Hỏa Thần

Chương 24


Chương trước Chương tiếp

TROYES, PHÁP

Sumayriyya? Mày muốn biết về Sumayriyya? Đó là Thiên Đường trên trần thế. Là Vườn Địa Đàng. Với những vườn cây ăn quả và những khu rừng ôliu, dưa và chuối, dưa chuột và lúa mì. Sumayriyya rất giản dị và thanh khiết. Cuộc sống của chúng tao vận động theo nhịp điệu của công việc gieo trồng và thu hoạch. Theo hai mùa mưa nắng. Làng chúng tao có tám trăm người. Chúng tao có một nhà thờ Hồi giáo. Chúng tao có một ngôi trường. Chúng tao nghèo, nhưng Allah ban cho chúng tao tất cả mọi thứ mà chúng tao cần”.

Nghe cô ả kìa, Gabriel nghĩ thầm trong khi vẫn chăm chú lái xe. Chúng tao... Của chúng tao... Cô ả ra đời hai mươi năm sau khi làng Sumayriyya biến mất trên bản đồ, nhưng ả nói về ngôi làng đó như thể ả đã sống ở đó cả đời.

“Ông nội tao là một người quan trọng. Không, không phải một muktar, nhưng là một người có ảnh hưởng trong số các bậc 'trưởng lão' trong làng. Ông có gần 60.000 m2 đất và một đàn dê lớn, ông tao được coi là một người giàu có”. Một nụ cười châm biếm xuất hiện trên môi Palestina. “'Giàu' ở Sumayriyya nghĩa là ít nghèo hơn những người khác một chút”.

Ánh mắt ả tối sầm lại. Ả nhìn xuống khẩu súng, rồi lại nhìn một nông trại Pháp vừa vụt qua ngoài cửa sổ.

“Năm 1947 đánh dấu sự kết liễu ngôi làng của tao. Vào tháng 11, Liên Hiệp Quốc biểu quyết chia đôi đất đai của chúng tao và trao một nửa cho người Do Thái. Sumayriyya, cũng như phần còn lại của miền Tây Galilee, được quyết định sẽ trở thành một phần lãnh thổ thuộc về nhà nước Arập của Palestine. Nhưng, tất nhiên, điều đó đã không trở thành hiện thực. Chiến tranh nổ ra ngay sau ngày Liên Hiệp Quốc biểu quyết, và với người Do Thái, toàn bộ đất Palestine giờ đây là mục tiêu để họ tranh đoạt”.

Gabriel muốn nói: Chính người Arập đã mở đầu cuộc chiến - Sheikh Asad al-Khalifa, “sứ quân” của Beit Sayeed, là kẻ đã mở đầu cơn mưa máu với những cuộc tấn công khủng bố của y nhắm vào những chiếc xe buýt trên tuyến đường Netanya-Jerusalem. Nhưng lúc này không phải là thời điểm thích hợp cho một cuộc tranh luận về những cứ liệu lịch sử. Câu chuyện về Sumayriyya đã cuốn hút ả, và Gabriel không muốn phá hỏng điều đó.

Đột nhiên ả hướng ánh nhìn vào anh. “Mày đang suy nghĩ điều gì vậy?”

“Tôi đang lắng nghe câu chuyện của cô”.

“Với một nửa bộ não thôi”, ả nói. “Nửa còn lại mày đang suy tính điều gì đó. Có phải mày đang nghĩ đến chuyện đoạt súng của tao? Có phải mày đang lập kế hoạch đào thoát?”

“Chẳng có lối thoát nào cả, Palestina ạ - cho cả hai chúng ta. Cứ kể tiếp câu chuyện của cô đi”.

Ả nhìn ra cửa sổ. “Đêm 13 tháng 5 năm 1948, một đoàn xe quân sự bọc thép của lực lượng Haganah triển khai đội hình trên con đường chạy dọc bờ biển từ Acre. Mật danh là Chiến dịch Ben-Ami, một phần trong đại chiến dịch Tochnit Dalet”. Ả nhìn anh. “Mày biết cái tên này chứ? Tochnit Dalet? Kế hoạch D?”

Gabriel gật đầu và nghĩ đến Dina, nhớ lại cảnh nàng đứng giữa đống đổ nát của Beit Sayeed. Đã bao lâu rồi nhỉ? Mới chỉ một tháng trước, thế mà anh tưởng chừng như cả một đời người đã trôi qua.

“Mục tiêu công khai của Chiến dịch Ben-Ami là tiếp tế cho nhiều khu định cư Do Thái bị cô lập ở miền Tây Galilee. Tuy nhiên, mục tiêu thật của nó là chinh phạt và thôn tính. Trên thực tế, những người chỉ huy chiến dịch đã được lệnh tập trung biến thành bình địa ba ngôi làng Arập: Bassa, Zib, và Sumayriyya”.

Ả dừng lời, quan sát xem nhận xét của mình có kích hoạt phản ứng nào từ Gabriel hay không, và tiếp tục câu chuyện. “Sumayriyya là ngôi làng đầu tiên bị bức tử. Đoàn xe của Haganah bao vây nó trước bình minh và chiếu đèn pha vào làng. Một số binh lính Haganah đội khăn kaffiyeh kẻ ô vuông đỏ. Một người canh gác trong làng trông thấy những chiếc khăn kaffiyeh và tưởng binh lính Do Thái là lực lượng tiếp viện người Arập. Anh ta bắn chỉ thiên để bày tỏ sự vui mừng và lập tức bị đốn gục bởi đạn của Haganah. Tin người Do Thái ngụy trang là người Arập khiến cả ngôi làng chìm trong hoảng loạn. Những chiến binh bảo vệ làng Sumayriyya đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng họ không thể địch nổi quân Haganah được vũ trang tốt hơn. Chỉ trong vài phút, cuộc di tản bắt đầu”.

“Người Do Thái muốn chúng tao ra đi”, ả nói. “Họ cố tình bỏ ngỏ phía đông ngôi làng để mở đường rút cho chúng tao. Chúng tao không có thời gian để gói ghém quần áo hay thậm chí là thức ăn. Chúng tao chỉ biết bỏ chạy. Nhưng người Do Thái vẫn chưa hài lòng, họ bắn vào chúng tao khi chúng tao chạy qua những cánh đồng mà cha anh chúng tao đã trồng cấy qua nhiều thế kỷ. Năm dân làng chết trên những cánh đồng đó. Các công binh của Haganah lập tức tràn vào. Trên đường chạy trốn, chúng tao nghe thấy những tiếng nổ. Người Do Thái đã biến Thiên Đường của chúng tao thành một đống hoang tàn không thể nào cư trú được nữa”.

Dân làng Sumayriyya chạy theo con đường hướng bắc, dẫn sang Libăng. Chẳng bao lâu sau họ nhập bọn với cư dân hai làng Bassa và Zib và nhiều làng nhỏ khác ở phía đông. “Người Do Thái bảo chúng tao sang Libăng”, ả nói. “Họ bảo chúng tao đợi ở đó trong vài tuần cho tới khi giao tranh chấm dứt, và sau đó chúng tao sẽ được phép trở về. Trở về ư? Chúng tao sẽ trở về đâu? Nhà cửa của chúng tao đã bị xóa sổ. Vì vậy chúng tao cứ đi tiếp, qua biên giới, đi vào đời sống lưu vong, vào lãng quên. Và sau lưng chúng tao những cánh cổng của Palestine đã đóng kín mãi mãi, vĩnh viễn không cho phép chúng tao trở về”.

Reims: 5 giờ chiều.

“Ép vào lề”, Palestina ra lệnh.

Gabriel rẽ chiếc Mercedes vào đường phụ và dừng lại. Họ chờ đợi trong im lặng, chiếc xe rung rung như đang rùng mình trước dòng xe cộ nhộn nhịp chạy qua. Cuối cùng chuông điện thoại cũng reo. Ả lắng nghe, lâu hơn những lần trước. Gabriel ngờ rằng ả đang được dặn dò những mệnh lệnh cuối cùng. Vẫn không nói một lời nào, ả tắt máy, rồi bỏ chiếc điện thoại vào túi xách.

“Chúng ta đi đâu?”

“Paris”, ả nói. “Đúng như mày dự đoán”.

“Hắn muốn tôi đi đường nào?”

“Đường A4. Mày biết đường đó không?”

“Tôi biết”.

“Nó sẽ dẫn mày tới…”.

“Vùng đông nam của Paris. Tôi biết nó dẫn tới đâu, Palestina”.

Gabriel cho chiếc xe tăng tốc và trở ra xa lộ. Đồng hồ trong xe chỉ 5 giờ 05 phút. Một tấm biển vụt qua: Paris - 145. Còn một trăm bốn mươi lăm cây số nữa là tới Paris. Chín mươi mốt dặm.

“Kể nốt câu chuyện của cô đi, Palestina”.

“Chúng ta đến đâu rồi?”

“Libăng”, Gabriel nhắc. “Lãng quên”.

“Chúng tao cắm trại trên các ngọn đồi. Chúng tao lùng sục khắp nơi để tìm thức ăn. Chúng tao sống nhờ vào lòng từ thiện của những người anh em Arập và chờ đợi những cánh cổng của Palestine mở ra đón chúng tao về, chờ đợi người Do Thái thực hiện lời hứa mà họ đã nói với chúng tao trong buổi sáng khi chúng tao phải chạy khỏi Sumayriyya. Nhưng đến tháng 6, Ben-Gurion nói những người tị nạn không thể trở về nhà. Chúng tao là những tên gián điệp và chúng tao không được phép trở về, đó là lời của lão ta. Chúng tao là cái gai trong mắt nhà nước Do Thái mới được thành lập. Lúc đó, chúng tao biết mình sẽ không bao giờ còn được thấy Sumayriyya nữa. Thiên Đường đã mất”.

Gabriel nhìn đồng hồ. 5 giờ 10 phút. Còn tám mươi dặm nữa là đến Paris.

“Chúng tao đi bộ về phía bắc, đến Sidon. Chúng tao sống qua mùa hè dài, nóng bức trong những túp lều. Rồi tiết trời trở lạnh và mùa mưa đến, và chúng tao vẫn sống trong những túp lều tồi tàn ấy. Chúng tao gọi mái nhà mới của mình là Ein al-Hilweh. Suối Ngọt. Người gặp nhiều khó khăn nhất là ông nội tao. Ở Sumayriyya, ông là một nhân vật quan trọng, ông chăm sóc những cánh đồng và đàn gia súc, nuôi sống gia đình. Giờ đây gia đình ông phải sống bằng của bố thí. Ông có văn khế chứng minh quyền sở hữu tài sản, nhưng không còn đất đai. Ông có những chiếc chìa khóa nhưng không còn nhà để mở. Ông mắc bệnh trong mùa đông đầu tiên và qua đời. Ông không còn muốn sống - không phải ở Libăng. Ông nội tao chết khi Sumayriyya chết”.

5 giờ 25 phút. Paris: 62 dặm.

“Lúc đó cha tao chỉ là một cậu bé, nhưng đã phải gánh vác trách nhiệm nuôi mẹ và hai người em gái. Ông không thể làm việc - người Libăng không cho phép. Ông không được đến trường - người Libăng cũng không cho phép việc đó. Không có an sinh xã hội ở Libăng, không có bảo hiểm y tế ở Libăng. Và cũng không có lối thoát, vì chúng tao không có hộ chiếu hợp lệ. Chúng tao không có quyền công dân. Chúng tao không phải là con người. Chúng tao chẳng là cái gì cả”.

5 giờ 38 phút. Paris: 35 dặm.

“Khi cha tao kết hôn với một cô gái cũng đến từ làng Sumayriyya, những người dân làng còn sót lại đều tề tựu về Ein al-Hilweh để dự lễ cưới. Giống hệt như khi còn ở nhà, chỉ có khung cảnh xung quanh là khác. Thay vì Thiên Đường, đó là những túp lều và những căn chòi trong trại tị nạn. Mẹ tao sinh cho cha tao hai người con trai. Đêm nào ông cũng kể cho họ nghe về Sumayriyya, để họ không bao giờ quên quê hương gốc gác của mình. Ông kể cho họ nghe câu chuyện về al-Nakba - Tai Ương, và gieo vào lòng họ giấc mơ về al-Awda - Cuộc Hồi Hương. Hai anh tao lớn lên đều trở thành những chiến binh Palestine. Thật ra họ cũng không có sự lựa chọn nào khác. Ngay khi họ đủ lớn để cầm nổi khẩu súng, Fatah đã bắt đầu huấn luyện họ”.

“Còn cô?”

“Tao là con út. Tao ra đời năm 1975, đúng lúc Libăng rơi vào cuộc nội chiến”.

5 giờ 45 phút. Paris: 25 dặm.

“Chúng tao không bao giờ nghĩ rằng họ sẽ lại đến tìm chúng tao. Phải, chúng tao đã mất nhiều thứ - nhà cửa, làng mạc, đất đai - nhưng ít ra chúng tao được an toàn ở Ein al-Hilweh. Người Do Thái sẽ chẳng bao giờ đến Libăng. Phải thế không?”

5 giờ 52 phút. Paris: 19 dặm.

“Chiến dịch Hòa Bình Galilee - đó là cái tên họ đặt cho nó. Lạy Allah, ngay cả Orwell cũng không nghĩ ra được cái tên nào hay hơn. Ngày 4 tháng 6 năm 1982, Israel xâm lược Libăng để kết liễu vĩnh viễn lực lượng PLO. Đối với chúng tao, mọi chuyện diễn ra sao mà quen thuộc. Một đoàn xe bọc thép Israel tiến thẳng về phía bắc theo con đường dọc bờ biển, chỉ có điều giờ đây con đường dọc bờ biển này nằm ở Libăng thay vì Palestine, và binh lính Israel giờ đây là thành viên lực lượng IDF thay vì Haganah. Chúng tao biết mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ. Ein al-Hilweh nổi tiếng là cứ địa của chúng tao, thủ phủ của người Palestine lưu vong. Vào ngày 8 tháng 6, trận chiến bảo vệ trại tị nạn bắt đầu. Israel cho lính dù nhảy xuống. Những chiến binh của chúng tao chiến đấu với lòng quả cảm của những con sư tử - trên từng dãy phố, trong từng ngôi nhà, từng nhà thờ và bệnh viện. Bất cứ chiến binh nào muốn đầu hàng đều bị bắn. Một lời thề được truyền đi: trận chiến để bảo vệ Ein al-Hilweh sẽ kéo dài cho tới khi người cuối cùng ngã xuống.

“Người Israel thay đổi chiến thuật. Họ sử dụng không quân và pháo binh để dội bom và pháo kích vào trại tị nạn, từng cụm một, hết khu này đến khu khác. Sau đó các phi công của họ mới nhảy dù xuống và tàn sát các chiến binh của chúng tao. Cứ sau vài giờ, người Israel lại tạm dừng cuộc tấn công để chiêu dụ chúng tao đầu hàng. Lần nào họ cũng nhận được cùng một câu trả lời: không bao giờ. Trận chiến cứ kéo dài như vậy trong suốt một tuần lễ. Tao mất một người anh ngay trong ngày đầu của trận chiến, và mất nốt người anh thứ hai trong ngày thứ tư. Trong ngày giao tranh cuối cùng, mẹ tao bị tưởng lầm là một quân du kích khi bà bò ra từ trong đống đổ nát và bị lính Israel bắn chết.

“Khi cuối cùng mọi chuyện chấm dứt, Ein al-Hilweh đã trở thành một vùng đất hoang. Lần thứ hai, người Do Thái đã biến nhà tao thành đống gạch vụn. Tao đã mất các anh trai, tao đã mất mẹ. Mày hỏi tao tại sao tao ở đây. Tao ở đây vì Sumayriyya và Ein al-Hilweh. Đây là tất cả những gì mà chủ nghĩa phục quốc của người Do Thái mang lại cho tao. Tao không có sự lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu”.

“Chuyện gì đã xảy ra sau biến cố Ein al-Hilweh? Cô đã đi đâu?”

Ả phụ nữ lắc đầu. “Tao đã kể cho mày nghe đủ rồi”, ả nói. “Quá nhiều là đằng khác”.

“Tôi muốn nghe nốt phần còn lại của câu chuyện”.

“Lái xe đi”, ả nói. “Sắp đến lúc mày được gặp lại vợ rồi”.

Gabriel nhìn đồng hồ: 6 giờ đúng. Còn mười dặm nữa là tới Paris.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...