Dưa
Chương 18
Ngày vù vù trôi như khi ông đạo diễn muốn “nuốt” nhanh thời gian, cho những tờ lịch lật nhanh theo cơn gió, rồi bị xé bay đi. Thêm lá vàng rụng lả tả để chỉ mùa thu, rồi tiếp theo đó là tuyết rơi để báo hiệu đông đã về.
Cuối tuần trôi qua mà tôi không kịp hay biết.
Dĩ nhiên không phải những thứ như cuối tuần khác với cả tuần phải đi làm như thế nào đã khiến một kẻ vô công rỗi nghề như tôi bị mất cảm giác về thời gian.
Ngày nào cũng là ngày nghỉ, v.v. và v.v., kiểu thế.
Nhưng đột nhiên sáng nay lại là thứ Hai. James sẽ bay về từ vùng biển Caribê. Hoặc Mustique. Hoặc từ một hòn đảo nhỏ thuộc sở hữu cá nhân nào đó ngay ngoài khơi bờ biển của thiên đường. Hoặc bất cứ chốn nào anh ta đã đến nghỉ, tên phản bội đốn mạt.
Vậy là tôi phải gọi cho anh ta.
Nhưng tôi cảm thấy khá bình tĩnh. Việc gì phải làm thì phải làm thôi.
Dĩ nhiên để có thể bình tĩnh với những việc liên quan đến James chẳng dễ dàng gì trong khi tôi đang lo đến phát ốm vì Adam.
Dính vào cả hai bọn họ cùng một lúc cũng khá là mệt mỏi.
Sự thuyên chuyển tình cảm từ bên này qua bên kia, v.v. và v.v., hoan hô tiến sĩ Sigmund Freud đã rất giỏi nghiên cứu những chuyện tâm lý này.
Nhưng trước khi phải gọi cho James, tôi có một thứ khác để thư giãn vào sáng thứ Hai.
Lịch khám bác sĩ. Sáu tuần sau sanh. Dường như đời tôi chẳng bao giờ hết những cuộc vui.
Sự kiện này có ý nghĩa ẩn dụ - một bước ngoặt.
Nó là một cách để nhận biết công cuộc sanh nở của bạn đã thành công tốt đẹp. Như kiểu người ta vẫn mở tiệc ăn mừng ngay khi vừa tung ra một bộ phim mới. Ngoại trừ tại những bữa tiệc như thế này, dàn diễn viên và ê kíp sản xuất không phải trèo lên bàn khám, gí hai chân vào hai cái bàn đạp ở hai bên cho những tên đàn ông xa lạ khám xét những chỗ rất riêng tư của mình.
Dĩ nhiên là trừ phi họ muốn được thế. Kate cũng được xếp lịch khám. Thế là hai mẹ con lên đường.
Tôi tự hào về mình. Mỗi ngày khi lê được mm ra khỏi giường, vệ sinh mặt mũi đàng hoàng, tôi lại thấy đó quả là một điều kỳ diệu.
Được sống, và những nghĩa vụ và trách nhiệm của cuộc sống đã trở lại là một niềm vui.
Kate đã được bế đi khám vài lần rồi.
Chuyện nhỏ với con bé. Nhưng tôi thì chưa chuẩn bị kỹ tinh thần để nghe cái bản hòa âm đầy ngẫu hứng chào đón chúng tôi khi vừa đặt chân đến. Nghe như có đến hàng ngàn em bé đang oe oe khóc trong khi các bà mẹ khốn khổ ngồi chờ đến lượt.
Thật ra, một số bà mẹ còn khóc to hơn cả con mình nữa.
- Phải chi nó nín đi cho, - một cô nước mắt nhòe nhoẹt, không rõ là đang nói với ai, - chỉ năm phút thôi.
Ôi trời ơi, tôi kinh hãi nghĩ bụng. Tự nhiên tôi thấy mình mới may mắn làm sao. Không chỉ vì Kate dường như lạnh nhạt một cách bất thường, mà vì tôi còn được bố, mẹ, và chắc là cả Helen với Anna nữa, chia sẻ cái gánh nặng trông nom con bé.
