Hãy Cứu Em

Chương 17


Chương trước Chương tiếp

Khi hoàn cảnh bắt buộc, cần phải biết tỏ ra yếu đuối và đó chính là thế mạnh

Kim Wozencraft.

- Xin lỗi anh, bác sĩ Galloway, cô ấy thoát mất rồi.

Ở đầu dây bên kia, Skinner, đội trưởng đội bảo vệ, tìm cách thanh minh: - Ờ...cô ta đã cắt đuôi chúng tôi, - anh thừa nhận với vẻ bị xúc phạm. - Cô ta vào thang máy tầng mười, nhưng khi cửa thang mở ra tầng một thì trong đó chẳng còn ai nữa. Chúng tôi đang xem lại băng ghi hình nhưng tôi nghĩ chắc cô ta đi xa rồi.

- Thôi kệ, không sao đâu, - Sam trả lời, không quá ngạc nhiên về điều đó.

Khỉ thật, anh vừa nghĩ vừa gác máy, cái đám người vô dụng này thậm chí chẳng làm nổi công việc của mình.

Quả thật cô ả Grace Costello này rất đáng gờm. Anh đứng lặng hồi lâu không thể quyết định nổi mình nên làm gì. Anh có nên báo cảnh sát về việc này không? Chà, hơi mạo hiểm. Nếu anh cứ khăng khăng mình đang bị quấy rầy bởi một bóng ma của một phụ nữ đã chết cách đây mười năm, chắc chắn người ta sẽ cười vào mũi anh. Costello thực sự đã chết và được mai táng. Rutelli thậm chí đã nhận diện thi thể cô. Hơn nữa Sam không có ai để làm nhân chứng. Lần nào Grace cũng thận trọng xuất hiện khi anh chỉ có một mình.

Phải, nhưng mình có một bằng chứng! Anh đột nhiên nghĩ ra khi nhớ tới trang web.

Anh lao về phía máy tính để kiểm tra danh sách những trang web vừa được mở. Anh chuyển trang cả về trước lẫn sau : không thể nào tìm lại được cái trang nói đến vụ tai nạn trong tương lai.

Tất nhiên, anh vẫn còn khẩu súng mà anh đã tịch thu được, nhưng khai thác nó thế nào đây? Viên cảnh sát nào sẽ chịu tìm kiếm dấu vân tay trên đó và nếu có tìm ra dấu tay của Costello thì cũng chứng tỏ được điều gì?

Vẫn trong trạng thái sốc, Sam quyết định điền vào một tờ khai để báo cáo sự việc sảy ra. Anh không muốn bị cáo buộc vì bất cẩn. Rồi anh nhớ tới bài diễn thuyết khó tin mà Costello đã trình bày với anh. Đương nhiên anh chẳng hề tin một lời nào- ai mà tin được cơ chứ? Mặc dù vậy, vẫn có một vài câu hỏi khiến anh băn khoăn.

Anh mở phần ghi chép trên máy tính ra và bắt đầu điểm lại một vài tình tiết lạ:

- Grace Costello có thực sự chết cách đây mười năm không? Nếu có, thì ai đang mạo danh cô ta? Nếu không, thì tại sao cô ta lại tới Manhattan?

- Làm thế nào cô ta có thể biết được trước tất cả mọi người rằng Juliette vẫn chưa chết trong tại nạn máy bay? Và làm thế nào cô ta có thể biết được những gì mình nói với Federica ở nghĩa trang?

- Cô ta có ẩn ý gì khi tự cho mình là một sứ giả?

Và anh kết thúc:

- Người phụ nữ này có nguy hiểm không?

Thêm một lần nữa, anh tìm cách tự trấn an: tất cả những chuyện này chỉ là một chuỗi những sự tình cờ. Nếu xem xét tổng thể thì có vẻ đáng lo nghĩ, nhưng nếu phân tích từng việc thì chúng đều có thể giải thích được.

Tuy nhiên một câu hỏi khác vẫn luẩn quẩn trong đầu anh: tại sao người phụ nữ này lại quấy nhiễu mình và tại sao mình lại có cảm giác như cô ta không hề nói dối? Điều này thì anh không viết ra. Không, anh cần phải tỉnh táo hơn, anh cần phải đứng vững trên mặt bằng lý trí. Anh cần phải nghiên cứu vấn đề này dưới góc độ y khoa. Anh liền với lấy chiếc máy ghi âm băng cát xét và nhấn một nút để ghi:

Bác sĩ Galloway - Chuẩn đoán bệnh nhân Grace Costello được nhận vào khám tại bệnh viện trước khi bệnh nhận bỏ trốn ngày hôm nay, 24 tháng giêng.

Bệnh nhân có nhiều triệu chứng của bệnh tâm thần: những ý nghĩ điên rồ và có vẻ bí ẩn, không có khả năng nắm bắt một vài phương diện thực tế, suy nghĩ bị rối loạn nghiêm trọng.

Bệnh nhân liên tục bị ám ảnh và có những dấu hiệu khủng hoảng nghiêm trọng khi tự cho rằng mình đã bị chi phối bởi những thế lực bên ngoài, trong trường hợp này là một âm mưu của một tổ chức trên trời nắm trong tay những quyền năng gần như vô hạn.

Theo tôi đánh giá, cô Costello không hề sử dụng chất gây nghiện hay chất kích thích. Cô tỏ ra rất thuyết phục và những ý nghĩ trên xem ra không hề ảnh hưởng gì tới trí thông minh của cô. Tôi cũng không nhận thấy bất cứ biểu hiện nào của chứng lạnh nhạt hay chứng căng trương lực.

Phủ nhận hoàn toàn trạng thái bệnh lý của mình, có vẻ như bệnh nhân hiện không được hưởng chế độ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh lý và xem ra chứng tâm thần phân lập ở cơ thể cuồng ám của cô đang diễn biến xấu đi.

Việc mất kiểm soát về tinh thần có thể dẫn tới khả năng mất kiểm soát hành vi, điều này có thể khiến bệnh nhân trở thành một đối tượng nguy hiểm.

Grace Costello đã rời khỏi bệnh viện bằng một trong các cửa dành cho nhân viên. Lúc này cô đang tiến về phía Bắc theo Đại lộ số Năm. Cô cảm thấy được an toàn, không ai biết tới, chìm trong đám du khách, giữa những của hàng đắt tiền và những tòa nhà rực rỡ. Tất nhiên, vẫn còn một mối lo: những đồng nghiệp cũ có thể thấy cô bất cứ lúc nào. Nhưng nếu chuyện đó xảy ra, có thể họ sẽ chỉ nghĩ họ đã nhìn thấy một ai đó rất giống cô.

Không, cô chẳng việc gì phải lo cả. Lần đầu tiên kể từ khi cô quay lại, cô đã bắt đầu tận hưởng khung cảnh xung quanh.

Lạ thật, cô từng thích sống và làm việc trong thành phố này biết bao. New York là nơi náo nhiệt nhất hành tinh. Cô từng yêu quý mọi khu phố, mọi cảnh sắc. Ở đây mọi thứ không bao giờ diễn ra như ở những nơi khác. Trên Đại lộ số Năm, quang cảnh không hề thay đổi: vẫn dòng người xếp hàng chờ vào tham quan Tòa nhà Empire State; vẫn hai con sư tử đá đứng gác với vẻ cảnh giác cao độ trước cửa thư viện thành phố; vẫn những tủ kính trong cửa hàng Tiffany lấp lánh như từ thời Audrey Hepburn; vẫn những du khách Nhật Bản tràn ngập trên các khu phố và vẫn những chiếc túi Vuitton đắt đỏ như trước kia!

Mặc dù vậy, cô vẫn thấy có điều gì đó khác lạ, nhưng cô không thể nói được đó là điều gì. Có lẽ Manhattan sạch sẽ hơn và văn minh hơn trước, song một bầu không khí xa lạ vẫ cứ lơ lửng trên không trung. Như thể thành phố bị tước mất điều thứ gì đó.

Lên đến phố 49, cô rẽ vào Trung tâm Rockefeller và băng qua khu vườn có sáu cái đài phun nước để tiến vào khoảng sân nằm phía dưới khu phố. Cả cái tổ hợp Nghệ thuật trang trí này bao gồm toàn bộ những tòa nhà trọc trời lớn nhất thế giới. Cùng những khu vườn, nhà hàng, trung tâm thương mại và hàng trăm tác phẩm nghệ thuật trưng bày khắp nơi, riêng tổ hợp này tự nó đã tạo thành một thành phố thu nhở thực thụ nằm trong lòng Manhattan.

Grace đi một vòng quanh Tower Plaza và bước vào một trong những quán cà phê. Cô chọn một chiếc bàn nhỏ nằm cuối dãy tường kính dài. Ngồi đây, cô có một tầm nhìn tuyệt đẹp trông xuống sân trượt patin và nhìn ra bức tượng Prométhée bằng đồng nổi tiếng, đang cời ngọn lửa cháy rực giữa các tia nước phun lên và những lá cờ đủ màu sắc.

Khi người phục vụ mang thực đơn tới, Grace mới nhận ra cô đói ngấu như thể cô không ăn uống gì từ mười năm nay, mà cũng đúng thế thật. Cô chậm rãi lật từng trang thực đơn, thèm thuồng trước vô số lựa chọn giữa các loại bánh ga tô và bánh ngọt. Cái gì cô cũng muốn ăn: bánh ngọt kem trứng, bánh xốp, bánh sô cô la, bánh kẹp, cinnamon roll.....

Cuối cùng cô chọn một tách cà phê sữa kiểu Ý và một miếng bánh nhân ba loại sô cô la, và giật nảy mình khi nhìn thấy giá. Bảy đô la rưỡi một miếng bánh ngọt! Trong thời gian cô đi vắng thế giới đã thực sự phát điên mất rồi.

Hôm nay là một buổi chiều mùa đông đẹp trời, lạnh nhưng có nắng. Những tia sáng phản chiếu trong gương, ngập tràn trên sân và lấp lánh trên những tòa nhà. Grace ngăm nhìn những đứa trẻ đi lại trên sân trượt patin một hồi lâu và chợt thấy tim mình thắt lại. Cô nhớ tới con gái mình.

Mỗi thứ Ba đầu tiên của tháng Mười hai, cô thường đưa Jodie đi ngắm những ngọn đèn lấp lánh trên cây thông Noel khổng lồ đứng sừng sững trong sân. Khi đó, ngôi sao nổi tiếng nhất trong năm thường búng ngón tay một cái và hơn hai chục ngàn bóng đèn cùng sáng lên một lượt trông thật màu nhiệm. Jodie mê mẩn khung cảnh ấy đễn nỗi Grace coi đó là truyền thống tuyệt vời nhất của New York.

Cô lục tìm trong túi áo vest. Cái ví của cô vẫn còn nguyên và bên trong vẫn đựng những thứ y như cách đó mười năm. Lần đầu tiên kể từ khi cô trở lại, cô dám nhìn tấm ảnh đứa con gái nhỏ và toàn thân cô đột nhiên nổi da gà. Không gì có thể lừa dối giỏi hơn một bức ảnh : người ta cứ tưởng đã lưu lại mãi mãi một khoảng khắc hạnh phúc trong khi thực chất người ta chỉ đang ảo não tiếc thương. Chỉ cần bấm máy một cái thôi, và hấp, một giây sau, khoảnh khắc đó biến mất.

Grace cảm thấy những giọt nước mắt ứa ra khóe mắt và cô nhanh chóng gạt chúng đi bằng một chiếc khăn giấy.

Trời ạ, đây không phải lúc yếu lòng.

Cô không có quyền buông xuôi. Họ đã chọn cô để hoàn thành một sứ mạng. Họ đã chọn cô vì cô là người mạnh mẽ, cẩn trọng và có tổ chức. Họ đã chọn cô vì cô là cảnh sát và cảnh sát luôn biết tuân thủ.

Ở cách đó chưa đầy hai cây số, Mark Rutelli đang đi tuần trong Công viên Trung tâm. Ông đậu xe dọc vỉa hè phố 97, đúng nơi con phố này cắt ngang công viên, không xa bãi bóng chuyền và sân tennis là mấy. Từ sáng tới giờ, ông đã tra hỏi hơn hai trăm người, nhưng ông vẫn không tìm nổi một chút dấu vết nào của người phụ nữ đã giả danh Grace. Buổi nói chuyện hôm qua của ông với Sam Galloway đã khiến ông chấn động tới mức nhiều lần thức dậy giữa đêm, kinh hoàng bởi những cơn ác mộng trong đó Grace vẫn còn sống và đang cầu cứu ông.

Tất nhiên, ông ý thức được rằng tất cả những chuyện này chẳng có ý nghĩa gì : Grace đã chết và ông biết rõ điều đó hơn ai hết. Tuy vây, chỉ cần một vài câu trao đổi là đủ để khơi dậy mọi thứ: những tình cảm vô cùng mãnh liệt, những tiếc nuối, và cả sự oán hận nữa...

Giữa Grace và ông là cả một câu chuyện phức tạp. Từ mười năm nay, ông thường tự nhủ rằng có thể mọi chuyện đã khác đi nếu như ngày ấy ông dám thú nhận tình cảm của mình với cô.

Nhưng chẳng lẽ cô ấy không đoán ra sao?

Chẳng phải ông là người không biết cách cư xử với phụ nữ. Hồi đó, thậm chí ông còn lập được khá nhiều chiến tích. Người ta nhìn ông như một người đàn ông đầy quyến rũ và tự tin, mỗi lần đi chơi cùng những đồng nghiệp cảnh sát hoặc cứu hỏa vào các tối thứ Bảy rát ít khi ông phải qua đêm một mình.

Với Grace thì khác. Chưa bao giờ ông đủ can đảm để tỏ tình với cô. Có những lúc ông nghĩ cô cũng yêu ông, nhưng làm thế nào để biết chắc điều đó? Nhất là khi ông cảm thấy mình không thể nào chịu nổi một lời cự tuyệt. Ông quá yêu cô để có thể chấp nhận điều đó. Ông vô cùng sợ cô nhìn ra kẽ hở ấy của ông. Sự thiếu tự tin đó luôn được ông che dấu bằng những cử chỉ hoặc lời nói mạnh mẽ. Và thế là dần dần, ông tự đẩy mình vào vài trò một người bạn tốt đáng tin cậy.

Một ngày đẹp trời, chắc là Grace đã quá mệt mỏi vì phải chờ đợi. Trong một thời gian cô qua lại với một viên trung úy ở quận 4. Rutelli đã nghĩ đó chỉ là để khơi dậy sự ghen tuông và ép ông phải thú nhận, nhưng rồi ông vẫn không quyết định được. Cuối cùng, ông chọn cách lánh mặt và suốt một quãng thời gian, sự thân thiết giữa hai người lụi dần.

Sự thật là Grace chẳng có gì gắn bó với viên trung úy ấy, nhưng cô mang thai. Cô muốn có con và cô chẳng hề ngại nuôi dạy nó một mình. Từ đó, Rutelli - không chấp nhận trở thành kẻ thay thế trong con mắt của những người khác - chẳng còn nuôi ý định gì nữa. Mặc dù vậy, ông không bao giờ có tình cảm với thêm một người phụ nữ nào khác, nói đúng ra, ông không mong muốn gì hơn là được chết thay cô vào cái buổi cô bị sát hại. Bởi lẽ cái chết của Grace đã hạ gục ông. Kẽ hở trong ông đã nưt toác ra thành vự thẳm và từ một người đàn ông ôn hòa, ông trở thành một người đàn ông hung hãn.

Những buổi tối buồn, ông vẫn tự trấn an mình rằng Grace chưa bao giờ thấy mình trong tình trạng ấy và giờ đây điều đó trở thành niềm an ủi và tự hào duy nhất của ông.

Grace nhấp một ngụm cà phê và vừa cất tấm ảnh con gái vào ví vừa tự hứa với mình sẽ không lấy nó ra xem nữa. Nhất là cô không được tìm cách tiếp xúc với Jodie. Cô có mặt ở nơi này để sửa chữa một sai lầm chứ không phải để làm mọi thứ trở nên náo loạn.

Hơn thế nữa, co biết rõ rằng dù ở trong cơ thể cũ, nhưng cô không còn là cô trước khi chết nữa. Tuy vậy, từ khi quay lại, những kỉ niệm về cuộc sống cũ cứ liên tục hiện về như thể cô vừa ra khỏi một cơn hôn mêm dài. Cô vẫn giữ mọi thứ trong tâm trí. Chỉ trừ một vài ngày trước hôm khi cô ra đi. Cô đã đọc rất kĩ bài báo mà Sam Galloway tìm được trong đó miêu tả ngắn gọn những tình tiết liên quan đến cái chết của cô, vì cô không nhớ nổi ai đã giết cô và mọi chuyện xảy ra như thế nào. Song cô không ở đây để khám phá điều đó. Cô ở đây vì một niệm vụ cụ thể và không điều gì có thể khiến cô xao nhãng được.

Qua lớp cửa kính cô thoáng thấy một thiếu nữ khoảng mười lăm tuổi, gập người trên đoi patin đang nghịch ngợm thổi những bong bóng xà phòng. Một vài bong bóng nhẹ và trong suốt bay về hướng cô và vỡ tung khi chạm vào mặt kính. Grace máy móc đưa tay vẫy cô bé rất thân thiện. Cô bé nhoẻn miệng cười với cô để lộ hàm răng bó trong bộ chỉnh hàm.

Dù Grace có nói gì hay giả bộ thế nào đi nữa, một câu hỏi vẫn luẩn quẩn trong đầu cô: giờ này Jodie đang ở đâu và đã trở thành người thế nào?

Rutelli quay về xe và đóng sập cánh cửa lại. Ông đang trong ca trực và giờ vẫn còn sớm nhưng lạy Trời, sao mà ông muốn nốc một ly đến thế! Đây là lần thứ hai trong ngày hôm nay, ông nghĩ tới buổi nói chuyện ngày hôm qua với anh chàng bác sĩ trẻ. Cai rượu ư? Làm như dễ lắm! Ông đã thử một lần, và ông bị ảo giác: ông nhìn thấy nào là tắc kè, kì đà, kì nhông cứ bâu vào cắn xé ruột gan và rỉa rứt tứ chi ông. Một cơn ác mộng thực thụ.

Ông lái xe về phía Nam, dọc theo phía Tây Công viên Trung tân tới tận khu Columbus Circle. Vừa lái, ông vừa chỉnh lại kính chiếu hậu và trong gương phản chiếu hình ảnh của ông, hơi nhạt nhòa và có vẻ như bóng ma. Ông đang ở đâu trong quãng đời của mình? Liệu ông có tiếp tục rơi, mỗi ngày một sâu hơn, cho tới khi tự hủy hoại mình vĩnh viễn? Ông sợ rồi sẽ như thế, vì ông vẫn chưa thấy đâu là phép màu có thể khiến mọi chuyện tốt lên.

Thôi không uống nữa...Nhưng mà vì ai? Để làm gì?

Mặc dù vậy ông biết mình vẫn có thể mạnh mẽ trở lại. Ngọn lửa giận giữ đang cháy trong ông không phải chỉ là lửa hủy diệt. Giữa giận dữ và quyết đoán , đôi khi chỉ cách nhau một bước chân, ông quyết định sẽ không uống rượu trong vài giờ tới. Lúc này ông sẽ tạm hài lòng với một tách cà phê.

Gần tới Quảng trường Thời đại, ông đột ngột rẽ vào trung tâm Rockerfeller. Ông dừng lại trước đầu vỉa hè, mua cho mình một cốc cà phê rồi mang tới uống trên sân Tower Plaza. Đã lâu lắm rồi ông không tới chỗ này. Vậy mà trước kia ông rất thích tới đây cùng Grace và con gái cô để ngắm những ngọn đèn trang trí. Ông đứng bên rìa sân patin và ngây ngất ngắm nhìn hồi lâu những con người hạnh phúc đang lượn quanh ông. Những cặp vợ chồng đang cổ vũ, quay phim, chụp ảnh con cái họ. Những tiếng hét sung sướng, những tiếng cười đùa, bầu không khí vui nhộn. Và niềm hạnh phúc ấy lại càng khiến ông cảm thấy rõ rệt hơn sự cô đơn của mình.

Nếu quay đầu sang bên phải, về hướng Harper Café, hẳn ông đã nhìn thấy người phụ nữ vẫn ám ảnh tâm trí ông. Vì lúc đó, Grace Costello chỉ ngồi cách chỗ ông có mười mét.

Nhưng ông lại chẳng biết gì.

Chìm sâu trong suy nghĩ, Grace cũng chẳng nhận ra người đồng đội cũ của mình. Dùng xong bữa ăn nhẹ, cô ra khỏi quán cà phê bằng lối cửa đối diện. Cô cài áo vest lại và đi vào bước trên phố. Trời bắt đầu lạnh thật sự. Thêm một lần nữa, cô chợt có cảm giác kì lạ rằng có thứ gì đó " thiếu vắng " trong thành phố - cô vẫn chưa biết đó là thứ gì. Cô tập trung tư tưởng, nhìn về phía Bắc rồi lại sang phía Nam. Trong đầu cô, những hình ảnh về hai ngày gần đây nhất đang diễn ra rất nhanh.

Rồi đột nhiên cô hiểu ra. Không thể nào, thế nhưng...chúng không thể biến mất như thế được!

Nhất định lần sau gặp lại Galloway cô sẽ phải hỏi anh ta.

Sam quay về phòng làm việc ngay khi kết thúc ca trực. Đếm đã xuống và suốt một hồi lâu, anh thấy thích ngồi trong bóng tối cạnh cửa sổ, ánh mắt lơ đãng nhìn về phía cầu Manhattan. Anh nghĩ lại buổi nói chuyện kì lạ của anh với Grace. Suy cho cùng, tư tưởng con người, một khi đã đánh mất mối liên hệ với thực tại, thì thường lạc vào những con đường đáng ngạc nhiên.

Đột nhiên, anh như nghe thấy một tiếng thở đứt quãng. Có ai đó ở trong phòng!

Anh bật ngọn đèn bàn nhỏ làm tỏa ra một thứ ánh sáng nhẹ và dịu.

Chẳng có ai.

Vậy mà anh cứ có cảm giác như một bóng đang luẩn quất quanh anh. Ở một góc bàn vẫn là những bức vẽ của Angela. Thêm một lần nữa, Sam xem lại từng bức vẽ mà vẫn không biết mình tìm gì trong đó.

Liệu những bức vẽ này có ẩn giấu điều gì không?

Trong quãng thời gian theo học ngành y, anh có ấn tượng sâu sắc với một kỳ thực tập trong nhà tù dành cho trẻ vị thành niên.. Ở đó những bức vẽ của tù nhân chỉ toàn gợi lên những cảnh tàn sát và bạo lực. Anh tiếp tục quan tâm tới đề tài này và trờ thành một trong những bác sĩ nhi tài giỏi nhất có khả năng giải mã và phân tích những bức vẽ của trẻ em. Thậm chí anh đã viết một bài báo về đề tài này cho một tạp chí y khoa và đã đọc hầu hết các cuốn sách nói về vấn đề này. Có rất nhiều trường hợp gây kinh ngạc. Đôi khi, những bức vẽ ấy khiến người ta nghĩ có những đứa trẻ biết trước khi nào chúng sẽ chết. Qua những bức vẽ, chúng dự báo trước sự ra đi của mình và dùng phương tiện đó để chuyển tới gia đinh thông điệp cuối cùng. Thật lạ vì những thông điệp ấy thường toát lên sự bình thản như thể trước khi cập bến ở bên kia, những đứa trẻ này đã được giải thoát khỏi lo âu và đau đớn. Nhưng điều kì lạ nhất có lẽ là những bức vẽ đàn bướm mà những tù nhân trẻ đã khắc lên tường trong các trại tập trung.

Sam nghĩ lại tất cả những điều này khi lật lại tập tranh, anh phát hiện những dấu hiệu bé xíu nằm ở bốn góc của mỗi tờ giấy: những hình tròn, hình tam giác những ngôi sao...

Anh từng nhìn thấy những dấu hiệu giống như thế trên bức tranh đầu tiên Angela tặng anh! Càng lúc càng hoang mang, anh lục trong túi áo khoác của mình để xem lại: trên mặt sau của tờ giấy, những dấu hiệu như vậy nằm chồng chéo lên nhau một cách bí ẩn.

Nhỡ đây là một loại mật mã thì sao? Và nếu...

Cánh cửa phòng làm việc chợt sập lại khiến bác sĩ giật nảy mình.. Lúc này Sam mới nhận ra cả căn phòng chìm trong bầu không khí lạnh như băng và hơi thở của anh đã biến thành hơi nước đọng. Anh bắt đầu đính các bức tranh lên tấm bẳng nỉ theo trình tự được gợi ý trong bức tranh đầu tiên. Sau khi đã treo xong toàn bộ hai mươi bức vẽ, anh xoay đèn để có thể chiếu sáng rõ hơn bức tranh lớn mới được hình thành. Trông tác phẩm đáng sửng sốt, trừu tượng nhưng ở giới hạn tượng hình, bởi có thể nhìn thấy vài hình khối ẩn hiện, trông như những con thú nhỏ đang giấu mình trong một khu rừng nhiệt đới.

Bị thôi miên bởi bức tranh, Sam không thể rời mắt khỏi nó và di chuyển khắp phòng để có quan sát rõ hơn từ mọi góc độ. Lần này, anh nhận thấy ro ràng rằng có một cái gì đó cần phát hiện ra: một sự cảnh báo, một lời kêu gọi, một thông điệp...

Khi bước đến cửa sổ, một câu chửi thề chợt bật ra trong tâm trí anh.

Quỷ tha ma bắt, lạy Chúa tôi!

Anh dịu mắt, lại di chuyển để rồi quay trở về chỗ đứng cũ. Không, giờ thì đến tâm trí anh cũng bắt đầu bị rối loạn rồi.

Hơi hoảng hốt, anh bước ra hành lang và vào ngay khu vệ sinh dành cho nhân viên để vã nước lên mặt. Nhìn thẳng vào tấm gưowng lớn gắn phía trên bồn rửa, anh nhận thấy mặt mình trắng bệch và đôi tay đang run rẩy. Rồi anh trở lại phòng. tâm trạng nặng nề nửa nghi hoặc nửa háo hức. Anh quay lại đúng chỗ ban nãy, tựa hẳn người vào thành cửa sổ và lại nhìn về phía tấm bảng. Từ một góc độ nhất định, hai mươi bức vẽ được ghép lại truyền tải một thông điệp bằng những hình thù méo mó.

Một vài chữ trong số đó tạo thành một câu rất đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa đáng lo ngại:

GRACE NÓI THẬT


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...