Giang Hồ Tam Nữ Hiệp
Chương 43: Kiên quyết dốc lòng mười năm đợi tri kỷ Đạo danh hiếp thế một lúc hiện nguyên hình
May mà ngoài thành Bắc Kinh có một vạc rừng lớn, Ung Chính quay đầu lại nhìn bá quan văn võ đi theo đón Niên Canh Nghiêu, cười ha hả: “Trời nóng bức, các người cũng vất vả, hãy lập trại ở đây đợi Niên đại tướng quân”. Đại thần Trương Đình Ngọc nói: “Hoàng thượng mang tinh thần long mã, bọn vi thần chẳng bì kịp”. Quốc cựu Long Khoa Đa tiếp lời: “Hoàng thượng không ngại nóng bức, ngự giá đóng quân, đúng là đại ơn chưa từng có, các tiến sĩ dầu không vào dầu sôi lửa bỏng cho Hoàng thượng cũng cam lòng”. Ung Chính mỉm cười, y ngự giá đóng quân là để lôi kéo lòng quân, Long Khoa Đa thừa thế bợ đỡ, chính là hợp tâm ý của y.
Một hồi sau, trong rừng đã dựng xong trại, ở giữa là bảo tọa của Hoàng đế, Ung Chính xuống ngựa vào ngồi, các thái giám đứng xung quanh hầu hạ, có kẻ quạt, có kẻ dâng khăn, có kẻ dâng trà mát, một lúc sau, nghe từ xa có tiếng tù và rút lên, tiếp theo là ba tiếng nổ ầm ầm, viên quan đóng ở tiền trạm phi ngựa chạy về báo: “Niên đại tướng quân ban sư hồi triều!”
Ung Chính sửa san áo mão, bước ra khỏi trướng, lá cờ quạt phấp phới, kiếm kích lạnh lẽo, hai mươi vạn đại quân, mỗi người một hàng kéo dài đến hơn mười dặm! Dưới ánh mặt trời chói chang, từng đội bước đi, ngoại trừ bước chân rầm rập, chẳng nghe cả tiếng ho. Mồ hôi trên mặt các binh sĩ lăn xuống như mưa, không ai dám dùng tay lau. Ung Chính thấy thế vừa mừng vừa lo. Niên Canh Nghiêu triệt quân nghiêm ngặt, quả nhiên danh đồn không ngoa!
Từng đội tiền phong dát trụ sáng ngời đi đến trước mặt Hoàng đế, hành quân lễ, rồi sau đó tách ra hai bên trái phải. Trong quân lại vang lên ba tiếng pháo nổ, ở giữa xuất hiện một lá cờ lớn, trên có thêu một chữ “Niên”, chỉ thấy Niên Canh Nghiêu mặc khôi giáp, cưỡi trên con ngựa màu trắng đứng dưới lá cờ, Nhạc Chung Kỳ kiềm ngựa đứng bên phải của Niên Canh Nghiêu, cả hai người thần thái đều bay bỗng, chẳng hề có vẻ mệt mỏi.
Hoàng đế ngự giá ra đón là điều chưa từng có, trong quan văn võ đứng hai bên, bên văn từ thượng thư thị lang trở xuống, bên võ từ cửu môn đề đốc trở xuống, ai nấy đều toát mồ hôi nhưng chẳng dám nhúc nhích. Phía sau lưng Hoàng đế là một đám vương công đại thần cùng với các đại học sĩ, tất cả mặt mày đều nghiêm nghị, không dám thở mạnh.
Niên Canh Nghiêu vừa thấy Ung Chính đã lập tức nhảy xuống ngựa. Ung Chính giơ tay nói: “Khanh gia đã vất vả, miễn lễ, bình thân!” Niên Canh Nghiêu nhảy xuống ngựa, vốn là muốn hành lễ, nghe Ung Chính nói như thế chỉ mỉm cười, hơi khom người rồi nói: “Vi thần lay động đến thánh giá, dầu gan óc này đất cũng không đủ báo!” Nhạc Chung Kỳ tuy cũng được Ung Chính bảo “miễn lễ” nhưng vẫn quỳ xuống đất, cung kính hành đại lễ.
Ung Chính tuy bảo bọn họ miễn lễ nhưng thật ra đó chỉ là lời khách sáo, không ngờ Niên Canh Nghiêu cậy công mà kiêu ngạo, không chịu hành đại lễ. Ung Chính rất bực mình, nhưng bề ngoài không hề tỏ vẻ gì cả, trái lại trách Nhạc Chung Kỳ không nghe y căn dặn, đã quá đa lễ, nói: “Ở đây không phải là chốn triều đình, chỉ hành quân lễ đã đủ, cần gì phải hành lễ quân thần như trong triều! Nhạc tướng quân, khanh đang mặc khôi giáp, hành đại lễ không cảm thấy bất tiện sao?” rồi cười ha hả tựa như rất vui, Nhạc Chung Kỳ tạ tội liền miệng nhưng trong lòng thầm mừng.
Sau khi Nhạc Chung Kỳ hành lễ, Niên Canh Nghiêu lại nhận triều kiến của các võ quan như tổng binh, đề trấn, hiệp trấn, đô trấn, Ung Chính căn dặn ban yến, Niên Canh Nghiêu theo Ung Chính vào trại, cùng ngồi một chỗ. Đám vương công đại thần ngồi ở hai bên trái phải. Nhạc Chung Kỳ và các tướng lĩnh xuất chinh, thì do cửu môn đề đốc binh bộ thượng thư và các võ quan ở kinh sư mời vào trướng. Trong tiệc Ung Chính hỏi tình hình chiến sự, Niên Canh Nghiêu thao thao bất tuyệt, không ngừng khoe công, Ung Chính nghe càng không vui. Niên Canh Nghiêu lại tâu rằng: “Đề đốc Phú Sơn không nghe quân lệnh, thị vệ Đổng Cự Xuyên vô lễ đối với thần, vi thần không kịp bẩm lên đã ban chết trước”. Ung Chính thất kinh, nhưng mỉm cười nói: “Trong quân phải coi trọng nghiêm lễ, đại tướng ở ngoài có thể chuyên quyền, những chuyện nhỏ này không cần phải bẩm cáo”. Niên Canh Nghiêu vội vàng tạ ơn, Ung Chính lại nói: “Thế ra những kẻ trẫm phái đi ngày ấy như Liễu Ân, Tát Thiên Đô, Tát Thiên Thích, Đổng Cự Xuyên, Cam Thiên Long đều đã chết cả rồi!” Niên Canh Nghiêu nói: “Đúng thế”. Ung Chính mỉm cười: “Cũng tốt, bọn chúng đều là giã tín khó thuần, trừ đi cũng tốt”. Niên Canh Nghiêu chợt nhớ lại ngày xuất chinh, Ung Chính đã từng nói với mình những lời như thế, nhưng đặc biệt nhắc nhở Đổng Cự Xuyên hiểu đại lễ, bảo y phải đối xử phân biệt. Nay nghe Hoàng thượng lại nhắc đến, trong lòng biết không xong, nhưng nhìn mặt lại chẳng hề có vẻ gì khác, trong lòng thầm nói: “Ngươi phái Đổng Cự Xuyên đến giám sát ta, chả lẽ ta không biết? Chỉ cần một ngày ta còn nắm binh quyền trong tay, ngươi không dám giết ta”.
Hoàng đế ra ngoài nghênh đón, ban yến thống soái, chẳng qua là một nghi thức, uống xong ba chén rượu thì liền bãi tiệc. Ung Chính và Niên Canh Nghiêu bước ra, quỹ lạo đại quân. Lúc này đang là chín ngọ, trời nóng càng dữ hơn, ở ngoài rừng hai mươi cánh quân lớn đứng chỉnh tề dưới ánh mặt trời. Ung Chính ngẩng đầu nhìn lên, thấy các binh sĩ ai nấy đều mang áo giáp nặng nề, mặt bị ánh mặt trời chiếu đến bóng nhẫy, nhưng chẳng hề dám nhúc nhích. Ung Chính nói: “Bọn họ trường chinh vạn dặm, đã chịu gió sương, cũng đã quá vất vả”. Rồi bảo một tên nội giám đến, căn dặn rằng: “truyền lệnh xuống, bảo bọn chúng mau cởi áo giáp!” Ung Chính dặn xong tên nội giám, vẫn nói chuyện với Niên Canh Nghiêu. Niên Canh Nghiêu tuy thấy Hoàng đế căn dặn nội giám nhưng không dám bước qua nghe, cho nên không biết y căn dặn gì, vẫn hớn hở nói chuyện tây chinh.