Hai ông bà đã đưa con bé đi khám trong khi tôi còn mải cư xử như một tên phản Chúa.
Ôi trời, tôi không biết phải nói sao cho bạn rõ tôi cảm thấy xấu hổ đến mức nào.
Sao tôi có thể bỏ bê đứa con xinh đẹp của mình một cách kinh tởm như thế?
Sẽ không bao giờ như thế nữa.
Không một tên đàn ông nào có thể hủy hoại con người tôi như tôi đã để James làm thế với mình nữa.
Tôi muốn phát bệnh khi nghĩ chỉ vì lo chạy theo một tên đàn ông mà tôi đã không chăm lo Kate cho thật đàng hoàng, tử tế.
Kate được vào khám trước tôi.
Tôi ôm cái nôi vào phòng. Cô y tá trẻ trung, tóc nhuộm đỏ trông đẹp rực rỡ, là người vùng Galway.
Tại sao các cô y tá lại luôn xinh đẹp, quyến rũ nhỉ?
Tôi chắc chắn phải có một cái tích nào đấy cắt nghĩa việc này.
Thuở xa xưa kia, có một bộ tộc toàn những phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần.
Đàn ông si mê họ, và khiến cho tất cả những phụ nữ khác thấy mình kém cỏi, xấu xí.
Náo loạn, bạo lực bùng nổ ra.
Gia đình tan nát vì các ông chồng đã từng hạnh phúc bên vợ hiền, con ngoan rơi vào lưới tình với những phụ nữ xinh đẹp kia. Phụ nữ thuộc các bộ tộc không xinh đẹp tự kết liễu đời mình vì họ không thể so kè với những tình địch quyến rũ.
Phải làm điều gì đó đi chứ!
Thế là Chúa trời lệnh cho những phụ nữ quyến rũ phải trở thành y tá và đi những đôi giày diêm dúa xấu xí, mặc váy chữ A khiến cho vòng ba của họ trông quá khổ, để cho sức quyến rũ của họ phải suy giảm đáng kể.
Và cho đến tận ngày nay những phụ nữ xinh đẹp vẫn phải làm y tá để vẻ đẹp của họ phải bị những bộ đồng phục xấu xí kia khỏa lấp đi.
Mặc dù cái tích tôi tự nghĩ ra nhưng nó giải thích thế nào với trường hợp của các cô siêu mẫu và những kiểu quần áo phô bày và tôn thêm đường cong hấp dẫn của họ thì tôi đành chào thua.
Mà thôi, quên nó đi.
Cô y tá đóng cửa phòng, nhưng tiếng trẻ con khóc rú ngoài phòng đợi vẫn rõ mồn một, cứ chen ngang giữa những tiếng than thở: “Chỉ cần năm phút thôi. Tôi chỉ xin có thế.”
- Mấy tiếng khóc la đó không làm chị phát điên lên sao? - tôi tò mò hỏi.
- Không chút nào, - cô đáp. - Tôi chẳng còn nghe thấy chúng nữa.
Cô bắt đầu khám cho Kate.
Kate rất ngoan. Thậm chí không khóc.
Tôi rất tự hào về bé.
Tôi muốn mở cửa ra và, bắt chước điệu bộ của các cô dạy trẻ, nói với những đứa bé ngoài ấy là: “Này, các con phải như thế này mới được, rõ chưa? Phải bắt chước cái bạn gương mẫu này này!”
Tôi theo dõi cô y tá khám cho Kate, theo dõi những biểu hiện chứng tỏ con bé vẫn còn sống.
Nếu có chuyện gì không ổn xảy ra với con bé thì cũng đáng đời tôi lắm. Một nỗi kinh hoàng bao trùm tim tôi.
Nhưng không, mọi thứ đều ổn.
Cái phần tội lỗi trong tôi gần như phải thất vọng.
- Bé lên cân đều đặn, đúng chuẩn. - cô thông báo.
- Cám ơn chị, - tôi nở mày nở mặt.
- Bé hoàn toàn khỏe mạnh, - cô mỉm cười.
- Cám ơn chị, - tôi lặp lại.
Tôi mở cửa bước ra. Tiếp tục một luồng âm thanh chói tai mới ập vào khiến tôi xây xẩm hết mặt mày.
Hai mẹ con cố len lỏi qua một hàng dài những đứa trẻ mặt đỏ ké đang la thét.
Tôi đoán chúng đang sắp bị tiêm vắc xin ngừa lao nên càng hoảng loạn hơn.
Tôi ôm cái nôi có Kate nằm yên bên trong, cẩn trọng bước qua đám đông inh ỏi.
Rồi đóng cánh cửa, bỏ lại phía sau mớ âm thanh kinh khủng mà cám ơn trời, tôi còn kịp nghe được một câu cuối, là cái người phụ nữ tội nghiệp ấy: “Thậm chí chỉ cần ba phút thôi cũng được. Giờ tôi chỉ xin ba phút.”
Hai mẹ con chờ thêm một chút để đến lượt tôi vào khám.
Tôi ngồi lật tờ Woman’s Own số ra từ cả thế kỷ trước (váy phồng mùa thu này rõ ràng đã đề mốt). Kate ngủ được một chút. Con bé sao mà ngoan.
Một chốc sau, tôi cũng được gọi vào.
Bác sĩ đã có tuổi, hiền lành. Ông mặc bộ đồ bác sĩ màu muối tiêu, tóc muối tiêu, cung cách có vẻ ân cần.
- Chào, à phải, Claire, Claire và em bé... ờ... Catherine, - Ông liếc tờ ghi chú trên bàn. - Vào đi, ngồi xuống đây.
Một chốc sau, khi ngẩng đầu lên nhìn cái ghế ngay trước mặt mà chẳng thấy tôi đâu, ông lo lắng đảo mắt khắp phòng, tự hỏi tôi đã chạy đi đâu mất.
Tôi đã đặt cái nôi của Kate xuống sàn và leo lên giường nằm, quần chip đã cởi ra và chân đã đặt trên bàn đạp, nhanh đến nỗi đầu ông quay lảo đảo.
Thói xấu khó bỏ.
Lần sau nếu phải đi bác sĩ, không cần biết để ca cẩm chuyện gì - từ đau tai cho đến trật cổ tay - tôi sẽ phải kiềm chế lắm để không tuột quần chip ra mà leo lên giường.
Ông bác sĩ lúi húi làm những việc gì gì đó trong bổn phận, với sự trợ giúp của bạn cũ của tôi - đôi găng tay bôi trơn.
Xin lỗi nếu tôi ăn nói gớm ghiếc quá.
Thật đấy, tôi hiểu cảm giác của bạn lắm. Đã từng có lúc chỉ nghĩ đến việc phải làm một xét nghiệm nhỏ nhất thôi tôi đã muốn ngất xỉu.
Còn giờ đây, sau khi đã mang bầu và vượt cạn, tôi nghĩ mình thậm chí chỉ cần gây mê tại chỗ để cắt bỏ cổ tử cung rồi vẫn có thể ngồi dậy vui vẻ tám với bác sĩ giải phẫu về chương trình tivi tối hôm trước.
Hừm, mà cần gì đến gây mê chứ!
Nhưng tôi quên mất là những người khác vẫn chưa phải trải qua những chuyện dạn dày sương gió này.
- Cô lành lại đẹp rồi, - Ông bảo, như thể đó là một kỳ tích.
- Cám ơn bác sĩ, - tôi sung sướng mỉm cười với ông qua hai cẳng chân.
Tôi thấy mình như đứa trẻ năm tuổi vừa làm đúng hết các bài tập ở trường.
- Ừ, không một biến chứng nào, - Ông tiếp. - Cô đã thôi chảy máu hẳn chưa?
(Xin lỗi, tôi hứa sẽ không kể dông dài phần này đâu).
- Hết rồi ạ, cách đây một tuần.
- Mấy cái mũi khâu cũng liền lại quá tốt, - Ông nói, tiếp tục săm soi, rờ nắn.
- Cám ơn bác sĩ, - tôi lại mỉm cười.
- Xong. Cô bước xuống được rồi.
- Vậy là mọi thứ khác cũng tốt chứ hả? - Ông hỏi, còn tôi đang lúi húi mặc đồ vào.
- Tốt ạ, - tôi đáp. - Tốt.
- À... khi nào thì tôi có thể lại chăn gối được ạ? - tôi buột miệng hỏi. (Làm sao mà tôi lại hỏi câu này nhỉ?)
- Ừm, hết sáu tuần rồi, cô có thể làm chuyện ấy bất cứ lúc nào tùy thích, - Ông vui vẻ đáp. - Có thể bắt đầu ngay bây giờ cũng được.
Ông ngửa cổ cười ha hả, rồi đột nhiên nín lặng trước cái viễn cảnh Hội đồng Y khoa thành phố nghe được mà đuổi cổ ông. Ranh giới giữa ân cần, thân thiện ở mức chấp nhận được và hàm ý không đứng đắn là rất mong manh.
Có thể bác sĩ Keating vẫn chưa phân biệt rõ được sự khác nhau này.
- A hèm, - Ông trấn tĩnh lại. - Đúng rồi, bất cứ lúc nào cô thích.
- Liệu có đau không ạ? - tôi lo lắng hỏi.
- Có thể lúc đầu sẽ thấy không được thoải mái lắm, nhưng cô sẽ không cảm thấy đau đớn đến thế đâu. Bảo anh nhà phải thật nhẹ nhàng thôi.
- Anh nhà á? - tôi ngạc nhiên.
Tôi thậm chí đâu nghĩ đến chồng mình.
- Vâng, anh nhà, - Ông đáp, giọng cũng ngạc nhiên không kém. - Cô có gia đình rồi, đúng không? Bà, à, bà Webster, - Ông lại liếc tờ ghi chú.
- Ồ vâng, dĩ nhiên rồi ạ, - tôi đỏ mặt. - Tôi chỉ... ờ... hỏi chung chung thôi. Tôi thực chưa nghĩ đến chuyện quan hệ với ai. Không khí đột nhiên thành ra ngượng ngập, gượng gạo nên tôi nghĩ dùng từ “quan hệ” thay vì “chăn gối” có thể sẽ giúp cứu vãn tình hình.
- Ồ, - Ông không nói gì thêm.
Im lặng. Sự bối rối của bác sĩ Keating vẫn bao phủ nặng nề bầu không khí.
Đi thôi, tôi nghĩ.
Đi Kate ơi.
Hai mẹ con trở về nhà.
- Sao rồi con? - mẹ ra mở cổng, hỏi ngay.
- Tốt. Tốt mẹ ạ. Kate lên cân đều, cô y tá bảo thế.
- Còn con?
- Không thể tốt hơn. Siêu tốt. âm đ*o của con rất đáng tự hào.
Bà nhìn tôi kinh tởm.
- Không cần phải thô bỉ thế đâu cô ạ.
- Con có thô bỉ hồi nào đâu, - tôi phản đối. Trời ạ, tôi mà thô bỉ thật thì bà sẽ biết thế nào là thô bỉ.
- Thôi, vẫn chưa đến giờ chiếu Neighbours, đi vào đây uống trà với mẹ!
- À, có ai gọi cho con không? - tôi theo bà vào bếp, vờ bâng quơ hỏi.
- Không.
- Ồ.
- Sao? Con đang chờ điện thoại của ai à? - bà nhìn tôi trân trân.
- Không ai hết, - tôi vừa đáp vừa đặt cái nôi của Kate lên bàn.
- Vậy à? Vậy sao lại hỏi? - cái giọng của bà nhắc cho tôi nhớ dù có vẻ khờ khạo đến mấy thì mẹ tôi thực ra cũng không khờ khạo đâu.
- Này, nhấc con bé ra khỏi cái bàn ngay! - bà quất cái khăn vào tay tôi. - Người ta còn phải ăn trên cái bàn ấy đấy.
- Nó sạch tinh mà! - tôi giận dữ.
Sao bà dám nói thế.
Tôi lúc nào cũng tắm rửa Kate sạch sẽ.
Con bé hoàn toàn vệ sinh.
Tôi đố bạn tìm ra một con vi khuẩn nào trên người bé đấy.
Con tôi là một sinh linh bé nhỏ hoàn toàn vô trùng.
Vậy là Adam không gọi, tôi ngồi uống trà, trầm ngâm suy nghĩ.
Tôi tự hỏi liệu cậu ta có còn giận tôi.
Có thể cậu sẽ không bao giờ gọi nữa. Không phải vì tôi đã kết tội cậu.
Không phải vì tôi đã cư xử như một kẻ loạn thần kinh, lại ưa tranh cãi.
Mà tôi lại không có số điện thoại của cậu nên không thể gọi cậu.
Nên như thế có lẽ là chấm hết mọi chuyện.
Một lần chơi bời vui vẻ đã không bao giờ thành thật.
Một chuyện tình đắm say không bao giờ xảy ra.
Một đôi bạn tâm giao phải chia cách vì hoàn cảnh.
Hai kẻ tình nhân yêu nhau trong xa vắng. Mặc dầu, cũng còn chưa đến giờ ăn trưa kia mà.
Cứ cho cậu ta thêm một cơ hội nữa. Nhưng cậu vẫn không gọi.
Suốt buổi trưa, tôi đi qua đi lại, buồn tẻ, thất vọng.
Tôi chẳng muốn làm gì.
Tôi chẳng muốn đọc gì.
Kate khóc dai dẳng và tôi cũng không còn đủ kiên nhẫn với con bé.
Tôi miễn cưỡng ngồi xem phim truyền hình nhiều tập với mẹ vì không nghĩ ra được lý do gì để từ chối.
Tôi nghĩ thà ngồi xem mấy bộ phim theo mô tip thù hận dở tệ, quanh đi quẩn lại vài anh diễn viên liên tục xuất hiện, còn hơn phải tranh cãi với mẹ chuyện học hành ở đại học đã bơm vào đầu tôi cái ảo tường về thân thế, địa vị của mình như thế nào.
Rồi bà biết có chuyện không ổn.
- Sao trông con ủ rũ thế? - bà hỏi.
(Mặc dù câu của bà thật ra là: “Claire, trông con cứ như cái cây mọc cạnh giếng thánh mà héo queo ấy!”) - Thì việc quái gì con lại không thế chứ? - tôi gắt gỏng.
- Mẹ xin lỗi. Có Chúa biết, mọi chuyện đâu có dễ dàng gì cho con.
Ừ thì bà nói đúng quá đi đấy thôi. Đâu có dễ dàng gì.
Nhưng rõ ràng bà đang ám chỉ chuyện tôi với James, chứ không phải chuyện tôi với Adam.
- Không, con xin lỗi, - tôi bảo bà, thấy mình thật không ra gì vì đã vô cớ nổi nóng với bà.
Sáu giờ, kèm theo đó là tiếng chìa khóa của bố lanh canh ngoài cửa, tôi mới kinh hãi nhận ra mình vẫn chưa gọi James. Chết tiệt, chết tiệt!
Tôi thực tình định gọi rồi nhưng nhiều chuyện quá - sự kiện trọng đại là đi khám bác sĩ và sự kiện chính là Adam không gọi điện - tôi đã quên khuấy đi mất.
Tôi đành quyết tâm sẽ gọi James ngay sáng hôm sau.
Cảnh huyên náo vào giờ ăn tối khiến đầu óc tôi tạm thôi vặn vẹo được một lúc. Helen về nhà cùng với bố. Nó đòi ăn đồ McDonald.
- Không, Helen! - bố quát. - Nhà mình chỉ ăn McDonald vào ngày nghỉ của ngân hàng thôi.
- Điên khùng! - nó hét lại. - Nhà người ta, những gia đình bình thường, ngày thường vẫn ăn McDonald.
Ồ, con bé có thể sẽ rất hung tợn.
Và thế là kết cục Helen vẫn chiến thắng như thường lệ. Bố đánh xe vọt đi như một tay lái tranh giải quán quân, trong đầu là danh sách các món dài lê thê và phức tạp.
Helen la toáng theo: - Hambơgơ cỡ đại không lấy dưa chuột.
Nhưng ông đã chạy mất hút.
Tôi trơ trẽn đeo bám Helen gần hết buổi tối, hy vọng nó sẽ nhắc đến Adam.
Dĩ nhiên, nếu muốn tôi có thể cứ thế mà hỏi thẳng nó số điện thoại của cậu ta, vì tôi thấy nó không có vẻ như đang hẹn hò với cậu hay thế nào.
Nhưng tôi không làm thế được.
Tôi đã nhất trí là cậu không thích thú gì con nhỏ.
Sau bữa tối, nhân tiện tôi cũng nói luôn là bố mua nhầm hết cả - bánh táo của mẹ có dưa chuột, bơgơ phô mai thay vì hambơgơ cỡ đại có lấy phô mai (dĩ nhiên càng củng cố thêm danh tiếng “bần tiện”), Coca thay vì Coca ăn kiêng - Ông lệnh cho Helen về phòng học bài.
Tội nghiệp ông.
Chắc ông đang theo học một khóa dạy con người ta tính kiên quyết rồi.
Thật không ngờ, Helen về phòng thật, chỉ sau đôi lời phản đối yếu ớt.
Nó bảo bố là kinh tởm và ám chỉ nhà mình giống như chế độ Đức Quốc xã.
Nhưng nó về phòng thật.
Chuyện lạ.
Tôi cho nó ít phút, rồi tôi ẵm Kate lên lầu. Tôi gõ cửa phòng.
Nghe có tiếng xô lệch đồ đạc ầm ầm trong ấy. Tôi bước vào, thấy nó hình như đang nhét thứ gì đó xuống cạnh giường.
- Ôi Chúa ơi, Claire! Đừng có làm thế chứ! Em cứ tưởng là bố, - nó kêu lên, đôi mắt trợn to thao láo trên gương mặt trắng dã. Nó lôi trở ra từ cái khe giữa giường với bức tường một tờ tạp chí tên Tội Ác Thứ Thiệt hay cái gì đó tương tự.
- Em có từng bao giờ học hành thật không vậy? - tôi tò mò hỏi.
- Khôôôôông, - nó khinh bỉ đáp.
- Vậy em định làm gì nếu trượt tốt nghiệp? - tôi ngồi xuống giường nó, hỏi.
- Đưa em con bé! - nó bảo, rồi đón Kate từ tay tôi.
- Em không trượt đâu, - nó nói tiếp.
- Sao em biết?
- Thì em biết thế thôi, - nó khẳng định.
Trời ơi, sao ông lại cho nó cái sự tự tin lớn đến thế.
- Vậy ở trường có gì vui không? - tôi hỏi, cốt cho nó nhắc tới Adam.
- Bình thường, - nó đáp, ngạc nhiên vì tôi quan tâm.
Nó không đả động gì đến Adam.
Và thật tình, tôi không thể. Tôi không thể cứ thế mà hỏi thẳng nó.
Rồi tôi nghe có tiếng điện thoại.
Lần đầu tiên trong cả ngày nay.
Tôi vùng ra khỏi giường, lao xuống nhà như một tia chớp.
Đội ơn trời tôi đã không hỏi Helen số điện thoại của Adam, tôi thở phào mừng thầm. Nếu không chắc tôi đã bị loại khỏi cuộc chơi, trong khi bây giờ tôi đâu cần phải làm thế!
- Alô? - tôi cố sao cho giọng mình nghe vui vẻ, không loạn thần kinh và đồng thời rất biết lỗi.
Xin lỗi Adam, tôi sẽ không bao giờ ác độc như thế nữa.
- Vâng, alô? Cho tôi gặp Jack Walsh ạ? Câu đầu tiên trong đầu tôi là Adam tìm bố làm cái quỷ gì.
Nhưng tôi hiểu ra đó không phải là Adam. Dám thế kia đấy!
Hay thật!
Tôi suýt té gãy cổ vì phi xuống đây để rồi hóa ra không phải cậu ta.
- Vâng, bác Brennan giữ máy nhé. Để cháu đi gọi bố.
Rồi tôi khổ sở lê bước trở lên lầu.
Chậm hơn lúc xuống rất, rất nhiều.
Tôi quay lại phòng Helen.
Tôi thấy mình sao mà hèn hạ.
Tôi vẫn còn cần nó lắm.
Nó đang chơi đùa với Kate, không buồn hỏi han chuyện gì khiến tôi phải lao như tên bắn xuống nhà.
Ở với một đứa ích kỷ như Helen thì đấy chính là một trong những điều hạnh phúc. Nó hiếm khi để ý chuyện gì không liên quan đến nó.
Vừa lúc Anna cũng bước vào, tóc tai lướt thướt, váy lướt thướt, vẻ lơ đơ lãng đãng. Tôi vui quá.
Hai chị em không nhìn thấy nhau chắc phải đâu đó từ hồi tuần trước.
Nó giậm đôi bốt đã làm tan nát trái tim mẹ vào căn phòng hồng hồng bông bông của Helen, rồi đến ngồi cạnh ba người chúng tôi.
Nó lôi ra khỏi giỏ (giỏ thêu, đính đầy gương và hạt cườm) hàng hà sa số sô cô la và bắt đầu gặm hết miếng này sang miếng khác.
Tôi chưa từng chứng kiến cảnh nào gần gần như thế này.
Tôi chỉ có thể suy ra là nó có liên quan gì đấy đến chuyện hút hít.
- Anna, em đang lên cơn đói sau khi phê đấy à? - tôi hỏi mà thấy mình nghe y như một kẻ hủ lậu.
Tôi thấy hơi ngại khi phải dùng một cụm từ “chuyên môn” như thế.
- Ưm, - nó gật, miệng nhét đầy sô cô la Yorkie loại có nhân nho khô và bánh quy.
- Lớ củ mì maá! - nó vung tay múa chân giận dữ khi thấy Helen nhào đến xé toạc lớp giấy gói của mấy thanh sô cô la và gần như đang ráng hít hết cả vào.
- Lấy của mình mà ăn! - nó nói ra được từng tiếng rõ ràng khi cuối cùng miệng cũng tạm trống được một chốc.
- Cho tao cục Bounty với thanh Mintscrisp này thôi, rồi tao không lấy nữa. - Helen đáp.
Lừa đảo, dĩ nhiên.
Anna đồng ý.
Tội nghiệp Anna.
Tôi ngồi với Helen hết buổi tối, ăn sô cô la, hai đứa nó cãi nhau toàn chuyện vặt vãnh tôi lúc nghe lúc không, chờ Adam gọi- Nhưng bạn biết thế nào không? Cậu ta không gọi.
Chẳng sao, tôi tự nhủ, cậu ta đâu có nói là fj sẽ gọi.
Chắc chắn mai cậu sẽ gọi.
Chắc chắn mấy ngày tới cậu sẽ gọi, tôi cố trấn an mình.
Rõ ràng là cậu ta thích mày thật.
Nhưng dưới cái lớp vỏ oai hùng của mình, tôi biết cậu sẽ không gọi.
Tôi không biết tại sao mình biết. Tôi chỉ biết thế thôi.
Rõ ràng cái khả năng linh cảm tai ương đã nhạy lên kha khá kể từ khi James bỏ tôi.
Cứ luyện thêm ít nữa chắc là sẽ ích lợi lắm đây.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp