúng ta, binh lính và đồng minh của chúng ta, đang lao vào bao hiểm nguy ghê gớm mà em rùng mình. Vì thế em đến đây để xin che chở…thì lại thấy người bạn của em.. người bạn cuối cùng còn lại định lao mình mất vào trong cảnh tượng khủng khiếp.

Joe bắt đầu cảm thấy hoàn toàn dễ chịu, đáp:

- Thưa cô bạn thân yêu, xin cô đừng sợ. Tôi mới có ý định ra trận mà thôi... là người Anh, ai mà không thế? Nhưng còn nhiệm vụ giữ tôi ở lại; tôi không thể bỏ mặc người em gái đau khổ hiện nằm trong phòng bên được.

Anh ta chỉ về phía cửa phòng Amelia. Rebecca cầm khăn tay chấm chấm vào mắt, mùi nước hoa cô-lô-nhơ bay ra thơm sực:

- Thực là một người anh cao quý. Em đã hiểu lầm anh. Quả thực anh có một trái tim. Trước kia em cứ tưởng anh không có.

Joe làm một cử chỉ như muốn đặt bàn tay vào chỗ Rebecca vừa nói:

- Ô, đúng lắm cô! Cô hiểu tôi quá, quả thật như vậy...cô Rebecca thân mến ạ!

- Bây giờ em hiểu rõ anh thương yêu em gái thế nào rồi. Nhưng nhớ lại chuyện cũ hai năm qua... hồi ấy, đối với em, anh thật vô tình.

Rebecca vừa nói vừa chăm chú ngó anh chàng một lúc lâu, đoạn quay nhìn ra cửa sổ, Joe đỏ tía cả mặt. Trong người anh ta, cái bộ phận vừa bị Rebecca lên án là bị thiếu, bắt đầu đập thình thịch, thình thịch. Anh ta nhớ cái ngày bỏ Rebecca mà đi, nhớ lại sự say mê một hồi đã đốt cháy tâm can mình... nhớ lại cái buổi hai người cùng giong xe ngựa đi chơi; hồi ấy cô ta đan chiếc túi lụa xanh tặng anh, còn Joe thì cứ ngồi ngây người ra mà ngắm đôi cánh tay trắng muốt và cặp mắt long lanh của người đẹp.

Rebecca rời khung cửa sổ, lại nhìn anh chàng một lần nữa, và giọng nói hơi run run, thủ thỉ bảo anh chàng thế này:

- Chắc anh cho em là kẻ vô ơn, phải không? Lần gặp lại nhau vừa qua, thấy anh lạnh lùng, cứ tránh không nhìn em, em cũng hiểu. Đó chẳng phải là những cớ khiến em phải lánh mặt anh sao? Anh hãy hỏi lòng mình thì đủ rõ. Anh có biết rằng vì nhà em yêu em quá, nên không muốn tiếp anh không? Xưa nay, nhà em chỉ nói nặng với em có một lần, phải công nhận như vậy, thì lần ấy chính là về chuyện anh đấy...mà câu nói mới thật là tàn tệ...tàn tệ quá.

Joe vừa sung sướng, vừa bối rối, hỏi lại:

- Trời đất ơi. Tôi có điều gì không phải nhỉ? Tôi phạm lỗi gì với…với…?

Rebecca đáp:

- Vì ghen chứ còn vì sao nữa? Nhà em cứ dằn vặt em mãi vì chuyện anh đấy. Song, dù rằng xưa kia hai ta đối với nhau thế nào...bây giờ em cũng chỉ một lòng một dạ yêu chồng. Em hoàn toàn vô tội. Có đúng thế không, anh Sedley?

Nhìn người đàn bà chết mê chết mệt vì mình, mạch máu trong người Joe chạy rần rật vì sung sướng. Chỉ cần vài câu nói khéo léo, một cái liếc tình thế là anh ta quên sạch mọi điều nghi ngờ. Kể từ thuở hoàng đế Solomon đến nay, biết bao người đàn ông khôn ngoan hơn anh ta nhiều chẳng phải đã bị đàn bà mơn trớn mà lừa dối đó sao? Becky nghĩ thầm: “Nếu có chuyện bất hạnh xảy ra, mình yên trí sẽ có chỗ ngồi trong xe ngựa để đi nơi khác rồi”.

Có lẽ những tình cảm say sưa nồng nhiệt kia có thể đã khiến Joe bày tỏ mối tình nồng nàn của mình với Rebecca, ai mà biết được, nếu đúng lúc ấy, thằng hầu Isidor không ló mặt ra bắt đầu lăng xăng thu dọn, Joe vừa định thốt lời tỏ tình thì nghẹn lại vì xúc động, đành thôi. Rebecca cũng thấy lúc này nên vào hỏi thăm cô bạn quý Amelia đi là vừa. Cô ta vừa nói: “Xin tạm biệt”() vừa giơ tay hôn gởi một cái cho Joseph, rồi se sẽ gõ cửa phòng Amelia. Rebecca vào trong, cửa khép lại rồi, anh chàng ngồi phịch xuống ghế mây ngơ ngẩn nhìn và thở dài sườn sượt.

- Chiếc áo này ngài mặc chật quá.

Isidor nói vậy, mắt vẫn dán vào tấm áo có khuy hoa.

Nhưng chủ hắn không nghe thấy gì; anh ta còn bận nghĩ đến chuyện khác. Hình ảnh cô Rebecca đầy quyến rũ kia đã làm cho anh chàng như ngây như dại, nhưng cứ nghĩ đến Rawdon Crawley có tính cả ghen với bộ ria cong vểnh như ria cá trê, lại đèo thêm cả một đôi súng lục đáng sợ nạp đạn sẵn sàng, thì Joe lại rụt cổ lại.

Thấy Rebecca bước vào, Amelia sợ hãi lùi lại. Nhìn bạn, Amelia nhớ lại cuộc đời, nhớ lại câu chuyện hôm trước.

Sáng nay, bị bao nỗi sợ hãi choán lấy tâm trí, thành ra cô cũng không có thì giờ nghĩ tới chuyện ghen tuông với Rebecca ; cô không nhớ tới chuyện gì hết, chỉ lo cho chồng ra trận sẽ gặp bao sự hiểm nghèo. Cho mãi tới lúc con người trâng tráo này bước vào cắt đứt dòng suy nghĩ của cô chúng ta cũng mới dám cùng bước vào căn phòng âm thầm này. Không rõ người đàn bà đáng thương ấy đã quỳ bao lâu trên mặt đất, đã âm thầm cầu nguyện, đã ủ rũ cay đắng trong lòng suốt bao nhiêu tiếng đồng hồ rồi! Các nhà văn chuyên viết những thiên truyện huy hoàng miêu tả chiến tranh và sự chiến thắng mấy khi hé mở cho ta biết những sự thực này. Trong một cuộc thắng trận những chuyện ấy tầm thường quá. Giữa tiếng hò hét ồn ào vui vẻ của bản nhạc hợp tấu của chiến thắng, tiếng than khóc của những người vợ góa và tiếng nức nở của những người mẹ hiền chìm đi, không nghe thấy nữa.

Mới đầu cử chỉ của Amelia lộ vẻ hoảng hốt... nhưng khi thấy đôi mắt xanh biếc của Rebecca chiếu thẳng về phía mình, khi cô này tiến lại, sột soạt trong bộ áo lụa mới tinh cùng những đồ trang sức lóng lánh, giơ hai tay như muốn ôm hôn...thì đột nhiên Amelia thấy giận dữ làm sao; sắc mặt cô lúc trước tái nhợt bỗng đỏ rực lên; Amelia trân trân nhìn lại kẻ tình địch một lúc lâu, làm cho chính Rebecca cũng phải ngạc nhiên và hơi bối rối.

Rebecca giơ tay định nắm tay bạn, nói:

- Chị làm sao thế, khó ở lắm phải không? Chưa biết bệnh trạng của chị ra sao, em cũng không thể nào yên tâm được.

Amelia rụt tay lại... Từ bé, chưa hề bao giờ con người thùy mị dịu dàng ấy từ chối không nhận một cử chỉ thân mật âu yếm của người khác. Nhưng lần này cô rụt tay lại, khắp người run lên bần bật.

- Rebecca, cô đến đây làm gì?

Amelia hỏi, đôi mắt to vẫn nghiêm trang nhìn trừng trừng vào mặt Rebecca, làm cho cô này cũng phải bối rối.

Rebecca nghĩ thầm: “Chắc nó nhìn thấy chồng đưa mảnh giấy cho mình trong buổi dạ hội rồi”; mắt vẫn nhìn xuống đất, cô ta đáp:

- Chị Amelia thân mến ơi, đừng lo ngại. Em đến xem có thể... xem chị có mạnh khỏe không thôi mà.

Amelia :

- Cô có mạnh khỏe không? Cô thì phải khỏe mạnh lắm, vì cô có yêu chồng cô đâu. Nếu yêu chồng, cô đã chẳng đến đây làm gì. Rebecca, cô nói đi, có phải xưa nay bao giờ tôi cũng đối tốt với cô không?

Cô kia vẫn cúi mặt xuống, đáp:

- Đúng thế, chị Amelia ạ.

- Hồi cô còn nghèo khổ, ai là người đánh bạn với cô? Tôi có đối đãi với cô như chị em ruột không? Cô cũng biết, trước khi lấy anh ấy, chúng tôi sung sướng thế nào. Hồi đó tôi là tất cả của anh ấy, nếu không, sao anh ấy lại hy sinh tất cả tiền tài, bỏ cả gia đình như anh ấy đã hành động một cách cao thượng để đem hạnh phúc lại cho tôi? Sao cô lại phá hoại tình yêu của tôi? Ai xui cô đến đây chia uyên rẽ thúy, mà cướp tình yêu của chồng tôi đi? Cô tưởng cô yêu được anh ấy như tôi à? Tình yêu của anh ấy đối với tôi là tất cả cuộc đời. Cô biết thế nhưng lại muốn ăn cướp của tôi. Nhục lắm, Rebecca ạ; cô là một người đàn bà hèn hạ, tồi tệ, một người bạn dối trá, một người vợ phản bội.

Rebecca quay lại nhìn bạn nói:

- Chị Amelia ơi, em xin thề trước Chúa trời, em không hề có lỗi gì với nhà em.

- Rebecca, có thật cô chưa làm tệ làm hại gì tôi không?Cô đã làm rồi, nhưng không ăn thua gì đấy thôi. Hãy cứ tự vấn lương tâm xem.

Rebecca nghĩ thầm: “Thì ra nó chưa biết gì”.

- Anh ấy sẽ trở về với tôi, tôi biết. Tôi biết rằng không có sự lừa dối, bợ đỡ nào có thể giữ anh ấy xa tôi lâu. Tôi cầu nguyện mong anh ấy sẽ trở lại.

Người đàn bà đáng thương nói những lời trên một cách trôi chảy, hăng hái khác thường, Rebecca chưa thấy thế bao giờ; cô ta cứ đứng im thin thít. Amelia lại tiếp, giọng đau khổ:

- Nhưng nào tôi đã làm gì cô mà cô định tâm cướp anh ấy đi? Tôi mới chung sống cùng anh ấy được có sáu tuần lễ. Rebecca, cô tha cho tôi điều ấy mới phải. Thế mà ngay những ngày đầu tiên trong tuần trăng mật của chúng tôi, cô đã đến quyến rũ anh ấy rồi. Bây giờ anh ấy đã đi mất, cô đến đây xem tôi đau đớn ra sao phải không? Suốt nửa tháng vừa qua, cô làm tôi đau khổ quá đủ rồi; hôm nay, cô nên tha cho tôi mới phải.

Rebecca vụng về đáp:

- Em... em có đến đây bao giờ đâu?

- Không, cô không đến đây; cô cướp anh ấy mang đi. Cô định đến cướp anh ấy phải không? - Amelia nói tiếp, càng nói càng giận dữ - Trước kia, anh ấy vẫn ở đây, bây giờ đi rồi. Đây, anh ấy vẫn ngồi trên chiếc ghế xô-fa này. Đừng mó vào đấy. Chúng tôi ngồi đây trò chuyện với nhau, tôi ngồi trên lòng anh ấy; hai cánh tay tôi ôm lấy cổ anh ấy; chúng tôi cùng nói: “Thượng đế của chúng ta”. Phải trước kia, anh ấy vẫn ngồi đây; thế mà họ đến mang anh ấy đi mất rồi; nhưng anh ấy đã hứa thế nào cũng trở về.

Rebecca cũng phải động tâm, nói:

- Chị thân mến ơi, thế nào anh ấy cũng trở về.

Amelia lại nói:

- Cô nhìn xem, đây là chiếc thắt lưng của anh ấy…xem màu có đẹp không nào?

Và cô nâng dải lụa lên môi hôn. Nhiều lúc cô đã lấy dải lụa ấy quấn quanh người. Hình như Amelia đã quên cả giận dữ, ghen tuông, quên cả sự có mặt của kẻ tình địch. Cô lặng lẽ đi về phía giường, như hơi mỉm cười, bắt đầu vuốt ve chiếc gối của George.

Rebecca cũng lặng lẽ bước ra ngoài, Joe vẫn ngồi nguyên trên ghế như lúc nãy, hỏi:

- Amelia thế nào?

Rebecca đáp:

- Chị ấy cần có người săn sóc bên cạnh; xem có vẻ yếu lắm. Rồi cô ta bỏ về, vẻ mặt trầm ngâm. Sedley khẩn khoản nài ở lại chơi dùng bữa trưa, nhưng cô ta từ chối.

Thực tâm Rebecca cũng là người tốt, hay giúp người; cô vẫn quý Amelia hơn mọi người khác. Đối với cô ta, những lời trách móc tàn nhẫn của bạn cũng là những lời tán tụng…đó tức là tiếng rên rỉ của kẻ bại trận. Ra đến công viên, Rebecca gặp ngay bà O’Dowd; những bài giảng đạo của ông chú chánh xứ chắc không an ủi được bà thì phải, nên bà mới đi chơi cho khuây khỏa nỗi lòng. Thấy Rebecca lại gần bắt chuyện, bà này hơi ngạc nhiên, vì xưa nay không mấy khi được bà Rawdon Crawley ban cho cái hân hạnh ấy, Rebecca báo tin cho bà ta rõ rằng Amelia đang mệt nặng, gần như mất trí vì đau khổ, và giục người đàn bà Ai len tốt bụng này lại thăm nếu bà ta có thể an ủi được cô bạn thân yêu của mình. Bà O’Dowd trịnh trọng đáp:

- Bản thân tôi cũng nhiều điều phiền não lắm rồi. Có lẽ hôm nay bà Osborne cũng chưa cần có bạn bên cạnh đâu. Nhưng nếu quả thật bà ấy yếu quá như lời bà vừa nói, xưa nay hai người vẫn chơi thân mà bà cũng không an ủi được, thì tôi cũng đến một tý, xem có giúp được việc gì chăng. Thôi, chào bà nhé.

Nói đoạn người đàn bà đeo đồng hồ báo thức khẽ gật chào Rebecca, bà ta không muốn cùng đi chơi với cô này.

Rebecca nhìn bà O’Dowd bước đi, miệng hơi mỉm cười.

Tính cô ta vẫn ưa hài hước. Thấy bà O’Dowd lúc bỏ đi còn ngoái cổ lại nhìn mình, vẻ đăm chiêu trên nét mặt cô ta khi nãy biến hẳn. Bà Peggy nghĩ thầm: “Bà nỡm ơi, xin kính bà; bà vui vẻ thế, tôi cũng lạ cho bà. Chắc bà chẳng đến nỗi khóc sưng mắt lên đâu. Đoạn bà nhanh nhẹn đi về phía nhà trọ của Amelia.

Người đàn bà đáng thương vẫn đứng cạnh giường suốt từ lúc Rebecca bỏ đi, khổ sở như muốn phát điên. Bà thiếu tá vốn là người cứng cỏi, hết sức tìm cách an ủi người bạn trẻ tuổi của mình. Bà ta ngọt ngào nói: “Amelia thân yêu ơi, phải biết chịu đựng chứ. Không nên để ông ấy khi thắng trận trở về thấy bà ốm yếu. Ngày hôm nay, nào phải có một mình bà ở trong cảnh éo le như thế đâu?”

- Em biết lắm. Nhưng em tồi quá, em yếu đuối quá.

Amelia đáp. Cô hiểu rõ sự yếu đuối của chính mình.

Sự có mặt của người đàn bà cứng cỏi hơn khiến cô tự chủ được thêm; có bà O’Dowd bên cạnh, cô cũng cảm thấy dễ chịu. Hai người nói chuyện với nhau mãi đến hai giờ chiều. Cả hai cùng để tâm hồn bay theo đoàn quân cứ tiến mãi, mỗi lúc một thêm xa. Bao nỗi lo âu khắc khoải ghê gớm...bao lời cầu nguyện...bao sự sợ hãi, sầu khổ không tả xiết...cũng gửi theo đoàn quân. Ấy là sự đóng góp của phụ nữ vào cuộc chiến tranh. Chiến tranh đòi đàn ông góp máu, và đàn bà thì phải góp nước mắt.

Đến hai giờ rưỡi, một sự kiện rất quan trọng xảy ra cho Joseph: giờ ăn trưa đã điểm. Các chiến sĩ có thể cứ chiến đấu, cứ tử trận, nhưng Joe phải ăn cái đã. Anh ta vào phòng Amelia định dỗ em gái ra cùng ăn với mình:

- Ăn một tý xem, xúp ngon lắm, Emmy ạ.

Và anh ta hôn tay em gái. Đã hàng bao năm nay, trừ buổi hôn lễ của Amelia, anh ta chưa hề hôn tay em bao giờ. Amelia đáp:

- Anh Joseph, anh tốt quá, anh thương em quá. Ai cũng quý em, nhưng hôm nay, em không muốn ra khỏi phòng, anh ạ.

Riêng cặp lỗ mũi của bà O’Dowd lại có cảm tình với mùi thơm ngào ngạt của món xúp; bà thấy có thể nán lại chơi với Joe được. Thế là bà ngồi vào bàn ăn. Bà thiếu tá trịnh trọng nói:

- Cầu Chúa ban phước lành cho bữa ăn của chúng ta.

Bà đang nghĩ tới ông Mick thực thà của bà đang cưỡi ngựa dẫn đầu đoàn quân ra chiến trường. Bà thở dài, tiếp: “Những người anh em đáng thương của chúng ta hôm nay chắc ăn uống chẳng ra sao nhỉ?” Y như một triết gia, bà bắt đầu bữa ăn.

Càng ăn, Joe càng thấy tinh thần phấn khởi. Anh ta muốn uống để chúc mừng trung đoàn; hoặc giả anh ta muốn kiếm cớ uống thêm một cốc sâm-banh nữa. Joe ngả đầu rất lịch sự trước bà khách, nói: “Chúng ta uống mừng ngài O’Dowd cùng các bạn chiến sĩ anh hùng trong trung đoàn thứ...phải không, thưa bà O’Dowd? Isidor, rót đầy cốc của bà đi”.

Nhưng đột nhiên, Isidor giật bắn mình; bà thiếu tá cũng vội đặt dao dĩa xuống bàn. Cửa sổ phòng mở rộng, trông về phía Nam. Từ phía này, những tiếng ầm ầm xa xa vang qua những mái nhà rực rỡ ánh nắng vọng về, Joe hỏi:

- Cái gì đấy? Con khỉ, sao không rót rượu?

Isidor chạy ra bao lơn đáp:

- Súng đấy!

- Lạy Chúa tôi! Súng đại bác đấy!

Bà O’Dowd đứng phắt dậy kêu lên và chạy ra cửa sổ. Từ trong những căn nhà khác, hàng nghìn người mặt tái đi lo lắng ló cổ ra ngoài. Lúc này hình như dân chúng khắp thành phố đổ xô hết ra đường.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...