Hắc Thánh Thần Tiêu
Chương 138: Kế hoạch vạn toàn
- Tôi tuy là nữ nhân, song lời nói nặng hơn núi, đã định đưa hai vị vào Quân Sơn, tất phải đủ sức đảm bảo an toàn cho hai vị. Theo tình hình hiện tại, thì hai vị là những tay tử đối đầu của Phân cung Quân Sơn, nếu vào Quân Sơn với dung mạo một Bạch Thiếu Huy và một Phạm Thù thì làm sao tiện?
Phạm Thù hừ một tiếng :
- Biết là không tiện sao còn đưa đi?
Bạch Thiếu Huy hỏi :
- Cô nương muốn cho anh em tại hạ cải sửa dung mạo?
Lăng Vân Phượng gật đầu :
- Phương pháp đó tiện nhất.
Bạch Thiếu Huy lại hỏi :
- Cô nương muốn bọn tại hạ cải dạng như thế nào?
Lăng Vân Phượng mỉm cười :
- Như thế nào cũng được miễn là xóa bỏ dung mạo hiện tại thôi.
Bạch Thiếu Huy gật đầu :
- Vậy thì dễ lắm.
Chàng lấy thuốc trong mình ra, biến thành một đại hán mặt tía, rồi giúp Phạm Thù thành một lão già có chòm râu dê lưa thưa.
Nhìn Bạch Thiếu Huy trổ thủ thuật cải sửa dung mạo của chàng và Phạm Thù, Lăng Vân Phượng hết sức ngợi khen :
- Kỹ thuật của Tiết thiếu hiệp vô cùng tinh diệu, Lăng Vân Phượng này muốn hỏi đến một người, chẳng hiểu thiếu hiệp có thể cho biết chăng?
Bạch Thiếu Huy trố mắt :
- Cô nương muốn hỏi ai?
Lăng Vân Phượng buông gọn :
- Hắc Thánh Thần Tiêu Du Long Tang Cửu?
Bạch Thiếu Huy giật mình :
- Tại hạ từng nghe danh vị lão tiền bối đó, nhưng rất tiếc là mình không có duyên hay gặp gỡ lần nào.
Lăng Vân Phượng trầm giọng :
- Kỹ thuật cải sửa dung mạo của thiếu hiệp, nếu tôi không lầm thì đúng là bí thuật của Hắc Thánh Thần Tiêu vậy.
Bạch Thiếu Huy thầm nghĩ :
- “Bỗng nhiên nàng đề cập đến sư phó, chẳng rõ nàng có ý tứ gì?”
Chàng cười nhẹ đáp :
- Trên giang hồ chẳng có cái gì là độc đáo của một người, thủ thuật thì đại khái giống nhau, có khác chăng là một vài điểm nhỏ trong cách áp dụng.
Vừa lúc đó trên giòng sông có một chiếc thuyền nhỏ xuất hiện, tiến nhanh về phía họ, nơi mui thuyền có hai ngọn đèn lồng, đèn bọc ba phía chỉ chừa phía trước, hiện ra hai mui thuyền. Từ bên thuyền đó có tiếng hỏi oang oang vọng đến :
- Ai trên thuyền đó?
Thiếu nữ chèo thuyền nói :
- Thuận gió về bến!
Hai thuyền sắp kề cận nhau, trên thuyền kia một đại hán vận y phục chẹt màu xanh nhìn sang hỏi :
- Có lịnh bài không?
Thiếu nữ đưa tay lên, trong lòng bàn tay có chiếc ngân bài.
Đại hán áo xanh nghiêng mình :
- Cô nương cứ đi!
Thuyền của Lăng Vân Phượng không hướng đến Quân Sơn, lại cấp vào bờ trong một rạch nhỏ tại vịnh Hầu Gia.
Lăng Vân Phượng lên bờ trước, Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù theo sau, cuối cùng là thiếu nữ chèo thuyền.
Dọc đường Lăng Vân Phượng lặng thinh, Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù cũng chẳng nói năng gì nữa.
Bạch Thiếu Huy vừa đi vừa quan sát địa thế, đoàn người vòng qua một tòa núi nhỏ, theo một con đường mòn đi tới một lúc rồi quẹo sang phía hữu.
Chàng nhận ra nơi đây là vùng phía hậu của Quân Sơn, thầm nghĩ :
- “Chúng giam nghĩa mẫu của ta ở nơi đây chăng?”
Lăng Vân Phượng hướng dẫn đoàn người đi tới, xuyên qua một khu rừng cổ bá.
Đêm không trăng sao thưa chẳng đủ ánh sáng soi rọi trần gian, lại chìm trong cái thê lương rùng rợn cho khách lữ, Bạch Thiếu Huy tưởng mình đi dần vào huyền bí.
Đi một lúc Bạch Thiếu Huy chợt thức ngộ ra, đây là vùng mộ địa, bởi chỉ có những nơi như thế này mới có những cây tòng cây bá trồng thẳng lối.
Chàng vận dụng nhãn quang, trông ra trước mặt, thấy xa xa có mộ bia, khi đến gần chàng độc mấy chữ :
- Thanh triều ban sắc Bố chánh Sứ hầu công Khải Bà chi mộ!
Thì ra đây là mộ địa của viên Bố chánh, họ Hầu tên Khải Bá được triều đình nhà thanh sắc tứ lập nên ngôi mộ này!
Trước mộ bia có một khoảng đất bằng, Lăng Vân Phượng đi vòng qua khoảng đất đó, lại rẽ về bên phải, không lâu lắm, đến một nơi kiến trúc như tòa trang viện.
Nơi hai cánh cửa kiến trúc đó, có gắn hai tấm bảng bằng đá xanh mài mỏng, nơi mặt đá có ghi mấy chữ :
- Miếu thờ vị Bố chánh họ Hầu.
Bạch Thiếu Huy thầm nghĩ :
- “Chúng giam giữ nghĩa mẫu ta trong nhà thờ này”.
Bên hữu có cửa ngách, Lăng Vân Phượng dừng lại, thiếu nữ bước tới, đưa tay gõ nhẹ vào cánh ba cái.
Tiếng gõ dứt, cánh cửa mở, từ bên trong một lão nhân gù lưng râu quăn xuất hiện, nhìn thiếu nữ một chút rồi hỏi :
- Ngọn gió nào thổi đến đây?
Thiếu nữ đáp bằng một khẩu hiệu :
- Đông Phương Giáp Ất Mộc!
Lão già lưng gù lại hỏi :
- Lệnh bài đâu?
Thiếu nữ bật cười :
- Thọ lão đầu! Ta là Tiểu Yến, đi theo Cung chủ đến đây!
Lão già lưng gù giật mình chưa kịp nói gì Lăng Vân Phượng đã lên tiếng :
- Thọ Tăng Phúc! Ta đây!
Lão gì hấp tấp nghiêng mình :
- Thuộc hạ không hay Cung chủ đến, chậm trễ tiếp nghênh thật đáng tội chết.
Lăng Vân Phượng khoác tay :
- Chẳng sao đừng quá thủ lễ.
Nàng bước vào, Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù theo sau qua khỏi sân lộ thiên, họ rẽ vào một dãy phòng, nơi đó có một gian dùng làm khách sảnh, bàn ghế tinh khiết vô cùng.
Lão già lưng gù theo sau, đốt lên một ngọn đèn rồi lui ra ngoài.
Thiếu nữ lúc đó đã gỡ chiếc nạ, bày ra một gương mặt vô cùng xinh đẹp, nàng vào trong mang ra hai chén trà mùi thơm phức, đặt trước mặt Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù thốt :
- Mời hai vị dùng trà!
Bạch Thiếu Huy nhận ra nàng đúng là Tiểu Yến, tỳ nữ hầu cận Lăng Vân Phượng, chàng có dịp thấy nàng lúc trước, chính nàng đã được sai phái phục thị chàng trong thời gian chàng bị Hoán Hoa cung giam cầm.
Chàng nhìn nàng, nàng mỉm cười thốt :
- Bạch thiếu hiệp còn nhận ra tiểu tỳ à?
Bạch Thiếu Huy gật đầu :
- Ngày trước tại hạ thọ trọng thương, nhờ cô nương săn sóc, sau đó dù mang ơn cô nương nhưng chẳng biết làm sao trả ơn...
Tiểu Yến thoáng đỏ mặt :
- Vâng lệnh thượng cấp hầu hạ thiếu hiệp, chứ ơn với nghĩa gì mà thiếu hiệp phải nhắc? Nếu muốn trả ơn thì thiếu hiệp nên hướng về Cung chủ mới đúng!
Phạm Thù thoáng biến sắc thầm nghĩ :
- “Thì ra đại ca có quen biết bọn này! Vậy mà từ bao lâu rồi, đại ca chẳng cho ta biết! Lần này về đến nơi ta phải hỏi cho ra lẽ mới được!”
Bạch Thiếu Huy hướng qua Lăng Vân Phượng vòng tay thốt :
- Theo lời Tiểu Yến cô nương vừa nói, thì tại hạ mang ơn cô nương rất nhiều, nhớ lại trong ngày nay, đã gây thương tích cho cô nương, tại hạ xốn xang áy náy quá.
Lăng Vân Phượng ngồi trên chiếc ghế bành, nhìn thoáng qua Phạm Thù, thấy hắn lộ ra thần sắc khác thường, tuy nhiên nàng lờ đi, nâng chén trà nhấp nhấp, rồi cười nhẹ thốt :
- Việc đã qua lâu rồi, nhắc lại làm chi? Tôi đánh thiếu hiệp một chưởng thì thiếu hiệp trả lại một tiêu, như vậy là huề không ai nợ ai cả.
Tiểu Yến lại mang thức ăn ra.
Lăng Vân Phượng mỉm cười :
- Hai vị thức khuya chắc phải đói, tôi mời hai vị dùng tạm lót dạ.
Bạch Thiếu Huy nghiêm giọng :
- Cô nương đừng bày vẽ phí công. Thời gian cấp bách...
Lăng Vân Phượng khoác tay chặn lại :
- Tiết thiếu hiệp hoài nghi tôi mưu toan dùng độc?
Nàng nếm qua mỗi món một chút rồi bảo :
- Thiếu hiệp cứ yên tâm nếu có chất độc, là tôi phải chết trước.
Bạch Thiếu Huy lắc đầu :
- Tại hạ đâu dám nghĩ thế!
Chàng thản nhiên ăn, Phạm Thù đâu thể làm khác hơn, cũng phải ăn theo.
Ăn xong Lăng Vân Phượng hỏi Phạm Thù :
- Phạm thiếu hiệp có thể ngồi đây chờ đợi trong khi tôi đưa Tiết thiếu hiệp vào trong chứ?
Phạm Thù lắc đầu đứng lên :
- Không! Tại hạ muốn đi theo đại ca!
Lăng Vân Phượng thốt :
- Mong Phạm thiếu hiệp nghĩ kỹ lại, tôi đã lên tiếng trước, là mọi sự phải tùy theo sự sắp đặt của tôi.
Nàng dừng lại một chút đoạn tiếp :
- Sự tình ẩn chứa một chi tiết hết sức khó khăn, tôi chưa tiện nói ra cho Phạm thiếu hiệp hiểu, tôi cam kết là tôi sẽ đưa Tiết thiếu hiệp trở ra đây trước bình minh.
Bạch Thiếu Huy khuyên :
- Phạm đệ, bởi có chỗ khó khăn, Lăng cô nương không tiện nói ra, thôi thì đành vậy đi, Phạm đệ chịu khó ở đây chờ.
Phạm Thù gật đầu :
- Được rồi tại hạ xin ngồi đây chờ, nếu bình minh lên mà đại ca tại hạ chưa trở lại, thì cô nương chớ trách tại hạ vô lễ!
Lăng Vân Phượng mỉm cười :
- Phạm thiếu hiệp yên trí. Tôi không ăn thịt đại ca của thiếu hiệp đâu.
Nàng đưa tay chỉ Tiểu Yến tiếp nối :
- Đến nó cũng chẳng thể theo tôi nữa là ai khác. Phạm thiếu hiệp cứ tin nơi tôi.
Bạch Thiếu Huy thầm nghĩ :
- “Nàng sẽ đưa ta đến đâu? Chắc nơi đó phòng bị ghê gớm lắm, Tiểu Yến cũng chẳng được bén mảng đến”.
Lăng Vân Phượng day qua chàng :
- Mình đi thôi, Tiết thiếu hiệp!
Nàng bước đi trước, Bạch Thiếu Huy bám sát theo sau. Qua khỏi gian tiền sảnh, họ đến một bậc thềm, thềm ăn lên, trên đầu thềm là một tòa khách sảnh khác nữa, rộng lớn hơn trong sảnh đường, có chậu hoa, có lư hương, cổ đổng, trong số có một chiếc cổ đồng cao bằng nửa thân người.
Bạch Thiếu Huy đảo mắt nhìn quanh hỏi :
- Gia mẫu ở tại đây?
Lăng Vân Phượng ừ một tiếng :
- Tôi đưa thiếu hiệp đến gặp một người!
Nàng ừ nhưng lại nói như thế, Bạch Thiếu Huy hoang mang vội gằn giọng :
- Tại hạ theo cô nương vào đây chỉ mong gặp gia mẫu, ngoài ra chẳng muốn gặp ai khác.
Lăng Vân Phượng cười duyên :
- Tiết thiếu hiệp không cần hỏi nhiều, rồi tự nhiên cũng sẽ hiểu.
Nàng bước tới mở nắp chiếc đảnh, cẩn thận cho tay vào trong mò mò.
Có tiếng rột rột vang lên từ bên dưới nền, chiếc đảnh từ từ tụt xuống.
Bên vách hữu hiện ra một khung cửa.
Bạch Thiếu Huy chợt tỉnh ngộ nghĩ :
- “Thì ra chiếc đảnh này là mấu chốt của một cơ quan”.
Lăng Vân Phượng đưa tay vén mái tóc lòa xòa, quay đầu nhìn chàng hỏi :
- Tiết thiếu hiệp có biết đây là đâu chăng?
Bạch Thiếu Huy đáp :
- Một ngôi nhà nằm trong lòng núi.
Chàng vừa đáp vừa nhìn về vọng cửa.
Lăng Vân Phượng mỉm cười :
- Cái đó là tự nhiên rồi, tôi muốn hỏi về phương hướng kia.
Bạch Thiếu Huy thốt :
- Phía hậu Quân Sơn.
Lăng Vân Phượng gật đầu :
- Đúng vậy và khu này là Phân cung, trước kia thuộc về Thường gia bảo.
Bạch Thiếu Huy cười lạnh :
- Tại hạ hiểu, đây là ngôi nhà của Nhập Long Vân Thường Duy Nhân bị các vị chiếm dụng?
Lăng Vân Phượng hừ một tiếng :
- Ai chiếm dụng? Từ lúc Thường đại hiệp thất tung, chúng tôi mua ngôi nhà này.
Bạch Thiếu Huy điềm nhiên :
- Trọn một phái Hoa Sơn mà các vị còn thâu tóm, như một tòa trang bảo có đáng là bao vậy mà các vị không dám thừa nhận?
Lăng Vân Phượng nguýt xéo chàng :
- Tôi không nói đến việc đó với thiếu hiệp đâu. Tại sao thiếu hiệp mỉa tôi chứ?
Bạch Thiếu Huy biu môi :
- Thế cô nương vừa hỏi tại hạ việc gì?
Lăng Vân Phượng đáp :
- Ngôi thạch thất, ngay từ trước khi Thường Duy Nhân đại hiệp bị thất tung, chúng tôi đã kiến tạo ngôi nhà này rồi, sau đó mới mua luôn khu Thường gia bảo để mở rộng cơ sở... Nhưng từ khi mua được trang bảo đó, thì ngôi nhà này không mở cửa nữa...
Bạch Thiếu Huy suy nghĩ một chút :
- Hẳn nơi đây ăn thông với tiền sơn bằng những lối đi bí mật?
Lăng Vân Phượng gật đầu :
- Đúng vậy. Hiện tại thì Quân Sơn phân cung lấy tiền sơn làm chánh môn, còn nơi đây đổi lại thành hậu cứ.
Bạch Thiếu Huy khoác tay :
- Cô nương không nên đem những điều bí mật đó nói cho tại hạ biết làm gì!
Lăng Vân Phượng mỉm cười :
- Nói với thiếu hiệp rồi thiếu hiệp sẽ tiết lộ với mọi người chăng?
Bạch Thiếu Huy gật đầu :
- Rất có thể lắm. Một ngày nào đó các môn phái liên minh, tạo thành một lực lượng hùng hậu tiến công Quân Sơn thì tại hạ sẽ đi tiên phong, hướng dẫn một số người từ ngả này xâm nhập vào căn cứ, đánh thẳng tiền sơn phá tan cơ sở.
Lăng Vân Phượng cười nhẹ :
- Bởi biết trước thế nào thiếu hiệp cũng làm cái việc đó, tôi mới cho thiếu hiệp thấy cơ quan mở đóng nơi đây nhưng đề phòng nhé, nếu chạm vào một cơ quan khác thì bao nhiêu ám khí mai phục tại đây sẽ phát động nguy hiểm vô cùng.
Nàng cảnh cáo chàng hay bày vẽ cho chàng cách xâm nhập hậu cứ này?
Bạch Thiếu Huy lạnh lùng :
- Đa tạ cô nương!
Lăng Vân Phượng tiếp :
- Đêm nay đưa thiếu hiệp vào đây là vì thiếu hiệp đó thôi!
Bạch Thiếu Huy lắc đầu :
- Tại hạ chưa thấy lý do!
Lăng Vân Phượng lại tiếp :
- Lẽ thứ nhất nơi đây u tịch, hoang vắng không ai phát giác thân phận của thiếu hiệp.
Bạch Thiếu Huy hỏi :
- Kế tiếp?
Lăng Vân Phượng thốt :
- Lẽ thứ hai, khi nào ra khỏi đây thiếu hiệp sẽ hiểu.
Bạch Thiếu Huy thầm nghĩ :
- “Xem ra nàng rất có cảm tình với ta, nhưng chẳng rõ thực hay giả?”
Chàng không muốn dài dòng nhắc :
- Thời gian khẩn cấp cô nương ạ, mình đi thôi.
Lăng Vân Phượng lấy trong mình ra một chiếc ống đồng, chế kiểu đặc biệt, bật lửa đốt lên, ống đồng biến thành một ngọn đèn, nàng rọi ngọn đèn bước qua vọng cửa, Bạch Thiếu Huy bước theo liền.
Đi được một trượng đường, Bạch Thiếu Huy chợt nghe một tiếng cạch, chàng nhìn lại thấy cánh cửa đóng rồi, bất thần giật mình vận kình lực dồn vào tay hữu hỏi :
- Có phải cô nương ngầm đóng cửa chăng?
Lăng Vân Phượng thở dài :
- Đến giờ phút này mà thiếu hiệp cũng chưa tin được tôi sao?
Nhớ lại những hành động của nàng trong ngày, chàng xét ra nàng không có ác ý, việc đưa chàng sang sông và trao hoàn thuốc giải độc để chữa trị tật câm điếc của Ngọc Mai, thừa chứng minh việc đó, chàng liền phân tán công lực thở dài.
Lăng Vân Phượng tiếp :
- Vào rồi tự nhiên phải đóng cửa, nếu ra chẳng biết mở mà ra sao?