Tên nội giám nhận thánh chỉ, vội vàng chạy ra, leo lên lưng ngựa, đứng trước toàn quân kêu lớn: “Hoàng thượng có chỉ, các binh sĩ cởi áo giáp!” y vừa truyền xong lệnh, cả đoàn quân vẫn như không hề nghe, cứ đứng đờ ra đó, chẳng hề nhúch nhích! Tên nội giám hoảng quá, lại cao giọng kêu: “Vạn tuế thương xót các người, bảo các người cởi giáp!” hai mươi vạn đại quân vẫn đứng im thin thít, chẳng hề có tiếng động, chỉ có tiếng của tên nội giám truyền đi trong không trung.
Đó đúng là chuyện chưa từng xảy ra, Hoàng đế đích thân ra lệnh mà mất hiệu lực, tên nội giám này sợ đến nỗi mất mặt, kêu lên lần thứ ba: “Thánh thượng có chỉ, các binh sĩ cởi giáp!” nào ngờ bọn lính vẫn cứ như người gỗ, không hề để ý đến thánh chỉ.
Lần này Ung Chính cũng để ý tới, dù y làm bạo quân, tâm cơ thâm trằm nhưng lúc này cũng không khỏi phát hoảng, mặt đổi sắc. Tên nội giám cưỡi ngựa trở về, vừa đến trước mặt Hoàng thượng đã lập tức nhảy xuống xin tội. Niên Canh Nghiêu ngồi một bên mỉm cười: “Không liên quan đến ngươi, tội là ở tiểu tướng”. Ung Chính rất thông minh, lập tức biết nguyên nhân các binh sĩ không chịu vâng lệnh cởi giáp, nói với Niên Canh Nghiêu: “Thời tiết quá nóng, đại tướng quân truyền lệnh cho các binh sĩ cởi giáp!”
Niên Canh Nghiêu nghe xong, nói một tiếng “tuân lệnh” rồi chậm rãi bước ra, lấy trong tay áo một là cờ đỏ nho nhỏ, chỉ phất nhẹ một cái, đã nghe tiếng rào rào vang lên như sóng dội, từ trước ra sau, hai mươi vạn đại quân đều nhất tề cởi áo giáp, trên bãi cỏ khôi giáp chất thành núi!
Ung Chính thấy thế bất giác giật mình, thầm nhủ: “Thật ghê ghớm! Nếu Niên Canh Nghiêu đổi lòng, tính mạng của trẫm há chẳng phải trong tay của y hay sao?” Niên Canh Nghiêu rất đắc ý, bước về nói với Ung Chính: “Trong quân chỉ biết quân lệnh, ít biết hoàng lệnh, mong bệ hạ minh xét!” các thân vương bối lạc cùng các thượng thư cửu môn đề đốc đi cùng Hoàng đế đều đổi sắc mặt, Ung Chính lại cười ha hả: “Chỉ huy đại quân như tay sai ngón Niên đại tướng quân, khanh đúng là đệ nhất danh tướng từ xưa đến nay, kỳ tài trời ban, có khanh bảo hộ giang sơn của triều ta, đúng là cái phước của trẫm!” trong tiếng cười ẩn hiện sát cơ, các đại thần vẫn không biết ý thực của Hoàng đế, vội vàng chúc mừng Niên Canh Nghiêu và Ung Chính, cả quốc cựu Long Khoa Đa cũng kéo tay Niên Canh Nghiêu, nói những lời xưng tụng y, Ung Chính đều thấy cả nhưng không lên tiếng.
Cười một hồi, Ung Chính lại bảo Niên Canh Nghiêu truyền lệnh xuống, mỗi binh sĩ thưởng mười lượng bạc, các tướng sĩ tây chinh có công đều thăng một cấp, toàn quân nghỉ ngơi mười ngày. Lần này Niên Canh Nghiêu không dám giở trò, cùng các tướng sĩ kêu vang ba tiếng “vạn tuế”. Thế là nghi thức ngự giá thân chinh quỹ lạo đại quân đã kết thúc.
Cam Phụng Trì và Đường Hiểu Lan đứng lẫn trong đám hỏa đầu quân, nhìn thấy rõ ràng vở tuồng lúc nãy, đại quân được nghỉ phép, bọn họ thừa cơ chạy ra khỏi quân doanh. Hai người vội vàng chạy về Tây Sơn.
Trong ba ngày ấy, ngôi chùa của Lãnh Thiền ở tây sơn có thêm không ít khách khứa, Phùng Anh và Phùng Lâm đã rước Quảng Luyện Hà, Quảng Liên cùng bọn Trương Thiên Trì đến. Bọn Quảng Liên, Trương Thiên Trì được nghỉ ngơi nhiều ngày, đã có thể đi lại, ngôi chùa càng thêm náo nhiệt, mọi người đều nôn nóng đợi tin tức của Cam Phụng Trì. Hai người Cam Đường vừa trở về, ai nấy đều đến hỏi, Cam Phụng Trì nói sơ qua chuyện trong quân doanh của Niên Canh Nghiêu, tiếp theo lại kể chuyện Ung Chính quỹ lạo toàn quân, Ngư Xác lắc đầu: “Niên Canh Nghiêu cũng thật là lớn gan!” Lữ Tứ Nương nói: “Chúng ta có hai kẻ thù, một tên là Ung Chính và một tên là Niên Canh Nghiêu. Ngày sau chỉ còn đối phó với một mình Ung Chính là được. Thế nào Niên Canh Nghiêu cũng bị người ta giết”. Ngư Xác nói: “Y nắm đại quân trong tay, ai có thể giết được y?” Bạch Thái Quan nói: “Công cao khiến chủ lo sợ, tất sẽ mất mạng. Nghĩ lại Hàn Tín thời nhà Hán, giúp Lưu Bang đoạt được thiên hạ, công còn lớn hơn cả Niên Canh Nghiêu, cuối cùng không tránh khỏi cái nạn thỏ chết chó cũng vào nồi, huống chi là Niên Canh Nghiêu?”
Ngư Xác cười nói: “Hiền tế đúng là người đã đọc nhiều sách vở nên có hiểu biết. May mà ta có các vị giúp đỡ, nếu không đã mắc mưu tên tiểu tử Ung Chính”.
Mọi người bàn bạc một hồi, Cam Phụng Trì kéo Lữ Tứ Nương sang một bên, kể lại chuyện của Tăng Tịnh, Lữ Tứ Nương nghe xong, lập tức thấy như muôn mũi tên đâm vào lòng, hoa dung thất sắc. Cam Phụng Trì nói: “E rằng sẽ có nhiều người bị tống giam vào ngực, Tăng Tịnh đã khai những người đầu não ra, chúng ta sẽ thông báo cho họ chạy trốn”. Lữ Tứ Nương im lặng một lúc không nói nên lời, Cam Phụng Trì nói: “Chuyện này huynh sẽ giải quyết. Bát muội, muội đang có quốc thù gia hận, mong hãy bớt đau lòng”. Lữ Tứ Nương cúi đầu im lặng không nói. Cam Phụng Trì lại nói: “Bát muội, muội là nữ trung hào kiệt, còn phải cần ngưu huynh khuyên sao?” Lữ Tứ Nương chợt ngẩng đầu nói: “Nếu muội không tận tay giết tên Hoàng đế này, thề không làm người”. Cam Phụng Trì vỗ tay nói: “Đúng thế, thế mới không hổ là cháu gái của Lữ Lưu Lương. Nhưng trong cung canh phòng nghiêm ngặt, Niên Canh Nghiêu lại đóng quân gần kinh đô, e rằng không dễ hành sự, trả thù không cần sớm hay muộn, cứ xem tình hình, Niên Canh Nghiêu chắc sẽ có một ngày xung đột với Ung Chính, đợi lúc đó chúng ta mới có cơ hội ra tay”. Lữ Tứ Nương nói: “Thất ca nói phải”. Cam Phụng Trì thấy lời lẽ của nàng bình tĩnh hơn trước, mới hơi yên lòng. Lữ Tứ Nương thở dài nói: “Không ngờ Tăng lão đầu lại như thế! Nhưng vẫn tin Tại Khoan vẫn chưa chết”. Cam Phụng Trì thấy đau xót, thầm nhủ: “Bát muội cũng quá si tình, Tại Khoan đã bị Tăng Tịnh bán đứng, bắt về kinh xử trảm, công cáo thiên hạ, đầu treo ở cửu môn, chả lẽ vẫn còn chưa chết?” nhưng thấy bộ dạng trịnh trọng của Lữ Tứ Nương, chàng không nỡ khiến nàng đau lòng, chỉ nghĩ đến đấy rồi lại im.
Đường Hiểu Lan thấy Lữ Tứ Nương mặt đổi sắc, bước tới hỏi: “Lữ tỉ tỉ không khỏe sao?” Lữ Tứ Nương nói: “Không sao”. Rồi cười nói: “Đệ cũng nên về Sơn Đông thăm Dương Trọng Anh”. Đường Hiểu Lan đỏ mặt, Lữ Tứ Nương lại quay sang Cam Phụng Trì nói: “Thất ca, muội còn có vài việc muốn nói”. Đường Hiểu Lan cáo lui, Cam Phụng Trì nói: “Bát muội cứ nói”.
Lữ Tứ Nương nói chuyện hôn nhân của Đường Hiểu Lan, Cam Phụng Trì nói: “Ồ, té ra là thế! Ta cũng không ưa Dương Liễu Thanh, nhưng đã đính hôn lâu như thế, giờ mới rút lui, có vẻ không tốt lắm!” Lữ Tứ Nương nói: “Nếu không rút lui bây giờ, sau này sống cùng với nhau cả đời càng khó hơn”. Cam Phụng Trì xưa nay coi trọng hiệp nghĩa, nghĩ bụng Dương Trọng Anh đối với Đường Hiểu Lan có ơn có nghĩa, lại đính hôn bao nhiêu năm mà đột nhiên một ngày bảo không cần con gái của người ta nữa, thật là không phải đạo. Nhưng lại không nghĩ ra lời phản bác Lữ Tứ Nương, chỉ đành im lặng không nói.
Lữ Tứ Nương nói: “Ngày mai muội sẽ về Tiên Hà lĩnh thăm Tại Khoan. Dù thế nào đi nữa, muội vẫn không tin Tại Khoan đã chết. Vốn là định muốn đến Sơn Đông đích thân gặp Dương Trọng Anh để giải quyết vấn đề khó khăn này cho Đường Hiểu Lan, giờ đây chỉ mong phiền huynh thay muội đi một chuyến”. Cam Phụng Trì xưa nay coi trọng sư muội, Lữ Tứ Nương đã nói thế, chàng chỉ đành chấp nhận, nhưng bảo rằng: “Ta không biết nói chuyện, càng không biết cách thối thân cho người ta, ta chỉ nói thẳng theo sự thực. Bảo rằng Đường Hiểu Lan và con gái của ông ta không hợp tính tình, giờ đây đã có người khác trong lòng. Nếu Dương Trọng Anh nổi giận, ta chỉ đành chịu thôi”. Lữ Tứ Nương mỉm cười nói: “cũng được, huynh cứ nói như thế”.
Cam Phụng Trì hơi trầm ngâm rồi nói: “Trước tiên ta sẽ thông báo cho nhưng người bị Tăng Tịnh cung khai đi tránh họa, sau đó mới lo đến việc của Đường Hiểu Lan”. Lữ Tứ Nương nói: “Điều đó đương nhiên”.
Lữ Tứ Nương và Cam Phụng Trì bàn bạc chưa xong, mọi người đã lên tiếng nghị luận, Lãnh Thiền kêu lên: “Cam đại ca, huynh đã hủy thánh địa phật môn của chúng tôi, huynh hãy bồi thường cho tôi chỗ ở!” Cam Phụng Trì ngạc nhiên nói: “Cái gì? Ngôi chùa hoang này vốn đã sắp sập tới nơi rồi”. Lãnh Thiền cười nói: “Uổng cho huynh lão luyện giang hồ, thế điều này mà cũng không biết? Các người gây náo loạn ở kinh đô, nơi này lại chẳng phải chỗ vắng vẻ, có nhiều người tụ tập ở đây, làm sao thoát khỏi tai mắt của triều đình. Cả chùa Thiếu Lâm Ung Chính cũng dám đốt, huống chi là ngôi chùa rách nát của tôi”.
Cam Phụng Trì cười nói: “Té ra là ý này. Đúng thế, nơi này không phải chỗ ở lâu dài, chúng ta phải tìm một nơi khác”. Lãnh Thiền nói: “Nơi nào có thể chứa được nhiều người như thế này?” Cam Phụng Trì nói: “Tôi đã sắp xếp trước. Mấy ngày nay tôi nhận được tin của Châu Tầm đại ca, nghe nói y và Tào tứ ca đã đến Mang Sơn ẩn cư, canh giữ lăng mộ của sư phụ. Mang Sơn kéo dài mấy trăm dặm, cây rừng rậm rạp, địa thế hiểm trở, đất đai lại phì nhiêu, có thể trồng trọt. Chúng ta đều đến Mang Sơn, thế nào?” Trương Thiên Trì lên tiếng trước: “Nếu đã có nơi tốt như thế, sao không đi? Tôi đã làm cường đạo nửa đời, chẳng thể nào rút lui được, chỉ đành cùng các huynh đệ ẩn cư ở Mang Sơn, trồng trọt sống qua ngày”. Ngư Xác cũng nói: “Trước đây tôi ở ngoài biển xưng vương, quá lắm là sau này sẽ làm đại vương, có những hảo hán võ nghệ cao cường, tôi và Trương trại chủ sẽ chiêu tập cựu bộ, tự xưng vương ở Mang Sơn, triều đình cũng không dám coi thường”. Cam Phụng Trì cười nói: “Sau này hẳn tính. Giờ đây không cần gấp khai sơn lập đà. Như thế chúng ta cứ quyết định ẩn cư ở Mang Sơn”. Lãnh Thiền cười nói: “Được, chúng tôi sẽ đi canh lăng mộ cho Độc tý thần ni”.
Hôm sau, một mình Lữ Tứ Nương trở về Tiên Hà lĩnh, khi chào từ biệt mọi người thì không thấy Phùng Lâm. Phùng Anh nói: “Muội muội thật chẳng hiểu chuyện, rõ ràng biết hôm nay Lữ tỉ tỉ lên đường mà lại bỏ đi đâu mất!” Lữ Tứ Nương giật mình, nói: “Phùng Lâm muội muội không phải không hiểu việc mà là đã quá hiểu. Tôi thấy các người không cần tìm nữa, ắt hẳn Phùng Lâm muội muội đã làm chuyện mình thích làm”. Phùng Anh thất kinh, nói: “Muội muội có chuyện gì muốn làm, tại sao không nói cho muội biết?” Lữ Tứ Nương mỉm cười. Lý Trị nghĩ ngợi rồi nói: “Đêm qua Lâm muội có hỏi tôi có phải mọi người đến Mang Sơn hay không, tôi bảo phải. Lâm muội bảo Mang Sơn rất đẹp, lúc đó tôi cũng không biết Lâm muội có ý gì”. Lữ Tứ Nương nói: “Đúng thế. Sau này Lâm muội sẽ đến Mang Sơn tìm các người, đừng lo lắng”. Phùng Anh lại hỏi Lữ Tứ Nương làm sao biết Phùng Lâm muốn làm gì? Lữ Tứ Nương nói: “Tôi cũng chỉ đoán bừa, không thể nói chính xác được. Sau này mọi người sẽ biết, giờ nói trước trái lại không hay”. Phùng Anh nghĩ ngợi một hồi, đã đoán được mấy phần, bất giác đỏ mặt.
Lữ Tứ Nương rời khỏi kinh thành, trở về dãy Tiên Hà, một tháng sau nàng đã từ Hà Bắc đến Sơn Đông, băng qua hai tỉnh Giang Tô và Triết Giang vào miền bắc Phúc Kiến.
Tiên Hà lĩnh nằm vách ngang giao với hai tỉnh Triết Giang và Phúc Kiến, vừa vào miền bắc Phúc Kiến, từ xa đã nhìn thấy dãy Tiên Hà. Lữ Tứ Nương tuy tin rằng Thẩm Tại Khoan chưa chết nhưng càng đi gần tới, lòng càng lo lắng không yên, sợ rằng sự thật khác hẳn điều mình nghĩ.
Trưa một ngày nọ, Lữ Tứ Nương đang ngồi nghỉ ngơi trong một căn trà đình ven đường, chợt thấy trên con đường bụi cát tung mù mịt, một thước ngựa chạy tới, người trên ngựa là một đại hán râu xồm, tướng mạo trông rất uy võ, đến trước trà đình dừng ngựa lại nhìn xung quanh, trong trà đình chỉ có vài người khách, Lữ Tứ Nương đã cải dạng thành một cô nương hái trà, người ấy nhìn nàng mà chẳng hề để ý, thế rồi xuống ngựa uống trà. Một hồi sau, lại có hai chiếc kiệu do tám người khiêng dừng trước quán trà. Kiệu mở ra, Lữ Tứ Nương bất đồ thất kinh, người bước ra từ chiếc kiệu đi đầu là Tăng Tịnh, người phía sau trông có vẻ như tuỳ tùng, trên vai cõng một đứa nhỏ. Lữ Tứ Nương cúi đầu uống trà, theo lẽ nếu nàng muốn lấy mạng của Tăng Tịnh thì dễ như trở bàn tay. Chỉ vì nghĩ tình lão đã già, vả lại từng là bằng hữu của cha mình, cho nên tuy nổi giận nhưng vẫn cố kiềm chế.
Một hồi sau, lại có một thước ngựa dừng chân, người trên ngựa là một võ sĩ.
Tăng Tịnh là người Hà Nam, từng dạy học ở vùng Phúc Kiến, tiếng tăm rất lớn, có rất nhiều người biết lão. Ngồi một hồi thì có người khách ăn mặc theo kiểu tú tài cung kính bước tới hành lễ, hỏi: “Đây có phải là Tăng lão tiên sinh đấy không?” Tăng Tịnh khẽ gật đầu, người ấy nói: “Vãn sinh đã từng nghe tiên sinh dạy học”. Tăng Tịnh lại khẽ gật đầu, tỏ vẻ lơ đểnh. Người ấy lại hỏi: “Ngọn gió nào thổi lão tiên sinh đến đây? Có vào huyện thành dạy học mấy ngày không?” Tăng Tịnh nói: “Tôi có một vị bằng hữu ở miền bắc, y chết mà con của y chẳng ai chăm sóc, tôi lần này lên miền bắc nhận nuôi con của người ấy, đi ngang qua đây, lòng nôn nóng trở về nhà nên không dạy học”. Người ấy khen rằng: “Cao nghĩa của tiên sinh có thể sánh với người xưa, vãn bối khâm phục”. Tăng Tịnh mỉm cười. Lữ Tứ Nương nghiêng tai lắng nghe, chợt chạm với ánh mắt của Tăng Tịnh, Tăng Tịnh và Lữ Tứ Nương rất quen thuộc nhau, tuy nàng đã cải dạng, nhưng thần thái vẫn có thể lờ mờ nhận ra. Tăng Tịnh vừa nhìn, nụ cười chợt tắt, buông trà xuống nói: “Tôi đi đây”. Đại hán râu xồm lên ngựa đi trước, Tăng Tịnh lên ngựa đi sau không lâu, võ sĩ kia cũng lên ngựa đi theo. Tăng Tịnh từ đầu đến cuối không nói chuyện với hai người này, giả vờ không quen biết nhau, Lữ Tứ Nương thầm cười, biết hai võ sĩ này chắc chắn là do Niên Canh Nghiêu phái đi theo bảo vệ và giám sát Tăng Tịnh.
Lữ Tứ Nương vũng vội vàng trả tiền trà rồi bước ra khỏi trà đình.
Lữ Tứ Nương đã thấy bọn Tăng Tịnh đi về hướng Phố Thành, tức là ngược với đường đi về Tiên Hà lĩnh, thầm nhủ: “May mà mình không đi cùng hướng với bọn chúng, mình chẳng muốn gặp lão thất phu này”.
Trước khi mặt trời lặng, Lữ Tứ Nương đã đến chân dãy Tiên Hà. Chỉ thấy núi rừng trùng trùng điệp điệp, mây trời sà thấp, cảnh vật huyền ảo vô cùng. Lòng này thấy căng thẳng, nhớ lại ngày trước đã cùng Thẩm Tại Khoan xem biển mây, giờ không biết chàng đang làm gì? Lữ Tứ Nương vừa đi vừa nghĩ, bất giác đã lên đến lưng chừng núi. Ngửa mặt lên trên thấy một tảng đá lớn, màu sắc của tảng đá đỏ như máu, đó là một danh thắng của Tiên Hà lĩnh, tên gọi Đơn Hà Chướng. Trước đây khi còn ở dãy Tiên Hà, Lữ Tứ Nương thích nhất là dạo bộ trên mỏm đá này. Nay bước qua, nàng không khỏi ngẩng đầu nhìn lên, nhưng không ngờ nhìn lên lại một sự việc kinh người.
Tảng đá cao đến bảy tám trượng, vốn là trơn tục, thế mà giờ đây trên tảng đá có người vẽ một đóa hoa lan, chỉ vài nét bút nhưng cũng đã thấy phi phàm. Người vẽ hoa lan không những khinh công tuyệt đỉnh mà tài nghệ phải diệu tuyệt. Lữ Tứ Nương không khỏi thầm khen.
Thấy đóa hoa lan, Lữ Tứ Nương liệu rằng chắc chắn có cao thủ đi ngang qua đây, trong lòng càng lo hơn, chẳng còn bụng dạ nào thưởng thức nữa liền bỏ đi. Dưới Đơn Hà Chướng là một cái động có rèm nước từ trên buông xuống, tia nước bắn tung toé, tạo thành một đầm nước bên dưới. Qua khỏi thác nước này, thiền viện của Nhất Phiêu hòa thượng đã ở truớc mặt. Lữ Tứ Nương hú dài một tiếng nhưng không thấy Nhất Phiêu hòa thượng ra đón, nàng không khỏi thất kinh, chạy nhanh vào thiền viện, chỉ thấy cửa chùa sụp đỗ, vách tường loang lỗ, cảnh vật tiêu điều. Lữ Tứ Nương kêu: “Nhất Phiêu đại sư, Nhất Phiêu đại sư!” nhưng chỉ nghe tiếng của nàng vọng lại, chim chóc bay vụt lên. Lữ Tứ Nương lại kêu: “Tại Khoan ca ca, Tại Khoan ca ca!” cũng chẳng có ai trả lời.
Lữ Tứ Nương bất giác ngẩng người, nàng vốn tin chắc rằng Thẩm Tại Khoan chưa chết, điều đó khiến nàng bất ngờ. Lần trước khi rời Thẩm Tại Khoan, chàng ta đã có thể đi lại được nhưng vẫn chưa vững bước, vả lại chàng đã tránh họa ở đây, theo lý thể nào cũng không xuống núi, chả lẽ... Lữ Tứ Nương bất giác rùng mình, không dám suy nghĩ tiếp.
Trong khoảnh khắc không khí xung quanh đều lạnh đến tựa như ngưng két lại, Lữ Tứ Nương thẩn thờ vịn vách tường bước ra khỏi thiền đường, băng qua hành lang, đi vào căn phòng của Thẩm Tại Khoan. Cửa phòng khép hờ, vừa chạm vào đã bật ra, mùi hôi từ lâu chưa quét dọn xộc vào mũi, giường chiếu sách vở vẫn bày như trước, nhưng có một lớp bụi dày. Vài con chuột nghe tiếng người, vội vàng lẩn trốn.
Lữ Tứ Nương bước về phía cửa sổ hít một hơi, định thần, thầm nhủ đây chả lẽ là một cơn mơ?
Nàng vẫn không muốn tin rằng Thẩm Tại Khoan đã chết, lại thẫn thờ bước đi dòm ngó khắp mọi nơi trong chùa, lúc này nàng mới chợt cảm thấy lạnh lẽo thê lương, chung quanh tĩnh lặng đến ghê người.
Rất lâu sau, Lữ Tứ Nương mới dần tỉnh dậy từ trong cơn ác mộng, không biết lúc nào mà nước mắt nàng đã rơi ướt áo, trong lòng vẫn nghĩ: “Cái đầu ấy rõ ràng không giống chàng, chả lẽ chàng đã thoát nạn?” trong lòng dấy lên một tia hi vọng, rồi nàng lại tỉ mỉ tìm kiếm một hồi nữa, lúc này mới phát hiện vật dụng trong chùa không có một món nào còn nguyên vẹn, rõ ràng đã trải qua một trận ác đấu. Khi nhìn kỹ, trên bậc thềm ở thiền đường còn có vết máu, dưới ánh nắng mặt trời chói chang, vết máu ấy vẫn còn đỏ tươi.
Lúc này Lữ Tứ Nương dù có muôn phần tự tin cũng không khỏi phát hoảng. Bên ngoài chim kêu ríu rít, mặt trời đã hạ xuống núi. Lữ Tứ Nương định thần lại cố an ủi mình: “Làm sao biết đó là máu người? Nhất Phiêu đại sư võ công bất phàm, có lẽ đó là máu của bọn ưng khuyển!” rồi nhân lúc trời chưa tối, Lữ Tứ Nương bước ra khỏi thiền đường, xuống núi từ sau chùa, trên đường vẫn tiếp tục xem xét. Liền phát hiện lại có một đóa hoa lan trên tảng đá lớn, giống hệt như đóa hoa ở Đơn Hà Chướng. Lữ Tứ Nương giật mình, bước tới vách núi, lao xao lại phát hiện hình vẽ hoa sen, Tiên Hà lĩnh trùng trùng điệp điệp, không ở lâu, chắc chắn sẽ bị lạc đường. Xem ra đóa hoa sen này là ám hiệu của khách giang hồ dùng để chỉ đường. Lữ Tứ Nương nổi lòng nghi ngờ, thầm nhủ: “Núi này không có báu vật, người vẽ hoa sen đương nhiên là cao thủ, mình phải xem đóa hoa sen này dẫn về đâu?”
Lữ Tứ Nương gia tăng cước trình, đi ngang qua ba nơi có ám hiệu hoa sen, chỉ thấy thế núi phía trước dần dần bằng phẳng, xuất hiện một cái dốc nghiêng, trên cái dốc nghiêng lại có hai gò đất nổi lên, trông giống như cái bánh bao, Lữ Tứ Nương vừa nhìn, thì thấy tim đập thình thình, xem ra hai cái gò đất này là hai nấm mộ mới đắp.
Lữ Tứ Nương lướt người vọt tới, định thần nhìn kỹ lại thì thấy quả nhiên có hai ngôi mộ, trước mỗi ngôi mộ đều có một cái bia đá bằng bạch thạch. Bia bên trái viết rằng: “Nhất Phiêu đại sư chi mộ”. Lữ Tứ Nương thấy trước mặt tối sầm, không ngờ người có võ công như Nhất Phiêu đại sư mà cũng gặp nạn, bao nhiêu suy đoán trước kia đã thành không. Khi định thần nhìn kỹ lại, tấm bia bên phải viết rằng: “Tiên Hà xử sĩ Thẩm Tại Khoan y quán chi trủng”. Khi Thẩm Tại Khoan dưỡng bệnh ở Tiên Hà lĩnh, tự xưng là Tiên Hà xử sĩ, xem ra ngôi mộ này là do bằng hữu của chàng lập nên. Gọi là y quán trủng là bởi người lập mộ biết chàng đã bị trảm ở kinh sư, không thể nào lấy xác được bởi vậy mới chôn quần áo của chàng để làm kỷ niệm. Chỉ dựa vào mấy chữ này, chắc chắn đã hợp với thân phận của Thẩm Tại Khoan, lại hợp với tình huống chết của chàng, từ đó có thể thấy Thẩm Tại Khoan chắc chắn đã chết.
Trong khoảng sát na, Lữ Tứ Nương thấy toàn thân cứng đờ, muốn khóc nhưng chẳng có nuớc mắt, bao nhiêu chuyện xưa cứ lướt qua trong đầu. Không ngờ Thẩm Tại Khoan lần trước gặp nạn lớn không chết mà nay đã bị đồng đạo bán đứng, chết trong tay kẻ gian, đầu một nơi thân một ngả, trong mộ chỉ có quần áo. Càng không ngờ chàng cố gắng gần mười năm chiến thắng bệnh ma, thoát khỏi tàn phế, thế mà nay lại chết một cách vô cớ! Đúng là đạo trời khó cãi! Lữ Tứ Nương ngẩng mặt hỏi trời, rút kiếm chém đất, trời không trả lời, đất cũng không lên tiếng.
Chim rừng bay về tổ, màn đêm bao trùm, Lữ Tứ Nương đứng trước mộ mà như ngây dại, cũng không biết bao lâu, nàng mới dần dần tỉnh táo, chợt nghĩ: “Đều là do lão tặc Tăng Tịnh, nếu không ai biết chàng ở Tiên Hà lĩnh? Lão tặc đúng là hung thủ hại chàng, tại sao mình còn nương tay?” Lữ Tứ Nương vốn không có ý giết Tăng tịnh, lúc này vì nổi giận mà phát tác, hận không đích thân bắt Tăng tịnh, giết chết y để báo thù cho Thẩm Tại Khoan. Nàng biết đêm nay Tăng Tịnh đang ở Phố Thành, Phố Thành cách Tiên Hà khỏang trăm dặm nhưng đối với Lữ Tứ Nương quãng đường này chẳng xa xôi gì. Lòng báo thù nổi lên, nàng lập tức xuống núi thi triển khinh công tyệt đỉnh chạy đến Phố Thành, đến canh ba mới tới nơi. Phố Thành là một huyện thành nhỏ, sau canh ba tất cả đều chìm vào yên lặng.
Tăng Tịnh vốn không phải kẻ xấu, chỉ vì tham sống sợ chết, nhất thời mềm yếu, không chịu nổi tra khảo nên khuất phục trước kẻ địch, vì thế làm nên chuyện sai lầm. Sự vịêc đã qua, trong lòng ăn năn áy náy chẳng yên. Hôm nay ở trà đình chợt thấy Lữ Tứ Nương, lòng càng thêm lo. May mà sau khi rời khỏi trà đình y chẳng thấy Lữ Tứ Nương đi theo, lòng thấy yên, tự an ủi rằng: “Tứ Nương làm sao biết mình đã cung khai, lúc nãy nó không dám gọi mình, đó là bởi vì có hai người đi bên cạnh, cho nên không muốn lộ thân phận. Rõ ràng không có địch ý đối với mình”. Tuy tự an ủi như thế nhưng nghĩ đến Lữ Tứ Nương võ công trác tuyệt, chợt phát hiện thấy tông tích của mình, chắc chắn phải âm thầm đi theo, vậy khi gặp nhau biết ăn nói thế nào? Nghĩ đến đây bất giác lòng thấp thỏm.
Đêm ấy, đến Phố Thành, một chuyện càng khiến y lo lắng lại xảy ra. Vừa vào cửa thành, đã có hai người chặn kiệu của y lại: “Có phải Tăng lão tiên sinh đấy không?” hai tên kiệu phu cũng là người của Niên Canh Nghiêu, vừa thấy có người chặn kiệu chào hỏi, lập tức dừng lại. Tăng Tịnh vén kiệu, chỉ thấy hai người đưa một tấm bái thiếp, nói: “Tăng lão tiên sinh, xin mời đến tiểu điếm nghỉ ngơi. Phòng ốc đã chuẩn bị xong”. Tăng Tịnh vừa xem tấm thiệp, té ra đó là tấm thiệp đón khách của Trường An khách điếm, phong tục thời đó, nếu khách điếm biết có quan lớn hoặc phú thương đi ngang, thường phái người ra cửa thành nghênh đón, đó cũng là một cách làm ăn, không có gì kỳ lạ. Nhưng Tăng Tịnh là một nhà nho nghèo, tuy nổi tiếng trong chốn nho lâm, nhưng cả đời chưa từng được tiếp đãi như thế, thấy thế rất bất ngờ.
Tăng Tịnh không khỏi hỏi: “Sao các người lại biết hôm nay ta đến đây?” người ấy đáp: “Bằng hữu của Tăng lão tiên sinh đã sớm thông báo cho chúng tôi, phòng ốc đã chuẩn bị xong. Xin mời Tăng lão tiên sinh theo chúng tôi”. Tăng Tịnh ngạc nhiên nói: “Ta có bằng hữu nào?” người ấy cười rằng: “Tăng lão tiên sinh quen biết khắp thiên hạ, gặp rồi đương nhiên sẽ biết”. Tăng Tịnh đang định từ chối, hai võ sĩ âm thầm hộ tống y lúc này đã vào đến cửa thành, hỏi trước: “Khách sạn các ngươi có còn phòng không?” người ấy nói: “còn, còn!” hai võ sĩ nói: “Được, ta cũng ở khách sạn của ngươi”. Câu này rõ ràng là ra lệnh cho Tăng Tịnh phải ở trong căn khách sạn ấy. Tăng Tịnh chỉ đành theo người này.
Trường An khách khách sạn tuy là một khách điếm trong huyện thành nhỏ, nhưng trông cũng phong nhã lắm, trong phòng Tăng Tịnh có đầy đủ bàn ghế bút mực, tên tiểu nhị nói: “Quý hữu nói Tăng lão tiên sinh là một bậc danh nho, bảo chúng tôi sắp xếp căn phòng như phòng sách”. Tăng Tịnh càng thấp thỏm lo âu, hỏi: “Là vị tiên sinh nào thế? Tại sao không lộ mặt?” tên tiểu nhị trả lời: “Chúng tôi cũng không biết, ông ta sai người đến đặt phòng, để tiền lại rồi đi”. Tăng Tịnh nói: “Ai đến đặt phòng?” tiểu nhị trả lời: “Là một người mặt rỗ”. Tăng Tịnh ngạc nhiên, tiểu nhị tiếp tục nói: “Người mặt rỗ này là một tuỳ tùng, y đến đặt phòng mà không để lại tên của chủ nhân y, chắc là ngài nghỉ ngơi một đêm, ngày mai sẽ đến gặp”.
Tăng Tịnh thấy hỏi chẳng ích gì, cũng đành thôi. Hai võ sĩ ấy ở hai căn phòng bên cạnh Tăng Tịnh, ăn cơm xong đến canh hai, giả vờ đến thăm, vào phòng Tăng Tịnh, khẽ nói: “Tăng lão tiên sinh, hôm nay ông phải cẩn thận đấy!” Tăng Tịnh sợ quá nói: “Các người phát hiện chuyện gì không ổn? các người phải cứu mạng ta, hay là đổi khách điếm khác đi vậy!”
Hai người này là võ sĩ tâm phúc của Niên Canh Nghiêu, có võ nghệ cao cường, nghe Tăng Tịnh nói như thế thì mỉm cười: “người đặt phòng cho ông không hỏi cũng biết chắc chắn là bè đảng còn sót lại của Lữ Lưu Lương, chúng tôi phải đợi y đến đây, làm sao thay đổi khách điếm?” Tăng Tịnh không tiện lên tiếng, lòng thầm thất kinh, nhủ rằng: “Hai người này không biết có phải là đối thủ của Lữ Tứ Nương hay không? Hừ, Lữ Tứ Nương giết bọn chúng đương nhiên không tốt, nhưng bọn chúng giết Lữ Tứ Nương càng không tốt hơn. Huynh đệ nhà họ Lữ dẫu sao cũng có tình tri giao với mình, mình làm sao có thể nỡ thấy họ bị trảm thảo từ căn”. Lúc này Tăng Tịnh tưởng rằng người đặt phòng cho mình là Lữ Tứ Nương, nào ngờ y đã sai.
Đêm ấy Tăng Tịnh làm sao có thể ngủ được, y châm đèn đọc sách mà chữ chẳng vào đầu. Nghe bên ngòai trống đã đánh canh ba, Tăng Tịnh đứng ngồi không yên, bước ra mở cửa sổ, gió lạnh bên ngoài thổi vào, trong màn đêm tối tăm mịt mùng, y có thể thấy dãy Tiên Hà ở xa xa. Tăng Tịnh bất đồ nghĩ tới Thẩm Tại Khoan, trong bóng tối mênh mông, y thấy Thẩm Tại Khoan máu me đầy mình, tay cầm một cái đầu, trên đầu hai con mắt trắng dã nhìn y, Tăng Tịnh kêu hoảng, vội vàng đóng cửa, ảo ảnh trước mắt lập tức biến mất.
Tăng Tịnh thở dài, thầm nhủ: “Bình sinh không làm chuyện dối lòng, nửa đêm bị gõ cửa cũng không sợ, lời này thật không sai”. Y lau mồ hôi lạnh, đi qua đi lại trong căn phòng.
Một hồi sau chợt nghe tiếng gõ cửa cộc cộc cộc vang lên, Tăng Tịnh tưởng là hai tên võ sĩ kia, hỏi: “Ai thế?” không có tiếng trả lời, y liền mở then cài cửa, Tăng Tịnh ngẩng đầu lên nhìn, hoảng sợ đến nỗi hồn bay phách tán, kêu lên: “Ngươi...ngươi là người hay là ma phải không... không ta không hại ngươi, ngươi... ngươi...”
Không chỉ Tăng Tịnh thất kinh, có một người khác càng kinh hãi hơn. Người ấy chính làLữ Tứ Nương. Lữ Tứ Nương đến Phố Thành vào canh ba, ở Phố Thành chẳng có mấy căn khách sạn, nàng vừa tìm đã ra. Nàng phóng lên mái ngói của căn khách sạn này, hạ xuống nhẹ như một tờ giấy, hai tên võ sĩ đang ngưng thần chờ đợi mà cũng chẳng phát hiện. Lữ Tứ Nương định xuống tay, chợt thấy có một thư sinh bước ra từ dãy phòng cuối, mặt bịt khăn xanh, đi đến trước phòng của Tăng Tịnh, khẽ gõ cửa rồi kéo mảnh khăn xuống, dù người ấy cháy thành tro Lữ Tứ Nương cũng nhận ra, bởi đó chính là Thẩm Tại Khoan! Lúc chàng ta bước ra khỏi phòng, Lữ Tứ Nương đã nghi ngờ.
Lần này Lữ Tứ Nương vừa kinh vừa mừng, không ngờ Thẩm Tại Khoan không những chưa chết mà sắc mặt hồng hào, bước đi mạnh mẽ, Lữ Tứ Nương vui mừng, sát cơ chợt tắt, thầm nhủ: “Mình phải xem lão già này còn mặt mũi gì gặp chàng?”
Tăng Tịnh sợ đến nỗi hồn bay phách tán, hỏi chàng là người hay là ma, vẫn còn nói: “Ngươi... ngươi đừng lấy mạng ta!”
Thẩm Tại Khoan mỉm cười: “Tôi không phải là ma! Hôm ấy người bắt trên dãy Tiên Hà chính là đường đệ của tôi, Thẩm Tại Anh”. Rồi chàng sầm mặt, khẽ nói: “Đáng thương thay nó lần đầu tiên lên núi thăm tôi mà đã bị hại! Hỡi ơi, lại còn liên luỵ đến Nhất Phiêu hòa thượng. Ông có quen Tại Anh không?”
Tăng Tịnh vừa nghe thì thấyThẩm Tại Khoan tựa như không biết mình đã bán đứng chàng, y hơi định thần, cũng cúi đầu khẽ than: “Đúng thế, Tại Anh rất giống ngươi? Tuổi xuân đang còn phơi phới, đáng tiếc, đáng tiếc!”
Thẩm Tại Khoan sắc mặt nghiêm trọng, tiếp lời: “Người chết đã xong, người sống càng phải cẩn thận hơn. Tăng lão bá, ông đang gặp nguy hiểm, hãy mau chạy theo tôi!”
Tăng Tịnh vừa yên lòng, nghe câu nói ấy bèn biến sắc mặt. Chỉ nghe Thẩm Tại Khoan tiếp tục nói: “Hai tên võ sĩ ở phòng bên cạnh cứ mãi đi theo ông. Nghe nói triều đình đang bắt những người như chúng ta. Nhưng thúc thúc đã bị hại, ông là nhân vật đầu não, sao có thể đi đứng bừa bãi thế này?”
Số là ngày ấy Niên Canh Nghiêu phái võ sĩ lên núi bắt Thẩm Tại Khoan, vì chàng đã khỏe lại, sáng sớm đã đi dạo, hứng chí đi xa chùa đến hơn mười dặm, khi võ sĩ của Niên Canh Nghiêu đến nơi, chàng chẳng hề haybiết. Đến khi trở về chùa mới phát hiện xác của Nhất Phiêu hòa thượng, vội vàng chạy xuống núi, sau đó biết đường đệ của mình vừa khéo ngày hôm ấy lên núi thăm, đã chết thế cho mình. Thẩm Tại Khoan bi phẫn, nhưng một mình chẳng thể trả thù. Chỉ đành chôn Nhất Phiêu hòa thượng, rồi cố ý lập mộ áo mũ cho mình, bày bố nghi trận để ưng khuyển triều đình không chú ý đến mình nữa.
Sắp xếp mọi việc đâu đó, Thẩm Tại Khoan đến ở nhà một người họ Diệp bằng hữu của Nhất Phiêu hòa thượng. Hôm nay chàng biết Tăng Tịnh đi ngang qua đây nên đã sắp xếp cho y đến ở khách sạn Trường An.
Tăng Tịnh nghe Thẩm Tại Khoan hối thúc mình chạy mau, chỉ biết dở khóc dở cười, lại không thể nói thực mọi chuyện, nên còn ấp úng, bên cạnh chợt có tiếng cười lạnh, hai tên võ sĩ đã xông ra. Đại hán râu xồm đứng chặn trước cửa, cười lớn: “Tên tặc tử lớn gan, lão tử đợi ngươi đã lâu!” rồi vung tay chụp vào xương tỳ bà của Thẩm Tại Khoan!
Tên này giỏi công phu ưng trảo, thấy Thẩm Tại Khoan yếu ớt, tưởng rằng sẽ đắc thủ. Nào ngờ gần mười năm qua Thẩm Tại Khoan ngày đêm lyện tập nội công tâm phát, đã có hỏa hầu, lúc này chàng tuy không biết võ công nhưng nội công cũng tinh thuần.
Hán Tử râu xồm chụp tới, chạm vào vai của Thẩm Tại Khoan, cơ bắp của Thẩm Tại Khoan bị ngoại lực tác động, lõm vào theo bản năng, Đại Hán râu xồm chỉ thấy như tóm phải một con cá chạch, bất giác cả kinh, vội vàng phất ngang một chưởng, Thẩm Tại Khoan vung chưởng chặn lại, Hán tử râu xồm bị chàng đẩy lui tới hai bước, lúc đó tên đồng bọn cũng rút đao chém tới một đao Thiết Ngưu Canh Địa, vào hai chân của chàng, Hán tử râu xồm cũng lao bổ tới chụp vào cổ tay của chàng.
Thẩm Tại Khoan dẫu sao cũng chẳng phải là người biết võ công, bị hai người tấn công đến nỗi luống cuống tay chân, chợt nghe trên mái ngói có tiếng cười lạnh, Hán tử cầm đao ngã xuống đất trước tiên, Thẩm Tại Khoan mừng rỡ nói: “Tứ Nương!” Hán tử râu xồm quay đầu nhìn lại, Lữ Tứ Nương ra tay như điện chớp, một kiếm chém ngang, cái đầu bay lên mái nhà. Lúc này đứa trẻ trong phòng khóc òa lên, Tăng Tịnh sợ đến nỗi mặt mày tái xanh, kêu hai tiếng: “Hiền điệt nữ, hiền điệt nữ!” Lữ Tứ Nương sầm mặt, lạnh lùng nói: “Ai là điệt nữ của ngươi?” Thẩm Tại Khoan ngạc nhiên nói: “Oanh muội, muội sao thế?” Lữ Tứ Nương nói: “Huynh suýt nữa đã chết trong tay của lão mà còn không biết! Tăng Tịnh, ngươi đọc sách thánh hiền có ích gì? Tại sao đến khi lâm nguy đã chịu khuất phục chẳng hề cứng rắn?” Tăng Tịnh mặt đỏ ửng, đột nhiên lao đầu vào vách, Thẩm Tại Khoan kéo y lại. Tăng Tịnh chảy nước mắt, nói: “Ta tuổi tác đã già, chẳng chịu đuợc khổ hình, người không có ai sai lầm? Ngươi cứ cho ta chết để chuộc tội!”.
Lúc này Thẩm Tại Khoan mới hiểu ra, nhưng Tăng Tịnh trông rất thê thảm, không nhẫn tâm, thở dài nói: “Oanh muội, huynh vẫn chưa chết, cứ tha cho lão!” Lữ Tứ Nương vẫn chưa hết giận, nhưng thấy Thẩm Tại Khoan vẫn xin cho y cũng đành thôi, chỉ hừ một tiếng bước vào phòng, vung kiếm đâm chết tên tuỳ tùng, bế đứa con của Niên Canh Nghiêu lên, mắng một tiếng nghiệt chủng rồi cúi đầu xuống nhìn, chỉ thấy đứa trẻ này trán đầy đặn, khí chất bất phàm, Thẩm Tại Khoan hỏi: “Con nhà ai thế?” Lữ Tứ Nương nói: “Là con của Niên Canh Nghiêu”. Lời lẽ không còn tức giận như trước nữa. Thẩm Tại Khoan nói: “Tội của cha mẹ không liên quan đến con cái”. Tăng Tịnh nghe khẩu khí của họ biết mình đã được tha, lúc này cũng không muốn tự sát nữa, run giọng nói: “Là Niên Canh Nghiêu buộc tôi phải nuôi dưỡng con của y. Không, không liên quan đến tôi”. Lữ Tứ Nương nói: “Quân tử hứa một lời nặng như ngàn vàng. Niên Canh Nghiêu có tội, con trai của y thì không, được, ngươi hãy cẩn thận nuôi dưỡng con y”. Rồi nàng chấm máu viết mấy chữ trên tường: “Chính Lữ Tứ Nương đã giết người!” viết xong lại dắt Thẩm Tại Khoan chạy ra khỏi khách sạn.
Ra khỏi khách sạn, Lữ Tứ Nương nói: “Thẩm Tài Khoan, muội không ngờ đã gặp lại huynh”. Đêm hôm ấy, Lữ Tứ Nương và Thẩm Tại Khoan ở nhà người họ Diệp, trưa hôm sau cả hai quay về dãy Tiên Hà. Trên đường Lữ Tứ Nương vừa đi vừa ngắm cảnh, trò chuyện với Thẩm Tại Khoan, lại khen nội công của Thẩm Tại Khoan tiến bộ mau chóng. Thẩm Tại Khoan mỉm cười nói: “Không ngờ mười năm kiên trì cuối cùng đã được như mong muốn. Oanh muội, chúng ta đều là những người nhà tan cửa nát, trơ trọi trên đời. Khi nào mới thỏa tâm sự của cha mẹ đây?” ý của câu nói này thực sự muốn hỏi Lữ Tứ Nương chừng nào kết hôn. Lữ Tứ Nương đỏ mặt, chợt dịu dàng nói: “Để muội giết tên cẩu hoàng đế Ung Chính xong, chúng ta sẽ ở bên nhau trọn đời. Huynh có đợi được không?” Thẩm Tại Khoan giật mình, nghiêm mặt nói: “Thù lớn chưa trả, thế mà chỉ nghĩ đến việc gia thất, huynh đã sai. Oanh muội, trả thù là việc chính, lẽ nào huynh không đợi được”.
Hai người vưa đi vừa nói, không lâu sau đã đi ngang qua Đơn Hà Chướng, Lữ Tứ Nương ngẩng đầu chỉ đóa hoa sen, nói: “Công lực của người này chẳng kém gì muội, huynh có biết là ai đã để lại không?” Thẩm Tại Khoan nhìn, thấy cũng ngạc nhiên, nói: “Sau khi chuyện xảy ra, huynh liền đến Phố Thành lánh nạn, không biết ai đã tới đây”.
Lữ Tứ Nương nắm tay Thẩm Tại Khoan đi qua mấy dốc núi, men theo dấu hoa sen chỉ, đến chỗ mộ của Nhất Phiêu hòa thượng, chợt nghe tiếng cuốc bổ xuống đất, ngẩng đầu nhìn lên chỉ thấy một hán tử khoảng hơn ba mươi tuổi đang đào mộ Nhất Phiêu.
Lữ Tứ Nương cả giận, quát lớn một tiếng rút kiếm, hai chân điểm một cái, người lướt tới, quát: “Đồ ưng khuyển ác độc, giết người mà lại còn muốn đào mộ người ta?” Lữ Tứ Nương cho rằng kẻ này nếu không là thị vệ đại nội thì cũng là võ sĩ của Niên Canh Nghiêu, giờ đây bọn chúng chắc chắn đến lấy thủ cấp của Nhất Phiêu hòa thượng về tâng công.
Vì kiếm pháp của Lữ Tứ Nương tinh diệu lạ thường, nhát kiếm này cũng làtuyệt học bình sinh, nàng phóng vọt người đánh xuống, người ấy vội né tránh, kêu ồ một tiếng, muốn nói gì đấy nhưng lại thôi. Lữ Tứ Nương đánh một đòn không trúng, rất ngạc nhiên, đâm ra soạt soạt ba nhát kiếm, toàn là những sát chiêu lợi hại trong Huyền Nữ kiếm pháp. Người ấy xoay mũi chân, Lữ Tứ Nương đánh một loạt ba kiếm mà đều hụt, nói thì chậm, sự việc diễn ra rất nhanh, người ấy cũng rút kiếm tấn công tới từ một phương vị mà Lữ Tứ Nương không ngờ được. Lữ Tứ Nương cả kinh, may mà nàng có khinh công trác tuyệt, người chỉ hơi lách qua đã lập tức phản công, nàng trầm kiếm dẫn tới, trở kiếm hất lên, hai kiếm chính phản tương hành, công thủ bổ trợ lẫn nhau, dù cao thủ cũng khó né tránh. Người ấy cũng thấy lấy làm lạ, đột nhiên ngồi xuống đất, xoay mấy vòng nhanh như điện chớp, kiếm thế như trái châu lăn vào ngộc bàn, suýt nữa Lữ Tứ Nương đã bị y chém hai chân, thế là vội vàng nhảy vọt lên, dùng kiếm thế Bằng bác cửu tiêu, kiếm quang chợt mở rộng mấy trượng, chụp xuống đầu người ấy, chỉ cần kiếm quang vừa hợp, dù cao thủ tuyệt đỉnh cũng khó tránh cái họa bay đầu!
Kiếm quang chụp xuống, người ấy chợt bật lên rồi lao ra khỏi vòng kiếm quang, trở tay đánh ra một kiếm từ một phương vị mà Lữ Tứ Nương không ngờ đến, Lữ Tứ Nương chưa từng thấy loại kiếm pháp quái dị thế này, nàng thất kinh vội vàng né tránh. Lùi được hai bước, nàng thay đổi kiếm pháp, thi triển hết Huyền Nữ kiếm pháp ra, kiếm quang hộ toàn thân, kiếm thế dồn lên cuồn cuộn. Mỗi chiêu nàng đánh ra đều lợi hại lạ thường, kiếm nào cũng xỉa vào chỗ yếu hại của người ấy, người ấy loạng choạng như một tên say rượu, lúc thì tung người lên cao, lúc thì hạ xuống đất, có mấy lần suýt nữa chạm vào một lưỡi kiếm của Lữ Tứ Nương nhưng không biết thế nào mà trong khoảnh khắc đã né tránh ra. Thanh kiếm của y chỉ đâm vạch tay, xem ra rất rối loạn, thực sự là trong chiêu có chiêu, trong thức có thức, biến hóa phức tạp vô cùng. Lữ Tứ Nương từ lúc xuất đạo tới giờ chưa thấy có kình địch nào mạnh thế này.
Kỳ phùng địch thủ, tinh thần phấn chấn, Huyền Nữ kiếm pháp của Lữ Tứ Nương càng lúc càng nhanh, nàng phối hợp với khinh công tuyệt đỉnh thừa cơ tấn công, cả hai quần thảo nhau khoảng hơn trăm chiêu, mỗi bên đều có sở trường, chẳng ai làm gì được đối phương. Nhưng Lữ Tứ Nương có khinh công hơi cao hơn, chiếm được một chút thượng phong. Nhưng dù như thế cũng không thể chế phục được đối phương.
Đấu được hơn trăm chiêu, hai thanh kiếm cứ múa như con rồng bay, lúc tiến lúc thoái, lúc phân lúc hợp, Thẩm Tại Khoan nhìn mà rối cả mắt, Lữ Tứ Nương giật mình, người ấy chợt nhảy ra khỏi vòng, kêu: “Đừng đánh nữa, Huyền Nữ kiếm pháp của cô nương quả nhiên tinh diệu, cô nương có phải là Lữ Tứ Nương không?” Lữ Tứ Nương cũng nói: “Chắc chắn huynh đài đã sử dụng Đạt Ma kiếm pháp, huynh đài có phải là người của phái Võ Đang hay không? Xưng hô thế nào với Quế Trọng Minh lão tiền bối?”
Người ấy trả lời: “Đó chính là gia phụ”. Lữ Tứ Nương thất kinh, nói: “Huynh đài là hậu nhân của bậc hiệp nghĩa lừng danh, sao cam lòng chịu làm ưng khuyển cho triều đình, há chẳng phải đã làm tổn uy danh của Thiên Sơn thất kiếm sao?” người ấy nói: “Nữ hiệp sai rồi, sao bảo tôi là ưng khuyển của triều đình?” Lữ Tứ Nương nói: “Sao huynh đài lại đào mộ của Nhất Phiêu đại sư?” người ấy nói: “Nhất Phiêu đại sư là hảo hữu của Cô Vân đạo trưởng, Chưởng môn sư huynh của tôi, sư huynh tôi biết ông ta gặp nạn, sợ có người làm hại đến pháp thể của ông ta cho nên bảo tôi đưa ông ta về núi Võ Đang an tán”. Lữ Tứ Nương cười nói: “Sao huynh đài không nói sớm? Suýt nữa tôi đã ra tay lấy mạng huynh đài!” người ấy cũng cười nói: “Chính là vì tôi cũng muốn thấy kiếm pháp của cô nương cho nên mới lãnh giáo vài chiêu, mở rộng tầm mắt”. Lữ Tứ Nương cười nói: “Té ra huynh đài chỉ muốn thử chiêu! Dám hỏi đại danh của huynh đài là gì?”
Người ấy nói: “tiểu sinh họ Mạo, tên Quảng Sinh”. Lữ Tứ Nương ngạc nhiên, người ấy cười nói: “Tôi theo họ mẹ. Cha tôi sinh ba người con, mỗi người có họ khác nhau”. Lữ Tứ Nương nói: “Tại sao lại thế?” Mạo Quảng Sinh nói: “Cha tôi vốn họ Thạch, lấy họ Quế theo nghĩa phụ. Người sinh ra ba anh em chúng tôi, đại ca lấy lại họ Thạch, tên là Thạch Xuyên Sinh, tôi theo họ mẹ, kế thừa hương hỏa cho ngoại tổ phụ Mạo Tị Cương. Tam đệ mới theo họ cha, tên là Quế Hoa Sinh”.
Lữ Tứ Nương nói một tiếng đắc tội rồi bảo: “Đưa Nhất Phiêu đại sư đi cũng tốt, không cần phải canh mộ cho ông ta”. Mạo Quảng Sing nói: “Ngoại trừ việc dời đi nơi khác, tôi còn có một việc muốn thỉnh giáo nữ hiệp”. Lữ Tứ Nương nói: “không cần khách sáo, xin mời Mạo huynh cứ nói”. Mạo Quảng Sinh nói: “Nữ hiệp có biết đệ tử cuối cùng của Dịch lão tiền bối phái Thiên Sơn không?” Lữ Tứ Nương cười nói: “Đâu chỉ quen biết, mà là còn rất thân thiết”. Mạo Quảng Sinh nói: “Thật là tốt, nữ hiệp có biết nàng ở đâu không?” Lữ Tứ Nương hỏi: “Huynh đài muốn tìm nàng?” Mạo Quảng Sinh khẽ gật đầu. Lữ Tứ Nương rất lấy làm lạ, nàng chưa bao giờ nghe Phùng Anh bảo quen biết người này, liền hỏi: “Huynh đài tìm nàng làm gì?” Mạo Quảng Sinh nói: “Đệ đệ của tôi tìm nàng trút giận, tôi sợ đệ đệ sẽ ngộ thương nàng, bởi vậy muốn kịp thời đến khuyên giải”. Lữ Tứ Nương ngạc nhiên nói: “Tại sao lệnh đệ có xích mích với nàng?”
Mạo Quảng Sinh lắc đầu nói: “Huynh đệ chúng tôi đều không quen nàng, làm sao có xích mích?” Lữ Tứ Nương càng lạhơn, cười rằng: “Thế ra lệnh đệ chẳng phải gây sự vô cớ sao?”
Mạo Quảng Sing nói: “Nữ hiệp có điều không biết. Ba anh em chúng tôi khi nhỏ ở Thiên Sơn, lúc đó Phùng Anh vẫn chưa tới cho nên đôi bên chẳng quen biết nhau. Sau khi cha chết, ba anh em chúng tôi vâng lệnh cha rời khỏi Thiên Sơn, mỗi người đến một nơi phát dương đại ma kiếm pháp, trùng chỉnh Võ Đang môn hộ. Tôi tiếp nhận chi phái phía Bắc của Võ Đang, thường ở các tỉnh miền thiểm trong; đại ca thì ở núi Võ Đang, tam đệ ở Tứ Xuyên coi sóc nhà cửa. Tam đệ rất thân thiết với Đường gia”. Lữ Tứ Nương nói: “Đúng thế, hai năm trước Đường Kim Phong đã đến Sơn Đông, nghe nói là trả thù cho con rể”. Mạo Quảng Sinh nói: “Chính là vì chuyện này”. Lữ Tứ Nương chen vào: “Nhưng con rể của Đường Kim Phong bị Phùng Lâm giết chứ không phải Phùng Anh. Vả lại con rể của Đường Kim Phong làm công sai, công sai giết giặc hoặc giặc giết công sai đều không thể coi như tư thù. Những chuyện như thế này, trong võ lâm rất ít khi báo thù, càng không thể bảo mời người giúp đỡ, chẳng lẽ lệnh đệ không biết quy củ võ lâm sao?”
Mạo Quảng Sinh nói: “Đường nhị tiên sinh cũng không biết ai giết con rể của mình, chỉ biết không phải Phùng Anh thì Phùng Lâm. Lúc đầu ông ta không biết Phùng Anh còn có một muội muội nữa, sau đó mới điều tra được. Đường Kim Phong thương con gái độc nhất của mình, con gái của ông ta nài nỉ, bởi vậy mới đành đi trả thù cho con rể. Nhưng hai năm trước ông ta đến nhà Dương Trọng Anh tìm thù, biết mình không phải là đối thủ của chị em Phùng Anh, cho nên mời đệ đệ của tôi giúp đỡ. Ông ta nói xấu chị em Phùng Anh, đệ đệ của tôi tính tình háo cường, nghe nói có nữ tặc kiếm thuật cao cường, trong bụng cũng muốn đi thử xem sao, hắn không biết Phùng Anh là ái đồ của Dịch lão tiền bối”.
Lữ Tứ Nương hỏi: “Vậy làm sao huynh đài biết?” Mạo Quảng Sinh nói: “Đầu năm nay tôi lên Thiên Sơn tảo mộ cha tôi, nghe Dịch lão tiền bối nói. Người cũng bảo định lập Phùng Anh làm truyền nhân của phái Vô Cực. Thế ra tỉ muội Phùng gia đều là truyền nhân đời sau của Thiên Sơn thất kiếm, làm sao có thể tàn sát lẫn nhau? sau khi tôi từ Thiên Sơn trở về mới biết tam đệ đã đi theo Đường lão nhị, gặp lúc trưởng môn sư huynh nhờ tôi đi dời xác của Nhất Phiêu đại sư cho nên tôi đến trươc nơi này”.
Lữ Tứ Nương nghĩ ngợi một hồi rồi cười nói: “Tại Khoan, chuyện của chúng ta ở núi Tiên Hà đã hết, ngày sau chúng ta còn có dịp quay trở lại. Chúng ta hãy theo Mạo đại ca một chuyến. Có thể đến nhà họ Dương ở Sơn Đông trước, Đường Kim Phong có lẽ là đến tìm thiết chưởng thần đạn Dương Trọng Anh”. Mạo Quảng Sinh cả mừng nói: “Có nữ hiệp đi cùng thì thật là tốt!”
Chính là:
Vô cớ nổi cơn sóng ngàn thước, sai lầm thành thù không nỡ xem.
Muốn biết sau đó thế nào, mời sang hồi sau sẽ rõ.