Chân núi phía bắc núi Ngọc Thúy, giữa khu rừng rậm rạp thấp thoáng một tòa kiến trúc ngói vàng tường đỏ, trên mái hiên cong có hình con thú cát tường, bên dưới treo một chiếc chuông nhỏ, gió núi thoảng qua phát ra những tiếng "tinh tang" trong vắt lan theo gió. Đó là tòa lạc viện đơn độc trong biệt uyển hoàng gia, thái tử Lưu Giám, lương đệ Lý Thanh Lôi, tiểu công chúa Tâm Nhi đang bị giam lỏng ở đây.
Tâm Nhi còn nhỏ, chỉ thấy ở đây nhỏ hơn hoàng cung rất nhiều, chỉ cần mấy ngày là đi chơi hết biệt uyển, lúc này đang dẩu môi làm nũng Thanh Lôi: "Mẫu phi, ở đây không thích, đưa Tâm Nhi đi chỗ khác được không? Tâm Nhi nghe thấy rất nhiều tiếng chim hót".
"Tâm Nhi ngoan, không được nói thế với phụ vương. Để mấy ngày nữa mẫu phi sẽ đưa con ra ngoài chơi".
Thanh Lôi dịu dàng dỗ dành. Cánh cửa bị đẩy mạnh, Lưu Giám đứng tựa ngoài khung cửa cười lạnh lùng: "Đừng đánh lừa Tâm Nhi, cả đời chúng ta đừng mơ có thể ra khỏi chốn này!".
Tâm Nhi nghe vậy òa khóc, Thanh Lôi buồn bã ôm ấp dỗ dành: "Đừng khóc, Tâm Nhi đừng khóc! Người đâu, đưa tiểu công chúa ra ngoài!".
Một cung nhân dắt Tâm Nhi đi ra. Tiếng khóc xa dần, Thanh Lôi mới thở dài: "Sao phải trút giận lên đầu con trẻ!".
Lưu Giám đi vào phòng ngồi, thẫn thờ nhìn bầu trời bên ngoài, một lát sau, thần sắc đã bình tĩnh: "Ta thực sự không biết ta đã làm sai điều gì mà phụ hoàng lại đối xử với ta như vậy. Chỉ là do mẫu hậu sao? Mẫu hậu đã lập mưu đầu độc mẫu thân của Tử Ly; cũng còn do họ Vương nữa, họ quá lộng quyền, thế lực quá lớn, phụ hoàng buộc lòng phế ta".
Những ngày này Lưu Giám đã nghĩ thấu mọi sự. An Thanh vương chịu giúp Tử Ly, chắc chắn có mật chỉ của phụ hoàng. Bản thân chàng dựa vào các mưu sĩ Đông cung hiến kế, tín nhiệm Vương Yến Hồi mưu lược hơn người, cảm thấy mình và Tử Ly thực lực ngang nhau, tuy nhiên trận Hoàng Thủy khiến chàng hiểu ra, bản thân chàng không hề có kinh nghiệm tác chiến, thất bại cũng là chuyện thường tình.
Chàng rầu rĩ: "Lôi Nhi, nghe nói nhị muội và tam muội của nàng đều vô sự, Lý tướng vẫn đàng hoàng làm tướng gia. Nếu có cơ hội nàng hãy đi đi".
Thanh Lôi hoảng hốt: "Điện hạ sao lại nói thế? Thanh Lôi không bao giờ rời bỏ điện hạ!". Lấy Lưu Giám lâu như vậy, mười ngày sống ở biệt uyển này lại là quãng thời gian nàng thấy thanh thản thoải mái nhất.
Lại nhìn Lưu Giám, chàng giờ đã là phạm nhân, là thái tử bị phế. Tinh thần sa sút, ánh mắt u ám vời vợi nỗi buồn khôn tả, còn đâu tư phong hào hoa ngày nào. Chàng một mình ủ dột, cả ngày không nói, không ăn không uống. Thanh Lôi lo lắng ngày đêm ở bên chàng, cuối cùng trong đêm thứ ba, con người từng là thái tử Ninh quốc ôm lấy nàng bật khóc, khóc vì mẫu hậu của chàng, khóc vì phụ hoàng nhẫn tâm, khóc vì bản thân chàng trở thành vật hy sinh.
Thanh Lôi không biết nói sao chỉ có thể ôm chàng thật chặt, sự nồng nhiệt và quyến luyến của chàng đêm đó khiến nàng nhớ lại những ngày mới vào Đông cung.
Ở biệt uyển thật là tốt, phạm vi hoạt động thu hẹp lại, cũng bớt phải toan tính đối phó. Thanh Lôi đứng lên đi đến quỳ trước mặt thái tử, ngả đầu lên gối chàng, dịu dàng: "Điện hạ, chàng còn nhớ Đào hoa yến không?".