Hai Vạn Dặm Dưới Biển
Chương 34: Mỏ than ngầm dưới biển
-Giáo sư đấy à?
-A! Thuyền trưởng Nê-mô! Chúng ta đang ở đâu vậy?
-Thưa giáo sư, đang ở dưới đất.
-ở dưới đất!
-Tôi sửng sốt.
-Nhưng tàu vẫn chạy?
-Vẫn chạy như thường.
-Tôi xin chịu, không sao hiểu được.
-Ngài hãy ráng chờ mấy phút. Tôi sẽ cho bật đèn pha, và nếu ngài muốn biết rõ tình hình thì ngài sẽ được toại nguyện. Tôi lên boong đợi. Tối đến nỗi tôi không nhìn thấy Nê-mô nữa. Tuy vậy, ngước nhìn lên, tôi vẫn thấy đỉnh đầu một vệt sáng mờ lọt qua một lỗ thủng hình tròn. Nhưng lúc đó đèn pha được bật lên ánh đèn chói lòa nuốt trửng mất vệt sáng mờ kia. ánh điện sáng quắc, làm tôi phải nhắm mắt lại trong một phút. Sau đó tôi bắt đầu nhìn xung quanh. Tàu Nau-ti-lúx đỗ bập bềnh gần bờ đá cao giống như bến cảng. Biển cả biến thành một cái hồ có tường đá bao quanh. "Hồ" có đường kính khoảng hai hải lý, chu vi khoảng sáu hải lý. Mực nước trong "hồ" không thể khác mực nước đại dương được vì "hồ" và biển nhất định thông nhau. Nhưng bức tường đá dần dần chụm lại ở độ cao năm trăm hay sáu trăm mét, tạo thành một cái phễu khổng lồ lật ngược. Giữa phễu có một cái lỗ nhỏ để lọt qua ánh sáng mặt trời mờ mờ. Trước khi nghiên cứu cấu tạo bên trong của cái hang lớn này và tìm hiểu xem nó do bàn tay con người hay do thiên nhiên tạo nên, tôi hỏi Nê-mô:
-Thưa thuyền trưởng, tôi vẫn chưa hiểu chúng ta đang ở đâu.
-Trong lòng một núi lửa đã tắt. Trong khi giáo sư ngủ tàu Nau-ti-lúx đã lọt vào đây qua một lạch nước tự nhiên ở độ sâu mười mét. Đây chính là bến tàu! Một bến tàu vững chắc, thuận tiện, không bị ai nhòm ngó và tránh được gió tất cả các cấp! Giáo sư khó tìm thấy ven bờ các lục địa hay đảo một nơi nào, bảo đảm cho tàu thuyền tránh bão tốt hơn ở đây!
-Thưa thuyền trưởng, rất đúng. ở đây chúng ta được an toàn. Trong lòng núi lửa thì có cái gì đe dọa nổi chúng ta nữa! Nhưng ở đỉnh núi tôi thấy một cái lỗ.
-Đúng, đó là miệng núi lửa xưa kia phun ra dung nham hơi lưu huỳnh và lửa. Bây giờ miệng núi cung cấp cho chúng ta không khí trong lành. Vùng biển này rất nhiều đảo có nguồn gốc núi lửa. Đối với người đi biển bình thường thì đó chỉ là dải đá ngầm, còn đối với ta thì đó là một hang đá khổng lồ. Tôi tình cờ phát hiện ra nó, tình cờ mà rất có lợi.
-Thưa thuyền trưởng, có thể xuống đây qua miệng núi lửa được không?
-Không xuống cũng không lên được! Từ chân núi lên khoảng ba mươi mét thì còn trèo được, cao hơn nữa thì vách núi hình cuốn, trèo sao được!
-Thưa thuyền trưởng, tôi thấy ở mọi nơi mọi lúc thiên nhiên đều phục vụ ngài. Trong hồ nước này, ngài được an toàn tuyệt đối. Chẳng ai phá vỡ được sự yên tĩnh ở đây. Nhưng ngài cần bến tàu này làm gì? Tàu Nau-ti-lúx đâu có cần bến!
-Thưa giáo sư, đúng là tàu không cần bến. Nhưng nó cần điện để chạy, cần có bình điện để sản ra điện năng, cần na-tri để nạp các bình điện, cần than để có na-tri, cần mỏ than để khai thác than. Từ những thời đại địa chất xa xưa, biển đã nuốt chửng nhiều rừng cây, rừng cây đã biến thành than đá và trở thành nguồn nhiên liệu vô tận.
-Nghĩa là các thủy thủ của ngài làm cả công việc thợ mỏ nữa?
-Vâng, đúng vậy. Những mỏ than đá nằm dưới nước. Các thủy thủ của tôi mặc đồ lặn, mang theo cuốc chim xuống đây đào than. Khi tôi đốt than để có na-tri thì khói theo miệng núi thoát ra khiến núi lửa có vẻ đang hoạt động.
-Chúng tôi có được thấy thủy thủ của ngài đào than không?
-Không! Tôi đang vội hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới này. Vì vậy tôi chỉ cho lấy chỗ than dự trữ sẵn ở đây thôi. Lấy xong than, nghĩa là đúng ngày kia, chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình.