Gone Girl - Cô Gái Mất Tích
Chương 3: Ngày của Nick Dunne
Em gái tôi đang làm việc ở phía sau quầy, mái tóc buộc túm lên với chiếc nơ bướm cỡ lớn, cả hai cánh tay nhuộm hồng khi con bé nhúng từng cốc bia lên xuống giữa đám bọt xà phòng. Margo có dáng người mảnh dẻ và nét mặt khá lạ, không hẳn là không cuốn hút. Phải mất một lúc mới có thể định hình những đường nét của con bé: quai hàm rộng, chiếc mũi nhỏ xinh xắn, đôi mắt đen sâu thẳm. Nếu ở trong một bộ phim cổ trang, chắc hẳn sẽ có một gã đàn ông ngả mũ huýt sáo khi nhìn thấy con bé rồi nói: "Này, thứ đàn bà quỷ tha ma bắt!" Gương mặt của một nữ hoàng phim hài thời kỳ những năm 30 không phải lúc nào cũng phù hợp với thời đại công chúa thần tiên của chúng ta. Nhưng qua những năm tháng chúng tôi sống cùng nhau, tôi biết bọn đàn ông thích em gái tôi, rất thích, điều khiến tôi với cương vị của một người anh vừa cảm thấy tự hào lại vừa phải cảnh giác.
"Họ vẫn làm thịt cuộn ớt tiêu chứ anh?" Con bé lên tiếng thay cho lời chào, mắt không nhìn lên nhưng vẫn biết đó chính là tôi, và tôi lại có cảm giác nhẹ nhõm thường thấy mỗi khi gặp con bé: mọi việc có thể không tuyệt vời, nhưng đều ổn thỏa.
Em gái song sinh của tôi, Margo. Tôi đã nói câu này không biết bao nhiêu lần rồi. Nó đã trở thành một câu thần chú giúp tôi nhẹ lòng thay vì ý nghĩa thực của nó: Go-song-sinh-của-tôi. Những năm 70, sinh đôi như chúng tôi lúc đó là việc khá hiếm gặp và nó giống một phép màu, như thể là anh em họ của loài kỳ lân hay anh chị em ruột rà với những người tí hon vậy. Thậm chí chúng tôi ít nhiều còn có thần giao cách cảm của những cặp sinh đôi. Go quả thực là người duy nhất trên thế gian này tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi ở bên cạnh. Tôi không có cảm giác phải cắt nghĩa những hành động của mình đối với con bé. Tôi không giải thích, không nghi ngờ, không lo lắng. Tôi không nói tất cả mọi chuyện với Margo, không còn như vậy nữa, nhưng cho đến giờ con bé là người mà tôi thổ lộ nhiều hơn bất cứ ai. Tôi kể với Margo nhiều hết mức có thể. Dù gì chúng tôi cũng đã từng nương tựa vào nhau, che chở cho nhau trong suốt chín tháng trời. Điều đó đã trở thành một thói quen trọn đời rồi. Đối với tôi không thành vấn đề khi Margo là con gái, một cô gái lạ kỳ với ý thức sâu sắc. Tôi có thể nói gì được đây? Con bé lúc nào cũng tuyệt vời.
"Thịt cuộn ớt tiêu à, một loại thịt cho bữa trưa đúng không? Anh nghĩ họ có làm đấy."
"Chúng ta nên mua một ít." Con bé nói rồi nhướng một bên lông mày nhìn tôi. "Em thấy tò mò quá."
Không nói không rằng, con bé rót cho tôi một ít bia PBR tươi vào chiếc ly có quai trông bẩn đến mức khó hiểu. Khi bắt gặp ánh mắt tôi chăm chăm nhìn vào vết ố trên miệng ly, con bé đưa chiếc ly lên ngang miệng mình rồi liếm sạch vết ố đó, chỉ để một ít nước miếng vương lại rồi đặt phần quai của chiếc ly đối diện vuông góc với tôi. "Được chưa, hoàng tử của tôi?"
Go luôn cho rằng tôi được thừa hưởng những gì tốt đẹp nhất từ bố mẹ, rằng tôi là đứa con trai mà bố mẹ tôi đã ao ước, là đứa con duy nhất mà họ được trời ban cho, và rằng con bé bước vào thế giới này là nhờ lén bám chặt vào mắt cá chân của tôi, giống như một kẻ lạ mặt không hề được mong đợi. (Đặc biệt là đối với cha tôi.) Con bé tin rằng trong suốt thời thơ ấu của mình nó đã bị bỏ mặc để tự lo liệu tất cả mọi việc, một thứ sinh vật đáng thương, chỉ luôn mặc đồ thừa, chỉ nhận được sự cho phép vì lỡ miệng còn tiền tiêu vặt thì hạn chế, nói chung là gắn liền với sự hối tiếc. Có lẽ cách nhìn đó có phần đúng. Tôi chỉ biết đứng ở đấy mà gật đầu thừa nhận.
"Được rồi, thưa cô nông dân khổ hạnh của tôi." Tôi đáp lại với điệu bộ vẫy hai bàn tay mình theo kiểu cách của hoàng gia.
Tôi tu vội cốc bia. Phải ngồi xuống mà uống một hoặc ba ly bia mới được. Suốt từ sáng tới giờ đầu óc tôi vẫn đang căng ra.
"Anh có chuyện gì thế?" Go hỏi. "Trông anh cứ rối bời thế nào ấy." Con bé vẩy bọt xà phòng vào tôi, thực ra là nước thì đúng hơn. Điều hòa không khí bắt đầu chạy làm những lọn tóc trên đỉnh đầu chúng tôi bay bay. Chúng tôi dành nhiều thời gian ở Quán Bar hơn mức cần thiết. Nó đã trở thành ngôi nhà tuổi thơ mà chúng tôi chưa từng có được. Năm ngoái, vào một đêm say mèm, chúng tôi đã bật mở những chiếc thùng chứa đồ trong tầng hầm ngôi nhà của bố mẹ. Khi ấy mẹ tôi còn sống nhưng cũng đã yếu lắm rồi, chúng tôi cảm thấy cần được vỗ về và hai anh em đã lục tìm lại những món đồ chơi cũ, cứ sau mỗi ngụm bia lại là những tiếng u u, a a. Giáng sinh tháng tám. Sau khi mẹ mất, Go chuyển về ngôi nhà cũ của gia đình tôi. Những món đồ chơi, từng thứ một, dần được chúng tôi sắp đặt lại ở Quán Bar: một con búp bê kiểu Strawberry Shortcake giờ không còn mùi thơm nữa được đặt trên chiếc ghế đẩu cao (quà của tôi tặng Go),một chiếc xe Hot Wheels El Camino nhỏ xíu, đã mất một bánh, được đặt trên chiếc giá trong góc quán (quà của Go tặng tôi).
Chúng tôi đã nghĩ tới việc cho ra mắt một chương trình buổi tối gồm những trò chơi tập thể, nhưng phần lớn khách hàng của chúng tôi đều đã quá tuổi để còn chút hoài nhớ về trò chơi Những chú hà mã đói ngấu hay Trò chơi cuộc sống qua những chiếc ô-tô nhỏ xíu bằng nhựa, bên trong đầy những chiếc ghim tượng trưng cho các cặp vợ chồng và con cái. Tôi không thể nhớ người ta đã giành chiến thắng bằng cách nào nữa.
Go rót đầy lại ly bia của mình và của tôi. Mí mắt trái của con bé hơi cụp xuống. Đã đúng giữa trưa rồi,12:00, và tôi tự hỏi không rõ Go uống từ bao giờ. Con bé đã có một chặng đường mười năm vất vả. Cô em gái ưa mạo hiểm của tôi, với bộ não của một nhà khoa học tên lửa và tinh thần của một kẻ cưỡi ngựa chăn gia súc, đã bỏ ngang việc học ở trường cao đẳng từ cuối những năm 90 để tới Mahattan. Con bé là một trong những hiện tượng ‘chấm-com’ đầu tiên - điên cuồng kiếm tiền trong vòng hai năm, để rồi đến năm 2000 cũng bị nhấn chìm trong sự bùng nổ của Internet. Go không chịu khuất phục. Con bé gần với ngưỡng tuổi hai mươi hơn là ba mươi, nó vẫn ổn. Chuyển sang phương án hai, Go hoàn tất việc học và tham gia vào giới đầu tư tài chính. Con bé ở mức độ trung bình, không hào nhoáng, cũng không có gì đáng hổ thẹn cả, nhưng con bé mất việc - một cách nhanh chóng - trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Tôi thậm chí không hề biết Go đã rời New York cho đến khi con bé gọi cho tôi từ nhà bố mẹ: Em bỏ cuộc rồi. Tôi nài nỉ, phỉnh phờ con bé quay trở lại, nhưng từ phía đầu dây bên kia không một lời nào đáp lại ngoài sự im lặng giận dữ. Sau khi gác máy, trong tâm trạng rối bời tôi đến ngay căn hộ của Go ở Bowery và thấy Gary, cây si yêu quý của con bé đã héo úa và được đặt bên cạnh cửa thoát hiểm. Tôi nhận ra rằng con bé sẽ không bao giờ trở lại nữa.
Quán Bar dường như là niềm vui của Go. Con bé lo việc sổ sách, rót bia. Tuy thường xuyên lấy khoản tiền boa trong chiếc lọ, nhưng con bé làm việc nhiều hơn cả tôi. Chúng tôi chẳng bao giờ nói chuyện với nhau về cuộc sống trước đây. Chúng tôi là những kẻ mang họ Dunne mà. Chúng tôi chấp nhận cuộc sống và hài lòng với nó một cách khác thường.
"Này, sao vậy?" Go lên tiếng, theo cách con bé thường mở đầu một cuộc hội thoại.
"Ơ."
"Ơ cái gì? Ơ, tệ quá à? Trông anh kinh thật."
Tôi nhún vai tỏ ý đồng tình. Con bé dò xét nét mặt tôi.
"Lại là Amy sao?" Go hỏi. Một câu hỏi quá dễ để trả lời. Tôi lại nhún vai lần nữa - lần này là cái nhún vai khẳng định, kiểu biết làm sao được?
Go làm vẻ mặt hứng thú, chống khuỷu tay lên quầy bar, hai tay đỡ lấy cằm rồi gác chân lên ghế, chuẩn bị mổ xẻ cuộc hôn nhân của tôi đến cùng. Go - chuyên gia duy nhất của ban cố vấn. "Có chuyện gì với chị ta vậy?"
"Một ngày tệ hại. Chỉ là một ngày tệ hại thôi."
"Đừng để chị ta làm phiền anh." Go châm một điếu thuốc lá. Con bé hút mỗi ngày chỉ đúng một điếu. "Đàn bà là thứ điên rồ." Go không tự cho mình là một phần trong phạm trù tổng quát đàn bà đó, từ mà con bé đưa ra với ý giễu cợt.
Tôi thổi làn khói thuốc về phía chủ nhân của nó. "Hôm nay là kỷ niệm ngày cưới của bọn anh. Năm năm."
"Ái chà." Cô em gái của tôi nghếch đầu về phía sau. Con bé đã từng là phù dâu cho đám cưới với mọi thứ được trang hoàng trong ánh tím - "một quý cô tóc đen duyên dáng trong chiếc váy màu thạch anh tím", đúng như lời khen tặng của mẹ Amy dành cho Go. Nhưng ngày kỷ niệm đám cưới không phải là điều mà con bé để trong đầu. "Trời đất. Điên thật. Ông tướng này. Sao nhanh thế nhỉ." Con bé nhả khói thuốc về phía tôi, một kiểu đùa giỡn với mầm mống của căn bệnh ung thư. "Chị ta lại sắp sửa bày cái trò, ờ, anh gọi nó là gì nhỉ, hình như không phải săn tìm câu đố…"
"Săn tìm kho báu." Tôi đáp.
Vợ tôi rất thích các trò chơi, thường là các trò chơi trí tuệ, nhưng thực tế thì cũng là những trò chơi mang tính giải trí. Và vào các dịp kỷ niệm ngày cưới, cô ấy luôn chuẩn bị một trò chơi săn tìm kho báu rất tỉ mỉ, mỗi câu đố lại dẫn đến nơi cất giấu câu đố tiếp theo cho đến khi tôi về tới đích, nơi giấu món quà cô ấy dành tặng tôi. Đó là cách mà bố Amy luôn làm cho mẹ cô ấy vào mỗi dịp kỷ niệm ngày cưới của họ, và xin đừng cho rằng tôi không nhìn nhận ra vai trò giới trong trò chơi này, rằng tôi không hiểu được ẩn ý phía sau nó. Nhưng tôi không lớn lên trong gia đình của Amy. Tôi lớn lên trong gia đình của tôi, và món quà cuối cùng tôi nhớ bố tôi đã tặng mẹ là một chiếc bàn là được đặt trên bàn bếp, không gói bọc gì cả.
"Chúng ta có nên đánh cược xem năm nay chị ta sẽ khiến anh ngao ngán đến mức nào không nhỉ?" Margo vừa gợi ý vừa mỉm cười nhấp một ngụm bia.
Vấn đề với trò săn tìm kho báu của Amy là: Tôi chưa bao giờ giải được câu đố nào cả. Lần đầu tiên kỷ niệm ngày cưới, hồi còn ở New York, tôi giải được hai trong số bảy câu. Đấy là lần giỏi nhất rồi. Câu mở đầu như sau:
Nơi đây tuy chút tầm thường,
Nụ hôn thu đó yêu thương ngập tràn.
Bạn đã từng chơi trò đánh vần của trẻ con rồi chứ? Cái phút giây ngỡ ngàng sau khi một từ được xướng lên đó, khi mà bộ não của bạn phải phân tích xem liệu mình có đánh vần được từ đó hay không? Cảm giác giống như thế đấy, hoang mang và trống rỗng.
"Một quán bar kiểu Ireland ở một nơi chẳng hề Ireland chút nào." Amy huých huých khuỷu tay mình.
Tôi cắn mím một bên mép, nhún vai một cái rồi nhìn khắp phòng khách như thể câu trả lời có thể đang nằm ở đó. Vợ tôi lại cho thêm một phút thật lâu nữa.
"Chúng ta đã bị lạc trong mưa." Amy nói với giọng khẩn thiết đến mức gần như tức giận.
Tôi chỉ biết nhún vai.
"Quán McMann’s, Nick. Anh có nhớ không, bọn mình đã bị lạc ở khu phố Tàu dưới trời mưa trong khi cố tìm cái quán sủi cảo đó. Cả hai ta cứ tưởng quán đó ở gần chỗ đặt bức tượng Khổng Tử nhưng hóa ra lại có đến hai bức tượng như thế, và rồi bọn mình vô tình bước vào quán bar đó, ướt như chuột lột. Sau đó chúng ta gọi vài ly whisky, rồi anh đã ôm và hôn em, đó là…"
"Phải rồi! Đáng lẽ em nên đưa ra chi tiết về Khổng Tử, hẳn là anh đã nhớ ra."
"Bức tượng không phải vấn đề. Mà vấn đề là địa điểm đó. Khoảnh khắc đó. Em đã tưởng rằng nó đặc biệt lắm cơ đấy." Amy nhấn nhá những từ cuối cùng bằng giọng giận dỗi trẻ con đã từng khiến tôi phải say đắm.
"Đặc biệt mà." Tôi kéo Amy vào lòng rồi hôn cô ấy. "Nụ hôn này là sự tái hiện kỷ niệm đặc biệt của anh. Nào chúng mình cùng làm lại như lần ở quán McMann’s đó nhé."
Tay chủ quán McMann’s, người to béo như gấu với bộ râu quai nón nhìn thấy chúng tôi bước vào liền mỉm cười rạng rỡ, rót cho chúng tôi hai ly whisky, và đưa đẩy sang câu đố tiếp theo.
Khi tôi mỏi mệt và chán chường
Duy chỉ một nơi giấu vấn vương.
Câu đó té ra muốn nói đến bức tượng Alice ở xứ sở thần tiên trong Công viên Trung tâm mà Amy đã nói với tôi - cô ấy đã từng nói với tôi, cô ấy biết cô ấy đã nói với tôi nhiều lần rồi, rằng khi còn nhỏ đó chính là nơi luôn khiến cô ấy cảm thấy nhẹ lòng. Tôi đã không một nhớ chút nào về những cuộc hội thoại đó. Ở điểm này tôi hoàn toàn thành thật, tôi không hề nhớ. Tôi mắc chứng rối loạn mất tập trung, và tôi luôn cảm thấy vợ mình rực rỡ vô cùng, theo đúng nghĩa thuần khiết nhất của từ rực rỡ: người ta sẽ bị lóa mắt, nhất là khi nhìn vào thứ ánh sáng rạng ngời đó. Được ở bên và nghe cô ấy nói đã là quá đủ rồi, không hẳn lúc nào cũng phải để ý cô ấy đang nói gì. Đáng lý ra tôi nên để ý, nhưng thực tế đã không như vậy.
Đến cuối ngày, khi chúng tôi trao nhau những món quà thực sự - những món quà được bọc trong giấy gói như thường lệ nhân ngày kỷ niệm đầu tiên - Amy đã không nói gì với tôi cả.
"Anh yêu em, Amy. Em biết là anh yêu em mà." Tôi vừa nói vừa đuổi theo cô ấy, len lỏi qua những nhóm khách du lịch gia đình tụ tập trên hè phố còn đang sửng sốt, mắt chữ o miệng chữ a. Amy lách mình giữa những đám đông trong Công viên Trung tâm, thoăn thoắt len qua khe hở giữa những người chạy bộ và những người trượt ván, giữa những cặp bố mẹ và lũ trẻ còn đang chập chững bước đi. Cô ấy lao nhanh như kẻ say, lúc nào cũng ở phía trước tôi, môi mím chặt và vội vội vàng vàng thẳng tiến mà không có đích đến. Tôi cố gắng đuổi theo, tóm lấy cánh tay cô ấy. Cuối cùng Amy cũng dừng lại, làm vẻ mặt lạnh tanh khi tôi phân trần cho chính mình, ngón tay giữa giơ lên đã khiến sự tức giận của tôi nhẹ bớt: "Amy, anh không hiểu nổi tại sao anh cần chứng minh tình yêu của mình dành cho em bằng cách phải ghi nhớ chính xác những gì em làm, chính xác theo cách em muốn. Điều đó không có nghĩa là anh không yêu cuộc sống mà chúng ta đang cùng sẻ chia."
Một chú hề gần đó đang thổi bóng hình con thú. Một người đàn ông đang mua một bông hồng. Một đứa trẻ đang liếm láp chiếc kem ốc quế. Giữa cảnh tượng đó, một thực tế trần trụi ra đời, một thực tế mà tôi sẽ không bao giờ quên được: Amy lúc nào cũng quá phấn khích, còn tôi chưa bao giờ, chưa từng bao giờ xứng đáng với những nỗ lực đó. Xin chúc mừng lễ kỷ niệm, tên khốn nạn.
"Em nghĩ, năm năm rồi, chị ta sẽ thấy thực sự ngán ngẩm cho mà xem." Go tiếp lời. "Nên em hy vọng anh sẽ tặng chị ta một món quà ra trò."
"Anh sẽ ghi lại trong mục những việc cần làm."
"Năm năm thì, cái gì nhỉ, giống như biểu trưng ấy? Giấy à?"
"Giấy là năm đầu tiên." Tôi đáp. Sau khi kết thúc trò chơi săn tìm kho báu khốn khổ không mong đợi vào dịp kỷ niệm đầu tiên ấy, Amy đã tặng tôi một bộ văn phòng phẩm trang nhã. Các chữ cái đầu viết tắt tên của tôi được in nổi ở trên cùng, và loại giấy đó mềm đến mức tôi đã thầm mong những ngón tay mình đừng có ướt. Để đáp lại, tôi tặng vợ mình một chiếc diều giấy màu đỏ với hình dung về công viên và những cuộc dạo chơi ngoài trời trong nắng hè dịu nhẹ. Chẳng ai trong chúng tôi thích món quà mình được tặng cả, chúng tôi thích nhận được món quà của người kia hơn. Một thứ ngạc nhiên trái khoáy.
"Là bạc à?" Go đoán. "Là đồng? Hay ngà? Nói cho em biết đi."
"Là gỗ." Tôi nói. "Chẳng có món quà lãng mạn nào làm bằng gỗ cả."
Ở phía cuối quầy bar, Sue đã gập gọn gàng tờ báo của mình lại và đặt nó lên mặt quầy cùng với chiếc cốc rỗng không và tờ giấy bạc năm đô-la. Chúng tôi mỉm cười chào nhau khi bà ấy rời khỏi quán.
"Em có ý này." Go nói. "Về nhà đi, làm tình cuồng nộ vào, dùng cái của quý của anh mà quật vào chị ta rồi hét lên: "Đây là thứ gỗ dành cho cô đây, đồ quỷ cái!"
Chúng tôi cười phá lên. Cả hai anh em đều đỏ ửng hai bên má và ở cùng một vị trí. Go thích thú khi nhắm thẳng câu đùa có phần thô tục và hư hỏng ấy vào tôi như thể vừa ném một trái lựu đạn vậy. Đó cũng là lý do vì sao, thời trung học, chúng tôi luôn bị đồn thổi là đã vụng trộm giao cấu với nhau. Tình dục giữa anh em song sinh. Chúng tôi đã quá gắn bó, từ những trò đùa ẩn ý đến những lời thì thầm lả lướt. Tôi khá tự tin rằng mình không phải dông dài về điều này, nhưng các bạn không phải là Go, các bạn có thể hiểu sai, vì vậy tôi sẽ nói cho rõ: Em gái tôi và tôi chưa từng bao giờ giao cấu với nhau hay thậm chí nghĩ đến việc giao cấu với nhau cả. Chỉ là chúng tôi thực sự yêu quý nhau.
Lúc này Go đang giả diễn trò dùng thứ của quý đó tát vào mặt vợ tôi.
Không, Amy và Go không bao giờ có thể là bạn được. Bọn họ là hai thế giới khác biệt. Go đã từng là cô nàng nổi loạn trong cuộc đời tôi, còn Amy lại từng là cô nàng nổi loạn trong cuộc đời của tất cả mọi người. Đối với hai người đàn bà sống trong cùng một thành phố - đến những hai lần cùng thành phố, đầu tiên là New York, giờ là thành phố này - bọn họ hầu như chẳng biết gì về nhau cả. Bọn họ nhẹ nhàng bước vào rồi lại bước ra khỏi cuộc đời tôi như thể những diễn viên kịch chuyển vai, kẻ này vừa bước ra tới cửa thì người kia đi vào. Và những dịp hiếm có mà bọn họ cùng có mặt trong một căn phòng, dường như cả hai đều có phần sửng sốt vì sự chạm mặt đó.
Trước khi Amy và tôi tính chuyện nghiêm túc, đính hôn rồi làm đám cưới, tôi có thể lờ mờ bắt được suy nghĩ thành lời của Go ở chỗ này hay chỗ khác. Thật buồn cười, em không thể hoàn toàn nhận diện được chị ta, không biết chị ta thực sự là người thế nào nữa. Rồi: Anh dường như không phải là chính mình khi ở bên chị ta. Hay: Việc thực sự yêu một ai đó và yêu suy nghĩ của người đó là hai việc khác nhau. Và cuối cùng: Quan trọng là chị ta làm cho anh thực sự hạnh phúc.
Đó là quãng thời gian Amy thực sự đã làm cho tôi hạnh phúc.
Amy cũng có quan điểm riêng của mình về Go: Cô ấy rất… Missouri, phải vậy không? Hay: Đối với cô ấy anh phải lựa cảm xúc của mình. Và: Cô ấy có phần nũng nịu với anh
nhỉ, nhưng em đoán là ngoài anh ra cô ấy chẳng còn ai khác nữa.
Tôi đã hy vọng khi chúng tôi quay trở về Missouri cả hai sẽ bỏ qua mọi chuyện - dù hòa thuận hay bất hòa thì cũng thoải mái là chính mình. Nhưng không ai được như mong đợi cả. Dẫu vậy thì Go vẫn vui vẻ hơn Amy, cho nên thế trận dường như không cân sức. Amy khôn khéo, ngạo nghễ và hay châm biếm. Amy có thể khiến tôi phát điên lên, có thể chọc xoáy một cách sắc sảo, nhưng Go lại luôn khiến tôi bật cười. Và cười nhạo vị hôn thê của mình quả là điều nguy hiểm.
"Go, anh tưởng chúng ta đã thỏa thuận là em sẽ không bao giờ nhắc đến cái của quý của anh nữa cơ mà." Tôi nói. "Điều đó nằm trong giới hạn tình anh em của chúng ta, hãy coi như anh không có cái của quý đó."
Điện thoại đổ chuông. Go nhấp thêm một ngụm bia nữa rồi nhấc máy. Con bé nhướng mày và mỉm cười. "Chắc chắn anh ấy ở đây rồi, đợi một lát nhé!" Go quay sang tôi mấp máy môi: "Carl."
Carl Pelly ở đối diện bên kia con phố với tôi và Amy. Đã nghỉ hưu từ ba năm nay. Đã ly hôn từ hai năm trước. Ngay sau đó anh ta chuyển vào khu phố của chúng tôi. Anh ta từng là người bán dạo - những đồ thiết yếu cho bữa tiệc của trẻ con - và tôi có cảm giác sau bốn thập kỷ sống rong ruổi, với anh ta không hẳn ở nhà mới là sống ở nhà. Hầu như ngày nào anh ta cũng đến quán bar với một túi đồ ăn Hardee nặng mùi gia vị rồi than phiền về vấn đề tài chính của mình cho đến khi anh ta được mời một ly miễn phí. (Đây là một đặc điểm khác về Carl mà tôi tìm hiểu được qua thời gian anh ta lui tới Quán Bar - anh ta là một kẻ nghiện rượu nặng dù vẫn có thể tự kiếm sống được.) Carl luôn nhanh nhẹn nhận xin bất kể thứ gì mà chúng tôi "cố gắng vứt đi", và anh ta làm thế là có ý của mình: Trong vòng một tháng tròn Carl đã không uống gì ngoài những chai Zima được sản xuất từ năm 1992 mà chúng tôi tìm được ở dưới hầm. Khi ốm vì rượu và buộc phải ở nhà, Carl sẽ viện cớ gì đó để gọi điện: Hộp thư nhà anh hôm nay trông đầy ứ, Nicky ạ, hình như có một gói hàng mới chuyển đến thì phải. Hay là: Trời có vẻ sắp mưa, chắc anh phải đóng cửa sổ vào. Những cái cớ vớ vẩn. Với Carl, anh ta chỉ cần nghe tiếng chạm cốc hay tiếng rượu được rót ra mà thôi.
Tôi vừa cầm máy vừa lắc lắc một chiếc cốc vại đầy đá gần phía đầu ống nói để Carl có thể tưởng tượng ra ly rượu gin của mình.
"Này, Nicky." Giọng lướt khướt của Carl cất lên. "Xin lỗi vì làm phiền anh bạn. Tôi chỉ nghĩ là anh nên biết… cửa nhà anh đang mở toang hoang, và con mèo của anh đang chạy ra ngoài. Mà đáng lẽ nó không nên thế, đúng không?"
Tôi lẩm bẩm không thành lời.
"Tôi định ra xem thế nào, nhưng tôi hơi mệt vì say quá." Carl líu lưỡi nói.
"Không sao." Tôi đáp. "Cũng đến lúc tôi phải về rồi."
Mất mười lăm phút lái xe, thẳng về hướng bắc dọc theo Đường Sông. Lái xe vào khu phố nhà mình thi thoảng vẫn khiến tôi rùng cả mình, một số lớn những ngôi nhà tăm tối cửa mở toang hoác - chúng chẳng bao giờ có người đến ở, hoặc có chủ thì họ lại buộc phải rời đi. Những ngôi nhà nằm đó hiên ngang, trống trải và không hơi người.
Khi Amy và tôi chuyển tới khu này, những người hàng xóm đến thăm chúng tôi chỉ gồm có: một người mẹ đơn thân trung tuổi với ba đứa con, mang theo món thịt hầm, một ông bố trẻ có ba đứa con sinh ba mang theo một két bia loại sáu chai (vợ anh ta đã bỏ nhà ra đi cùng với ba đứa con), một cặp vợ chồng già theo Cơ đốc giáo sống cách chúng tôi chừng vài căn, và tất nhiên cả Carl nữa, người sống phía bên kia con phố. Chúng tôi ngồi bên ngoài khoảng sàn gỗ phía sau nhà và ngắm nhìn dòng sông. Tất cả bọn họ đều rầu rĩ bàn luận về cổ phiếu của ARM, lãi suất không phần trăm, hay việc mua nhà không phải trả tiền trước, rồi sau đó tất cả bọn họ lại bình luận về việc Amy và tôi là những người duy nhất có căn nhà nhìn ra mặt sông, là cặp duy nhất vẫn chưa có con. "Chỉ có hai anh chị thôi à? Trong cả căn nhà rộng lớn thế này ư?" Người mẹ đơn thân kia hỏi chúng tôi khi đang làm món trứng bác hay gì đó.
"Chỉ có hai chúng tôi thôi." Tôi mỉm cười xác nhận và gật đầu cảm kích khi đưa một thìa đầy món trứng xốp mềm đó lên miệng.
"Có vẻ trống trải quá."
Về điều này thì chị ta đúng.
Bốn tháng sau, người phụ nữ đó không thể đặt tiền thế chấp nhà và đã biến mất trong đêm cùng với ba đứa con của mình. Căn nhà của chị ta vẫn bỏ không. Cửa sổ phòng khách vẫn còn treo bức tranh vẽ một chú bướm của đứa con, tông màu tươi sáng rực rỡ giờ đã ngả dần sang màu nâu. Một buổi tối cách đây không lâu, tôi lái xe qua đây và nhìn thấy một người đàn ông râu quai nón trong bộ quần áo dơ dáy đứng phía sau bức tranh nhìn đăm đăm ra ngoài, thập thò trong bóng tối như thể một chú cá u sầu bơi trong bể. Khi nhận ra tôi đang nhìn thì ông ta thụt người lại về phía bóng tối hun hút của ngôi nhà. Ngày hôm sau tôi để ở thềm trước ngôi nhà một túi giấy màu nâu bên trong đựng đầy bánh mỳ kẹp, nó vẫn nằm y nguyên ở đó dưới cái nắng suốt một tuần liền, thiu thối cả ra cho đến khi tôi nhặt nó đem vứt đi.
Im lặng. Cả khu phố lúc nào cũng im lặng một cách đáng sợ. Khi tôi về gần đến nhà, nhận ra tiếng động cơ ô-tô nên tôi đã thấy con mèo ngoan ngoãn ở trên bậc thềm. Hai mươi phút sau cuộc gọi của Carl, nó vẫn ở đó. Thật kỳ lạ. Amy rất thích con mèo này, một con mèo đã được cắt móng, chưa bao giờ biết ra ngoài, chưa từng bao giờ cả, bởi con mèo Bleecker này rất ngoan nhưng lại cực kỳ ngu đần. Mặc cho thiết bị dò tìm LoJack đã được cài đặt ở đâu đó trong đám lông xù bông tròn kia của nó, Amy vẫn hiểu rằng cô ấy sẽ không bao giờ còn thấy nó nữa nếu như nó bỏ ra ngoài. Con mèo sẽ lặc lè thẳng tiến về phía dòng sông Mississippi - tèn tén ten - thế là trôi tuột về Vịnh Mexico và rơi vào miệng của một con cá mập bò mộng đói khát nào đó.
Nhưng rốt cuộc con mèo thậm chí chẳng đủ thông minh để đi quá mấy bậc thềm. Bleecker ngồi chồm hỗm trên mép hiên nhà, một anh lính canh béo ú nhưng ngạo nghễ - cố sức quá mức. Khi tôi đánh xe vào nhà, Carl xuất hiện và đứng trên thềm trước nhà anh ta. Tôi có thể cảm thấy cả con mèo lẫn anh ta đều đang nhìn mình khi tôi bước xuống xe và đi về phía ngôi nhà. Những đóa mẫu đơn đỏ thắm đã bừng nở dọc hai bên hàng rào như lên tiếng đòi được ngắm nhìn.
Thấy cửa trước đang mở, tôi định đi về phía có thể chặn đường để bắt con mèo. Carl đã nói không sai, nhưng tận mắt nhìn thì mới thấy khác biệt. Cửa không để ngỏ theo kiểu chỉ-ra-ngoài-một-lát-để-đổ-rác. Cửa mở toang-hoác-một-cách-đáng-ngờ.
Carl đứng tần ngần bên kia đường chờ đợi phản ứng của tôi. Và như một trích đoạn kịch tồi tệ, tôi cảm thấy chính mình đang đóng vai Người chồng lo lắng. Tôi đứng trên bậc giữa thềm tư lự, rồi sau đó bước vội vàng hai bậc một và lớn tiếng gọi tên vợ mình.
Im lặng.
"Amy, em có ở nhà không?"
Tôi chạy thẳng lên tầng trên. Không có Amy. Chiếc bàn ủi đồ đã được đặt sẵn ở đó, bàn là vẫn cắm điện, một chiếc váy đang chuẩn bị được là.
"Amy!"
Khi chạy xuống nhà, qua lối cửa ra vào đang mở tôi thấy Carl vẫn đứng đó, hai tay chống nạnh quan sát. Tôi rẽ ngoặt sang phía phòng khách rồi đột ngột dừng lại. Chiếc thảm trải sàn lấp loáng đầy những mảnh vỡ của thủy tinh. Chiếc bàn uống cà phê đã vỡ tan tành. Mấy chiếc bàn phụ vẫn ở bên cạnh. Sách nằm ngổn ngang trên sàn nhà như những quân bài. Ngay cả chiếc ghế cổ bọc đệm cũng bị lật ngửa, bốn chân ghế nhỏ xíu chổng ngược lên trông như thứ gì đó đã chết. Giữa đám đổ vỡ ấy là một chiếc kéo sắc bén.
"Amy!"
Tôi bắt đầu chạy và hét gào tên cô ấy. Xuyên qua gian bếp - nơi chiếc ấm nước vẫn đang đỏ lửa, rồi xuống tầng hầm - nơi phòng khách trống không, rồi lao ra khỏi cửa hậu. Tôi chạy rầm rập băng qua sân rồi bước lên khoảng sàn gỗ mỏng manh lối dẫn ra phía bờ sông. Tôi trộm liếc sang bên để xem liệu cô ấy có đang ở trên chiếc thuyền mái chèo của chúng tôi hay không, nơi tôi đã có lần bắt gặp cô ấy ngồi trên thuyền vẫn buộc dây neo bến và ném đá xuống sông, mặt hướng về phía mặt trời và mắt nhắm lại. Khi tôi ngó xuống mặt sông lấp loáng, chăm chú nhìn ngắm khuôn mặt xinh đẹp của cô ấy thì Amy bất chợt mở choàng đôi mắt xanh biếc của mình và chẳng nói với tôi một lời nào. Tôi cũng không nói gì mà chỉ lủi thủi đi vào nhà.
"Amy!"
Cô ấy không ở ngoài đó. Cô ấy không ở trong nhà. Không thấy Amy đâu cả.
Cô ấy đã biến mất.
Đã sửa bởi Trần Thu Lệ lúc 10.03.2015, 11:16.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp