Hàm Cá Mập
Chương 3
Đúng mười một giờ Brody đã ngồi trong phòng làm việc của mình và lập biên bản về vụ tai nạn.
Anh đã viết xong hết, chỉ còn điền nốt mục "nguyên nhân chết" nữa thôi, thì có tiếng chuông điện thoại vang lên.
- Carl Santos đây, Martin đấy phải không? - Brody nhận ra ngay giọng của điều tra viên tư pháp.
- Phải, Carl ạ. Ông muốn nói với tôi cái gì nào?
- Nếu ông không có căn cứ để cho rằng đã xảy ra một vụ giết người, thì tôi có thể nói rằng đó là tại cá mập.
- Giết người ư? - Brody hỏi lại.
- Cá nhân tôi thì không nghĩ như thế. Nhưng tôi có thể giả định, tuy rất khó tin, rằng một kẻ rồ dại nào đó đã đàn áp nạn nhân bằng rìu và cưa.
- Không, đấy không phải một vụ giết người, Carl ạ. Không có lý do để giết, không có công cụ để gây tội ác, và không có kẻ bị tình nghi, nếu xét đoán một cách lý trí.
- Thế thì là cá mập. Lại phải là đồ to khỏe lắm đấy. Đây cũng không phải là chân vịt tàu thủy chuyên tuyến. Phải nó thì nó đã chẻ đôi cô gái ra cơ, nhưng đằng này...
- Đủ rồi, Carl, - Brody cắt ngang. - Ta sẽ không thảo luận chi tiết. Không thì ruột gan tôi lại tùng phèo lên bây giờ.
- Xin lỗi Martin. Thế thì tôi sẽ ghi là cá mập tấn công. Tôi cho là giả thuyết này hợp với ông nhất, nếu như ông không... có những ý kiến đặc biệt.
- Không, - Brody nói. - Lần này thì không. Cám ơn ông đã gọi điện, Carl ạ.
Anh đặt ống nghe xuống, điền vào mục "nguyên nhân chết" mấy chữ "Bị cá mập tấn công" rồi ngả người ra lưng ghế.
Ý nghĩ rằng trong việc này có thể có những dự kiến đặc biệt trước kia chưa nảy ra trong đầu anh. Những dự kiến đặc biệt này đôi khi đặt anh vào những tình thế tế nhị khó xử, khi anh buộc phải tìm kiếm phương pháp bảo vệ lợi ích chung để khỏi làm hại đến thanh danh cả của mình lẫn của pháp luật.
Mùa nghỉ chỉ vừa mới bắt đầu, và Brody hiểu rằng: sự yên ổn của Amity trong suốt cả năm tùy thuộc vào việc ba tháng hè này sẽ trôi qua như thế nào. Một mùa nghỉ thành tựu sẽ tạo cho thị trấn khả năng sống không đói kém cho đến những tháng hè năm sau. Mùa đông, dân số Amity là một nghìn người, còn vào một mùa hè tốt đẹp số lượng người tăng đến chục nghìn. Và chín nghìn người đi nghỉ đảm bảo cho sự sinh tồn của một nghìn dân sở tại trong cả năm.
Chủ các cửa hàng kim khí, hàng thể thao và chủ hai trạm tiếp xăng, chủ dược phẩm - ai ai cũng trông cậy vào mùa hè lời lãi sẽ giúp họ đứng vững được qua mùa đông. Vợ đám thợ mộc, thợ tiện, thợ sửa ống nước đến hè là lại làm phục vụ ăn uống hoặc làm nhân viên các công ty bán bất động sản để nuôi sống gia đình trong mùa đông. Ở Amity chỉ có hai cơ sở có quyền buôn bán rượu quanh năm, cho nên đối với đa số các hiệu ăn và quán bar thì ba tháng hè có ý nghĩa quyết định. Còn đám dân đánh cá cho thuê tàu thuyền, thì cần có thời tiết tốt và sự cắn câu mau mắn, nhưng trước hết là cần có khách hàng.
Ngay cả sau những dịp hè thuận lợi nhất thì mùa đông ở Amity cũng vẫn khó khăn. Cứ mười gia đình thì có ba sống bằng tiền trợ cấp. Nhiều kẻ nam nhi mùa đông buộc phải lên bờ bắc đảo Long Island để gia công các mái chèo con con cốt lĩnh được vài đôla một ngày.
Brody biết rằng: chỉ cần một mùa hè không ăn nên làm ra là số người sống vào tiền trợ cấp sẽ tăng gấp đôi. Nếu tất cả các ngôi nhà không được thuê đầy kín, thì người da đen ở Amity sẽ không có việc làm, mà vốn nhiều người trong số họ phục vụ tại các khách sạn, được thuê làm người làm vườn, phục dịch các bar. Hai ba mùa hè khốn khó kéo liền nhau - mà điều này thì ơn Chúa, hai chục năm nay chưa bị - có thể bóp chết thị trấn. Nếu con người ta không có tiền để may sắm quần áo, nhiên liệu và thực phẩm, nếu như họ không có tiền sửa chữa nhà cửa và các tiện nghi sinh hoạt thì các nhà buôn và các công ty dịch vụ công cộng sẽ thua lỗ và không thể trụ đến mùa hè sang năm được. Các cửa hàng sẽ đóng cửa, dân chúng Amity sẽ phải đi mua thực phẩm ở các nơi khác. Thu nhập thuế sẽ đình lại, các cơ quan hành chính sẽ sa sút và sẽ bắt đầu tràn lan một cuộc bỏ chạy bán xới khỏi thị trấn.
Thành thử dân chúng Amity phải nâng đỡ lẫn nhau, từng người có nghĩa vụ cống hiến phần mình vào sự thịnh vượng của thị trấn. Brody sực nhớ chuyện vài năm trước có hai anh em, hai thanh niên đến Amity và mở xưởng mộc tại đây. Anh em Felix đến vào mùa xuân khi mà công việc có nhiều - người ta đang sang sửa các nhà ở cho du khách, nên họ niềm nở đón tiếp hai anh em. Trong công việc hai anh em này tỏ ra rất thành thạo, thế là nhiều thợ mộc của địa phương san sẻ các đơn đặt hàng với họ.
Nhưng đến giữa hè thì bắt đầu lan ra những tin đồn xấu về hai anh em. Albert Morris, chủ cửa hàng kim khí nói rằng bọn họ mua đinh thép thường, nhưng sau lại tính tiền như đinh tráng kẽm. Ở Amity khí hậu ẩm ướt, mang tính chất biển, nên đinh thép chỉ sau vài tháng là gỉ. Dick Spitzer chủ hộ vật liệu gỗ, đã đưa chuyện với ai đó, rằng anh em nhà Felix đã đặt mua một đợt gỗ chất lượng kém để dùng cho một ngôi nhà ở đường Scotch. Các cửa tủ bị vênh gần như ngay sau khi mắc vào bản lề. Có lần trong quán, Felix anh, tên là Armando đã huênh hoang trước các bạn rượu của mình rằng hắn khéo léo lừa người đặt hàng ra làm sao: công việc theo hợp đồng chỉ thực hiện hai phần ba mà tiền thì lĩnh cả. Còn Felix em - người ta gọi gã là Danny và mặt gã đầy trứng cá - thì thích trưng với bạn bè các cuốn sách khiêu dâm, đã thế lại còn khoe khoang rằng gã đánh cắp được ở các nhà mà gã đến làm việc.
Thợ mộc sở tại không còn san sẻ đơn đặt hàng với anh em Felix, nhưng tới lúc này hai anh em đã phát tài và có thể ung dung sống qua mùa đông. Chính khi ấy thì tính đoàn kết của dân chúng Amity đã thể hiện ra. Thoạt đầu người ta chỉ nói bóng nói gió với họ rằng họ đã ở lại thị trấn hơi lâu rồi đấy. Armando nghe đến đó chỉ ngạo mạn cười khẩy. Chẳng bao lâu sau đủ thứ khó chịu lặt vặt bắt đầu. Tự dưng tất cả các lốp xe của chiếc ô tô tải nhà hắn xì hết hơi, mà khi hắn gọi điện cho trạm bảo dưỡng thì người ta trả lời là cái máy bơm nén của họ hỏng rồi. Khi hắn cần thay một bình hơi thì các công ty địa phương dây dưa tới những tám ngày. Đơn đặt hàng của hắn đối với vật liệu xây dựng hoặc các vật liệu khác hoặc là không tới đúng địa chỉ hoặc là được thực hiện sau cùng. Tại các cửa hàng trước kia hắn vẫn mua khất thì bây giờ người ta đòi tiền mặt. Đến cuối tháng mười hãng "Anh em Felix" đã phải cuốn cờ và hai anh em hắn bỏ đi.
Phần đóng góp của Brody vào tình đoàn kết hiện tại của Amity - ngoài việc anh duy trì pháp chế và thông qua những quyết định tỉnh táo, chín chắn - còn ở chỗ ngăn chặn mọi tin nhảm, mà nếu ở Amity có xảy ra các tai nạn sự cố gì thì, sau khi thảo luận với Harry Meadows, chủ bút báo "Leader", phải đưa chúng trong mục "Tin tức" dưới ánh sáng cần thiết.
Nếu cảnh sát chặn xe của ai đó trong đám nhà giàu đi nghỉ đang lái xe trong trạng thái có hơi men thì trong sổ ghi chép Brody thích nhận xét - ngay lần vi phạm đầu tiên, - rằng lái xe không mang theo bằng và ở tờ "Leader" tin ấy được đăng tải ngay. Brody luôn luôn cảnh cáo lái xe rằng lần sau, nếu người đó còn dám lái xe trong trạng thái không tỉnh táo thì họ sẽ lập biên bản và đưa ra truy cứu trách nhiệm pháp lý.
Sự hợp tác giữa Brody và Meadows mang tính chất hết sức tinh tế. Nếu có nhóm thiếu niên nào từ thị trấn lân cận đến gây ra ẩu đả ở Amity thì Meadows luôn nắm được thông tin đầy đủ: họ tên, tuổi tác và các lời buộc tội kèm theo. Còn nếu chính đám thanh niên của thị trấn Amity lộng hành thì trên tờ "Leader" theo lệ thường, chỉ gói gọn một mẩu tin nhỏ không có họ tên và địa chỉ, trong đó thông báo với các bạn đọc rằng ở đâu đó trên đường Old Mill dã xảy ra một vụ vi phạm trật tự xã hội, do đó mà cảnh sát đã được gọi đến.
Bởi vì một vài người đi nghỉ coi "Leader" là tờ báo lý thú và đặt mua quanh năm, nên vấn đề cướp bóc và trấn lột mùa đông ở các biệt thự thanh vắng đã đạt tới mức tế nhị đặc biệt. Đã nhiều năm Meadows bỏ qua vấn đề ấy, dành quyền cho Brody chăm lo việc thông báo cho các chủ biệt thự bị cướp, trừng trị những kẻ phạm pháp và loại trừ các thiệt hại. Nhưng mùa đông năm 1963, trong vòng một tháng đã có mười sáu nhà bị cướp. Brody và Meadows đi đến kết luận rằng đã tới lúc tiến hành trên tờ "Leader" một chiến dịch rộng rãi chống các hành vi phá hoại xã hội. Kết quả của chiến dịch này là tại bốn mươi tám nhà đã lắp hệ thống tín hiệu với đồn cảnh sát, và bởi vì bọn côn đồ không biết nhà nào có hệ thống tín hiệu, nhà nào không nên các vụ cướp gần như chấm dứt. Điều ấy làm nhẹ gánh công việc cho Brody nhiều lắm và nâng uy tín của Meadows lên.
Đôi khi giữa Brody và Meadows cũng nảy sinh những bất đồng. Meadows thì kịch liệt chống bọn ma túy. Thêm nữa ông ta lại có một linh cảm nhạy bén khác thường của anh ký giả, hễ đánh hơi có chuyện gì là ông ta lần theo dấu vết như một con chó săn lão luyện, dĩ nhiên là nếu như không có "những dự kiến đặc biệt" kèm theo. Mùa hè năm 1971, con gái một nhà giàu ở địa phương khi tìm ra thì đã chết. Ở bãi tắm, ngay sát mép nước, gần đường Scotch. Theo quan điểm của Brody thì không có chứng cớ nào về một cái chết do bạo hành cả và vì gia đình cô ta phản đối việc mổ tử thi nên người ta đã chính thức tuyên bố rằng cô gái bị chết đuối.
Thế nhưng Meadows có cơ sở để cho rằng cô gái đã sử dụng ma túy và số ma túy ấy do con trai một chủ nông trại trồng khoai tây cung cấp. Meadows phải mất đến gần hai tháng để gỡ nút vụ này, cuối cùng ông ta đã đòi được mổ tử thi, và phát hiện ra cô gái bị chết đuối sau khi mất tri giác vì một liều hêrôin lớn. Ông đã lần ra kẻ buôn bán hêrôin và cả một băng chuyên tung các chất ma túy ra thị trấn. Vụ này đã làm hại nhiều đến danh tiếng của Amity, còn nặng hơn nữa đến cả bản thân Brody. Kể ra Brody cũng đã tổ chức một hai cuộc bắt bớ, nhưng việc này có dính dáng đến vấn đề vi phạm pháp luật, nên anh không hoàn toàn ém nhẹm được thiếu sót trong công tác của mình. Còn Meadows thì đã hai lần được tặng các giải thưởng đặc biệt của các nhà báo.
Bây giờ đến lượt Brody khăng khăng đòi tờ báo phải đăng chuyện vừa xảy ra. Anh định đóng cửa bãi tắm trong hai ba ngày cho cá mập có thời gian đi xa khỏi bờ. Anh không rõ là sau khi đã nếm mùi thịt người rồi, cá mập có đâm ra nghiện hay không (ở hổ thì anh nghe nói là có), nhưng lòng anh đầy quyết tâm bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân. Lần này anh muốn loan báo công khai, muốn mọi người cảnh giác: phải lo tránh xa mặt nước ra. Brody hiểu rằng anh sẽ phải đụng độ với phái đối lập hùng mạnh chống lại việc đăng báo vụ này. Cũng như các thành thị khác, Amity tiếp tục bị khổ sở vì những hậu quả của suy thoái kinh tế. Đầu mùa hiện giờ còn chưa hứa hẹn tốt đẹp gì. Người thuê nhà nhiều hơn năm ngoái, nhưng chủ yếu là loại "tép riu": những đám thanh niên mươi mười lăm người một đoàn từ New York đến và thuê chung nhà. Ít nhất mười hai ngôi nhà bên bờ biển giá từ bảy đến mười nghìn đôla cả mùa và vô vàn những ngôi nhà khác giá quãng năm nghìn đôla cho đến giờ vẫn chưa có khách. Cái tin chấn động về cá mập có thể sẽ đưa lại thảm họa cho Amity. Lại nữa, Brody hy vọng rằng một trường hợp rủi ro vào giữa tháng sáu, khi làn sóng những người đi nghỉ còn chưa tràn đến, sẽ bị mau chóng quên đi. Tất nhiên, một tai họa sẽ ít để lại ấn tượng hơn hai hoặc ba. Rất có thể là cá mập đã bỏ đi rồi, nhưng Brody dầu sao vẫn không muốn mạo hiểm với tính mạng con người.
Anh quay số điện của Meadows.
- Chào Harry, - anh nói.. - Hay là ta đi ăn với nhau nhé?
- Tôi cũng đang chờ ông gọi điện đây, - Meadows đáp. - Nhất trí thôi. Ăn ở đằng ông hay đằng tôi nào?
Brody chợt thấy ngay ra rằng anh không nên nói chuyện ăn uống vội. Dạ dày anh vẫn còn sủi réo ùng ục, chỉ nội nghĩ đến ăn là đã thấy buồn nôn rồi. Anh nhìn tấm lịch tường. Thứ năm. Cũng như tất cả những người quen biết khác sống bằng đồng lương eo hẹp, vợ chồng Brody vẫn mua những thứ bán rẻ vào ngày này ở siêu thị. Thứ hai mua thịt gà, thứ ba thịt cừu và cứ thế mà tiếp, sự đa dạng duy nhất trong thực đơn của họ là rắn đẻn và cá rô - nếu như một ngư dân quen nào đó cho họ. Vào thứ năm bán giá hạ thì có món bít-tết băm. Nhưng thịt băm thì hôm nay Brody trông thấy đã quá đủ rồi.
- Ở đằng nhà ông nhé, - anh nói. - Cứ để cho người ta bưng cho chúng ta món gì đó ở hiệu. Ta sẽ ăn trong phòng làm việc của ông.
- Xong ngay, - Meadows nói. - Gọi cho ông món gì nào?
- Xalát với trứng và một cốc sữa. Tôi sẽ lại đằng ông ngay bây giờ đây. - Brody gọi điện cho Ellen báo sẽ không về ăn cơm nhà.
Harry Meadows người mập thù lù, ngay đến một hơi thở sâu cũng đòi hỏi ở ông ta không ít sức lực đến nỗi những giọt mồ hôi toát ra trên trán. Ông ta gần năm mươi, ăn rất nhiều, hút xì gà rẻ tiền, uống uýt-xki và như ông bác sĩ đã nói, chiếm chỗ hàng đầu trong số các ứng cử viên của bệnh nhồi máu cơ tim lan tràn trong thế giới phương Tây.
Khi Brody bước vào, Meadows đang phẩy khăn mặt xua những cụm khói xì gà về phía cửa sổ để ngỏ.
- Cứ xét theo các món ăn ông gọi cho bữa trưa thì sức khỏe của ông tồi lắm rồi đấy, - ông ta nói. - Tôi đang thông khí căn buồng đây này.
- Cám ơn sự săn sóc của ông.
Brody đưa mắt nhìn cái phòng nhỏ chất đầy báo chí, giấy má để tìm chỗ có thể ngồi được.
- Ông cứ hất khỏi ghế cái mớ lăng nhăng này đi - Meadows nói. - Toàn báo cáo đủ loại đấy mà. Báo cáo từ quận, báo cáo từ bang, báo cáo của ủy ban đường ô tô và của ủy ban cấp nước. Có dễ tốn đến hàng triệu bạc, mà xét về quan điểm thông tin thì chẳng được tích sự gì.
Brody nhấc chồng giấy đặt lên thiết bị lò sưởi. Sau đó anh kéo ghế lại bàn viết và ngồi xuống. Meadows rút trong túi giấy lớn ra bao sữa và miếng bánh mì kẹp nhân bọc giấy bóng rồi đẩy lại phía Brody. Sau đó mới lấy phần ăn của mình ra: bốn gói riêng; ông giở chúng ra và tựa như người thợ kim hoàn trưng bày những đồ châu báu hiếm, ông lần lượt bày một cách nâng niu trước mình khoai tây rán, thịt viên tẩm nước sốt cà chua, dưa chuột ngâm cỡ như quả bí con và một phần tư cái bánh chanh. Ông lôi từ tủ lạnh đặt sau lưng ra một lon bia lớn.
- Rõ ra trò, - Meadows vừa nhìn khắp mặt bàn đồ ăn vừa nói.
- Tuyệt thật, - Brody nuốt cái ợ chua rồi nói. - Tuyệt hết chỗ nói. Tôi đã ăn với ông có dễ đến nghìn lần rồi mà vẫn chưa thể quen với cảnh tượng này được, Harry ạ.
- Mỗi người đều có chỗ yếu của mình, ông bạn ơi, - Meadows vừa vớ lấy miếng bánh mì kẹp nhân vừa nói. - Có kẻ chạy theo vợ người ta. Có kẻ lại thích rượu nặng. Tôi thì tìm lạc thú trong việc vỗ béo cho cơ thể mình.
- Ông nghĩ xem, Dorothy sẽ cảm thấy "lạc thú" như thế nào, khi đến một ngày kia quả tim ông không chịu được nữa phải bảo: vĩnh biệt nhé, anh chàng phàm ăn tục uống, với tôi thế là đủ rồi!
- Tôi đã nói chuyện này với Dorothy, - sau khi tống đầy mồm, Meadows lên tiếng, - và đã đi đến kết luận rằng một trong những ưu việt ít ỏi của con người so với các sinh vật khác là ở chỗ anh ta có thể tự chọn cho mình một cái chết. Sự ăn uống có thể sẽ giết chết tôi, nhưng nó là cái cho tôi lạc thú ở đời. Vả lại, chết vì tham ăn vẫn còn hơn là chết trong bụng cá mập. Sau cái chuyện xảy ra sáng nay thì tôi tin rằng ông sẽ đồng ý với tôi.
Brody chưa kịp nhai hết miếng bánh mì, anh phải nỗ lực lắm mới nuốt nổi.
- Ông thật chẳng biết thương người tí nào, - anh nói.
Họ im lặng ăn trong vài phút. Brody ăn hết phần bánh của mình, uống xong sữa, vo giấy lại thành cục rồi nhét nó vào cái cốc con bằng nhựa. Ngả người ra ghế, anh lấy thuốc hút. Meadows vẫn còn ăn, Brody biết rằng không có gì có thể làm mất sự ngon miệng của bạn mình được. Anh nhớ có một lần, Meadows, khi đã tới nơi xảy ra tai nạn ô tô chết người, vừa hỏi han các cảnh sát và những hành khách còn lành lặn, vừa nhai kẹo.
- Nhân cái chết của cô Watkins, - Brody vào đề, - trong đầu tôi mới phác ra những ý nghĩ như thế này, tôi muốn ông nghe tôi. - Meadows gật đầu. - Thứ nhất là về nguyên nhân cái chết, theo cách nhìn của tôi thì không thể có hai ý kiến. Tôi đã nói với Santos rồi...
- Tôi cũng thế.
- Vậy là ông cũng biết anh ta nghĩ gì. Đó là do cá mập tấn công. Rõ như ban ngày rồi. Nếu như ông có trông thấy thi thể, ông cũng phải nói như vậy
- Tôi đã trông thấy thi thể rồi.
Brody sửng sốt. Không lẽ con người hôm nay vừa mới trông thấy cái đống lầy nhầy ấy, bây giờ lại có thể ung dung ngồi mút nhân bánh chanh ở ngón tay?
- Nghĩa là ông đồng ý với tôi?
- Ừ. Tôi đồng ý rằng cô ấy chết vì bị cá mập tấn công. Nhưng có một loạt những tình tiết mà tôi chưa rõ.
- Ví dụ?
- Ví dụ, tại sao cô ấy lại đi tắm vào thời gian ấy. Ông biết nhiệt độ không khí lúc nửa đêm là bao nhiêu không? Sáu chục độ[10]. Còn nhiệt độ nước? Quãng năm chục[11], phải là người không bình thường mới đi tắm vào cái lúc lạnh như thế.
- Hoặc là người say rượu, - Brody đệm vào.
- Có thể. Ừ, mà có lẽ ông nói đúng. Tôi đã cho hỏi rồi: vợ chồng Foote không xài marijuana và các loại cây cỏ tương tự. Tôi đang lo điều khác kia.
Brody cảm thấy bực dọc.
- Thôi, Harry ạ, ông thì chỉ chực đuổi theo những bóng ma thôi. Thật ra thì thỉnh thoảng con người ta cũng chết vì tai nạn.
- Tôi không nói chuyện ấy. Chẳng qua khó mà tin được rằng ở chỗ chúng ta đây lại xuất hiện cá mập, nước hãy còn lạnh kia mà.
- Có thể một số cá mập thích nước lạnh. Chúng ta nào đã biết gì về cá mập?
- Có loài cá mập Greenland, nhưng chúng chưa bao giờ bơi về phương nam xa đến như vậy, mà nếu có bơi thì thông thường là chúng không động đến người. Chúng ta biết gì về chúng ư? Tôi xin nói với ông rằng: lúc này đây tôi biết về chúng kỹ hơn nhiều so với ban sáng. Sau khi tôi trông thấy phần thi thể còn sót lại của cô Watkins, tôi đã gọi điện cho một cậu người quen của tôi tại Viện Hải dương học Woods Hole. Tôi đã mô tả cái xác cho cậu ấy nghe, cậu ta bảo rằng cứ theo mọi khía cạnh mà suy thì chỉ có một loại cá mập có thể làm được như vậy thôi.
- Loại nào?
- Cá mập trắng lớn. Có những loài khác cũng tấn công con người, chẳng hạn cá mập hổ, cá mập búa, và có thể cả cá macô và cá mập xanh lơ, nhưng cái cậu này, cậu Hooper - Matt Hooper - đã nói với tôi rằng muốn cắn người phụ nữ làm đôi thì hàm con cá mập phải nặng thế này này, - Meadows giang tay ra một khoảng chừng ba bộ, - mà loài cá mập duy nhất có hàm như thế và tấn công con người là cá mập trắng lớn. Chúng còn được gọi bằng tên khác nữa.
- Còn tên khác nữa? - Brody đã bắt đầu mất hứng thú. - Tên gì?
- Cá ăn thịt người. Những cá mập khác đôi khi cũng tấn công người vì nhiều lý do khác nhau - khi chúng đói hoặc hoảng sợ một cái gì đó. Hoặc là chúng đánh hơi thấy máu trong nước. À mà này, cái cô Watkins kia đêm hôm qua có thấy tháng không nhỉ?
- Tôi làm thế quái nào mà biết được?
- Tò mò thì hỏi vậy thôi. Hooper khẳng định rằng trong trường hợp như thế thì nguy cơ bị cá mập tấn công tăng vọt lên.
- Tất nhiên rồi.
- Cậu ấy bảo rằng cá mập trắng bơi trong nước lạnh ung dung lắm. Mấy năm trước cá mập đã lao vào một thằng bé ở bờ biển San Francisco. Nhiệt độ nước là năm mươi độ.
Brody rít thuốc lá, một hơi sâu. Anh nói:
- Quả thực ông đã biết được không ít về chúng.
- Tôi được chỉ đạo bởi... ta gọi đó là ý nghĩ lành mạnh và tôi muốn biết đích xác chuyện gì đã xảy ra và nó có thể lặp lại hay không.
- Vậy thì cái mối nguy hiểm ấy nó có lặp lại không?
- Không. Gần như không tồn tại. Từ đó tôi rút ra kết luận rằng đây là tai họa có một không hai. Cá mập trắng lớn rất hiếm khi gặp, đấy là cái điều tốt duy nhất mà ta có thể nói về chúng. Hooper cho là như vậy. Có đầy đủ cơ sở để coi rằng con cá mập tấn công cô nàng Watkins đã bỏ đi lâu rồi. Ở đây không có đá ngầm. Không có nhà máy cá hộp hay lò mổ súc vật để mà có thể làm rơi rớt máu và ném lòng ruột xuống nước. Tóm lại, không có cái gì có thể hấp dẫn cá mập. - Meadows im lặng và chăm chú nhìn Brody, anh chịu đựng được cái nhìn của ông ta. - Cho nên, Martin ạ, tôi cảm thấy có lẽ không việc gì phải làm mọi người nhốn nháo vì một sự kiện hầu như chắc chắn là sẽ không lặp lại nữa.
- Còn xét xem từ phía nào đã, Harry ạ. Nếu tai biến vừa rồi khó lòng lặp lại, thì tại sao không nói cho mọi người hay là nó đã diễn ra có một lần?
Meadows thở dài.
- Có thể ông nói đúng. Nhưng Martin ơi, đây là một trong những trường hợp mà chúng ta phải được chỉ đạo không phải bằng những quy tắc, mà bằng sự chăm lo đến mọi người. Tôi nghĩ rằng thông báo sự kiện này không đáp ứng gì cho lợi ích của dân chúng. Tôi không ngụ ý dân chúng địa phương. Họ sẽ dược biết tin này khá nhanh, nếu còn chưa biết tin. Còn những người đọc báo "Leader" ở New York, Philadelphia, Cleveland kia thì sao?
- Ông tự phỉnh bản thân nhỉ.
- Đừng có ấm ớ nữa, ông hiểu tôi muốn nói gì rồi. Ông cũng biết sự thể việc cho thuê nhà của chúng ta hè này ra sao. Chúng ta chính là đang bên bờ mép của thảm họa, cũng như dân Nantucket, Vineyard và East Hampton ấy. Chả là nhiều người còn chưa quyết định hè sẽ đi nghỉ ở đâu. Họ biết rằng năm nay tha hồ mà chọn. Nhà cho thuê thì muốn bao nhiêu cũng có. Nếu tôi cho đăng bài báo về chuyện một phụ nữ bị con cá mập khổng lồ cắt đứt đôi người ở bờ biển Amity thì các chủ nhà sẽ không thể cho thuê được lấy một cái biệt thự. Martin này, cá mập cũng chả khác nào bọn cướp, bọn giết người, trong đấy có cái gì đó dã man, độc ác không tránh được và người ta phản ứng với cả loại này lẫn loại kia đều như nhau. Nếu chúng ta đăng báo về con cá mập giết người thì như thế là vĩnh viễn mất hy vọng vào một mùa hè lời lãi.
Brody gật đầu:
- Tôi khó lòng phản bác ông được, Harry ạ, mà tôi cũng chẳng dễ chịu gì lắm khi phải loan báo với mọi người chuyện bên bờ biển của ta có một con cá mập giết người đang lượn lờ. Nhưng thử đứng vào vị trí của tôi mà xem. Tôi không định bác bỏ những lý lẽ của ông. Phần nhiều là ông đúng. Rất có khả năng là con cá mập này đã bơi khỏi đây hàng trăm dặm rồi và không bao giờ ló mặt về nữa. Nhưng Harry này, hãy hình dung lấy một phút thôi, rằng ông nhầm. Ta giả sử - chỉ giả sử thôi - là chúng ta ỉm biến cố này đi và con cá mập sẽ lại tấn công một người nào đó. Khi đó thì sao? Tôi sẽ phải gánh chịu tất cả. Tôi có nghĩa vụ phải lo cho an ninh của mọi người đang sống ở đây, và nếu tôi không thể bảo vệ họ được thì ít ra cũng phải cảnh báo về nguy cơ đang đe dọa họ. Tôi một mực yêu cầu ông in chuyện đó. Tôi định đóng cửa các bãi tắm chỉ hai ba ngày để phòng xa thôi. Cũng chả có ai bất tiện gì lớn lắm. Thiên hạ còn chưa kéo đến đây nhiều, với lại nước cũng lạnh. Nếu chúng ta nói thẳng cho mọi người biết những gì đã xảy ra và giải thích hành động của chúng ta thì chỉ có lợi mà thôi.
Meadows ngả người ra ghế nghĩ ngợi.
- Tôi không biết ông sẽ hành động thế nào, chứ còn phần tôi thì quyết định đã được quyết rồi.
- Thế nghĩa là thế nào?
- Sẽ không có một mẩu tin nào về vụ này trên tờ "Leader" hết.
- Ông nói nghiêm túc đấy chứ?
- Khá nghiêm túc. Không thể nói là bản thân tôi quyết định như vậy, nhưng nói chung thì tôi đồng ý với quyết định này. Tôi là chủ bút và đồng chủ nhiệm tờ báo này, nhưng cổ phần khống chế không ở tôi, nên tôi không thể đối chọi được với áp lực nhất định nào đó.
- Áp lực nào?
- Sáng hôm nay người ta đã gọi điện cho tôi sáu lần: Năm nơi chuyên thuê đăng quảng cáo - tiệm ăn, khách sạn, hai công ty bán bất động sản và tiệm cà phê, kem. Họ hỏi tôi có định đăng mẩu tin về cô Watkins này không và bằng mọi cách ra sức cho tôi hiểu rằng, theo ý kiến của họ, nếu câu chuyện này không lan truyền công khai thì sẽ hay hơn cho Amity. Cú điện thoại thứ sáu là của ông Coleman từ New York, - người nắm trong tay năm mươi lăm phần trăm cổ phần báo "Leader". Hình như ai đó đã gọi điện cho ông ta. Ông ta tuyên bố với tôi là không được có một thông báo nào trên tờ "Leader" hết.
- Không biết quyết định của ông ta có bị chi phối bởi sự kiện là vợ ông ta làm người môi giới của hãng mua bán bất động sản không nhỉ? Ông ta có nói cho ông hay chuyện ấy không?
- Không, - Meadows đáp. - Chẳng nói năng gì cả.
- Hẳn thế mà lại. Vậy là tình hình như thế nào rồi, Harry? Ông không định đăng cái tin ấy vì theo ý kiến của các độc giả có thế lực của tờ "Leader" thì chẳng có chuyện gì khác thường xảy ra cả. Còn tôi, tôi sẽ đóng cửa các bãi tắm và sẽ đặt một vài biển báo nguy hiểm.
- Tùy thôi! Martin ạ, đấy là việc của ông. Nhưng xin nhắc ông một điều. Ông đang ở trên một chức vị được bầu lên đấy chứ nhỉ?
- Ừ, thì cũng như tổng thống thôi. Một nhiệm kỳ bốn năm ròng rã.
- Đã là chức vị được bầu lên cũng có thể không được bầu lại.
- Đấy là lời đe dọa phải không Harry?
Meadows mỉm cười.
- Ông biết xếp loại các câu nói tài hơn. Với lại, tôi là cái thứ gì mà đe dọa? Chẳng qua tôi muốn ông suy nghĩ về những hậu quả của những hành động của mình trước khi dấn thân vào việc chống lại lợi ích của dân chúng Amity, những người đã bầu ông lên...
Brody đứng lên:
- Cám ơn Harry. Tôi đã nghe nói nhiều lần: kẻ nào nắm trong tay quyền lực thì bao giờ cũng cô độc. Tôi phải trả bữa ăn bao nhiêu cho ông?
- Chẳng phải trả giá gì cả. Tôi không thể lấy tiền của một người mà gia đình anh ta sắp sửa phải nì nèo ăn các phiếu ăn không mất tiền.
- Đừng có trông chờ điều đó. Chẳng lẽ ông không biết rằng làm cảnh sát là một đảm bảo cho sự sung túc đó sao? - Brody phá lên cười.
Brody chưa kịp về đến phòng làm việc của mình thì người ta đã thông báo cho anh qua hệ thống loa: "Thị trưởng đang ở đây, ông ấy muốn gặp thủ trưởng".
Brody cười khẩy. Thị trưởng. Chứ không phải là Larry[12] Vaughan tạt vào thăm hỏi anh. Không phải là Lawrence Vaughan, một trong các chủ công ty bán bất động sản "Vaughan & Penrose", ghé vào đây phàn nàn chuyện những người thuê nhà làm ầm ĩ quá. Mà là thị trưởng Lawrence P. Vaughan - đại biểu của dân, người đã thu được bảy mươi mốt phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua.
- Hãy mời đức ông ấy vào đây - Brody nói.
Larry Vaughan là một người đàn ông cân đối, đẹp đẽ ngoài năm mươi một tí. Màu trắng bạc chỉ mới khẽ chạm vào mái tóc dày. Ông là dân Amity gốc, cùng với năm tháng, trong phong cách của ông đã xuất hiện sự điềm tĩnh, tinh tế. Vaughan gom được của cải cho mình bằng việc đầu cơ bất động sản ở Amity và là đồng chủ chính của một công ty đang phát đạt nhất trong thị trấn (một số người cho rằng ông ta là người chủ duy nhất, bởi vì trong văn phòng của Vaughan chưa bao giờ có ai gặp một người nào họ Penrose cả). Ông ta ăn mặc trang nhã và giản dị, thiên về các áo vét mốt Ănglê, các loại sơ mi đứng đắn và giầy da mềm. Nếu như Ellen Brody, rơi từ môi trường dân đi nghỉ vào môi trường dân gốc, thế nhưng vẫn không trở thành "người nhà" trong đám dân gốc, thì Vaughan, vốn gốc Amity, lại dễ dàng, mà không mất đi vẻ đĩnh đạc, vươn lên ngang tầm đám nhà giàu đi nghỉ. Họ không nhìn thấy ở ông kẻ bằng vai phải lứa, dù sao ông cũng chỉ là một thương gia địa phương, và chưa bao giờ mời ông về nhà chơi ở New York hay Palm Beach. Nhưng ở Amity, ông giao tiếp thoải mái với tất cả mọi người, trừ những đại diện giàu có và kiểu cách nhất của tầng lớp nghỉ hè, và sự giao tiếp này tạo điều kiện rất nhiều cho thành công trong sự nghiệp của ông. Vaughan thường được mời dự các buổi tiếp kiến, và bao giờ ông cũng đi một mình. Trong đám bạn bè của ông ít ai biết rằng ở nhà ông có một người vợ chất phác yêu chồng hết mực và phần lớn thời gian dành vào việc may vá bên cái máy thu hình.
Brody có cảm tình với Vaughan. Mùa hè họ ít gặp nhau nhưng sau ngày lễ lao động[13], khi cơn cao điểm mùa hè đã lui, Vaughan và vợ thỉnh thoảng vẫn mời Brody đến xơi cơm với họ ở một trong những hiệu ăn ngoại ô sang trọng. Những lần ấy khiến Ellen mãn nguyện lắm, và chỉ riêng điều ấy cũng làm Brody thấy hạnh phúc. Có vẻ như Vaughan hiểu Ellen. Với chị, bao giờ ông cũng thân thiện và bao dung.
Vaughan bước vào phòng làm việc của Brody và ngồi xuống.
- Tôi vừa mới nói chuyện với Harry Meadows, - ông ta mở đầu câu chuyện.
Vaughan rõ ràng là đang bồn chồn, điều ấy khiến Brody quan tâm. Anh không ngờ một phản ứng như vậy. Anh nói:
- Tôi thấy là Harry không bỏ phí thời gian tí nào.
- Anh định nhận được sự cho phép đóng cửa các bãi tắm ở đâu?
- Larry, anh hỏi tôi với tư cách là thị trưởng hay là chủ công ty bán bất động sản, hay chẳng qua vì chỉ vì sự tò mò bè bạn?
Vaughan căng toàn thân lên. Brody thấy ngay là ông ta đang tự kiềm chế một cách khó khăn.
- Tôi muốn biết là anh định xin được sự cho phép ấy ở đâu? Tôi muốn biết điều đó ngay bây giờ.
- Tôi không chắc là mình có phải xin xiếc gì hay không, - Brody đáp. - Có những điều khoản nhất định mà chiểu theo đó thì tôi có thể quyết bất cứ những hành động nào mà tôi xét thấy cần, trong trường hợp nảy sinh những hoàn cảnh khẩn cấp và tôi cho rằng các ủy viên quản trị thị trấn phải tự ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhưng tôi không rõ anh có muốn bày ra sự việc nhiêu khê ấy không.
- Điều ấy bị loại trừ.
- Được rồi. Nếu nói một cách không chính thức đến sự việc đã xảy ra, thì tôi coi trách nhiệm của mình là làm hết sức để bảo đảm an toàn cho những người sống trong thị trấn, và vào thời điểm này, theo ý tôi, muốn thế thì phải đóng cửa các bãi tắm hai ba ngày. Còn nếu có ai đó vẫn cứ nhất quyết ra tắm, thì chưa chắc tôi có thể bắt người đó về tội vi phạm điều cấm. Họa chăng, - Brody cười khẩy, - là tôi chỉ có thể quy kết cho người đó tội ngu ngốc đến mức tội ác.
Nhưng hiển nhiên điều đó đã không làm Vaughan chú ý mấy.
- Tôi không muốn anh đóng cửa các bãi tắm, - ông ta nói.
- Tôi đã hiểu điều đó.
- Anh có biết tại sao không? Ngày mồng bốn tháng bảy[14] chẳng còn bao xa nữa, và nhiều cái phụ thuộc vào mấy cái ngày lễ ấy lắm. Chúng ta đang tự chặt chân mình đấy[15].
- Tôi hiểu những lý lẽ của anh, nhưng anh cũng phải hiểu tại sao tôi lại muốn đóng cửa các bãi tắm.
- Tôi không mưu đồ một lợi ích cá nhân nào cả.
- Phải, ở đây chẳng có chút hơi hướng lợi ích cá nhân nào của anh cả. Mà ngược lại thì đúng hơn. Nghe này, Martin, thị trấn ta không cần đến cái chuyện giật gân kiểu ấy.
- Nhưng nó cũng không cần những nạn nhân mới.
- Trời ơi, chẳng có nạn nhân nào nữa hết! Mà anh đóng cửa các bãi tắm để đạt cái gì? Chỉ tổ làm bu đến đầy một bầy phóng viên đâu cũng sục sạo và chọc mũi vào những chỗ không nên chọc.
- Thế thì đã sao nào? Nếu bọn họ có đến chăng nữa thì cũng chẳng tìm thấy cái gì đáng giá và sẽ lại kéo nhau đi. Tôi không nghĩ rằng "New York Times" ("Thời báo New York") quan tâm gì lắm đến một cuộc picnic dã ngoại hoặc một bữa ăn ở một câu lạc bộ nào đó.
- Cái lũ nhà báo ấy chẳng được tích sự gì hay ho cho ta cả. Nhỡ đâu bọn họ moi móc ra cái gì đó thì sao? Bọn họ sẽ làm rùm beng lên, mà ta cần gì sự rùm beng ấy?
- Larry, thế bọn họ có thể moi móc được cái gì nào? Tôi đây chẳng hạn, chẳng có gì phải giấu cả. Còn anh?
- Tôi cũng chẳng có gì phải giấu. Chẳng qua tôi nghĩ là... có thể là... những vụ hiếp dâm ấy, chẳng hạn. Những chuyện xấu xa nào đó.
- Chuyện vặt, - Brody lên tiếng, - tất cả những cái ấy đều là chuyện từ đời nảo đời nào rồi.
- Khỉ gió nhà anh, Martin ạ! - Vaughan ngừng giây lát, cố kìm mình. - Thôi được, anh chẳng buồn nghe theo tiếng nói của lý trí gì cả. Thế thì hãy nghe tôi đây, như nghe một người bạn. Tôi bị các bạn hàng gây sức ép ghê gớm. Đối với chúng tôi mọi chuyện có thể xoay ra chiều hướng xấu.
Brody cả cười:
- Larry, té ra anh còn có bạn hàng nữa kia? Lần đầu tiên tôi nghe thấy đấy. Tôi cứ tưởng rằng anh độc tôn cai quản cái cửa hàng của anh.
Vaughan lúng túng như thể đã nói ra những lời thừa. Ông ta lại nói:
- Công chuyện của tôi đâu phải đơn giản. Có khi chính tôi cũng khó lần. Hãy làm điều tôi yêu cầu nhé, Martin.
Brody nhìn sang Vaughan cố tìm hiểu xem động cơ của ông ta là gì.
- Tôi lấy làm tiếc, anh Larry ạ, nhưng không thể. Tôi có những trách nhiệm công vụ và tôi phải thực hiện chúng.
- Nếu anh không nghe lời tôi thì không loại trừ khả năng là chẳng bao lâu nữa anh sẽ mất cương vị này.
- Tôi không thuộc quyền anh. Anh không thể sa thải được nhân viên cảnh sát nào trong thị trấn cả.
- Anh có thể không tin tôi, nhưng tôi có những thẩm quyền nhất định đối với một viên cảnh sát trưởng.
- Tôi không tin điều đó.
Vaughan rút từ túi áo vét ra bản quy chế chức năng của hội đồng quản trị thị trấn Amity.
- Tôi nhường cho anh tự hiểu ra vấn đề, - ông ta vừa nói vừa lật nhanh quy chế. - Đây này, - ông ta đã tìm được trang cần xem và chìa cuốn sách qua bàn cho Brody, - ở chỗ này có nói rõ ràng rằng, tuy cảnh sát trưởng là do dân bầu lên, các ủy viên hội đồng quản trị có quyền truất bỏ anh ta.
Brody đọc hết mục Vaughan đã chỉ cho.
- Thì cứ giả sử là như vậy đi, - anh nói. - Nhưng tôi muốn được biết anh sẽ đưa ra cái gì làm "lý do xác đáng và có căn cứ"?
- Tôi mong mỏi rằng không phải dùng đến biện pháp đó. Tôi không nghĩ là câu chuyện của chúng ta sẽ đi quá xa. Tôi trông cậy vào sự hiểu biết của anh, bởi vì ý kiến của tôi và ý kiến của các ủy viên hội đồng quản trị thị trấn thì anh biết rồi.
- Của tất cả các ủy viên?
- Của đa số.
- Của ai mới được chứ?
- Tôi không có ý định liệt kê tên họ ra với anh. Tôi không nhất thiết phải làm điều đó. Anh chỉ phải vỡ vạc ra một điều: nếu anh không làm theo ý chúng tôi thì chúng tôi sẽ đặt vào vị trí của anh một người khác biết điều hơn.
Brody chưa bao giờ thấy Vaughan ở trạng thái hung hăng như vậy. Anh lấy làm kinh ngạc với điều đó.
- Thực tình là anh cứ khăng khăng đòi như vậy phải không, Larry?
- Phải, - Vaughan cất giọng điềm đạm, khi đã cảm thấy trước thắng lợi. - Hãy tin tôi đi, Martin. Anh không phải hối tiếc đâu.
Brody thở dài. Anh nói:
- Sự việc thổ tả thật. Tôi rất không thích tất cả những cái đó. Nhưng một khi đã quan trọng đến mức ấy thì...
- Phải, đây là việc quan trọng, - lần đầu tiên trong suốt thời gian nói chuyện, mới thấy Vaughan mỉm cười. - Cám ơn Martin, - ông ta nói rồi đứng dậy. - Bây giờ tôi còn một sứ mệnh không lấy gì làm dễ chịu cho lắm là đến gặp vợ chồng Foote.
- Anh muốn họ không bép xép với tờ "Times" hoặc "News" chứ gì? Hay thật, anh định tác động đến họ ra làm sao?
- Tôi sẽ kêu gọi ý thức nghĩa vụ ở họ, - Vaughan nói, - cũng như đã kêu gọi anh ấy.
- Cái tiết mục này không ăn thua đâu.
- Ở đây có một điều có lợi cho chúng ta. Cô Watkins này chẳng qua chỉ là một cô nàng tiện dân lang thang không hơn không kém. Chẳng có gia đình, bạn bè gần gũi cũng không. Cô ta nói rằng cô ta đến bờ biển miền Đông từ bang Ohio theo vé tham quan bằng ôtô, chứ chẳng có ai rước đến cả.
Brody về tới nhà quãng năm giờ. Dạ dày anh đã trở lại trạng thái bình thường đến mức anh đã có thể uống bia trước bữa tối. Ellen trong đồng phục hộ lý màu hồng đang làm bếp, tay chị vục trong mớ thịt đã nghiền.
- Anh đã về, - vừa nói chị vừa chìa má ra để nhận cái hôn. - Chuyện gì xảy ra thế?
- Em chưa nghe thấy gì à?
- Chưa. Hôm nay là ngày tắm của các bà già. Em không ra khỏi bệnh viện lấy một phút nào cả.
- Một cô gái bị chết ở gần đường Old Mill.
- Chết vì sao?
- Cá mập. - Brody sục vào tủ lạnh lấy ra lon bia.
Ellen ngừng nhào thịt và ngạc nhiên nhìn chồng.
- Cá mập à?! Thật cả đời em chưa bao giờ nghe đến chuyện ấy cả. Có thể ở đây cũng có người trông thấy cá mập, nhưng chúng có động đến ai dâu.
- Ừ, anh biết. Chính anh cũng bắt gặp việc này lần đầu tiên.
- Thế anh định làm gì?
- Chẳng làm gì cả.
- Ơ hay? Anh cho thế là đúng à?
- Tất nhiên, anh cũng có thể làm được cái gì đó. Xét về hình thức. Nhưng thực chất thì chịu. Vì bản thân anh hay em có nghĩ gì về vấn đề này cũng chẳng có nghĩa lý gì cả. Những kẻ quyền thế ở trần gian này lo lắng đến ảnh hưởng của nó đối với Amity kia, chứ đâu như chúng mình chỉ toan lo chuyện một con cá mập nào đó tấn công một ai đó trong đám người vãng lai nơi đây. Tất cả bọn họ cho rằng sự tấn công này thuần túy là ngẫu nhiên và không đời nào lặp lại nữa, nhưng toàn bộ trách nhiệm thì bọn họ cứ muốn trút lên anh.
- Anh ám chỉ ai là những kẻ quyền thế của trần gian này?
- Larry Vaughan là một người trong bọn họ.
- Ra thế cơ đấy? Em không biết là anh đã nói chuyện với Larry.
- Ông ta bổ tới chỗ anh ngay sau khi vừa nghe được cái tin anh định đóng cửa các bãi tắm. Kể ra ông ta cũng không tỏ ra tế nhị cho lắm khi thuyết phục anh. Ông ta tuyên bố rằng sẽ sa thải anh nếu anh đóng cửa các bãi tắm.
- Em không thể tin được chuyện ấy, Martin ạ. Larry đâu phải con người như vậy.
- Trước kia anh cũng nghĩ thế. À mà này, em có bao giờ nghe nói đến các bạn hàng của lão ta chưa?
- Bạn hàng ấy à? Em cho rằng không có. Penrose là họ tên thứ hai của ông ta hoặc là cái gì đấy đại loại như thế. Nói chung em nghĩ rằng toàn bộ công ty thuộc về ông ta cả.
- Anh cũng đã nghĩ như vậy. Nhưng hiển nhiên là không phải thế.
- Anh đã bàn soạn với Larry trước khi quyết định như thế là tốt rồi. Ông ấy có tầm nhìn rộng hơn nhiều so với nhiều người trong chúng ta. Ông ấy biết rõ hơn phải hành động như thế nào.
Brody cảm thấy máu bốc lên đầu.
- Chuyện dấm dớ, - anh vừa nói vừa giật đứt cái quai sắt tây của lon bia rồi ném nó vào thùng rác. Sau đó anh bước ra phòng khách nghe tin thời sự buổi tối.
Từ dưới bếp Ellen nói với lên:
- Em quên nói là lúc nãy người ta đã gọi điện cho anh.
- Ai thế?
- Người ấy không xưng danh. Chỉ yêu cầu nhắn lại với anh là anh làm việc cừ lắm. Anh ta quý hóa nhỉ, có phải không?
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp