Hàm Cá Mập
Chương 6
Bưu điện đặt ở một ngôi nhà nhỏ trên phố Teal, ngay cạnh phố Main. Ở đó có năm trăm hòm thư, trong số đó ba trăm bốn mươi hòm là do những người dân thường trú ở Amity thuê. Một trăm sáu mươi cái còn lại dành cho dân đi nghỉ, còn cụ thể cho ai thì còn tùy thuộc vào ý thích của nữ trạm trưởng bưu điện Minnie Eldridge. Những người bà ta có cảm tình thì được phép thuê hòm thư vào dịp hè. Những người bà ta không có cảm tình thì đành phải đứng xếp hàng cạnh quầy của bà. Vì không một ai trong số những người vãng lai mùa hè có thể thuê hòm thư quanh năm được, nên những người đi nghỉ không bao giờ biết là mùa nghỉ sang năm, khi họ tới đây vào tháng sáu, họ sẽ có hòm thư hay không.
Chẳng ai còn nghi hoặc gì chuyện Minnie Eldridge đã bước qua cái tuổi bảy chục rồi, nhưng bà ta có cách gì đó không rõ mà thuyết phục được các nhà chức trách ở Washington là bà còn chưa đạt đến cái tuổi bắt buộc con người ta về hưu. Bà ta nom bé nhỏ và lọm khọm, nhưng lại khá khỏe và xử lý với những gói những hộp cáctông nhanh cũng gần bằng hai thanh niên làm cùng chỗ với bà. Bà không bao giờ nói về quá khứ hay đời sống riêng của mình. Người ta chỉ biết rằng bà sinh ra trên đảo Nantucket và đã rời khỏi đó ngay sau khi bắt đầu đại chiến thế giới lần thứ nhất. Bà đã sống ở Amity lâu đến mức trong thị trấn này không ai là không biết bà. Minnie Eldridge coi mình không những là dân gốc, mà còn là người am hiểu lịch sử thị trấn. Bà hay thích kể chuyện tại sao thị trấn này lại có tên là Amity, kể về Amity Hopewell, một phụ nữ sống vào thế kỷ XVII và đã bị kết án tử hình về tội làm phù thủy; Minnie thấy khoan khoái khi có dịp bàn về những sự kiện lớn trong quá khứ của thị trấn: về vụ lính Anh đổ bộ trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh giành độc lập (người Anh định đi vòng qua sườn các đơn vị quân thuộc địa khởi nghĩa, nhưng bị lạc và cứ quanh quẩn vô tích sự ở vùng Long Island), về đám cháy năm 1823 mà tất cả các ngôi nhà, trừ nhà thờ, đều bị cháy, về vụ đắm chiếc tàu chở rượu lậu vào năm 1921 (rút cục người ta đã kéo được con tàu lên mặt nước, nhưng toàn bộ hàng hóa dỡ khỏi tàu cho nhẹ để dễ kéo lên, đã không cánh mà bay); về cơn bão năm 1938 và về vụ đổ bộ được loan tin rộng rãi trên báo chí (tuy hoàn toàn không được xác nhận) của ba tên gián điệp Đức lên bãi tắm ven đường Scotch vào năm 1942.
Ellen và Minnie tuyệt nhiên không có cảm tình với nhau. Ellen cảm thấy Minnie không mến chị. Minnie cảm thấy không tự nhiên khi có mặt Ellen, vì không biết xếp chị vào hạng nào xác định. Ellen không thuộc đám dân đi nghỉ, cũng không phải là dân sở tại. Quyền sử dụng thường kỳ hòm thư của chị có được là đồng thời với việc lấy chồng.
Minnie chỉ có một mình trong bưu điện và đang xem xét phân loại thư tín thì Ellen bước vào:
- Chào bác Minnie, một buổi sáng tốt lành. - Ellen lên tiếng.
Minnie liếc nhìn đồng hồ treo tường phía trên quầy rồi sau đó mới đáp:
- Chào cô, buổi trưa tốt lành.
- Bác có tập tem thư tám mươi xu bán cho cháu chứ? - Ellen đặt lên quầy một tờ năm đôla và ba tờ một đôla.
Minnie bỏ mấy lá thư vào các thùng, đặt đống còn lại sang một bên rồi tiến lại quầy. Bà ta đưa cho Ellen bộ tem thư rồi quẳng tiền vào ngăn kéo.
- Martin định làm gì với con cá mập ấy? - bà ta hỏi.
- Cháu cũng không rõ. Chắc là người ta định bắt nó.
- Ai có thể dùng lưỡi câu mà bắt được con Leviathan[17]?
- Xin lỗi, bác nói gì ạ?
- Sách Job ấy mà, - Minni đáp. - Không một kẻ trần tục nào bắt được con cá ấy.
- Sao bác lại nghĩ thế?
- Số trời không cho chúng ta bắt được nó chứ còn sao nữa. Cái ấy đã có thiên định.
- Cái ấy là cái gì ạ?
- Chuyện ấy rồi ta khắc biết.
- Cháu hiểu, - Ellen cho tem vào túi xách. - Cũng có thể bác nói đúng. Cám ơn bác Minnie, - chị quay ra cửa.
- Lời nói của tôi thì cô miễn nghi ngờ, - Minnie vừa nhìn theo Ellen vừa nói.
Ellen đi ra phố Main, rẽ sang phải, đi qua cửa hàng bán quần áo mốt của phụ nữ và hiệu đồ cổ. Chị đứng lại ở cửa hàng đồ sắt và mở cửa. Nhưng không có ai ra đáp lại tiếng chuông réo. Chị đợi một chút, rồi gọi:
- Chú Albert ơi!
Ellen đi qua khung cửa mở toang dẫn vào tầng hầm. Tiếng nói chuyện của hai người đàn ông vọng đến tai chị.
- Tôi lên đây, - Albert Morris cất giọng. - Thứ ấy tôi có cả hộp kia, - bác nói với người đàn ông bên cạnh. - Anh cứ lục tìm đi, có lẽ sẽ thấy cái anh cần thôi.
Morris xuất hiện ở bậc dưới của thang rồi thong thả leo lên, cẩn thận từng bước một, tay bác bám vào lan can. Bác đã qua cái ngưỡng lục tuần, và hai năm trước bác có bị một cơn đau tim.
- Vấu mỏ vịt, - bác vừa leo lên thang vừa nói.
- Cái gì ạ? - Ellen không hiểu.
- Vấu mỏ vịt. Cái anh chàng kia cần thứ ấy. Chắc anh ta là thuyền trưởng một tàu chở dầu nào đó bởi vì anh ta cứ tìm những vấu mỏ vịt kích thước to tướng. Còn chị thì cần gì nào?
- Đầu bít cao su vòi nước trong bếp bị hỏng. Chú biết đấy, cái loại có phần tõe đôi ấy. Cháu cần một chiếc mới.
- Thế thì đơn giản quá rồi còn gì. Kia kìa. - Morris đưa Ellen lại giá. - Cô bảo cái này phải không? - Bác lấy lên một đầu bít cao su.
- Vâng, đúng nó rồi.
- Tám mươi xu. Cho chị nợ hay là trả tiền ngay đây?
- Cháu trả tiền ngay. Cháu không muốn chú phải viết lách vào sổ chỉ vì tám chục xu cỏn con ấy.
- Tôi còn có khi phải cho nợ cả những khoản còn nhỏ hơn ấy chứ, - Morris nhận định. - Tôi có thể kể cho cô hay nhiều chuyện lắm.
Họ đi dọc căn nhà hàng hẹp tới quầy thu tiền và Morris vừa viết phiếu vừa nói:
- Nhiều người lo lắng về cái chuyện cá mập ấy lắm.
- Cháu biết. Có thể hiểu được họ.
- Người ta cho rằng lại phải đóng cửa các bãi tắm thôi.
- Nhưng mà cháu...
- Theo cách nhìn của tôi thì đầu óc bọn người ấy chứa toàn rơm rạ cả. Tôi tin rằng Martin hành động đúng.
- Cháu sung sướng được nghe chú nói thế, chú Albert ạ.
- Có thể là chàng trai mới này sẽ giúp chúng ta ra khỏi thế bí.
- Chàng trai nào ạ?
- Chuyên gia về cá ở Massachusetts đến.
- Ái chà. Cháu có nghe là anh ta đang ở thị trấn.
- Anh ta đang ở tận ngay nơi đây nữa cơ.
Ellen đưa mắt nhìn xung quanh, nhưng không trông thấy ai cả.
- Ở đây là ở đâu?
- Ở phía dưới, tầng hầm ấy. Anh ta cần những chiếc vấu mỏ vịt.
Ellen nghe có tiếng chân bước trên thang. Chị quay lại và trông thấy Hooper. Một niềm xao xuyến mãnh liệt bỗng ập tới, hệt như trước mặt chị hiện ra người yêu mà chị không gặp đã bao năm. Chị không quen anh ta, nhưng đồng thời trong anh ta lại có chút gì đó rất quen thuộc.
- Tôi đã tìm thấy chúng rồi, - Hooper nói, tay anh cầm hai cái vấu mỏ vịt làm bằng thép không gỉ. Anh bước lại quầy, lịch sự mỉm cười với Ellen. - Những cái này vừa lắm. - Anh vừa nói với bác Morris, vừa đặt món hàng lên quầy và đưa cho bác Morris hai mươi đôla.
Ellen nhìn Hooper, cố nhớ xem anh ta gợi cho chị hình ảnh của người nào. Chị hy vọng bác Albert Morris sẽ giới thiệu họ với nhau, nhưng có vẻ như bác ta không định làm điều đó.
- Xin lỗi anh, - chị hướng tới Hooper, - tôi có điều này cần hỏi anh.
Hooper nhìn sang chị và lại mỉm cười - nụ cười thân thiện dễ mến, nhờ có nó mà những nét gãy góc của khuôn mặt mềm dịu lại, còn đôi mắt màu xanh lơ nhạt thì sáng lên.
- Chị cứ việc hỏi, - anh nói.
- Không biết anh có họ hàng với David Hooper không nhỉ?
- Đấy là anh trai tôi. Chị có biết David?
- Có, - Ellen đáp. - Đúng hơn là đã từng biết. Đã có thời lâu lắm rồi anh ấy theo đuổi tôi. Tôi là Ellen Brody. Trước kia tôi tên là Ellen Shepherd. Tôi muốn nói vào cái thời ấy đấy.
- Tất nhiên rồi. Tôi có nhớ chị.
- Không có lẽ.
- Tôi nhớ mà. Tôi không nói đùa đâu. Tôi sẽ chứng minh cho chị xem. Để tôi nghĩ một chút đã... Mái tóc chị hồi đó như mái tóc tiểu đồng ấy. Và lúc nào chị cũng đeo vòng trang sức. Tôi còn nhớ trên vòng có cái hình tháp Eiffel lớn. Chị lại thường hay hát một bài... tên bài hát là gì nhỉ? "Sibum" hay cái gì đó đại loại như vậy. Đúng chưa nào?
Ellen phì cười.
- Khiếp thật, cái trí nhớ của anh. Tôi đã quên bài hát ấy rồi.
- Kỳ lạ lắm, có những chi tiết vụn vặt lại để lại ấn tượng như thế trong tuổi thiếu niên. Chị đã gặp gỡ với David bao lâu nhỉ... hai năm?
- Hai mùa hè, - Ellen đáp. - Đấy là khoảng thời gian tuyệt diệu.
- Chị có nhớ tôi không?
- Cũng lờ mờ thôi. Tôi chỉ nhớ rằng David có đứa em trai. Chắc khi ấy anh chỉ lên chín lên mười gì đó.
- Quãng tuổi ấy. Anh David hơn tôi mười tuổi. Tôi còn nhớ là mọi người gọi tôi là Matt, cứ làm như tôi là người lớn ấy, - điều ấy khiến tôi thích lắm. Còn chị thì gọi tôi là Matthew. Chị đã bảo rằng Matthew nghe thanh tao hơn. Hình như tôi cũng đã mê chị.
- Thật thế ư? - Ellen đỏ mặt, còn bác Albert Morris thì phá lên cười.
- Tôi mê tất cả các cô gái mà anh David vẫn gặp gỡ.
- Không thể có chuyện ấy!
Bác Morris đưa tiền trả lại cho Hooper, còn anh thì nói với Ellen:
- Tôi lái xe đi ra cảng. Chở chị đi nhé?
- Cám ơn. Tôi cũng đi. - Chị cảm ơn bác Morris rồi đi ra cửa. Hooper theo sau.
- Vậy ra bây giờ anh là nhà bác học? - chị hỏi khi hai người đã ra ngoài phố.
- Cũng tại số cả. Thoạt đầu tôi đã định đi chuyên về Anh văn cơ. Nhưng sau có dự một cua về sinh học hải dương, chẳng qua chỉ vì tò mò, thế mà mắc câu.
- Đại dương lôi cuốn anh đến thế cơ à?
- Vừa có lại vừa không. Tôi luôn luôn say mê biển cả. Khi tôi mới mười hai mười ba tuổi, đối với tôi không có khoan khoái nào hơn việc vớ lấy cái bị ra bãi tắm rồi nằm trên cát cả đêm, lắng nghe tiếng sóng vỗ và nghĩ xem chúng từ đâu đến và đã gặp bao nhiêu thứ trên đường đi. Còn cái lưỡi câu mà tôi mắc phải hồi học đại học là những con cá, còn nếu nói chính xác hơn thì là những con cá mập.
Ellen phì cười:
- Lại còn say mê được cá mập nữa kia à? Kinh quá! Cũng chả khác nào có cảm tình với chuột cống.
- Nhiều người vẫn nghĩ thế, - Hooper nhận xét. - Nhưng những người ấy lầm. Ở cá mập có tất cả những gì có thể làm nhà khoa học ngây ngất. Chúng đẹp, trời ạ, chúng đẹp lắm! Cá mập là một cơ thể nhạy không tưởng tượng được và hoạt động nhịp nhàng đến lạ lùng. Chúng duyên dáng như loài chim và cũng bí ẩn vô cùng, như bất kỳ loài sinh vật nào trên trái đất. Không ai rõ chúng sống được bao lâu và bị những bản năng nào - ngoài sự đói bụng - chi phối. Có hơn hai trăm rưởi loại cá mập, mà chúng khác nhau rõ rệt lắm! Lắm khi một nhà khoa học cả đời vắt óc để giải đáp điều bí ẩn của cá mập, đã sắp sửa đưa ra những luận cứ nào đó thì bỗng dưng một sự kiện mới biến toàn bộ công việc trước kia của người đó thành con số không. Suốt hai thiên kỷ nay con người đã cố sức tìm một phương tiện có hiệu quả có thể làm cá mập sợ, nhưng chẳng tìm ra được cái gì cả. - Anh im lặng nhìn Ellen và mỉm cười. - Xin lỗi. Tôi không định giảng bài đâu. Chẳng qua tôi cũng hơi hâm hâm, chắc chị đã nhận ra điều đó.
- Còn anh chắc đã nhận ra là trong vấn đề này tôi mít đặc. Anh đã học ở trưởng Tổng hợp Yale?
- Vâng. Còn ở đâu được nữa? Ngoài người chú tôi bị đuổi khỏi trường địa chất ở Andover, và chú ấy tốt nghiệp hoặc là ở Miami, hoặc là ở Ohio, còn tất cả nam giới gia đình chúng tôi trong suốt bốn thế hệ đều học ở trường Tổng hợp Yale. Sau đó tôi vào khoa nghiên cứu sinh của trường Tổng hợp Florida. Rồi hai năm nay tôi săn lùng cá mập khắp thế giới.
- Ắt là thú vị lắm?
- Thú không thể tả được. Hệt như thả anh bợm rượu vào nhà máy rượu bia. Tôi đã nghiên cứu cá mập ở Biển Đỏ và đã lặn theo chúng ngoài bờ biển Australia. Càng tìm hiểu về chúng bao nhiêu, tôi càng vỡ lẽ ra rằng mình chẳng biết gì về chúng cả.
- Anh đã lặn theo chúng cơ à?
Hooper gật đầu.
- Chủ yếu là ở trong lồng nhưng cũng có khi không có lồng. Tôi đoán được chị đang nghĩ gì. Nhiều người, như mẹ tôi chẳng hạn cho rằng tôi đi tìm cái chết. Nhưng một khi đã biết việc mình làm, thì hầu như không gây cho mình nguy hiểm gì.
- Chắc có lẽ anh là chuyên gia về cá mập cỡ lớn nhất thế giới.
- Tôi không nghĩ như vậy, - Hooper bật cười, - nhưng tôi muốn trở nên như vậy. Tôi chỉ không tham gia có mỗi một đoàn thám hiểm, mà tôi sẵn sàng đổi lấy bất cứ cái gì để được tham gia. Đó là đoàn thám hiểm của Peter Gimbel. Họ đã ghi hết vào phim, một đoàn thám hiểm như thế thực đáng mơ ước. Họ đã ở dưới nước với hai con cá mập trắng khổng lồ, cũng cùng loại với cái con ở đây.
- Tôi lấy làm mừng vì anh không tham gia vào đoàn thám hiểm ấy. Chắc anh muốn nhìn thế giới từ hàm một con cá mập. Nào, hãy kể cho tôi nghe về anh David. Anh ấy hiện nay ra sao?
- Nói chung thì tốt đẹp cả. Anh ấy làm môi giới buôn bán ở San Francisco.
- Nói chung? Anh ngụ ý gì thế?
- Chả là anh ấy đã lấy vợ lần thứ hai. Người vợ đầu có lẽ chị biết, là Patty Fremont.
- Có chứ. Tôi thường đánh tennis với chị ấy. Chị ấy tiếp quản David từ tôi. Có lẽ đúng là như vậy đấy.
- Họ sống với nhau ba năm, cho đến khi chị ta léng phéng với một nhà kinh doanh cỡ bự, chủ ngôi nhà ở Antibes. Khi ấy anh David tìm cho mình một cô gái khác. Bố cô ấy là người nắm cổ phần khống chế của một hãng dầu lửa. Cô gái khá là xinh xắn, nhưng ngu như bò ấy. Giá anh David có một chút ít khôn ngoan thì lẽ ra không đời nào lại chia tay với chị.
Ellen bừng đỏ mặt và khẽ lên tiếng:
- Anh lịch duyệt quá.
- Tôi nói nghiêm túc đấy. Giá ở địa vị anh ấy thì tôi đã hành động như vậy.
- Thế ở địa vị anh thì anh sẽ hành động như thế nào? Rút cục cô gái nào sẽ chinh phục được anh?
- Hiện giờ thì chưa có cô gái nào. Tôi nghĩ chẳng qua các cô gái không hiểu rằng họ bỏ lỡ những cơ hội như thế nào, - Hooper bật cười. - Chị hãy kể về mình đi. Thôi, cũng chả cần. Tôi sẽ thử đoán lấy. Ba con. Đúng không nào?
- Đúng. Tôi không tưởng rằng điều đó biểu hiện rõ thế.
- Ấy không đâu. Tôi không có ý nói vậy. Hoàn toàn không biểu hiện gì cả. Hoàn toàn không. Chồng chị, để tôi đoán nhé, là luật gia. Anh chị có căn hộ ở New York và có nhà ở Amity. Chắc là rất hạnh phúc. Tôi mừng cho chị.
Ellen vừa lắc đầu vừa cười.
- Không hẳn đâu. Tôi muốn nói là anh không đoán được hết mọi thứ. Chồng tôi làm cảnh sát trưởng ở Amity.
Mắt Hooper thoáng ngạc nhiên, chỉ trong khoảnh khắc. Vỗ tay lên trán, anh thốt lên:
- Chà, tôi ngố thật! Thế là Brody. Hay thật. Tôi mới làm quen với chồng chị chiều hôm qua. Anh ấy có vẻ cũng cừ lắm đấy.
Ellen có cảm tưởng đã bắt gặp một chút mỉa mai trong giọng nói của Hooper, nhưng lại gạt ngay ý nghĩ ấy. "Chẳng có gì để mà tưởng tượng vô cớ cả."
- Anh định ở đây có lâu không? - chị hỏi.
- Tôi không rõ. Nó còn tùy thuộc vào việc với con cá mập tiến triển đến đâu. Nếu con cá nó đi thì tôi cũng đi.
- Anh sống ở Woods Hole?
- Không xa đấy lắm. Ở Hyannisport. Tôi đã tậu được một ngôi nhà nho nhỏ ngay bờ biển. Tôi thích ở cạnh nước. Nếu tôi ở cách bờ biển quá mười dặm là ở tôi lại bột phát cơn bệnh sợ không gian bó kín.
- Anh chỉ sống có một mình thôi à?
- Vâng, có một mình thôi. Chỉ có tôi, một đống sách vở và bộ stereo mà tôi đã phải chi một cọc tiền to. Này, chị có còn nhảy nữa không?
- Tôi nhảy ấy à?
- Vâng. Bây giờ tôi mới sực nhớ. Anh David thường bảo rằng chị là người bạn nhảy cặp cừ nhất trong số tất cả những người đã từng nhảy với anh ấy. Chị đã đoạt giải thi có phải không?
Dĩ vãng tựa như con chim bị nhốt lâu trong lồng và đột nhiên được thả ra ngoài tự do, đang kéo đến lượn quanh chị. Lòng chị se lại vì nỗi buồn. Chị đáp:
- Vâng, đó là cuộc thi biểu diễn điệu samba[18]. Ở "Beach Club". Nhưng tôi không nhớ nữa. Không, tôi chẳng còn nhảy nữa. Martin không nhảy, mà nếu có nhảy chăng nữa, thì bây giờ tôi nghĩ là người ta không còn chơi điệu nhạc ấy nữa.
- Tiếc quá. Anh David nói là chị nhảy tuyệt lắm.
- Đấy là buổi khiêu vũ kỳ thú. - Ellen nói, chị đang chìm đắm trong ký ức để tái hiện lại trong trí nhớ những chi tiết nhỏ nhất. - Nhạc Jazz của Lester Lanin. "Beach Club" được trang hoàng bằng những quả chuông làm từ giấy bạc và những quả bóng bay. Anh David mặc chiếc áo vét đỏ ưa thích của mình.
- Bây giờ cái áo ấy tôi giữ, - Hooper nói. - Anh ấy trao lại cho tôi mặc.
- Hồi đó người ta chơi những bài hay thật. Anh David nhảy điệu tuxtép[19] đạt lắm. Làm bạn nhảy với anh ấy trong điệu tuxtép không phải là đơn giản, nhưng anh ấy không thích vanxơ, anh ấy bảo rằng vanxơ chóng mặt lắm. Hồi ấy ai cũng rám nắng, hình như cả mùa hè không có lấy một giọt mưa nào. Tôi còn nhớ buổi tối hôm ấy tôi mặc cái áo dài màu vàng, rất hợp với làn da bắt nắng của tôi. Có tiến hành hai cuộc thi: một đằng là thi nhảy saclơxtơn[20], cặp Susie Kendall và Chip Forgaty đã giật giải. Một đằng thì samba. Người ta nổi điệu "Braxin" ở mãi tận cuối, chúng tôi đã nhảy như thể toàn bộ đời mình tùy thuộc vào đó. Tôi đã tưởng khi điệu nhảy kết thúc thì tôi sẽ sụn xuống. Anh có biết giải thưởng chúng tôi giành được là cái gì không? Một lon gà hộp. Hộp ấy đã để ở phòng tôi cho mãi đến khi nó trương phình lên rồi bố tôi bắt ném nó đi. - Ellen mỉm cười. - Dạo đó vui vẻ thật. Tôi vẫn phải cố gắng đừng nghĩ đến nó nhiều quá.
- Tạo sao vậy?
- Chúng ta vô tình luôn luôn tô hồng quá khứ. Rồi sau đó, trong tương lai, chúng ta sẽ lại nghĩ về hiện tại y như thế. Khi người ta hay hồi tưởng lại những nỗi vui sướng đã qua thì trong lòng trở nên buồn bã. Bắt đầu nảy ra cái cảm tưởng là không bao giờ còn có thể tốt đẹp đến như trước kia nữa.
- Ấy thế mà tôi lại không nghĩ về quá khứ.
- Thật thế ư? Tại sao vậy?
- Chẳng qua nó chẳng lấy gì làm tuyệt diệu cho lắm, chỉ có thế thôi. David là con cả. Còn chuyện sinh tôi ra đời thì cha mẹ đã phải suy nghĩ trước đó một chút. Theo tôi hiểu thì bố mẹ tôi muốn bằng cách ấy củng cố mối quan hệ gia đình. Nhưng tôi đã không thể giúp họ việc đó được. Thật khá tồi tệ, khi anh không đáp ứng được hy vọng chủ yếu nhất. Khi cha mẹ tôi bỏ nhau thì anh David đã hai mươi tuổi. Còn tôi chưa đủ mười một tuổi. Thủ tục ly dị cũng không dễ dàng. Mà cả mấy năm trước đấy cũng chẳng êm thấm gì. Một chuyện tầm thường, ít có điều gì vui trong đó. Có thể là tôi hơi cường điệu. Nhưng dù thế này hay thế khác tôi vẫn mong chờ nhiều ở tương lai. Tôi ít khi ngoảnh lại quá khứ làm gì.
- Có thể như thế thì đúng hơn.
- Tôi không rõ. Có lẽ giá tôi có một dĩ vãng hạnh phúc thì tôi đã sống chủ yếu với nó. Nhưng mà... chuyện ấy thế là đủ. Tôi phải ra cảng đây. Hay là để tôi chở chị đi đâu đó?
- Không, cảm ơn anh. Ô tô của tôi đỗ ở bên kia phố mà.
- Thôi được. Chị biết không... - Hooper chìa tay ra. - Thật quả là tuyệt vời khi được gặp lại chị, và tôi hy vọng còn được trông thấy chị trước khi rời khỏi nơi đây.
- Tôi cũng mong muốn như vậy. - Ellen đáp, tay chị nắm chặt tay Hooper. Chắc tôi chẳng dám chắc rằng có thể rủ chị ra sân chơi tennis được đâu nhỉ?
Ellen cất tiếng cười.
- Ra sân tennis? Tôi đã chẳng còn nhớ cầm vợt tennis lần cuối cùng là khi nào nữa rồi. Dù sao cũng cảm ơn anh đã có lời mời.
- Không dám. Hẹn gặp lại nhé. - Hooper quay đi và rảo bước trên vỉa hè tới chiếc xe "Ford" màu xanh lá cây.
Ellen đứng nhìn Hooper nổ máy và lách xe từ bãi đậu ra phố. Khi anh cho xe đi ngang qua, chị giơ tay lên vẫy một cách rụt rè thiếu tự tin. Hooper thò tay trái ra ngoài cửa sổ xe vẫy lại. Sau đó anh ngoặt khuất vào góc phố.
Một nỗi buồn day dứt, khủng khiếp ập đến Ellen. Rõ ràng hơn bao giờ hết, chị bỗng hiểu ra rằng quãng đời tốt đẹp nhất của mình - cái phần tươi sáng và sung sướng đã chìm vào dĩ vãng. Nhận thức được điều ấy, Ellen cảm thấy có lỗi: như vậy có nghĩa rằng chị không phải là một người mẹ hiền, một người vợ hiền. Chị căm ghét cuộc đời của mình, chị căm ghét bản thân vì đã có cái nỗi căm ghét ấy. Chị bỗng thấy gợi lên câu hát mà Billy đã chơi trên bộ stereo: "Em sẵn lòng đổi tất cả những ngày mai của mình chỉ để lấy một ngày hôm qua". Chị có dám đồng ý đánh đổi như thế không? Ellen ngẫm nghĩ. Nhưng suy tư giờ còn tích sự gì nữa? Những cái ngày hôm qua ấy đã bay vèo đi rồi. Chẳng thể lấy lại được một cảm tưởng hạnh phúc nào của quá khứ nữa, chúng đã phóng đi ngày một xa về nơi không có lối trở lại.
Chị lại nhớ đến khuôn mặt tươi cười của Hooper. Hãy quên anh ta đi, chị tự nhủ. Tất cả những cái đó là trò ngốc nghếch. Không, - là sự tự hạ mình.
Ellen bước qua phố và ngồi vào ôtô. Khi đã ra đến đường cái, chị nhìn thấy Larry Vaughan đang đứng trong góc phố. "Trời, - chị kinh ngạc nghĩ, - cái ta nghĩ trong lòng thì ở ông ta nó hiện lên trên mặt".