Hắc Thánh Thần Tiêu

Chương 32: Lấy rượu tắm hoa


Chương trước Chương tiếp

Bạch Thiếu Huy thầm nghĩ :

- “Vương Lập Văn chịu bỏ ra một số tiền lớn, tô điểm cho ngày tắm hoa rực rỡ thế này là có mục đích gì?”

Chàng quay qua Kim Nhất Phàm hỏi :

- Mỗi năm đều có quang cảnh này ư?

Kim Nhất Phàm cười khoái trá nói :

- Tất nhiên là vậy, nói đúng hơn là từ ngày Vương công tử đứng ra đảm nhận mọi công việc tổ chức đến nay. Có thể nói Hoán Hoa Nhật là ngày náo nhiệt nhất tại Thành Đô, dân cư địa phương trong vòng trăm dặm đều náo nức chờ đến ngày này, quy tụ về đây để cùng vui say bằng thích.

Bạch Thiếu Huy vờ kinh dị nói :

- Vương huynh chịu tốn công tốn của một cách phi thường như vậy thì chắc cũng phải có lý do chứ?

Kim Nhất Phàm nhìn thoáng qua chàng, điểm một nụ cười :

- Có lý do gì đâu chứ, chẳng qua Vương huynh vui tính, muốn mượn cái cổ tục từ nghìn xưa để tạo nên quang cảnh này, tìm cái thích thú trong tưng bừng náo nhiệt, không hơn không kém. Bạch huynh cho rằng Vương huynh hoang phí, song với chủ nhân ông của một gia tài bách vạn thì số chi phí đó có thấm vào đâu? Đó bất quá chỉ là một cách vung tiền qua cửa sổ của hạng người ngồi trên ngọc trên vàng, song được cái là mình không độc hưởng thú vui một mình mà toàn thể dân chúng đều được chia phần. Người ta quý Vương công tử là do chỗ hào tâm tráng khí đó.

Bạch Thiếu Huy kêu lên :

- Bao trọn Vọng Giang lâu, lại kiêm luôn hai mươi ban hát, kể cả trang trí hai mươi hí đài thì kể ra không phải là một số tiền nhỏ. Vả lại, mỗi năm đều khai diễn một lần, tại hạ không tưởng được cái hào sảng của một con người lại vô bờ bến đến như thế.

Kim Nhất Phàm cười nói :

- Nếu chỉ có thế thôi thì nào có gì đáng nói. Bạch huynh cứ uống đi, trong chốc lát nữa đây sẽ còn nhiều tiết mục khác còn đáng giá gấp trăm ngàn lần.

Bạch Thiếu Huy trố mắt :

- Thật thế ư?

Kim Nhất Phàm cười ha hả nói :

- Còn! Còn nhiều! Chắc chắn là ngoài chỗ tưởng tượng của Bạch huynh. Uống đi nào, rồi mình sẽ xem cho hết, coi như lần này Bạch huynh đến Thành Đô không uổng công đâu.

Đột nhiên tiếng thanh la nổi lên, vang dội suốt một khoảng dài ven sông.

Nghe tiếng thanh la, Kim Nhất Phàm điểm một nụ cười, nói :

- Các hí đài đã khai tiếng trống đó.

Tiếp theo tiếng chuông rên trời, chấn động cả một vùng rộng lớn, có tiếng pháo nổ liên hồi từ nơi thành thị vọng ra. Tiếng pháo nổ ầm ầm, tưởng chừng như Thành Đô sắp sụp đổ trong giây lát.

Bạch Thiếu Huy nhìn Kim Nhất Phàm hỏi :

- Việc gì vậy nhỉ?

Kim Nhất Phàm nói :

- Tứ đại công tử xuất môn.

Bạch Thiếu Huy bất giác cảm thấy kinh dị. Tứ đại công tử là hạng người thế nào mà lại có nghi vệ như vua chúa hay là đại tướng quân du hành?

Tiếng pháo nổ dòn dã, ban đầu từ xa xa, dần dần thì càng lúc càng nghe gần lại, chứng tỏ tứ đại công tử cũng sắp đến. Trong tiếng pháo, Bạch Thiếu Huy cũng nghe được tiếng người reo hò, cùng tiếng nhạc diễu hành.

Không lâu sau chàng đã nhìn thấy một lá cờ thêu lớn hiện ra, dài gần hai trượng, theo gió bay phần phật. Trên lá cờ có thêu bốn chữ vàng “Long Đội Trác Phủ”.

Theo sát lá cờ là bốn cái thanh la to bằng mặt bàn, kế đó là hai mươi đại hán mặc áo gấm tay cầm nhạc khí đủ loại, cùng nổi lên những âm điệu khá du dương, nhưng vẫn không kém phần oai mãnh.

Đi sau đội nhạc công là một đại hán thân hình to lớn, đưa cao một chiếc sào dài, trên đầu cây sào có treo lủng lẳng một quả cầu do nhiều hạt minh châu kết thành, cực kỳ tinh xảo, bắn ra muôn ngàn tia sáng dưới ánh dương quang, làm chóa mắt mọi người.

Sau quả cầu là một đội gồm chín con rồng, đầu và đuôi đều có gắn minh châu, mỗi con rồng được điều khiển bởi bốn lực sĩ, người nào người nấy cũng đều oai phong lẫm liệt.

Sau long đội là một cỗ xe trang sức bình thường, trên đó có một thiếu niên mặt ốm, vận uy phục khá hoa lệ, miệng điểm nụ cười, khí khái rất cao ngạo.

Trước và sau xe có tám tên đại hán ngồi trên tám con tuấn mã, vận áo chẽn màu lam, lưng dắt đao, thần thái ngang tàng, có lẽ đều là võ sư cận vệ, cả đoàn dừng lại trong một bãi đất trống trước Vọng Giang lâu Bạch Thiếu Huy thầm nghĩ :

- “Cánh Trác công tử Bắc thành thật có oai khí”

Pháo lại nổ lên vang rền, thanh la nổi lên. Long đội cũng tham gia diễn trò hí châu một lúc, trông khá ngoạn mục.

Long đội của Trác phủ diễn xong trò thì lùi về vị trí dành sẵn trước cho mình ở Vọng Giang lâu.

Tiếng pháo lại nổ lên, dân chúng lại hoan hô chào đón đoàn người thứ hai xuất hiện từ đằng xa xa, dẫn đầu là một chiếc phướn dài độ hai trượng. Cái phướn đó kết châu ngọc, chớp sáng ngời dưới ánh dương quang đầu hạ. Lá phướn thêu rõ bốn chữ vàng vàng lồ lộ “Tiền phủ Đông thành”.

Đi sau chiếc phướn là đội cà kheo cao độ hai trượng, lêu nghêu tiến nhanh thoăn thoắt, bộ pháp của bọn họ linh diệu vô cùng, chứng tỏ đều có khinh công đáng kể.

Về nghi vệ thì đoàn người của Tiền phủ không khác mấy với Trác phủ, chỉ có khác chăng là đội diễn trò. Nếu như họ Trác có Long đội thì đội cà kheo của Tiền phủ diễn trò “Bát tiên quá hải”, Tề Thiên đại thánh đại náo thiên cung...

Đoàn nào cũng có trên một trăm người, mà xem cử động của chúng thì tên nào cũng có võ công thuộc loại khá. Điều này làm cho Bạch Thiếu Huy mỗi lúc mỗi nghi hoặc thêm. Chàng nhìn vào đoàn người họ Tiền thì thấy có một thiếu niên mặt trắng, có dáng dấp như một thư sinh. Hắn ngồi trên xe, luôn luôn vẫy tay ra hai bên đường, chào trả những tiếng reo hò hoan hô ầm ĩ của dân chúng.

Thanh niên đó chính là Tiền nhị công tử ở Nam thành.

Bạch Thiếu Huy quay qua Kim Nhất Phàm nói :

- Tiền công tử có lẽ đúng là một công tử chuyên văn chương luyện thi phú.

Kim Nhất Phàm gật đầu :

- Năm mười tuổi Tiền công tử đã đỗ thi hương, ở đây bà con quen gọi là Tiền Nhị Tú Tài.

Bạch Thiếu Huy lại hỏi :

- Trác phủ có Long đội, Tiền phủ có đội cà kheo, vậy còn Triệu phủ và Vương phủ thì sao nhỉ?

Kim Nhất Phàm cười nhẹ nói :

- Bạch huynh cứ nhìn sẽ rõ.

Pháo lại nổ lên, thanh la gióng lên, tiếng reo hò lại vang lên, mười tám tên đại hán xuất hiện, mình trần, hông quấn da báo còn tay cầm cương xoa, vừa tiến tới vừa múa xoa.

Bạch Thiếu Huy lại hỏi :

- Đoàn người của Triệu công tử Đông thành phải không?

Kim Nhất Phàm gật đầu :

- Đúng vậy, nhưng đó chỉ khai mào thôi, đoàn chính ở phía sau.

Đúng như lời Kim Nhất Phàm nói, không bao lâu sau có một đội sư mười tám người, mỗi tên cầm một lá cờ ghi bốn chữ “Sư Đội Triệu Phủ”. Theo sau sư đội là chín con sư tử, màu sắc bất đồng, người và thú vừa đi vừa múa.

Cuối cùng là một cỗ xe, trên xe có một đại hán tướng mạo khôi ngô, mặt tím sậm, quay bên này bên kia chào dân chúng bên đường.

Kim Nhất Phàm giải thích :

- Triệu công tử đó, công tử tên là Triệu Quân Lượng, thân phụ của công tử xuất thân là võ quan nên người trong Triệu phủ thảy đều biết võ công cả.

Sư đội cũng diễn trò trước Vọng Giang lâu như hai đội kia, cũng ngoạn mục không kém, sau đó lui về phần đất dành riêng cho mình.

Tiếng pháo lại tiếp tục vang lên, tiếng reo hò, thanh la hòa theo cảnh cục trường lại náo nhiệt lên một lần nữa.

Bạch Thiếu Huy cười nói :

- Giờ là đến lượt Vương huynh rồi nhỉ.

Kim Nhất Phàm gật đầu nói :

- Ba công tử kia theo cửa Đông đường bộ đến, còn Vương huynh thì theo cửa Tây thủy lộ. Khi Vương huynh tới rồi thì ba công tử kia phải trở về đây hội kiến.

Bạch Thiếu Huy kinh dị :

- Ba công tử kia còn đi đâu nữa chứ?

Kim Nhất Phàm mỉm cười :

- Họ sẽ kéo nhau đi qua khắp hai mươi hí đài trên mười dặm đường bên bờ Cẩm Giang rồi mới trở về đây. Khi cả bốn vị công tử hội họp đủ mặt thì đúng lúc ngày tàn, đêm xuống họ sẽ lên thuyền chuốc chén, nhìn cuộc vui khai diễn tưng bừng. Họ chịu bỏ tiền muôn vạn ra chỉ để đến lúc đó mới hưởng tận lạc thú của đại hội Hoán Hoa Nhật.

Bạch Thiếu Huy ngầm đoán đêm nay tất có biến cố xảy ra nên Cửu Nghi tiên sinh mới bảo chàng đến Thành Đô đúng kỳ Hoán Hoa Nhật. Nhìn qua cách phô trương của các công tử tuy Vương Lập Văn chưa tỏ rõ thực lực như thế nào song bằng vào sự biểu dương của ba họ Trác, Tiền, Triệu thì Bạch Thiếu Huy cũng đoán được rằng có sự cạnh tranh giữa tứ đại công tử với nhau, và sự cạnh tranh đó đã được chuẩn bị từ lâu, vô cùng chu đáo.

Cứ theo lời Kim Nhất Phàm thì sự giao nghị giữa tứ đại công tử không có gì đáng gọi là chống đối với nhau, vì vậy mà quan địa phương mới cho họ hợp tác tổ chức kỳ Hoán Hoa Nhật này.

Nhưng có thật sự là muốn tổ chức đem lại vinh dự cho địa phương thật hay không? Hay là họ muốn liên kết chống lại một tổ chức nào khác? Bạch Thiếu Huy suy nghĩ mãi mà không tìm thấy chút ánh sáng nào trong sự kiện này cả.

Lúc đó thì đoàn thuyền rồng chín chiếc của Vương Lập Văn cũng đã đến nơi. Chín chiếc thuyền kết hoa rực rỡ, mỗi thuyền có mười sáu mái chèo, trạo phu vận y phục đen, mái chèo bằng sắt xem ra rất nặng nề mà bọn trạo phu sử dụng rất nhẹ nhàng không khác gì những mái chèo gỗ, thuyền lướt đi như bay chứng tỏ những tay trạo phu đều có trình độ võ công ghê gớm.

Sau chín chiếc thuyền rồng đó có một chiếc thuyền nhẹ, hai bên hông thuyền có hai tấm biển, mỗi tấm biện có tám chữ “lấy hoa hội bạn, lấy rượu tắm hoa”.

Nơi đầu thuyền có một cái giao ỷ, trên giao ỷ Vương Lập Văn ngồi chễm chệ, nhìn ra hai bên bờ sông, sau lưng hắn là một tên thư đồng vận áo xanh, diện mạo thanh tú.

Thuyền đến Vọng Giang lâu, Vương Lập Văn quay phải quay trái vẫy tay chào mọi người đang đứng vỗ tay hai bên bờ Cẩm Giang.

Thuyền cập bến, Vương Lập Văn lên bờ, thư đồng cũng theo bén gót. Ba công tử Tiền, Trác, Triệu cũng đã về kịp lúc.

Tứ đại công tử dắt tay lên lầu, Vương Lập Văn giới thiệu Bạch Thiếu Huy với ba vị công tử kia. Những lời khách sáo được dịp phát lên một lúc, rồi tất cả đều ngồi vào bàn tiệc.

Khi tiệc rượu bắt đầu thì hoàng hôn cũng buông xuống, đèn hoa hai bên bờ Cẩm Giang suốt mười dặm dài đều được thắp lên sáng một góc trời. Tiếng cười nói, đàn ca vang lên khắp nơi, hội Hoán Hoa chính thức bắt đầu, tân khách gồm toàn những thân sĩ ở Thành Đô, do Vương công tử đặt giấy mời từ mấy hôm trước.

Ngoài bọn ca kỹ Nghinh Xuân phường, còn có cả Quần Ngọc Phường, tất cả đều tô son má phấn, kèm bên tân khách mời ăn uống. Dĩ nhiên Tường Vân cô nương cũng có mặt, và dĩ nhiên là ngồi bên cạnh Bạch Thiếu Huy, theo sự sắp xếp của Vương công tử.

Tiệc rượu kéo dài đến đầu canh một, tân khách lần lượt giải tán. Sau cùng chỉ còn lại tứ đại công tử, Bạch Thiếu Huy, Kim Nhất Phàm, Tường Vân và hai nữ tỳ Lục Châu, Lục Ngọc.

Vương Lập Văn điểm một nụ cười, nhìn khắp mọi người nói :

- Bây giờ đã đến lúc bọn mình riêng hưởng lạc thú đêm nay. Thuyền hoa của tại hạ đã sẵn sang, xin mời tất cả các vị lên thuyền dạo sông, cho bỏ cái công đợi chờ cả năm mới đến kỳ thạnh hội.

Kim Nhất Phàm reo lên :

- Phải đó, phải đó! Mình lên thuyền bắt đầu cuộc rượu vui đi.

Triệu công tử mỉm cười :

- Kim huynh còn uống được nữa ư?

Kim Nhất Phàm nói :

- Còn chứ, còn uống được nhiều chứ. Đã có ai thấy Kim Nhất Phàm này say khướt lần nào chưa? Triệu huynh không tin thì có dám uống thi với tại hạ ba trăm chén không?

Triệu công tử cười lớn :

- Uống thì uống! Sợ gì mà chẳng dám thi với Kim huynh chứ?

Cả bọn xuống lầu, lên thuyền. Trạo phu mở dây, đẩy thuyền ra giữa dòng, thả trôi theo dòng nước. Tất cả mọi người đều ngồi trong khoang, chỉ có Kim Nhất Phàm và Triệu công tử thì ngồi chênh ra ngoài một chút, bắt đầu gầy cuộc uống thi.

Bạch Thiếu Huy ngồi một khung cửa sổ nhìn ra xa xa, bỗng thấy một chiếc thuyền con, xuôi dòng tiến đến như bay.

Trên chiếc thuyền con đó có một thiếu niên thư sinh, đầu chít khăn, vận áo lam, tay cầm chiếc quạt phe phẩy, mày dài đến tận tóc mai, đôi mắt sáng ngời, diện mạo cực kỳ thanh tú.

Hai thuyền ngang qua nhau, bốn mắt gặp nhau, bất giác Bạch Thiếu Huy giật mình, thầm nghĩ :

- “Ai đây? Trông quen quá, hình như ta có gặp ở đâu rồi thì phải”.

Hai thuyền tách rời khá xa mà Bạch Thiếu Huy vẫn đưa mắt nhìn theo.

Vương Lập Văn thấy chàng chú ý đến người trên thuyền con thì hỏi :

- Vị nhân huynh đó có phong thái phiêu diêu khoáng đạt, Bạch huynh có biết y không?

Bạch Thiếu Huy lắc đầu nói :

- Không! Tại hạ không biết.

Vừa nói xong thì chàng chợt nhớ ra rằng thiếu niên đó chính là người mà chàng và Trương Quả Lão đã gặp trong tòa nhà bỏ hoang, lúc chàng trở lại tìm thanh Ngân kiếm của Nam Vân quán chủ.

Thuyền hoa của Vương Lập Văn xuôi dòng lơ lửng theo ven sông đến giờ Tý. Trên bờ pháo lại nổ vang, thanh la nổi lên inh ỏi, trống vang rền.

Theo sự giải thích của Kim Nhất Phàm thì lúc trưa, ba đội Cửu Long, Cửu Sư và Cà Kheo của ba vị công tử kia đã kéo đi từ Tây sang Đông theo con đường bộ, còn đội thuyền rồng của Vương Lập Văn thì di chuyển bằng đường thủy từ Đông sang Tây.

Rồi đến tối thì ba đội đi đường bộ lại từ Đông kéo sang Tây, đội đường thủy thì từ Tây sang Đông, như vậy là mỗi đội sẽ di chuyển hai lượt.

Bây giờ là lúc họ ngược đường về.

Bạch Thiếu Huy lấy làm lạ, thầm nghĩ :

- “Cái sự di chuyển đó phải chăng là để truy tầm một điều gì đó?


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...