Hai Số Phận

Chương 15


Chương trước Chương tiếp

Tháng tám năm 1928, William về làm việc với tư cách một giám đốc thứ hai trong ngân hàng Kane và Cabot, và lần đầu tiên trong đời anh cảm thấy làm một công việc thật sự hợp với mong muốn của mình. Anh bắt đầu sự nghiệp trong một phòng nhỏ bên cạnh văn phòng của Tony Simmons, giám đốc phụ trách về đầu tư. Ngay từ tuần đầu đến làm việc, William đã có thể biết, mặc dầu chưa ai nói ra, rằng Tony Simmons hy vọng sẽ được lên kế chân Alan Lloyd làm chủ tịch ngân hàng.

Toàn bộ chương trình đầu tư của ngân hàng là thuộc trách nhiệm của Simmons. Ông ta đã nhanh chóng chuyển cho William một phần công việc, nhất là những thứ như đầu tư của tư nhân vào kinh doanh quy mô nhỏ, đất đai và những hoạt động thầu khoán bên ngoài mà ngân hàng có dính líu vào đó. Trong số những nhiệm vụ chính thức của William có báo cáo hàng tháng về đầu tư mà anh muốn kiến nghị tại cuộc họp toàn thể ban lãnh đạo. Tất cả mười bảy thành viên ban lãnh đạo mỗi tháng họp một lần trong căn phòng lớn, chung quanh ốp gỗ sồi và hai đầu phòng có treo chân dung, một của bố William, một của ông nội anh. William chưa bao giờ biết ông nội của mình thế nào, nhưng anh vẫn thường nghĩ hẳn ông phải ghê gớm lắm thì mới lấy một bà như bà nội Kane được. Phòng còn khối chỗ trên tường sau nay treo chân dung của anh.

Trong những ngày đầu ở ngân hàng, William có thái độ cư xử rất thận trọng và những thành viên khác trong ban lãnh đạo đã biết tôn trọng những ý kiến anh đề nghị mà rất ít có trường hợp bác bỏ. Nhưng rồi sự thật cho thấy những ý kiến họ bác bỏ lại chính là những lời khuyên tốt của William. Trong một dịp có ông Mayer nào đó muốn vay của ngân hàng một số tiền để đầu tư vào phim có tiếng nói, nhưng ban lãnh đạo từ chối vì không cho rằng điều đó có tương lai gì đáng kể. Một dịp khác, có một ông là Paley đến tìm William với một kế hoạch đầy tham vọng cho mạng lưới phát thanh Unite. Alan Lloyd vốn chỉ biết tôn trọng điện báo với thần giao cách cảm thôi nên không thích cái kế hoạch này. Ban lãnh đạo ủng hộ ý kiến của Alan.

Sau đó, chính cái ông Louis B.Mayer kia là chủ hãng MGM (Metro Goldwyn Mayer, một trong những công ty điện ảnh lớn nhất ở Mỹ, nổi tiếng trong việc chuyển từ phim câm sang phim có tiếng nói), còn công ty của ông Paley trở thành hãng CBS (Columbia Broadcasting System, một trong những đài phát thanh truyền hình lớn hiện nay trên nước Mỹ và cả thế giới). William tin ở những xét đoán của chính mình và anh đã ủng hộ cả hai người đó, lấy tiền riêng của mình cho họ vay. Anh cũng làm như bố anh trước đây, tức là không cho họ biết đã vay tiền của ai.

Một trong những hiện tượng không thú vị gì lắm trong công việc hàng ngày của William là phải giải quyết những vụ đóng cửa và phá sản của những khách hàng đã vay rất nhiều tiền của ngân hàng nhưng cuối cùng ở vào cái thế không sao trả nợ được. William về bản chất không phải một người mềm mỏng gì (Henry Osborne đã từng phải trả cái giá đó rồi), nhưng anh vẫn đòi những khách hàng lâu năm và đáng kính ấy phải tìm cách thanh toán cho xong thậm chí bán cả nhà cửa đi để trả nợ, kẻo sẽ không ngủ yên với anh được. William biết những khách hàng này có hai loại, một là những người coi phá sản như chuyện cơm bữa, và một loại rất sợ phá sản, suốt đời chỉ tìm cách làm sao trả được nợ cho xong. Với loại thứ nhất, William tỏ ra cứng rắn và anh nghĩ điều đó là tự nhiên, còn loại thứ hai anh rộng lượng hơn nhiều, mặc dầu Tony Simmons không tán thành lắm.

Chính trong trường hợp như trên đây mà William đã phá bỏ một trong những nguyên tắc của ngân hàng và đích thân dính líu vào một khách hàng. Đó là cô Katherine Brookes với chồng cô là Max Brookes, người đã vay của ngân hàng Kane và Cabot hơn một triệu đôla để đầu tư vào chuyện phát triển nhà đất ở Florida năm 1925, một chuyện đầu tư mà nếu như anh về ngân hàng từ trước đây, thì anh đã không bao giờ cho vay. Nhưng Max Brookes hồi đó đã được coi như một anh hùng ở Massachusetts vì anh ta rất dũng cảm thí nghiệm khinh khí cầu với máy bay, với ngườibạn thân Charles Linderg (phi công Mỹ, người đầu tiên thực hiện chuyến bay vượt Đại Tây Dương năm 1927) trong vụ vay tiền này. Cái chết thảm thương của Brookes xảy ra trong khi anh lái chiếc máy bay nhỏ chỉ mới cất cánh khỏi mặt đất được mấy thước đã lao vào một cái cây cách đầu đường hơn trăm thước. Báo chí khắp nước Mỹ coi đó là một tổn thất cho cả quốc gia.

William nhân danh ngân hàng lấy lại toàn bộ tài sản của Brookes bán đi để thu tiền lại cho ngân hàng chỉ còn để lại hai sào đất trên đó có ngôi nhà của gia đình Brookes. Như vậy, ngân hàng vẫn còn bị mất trên 300000 đôla nữaò. Một số giám đốc phê phán William đã vội vã quyết định bán chỗ đất ấy đi, và cả đến Tony Simmons cũng không đồng ý.

William cho ghi ý kiến bất đồng của Tony Simmons vào biên bản, và mấy tháng sau anh chứng minh cho ngân hàng thấy rằng nếu còn bám giữ lấy chỗ đất ấy thì có lẽ đã mất đi hơn một triệu đôla chứ không phải chỉ có thế. Điều đó chứng mình cái khả năng thấy trước được của anh như vậy khiến cho Tony Simmons không bằng lòng, mặc dầu tất cả những người còn lại trong ban lãnh đạo ai cũng thấy William có cái nhìn rất sắc sảo hiếm có.

Sau khi đã thanh toán mọi thứ liên quan đến tên tuổi của Max Brookes, William quay sang hỏi đến cô vợ của Brookes hiện đang là người có trách nhiệm trả nốt những khoản nợ của chồng. Mặc dầu William luôn luôn cố đảm bảo cho các khoản vay của ngân hàng có thể đòi được về, anh cũng không tin lắm ở khả năng ấy, và người đứng ra bảo lãnh thường là thất bại.

William viết một bức thư chính thức cho cô vợ của Brookes, hẹn gặp để bàn giải quyết nốt nợ nần. Anh đã chú ý nghiên cứu kỹ hồ sơ Brookes và biết rằng cô vợ chỉ mới hai mươi mốt tuổi, con gái của Andrew Higginson, cháu gái của Henry Lee Higginson, người sáng lập ra dàn nhạc giao hưởng Boston. Anh cũng ghi nhận là cô ta có nhiều tài sản giá trị riêng nữa. Anh không thích gì cái chuyện yêu cầu cô ta phải đem nộp cả cho ngân hàng nhưng giữa anh với Tony Simmons lại có chuyện nhất trí với nhau về chủ trương đối với cô ta, nên anh đành phải chuẩn bị một cuộc tiếp xúc với cô ta mà anh biết là không vui vẻ gì lắm.

Nhưng William không ngờ rằng trong chuyện này còn có cả bản thân Katherine Brookes nữa. Mãi về sau anh sẽ nhớ mãi những chi tiết của sự việc đã diễn ra sáng hôm đó. Anh vừa có một cuộc tranh cãi gay gắt với Tony Simmons về một khoản đầu tư lớn vào kim loại đồng và thiếc, anh có kiến nghị với ban lãnh đạo. Yêu cầu của nền công nghiệp đối với hai thứ kim loại này đang mỗi lúc một lên cao, mà William thì tin chắc rằng thế giới sẽ ngày càng khan hiếm những thứ đó. Tony Simmons thì không đồng ý với anh, lại cho rằng đầu tư tiền mặt nhiều hơn nữa vào thị trường chứng khoán kia. Trong đầu William đang còn nghĩ luẩn quẩn về chuyện đó thì cô thư ký đã dẫn cô vợ Brookes vào phòng làm việc của anh. Chỉ một nụ cười của cô ta thôi là đã đủ xua tan hết trong đầu anh những chuyện đồng, thiếc, với mọi thứ khan hiếm khác trên thế giới. Cô ta chưa kịp ngồi xuống thì anh đã vội vòng quanh giấy ra mời cô ngồi vào một chiếc ghế, chỉ sợ chưa xong thì cô ta biến đâu mất. William chưa hề bao giờ gặp một người phụ nữ nào dễ thương dù chỉ bằng nửa cô Katherine Brookes này thôi. Cô ta có mớ tóc vàng và quăn buông thõng xuống hai bờ vai, xòe ra dưới mũ và chung quanh thái dương. Mặc dầu đang để trở, khuôn mặt nhỏ nhắn của cô vẫn đẹp lạ thường, và cái dáng đó của cô cho anh thấy là một con người như thế thì ở tuổi nào cũng vẫn đẹp. Đôi mắt nâu của cô thật to. Cô ta có vẻ đang lo ngại về những gì anh sắp nói.

William cố tỏ ra nghiêm túc.

- Thưa bà Brookes, tôi rất lấy làm tiếc nghe tin chồng bà qua đời, và tôi cũng rất ân hận buộc lòng phải mời bà đến đây hôm nay.

Giá như năm phút trước đó anh nói thế thì đúng. Anh chờ cô ta đáp lại.

- Xin cám ơn ông, ông Kane. - Giọng cô ta thật êm dịu. – Tôi rất tiếc bổn phận của tôi đối với ngân hàng, và xin đảm bảo với ông rằng tôi sẽ làm hết sức mình để làm tròn bổn phận đó.

William không nói gì, hy vọng cô ta sẽ nói tiếp. Nhưng cô ta không nói. Anh liệt kê ra một lọat những tài sản của Max Brookes. Cô ta vẫn yên lặng, cúi nhìn xuống.

- Bây giờ, thưa bà Brookes, bà hiện là người bảo lãnh cho những khoản vay của chồng bà, do đó vấn đề lại có liên quan đến những tài sản riêng của bà. – Anh nhìn vào hồ sơ. – Bà có khoảng tám chục ngàn đôla đầu tư, tôi đoán đó là tiền của gia đình, với một vạn bảy nghìn bốn trăm sáu mươi đôla trong tài khoản riêng của bà.

Cô ta nhìn lên.

- Như thế là ông biết rất rõ tình hình tài chính của tôi đấy, thưa ông Kane. Tuy nhiên, ông cũng cần biết thêm vào đó Buckhurt Park là căn nhà của chúng tôi ở Florida hiện mang tên của Max với một số đồ tư trang có giá trị của tôi nữa. Tôi ước lượng tất cả những cái đó cộng vào với nhau cũng tương đương với ba trăm ngàn đôla còn thiếu lại của ngân hàng. Tôi đang thu xếp để trang trải càng sớm càng tốt.

Trong giọng nói của cô ta chỉ hơi có một chút xúc động. William nhìn cô ta rất khâm phục.

- Thưa bà Brookes, ngân hàng chúng tôi hoàn toàn không có ý muốn tước đoạt tất cả những gì bà còn lại. Nếu bà đồng ý, chúng tôi sẽ bán chứng khoán và cổ phiếu của bà, còn tất cả những gì bà vừa nói, kể cả ngôi nhà, chúng tôi tin rằng đó vẫn là của bà.

Cô ta ngập ngừng.

- Tôi cảm ơn sự rộng lượng của ông, thưa ông Kane. Nhưng tôi không muốn nợ lại ngân hàng một tí gì hoặc để cho cái tên của chồng tôi còn vương víu. – Cô ta lại hơi xúc động, nhưng nén lại được. – Dù sao, tôi cũng đã quyết định bán ngôi nhà ở Florida và trở về nhà với bố mẹ tôi càng sớm càng tốt.

Nghe nói cô ta sẽ trở về Boston, tim William bỗng rộn lên.

- Nếu vậy thì có lẽ chúng ta có thể đồng ý với nhau về phương thức bán ra sao chứ? – Anh ta nói.

- Chúng ta có thể làm việc đó ngay bây giờ, - cô ta thản nhiên đáp. – Ông sẽ có toàn bộ khoản tiền.

William tính trong bụng là phải gặp lại cô ta nữa.

- Chúng ta không nên vội vã quyết định ở đây. Tôi nghĩ có lẽ để tôi bàn thêm với các bạn đồng sự rồi sẽ thảo luận với bà được không ạ?

Cô ta khẽ nhún vai.

- Tùy ông thôi. Tôi thực sự không quan tâm lắm đến chuyện tiền nong, muốn giải quyết cách nào cũng được, và tôi cũng không muốn để ông phải phiền thêm làm gì.

William chớp mắt.

- Thưa bà Brookes, tôi phải thú thật là tôi rất ngạc nhiên trước cử chỉ cao thượng của bà. Ít nhất, bà cũng cho tôi được cái hân hạnh mời bà đi ăn trưa chứ.

Lần đầu tiên cô ta cười, để lộ lúm đồng tiền ở má bên phải. William ngắm nhìn và trong suốt bữa ăn trưa ở nhà hàng Ritz anh làm hết cách để được thấy cô ta cười cho lộ rõ chỗ lúm đồng tiền đó nữa. Lúc anh trở lại làm việc ở cơ quan thì đã quá ba giờ chiều.

- Ăn lâu đấy nhỉ William? –Tony Simmons bình luận.

- Vâng, vấn đề với nhà Brookes hóa ra phức tạp hơn tôi tưởng rất nhiều.

- Tôi nghĩ là giấy tờ đã rõ ràng cả rồi chứ, - Simmy nói.- Cô ta không phàn nàn về đề nghị của chúng ta, phải thế không? Tôi nghĩ trong trường hợp này, như thế là chúng ta đã rộng rãi lắm đấy.

- Vâng, cô ta cũng thấy như vậy. Tôi tính còn phải thuyết phục để cô ta trả cho đến đồng đôla cuối cùng vào quỹ dự trữ của ta.

Tony Simmons ngạc nhiên nhìn anh.

- Cái cách nói đó không phải như của William Kane mà chúng tôi từng biết và từng yêu quý. VỚi lại, chưa bao giờ lại gặp lúc thuận tiện cho ngân hàng của ta có thể trở nên cao thượng hơn bây giờ đâu.

William nhăn nhó. Từ khi anh về đây, anh với Tony Simmons vẫn luôn luôn không nhất trí với nhau về chuyện thị trường chứng khoán sẽ đi đến đâu. Kể từ khi Herbert Hoover được bầu vào Nhà trắng tháng 11 năm 1928 đến giờ, thị trường chứng khoán vẫn liên tiếp đi lên. Thực ra, chỉ mười ngày sau đó chứng khoán New York đã đạt được một kỷ lục trên 6 triệu cổ phiếu trong một ngày. Nhưng William thì tin rằng cái chiều hướng đi lên ấy chẳng qua chỉ do tiền của công nghiệp sản xuất ô tô đổ vào mà thôi, rồi kết quả sẽ là từ lạm phát giá cả đi đến mất ổn định. Tony Simmons, ngược lại ,tin rằng cổ phiếu sẽ còn tăng vọt. Vì vậy, tại cuộc họp ban lãnh đạo, ý kiến của William kêu gọi phải cẩn thận vẫn bị lấn át đi. Tuy nhiên, với tiền riêng của mình, anh vẫn làm theo ý kiến mình và đầu tư vào những thứ như đất đai, vàng, hàng tiêu dùng và cả một số những bức tranh ấn tượng được chọn lọc, chỉ để 50 phần trăm tài sản vào chứng khoán.

Khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang của New York đưa ra một phát lệnh tuyên bố sẽ không chiết khấu cho những ngân hàng nào bỏ tiền ra cho khách đầu cơ nữa, Ưilliam coi như chiếc đinh thứ nhất đã được đóng vào quan tài của những tay đầu cơ tích trữ. Anh lập tức điểm lại chương trình cho vay của ngân hàng và ước lượng Kane và Cabot đã bỏ ra hơn 26 triệu cho những khoản vay đó. Anh yêu cầu Tony Simmons rút những khoản tiền ấy về vì anh chắc rằng với quy định của chính phủ như vậy thì về lâu dài giá cổ phiếu nhất định sẽ giảm xuống. Trong cuộc họp lãnh đạo hàng tháng, hai bên tranh cãi với nhau rất ghê và cuối cùng lúc bỏ phiếu, William chỉ được 2 trên 12.

Ngày 21 tháng Ba năm 1921, Blair và Công ty tuyên bố nhập vào với Ngân hàng Mỹ Châu, tức là vụ sáp nhập ngân hàng cho thấy tình hình sẽ có thể sáng sủa hơn. Ngày 25 tháng Ba, Tony có công văn báo cho William biết thị trường đã lại đạt một kỷ lục mới và chủ trương ngân hàng đổ thêm tiền vào chứng khoán. Vào lúc này, William đã điều chỉnh lại vốn của anh, chỉ còn để 25 phần trăm vào thị trường chứng khoán và như thế anh cũng đã mất thêm hai triệu đôla, bị Alan Lloyd trách cứ.

- William, tôi hy vọng là anh biết mình đang làm gì chứ?

- Alan, tôi đã chơi với chứng khoán từ hồi mười bốn tuổi, và lần nào tôi cũng thắng vì nắm được chiều hướng của nó.

Đến mùa hè năm 1929, thị trường vẫn cứ tiếp tục vọt lên. Lúc này William đã không còn bán cổ phiếu nữa, nhưng anh phân vân không biết nhận định của Tony Simmons có đúng hay không nữa.

Vào gần lúc Alan Lloyd về nghỉ hưu thì ý đồ của Tony Simmons muốn thế chân ông làm chủ tịch ngân hàng xem ra đã có vẻ như một viêc đã rồi. Triển vọng ấy khiến William không yên tâm lắm, vì anh cho rằng lối suy nghĩ của Simmons là quá câu nệ vào những quy ước thông thường. Ông ta bao giờ cũng tụt hậu so với thị trường. Điều này vào những năm kinh tế phát triển và những khoản đầu tư còn được cạnh tranh với nhau chặt chẽ hơn thì sẽ rất nguy hiểm. Trong con mắt của William thì một nhà đầu tư khôn ngoan không bao giờ chạy theo đa số, trái lại bao giờ cũng nhìn thấy mọi người sẽ quay theo hướng nào. Trước sau, William vẫn cho rằng đầu tư vào thị trường chứng khoán là dễ thất vọng, trong khi đó Tony Simmons thì tin rằng nước Mỹ đang bước vào thời kỳ vàng son hơn bao giờ hết.

Một vấn đề khác nữa là Tony Simmons chỉ mới ba mươi chín tuổi, như thế có nghĩa là William khó có hy vọng làm chủ tịch Kane và Cabot ít nhất là trong hai mươi sáu năm nữa. Điều đó thật không hợp với cái trước kia ở Harvard vẫn được gọi là sự nghiệp của anh.

Không khi đó, hình ảnh Katherine Brookes luôn hiện lên rõ nét trong đầu William. Anh vẫn luôn viết cho cô để báo tin về việc bán chứng khoán và cổ phiếu. Những bức thư đó được đánh máy đàng hoàng, và nếu có trả lời thì viết tay cũng được. Hẳn cô ta phải nghĩ rằng anh là một nhà ngân hàng có lương tâm nhất trên đời này. Rồi đến đầu mùa thu, cô ta viết cho anh báo tin là đã tìm được người mua nhà đất ở Florida. William viết thư yêu cầu cô cho anh được nhân danh ngân hàng thương lượng về giá cả, và cô đồng ý.

Đầu tháng chính 1929, anh xuống Florida. Cô Brookes ra ga đón anh. Anh thấy cô ta đẹp hơn rất nhiều so với hình ảnh anh có trong đầu. Ngọn gió nhẹ thổi tấm áo đen bó sát vào người cô ta lúc đứng chờ trên sân ga, tạo nên một bong dáng khiến bất cứ người đàn ông nào cũng không thể nhìn cô một lần. Mắt của William cứ như dán vào cô.

Vì cô còn đang để tang nên cử chỉ đối với anh rất dè dặt và nghiêm túc nên William không dám biểu lộ gì khác. Anh kéo dài cuộc thương lượng với người mua trang trại Buckhurt và thuyết phục Katherine Brookes nhận lấy một phần ba giá bán còn hai phần ba thuộc về ngân hàng. Cuối cùng, sau khi giấy tờ đã được ký kết, anh không còn có lý do gì để mà không trở về Boston. Anh mời cô đến khách sạn ăn tối với anh, trong bụng quyết tâm sẽ cho cô biết những cảm tình của anh đối với cô như thế nào. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên cô làm anh ngạc nhiên, mà trước khi anh nói đến chuyện đó thì cô đã xoay xoay cốc rượu để tránh nhìn thẳng vào anh và gợi ý anh nên ở lại Buckhurt thêm ít ngày.

- Coi như mấy ngày nghỉ của cả hai chúng ta. – Cô đỏ mặt. William ngồi im lặng.

Cuối cùng cô ta mạnh bạo nói tiếp.

- Tôi biết rằng nói thế này là điên rồ, những anh cũng cần hiểu là tôi ở đây rất cô đơn. Hình như mấy ngày qua tôi cảm thấy vui hơn bao giờ hết. – Cô lại đỏ mặt. – Tôi nói như vậy dở quá và anh sẽ nghĩ không hay về tôi.

Tim William đập rộn lên.

- Kate, trong chín tháng qua, tôi cũng chỉ muốn mình nói được dở như thế thôi.

- Vậy anh ở thêm ít ngày chứ, William?

- Vâng, tôi sẽ ở lại, Kate.

Đêm đó, cô xếp cho anh ở phòng khách lớn trong ngôi nhà Buckhurt. Mấy ngày sau đó, William sau này sẽ nhớ mãi, coi đó như một đoạn đời sung sướng nhất của mình. Anh đua ngựa với Kate và cô vượt anh... Anh đi bơi với cô, và cô cũng bỏ xa anh. Anh đi tản bộ với cô và bao giờ cũng quay về trước. Cuối cùng, anh xoay ra chơi đánh bài với cô, và trong ba tiếng rưỡi thắng 3,5 triệu đôla.

- Trả anh bằng séc nhé? – Cô ta trịnh trọng nói.

- Cô quên mất rằng tôi biết cô có bao nhiêu tiền ư? Nhưng tôi sẽ làm như thế này nhé. Chúng ta cứ tiếp tục chơi cho đến khi nào cô giành lại được số tiền đó.

- Như thế sẽ phải mấy năm, - Kate nói.

- Tôi sẽ chờ.

Rồi anh kể cho cô nghe những chuyện trong quá khứ của mình, những chuyện mà ngay cả với Matthew anh cũng không nói. Anh đã quý trọng bố anh như thế nào, yêu mẹ anh như thế nào, căm ghét Henry Osborne ra sao, và những tham vọng của anh với Kane và Cabot. Còn cô thì kể cho anh nghe hồi bé sống ở Boston thế nào, đi học ở Virginia ra sao, và kể đến chuyện kết hôn sớm với Max Brookes.

Bảy ngày sau, khi cô ra tiễn anh ở sân ga, anh đã hôn cô lần đầu.

- Kate, anh muốn nói một điều rất tự tin với em nhé. Anh hy vọng một ngày kia em sẽ dành cho anh những tình cảm hơn cả đối với Max nữa.

- Em đã bắt đầu cảm thấy thế rồi, - cô khẽ đáp.

William đăm đăm nhìn cô.

- Em đừng ở ngoài cuộc đời anh chín tháng nữa.

- Em làm thế sao được, anh đã bán nhà của em đi rồi mà.

* * *

Trên đường trở về Boston, cảm thấy sung sướng và yên tâm hơn bất cứ lúc nào kể từ khi bố anh qua đời. William thảo một báo cáo về việc bán trang trại Buckhurt. Anh luôn luôn nghĩ về Kate và năm ngày vừa qua. Ngay trước lúc tàu vào ga phía Nam, anh vội viết mấy chữ gửi cho cô:

Kate,

Anh cảm thấy nhớ em rồi đấy. Thế mà chỉ mới qua mấy tiếng đồng hồ thôi. Xin em viết thư và báo cho anh biết bao giờ em sẽ về Boston. Trong khi chờ đợi, anh trở về với công việc của ngân hàng, và nghĩ rằng chỉ có thể không nhớ đến em nhiều lắm là 5 phút mà thôi.

Yêu em, William.

Anh vừa bỏ thư vào hòm thư ở phố Charles thì nghe có tiếng rao của trẻ bán báo, và bao nhiêu ý nghĩ về Kate bỗng biến đi đâu hết.

- Phố Wall bị sụp đổ đây!

William vội mua một tờ và giở ngay đến chỗ có tin đó. Chỉ qua một đêm thị trường đã tụt xuống ghê gớm. Một số nhà tài chính cho đó chỉ là chuyện điều chỉnh lại. Nhưng William cho đó là bắt đầu của một quá trình xuống dốc mà anh đã dự kiến từ mấy tháng trước đây. Anh chạy vội về ngân hàng và đến thẳng văn phòng chủ tịch.

- Tôi nghĩ về lâu dài thị trường sẽ lại đứng lên được. – Alan Lloyd bình tĩnh nói.

- Không bao giờ, - William đáp. - Thị trường đã quá tải. Quá tải vì những nhà đầu tư nhỏ tưởng là họ sẽ nhanh chóng có được lợi nhuận mà họ liều mạng lao vào đó. Ông có trông thấy một quả bong bóng sắp nổ bao giờ chưa? Tôi sẽ bán hết. Đến cuối năm thì thị trường sẽ cạn không còn gì. Và điều này tôi đã báo trước cho ông biết từ tháng hai rồi, Alan.

- Tôi vẫn chưa đồng ý với anh, William. Nhưng ngày mai tôi sẽ triệu tập toàn ban lãnh đạo, để có thể thảo luận chi tiết về những quan điểm của anh.

- Cảm ơn ông, - William nói.

Anh quay về chỗ làm việc và nhấc điện thoại nội bộ lên.

- Alan, tôi quên chưa nói với ông là tôi đã gặp cô gái tôi định lấy rồi.

- Cô ta biết chưa? – Alan hỏi.

- Chưa, - William đáp.

- À ra thế, - Alan nói. - Vậy là đám cưới của anh cũng rất giống như sự nghiệp ngân hàng của anh đấy, William. Bất cứ ai trực tiếp liên quan cũng chỉ được biết sau khi anh đã quyết định rồi.

William cười, nhấc một máy điện thoại khác lên và báo việc anh đưa những tài sản của anh ra thị trường bán lấy tiền mặt. Tony Simmons lúc đó vừa bước vào. Ông ta đứng sững ở cửa nhìn William, tưởng như anh đã hóa điên.

- Trong tình hình hiện nay, anh làm thế thì chỉ trong một đêm là sẽ mất đến cả chiếc sơ mi của anh nữa đấy.

- Nếu tôi còn cố giữ thì mất hơn thế nữa. – William đáp.

Tuần sau đó, anh chịu mất thêm hơn một triệu đôla nữa. Nếu là người không vững tin ở mình thì hẳn anh đã lao đao rồi.

Trong cuộc họp ban lãnh đạo vào hôm sau, anh lại bị 8 phiếu chống 6 phiếu thuận về đề nghị của anh trong việc thanh toán các chứng khoán của ngân hàng. Tony Simmons đã thuyết phục được ban lãnh đạo rằng nếu không cầm cự thêm ít lâu nữa thì thật là vô trách nhiệm. William chỉ giành được một thành công nhỏ là thuyết phục các giám đốc ngân hàng đừng có mua vào nữa.

Hôm đó thị trường có lên được một chút, khiến William có dịp bán thêm được một số cổ phiếu riêng của mình. Đến cuối tuần, khi chỉ số liên tiếp tăng lên trong bốn ngày liền, William bắt đầu tự hỏi không biết mình có làm quá đáng không, nhưng tất cả những gì anh đã học được là trực giác của anh cũng nhắc nhở cho anh biết rằng làm như thế là đúng. Alan Lloyd không nói gì. Tiền mà William để mất đó không phải tiền của ông, vả lại ông đã đang chuẩn bị để lặng lẽ về hưu rồi.

Ngày 22 tháng Mười, thị trường lại tổn thất một phen nặng nề nữa và William lại yêu cầu Alan Lloyd là lúc này còn cơ hội thì nên xuất đi thôi. Lần này Alan nghe anh và để cho William được quyền bán một số chứng khoán chủ yếu của ngân hàng. Ngày hôm sau thị trường lại tụt xuống một mức sâu hơn nữa. Bây giờ ngân hàng muốn bán gì cũng không còn ai mua nữa. Chứng khoán bán hạ giá đến mức tất cả những nhà đầu tư nhỏ ở Mỹ ai cũng đua nhau tìm cách chạy vạy ngầm để khỏi thua thiệt. Những nhà buôn chỉ đến cuối ngày mới biết được mình đã thiệt mất bao nhiêu.

Alan Lloyd nói chuyện điện thoại với ngân hàng Morgan và đồng ý rằng Kane và Cabot sẽ cùng với một nhóm ngân hàng khác vực lại tình hình nguy ngập bằng những chứng khoán lớn nhất của mình. William không phản đối chính sách này, vì anh nghĩ nếu là chủ trường của nhóm thì Kane và Cabot sẽ có tinh thần trách nhiệm hơn, vả lại nếu thành công thì các ngân hàng đều sẽ khá lên được. Richard Whitney, phó chủ tịch Thị trường chứng khoán New York cùng với đại diện của nhóm ngân hàng Morgan, hôm sau đã đến tận nơi làm cái việc đầu tư hẳn ba mươi triệu đôla vào đó. Thị trường bắt đầu chững lại. Trong ngày hôm đó, người ta bán được 12894650 cổ phiếu và hai hôm sau thị trường đứng vững. Mọi người, từ Tổng thống Hoover cho đến những người chạy hàng xách, đều tin rằng tình hình nguy ngập đã qua rồi.

William đã bán hầu hết những cổ phiếu riêng của mình. Phần mất của cá nhân anh so với ngân hàng ít hơn nhiều. Trong bốn ngày, ngân hàng đã mất trên ba triệu đôla mặc dầu Tony Simmons đã chịu nghe những gì William gợi ý. Ngày 29 tháng Mười, ngày được gọi là Ngày Thứ Ba Đen Tối, thị trường lại sụt xuống một lần nữa. Mười sáu triệu sáu trăm mười ba ngàn ba chục cổ phiếu phải đem bán. Các ngân hàng toàn quốc đều biết sự thật là bây giờ có bán cũng không ai mua nữa. Nếu như mỗi người khách hàng đòi phải có tiền mặt, hoặc giả không lưu hành những khoản tiền vay của họ nữa, thì toàn bộ hệ thống ngân hàng sẽ đổ sụp.

Cuộc họp ban lãnh đạo ngày 19 tháng 11 mở đàu bằng một phút tưởng niệm John J. Riordan, chủ tịch quỹ ủy thác của Quận và cũng là một trong những giám đốc Kane và Cabot, vừa mới tự sát tại nhà riêng. Đó là vụ tự sát thứ mười một trong giới ngân hàng Boston trong vòng hai tuần. Người mới chết là bạn rất thân của Alan Lloyd. Ông Chủ tịch tuyên bố Kane và Cabot đã mất đi gần 4 triệu đôla, nhóm Morgan không thành công trong việc tập hợp các ngân hàng được, vì vậy bây giờ mỗi ngân hàng phải tự mình hành động sao cho có lợi nhất. Hầu hết các nhà đầu tư nhỏ đều ngấm ngầm rút, còn các nhà lớn hơn thì không sao có được tiền mặt. Đám đông quần chúng tức giận kéo đến trước các ngân hàng New York. Người ta phải cho tăng cường thêm lính bảo vệ. Alan nói chỉ cần thêm một tuần như thế này nữa thôi là tất cả chúng ta sẽ bị quét sạch. Ông xin từ chức, nhưng các giám đốc không chịu. Vị trí của ông bây giờ cũng chẳng khác gì bất cứ chủ tịch ngân hàng lớn nào ở Mỹ. Tony Simmons cũng xin từ chức nhưng các đồng sự giám đốc không ai tán thành. Xem ra ông ta cũng không còn hy vọng gì thay thế được Alan Lloyd nữa, vì vậy William im lặng không hề nói gì.

Để thỏa hiệp trước tình hình, người ta phái Simmons đi London phụ trách chuyện đầu tư ở Anh. Như vậy bây giờ William lên quản lý các khoản đầu tư của ngân hàng mà không còn vướng víu gì nữa. Anh lập tức mời Matthew Lester về làm phó cho mình. Lần này, Alan Lloyd không ho he một lời nào.

Matthew đồng ý với William vào đầu mùa xuân, vì chỉ đến lúc đó bố anh mới cho anh đi được. Bản thận Lester cũng không thiếu gì rắc rối. Do đó William phải một mình lo các chuyện của bộ phận đầu tư cho đến lúc Matthew có thể về được. Mùa đông năm 1929 là một thời kỳ rất đáng thất vọng cho William vì các công ty lớn nhỏ do người Boston quản lý đều theo nhau thất bại. Đã có lúc anh tự hỏi không biết Kane và Cabot còn có thể sống sót được không.

Nghỉ lễ Giáng sinh, William về Florida sống một tuần sung sướng với Kate, giúp cô gói ghém đồ đạc để trở về Boston. Cô nói đùa là những thứ mà Kane và Cabot còn cho cô được giữ lại. Những tặng phẩm Giáng sinh của William cho cô cũng đủ chật một hòm. Kate áy náy thấy anh đối với cô rộng rãi thế.

- Một người đàn bà góa không còn một xu dính túi bây giờ biết tặng anh gì đây? – Cô đùa anh.

William trả lời bằng cách buộc cô vào một chiếc hòm còn lại và đề chữ vào đó "Tặng phẩm cho William".

Anh trở về Boston trong lòng hết sức phấn khởi, hy vọng lần này Kate sẽ cùng với anh báo hiệu cho một năm mới tốt lành hơn. Anh ngồi vào chỗ cũ của Tony Simmons đọc các thư từ giử đến buổi sáng và biết rằng mình sẽ phải chủ tọa vài ba cuộc họp thanh toán dự kiến trong tuần đó. Anh hỏi cô thư ký xem mình sẽ phải gặp ai trước.

- Có lẽ lại một vụ phá sản nữa, thưa ông Kane.

- À phải, tôi nhớ ra rồi, - William nói. Cái tên đó đối với anh không có nghĩa gì. – Đêm qua tôi đã xem hồ sơ rồi. Vụ này thật là rất không may. Bao giờ ông ta đến?

- Mười giờ, nhưng ông ta đã đang ngồi ngoài hành lang chờ ông rồi.

- Thế ư? – Willam nói. – Xin cô cho ông ấy vào. Ta giải quyết cho xong đi đã.

William lại mở hồ sơ để nhanh chóng nhớ lại những sự việc chính. Trong hồ sơ có một dòng gạch ngang tên khách hàng cũ là ông Davis Leroy nào đó. Tên đó được thay thế bằng tên người khách đến sáng nay, Abel Rosnovski.

William nhớ lại rất rõ câu chuyện trước đây anh đã nói với ông Rosnovski và bây giờ anh lấy làm tiếc.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...