A La mang theo Tiểu Ngọc sải bước dài, nghênh ngang rời khỏi tướng phủ. Đã có lần đầu tiên, sẽ có lần tiếp theo. Nàng đã dạy đầu bếp làm mấy món chay, cùng Tử Ly khai trương tửu lầu một cách suôn sẻ. Tửu lầu lấy tên là "Tố tâm trai", chỉ có mấy gian phòng riêng, khách muốn ăn phải đặt chỗ trước cả hai tuần.
Trong phủ bắt đầu bận tíu tít chuẩn bị cho hôn lễ của Thanh Lôi và thái tử, hồi đầu khi A La mới xuất phủ, Lý tướng còn hỏi han tiến triển quan hệ giữa nàng và tiểu vương gia, A La ứng phó rất thận trọng, không dám sơ suất. Về sau Lý tướng bận chuyện chính sự, lại lo liệu hôn lễ cho Thanh Lôi, dần dần lơ là A La không hỏi nhiều.
Lưu Giác cơ hồ mất hút, không thấy lộ diện. A La cả ngày say sưa trong niềm phấn khởi kiếm được bạc, mải mê tính toán cần bao nhiêu thời gian có thể thu xếp cuộc đào tẩu. Không bị Lưu Giác quấy rầy, A La và Tử Ly có thời gian học cưỡi ngựa, cuộc sống ngày càng thoải mái vi vu.
Tử Ly không biết A La đã biết thân phận của mình, không hề đả động chuyện đó, A La cũng không hỏi. Chàng nhìn A La rời phủ vui như con chim sổ lồng, bỗng thấy càng thương mến nàng hơn. Ở bên A La, tâm trạng chàng rất thoải mái, dù lòng phiền muộn đến mấy, hễ nhìn thấy nàng là tiêu tan hết.
Một hôm, lần đầu tiên A La có thể cưỡi ngựa phóng như bay, mặt đỏ hồng, hớn hở nhìn chàng, nói: "Đại ca, cảm giác bay lên thật là tự do!".
Tử Ly cười: "Cảm giác bay lên như thế nào? Muội đã từng bay chưa?".
Đột nhiên A La nghĩ đến cảm giác lúc ngồi trong khinh khí cầu, bèn nói: "Là cảm giác từ trên không nhìn xuống mặt đất, thấy tâm hồn khoáng đạt bao la".
"Con người sao có thể bay lên không?".
A La suy nghĩ rồi bảo tùy tùng của Tử Ly làm một con diều giấy thật to, nói với chàng: "Đại ca, chúng ta làm con diều lớn cho bay lên, đại ca dùng khinh công đứng lên đó thử xem".
Đến khi Tử Ly vọt lên hai chân đậu vào trong con diều hạ thấp dần, được ngựa kéo chạy như bay, lực gió kết hợp với khinh công của Tử Ly, lúc này chàng đã cảm nhận được cảm giác bay lên như A La nói. Mặc dù, chỉ được một lúc, nhưng chàng nhớ mãi.
A La thuộc rất nhiều câu chuyện, nàng kể với Tử Ly: "Có một người phàn nàn với một vị thần rằng, gánh nặng trên vai anh ta quá lớn, anh ta đã quá mệt, quá khổ. Vị thần hứa, nếu anh ta không ngoái đầu lại, vị thần sẽ luôn theo sát anh ta. Chỉ cần đi một chặng, sau này sẽ không khổ, không mệt nữa. Người này vâng lời, mải miết đi không hề ngoái lại. Bao núi cao, đồng rộng, biển sâu, đều vượt qua dễ dàng, càng đi càng phấn chấn, liền hỏi vị thần, sao ngài sao không đi với tôi suốt đời? Có ngài đi cùng, tôi có thể đi xa như vậy, càng đi càng phấn chấn".
Tử Ly cười: "Đó là do vị thần dùng phép thuật, giúp cơ thể anh ta nhẹ đi, để anh ta không mệt".
A La cười, nheo mắt nhìn Tử Ly nói: "Vị thần cho anh ta ngoái lại nhìn, lúc đó anh ta đang đứng trước bãi biển, quay đầu lại, chỉ thấy dấu chân của chính mình. Vị thần nói, thực ra ta hoàn toàn không đi cùng ngươi, vị thần của ngươi ở ngay trong lòng ngươi. Ý nói mỗi người nếu có trách nhiệm với việc làm của mình, chiến thắng được bản thân sẽ chiến thắng tất cả".
Tử Ly nhìn nàng đăm đắm, rất lâu sau mới nói nhỏ một câu khiến A La phát hoảng: "Muội chính là vị thần đó trong lòng ta". Thoắt cái đã nửa năm trôi qua. Thanh Lôi mặc dù chỉ là thứ phi của thái tử, do được thái tử sủng ái, tuy cùng xuất giá một ngày với Vương Yến Hồi, nhưng cũng được hoàng cung nghênh đón hết sức long trọng linh đình. Hôm diễn ra đại hôn lễ, A La lần đầu tiên nhìn thấy quang cảnh hôn lễ của thái tử thời cổ đại, đương nhiên thái tử phi không phải là Thanh Lôi mà là Vương Yến Hồi. A La chậc lưỡi, sao mà đông người đến thế. Đoàn người đứng dài đến mấy dặm, có phải đây chính là đội nghi lễ quốc gia thời cổ đại?
Khi nàng đang cùng Tiểu Ngọc chơi trên lầu hai của Tố tâm trai thì Lưu Giác đột nhiên xuất hiện: "Đã lâu không gặp. Nghe nói tiểu thư đã học cưỡi ngựa, sống rất vui vẻ?".
A La thầm mắng hắn ta bám dai như đỉa, cố nặn ra nụ cười thật tươi: "Vâng, nếu tiểu vương gia không xuất hiện tiểu nữ sẽ còn vui hơn".
Lưu Giác nói nhỏ: "Sau đại hôn lễ của thái tử là đến hôn lễ của tứ hoàng tử".
A La "ồ" một tiếng, cũng nói nhỏ: "Sau hôn lễ của thái tử, Cố tiểu thư cũng xuất giá".
Lưu Giác ngẩn người, mỉm cười: "Chẳng phải cả hai ta đều đau lòng hay sao? Cùng đi uống rượu cho vui nhé?".
A La không thèm: "Tiểu vương gia sẽ không mượn rượu giả điên, khiến người khác mất mặt chứ?".
Lưu Giác cười: "Nếu rượu vào mà lòng nàng vẫn phiền muộn, nàng có thể ôm ta mà khóc".
A La mắng: "Đăng Đồ Tử(11)...".
Lưu Giác không hiểu: "Nghĩa là gì?".
"Đồng nghĩa với mất mặt!".
"Sao ta có thể mất mặt? Nhiều nhất là khi ở bên nàng, ta sẽ giấu mặt vào lòng". Nói đoạn cười ngất bỏ đi.
Một tháng sau hôn lễ của thái tử, Tử Ly thổi tiêu hẹn A La ra ngoài, hai người cưỡi ngựa phi thẳng qua cổng tây thành, được một lát thì dừng lại. A La nhảy xuống ngựa thở gấp: "Không ngờ thảo nguyên tháng tư lại nhiều hoa thế. Tại sao hoa ở đây toàn màu tím?".
Tử Ly mỉm cười: "Loài hoa này tên là Bắc tinh lan, nở rộ vào tháng tư, mùa hoa có thể kéo dài đến cuối tháng sáu".
A La nhìn thảo nguyên bát ngát tít tắp tận chân trời, hoa cũng phủ rợp tận chân trời, bỗng thốt lên: "Nếu có lều trướng, buổi tối dựng trướng trên thảo nguyên, vừa nướng thịt ăn vừa ngắm sao thì hay biết mấy".
Tử Ly cười: "Chuyện này có gì khó, bảo người chuẩn bị là được".
Nét mặt chàng tràn đầy vẻ âu yếm, cưng chiều, A La bỗng cảm động, lại tần ngần: "Buổi tối muội không thể ra ngoài. Bị cha phát hiện thì không ổn!".
Tử Ly chớp mắt: "Muội ngủ sớm đi, rồi trốn ra ngoài, ta sẽ đến đón muội".
"Đại ca, huynh vĩ đại quá!". A La nhảy lên sung sướng. Tử Ly nhìn nàng, nói: "A La, mùa thu này muội đã mười bốn tuổi, đúng không? Ta thấy muội đã cao hơn một cái đầu rồi đấy".
A La dùng tay đo, đúng là đầu nàng vừa tới vai Tử Ly, có thể vẫn còn cao nữa. Cao lên thì tốt, có thể rời khỏi tướng phủ! Nàng hớn hở nói với chàng những thứ cần chuẩn bị, và các loại gia vị dùng cho món thịt nướng. Tử Ly mỉm cười nhất nhất tán đồng, tựa hồ chàng sẵn sàng hái cả sao trời cho nàng.
Tối hôm đó, đợi mọi người ngủ cả, A La khóa trái cửa, lẳng lặng nhảy qua cửa sổ, đi qua sân thật khẽ. Tử Ly đã đứng đợi trong rừng trúc, hai người bịt miệng cười.
Tử Ly cùng nàng vượt tường, cổng thành đã khóa, chàng dẫn nàng loanh quanh qua mấy khúc quành, không biết cuối cùng chui ra bằng lối nào. Chàng cười nói: "Ninh quốc quá cổ kính luôn ẩn giấu những bí mật không ai biết, may mà ta biết con đường bí mật này". A La cũng cười, thầm nghĩ, chàng là tứ hoàng tử của Ninh quốc, bí mật này chàng không biết mới lạ.
Hai người phi ngựa trên thảo nguyên, trên đầu sao dầy đặc, nhấp nhánh, ánh trăng rất sáng, bầu trời không một gợn mây. Phi một hồi đã nhìn thấy ánh lửa.
Tùy tùng của Tử Ly đã chuẩn bị xong xuôi, thấy hai người đến, họ lẳng lặng rút vào màn đêm.
A La nướng thịt trên đống lửa, vùi khoai trong tro. Hai người vừa gặm thịt xiên vừa nói chuyện. Tử Ly hỏi A La: "Nếu biết ta là hoàng tử của Ninh quốc, muội có còn đi lại với ta?".
A La nói: "Chẳng phải muội đã qua lại với huynh từ lâu rồi sao, đại ca? Hay là muội nên gọi huynh là Lưu Phi?".
"Muội đã biết rồi ư?".
"Phải, Lưu Giác cho muội biết".
"Sao không hỏi ta?".
A La cúi người bới khoai: "Nóng quá, cầm lấy này!". Nàng cầm củ khoai đảo qua đảo lại trên tay cho bớt nóng, rồi ném cho Tử Ly: "Muội đã nói rồi mà, nếu huynh muốn sẽ tự nói ra, không muốn nói, muội hỏi làm gì?".
Tử Ly thong thả bóc vỏ khoai, đưa cho A La, đón lấy củ khác bóc tiếp: "Vậy muội cũng biết hôn sự giữa ta và Cố Thiên Lâm?".
A La vừa ăn vừa nói: "Đúng, muội đã biết".
Tử Ly nói: "Muội thấy Cố Thiên Lâm thế nào?".
"Rất đẹp, kiêu ngạo, thông minh. Ấn tượng của muội về nàng ấy rất tốt".
"Muội quen nàng ấy thế nào?".
A La ăn rất hào hứng, rồi nằm xuống ngắm sao: "Trong Đào hoa yến Thiên Lâm chơi khúc "Bội lan", lựa khúc và chơi đàn đều thượng hạng, dùng tiếng đàn bộc lộ tâm tư, làm say lòng bao người, đến bây giờ nàng ấy vẫn còn fans. À là những người hâm mộ đó".
"Nhưng tại sao thái tử lại chọn lệnh tỷ mà không chọn nàng ấy?".
A La không biết nói sao, Tử Ly tiếp tục: "Nghe nói, khúc "Thu thủy" của lệnh tỷ khí thế áp đảo, tiếng đàn tiêu diêu, tấm lòng rộng mở, chí ngút cao xanh, khí độ phi phàm".
Tử Ly lại nói: "Tuy nhiên, vừa rồi ta có việc đến Đông cung, nhìn thấy lệnh tỷ, thái tử phấn khởi, bảo nàng ấy dạo thử một khúc, ngón đàn tuy phi phàm, nhưng cũng không được như lời đồn".
A La đành giải thích: "Nhưng sau khi tỷ tỷ được gả cho thái tử, một lòng chỉ muốn giữ bổn phận một hiền thiếp, không như thời còn là khuê nữ".
Tử Ly nói nhỏ: "A La, muội thích Cố tiểu thư đúng không?".
"Phải, lúc đó muội còn gọi nàng ấy là Thiên Lâm tỷ tỷ".
Tử Ly cười,"Vậy thì, A La, muội muốn cưới một phu quân thế nào?".
A La nghĩ đến câu nói vui về các bà vợ, như "sư tử Hà Đông" , lại nghĩ đến tâm nguyện của các bà "mong chồng vinh hiển, áo gấm xông hương" nghĩ đến nhiều chuyện tình đã xem, cười nói: "Không biết. Muội chưa yêu bao giờ. Nhưng...". Nàng dừng lại cười cười không nói. Nhìn sao trên trời, A La lại tiếp: "Được quen biết đại ca thật là may mắn, muội đã tưởng ở đây muội sẽ không quen được đấng trượng phu nghĩa hiệp nào".
Mắt Tử Ly dần dần sáng lên, A La nói: "Mắt huynh rất sáng, như sao trên trời vậy, đại ca, huynh rất tuấn tú. Đúng thế, rất tuấn tú!".
Tử Ly nhìn trời: "Thuở nhỏ mẫu hậu thường bế ta ngắm sao trời, nói mắt Tử Ly sáng như sao. Thuở nhỏ ta rất nghịch ngợm...".
A La nghe Tử Ly kể chuyện những ngày thơ ấu của chàng, nghe mãi, dần ngủ thiếp lúc nào không biết. Tử Ly ngây người nhìn nàng, kéo mền đắp cho nàng, gối đầu nàng lên đùi mình, ngẩng nhìn sao chi chít trên đầu. Thầm nghĩ, nếu không phải bận tâm tới việc triều chính, cứ như thế này thì tốt biết bao.
Khi A La và Tử Ly vượt tường ra khỏi phủ trốn ra ngoại thành, Lưu Giác trong vương phủ cũng được bẩm báo. Hôm nay không giống mọi lần, Lưu Giác cảm thấy bất an, phiền não. Cứ nghĩ đến cảnh A La và tứ hoàng tử qua đêm trên thảo nguyên, chàng thấy buồn vô hạn. Ngơ ngẩn đi lại trong Tùng phong đường, lặng ngắm nhìn bức tranh trên tường, cuối cùng gọi Lưu Anh nói: "Cho triệu Huyền tổ và Xích tổ, ta muốn ra ngoại thành".
Lưu Anh nghe Lưu Giác nói muốn triệu Huyền tổ và Xích tổ, lòng lấy làm kinh ngạc. Lén liếc nhìn sát khí ngấm ngầm trên mặt chủ nhân. Đang đêm khuya chúa thượng muốn ra ngoài thành là bởi vì tam tiểu thư của tướng phủ hẹn hò với tứ hoàng tử trên thảo nguyên?
An Thanh vương thân nắm trọng binh, đội Ô y kỵ trong vương phủ được lập ra do tiên đế ban chỉ, gồm những binh sĩ quyết tử chỉ nghe mệnh lệnh của vương phủ, ngoài An Thanh vương, chỉ có tiểu vương gia có quyền điều động, bình thường không ai biết đội quân này trú ở đâu. Ô y kỵ có năm tổ, năm xưa ngay cả khi hộ vệ Ninh vương đăng cơ cũng chỉ điều động bốn tổ, hôm nay lại điều động tới hai tổ kỵ binh. Lưu Anh tự dưng thấy căng thẳng bội phần.
Sau nửa canh giờ, tại Tùng phong đường của vương phủ đã có hơn trăm bóng người lặng lẽ tập hợp. Đội quân vận binh phục màu xanh sẫm, bịt mặt màu đen, áo giáp mềm màu xanh tía là Huyền tổ; Xích tổ vận binh phục màu tiết dê, họ lẫn vào màn đêm, nếu không nhìn kỹ không thể nhận ra.
Lưu Giác lạnh lùng ra lệnh: "Tối nay ta đi săn trên thảo nguyên, Huyền tổ theo hầu, Xích tổ tiếp ứng".
Hơn trăm bóng đen trước mặt nhất loạt quỳ sụp xuống, khẽ đáp: "Tuân lệnh!".
Từ lúc tập hợp đến lúc xuất phủ, đội quân hơn trăm người hầu như không phát ra một tiếng động, vó ngựa đã được bọc vải, phi như những cơn lốc đến cửa thành phía nam. Lính gác bị Lưu Giác đánh thức, mắt vừa liếc nhìn, chân đã mềm nhũn, quỳ sụp trên đất, hoàn toàn không biết đám người này xuất hiện từ lúc nào.
Lưu Giác không nhiều lời, tay vừa vung, lệnh bài Xích Long lóe sáng. Đây là lệnh bài chạm rồng màu đỏ, do tiên đế ngự ban cho An Thanh vương trước lúc băng hà, khi triều đình có biến, người cầm lệnh này có quyền sinh quyền sát, có thể trực tiếp cai quản, trấn thủ Phong thành. Không ngờ hôm nay Lưu Giác chỉ vì muốn ra khỏi Phong thành đã dùng đến lệnh bài này.
Lính gác vừa nhìn thấy lệnh bài Xích long, liền lập tức mở cổng thành. Đoàn người quất ngựa lao về hướng thảo nguyên, giống như những đám mây đen bay vun vút dưới ánh trăng. Lính gác hoa mắt nhìn theo, nghe thấy người cưỡi ngựa đi sau cùng lạnh lùng ra lệnh: "Các ngươi cứ việc ngủ đến sáng, hãy coi bây giờ đang mộng du! Hiểu chưa?". Lính gác ngơ ngẩn gật đầu. Thấy đám mây đen đã bay xa lẫn vào màn đêm, họ mới vội vàng đóng cổng thành, chạy vào hậu thất, đắp chăn ngủ tiếp.
Khi đội quân rời khỏi Phong thành năm dặm, Lưu Giác vẫy tay, Xích tổ chia nhóm, rời khỏi đội hình mất hút trong thảo nguyên. Binh sĩ của Huyền tổ theo sau Lưu Giác tiếp tục phóng về phía trước. Không lâu sau đã nhìn thấy những đốm lửa phía xa, Lưu Giác càng thúc ngựa phóng nhanh. Chỉ nghe thấy "vút" một tiếng, có vật gì vòng qua yên ngựa của Lưu Anh, đó là một mũi tên không đầu. Đám cỏ phía trước lay động, mấy chục bóng người chui ra, dưới ánh trăng nhìn rất rõ, chính là đội thị vệ của phủ tứ hoàng tử.
Một người bước lên nói nhỏ: "Có phải Ô y kỵ của phủ An Thanh vương?".
Lưu Anh hét: "To gan, dám cản đường tiểu vương gia!".
Người đó cúi chào Lưu Giác, nhưng không nhượng bộ: "Kính chào tiểu tương gia, chúa công chúng tôi đang nghỉ ngơi ngắm cảnh, phiền tiểu vương gia đi đường vòng".
Lưu Anh tức giận hét: "Làm gì có chuyện đó, tiểu vương gia chúng ta muốn đi săn trong đêm, các ngươi dám ngăn cản?".
Thị vệ của vương phủ rút đoản đao soàn soạt, khí thế bừng bừng, hàm ý nếu thương lượng không thành sẽ phải động thủ.
Lưu Giác đột nhiên cười lớn: "Thì ra tứ điện hạ đang ở đây, vốn không nên quấy rầy, đã may mắn gặp nhau như vậy, chi bằng cùng ngắm trăng với tứ điện hạ". Nói đoạn ngẩng nhìn trời, "Sao hôm nay đẹp quá! Các ngươi ở lại đây, người đông làm hỏng cảnh quan".
Lưu Anh vội nói: "Chúa thượng!".
Lưu Giác liếc chàng ta một cái. Lưu Anh đành lùi xuống, nói: "Thuộc hạ sẽ đợi ở đây". Lưu Giác cưỡi ngựa thong thả đi về phía trước, thị vệ của phủ tứ hoàng tử nhìn nhau. Một người nói: "Tiểu vương gia, xin chậm bước, để bỉ chức lên trước bẩm báo". Bóng người vụt chạy về phía đốm lửa.
Tử Ly đang ngắm nhìn A La say giấc, chàng đã sớm cảm nhận những rung chấn nhè nhẹ của tiếng vó ngựa từ xa, đoán là có người đến, suy nghĩ một lát, chàng liền giơ tay điểm huyệt ngủ của A La, bế nàng vào trong trướng. Sau đó chàng trở ra đứng trước cửa lều, lặng lẽ nghe thị vệ bẩm báo Lưu Giác dẫn Ô y kỵ đi vào thảo nguyên, đang một mình cưỡi ngựa đến đây.
Tử Ly thong thả bước đến ngồi bên đống lửa, chất thêm củi vào lửa. Tiếng chân ngựa đã dừng ngay bên cạnh, Lưu Giác cười sang sảng: "Điện hạ thật có nhã hứng, rất biết hưởng thụ". Vừa nói vừa đi đến ngồi xuống cạnh đống lửa, lấy ra bầu rượu, nói: "Rượu phụ thân gửi từ Biên Thành về, vị mạnh như lửa, vừa sảng khoái vừa mê ly". nguồn TruyenFull.vn
Nụ cười nhạt vẫn trên môi Tử Ly, chàng đón bầu rượu nhấp một ngụm lớn, đoạn ném trả Lưu Giác: "Tiểu vương gia sao lại có sở thích khác thường vậy, thích đi săn trong đêm?". Lưu Giác ngẩng đầu, cũng tợp một ngụm lớn, cười nói: "Đó là do tứ điện hạ chưa được hưởng cái thú đi săn trong đêm. Nên biết, trong đêm chỉ nhìn mắt con mồi mà săn, quả thực kích thích hơn nhiều so với săn ban ngày!".
Tử Ly lơ đãng hỏi: "Đêm nay tiểu vương gia đã nhìn thấy mắt con mồi chưa?". Mắt Lưu Giác liếc nhanh vào trong trướng, cười lớn: "Con mồi sợ mũi tên của ta, nhắm mắt ngủ rồi". Tử Ly cười nhạt, vươn vai: "Con mồi đã ngủ, xem ra đêm nay tiểu vương gia trắng tay ra về rồi".
Lưu Giác đứng dậy, cũng vươn vai cười: "Xưa nay ta chưa bao giờ trắng tay ra về, chỉ cần đánh thức con mồi là xong".
Nói đoạn nhón chân định đi về phía lều. Thoắt cái, Tử Ly đã đứng chắn cửa lều: "Tiểu vương gia hãy ra thảo nguyên mà săn, bản vương không tiễn".
Lưu Giác lạnh mặt, nói: "Ta nhìn thấy đôi mắt lóng lánh trong trướng, chạy lung tung trong tẩm trướng của điện hạ là không hay, để ta tóm ra đây!". Giơ tay định vén rèm. Bàn tay Tử Ly đã chặn lại, cười: "Chuyện trong trướng của bản vương khỏi phiền tiểu vương gia phí sức!".
Lưu Giác cười gằn: "Điện hạ có thể thỏa mãn một chút tính hiếu kỳ của ta không?". Bóng hai người vụt lay động, cánh tay vung lên. Đột nhiên "vù vù" hai tiếng gió phát ra từ những cánh tay đập vào nhau, chỉ nghe "ầm" một tiếng, chiếc trướng sụp đổ. Tử Ly kinh ngạc, lao vào trong bế A La đang nằm cuộn trong tấm mền.
Lưu Giác dừng tay: "Thật là có lỗi, thì ra tứ điện hạ đã tìm thấy tri kỷ trong đêm thảo nguyên, ta lỗ mãng rồi".
Sắc mặt Tử Ly rất xấu, chàng lạnh lùng nói: "Đâu có, tiểu vương gia nếu vẫn còn nhã hứng, chi bằng ta uống thêm chén rượu. A La đang ngủ say, chúng ta không nên quấy rầy nàng ấy".
Lưu Giác liếc nhìn mặt A La, biết nàng đã bị điểm huyệt, vẫn đang say ngủ. Chàng lùi lại hai bước, ngồi xuống bên đống lửa và uống rượu.
Mấy tùy tùng của phủ tứ hoàng tử không biết từ đâu xuất hiện, nhanh nhẹn thu dọn chiếc trướng vừa đổ, xong xuôi lại biến mất. Trên thảo nguyên yên tĩnh chỉ có tiếng củi nổ lép bép trong đống lửa lớn đang cháy rừng rực. Tử Ly đặt A La xuống thảm thật khẽ.
Lưu Giác đột nhiên nói: "Tứ điện hạ thật là có phúc, hai tháng nữa nghênh đón thiên kim tiểu thư của Cố tướng, một trong hai tuyệt sắc Phong thành".
Tử Ly vẫn cười nhạt: "Đúng là có phúc, đến lúc đó xin mời tiểu vương gia đến chia vui". Lưu Giác cười ha hả, mắt nhìn A La: "Tứ điện hạ lẽ nào không muốn hưởng hết phúc ở đời?".
Tử Ly mỉm cười: "Công, phượng đều đẹp. Thế nào? Tiểu vương gia dạo này cũng có ý định thành gia thất ư?".
Lưu Giác cười khanh khách: "Tứ điện hạ chắc chưa biết chuyện, năm trước tôi đã có lời cầu thân với Lý tướng, Lý tướng vui vẻ nhận lời, chỉ đợi ái nữ đến tuổi cập kê là đến rước về".
Nụ cười ngưng lại trên môi Tử Ly, chàng trầm ngâm giây lát, lại mỉm cười, nói: "Xem ra không chỉ một mình bản vương muốn cầu thân với Lý tướng, một nữ nhi không thể gả hai chồng, lẽ nào Lý tướng định cùng lúc giẫm lên hai con thuyền?".
Lưu Giác nhìn mặt Tử Ly, thấy chàng thản nhiên nhìn lại, không có vẻ đang nói dối, đột nhiên không hiểu thực hư thế nào. Nghe đồn Lý tướng bản tính xảo quyệt, mưu tính rất sâu, lẽ nào ông ta đã gả một cô con gái cho thái tử lại còn muốn gả một cô cho tứ hoàng tử, sau này bất luận ai nối ngôi, ông ta cũng ung dung hưởng lời. Lưu Giác trong đầu suy nghĩ rất lung nhưng nét mặt vẫn tươi cười: "Chuyện này phải làm thế nào đây, tứ điện hạ? Lẽ nào hai chúng ta phải tỉ thí phân cao thấp? Chuyện mà đồn ra ngoài chẳng phải khó xử lắm sao".
Tử Ly đã hiểu ý Lưu Giác, người khó xử đương nhiên là Cố tướng, ái nữ còn chưa gả đi, chàng rể quý đã cầu thân với Lý tướng, cái mặt già của Cố tướng biết để vào đâu? Hơn nữa, Cố Thiên Lâm là phi tử đã được Ninh vương ban hôn, nếu chàng làm vậy há chẳng phải không nể mặt phụ hoàng! Tử Ly cười nhạt: "A La còn hơn một năm nữa mới đến tuổi cập kê, hãy để nàng tự quyết định".
Nói đoạn mắt đột nhiên trở nên sắc lạnh, ánh mắt quét qua mặt Lưu Giác: "Bản vương không muốn có chuyện cưỡng ép xảy ra".
Lưu Giác thấy hay, lập tức tán đồng, cười lớn: "Doãn Chi đâu phải người không biết thưởng thức, dưa chín ép không ngọt. Đương nhiên nếu tứ điện hạ và Cố tiểu thư phu phụ tình thâm, thay đổi chủ ý, đừng quên nói với ta một tiếng".
Lưu Giác đứng dậy nhảy lên ngựa, nhìn thấy những quầng sáng le lói phía chân trời, thốt lên: "Phong cảnh nơi này quả rất đẹp". Nói đoạn, chàng ra roi thúc ngựa.
Tử Ly đột nhiên nói: "Nghe đồn Tùng phong đường của tiểu vương gia vẫn treo bức họa, có phải muốn tranh với bản vương?".
Lưu Giác sững người. Tử Ly nói tiếp: "Nếu đúng vậy, bản vương khuyên ngươi, không nên có chủ ý với A La nữa".
Lưu Giác cười lạnh lùng: "Tứ điện hạ tốt với A La như thế, điện hạ đã thương nàng ấy như vậy, lẽ nào để A La chịu tủi phận thứ thiếp?". Dứt lời, không đợi hồi âm, chàng liền quất roi, ngựa hý một tiếng vút đi.
Tử Ly ngẩn người, buông tay nhìn những vệt sáng phía chân trời, một ánh hồng dần dần lan ra khắp chân trời, bất giác thở dài. Chàng vẫy tay, tùy tùng dắt ngựa đến. Chàng ôm A La lên lưng ngựa phi về thành. Gió ù ù bên tai, thảo nguyên sáng sớm tháng tư vẫn còn se lạnh, hai má A La phớt hồng, mắt vẫn nhắm nghiền. Tử Ly ôm riết vào người, hơi ấm truyền ra từ cơ thể mềm mại của A La, khiến lòng chàng không còn trống trải.
Đi vào trong tướng phủ, chàng đánh thức A La: "Đến phủ rồi, dậy thôi".
A La dụi mắt: "Đại ca, muội ngủ say quá, không thức với đại ca, lại phiền đại ca đưa về tận phủ".
Tử Ly cười dịu dàng: "Sau này đại ca sẽ đưa muội đi ngắm cảnh đẹp hơn nữa. Muộn rồi, mau về đi".
A La nhìn Tử Ly, lòng vui lâng lâng, Tử Ly tốt với nàng quá. Nàng vẫy tay với chàng: "Đại ca, tạm biệt!". Dứt lời, quay đầu chạy khỏi rừng trúc.
Tiểu Ngọc đã dậy, thấy A La chạy từ bên ngoài vào, bèn nói: "Tiểu Ngọc đẩy cửa, thấy đóng chặt, tưởng là tiểu thư chưa dậy".
A La giơ hai tay, cười: "Ta đến rừng trúc luyện công". Rồi véo má Tiểu Ngọc, nói: "Lấy hộ ít nước nóng, ta vẫn chưa rửa mặt".
Sau khi Tiểu Ngọc đi khỏi, A La nhìn trước nhìn sau, lại nhảy qua cửa sổ vào phòng, mở cửa. Ngồi trước gương, nàng nghĩ lại cảnh thảo nguyên trong đêm và tâm trạng đầy phấn kích của mình trước cảnh tượng mênh mang huyền ảo đó, bất giác mỉm cười, lòng thầm nhủ, nếu không bị Lý tướng bắt ép lấy người có chức có quyền, không có những quy tắc lễ nghi ngặt nghèo, được sống tự do trên mảnh đất tươi đẹp này cũng thực dễ chịu. Nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng như ý, vả lại đây đâu phải thời hiện đại, mình muốn làm gì thì làm. A La lại thở dài, cuộc sống thoải mái tự do này, được ngày nào hay ngày đó. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, việc cần làm gấp bây giờ là nhanh chóng rời khỏi tướng phủ.
A La dùng xong bữa sáng, đợi thất phu nhân đi thỉnh an trở về, nàng nói với bà: "Mẹ à, bây giờ bạc đã đủ rồi, chúng ta trốn được chưa?".
Thất phu nhân tươi cười: "Tam Nhi, chúng ta trốn thế nào? Hiện vẫn chưa có kế sách vẹn toàn, không thể khinh suất manh động, nếu không chúng ta chạy được bao xa?".
A La cũng cười: "Con biết, chỉ là con quá nóng ruột muốn đi. Mẹ yên tâm, sẽ không có sơ suất gì đâu".
Bây giờ có ngân lượng rồi, ít nhất cũng còn thời gian một năm nữa, đủ để chúng ta vạch định kế hoạch chu đáo, chuẩn bị tốt mọi thứ.
Thất phu nhân mỉm cười, hài lòng.
Chú thích:
11. Đăng Đồ Tử có nghĩa bóng là "kẻ háo sắc", Thanh La mắng Lưu Giác nhưng chàng ta lại không hiểu hàm nghĩa này (BTV).