Emily Trên Dải Cầu Vồng
Chương 2: Thời thanh xuân non nớt
“15 tháng Hai, 19...
“Tôi đã hạ quyết tâm hằng ngày sẽ viết vào cuốn nhật ký này hết thảy mọi hành động cả tốt cả xấu của tôi. Tôi bắt gặp ý tưởng này trong một cuốn sách, và vô cùng hứng thú với nó. Tôi muốn phản ánh một cách chân thực nhất. Tất nhiên, viết về những việc làm tốt thì dễ quá rồi, nhưng còn việc làm xấu thì chẳng dễ gì mà nói được ra.
“Hôm nay, tôi chỉ làm duy nhất được một việc xấu – có nghĩa là việc duy nhất tôi cho là xấu. Tôi đã tỏ thái độ xấc láo với bác Elizabeth. Bác ấy nghĩ tôi rửa bát đĩa lâu quá. Tôi thì chẳng thấy có lý do gì cần phải vội vã cả, mà tôi lại còn đang bận sáng tác một câu chuyện tên là Bí mật của chiếc cối xay. Bác Elizabeth nhìn tôi rồi nhìn đồng hồ, và nói thái độ gắt gỏng nhất trần đời,
“ 'Cháu là chị em với loài ốc sên đấy à, Emily?'
“ 'Không! Ốc sên chẳng có dây mơ rễ má gì với cháu hết,' tôi kiêu kỳ đáp lại.
“Vấn đề không nằm ở câu nói của tôi, mà chính cách tôi nói mới thể hiện sự xấc láo. Và tôi đã chủ tâm làm thế. Tôi tức đến nổ đom đóm mắt – hễ cứ bị ai chỉ trích là y như rằng tôi lại phát cáu. Chuyện xong rồi thì tôi lại thấy hối hận vô cùng vì đã cáu giận – nhưng tôi hối hận vì làm thế thật ngu ngốc và không ra dáng đoan trang chứ không phải vì thấy tội lỗi. Vậy nên chắc hẳn cũng không thể coi đó là sự ăn năn hối lỗi đích thực được.
“Về việc tốt thì hôm nay tôi làm được hai việc. Tôi đã cứu sống hai sinh mạng bé bỏng. Sal Ngổ Ngáo tóm được một chú chim sẻ mắt đen đáng thương, và tôi đã đoạt lấy chú ta từ tay cô nàng. Chú sẻ hối hả bay đi mất, và tôi dám chắc chú ta vô cùng hạnh phúc. Sau đó, tôi xuống chỗ chạn bát trong hầm và phát hiện ra một con chuột bị kẹp chân vào bẫy. Con vật tội nghiệp nằm đó, sức tàn lực kiệt do vùng vẫy quá nhiều, trong đôi mắt đen là ánh nhìn đó. Tôi không sao kiềm lòng được nên đành thả tự do cho nó, và dù chân cẳng như thế nhưng nó vẫn nhanh chóng chuồn đi mất dạng. Tôi không chắc chắn lắm về hành động này. Tất nhiên xét từ điểm nhìn của con chuột thì đây là một việc tốt, nhưng theo quan điểm của bác Elizabeth thì sao?
“Tối nay, bác Laura và bác Elizabeth đã đọc nguyên một hộp đầy ắp thư từ cũ rồi sau đó đốt sạch. Hai bác ấy đọc thành tiếng và bình luận về mấy bức thư đó, trong khi tôi ngồi trong góc nhà để đan tất. Những bức thư rất thú vị và tôi đã biết được vô khối điều tôi chưa bao giờ biết về nhà Murray. Tôi cảm thấy tuyệt vời xiết bao vì được làm một thành viên trong một gia đình như thế này. Chẳng trách dân làng Hồ Blair gọi chúng tôi là “Người Được Chọn” – mặc dù họ nói thế không phải với ý khen ngợi. Tôi cảm thấy nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt những truyền thống của dòng họ mình.
“Hôm nay, tôi nhận được một bức thư dài từ chú Dean Priest. Chú ấy đang trải qua mùa đông ở Algiers. Chú ấy bảo đến tháng Tư sẽ về nhà và hè tới sẽ đến ở cùng với chị gái, bà Fred Evans. Tôi rất vui. Sẽ tuyệt biết bao nếu chú ấy ở lại Hồ Blair suốt cả mùa hè. Chưa có bất kỳ ai trò chuyện với tôi giống như chú Dean. Chú ấy là người lớn tử tế nhất và thú vị nhất tôi từng biết. Bác Elizabeth bảo chú ấy là kẻ ích kỷ, giống hệt những người mang họ Priest. Nhưng hồi đó bác ấy đâu có yêu quý gì nhà Priest. Lúc nào bác ấy cũng gọi chú ấy là Lưng Bình, và chẳng hiểu sao cứ nghe thế tôi lại thấy khó chịu. Một bên vai của chú Dean cao hơn vai bên kia thật, nhưng đó có phải lỗi của chú ấy đâu. Tôi từng có lần nói với bác Elizabeth rằng tôi mong sao bác ấy đừng gọi bạn tôi như thế, nhưng bác ấy chỉ bảo,
“ 'Có phải ta đặt biệt danh cho bạn của cháu đâu, Emily. Từ xưa đến nay họ hàng nhà cậu ta lúc nào chẳng gọi cậu ta là Lưng Bình. Nhà Priest đâu có vang danh vì sự lịch thiệp đâu!'
“ Teddy cũng nhận được thư từ chú Dean, và thêm cả một cuốn sách nữa – Cuộc đời những họa sĩ vĩ đại - Michael Angelo, Raphael, Velasquez, Rembrandt, Titian. Cậu ấy bảo không dám để cho mẹ cậu ấy nhìn thấy cậu ấy đang đọc cuốn sách này, thể nào bà ấy cũng đốt đi cho xem. Tôi tin chắc chỉ cần có cơ hội, Teddy rồi cũng sẽ trở thành một nghệ sĩ vĩ đại như bất kỳ ai trong số đó thôi.”
“18 tháng Hai, 19...
“Hôm nay, tôi đã có một buổi tối rất dễ chịu khi một mình đi dạo sau giờ học trên con đường ven suối chạy qua rừng cây bụi nhà ông John Ngạo Mạn. Vầng mặt trời màu kem là là trên màn tuyết trắng xóa, còn những cái bóng đổ xuống mảnh mai và u buồn đến thắt lòng. Tôi vẫn luôn cho rằng trên đời này, chẳng có gì đẹp bằng bóng cây. Và đến khi tôi bước vào vườn, cái bóng của tôi trông mới hay làm sao chứ, dài ngoằng ngoẵng đến độ vắt sang hẳn phía bên kia vườn. Ngay lúc đó, tôi đã sáng tác được một bài thơ với hai câu,
“ 'Nếu chúng ta cao ngang bóng của mình,
Thì bóng chúng ta sẽ cao đến mức nào.'
“Tôi nghĩ câu thơ này rất đậm chất triết học.
“Tối nay tôi đã viết truyện và bác Elizabeth biết thừa tôi đang làm gì nên tức giận lắm. Bác ấy mắng tôi vì tội lãng phí thời gian. Nhưng như thế đâu có lãng phí thời gian. Nhờ viết truyện, tôi đã trưởng thành hơn, tôi biết chắc như thế. Và chưa kể có nhiều câu khiến tôi rất thích nữa. 'Tôi e sợ cánh rừng xám' – tôi rất hài lòng với câu này. Và... 'bàng bạc oai nghiêm như ánh trăng, nàng dạo bước trong khu rừng tối'. Tôi thấy câu này khá hay. Tuy nhiên, thầy Carpenter lại bảo bất cứ khi nào cảm thấy cái gì đó đặc biệt hay thì tôi hãy cắt bỏ nó đi ngay. Nhưng chao ôi, tôi không thể cắt câu ấy đi được, ít nhất chưa phải là bây giờ. Lạ ở chỗ, cứ khoảng ba tháng sau khi thầy Carpenter kêu tôi cắt bỏ thứ này thứ kia, tôi lại thấy thầy nói đúng và cảm thấy xấu hổ vì nó. Hôm nay thầy Carpenter không tỏ ra chút nhân nhượng nào đối với bài luận của tôi. Thầy chẳng thấy hài lòng với bất cứ điểm nào ở nó hết.
“ 'Trong một đoạn mà có đến tận ba từ than ôi sao, Emily. Chỉ một lần thôi cũng đã là quá nhiều trong cái năm đầy ơn phước này rồi!' 'Hấp dẫn khôn cưỡng hơn - Emily, vì Chúa, viết tiếng Anh đi xem nào! Thế này thật không chấp nhận được.'
“Chuyện này cũng thế. Tôi tự mình đánh giá và cảm thấy nỗi xấu hổ lan tỏa khắp châu thân như một con sóng đỏ bừng. Rồi, sau khi thầy Carpenter đã dùng bút chì xanh gạch gần như tất cả các câu văn, châm chọc hết thảy những đoạn văn hay ho của tôi và gần như động đến cấu trúc câu nào cũng đều lôi ra được lỗi, rồi còn bảo rằng tôi quá nghiện thể hiện 'chủ nghĩa khôn ngoan' trong bài viết, thầy quăng cuốn vở bài tập của tôi xuống, xọc tay vào tóc và nói,
“ 'Trò mà đòi viết lách ấy hả! Ngọc Bích này, cầm lấy thìa rồi học nấu nướng đi!'
“Rồi thầy sải bước bỏ đi, lẩm bẩm những câu nguyền rủa 'không đao to búa lớn nhưng vô cùng thâm thúy'. Tôi nhặt bài luận tội nghiệp của mình lên, trong lòng cũng không đến nỗi quá khổ sở. Tôi vốn đã biết nấu nướng rồi, thêm nữa thời gian qua, tôi đã ít nhiều hiểu thầy Carpenter. Bài luận của tôi càng đặc sắc, cơn giận dữ của thầy dành cho chúng sẽ càng dữ dội. Chắc hẳn bài luận này cũng tương đối ổn. Nhưng thầy vẫn giận dữ và mất kiên nhẫn vì thầy đã nhìn ra có những chỗ lẽ ra tôi còn có thể làm tốt hơn nữa, ấy vậy mà tôi lại không làm được – vì cẩu thả, vì lười nhác hoặc vì thờ ơ. Mà thầy thì không cách nào chịu nổi một người dù có khả năng nhưng lại không chịu làm cho tốt hơn. Và nếu không cho rằng tôi có thể sớm đạt được một điều gì đó thì chắc hẳn thầy cũng sẽ chẳng buồn bận tâm đến tôi.
“Bác Elizabeth không tán thành ý kiến của ngài Johnson. Bác ấy cho rằng thuyết thần học của ngài mục sư không đúng đắn. Trong bài giảng đạo hôm Chủ nhật vừa rồi, ông ấy bảo đạo Phật cũng có nhiều điểm hay.
“ 'Rồi hôm sau thể nào ông ấy cũng bảo rằng giáo hội La Mã cũng có cái hay cho xem,' bác Elizabeth phẫn nộ lên tiếng lúc đang ngồi ăn tối.
“Có thể ở đạo Phật cũng có nhiều điểm hay chứ. Khi nào chú Dean trở về, tôi sẽ phải hỏi chú ấy vấn đề này mới được.”
“2 tháng Ba, 19...
“Hôm nay, tất cả mấy bác cháu đều phải dự một đám tang – của bà cụ Sarah Paul. Từ trước đến nay tôi vẫn thích đi dự đám tang. Khi nghe tôi nói thế, bác Elizabeth có vẻ choáng váng đến điếng người, còn bác Laura nói, 'Ôi, Emily yêu dấu!' Kể mà có thể khiến bác Elizabeth choáng váng đến điếng người thì tôi cũng thấy khá thích thú, nhưng tôi không bao giờ thấy thoải mái nếu lỡ làm phiền lòng bác Laura – bác ấy đáng mến đến thế cơ mà – vậy nên tôi bèn giải thích, hay đúng ra là cố gắng giải thích. Nhiều khi thật khó giải thích mọi chuyện với bác Elizabeth.
“ 'Đám tang thú vị mà bác,' tôi nói. 'Và buồn cười nữa.'
“Có lẽ tôi nói thế chỉ càng khiến cho tình hình thêm tồi tệ. Tuy nhiên, bác Elizabeth cũng biết rõ chẳng kém gì tôi rằng sẽ thú vị xiết bao khi được chứng kiến mấy người họ hàng của bà Paul, những người suốt bao nhiêu năm nay vẫn căm ghét và thường xuyên cãi cọ với bà – lúc còn sống bà cụ cũng đã chẳng phải người thân thiện gì cho cam! – ngồi ở đó, vùi mặt vào khăn tay giả vờ nức nở. Tôi biết thừa từng người bọn họ cũng như tất cả những gì bọn họ đang nghĩ trong lòng. Jake Paul đang băn khoăn không biết liệu có khả năng bà già cay nghiệt đó viết di chúc để lại chút gì cho ông ta không... còn Alice Paul, vốn biết rõ mười mươi bà ta sẽ chẳng nhận được gì, thì đang hy vọng Jake Paul cũng phải chịu số phận tương tự. Nếu thế thì bà ta mới thấy mãn nguyện. Bà vợ của Charles Paul đang tự hỏi đến lúc nào bà ta sẽ được tùy ý xử lý ngôi nhà theo đúng cách bà ta khao khát từ lâu nhưng bà Paul đã chẳng bao giờ đồng ý. Còn dì Min đang sốt hết cả ruột, chỉ sợ không có đủ bánh nướng phục vụ cho đám họ hàng xa bốn đời vốn chẳng bao giờ được họ chờ mong hay muốn gặp, trong khi Lisette Paul đếm người và lấy làm bực mình vì số người tham dự không đông bằng đám tang của bà Henry Lister hồi tuần trước. Lúc tôi nói lại chuyện này với bác Laura, bác ấy nghiêm nghị nói,
“ 'Có thể mọi chuyện đúng như thế thật, Emily'-(bác ấy biết thừa đó là sự thật mà!) - 'nhưng tóm lại, có vẻ không được đúng đắn lắm nếu một cô gái mới tí tuổi đầu như cháu có thể... có thể nhìn ra những thứ này.'
“Tuy nhiên, tôi không thể không nhìn ra những điều này. Bác Laura yêu dấu lúc nào cũng cảm thấy tiếc thương vô hạn cho mọi người đến nỗi bác ấy chẳng thể nhận ra mặt khôi hài của họ. Nhưng tôi còn thấy cả những điều khác nữa. Tôi nhìn thấy Zack Fritz bé bỏng, cậu bé được bà Paul nhận nuôi và chăm sóc rất tận tình, đau khổ đến mức gần như suy sụp, và tôi còn nhìn thấy bà Martha Paul đang day dứt hổ thẹn khi nhớ đến cuộc cãi cọ gay gắt hồi xưa với bà Paul... tôi nhìn thấy khuôn mặt bà Paul, lúc sống vốn cau có khó đăm đăm là thế, vậy mà giờ lại thật thanh thản, oai nghiêm và thậm chí còn đẹp nữa... như thể cuối cùng Tử thần cũng đã làm bà thỏa mãn.
“Phải, các đám tang quả là thú vị.”
“5 tháng Ba, 19...
“Tối nay, tuyết rơi nhẹ. Tôi thích nhìn màn tuyết lất phất đâm xiên những thân cây tối sẫm.
“Có lẽ hôm nay tôi đã làm một việc tốt. Jason Merrowby đã đến đây giúp bác Jimmy xem gỗ, và tôi nhìn thấy ông ấy lẻn vào chuồng lợn, dốc chai rượu tợp một hớp. Nhưng tôi không hé răng kể lại chuyện này với bất kỳ ai... việc tốt của tôi là thế đấy.
“Có lẽ tôi nên kể với bác Elizabeth, nhưng nếu vậy, bác ấy sẽ không bao giờ thuê ông ấy nữa, mà ông ấy lại đang khát việc, vì còn phải trong nom người vợ và đàn con tội nghiệp. Thật chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt được chắc chắn hành động của ta là tốt hay xấu.”
“20 tháng Ba, 19...
“Hôm qua bác Elizabeth cáu điên lên vì tôi không chịu viết 'điếu thi' cho ông Peter Degeer mới chết tuần trước. Bà DeGeer đến đây nhờ tôi viết hộ. Nhưng tôi không chịu... tôi cực kỳ phẫn nộ trước một đề nghị kiểu thế. Tôi thấy làm thế chẳng khác nào báng bổ nghệ thuật của tôi... nhưng tất nhiên tôi không nói như vậy với bà DeGeer rồi. Nếu nói ra thế thì thể nào bà ấy cũng đau lòng lắm cho xem, thêm nữa bà ấy cũng còn lâu mới hiểu dù chỉ xíu xiu ý tôi muốn nói. Đến cả bác Elizabeth cũng vậy, sau khi bà DeGeer đi rồi, tôi đã giải thích lý do từ chối với bác ấy, nhưng bác ấy có hiểu đâu.
“ 'Cháu toàn viết hàng đống thứ vớ vẩn chẳng ai thèm,' bác ấy nói. 'Có lẽ cháu nên viết một thứ thật sự được người khác mong muốn. Nó sẽ mang lại niềm vui cho bà cụ Marry DeGeer tội nghiệp. Lại còn “báng bổ nghệ thuật của cháu” nữa cơ đấy. Nếu nhất thiết phải giải thích thì sao cháu không chọn cách nói cho có lý một chút hả Emily?'
“Tôi bèn tìm cách nói năng cho có lý.
“ 'Bác Elizabeth,' tôi nói nghiêm túc, 'làm sao cháu có thể viết thơ điếu cho bà ấy chứ? Cháu không thể viết một bài điếu văn sai sự thật chỉ cốt để mang lại niềm vui cho bất kỳ ai. Mà chính bác cũng biết rõ là muốn nói về ông Peter DeGeer thì làm sao có bài điếu văn nào vừa hay ho tốt đẹp vừa chân thực được chứ!'
“Bác Elizabeth cũng biết vậy, thế nên bác ấy đâm ra bối rối, nhưng chính vì thế bác ấy lại càng bực mình với tôi hơn. Bác ấy cáu kỉnh quá đỗi đến mức tôi quyết định leo lên phòng viết 'điếu thi' về ông Peter, nhưng chỉ nhằm mua vui cho bản thân thôi. Hiển nhiên, viết điếu văn chân thực về một người ta chẳng yêu quý gì cho cam là một công việc thú vị không sao tả xiết. Nói thế không có nghĩa là tôi ghét ông Peter Degeer đâu nhé; tôi chỉ coi thường ông ta giống như thái độ của tất cả những người khác thôi. Nhưng bác Elizabeth đã khiến tôi bực mình, mà cứ khi nào bực mình là y như rằng tôi sẽ viết lách cay nghiệt ra trò. Và lại một lần nữa, tôi cảm thấy Điều Gì Đó đang viết thông qua tôi... nhưng là một Điều Gì Đó khác hẳn bình thường... một Điều Gì Đó đầy ác ý và châm biếm háo hức chế nhạo ông lão Peter DeGeer giả nhân giả nghĩa, lố bịch, dối trá, vụng về, lười biếng, nghèo khổ. Ý tưởng... ngôn ngữ... vần điệu... tất cả dường như cứ thế rơi vào đúng nơi đúng chỗ trong khi Điều Gì Đó khúc khích cười khoái trá.
“Tôi cảm thấy bài thơ ấy thật đặc sắc, khiến tôi không thể cầm lòng được nên hôm nay đã mang nó đến trường cho thầy Carpenter đọc. Tôi cứ đinh ninh thầy thể nào cũng thích nó... mà có lẽ thầy cũng thích thật, xét trên phương diện nào đó, nhưng sau khi đọc xong, thầy bỏ bài thơ xuống và nhìn tôi.
“ 'Có lẽ nhạo báng một kẻ thất bại là chuyện ít nhiều thú vị thật,' thầy nói. 'Ông lão Peter khốn khổ là một kẻ thất bại... và ông ấy đã chết... Đấng Tạo Hóa có thể khoan dung với ông ấy, thế mà đồng loại của ông ấy thì lại không. Khi ta chết đi, Emily, lẽ nào trò cũng viết thế này về ta? Trò có năng lực... ồ, đúng vậy đấy, nó rành rành ở đây này... cái này quả thực rất đặc sắc. Trò có thể khắc họa sự yếu đuối, ngốc nghếch và xấu xa của một nhân vật theo một cách độc đáo đến mức đáng ngạc nhiên so với một cô gái ở độ tuổi của trò. Nhưng... làm thế có đáng không, Emily?'
“ 'Không ạ... không,' tôi nói. Tôi quá xấu hổ và hối hận đến nỗi chỉ muốn trốn sang chỗ khác mà khóc. Thật kinh khủng xiết bao khi nghĩ đến chuyện thầy Carpenter tưởng tượng ra tôi sẽ có khi nào đó viết thư như thế về thầy, sau hết thảy những gì thầy đã làm cho tôi.
“ 'Nó không đáng,' thầy Carpenter nói. 'Luôn có chỗ cho sự nhạo báng... có những chứng hoại tử chỉ có thể bị đốt đến kiệt cùng... nhưng hãy để việc đốt cháy đó cho những bậc thiên tài. Hàn gắn tốt hơn gây tổn thương nhiều. Những kẻ thất bại chúng ta biết rõ điều đó.'
“ 'Ôi, thầy Carpenter!' tôi kêu lên. Tôi muốn nói rằng thầy không phải kẻ thất bại... tôi muốn nói hàng trăm điều... nhưng thầy đã ngăn tôi lại.
“ 'Nào... nào, chúng ta không nói đến vấn đề đó, Emily. Khi ta chết, hãy nói rằng, “Ông ấy là một kẻ thất bại, và không ai ý thức được điều đó một cách sâu sắc hơn hay cảm nhận về nó một cách cay đắng hơn chính bản thân ông ấy.” Hãy khoan dung với những kẻ thất bại, Emily. Cứ việc châm biếm những điều xấu xa nếu trò không còn cách nào hơn... nhưng hãy thương cảm những người yếu đuối.'
“Rồi thầy quay đi, gọi cả lớp vào học. Tôi dằn vặt không yên suốt từ lúc ấy và tối nay thể nào cũng trằn trọc không ngủ được cho mà xem. Nhưng ngay bây giờ, bằng thái độ nghiêm túc nhất, tôi sẽ ghi lại trong cuốn nhật ký lời thề này, Ngòi bút của tôi sẽ hàn gắn chứ không gây tổn thương. Và, bất chấp có phải đầu thời Victoria hay không, tôi vẫn viết nó bằng chữ nghiêng, bởi vì tôi cực kỳ cực kỳ nghiêm túc.
“Tuy nhiên, tôi không xé bỏ bài thơ ấy... tôi không thể... nó thật sự quá hay khiến tôi không đành lòng phá hủy. Tôi cất nó vào tủ riêng để khi nào thích thì lôi ra đọc lại lần nữa, nhưng tôi sẽ không bao giờ đưa nó cho bất kỳ ai xem.
“1 tháng Tư, 19...
“Hôm nay, một vị khách đến thăm làng Hồ Blair đã nói một câu khiến tôi vô cùng bức bối. Tôi đang ở bưu điện thì tình cờ gặp vợ chồng ông Alec Sawyer, vốn đang sống ở Charlottetown. Bà Sawyer rất xinh đẹp, thời trang và thích ra vẻ kẻ cả. Tôi nghe thấy bà ta nói với chồng, 'Thật chẳng hiểu sao dân tình ở cái xứ buồn tẻ này có thể tiếp tục sống ở đây hết năm này qua năm khác như thế nhỉ? Tôi thì sẽ phát điên lên cho mà xem. Chẳng có chuyện gì xảy ra ở đây cả.'
“Tôi những muốn kể cho bà ta nghe vài điều về làng Hồ Blair. Lẽ ra tôi đã có thể trả thù bằng một màn châm biếm. Nhưng, tất nhiên, người ở trang trại Trăng Non không gây chuyện thị phi giữa chốn công cộng. Vậy nên tôi đành tự thỏa mãn bằng cách cúi chào cực kỳ lạnh lùng khi bà ta nói chuyện với tôi và rồi sau đó lướt qua bà ta. Tôi nghe tiếng ông Sawyer nói, 'Cô gái đó là con cái nhà ai vậy?' và bà Sawyer trả lời, 'Chắc hẳn là con mèo nhà Starr đó rồi... cô ta có cái kiểu ngẩng cao đầu đúng phong cách Murray, thế đấy.'
“Cứ thử nghĩ đến việc nói 'chẳng có chuyện gì xảy ra ở đây cả' xem! Sao chứ, ngay bây giờ đang xảy ra đầy chuyện đấy thôi... những chuyện ly kỳ hồi hộp. Tôi thấy cuộc sống nơi đây thật tuyệt vời không bút nào tả xiết. Chúng tôi lúc nào cũng có đầy thứ để cười, để khóc, để chuyện trò.
“Cứ thử nhìn lại hết thảy những chuyện đã xảy ra tại làng Hồ Blair ba tuần gần đây xem... cả bi cả hài đều đủ cả. Ông James Baxter bất thình lình không thèm nói năng gì với vợ mình mà chẳng ai biết tại sao. Bà ấy cũng không biết, tội nghiệp thay, và bà ấy đang vô cùng đau khổ vì chuyện đó. Ông cụ Adam Gillian, luôn ghét cay ghét đắng bất cứ hành động giả vờ nào, mới mất cách đây hai tuần, và câu nói cuối cùng của ông ấy là, 'Nhớ coi sóc sao cho đừng ai gào rú khóc lóc gì tại đám tang của ta.' Vậy là chẳng ai gào rú hay khóc lóc gì. Có ai muốn làm thế đâu cơ chứ, và vì ông ấy đã cấm đoán thế rồi nên cũng chẳng ai buồn giả vờ làm gì cho mất công. Trước nay Hồ Blair chưa từng có một đám tang nào vui vẻ như thế. Tôi đã chứng kiến nhiều đám cưới còn sầu bi hơn thế nhiều, chẳng hạn như đám cưới của Ella Brice ấy. Chuyện phủ đám mây đen lên ngày cưới của cô ấy chính là lúc thay trang phục cô ấy quên béng mất phải đi giày trắng mà xỏ nguyên đôi dép trong nhà cũ rích bạc phếch hở cả ngón chân đi vào phòng khách. Thật tình, cho dù cô ấy chẳng xỏ bất cứ thứ gì mà đi xuống đấy thì người ta cũng chẳng thể bàn tán nhiều hơn được. Vì chuyện này mà cô Ella khốn khổ khóc lên khóc xuống suốt buổi tiệc cưới.
“Ông già Robert Scobie đã cãi nhau một trận ra trò với cô em cùng cha khác mẹ, sau khi đã sống bên nhau suốt ba mươi năm mà chưa bao giờ to tiếng với nhau dẫu chỉ một lần, dù nghe nói bà ấy rất hay khiến người khác bực mình. Từ trước tới giờ, bất kể bà ấy làm gì hay nói gì thì ông Robert cũng không bao giờ giận dữ, nhưng có vẻ như hôm nọ, sau bữa tối chỉ còn thừa lại mỗi một cái bánh rán, mà đây lại là món khoái khẩu của ông Robert. Ông ấy cất cái bánh vào trong chạn, định để dành ăn đêm, ấy vậy nhưng đến lúc quay lại lấy bánh thì ông phát hiện ra bà Matilda đã chén sạch mất rồi. Ông ấy bèn nổi giận đùng đùng, kéo mũi bà ấy mà gọi bà ấy là mụ đàn bà xấu xa, rồi đuổi bà ấy ra khỏi nhà. Bà ấy bèn khăn gói đến sống cùng người em gái ở Ao Thành Kiến, và ông Robert sắp phải sống một mình rồi. Hai người bọn họ sẽ chẳng bao giờ chịu tha thứ cho nhau đâu, người nhà Scobie là thế mà, và cũng sẽ chẳng ai còn có thể sống vui vẻ mãn nguyện được nữa.
“Một đêm trăng sáng từ cách đây hai tuần, George Lake đang trên đường từ Ao Thành Kiến về nhà thì bất thình lình nhìn thấy một cái bóng đen sì sì ngay bên cạnh cái bóng của anh ta, trên lớp tuyết lấp loáng ánh trăng.
“Mà ở đó lại chẳng có bất cứ thứ gì để đổ cái bóng đó xuống.
“Anh ta vội ba chân bốn cẳng chạy đến ngôi nhà gần nhất, sém chết vì sợ, và người ta bảo anh ta sẽ chẳng bao giờ trở lại như xưa được nữa.
“Đây là chuyện ly kỳ nhất từng xảy ra. Đến tận lúc viết lại tôi vẫn còn thấy rùng mình. Tất nhiên George hẳn phải nhìn nhầm rồi. Nhưng anh ta vốn là người trung thực, và cũng không uống rượu. Tôi không biết phải nghĩ gì về chuyện này nữa.
“Arminius Scobie là người thuộc dạng đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành, và luôn giành phần mua mũ cho vợ để ngừa trường hợp bà ấy tiêu quá nhiều cho món đó. Các cửa hàng ở Shrewsbury đều biết rõ chuyện này, và ai cũng cười nhạo ông ta. Tuần vừa rồi, hôm ông ta đến cửa hàng 'Jones và McCallum' để mua mũ cho vợ, ông Jones bảo sẽ tặng không cái mũ đấy cho ông ta nếu ông ta chịu đội cái mũ đó diễu từ cửa hàng đến nhà ga. Arminius làm theo ngay. Cửa hàng cách ga tầm một phần tư dặm, và đám con trai ở Shrewsbury kéo hết ra đường chạy theo sau hú huýt chế giễu ông ta. Nhưng Arminius chẳng buồn bận tâm gì. Ông ta đã tiết kiệm được ba đô la bốn mươi chín xu còn gì.
“Và, một tối, ngay tại Trăng Non, tôi đã đánh rơi quả trứng luộc lòng đào lên chiếc váy cashmere đẹp thứ nhì của bác Elizabeth. Đó đúng là một sự kiện đấy. Cho dù một vương quốc ở châu Âu bị sụp đổ thì cũng chẳng thể so được với độ chấn động ở Trăng Non khi ấy.
“Vậy nên, thưa phu nhân Sawyer, bà đã nhầm to rồi. Thêm nữa, bên cạnh hết thảy những sự kiện đó, dân làng nơi đây đều rất thú vị. Tôi không yêu quý tất cả mọi người, nhưng tôi thấy ai cũng thú vị... bà cô Matty Small đã bốn mươi tuổi nhưng ăn mặc lòe loẹt kinh hồn... suốt mùa hè vừa rồi, lần nào đến nhà thờ bà ấy cũng mặc cái váy màu hồng xỉn kèm mũ màu đỏ tươi... rồi ông cụ Reuben Bascom, lười đến độ có một hôm trời mưa tầm tã suốt đêm, nước nhỏ tong tong từ mái nhà dột, thế mà ông ấy thà giương ô che cả đêm còn hơn đứng dậy kéo giường ra chỗ khác... Elder McCloskey, lúc kể câu chuyện về một người truyền giáo trong buổi cầu nguyện tập thể, cứ đinh ninh rằng nhắc đến 'quần' thì không được phù hợp lắm, vậy nên lúc nào cũng nói một cách lịch sự là 'trang phục cho các bộ phận phía dưới của ông ấy'... Amasa Derry, mùa thu vừa rồi đã giành được bốn giải thưởng tại cuộc Triển lãm nhờ đống rau ông ta lấy trộm từ cánh đồng của Ronnie Bascom trong khi Ronnie thì chẳng kiếm được giải nào... Jimmy Joe Belle, hôm qua đã đi từ Ao Thành Kiến đến đây lấy một ít gỗ xẻ để 'sây cái truồng gà tro trú tró bé bỏng của tôi'... ông Luke Ellitott, nghiện tính hệ thống đến đỗi vào ngày đầu năm đã vạch ra một bản kế hoạch cho cả năm liền, rồi lập biểu đồ cho tất cả những ngày ông ta định sẽ say sưa bét nhè... và bám sát theo kế hoạch đó... tất cả bọn họ đều thú vị, khôi hài và hấp dẫn.
“Đấy, tôi đã chứng minh cho bà Alex Sawyer thấy bà ta đã nhầm lẫn tuyệt đối rồi, vậy nên tôi cảm thấy khá thoải mái với bà ta, cho dù bà ta đã gọi tôi là con mèo.
“Được gọi là mèo thì có gì khiến tôi không thích chứ, loài mèo vốn đáng yêu đến thế cơ mà. Và tôi thích được gọi là mèo con.
“28 tháng Tư, 19...
“Cách đây hai tuần, tôi đã gửi bài thơ hay nhất của mình, Khúc ca ngọn gió, cho một tờ tạp chí ở New York, và hôm nay nó đã quay trở lại kèm theo mỗi một mẩu giấy in nhỏ viết, 'Rất tiếc, chúng tôi không thể sử dụng tác phẩm này.'
“Tôi cảm thấy thật khủng khiếp. Có lẽ tôi chẳng thể nào thật sự viết được bất kỳ thứ gì đó cho ra hồn.
“Tôi có thể chứ. Rồi sẽ có ngày tờ tạp chí đó lấy làm vui mừng khi được đăng tải các tác phẩm của tôi.
“Tôi không kể với thầy Carpenter về chuyện gửi bài thơ này đi. Còn lâu tôi mới được thầy thông cảm. Thầy ấy bảo phải năm năm nữa mới đến lúc làm phiền các biên tập viên. Nhưng tôi biết rõ nhiều bài thơ tôi đọc được trên chính tờ tạp chí đó chẳng có chút xíu gì đặc sắc hơn so với Khúc ca ngọn gió.
“Không có mùa nào trong năm khơi dậy cảm hứng làm thơ trong tôi một cách mãnh liệt hơn mùa xuân. Thầy Carpenter bảo tôi hãy cố mà kiềm chế cơn bốc đồng đi. Thầy bảo mùa xuân phải chịu trách nhiệm cho nhiều thứ rác rưởi hơn bất kỳ thứ gì khác trên trần gian.
“Cách nói của thầy Carpenter có một ý vị nào đó.”
“1 tháng Năm, 19...
“Chú Dean đang ở nhà. Hôm qua chú ấy đến chỗ chị gái và tối nay đã sang đây, hai chú cháu dạo bộ trong vườn, vừa đi đi lại lại trên con đường đồng hồ mặt trời vừa trò chuyện. Thật tuyệt biết bao khi chú ấy quay trở lại, cùng đôi mắt xanh huyền bí và cái miệng đẹp đẽ.
“Chúng tôi trò chuyện rất lâu. Chúng tôi nói chuyện về thành phố Algiers, về sự đầu thai của các linh hồn, về việc bị hỏa táng và về các khuôn mặt nhìn nghiêng... Chú Dean nói tôi có khuôn mặt nhìn nghiêng đẹp... 'người Hy Lạp thuần khiết'. Tôi luôn thích lời khen ngợi của chú Dean.
“ 'Nhìn xem cháu lớn thế nào này, Sao Mai!' chú ấy kêu lên. 'Mùa thu năm ngoái ta bỏ lại một đứa trẻ... và giờ về ta đã thấy một phụ nữ!'
“(Ba tuần nữa tôi sẽ mười bốn tuổi, và tôi khá cao so với bạn bè đồng lứa. Có vẻ chú Dean thấy chuyện này rất đáng mừng... khác hẳn với bác Laura, cứ mỗi khi đo váy cho tôi là bác ấy lại thở dài thườn thượt và thấy bọn trẻ con sao lớn quá nhanh.)
“ 'Thời gian trôi qua như thế đấy,' tôi nói, trích dẫn câu nói trên cái đồng hồ mặt trời, và cảm thấy nó khá tinh tế.
“ 'Cháu cao gần bằng chú rồi này,' chú ấy nói; rồi bổ sung bằng giọng có phần cay đắng, 'tất nhiên Lưng Bình Priest thì đâu có cao lớn oai nghiêm gì.'
“Cứ mỗi khi nghe nhắc đến lưng chú ấy, dù theo cách nào đi nữa, tôi đều thấy rùng mình, nhưng lần này, tôi nói,
“ 'Chú Dean, chú đừng cười nhạo bản thân như thế... ít nhất, cũng đừng làm thế với cháu. Cháu không bao giờ nghĩ chú là Lưng Bình.'
“Chú Dean nắm tay tôi, rồi nhìn thẳng vào mắt tôi như thể đang cố gắng soi thấu linh hồn tôi.
“ 'Cháu có chắc chắn về chuyện đó không, Emily? Lẽ nào cháu không thường xuyên mong ước chú không bị khập khiễng... và không bị gù?'
“ 'Cháu vẫn thường ước mong như thế vì chú,' tôi trả lời, 'nhưng đối với cháu, dù thế nào thì cũng không có gì thay đổi cả... và mãi mãi luôn như thế.'
“ 'Và mãi mãi luôn như thế!' chú Dean nhắc lại những lời này bằng giọng mạnh mẽ. 'Giá như chú có thể tin chắc vào chuyện đó, Emily... giá như chú có thể tin chắc vào chuyện đó.'
“ 'Chú có thể tin chắc vào điều đó được chứ,' tôi nồng nhiệt tuyên bố. Tôi rất bực bội vì chú ấy có vẻ nghi ngờ chuyện đó... tuy nhiên vẻ mặt chú ấy có gì đó khiến tôi cảm thấy không mấy thoải mái. Đột nhiên, tôi nhớ đến hồi chú ấy cứu tôi thoát khỏi mỏm đá trên vịnh Malvern, chú ấy từng bảo cuộc đời tôi đã thuộc về chú ấy kể từ khi chú ấy cứu mạng tôi. Tôi không thích nghĩ rằng cuộc đời tôi lại thuộc về bất kỳ ai ngoài chính bản thân tôi... cho dù là bất kỳ ai cũng không, ngay cả Dean, cho dù tôi rất quý chú ấy. Và xét trên một số phương diện, tôi quý chú Dean hơn bất kỳ ai trên thế giới này.
“Khi trời tối dần, các vì sao ló dạng và chúng tôi ngắm nhìn chúng thông qua cái ống nhòm mới tuyệt vời của chú ấy. Thật thú vị biết bao. Chú Dean biết hết mọi thứ về các vì sao... tôi cứ có cảm giác cái gì chú ấy cũng biết. Nhưng khi tôi nói thế, chú ấy lại bảo,
“ 'Có một bí mật mà chú không biết... chú sẵn sàng đánh đổi tất cả những thứ khác để biết về nó... một bí mật... có lẽ chú sẽ chẳng bao giờ biết. Cách để giành được... cách để giành được...'
“ 'Cái gì ạ?' tôi tò mò hỏi.
“ 'Mong ước cháy bỏng của trái tim chú,' chú Dean vừa mơ màng nói vừa ngước nhìn một vì sao lung linh dường như đang treo tít tận trên ngọn của một trong Ba Nàng Công Chúa. 'Hiện tại nó có vẻ xa vời và đáng khao khát chẳng khác gì vì sao lung linh như viên ngọc kia, Emily ạ. Nhưng... ai mà biết được chứ?'
“Không biết thứ gì mà lại khiến chú Dean khát khao đến vậy nhỉ.”
“4 tháng Năm, 19...
“Chú Dean mang đến cho tôi một cái cặp giấy đựng hồ sơ rất đáng yêu mua từ Paris, và tôi đã chép vào mặt trong tấm bìa khổ thơ tôi thích nhất trích từ bài Hoa long đởm mắt rợp. Tôi sẽ đọc nó mỗi ngày và sẽ nhớ lại lời thề 'leo lên Đường Alps'. Tôi đã bắt đầu nhận ra mình sẽ phải nỗ lực bò lên từng chút một, mặc dù có lẽ tôi từng mong ngóng mình sẽ phóng thẳng tới 'mục tiêu xa vời vợi đó' bằng đôi cánh chói lọi. Thầy Carpenter đã gạt phắt giấc mơ thơ ngây đó.
“ 'Bấu ngón chân và nghiến chặt răng vào... đó là cách duy nhất đấy,' thầy nói.
“Tối qua, lúc nằm trên giường, tôi đã nghĩ ra được mấy cái tên khá hay ho để đặt cho những cuốn sách tôi sẽ viết trong tương lai - Tiểu thư cao quý; Trung thành với đức tin và lời thề nguyện; Ôi, Margaret xanh xao quý giá (Tôi mượn ý này của Tennyson), Tầng lớp Vere de Vere (như trên) và Vương quốc trên bờ biển.
“Chao, giá như tôi có thể nảy ra các ý tưởng phù hợp với những cái tên kia!
“Tôi đang viết một câu chuyện lấy tên là Ngôi nhà giữa cụm thanh hương trà... cũng là một cái tên rất hay, tôi cho là thế. Nhưng màn nói chuyện yêu đương vẫn đang làm tôi thấy phiền quá. Cho dù có viết gì đi chăng nữa thì ngay khi vừa đặt bút xuống, tôi đã cảm thấy nó cứng nhắc và ngớ ngẩn đến độ tôi chỉ muốn phát điên. Tôi định nhờ chú Dean dạy tôi viết sao cho phải, vì hồi xưa chú ấy từng hứa sẽ dạy tôi rồi, nhưng chú ấy lại bảo tôi vẫn còn quá nhỏ... chú ấy nói thế với kiểu cách bí ẩn quen thuộc dường như luôn khiến người ta cảm thấy có quá nhiều ẩn ý đằng sau câu chữ đơn thuần. Tôi chỉ mong sao mình cũng có thể nói năng một cách giàu ý nghĩa như thế, vì nó khiến ta trở nên vô cùng thú vị.
“Tối nay sau khi từ trường về, tôi và chú Dean ngồi trên chiếc ghế đá giữa vườn, bắt đầu đọc lại Alhambra. Cứ mỗi lần đọc, cuốn sách lại khiến tôi có cảm giác như thể mình vừa mở một cách cửa nhỏ và bước thẳng vào vùng đất thần tiên.
“ 'Ước gì cháu được đến thăm Alhambra!' tôi nói.
“ 'Rồi sẽ có ngày chúng ta đến thăm nơi đó... cùng nhau,' Dean nói.
“ 'Ôi, thế thì thích quá,' tôi kêu lên. 'Chú nghĩ liệu chúng ta có bao giờ làm được không, chú Dean?'
“Nhưng chú Dean chưa kịp trả lời thì tôi đã nghe thấy tiếng huýt sáo của Teddy vang lên trong rừng cây bụi nhà ông John Ngạo Mạn, tiếng huýt sáo thân thương khe khẽ với hai nốt cao ngắn và một nốt trầm dài, đó chính là dấu hiệu của chúng tôi.
“ 'Cháu xin lỗi, cháu phải đi rồi. Teddy đang gọi cháu,' tôi nói.
“ 'Hễ Teddy gọi là cháu đều phải đi à?' chú Dean hỏi.
“Tôi gật đầu giải thích,
“ 'Cậu ấy chỉ gọi thế những lúc đặc biệt muốn gặp cháu, và cháu đã hứa sẽ gặp cậu ấy bất cứ lúc nào, miễn là cháu có thể.'
“ 'Chú đặc biệt muốn gặp cháu đấy chứ!' chú Dean nói. 'Tối nay chú đến đây cốt để đọc Alhambra cùng cháu mà.'
“Đột nhiên tôi cảm thấy vô cùng khổ sở. Tôi rất muốn lại ở cùng chú Dean, nhưng tôi lại cảm giác mình phải đi gặp Teddy. Chú Dean nhìn tôi bằng ánh mắt nhức nhối. Rồi chú ấy đóng sập cuốn Alhambra lại.
“ 'Đi đi,' chú ấy nói.
“Vậy là tôi đi... nhưng chẳng hiểu sao, mọi chuyện dường như hỏng bét cả.”
“10 tháng Năm, 19...
“Tuần này tôi đang đọc ba cuốn sách chú Dean cho mượn. Một cuốn chẳng khác gì khu vườn hoa hồng, rất thú vị, nhưng hơi quá ngọt ngào. Một cuốn giống như rừng thông trên núi... nồng đượm mùi nhựa thơm. Tôi yêu nó, nhưng nó lại đổ tràn trong tôi một thứ cảm giác tuyệt vọng. Cuốn sách rất hay... tôi tin chắc mình không bao giờ có thể viết được như thế. Còn cuốn kia thì y như cái chuồng lợn. Chú Dean đã đưa nhầm cuốn đó cho tôi. Lúc phát hiện ra, chú ấy giận điên lên với bản thân... giận dữ và khổ sở nữa.
“ 'Sao Trời... Sao Trời ạ... chú sẽ không bao giờ đưa cho cháu một cuốn sách như thế... sự bất cẩn chết tiệt của chú... hãy tha lỗi cho chú. Cuốn sách đó là bức tranh chân thực về một thế giới... nhưng ơn Chúa, không phải là thế giới của cháu... không phải là bất kỳ thế giới nào thuộc về chúa. Sao Trời à, hứa với chú là cháu sẽ quên cuốn sách đó đi nhé.'
“ 'Nếu quên được thì cháu sẽ quên,' tôi nói.
“Nhưng tôi không biết liệu mình có quên được không. Nó quá gớm ghiếc. Từ lúc đọc cuốn sách ấy, tôi không còn vui vẻ được nữa. Tôi cảm thấy như thể bàn tay mình chẳng hiểu sao đã bị vấy bẩn, và tôi chẳng cách nào rửa sạch được. Không những thế, tôi còn có một cảm giác quái lạ khác, như thể một cánh cửa nào đó đã sập lại sau lưng tôi, nhốt tôi lại trong một thế giới mà dù không hiểu hay không thích thì tôi vẫn bắt buộc phải khám phá.
“Tối nay tôi đã cố gắng viết một bài miêu tả chú Dean trong cuốn sổ Jimmy tập hợp các phác thảo chân dung, nhưng không tài nào làm được. Những thứ tôi viết ra giống như một bức ảnh... không phải chân dung. Dường như ở chú Dean vẫn có điều gì đó vượt ra ngoài tầm hiểu biết của tôi.
“Hôm nọ, chú Dean đã chụp cho tôi một bức ảnh bằng cái máy ảnh mới của chú ấy, nhưng chú ấy không hài lòng với nó.
“ 'Trông chẳng giống cháu gì cả,' chú ấy nói. 'Nhưng tất nhiên, ai mà có thể chụp ảnh được ánh sao kia chứ.'
“Rồi chú ấy bổ sung, một cách khá gay gắt, theo ý tôi là thế,
“ 'Cháu nhớ bảo nhóc tiểu quỷ Teddy Kent ấy đừng có mà đưa khuôn mặt cháu vào tranh của cậu ta nhé. Chẳng căn cớ gì để tranh nào cậu ta vẽ cùng đều dính cháu vào hết.'
“ 'Cậu ấy có làm thế đâu!' tôi kêu lên. 'Này nhé, Teddy chỉ vẽ mỗi một bức về cháu thôi, đúng cái bức tranh đã bị bà Nancy đánh cắp ấy.'
“Tôi nói khá hằn học và chẳng chút ngại ngần gì, vì cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không tài nào tha thứ cho bà Nancy vì tội đã giữ rịt lấy bức tranh đó.
“ 'Cậu ta đặt chút gì đó của cháu trong mọi bức tranh,' chú Dean ngoan cố nói. 'Mắt cháu... đường cong của cổ cháu... dáng đầu nghiêng nghiêng của cháu... tính cách của cháu. Đó mới là điều tệ nhất... chú không quá bận tâm đến đôi mắt và các đường nét hình thể của cháu, nhưng chú sẽ không để thằng nhóc đó gắn một phần linh hồn của cháu vào hết thảy những thứ cậu ta vẽ. Có lẽ cậu ta không ý thức được mình đang làm gì... mà chính thế mới càng thành vấn đề.'
“ 'Cháu chẳng hiểu chú nói gì cả,' tôi nói, giọng khá ngạo mạn. 'Nhưng Teddy là người tuyệt vời... chính thầy Carpenter đã nói thế.'
“ 'Và Emily ở trang trại Trăng Non nhắc lại thế! Ôi chao, thằng bé đó có tài... một ngày nào đó cậu ta sẽ làm nên chuyện nếu không bị bà mẹ biến thái hủy hoại cuộc đời. Nhưng cậu ta hãy biết điều mà giữ bút chì và cọ vẽ tránh xa vật sở hữu của chú ra.'
“Chú Dean cười lớn khi nói câu đó. Nhưng tôi vẫn ngẩng cao đầu. Tôi không phải 'vật sở hữu' của bất cứ ai, cho dù chỉ là đùa thôi cũng vậy. Và tôi sẽ không bao giờ trở thành như thế.
“12 tháng Năm, 19...
“Chiều nay, cả bác Ruth, bác Wallace và bác Oliver đều đến đây. Tôi mến bác Oliver, nhưng cảm tình dành cho bác Ruth và bác Wallace thì chẳng nhiều hơn trước là bao. Họ tổ chức họp gia đình gì đó trong phòng khách với bác Elizabeth và bác Laura. Bác Jimmy cũng được tham gia, nhưng tôi bị loại ra ngoài, mặc dù tôi dám chắc cuộc họp này thế nào cũng có liên quan đến tôi. Tôi nghĩ bác Ruth cũng không được làm theo ý mình, vì suốt cả bữa tối, bác ấy không ngừng tỏ thái độ khinh rẻ tôi, lại còn nói tôi càng ngày càng gầy rớt nữa chứ! Nói chung, bác Ruth thì khinh thị còn bác Wallace thì ra vẻ kẻ cả với tôi. Tôi vẫn thích thái độ khinh rẻ của bác Ruth hơn, vì tôi chẳng phải làm bộ thích thú gì. Tôi cố gắng nhẫn nhịn chịu đựng, nhưng rồi cũng đến lúc giọt nước làm tràn ly. Bác Ruth bảo tôi,
“ 'Em'ly, đừng có mà cãi,' cứ như thể bác ấy đang nói chuyện với một đứa trẻ ranh vậy. Tôi nhìn thẳng vào mắt bác ấy và lạnh lùng đáp lại,
“ 'Bác Ruth ạ, cháu nghĩ bây giờ cháu đã quá tuổi để bị nói năng theo kiểu đó rồi.'
“ 'Cháu chưa đến tuổi được phép tỏ thái độ xấc láo vô lễ đâu,' bác Ruth nói, kèm theo cái khịt mũi. 'Và nếu ta mà là Elizabeth thì ta sẽ cho cháu một cái bạt tai ngay đấy, tiểu thư ạ.'
“Tôi ghét bị gọi là Em'ly, là tiểu thư và ghét bị khịt mũi như thế! Tôi có cảm tưởng bác Ruth hội đủ hết mọi khuyết điểm của người nhà Murray, và chẳng có lấy bất kỳ đức tính tốt đẹp nào của họ hết.
“Andrew, con trai bác Oliver cũng đến cùng bác ấy và sẽ ở lại một tuần. Anh ta lớn hơn tôi bốn tuổi.”
“19 tháng Năm, 19...
“Hôm nay là sinh nhật tôi. Hôm nay, tôi tròn mười bốn tuổi. Tôi đã viết một bức thư 'Từ tôi của tuổi mười bốn cho tôi năm hai mươi bốn tuổi', dán kín lại và cất vào tủ riêng, đợi đến sinh nhật năm hai mươi bốn tuổi sẽ mở ra. Tôi đã viết vào đó một vài dự đoán. Chẳng biết đến khi tôi mở thư thì những chuyện đó đã xảy ra chưa.
“Hôm nay bác Elizabeth đã trả lại cho tôi toàn bộ sách của cha. Tôi vui mừng không sao tả xiết. Đối với tôi, những cuốn sách đó dường như lưu giữ một phần con người cha. Cuốn sách nào cũng đều được cha ghi tên bằng chữ viết tay, lại còn có cả các ghi chú bên lề nữa. Chúng dường như những mẩu thư cha gửi. Tôi ngắm nhìn chúng suốt cả buổi tối, và dường như lại cảm thấy cha vô cùng gần gũi, khiến tôi buồn vui lẫn lộn.
“Hôm nay đã xảy ra một chuyện phá hỏng cả ngày. Ở trường, đúng lúc tôi bước lên bảng để giải một bài toán, bỗng nhiên mọi người bắt đầu cười khúc khích. Tôi không hiểu nổi có chuyện gì. Rồi tôi phát hiện ra ai đó đã dính một tờ giấy lên lưng tôi, bên trên có dòng chữ to viết bằng mực đen: 'Emily Byrd Starr, nữ tác giả của Con vịt bốn chân'. Bọn chúng càng cười tợn hơn khi tôi giật tờ giấy ném vào thùng đựng than. Tôi vô cùng tức giận vì mọi người đã chế nhạo những hoài bão của tôi theo cách đó. Đến tận khi về nhà, tôi vẫn còn giận dữ và đau đớn. Nhưng rồi, lúc tôi ngồi trên bậc thềm ngôi nhà hóng mát, ngắm nhìn suốt năm phút liền một trong những cây hoa păng xê khổng lồ màu tím của bác Jimmy, mọi giận dữ đều trôi mất sạch. Ai có thể ôm ấp cơn giận khi suốt một lúc lâu dõi mắt vào tận tâm một bông hoa păng xê chứ.
“Thêm nữa, rồi sẽ đến lúc bọn chúng không cười nhạo tôi được nữa!
“Hôm qua Andrew đã về nhà rồi. Bác Elizabeth hỏi tôi có quý anh ta không. Từ trước đến nay bác ấy chẳng bao giờ hỏi xem tôi có quý ai không, tình cảm yêu mến của tôi chẳng bao giờ quan trọng đủ mức cả. Chắc hẳn bác ấy đã bắt đầu nhận ra tôi không còn là một đứa trẻ nữa rồi.
“Tôi bảo anh ta là người tốt, khá tử tế, ngu ngốc và chẳng có gì thú vị.
“Bác Elizabeth cáu kỉnh đến độ không thèm nói gì với tôi suốt cả tối. Vì sao nào? Tôi phải nói thật chứ. Mà Andrew đúng là người như thế còn gì.”
“21 tháng Năm, 19...
“Hôm nay, lần đầu tiên trong mùa xuân này, Già Kelly đã đến đây, mang theo cả một đống hộp thiếc mới toanh sáng loáng. Ông ấy mang cho tôi một túi kẹo như thường lệ, và trêu chọc tôi về chuyện lấy chồng, cũng y như thường lệ. Nhưng có vẻ ông ấy bận tâm chuyện gì đó, và lúc tôi xuống khu chế biến bơ sữa để lấy cho ông ấy một cốc sữa như ông ấy yêu cầu, ông ấy bèn đi theo tôi.
“ 'Cô gái yêu dấu,' ông ấy nói giọng bí ẩn. 'Ta đã gặp Lưng Bình Praste trên đường làng. Cậu ta năng đến đây lắm phỏng?'
“Tôi nghiêng đầu theo đúng tư thế Murray.
“ 'Nếu ông muốn nói đến chú Dean Priest' tôi đáp, 'thì chú ấy đến đây khá thường xuyên. Chú ấy là một người bạn đặc biệt của cháu.'
“Già Kelly lắc đầu.
“ 'Cô gái yêu dấu... ta đã cảnh báo cháu rồi đấy... sau này đừng bao giờ bảo ta chưa cảnh báo cháu nhé. Hôm đưa cháu đến Ao Praste, ta đã bảo cháu đừng bao giờ lấy một người nhà Praste. Nào, có phải ta đã bảo thế không?'
“ 'Ông kỳ quá, Già Kelly ạ,' tôi nói, vừa tức giận nhưng lại cảm thấy thật phi lý khi tức giận Già Jock Kelly. 'Cháu sẽ chẳng cưới ai cả. Chú Priest đáng tuổi làm cha cháu ấy chứ, và cháu chỉ là một cô bé được chú ấy giúp đỡ việc học hành thôi.'
“Già Kelly lại lắc đầu.
“ 'Ta biết rõ những người nhà Praste, cô gái iu dấu ạ. Và một khi họ đã quyết tâm theo đuổi cái gì thì cháu đừng mong có thể dễ dàng xoay chuyển được tình hình. Còn cái cậu Lưng Bình này... nghe nói cậu ta đã để mắt đến cháu từ hồi câu được cháu lên khỏi vách đá Malvern ấy... cậu ta chỉ đang đợi cho đến lúc cháu đủ lớn là sẽ theo đuổi ngay thôi. Nghe nói cậu ta chẳng theo đạo nào cả, và ai cũng biết đúng lúc được rửa tội, cậu ta đã với tay ra giằng mất cặp kính mắt ngài mục sư đang đeo. Vậy nên cháu trông chờ gì chứ? Ta sẽ không bảo cháu chuyện cậu ta khập khễnh và gù lưng... cái đó tự cháu nhìn cũng thấy. Hãy nghe theo lời khuyên của Già Kelly ngớ ngẩn mà buông ra đi khi vẫn còn kịp. Nào, đừng có nhìn ta theo cái kiểu Murray thế chứ, cô gái iu dấu. Đúng thế đấy, và ta nói chuyện này cũng chỉ vì muốn tốt cho cháu thôi.'
“Tôi bỏ đi, để mặc ông ấy. Chẳng thể tranh luận với ông ấy về một vấn đề kiểu thế được. Ước gì mọi người đừng nhét những suy nghĩ đó vào đầu tôi. Chúng cứ bám chặt vào đấy dai như đỉa vậy. Giờ thì sẽ mất cả tuần tôi chẳng thể cư xử thoải mái với chú Dean được, cho dù tôi biết rõ mười mươi mọi điều Già Kelly nói đều chẳng có nghĩa lý gì hết.
“Sau khi Già Kelly đi rồi, tôi lên phòng viết vào cuốn sổ Jimmy một bài miêu tả cặn kẽ về ông ấy.
“Ilse mới tậu được một cái mũ mới đính những đám mây bằng vải tuyn xanh và những quả anh đào đỏ chót, mấy cái nơ to tướng bằng vải tuyn xanh ôm dưới cằm. Tôi không thích nó và nói thế với bạn ấy. Bạn ấy tức điên lên, bảo tôi đang ghen tị và không thèm nói năng gì với tôi suốt hai ngày nay. Tôi suy ngẫm rất nhiều về chuyện này. Tôi biết chắc mình không ghen tị, nhưng xét cho cùng, tôi đã phạm sai lầm rồi. Tôi sẽ không bao giờ nói với ai điều gì như thế nữa. Dù sự thực có đúng như thế đi chăng nữa thì nói vậy chẳng khéo léo chút nào.
“Hy vọng ngày mai Ilse sẽ tha thứ cho tôi. Lần nào bạn ấy giận tôi, tôi cũng đều nhớ bạn ấy đến phát điên lên được. Những lúc không cáu kỉnh, bạn ấy rất đáng mến, rất vui vẻ và tuyệt vời.
“Giờ Teddy cũng hơi giận tôi. Tôi nghĩ là do Geoff North đã đi bộ về nhà với tôi sau buổi cầu nguyện tập thể tối thứ Tư vừa rồi. Tôi hy vọng đó là lý do. Tôi thích cái cảm giác mình có ảnh hưởng lớn đến thế đối với Teddy.
“Không biết liệu tôi có nên viết lại điều này không nhỉ. Nhưng sự thật là thế.
“Giá như Teddy biết được, tôi đã rất khổ sở và xấu hổ về vụ việc đó. Thoạt đầu, lúc Geoff chọn tôi trong số tất cả những đứa con gái khác, tôi thấy khá hãnh diện. Đó là lần đầu tiên tôi được hộ tống về nhà, trong khi Geoff lại là một anh chàng thành thị, rất đẹp trai bóng bẩy, và mọi cô nàng lớn tuổi hơn ở làng Hồ Blair đều mụ mị vì anh ta. Vậy nên tôi hiên ngang bước ra khỏi nhà thờ cùng với anh ta, cảm thấy như thể mình đột nhiên trưởng thành hẳn. Nhưng mới được một đoạn thì tôi đã thấy ghét anh ta rồi. Anh ta quá ra vẻ ta đây. Có vẻ như anh ta cho rằng tôi chỉ là một con bé nhà quê khờ khạo chắc chắn sẽ bị choáng ngợp trước vinh dự được đồng hành cùng anh ta.
“Mà ban đầu thì quả đúng thế thật! Chính điều đó khiến tôi day dứt mãi. Nghĩ mà xem, tôi lại là con nhóc ngu xuẩn đến thế cơ đấy!
“Mỗi khi tôi bình luận gì, anh ta lại nhai đi nhai lại câu 'Thật tình, em làm anh ngạc nhiên đấy,' bằng giọng điệu kiểu cách, lè nhè. Và anh ta khiến tôi phát chán. Anh ta chẳng biết nói năng hợp lý về bất cứ vấn đề gì. Hoặc do anh ta không định làm thế với tôi. Lúc chúng tôi về đến Trăng Non, tôi đã cáu lắm rồi. Vậy mà đến lúc đó, cái đồ không thể chịu đựng nổi ấy còn bảo tôi hôn anh ta chứ!
“Tôi đứng thẳng đơ người lại... ồ, giây phút đó tôi đúng là người nhà Murray một trăm phần trăm. Tôi cảm thấy trông mình y hệt bác Elizabeth.
“ 'Tôi không hôn con trai,' tôi khinh khỉnh nói.
“Geoff phá lên cười và chộp tay tôi.
“ 'Sao nào, cô ngốc, em nghĩ anh đưa em về nhà để làm gì chứ?' anh ta hỏi.
“Tôi giằng tay ra và bước vào nhà. Nhưng trước khi làm thế, tôi đã làm một việc khác.
“Tôi tát vào mặt anh ta!
“Rồi tôi lên phòng, hổ thẹn khóc nức nở vì bị sỉ nhục, và vì đã tỏ thái độ thiếu đứng đắn đến thế trong cơn phẫn uất. Giữ thái độ đứng đắn là một truyền thống ở Trăng Non, và tôi cảm thấy mình đã phản bội nó.
“Nhưng có lẽ tôi đã khiến Geoff North 'ngạc nhiên' một cách thích đáng nhất!”
“24 tháng Năm, 19...
“Hôm nay Jennie Strang bảo tôi rằng Geoff North nói với anh của cậu ấy tôi là một kẻ 'tầm thường nóng tính' và anh ta chịu đủ rồi.
“Bác Elizabeth đã phát hiện ra Geoff về nhà cùng tôi, vậy là hôm nay bác ấy bảo tôi sẽ không được 'tin tưởng' để đi một mình đến buổi cầu nguyện tập thể nữa.”
“25 tháng Năm, 19...
“Tôi đang ngồi trong phòng dưới ánh chiều tà. Cửa sổ mở toang và đàn ếch ca vang một câu chuyện đã xảy ra từ lâu lắm. Dọc con đường đi bộ giữa vườn, Anh Chàng Vui Vẻ đang giơ cao những chiếc cốc khía rãnh cỡ đại đựng hồng ngọc, vàng và ngọc trai. Lúc này trời không mưa, nhưng mưa đã rả rích suốt cả ngày hôm nay – một cơn mưa thấm đẫm mùi tử đinh hương. Tôi thích mọi loại thời tiết và thích trời mưa – những ngày mưa phùn lắc rắc khi Bà Gió chỉ nhẹ nhàng rung ngọn vân sam; và cả những ngày mưa cuồng dã trắng trời trắng đất. Tôi thích bị mưa giam giữ, tôi thích nghe tiếng mưa nện sầm sập trên mái nhà, đập ầm ầm lên khung kính cửa sổ và chảy ồ ồ qua mai dua, trong khi Bà Gió như mụ phù thủy già điên dại gào rú đinh tai nhức óc giữa khu rừng và xuyên khắp vườn.
“Tuy nhiên, nếu trời mưa đúng lúc tôi muốn đi đâu, tôi sẽ càu nhàu chẳng kém bất kỳ ai!
“Một buổi tối như thế này luôn gợi tôi nhớ đến đêm mùa xuân cha tôi mất ba năm trước, nhớ đến ngôi nhà nhỏ cũ kỹ thân thương ở Maywood. Kể từ dạo ấy, tôi chưa lần nào quay lại nơi đó. Tôi không biết liệu bây giờ có ai đang sống ở đó không. Không biết Adam và Eva, Thông Gà Trống và Cây Cầu Nguyện có còn như xưa không. Không biết ai đang ngủ tại căn phòng cũ của tôi, không biết có ai yêu quý những cây bu lô bé bỏng và chơi đùa cùng Bà Gió trong những vạt vân sam không. Ngay khi vừa đặt bút viết từ 'vạt vân sam', một ký ức ngày xưa bỗng ùa về. Một tối mùa xuân hồi tôi lên tám, tôi đang chạy quanh mấy vạt rừng, chơi trò trốn tìm cùng Bà Gió thì phát hiện ra một cái hõm nhỏ lọt thỏm giữa hai cây vân sam phủ những chiếc lá nhỏ xíu xanh mướt, trong khi hết thảy mọi thứ khác vẫn đang trong tông màu nâu phai. Cảnh tượng ấy đẹp đến độ ngay khi tôi vừa nhìn thấy thì ánh chớp đã lóe lên – đó là lần đầu tiên ánh chớp xuất hiện với tôi. Có lẽ chính bởi vậy nên tôi mới nhớ thảm lá xanh nhỏ bé đó một cách rõ rệt đến vậy. Chẳng ai khác nhớ đến chúng... không chừng còn chưa ai nhìn thấy chúng bao giờ. Tôi đã quên hết những chiếc lá khác, nhưng riêng thảm lá ấy thì cứ hễ xuân đến là ký ức về chúng lại trỗi dậy trong tôi, đánh thức những cảm xúc vẹn nguyên mà giây phút tuyệt vời ấy đã mang lại.”
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp