Đông Cung

Chương 28


Chương trước Chương tiếp

Tôi nói cũng bởi lều Chúa thường xuyên nay đây mai đó, mà Tả Cốc Lãi Vương đành rằng ở gần thật, song tìm được tới nơi e đễ lỡ không ít thời giờ. Thế nên chúng tôi mới tới phủ đô hộ An Tây xin cứu viện, mong phủ đô hộ có thể cứu Hách Thất kịp thời.

Tôi cứ nghĩ đến việc phe Hách Thất chỉ có chục mạng, mà phải chống cự với ngần ấy binh sĩ Nguyệt Thị, là trong lòng lại nóng như lửa đốt. Đô hộ đại nhân vẫn do dự, lúc này Cố Tiểu Ngũ đột lến tiếng nói giọng Trung Nguyên.

Gã quan đô hộ kia vừa nghe lọt tai câu ấy, dường như có vẻ giật mình chấn động lắm, cả người bật dậy sau án sơn. Cố Tiểu Ngũ tiến lên phía trước, khom người hành lễ, giọng hắn rất nhỏ, tôi vốn chẳng nghe thấy gì, huống hồ tôi hiểu thế nào được tiếng Trung Nguyên, chỉ nom hắn nói vài câu xong, quan đô hộ đã gật đầu liên tục.

Chẳng mấy chốc, quan đô hộ đã phái 1 viên Thiên phu trưởng(*) dẫn theo hai ngàn binh sĩ, tháp tùng chúng tôi lên đường cứu người ngay trong đêm.

(*Thiên phu trưởng: Đây là chức võ quan chỉ huy đơn vị gồm một ngàn quân. Ngày xưa người ta chia quân đội thành những đơn vị 10 người, 50 người, 100 người, 1 nghìn người, 1 vạn người và tương ứng có các chức vụ Thập phu trưởng, Ngũ thập phu trưởng, Bách phu trưởng, Thiên phu trưởng, Vạn phu trưởng.)

Tôi mừng quá đỗi, lúc từ phủ đô hộ An Tây đi ra, tôi liền hỏi Cố Tiểu Ngũ: “Chàng nói gì mà lại khiến gã quan đó sai quân đi cứu người chúng ta thế?”

Cố Tiểu Ngũ nở nụ cười xảo quyệt, bảo: “Chuyện này không nói với nàng được!”

Tôi dẩu môi giận dỗi.

Kỷ luật quân đội của Trung Nguyên rất nghiêm ngặt, tuy hành quân trong đêm, song đội ngũ vẫn chỉnh tề, ngoại trừ tiếng vó ngựa hòa lẫn tiếng mai giáp thỉnh thoảng sàn sạt cọ vào nhau vang lên, thêm tiếng bó đuốc phần phật bùng cháy, tuyệt không nghe thấy một âm thanh nào khác. Tôi để ý ra người Trung Nguyên dùng đuốc cán gỗ quấn sợi thô, tẩm dầu hỏa. Dầu hỏa chính là sản phẩm đặc biệt dưới núi Thiên Hằng, màu đen thui, rất dễ bắt lửa, thỉnh thoảng dân du mục dùng để nổi lửa nấu nước, có điều người trong Vương thành chê nó nhiều khói nặng mùi, nên ít khi dùng. Chẳng ngờ quân sĩ Trung Nguyên lại tẩm làm đuốc. Tôi thấy người Trung Nguyên quả thông minh, bọn họ nghĩ ra những cách mà chúng không tài nào nghĩ ra được.

Chúng tôi hành quân suốt 1 đêm, lúc tảng sáng mới đuổi kịp bên Nguyệt Thị. Lúc ấy bọn chúng đã sắp rút lui về đến ranh giới lãnh thổ Nguyệt Thị.

Đạo quân Nguyệt Thị đi rất nhanh, lúc chúng tôi bắt kịp, sắc cờ trắng đã khuất tầm mắt, thậm chí Hách Thất và chục dũng sĩ Đột Quyết, cả người lẫn ngựa đều mất tăm mất tích. Bụng dạ tôi hốt hoảng, chỉ sợ phe Hách Thất đã bị quân Nguyệt Thị vây giết, mà Cố Tiểu Ngũ đang bàn bạc với tay Thiên phu trưởng bằng tiếng Trung Nguyên, binh sĩ Trung Nguyên lớn tiếng truyền lệnh rồi bắt đầu dãn đội hình.

Phụ vương tôi từng nói, người Trung Nguyên lúc giao chiến rất chú trọng trận pháp, lấy ít địch nhiều vô cùng lợi hại, nhất là giờ đây, binh lực Trung Nguyên hơn hẳn quân sĩ bên Nguyệt Thị một bậc, họ đang ngấm ngầm bố trí thế vòng vây. Gã tướng quân phe Nguyệt Thị liền ghìm ngựa quay lại, lớn tiếng quát tháo.

Tôi chẳng hiểu nổi hắn đang nói gì, Cố Tiểu Ngũ buôn trà xuyên các nước Tây Vực, tất hiểu tiếng Nguyệt Thị. Hắn bảo tôi: “Gã đó đang chất vấn chúng ta, sao lại dẫn binh tràn vào lãnh thổ Nguyệt Thị.”

Tôi nói: “Tối qua hắn dẫn binh xông vào địa phận Đột Quyết thì sao, còn già mồm vu cho ta là nô tì đi lạc của nhà chúng chứ, giờ lại dám giở cái lẽ cây ngay không sợ chết đứng ra đây à.”

Cố Tiểu Ngũ nói dăm 3 câu với người Thiên phu trưởng đứng bên cạnh, Thiên phu trưởng liền sai người đi đáp lời. Cố Tiểu Ngũ cười bảo: “Ta nói với bọn họ rằng, chúng ta đang hộ tống công chúa Tây Lương về, tiện đường đi ngang qua. Rồi bảo bọn họ không cần hoảng loạn, chúng ta tuyệt không xâm phạm lãnh địa Nguyệt Thị.”

Bụng tôi bảo nếu nói đến cái ngữ trơ tráo vô liêm sỉ, giả sử Cố Tiểu Ngũ tự nhận mình thứ hai thiên hạ, xem chừng đố ai dám nhận hạng nhất. Hắn bốc phét mà nói năng hùng hồn lý lẽ đâu ra đấy, liệu dân Trung Nguyên toàn lừa người thế này chăng? Sư phụ đã thế, mà Cố Tiểu Ngũ cũng vậy.

Đôi bên vẫn đang giằng co từng câu kêu gọi đầu hàng, tay Thiên phu trường lại dẫn 1 ngàn kinh kỵ, nhân lúc tờ mờ sương sớm, ngầm ngầm đánh bọc sườn từ phía sau, đợi phe Nguyệt Thị kịp thức tỉnh thì quân tiên phong từ đằng này đã bắt đầu đột kích.

Trận chiến này có thắng cũng chẳng lấy làm lạ, quân Nguyệt Thị thua to, gần như không một kẻ nào thoát nổi, đa phần đều bỏ mạng dưới tên đao sắc bén của kỵ binh Trung Nguyên, số còn lại hiển nhiên địch không nổi, liền buông vũ khí quy hàng. Tuy rằng Cố Tiểu Ngũ chỉ là gã buôn chè, thế mà hắn đích thực dằn lòng đến nỗi, đứng trước cảnh thảm chiến, đầu rơi máu chảy, thương vong vô số này, Cố Tiểu ngũ lại không hề chau mày dẫu chỉ 1 cái, cứ như thể cảnh tàn sát vừa mới rồi chỉ là một trò vui mà thôi. Tay Thiên phu trưởng người Trung Nguyên kia quả đã quen với chiến trường, hiển nhiên giải quyết các loại tiếp nhận đầu hàng thỏa đáng đâu ra đấy. Hai ngàn kỵ binh áp tải tầm trăm tên tàn binh còn sót lại của Nguyệt Thị lùi dần về đằng đông.

Tôi nhân lúc loạn lạc lao vào giữa đám quân Nguyệt Thị tìm Hách Thất, thế mà chẳng tài nào tìm ra. Tay tướng quân cầm đầu bên Nguyệt Thị bị bắt làm tù binh, bị người ta trói chặt xô đến trước mặt Thiên phu trưởng, gã Thiên phu trưởng lại cung kính giao người cho Cố Tiểu Ngũ. Tôi để Cố Tiểu Ngũ thẩm vấn gã tướng quân Nguyệt Thị kia, song gã ngang bướng, không chịu nhả ra lấy 1 lời. Cố Tiểu Ngũ lạnh lùng bảo: “Đã không khai thì giữ lại ích gì?”

Tay Thiên phu trường nghe vậy, tức khắc sai người lôi đi chặt đầu. Quân lệnh như sơn, đầu của gã tướng quân Nguyệt Thị lập tức bị người ta chém bay, còn nắm tóc giơ cái đầu dâng lên trước mặt chúng tôi, máu tươi từ cổ hẵng rơi tí tách, đáp xuống bãi cỏ xanh biếc, hệt những bông hoa đỏ tươi kiều diễm.

Quả thật tôi không nén nổi lòng, thêm vào đó, cả một ngày trời chưa bỏ bụng thứ gì, đầu choáng váng dội từng cơn, người bên cạnh nom sắc mặt tôi kém tươi, có lòng đưa tôi túi nước, tôi uống không vào. Chỉ nghe Cố Tiểu Ngũ kia lại sai người dẫn tới một tay Nguyệt Thị khác, trước tiên cho gã thấy thủ cấp của tướng quân phe mình, sau hỏi tăm tích của Hách Thất. Người Nguyệt Thị tuy dũng mãnh thiện chiến, kẻ bị bắt làm tù binh ý chí ắt sa sút, lại chính mắt chứng kiến tướng lĩnh bị chém, sợ đến nỗi khai bằng sạch đầu đuôi ngọn ngành.

Thì ra mấy người Hách Thất vừa đánh vừa lui về chân núi Thiên Hằng. Bọn họ chiếm núi đá quyết sống chết có nhau, tận lúc tên đã dùng cạn. Song bọn Nguyệt Thị cũng không giết ngay, mà chúng cướp ngựa, quẳng bọn họ vào tận sâu trong núi hoang vu. Lũ Nguyệt Thị ấy quả thật hung ác, trong núi có bầy sói dữ tợn lắm, trong tay Hách Thất lại không tên không ngựa, giả như gặp phải bầy sói, vậy chẳng phải nguy hiểm lắm ư.

Trong lòng tôi nóng như lửa đốt, vội vã dẫn người đi tìm Hách Thất, Cố Tiểu Ngũ bảo: “Người Đột Quyết đâu dễ chết thế.” Thoạt nghe tôi cảm giác lời hắn nói có thể tạm cho như đang an ủi, song nghe mà khiến người ta phải giận.

Chúng tôi tìm quanh núi Thiên Hằng, mãi đến khi mặt trời gần gác núi, tôi sắp rơi vào sự tuyệt vọng, núi Thiên Hằng to thế này, rốt cuộc lúc nào mới tìm ra Hách Thất đây? Tôi một mặt ngẫm Hách Thất đừng để bị sói ăn thịt nhé, huynh ấy mà bị sói làm thịt rồi, ông ngoại ắt đau lòng chết mất; song mặt khác tôi lại tự nhủ, Hách Thất là dũng sĩ tiếng tăm nổi khắp thảo nguyên, bị sói ăn thịt nào có dễ thế, cứ cho như bên hông không ngựa, trong tay không tên, thế nhưng Hách Thất là Hách Thất cơ mà, thể nào huynh ấy cũng sống sót thôi.

Nom mặt trời sắp xuống núi, gió thổi về mang hơi mát lạnh của đêm, lính trinh sát đi trước đột nhiên lớn tiếng kêu la, tôi vội ghì cương ngựa, hỏi: “Sao rồi?”

Đám người ấy luyến thoắng gào lên thứ tiếng Trung Nguyên, thế rồi tôi thấy Hách Thất bò lên từ giữa núi đá, tay trái siết chặt 1 hòn đá nhọn, cánh tay phải còn đẫm vết máu, theo sau có đến vài người cũng bò dậy từ núi đá. Dáng vẻ họ nhếch nhách, mặt mũi bám đầy đất bụi, song vẫn mang ánh mắt của người dũng sĩ không nét sợ hãi nhìn quân Trung Nguyên.

Tôi gào lớn 1 tiếng, lật mình lăn xuống ngựa, lăn lê thẳng một mạch, nhào tới ôm chầm Hách Thất. Có lẽ chạm phải vết thương của huynh ấy, hai đầu chân mày nhăm nhúm nhó. Thế nhưng huynh ấy đã lập tức nhoẻn miệng cười: “Tiểu công chúa”. Cả đội trở nên vui vẻ reo mừng, đám người Trung Nguyên nom phấn khởi còn hơn cả trận chiến thắng mới hồi sáng.

Buổi tối, chúng tôi đóng quân ngay dưới chân núi Thiên Hằng. Lều trại người Trung Nguyên mang theo không nhiều, thảy đều dành cho thương binh nằm. Xương tay trái của Hách Thất bị gãy, Thiên phu trưởng sai người đắp thuốc trị thương cho huynh ấy, Hách Thất không hé miệng rên rỉ dù chỉ một tiếng. Tìm được Hách Thất, lòng tôi nhẹ nhõm hẳn, ăn một lèo hết veo chiếc bánh nang to tướng, Cố Tiểu Ngũ ngồi đối diện trông tôi ăn bánh nang, đáng lẽ tôi đang ăn ngon lành, thì bị hắn nhìn, miếng cuối cùng tắc ngay cổ họng, nuốt không trôi, mà nhè không ra. Cố Tiểu Ngũ nom tôi bị nghẹn đứt rồi, hắn đang ngồi liền bật cười giòn tan, nước cũng chẳng màng đưa.

Khó khăn lắm tôi mới tìm được túi nước của mình, làm một hớp thật to xong, miếng bánh nang mới chịu tuột xuống họng. Nhưng mà tôi có chuyện toan hỏi hắn, nên cũng chả so đo với hắn làm gì, chỉ hỏi: “Tối hôm qua, lúc ở phủ đô hộ An Tây, chàng rốt cuộc đã nói gì với quan đô hộ mà ông ta lại đồng ý phát binh đi cứu viện thế hả?”

Cố Tiểu Ngũ cười, lộ ra hàm trăng trắng bóng: “Ta nói với ông ta rằng, ông ta cứ thấy chết mà không cứu đi, rồi từ nay về sau không có trà ngon mà uống nữa đâu.”

Tôi tin mới lạ đấy!

Sao trời sáng thật, tôi ngước trông, sao lấp lánh giăng đầy trời chẳng khác nào vô số những cụm đèn lồng treo cao tít, nom nhỏ xíu xiu. Giữa trời thấp thoáng có dải trắng sáng, nghe truyền chỗ tắm gội của thiên thần là 1 dòng sông sao, lúc thiên thần trên trời tắm gội, hẳn cũng sẽ tiện tay vọc sao như chúng ta hằng dùng tay vọc cát, rồi hằng ngàn hàng vạn giọt sao trượt qua kẽ tay thiên thần, tuột mình về lại sông sao, thỉnh thoảng có giọt bắn tóe lên, liền biến thành sao băng. Đúng lúc ấy, có một vệt sao băng nhỏ xinh như một mũi tên lao vút về đằng chân trời, chớp mắt đã vuột khỏi tầm nhìn. Tôi chỉ kịp thốt lên 1 tiếng “á”, nghe bảo thấy sao băng là phải ngay buộc vạt áo, rồi ước điều chi đó, ước xong là thành hiện thực, thế mà chân tay tôi lóng ngóng, hễ cứ gặp sao băng không quên béng ước nguyện thì cũng quên luôn cả thắt nút… tôi chán lắm, nằm phịch trên thảm cỏ, sao băng thì mất hút đằng nào từ lâu. Cố Tiểu Ngũ hỏi tôi: “Nàng vừa á gì đấy?”

“Có sao băng kìa!”

“Sao băng có gì hay ho mà phải á lên?”

“Thấy sao băng trước tiên phải thắt vạt áo, đồng thời ước một điều, điều ước ấy ắt thành hiện thực.” Tôi thật sự chẳng thiết giải thích với hắn, “Người Trung Nguyên các chàng không hiểu đâu.”

Hình như hắn vừa phì cười: “Nàng muốn ước gì thế?”

Tôi mím môi không thèm nói với hắn. Tôi nào có dễ bị kích động. Thế mà chẳng ngờ hắn cũng ngừng một lúc, sau cái giọng lại còn kéo dài : “À, ta biết rồi nhé, nàng ước mình sẽ lấy được Thái tử Trung Nguyên.”

Quả này thì tôi phải bật dậy thật: “Thái tử Trung Nguyên có gì hay ho chứ, ta còn lâu mới lấy hắn!”

Hắn cười híp mắt đoạn bảo: “Ta biết ngay nàng không muốn lấy hắn mà, hiển nhiên nàng ước lấy được ta chứ gì.”

Giờ tôi mới nhận ra mình trúng kế của hắn, đành “xì” một câu, rồi mặc xác hắn.

Tôi lại thả mình xuống bãi cỏ, nằm ngắm màn đêm mắc đầy sao. Gần lắm, thấp lắm, rõ ràng chỉ cần với tay là chạm tới. Chốn của thiên thần tích tụ nhiều sao thế kia, hẳn phải đông vui lắm đây.

Có chú dế mèn con con nhảy bổ vào đầu tôi, rồi bị vướng luôn ở trên đó, nó không ngừng gáy ra rả. Tôi chụp tay bắt nó, từ từ gỡ nó khỏi tóc mình, nó cựa quậy trong lòng bàn tay, xốp xốp mà lại ngưa ngứa, tôi thổi một cái, nó giật mình nhảy tót xuống bụi cỏ, thế là biến mất hút luôn. Nhưng xem chừng nó vẫn còn đâu đó quanh đây, tiếng ra rả của loài dế vẳng trong đêm tối mãi không ngừng

Cố Tiểu Ngũ cũng ngả mình, gối lên yên ngựa của hắn, tôi tưởng hắn ngủ rồi, hắn chỉ đang nhắm mắt, uể oải bảo: “Này! Hát một bài nghe đi.”

Gió hiền hòa dịu êm như bàn tay của mẹ vỗ về khuôn mặt tôi. Tuy tâm trạng đã vui tươi hơn, song vẫn quen thói cự cãi với Cố Tiểu Ngũ: “Sao cứ bảo ta hát thế? Hay chàng hát cho ta nghe đi.”

“Ta không biết hát”

“Nói dối, ai mà chẳng biết hát. Hát đi! Hát bài nào hồi nhỏ mẹ chàng hay hát cho chàng nghe ấy, nhé?”

Cố Tiểu Ngũ có lẽ phải im lặng đến một lúc lâu, sau đó, tôi mới nghe thấy giọng hắn lạnh nhạt bảo: “Ta không có mẹ.”

Tôi thấy hơi áy náy, tôi có anh trai lẫn có mẹ, mà mẹ hắn bị bệnh qua đời từ lâu. Mỗi lần mẹ tiếp hắn tốt hơn hẳn so với tiếp tôi. Trong lòng tôi hiểu, có lẽ là vì từ nhỏ hắn đã không có mẹ, thế nên mẹ tôi dành nhiều sự săn sóc cho hắn. Tôi bật dậy, trộm nhìn sắc mặt Cố Tiểu Ngũ, tôi lo hắn mất vui. Thế mà dưới sắc sao lù mù, sắc mặt hắn nom ra sao, nói thực tôi cũng chẳng rõ.

“Có con cáo nhỏ ngồi trên cồn cát, ngồi trên cồn cát, ngắm nhìn ánh trăng.

Ô thì ra không phải nó đang ngắm trăng, mà đang đợi cô nương chăn cừu trở về…

Có con cáo nhỏ ngồi trên cồn cát, ngồi trên cồn cát, sưởi nắng.

Ô thì ra không phải nó đang sưởi nắng, mà đang đợi cô nương cưỡi ngựa đi qua…”

Cuối cùng Cố Tiểu Ngũ lên tiếng, hắn chau mày: “Khó nghe thế! Đổi bài khác đi!”

“Ta chỉ biết có mỗi bài này…”

Có tiếng khèn nổi lên cách đó không xa, trong lòng tôi mừng khôn xiết, vội vã dứng dậy nhìn quanh quất, thì ra là Hách Thất. Huynh ấy ngồi dưới dốc thoải thổi khèn tất lật. Trước đó tôi chỉ nghe danh Hách Thất là tay thần cung, chẳng ngờ huynh thổi khèn lại hay đến thế. Huynh ấy chỉ dùng 1 tay nên nhiều nốt không cách nào ấn được, dẫu vậy, tiếng khèn vẫn dìu dặt lúc trầm lúc bổng, quyện mình trong gió đêm mát rượi, sao mà bùi tai khác thường. Tôi ngóc đầu nghe, tiếng khèn của Hách Thất bi thương quá, dần dà chỉ còn tiếng hát cất lên từ phía mười mấy người Đột Quyết kia, giọng những người đàn ông trầm ấm mà đầy hùng hồn, càng đẩy sự bi thương trong điệu hát lên tầm cao. Giọng hát ấy tựa gió sa mạc, lại có nét giống chim ưng chao liệng giữa thảo nguyên, lắng đọng ngay chỗ sâu lắng nhất, rồi không ngừng ngân vang. Trời đất lặng lẽ như tờ, côn trùng núp trong lùm cỏ không còn cất giọng ngâm nga, đến con ngựa nhỏ cũng thôi hí rền, đến những người Trung Nguyên cũng bặt tiếng, làn điệu đồng ca lắng trong lòng.

Tôi nghe đến ngây người, tận khi những người Đột Quyết thôi hát, mọi người lại bắt đầu rộ tiếng cười đùa. Cố Tiểu Ngũ dửng dưng hỏi: “Đây là bài gì thế?”

“Bài ca xuất chinh của người Đột Quyết.” Tôi ngẫm một lúc, “Là trước lúc ra trận mạc ấy mà, họ thường hát bài này. Tang Cách trong bài hát vốn là một mỹ nhân nức tiếng người Đột Quyết, người yêu nàng ấy chia tay, đi chinh chiến bốn phương, sau này không thấy trở về, chỉ có con ngựa quay lại. Thế nên nàng ấy vuốt ve yên ngựa, mắt nhìn hũ tên đã rỗng của người yêu, rồi hát khúc ca này.”

Dường như hắn mỉm cười: “Sao lại phải đi chinh chiến bốn phương nhỉ?”

“Bọn họ là dũng sĩ của Đột Quyết, chiến đấu vì Đột Quyết, chinh chiến bốn phương là điều bất đắc dĩ thôi.” Tôi bực mình lườm hắn, “Đằng nào có nói thì chàng cũng không hiểu.”

Hắn bảo: “Cái này có gì mà không hiểu chứ? Người Trung Nguyên có câu, ‘Cốt khô Vô Định, xót thương, Trong mơ, khuê nữ còn vương vấn tình(*)’, thực ra cốt truyện cũng như nhau cả thôi.”

(*Bài “Lũng Tây hành”- Nguyên tác: Trần Đào, dịch: Phụng Hà)

Tôi nghe thấy có chuyện hay liền nổi hứng quấn lấy Cố Tiểu Ngũ bắt hắn kể cho nghe. Hắn thấy tôi kèo nhèo, ngẫm 1 lúc, cuối cùng bảo: “Được rồi, kể cũng được, nhưng nàng không được hỏi gì đâu đấy, chỉ cần nàng hỏi tại sao thôi, ta sẽ không kể tiếp nữa đâu.”

Tuy điều kiện nghe có vẻ hà khắc, thế nhưng cố nhịn không hỏi 3 chữ “sao lại thế”, kể ra cũng chẳng khó, tôi lập tức gật đầu đồng ý. Dường như hắn còn chần chừ, nghĩ một lúc mới kể: “Rất lâu rất lâu về trước có một vương quốc ảo, ở vương quốc ảo, có một cô nương tuổi đương trẻ…”

“Cô gái ấy đẹp không? Dễ thương không?” Tôi nóng lòng hỏi, “Biết cưỡi ngựa không?”

Hắn bật cười: “Cô nương ấy rất đẹp, rất đáng yêu, biết cưỡi ngựa. Lúc cưỡi ngựa ở vương quốc ảo, nàng ấy đội 1 lớp màn che, chính là loại mũ trên đầu có rèm sa ấy, một ngày cô nương ấy rong ngựa trên đường, gió thổi bay màn che… có một vị công tử nhặt được chiếc mũ ấy, liền trả lại cho cô nương kia. Hai người họ tuy lần đầu gặp mặt, song đã một lòng hẹn ước phải thành thân, tức là cưới gả ấy.”

Tôi thấy thích đoạn mở đầu của câu truyện, tôi hỏi: “Vị công tử kia trông đẹp trai chứ? Có xứng với cô nương xinh xắn nọ không?”

Hắn nói: “Đẹp hay không thì chưa rõ, song vị công tử này là con trai của Đại tướng quân, vô cùng dũng mãnh thiện chiến. Bọn họ ước hẹn không bao lâu sau, vị công tử này nhận được lệnh phải ra trận, liền dẫn binh xông pha đánh giặc. Cô nương nọ ở nhà đợi chàng, đợi rồi cứ đợi, đợi suốt nhiều năm, chàng không hề trở về. Người nhà của cô khuyên phải mau mau lấy người khác đi thôi, tuổi xuân người con gái không thể níu kéo được, chỉ e không dễ gì lấy được chồng. Cô nương ấy khăng khăng không chịu, vẫn tiếp tục đợi, nào ai ngờ biên ải cuối cùng gửi tin về, thì ra công tử kia đã hy sinh nơi trận mạc.”

Hắn kể đến đó thì dừng lại, tôi gấp gáp hỏi: “Vậy nàng ấy thì sao? Nàng ấy biết tin chàng công tử kia chết rồi, thì phải làm sao đây?”

“Nàng ấy rất buồn, song trong lòng lại không tin, võ nghệ chàng công tử kia cao cường, lại rành binh pháp, hơn nữa hằng năm xuất chinh tại ngoại, trải qua vô số chiến sự lớn nhỏ, sao có thể trúng mai phục của địch, rồi bị quân địch giết dễ dàng thế được? Cô nương ấy nhốt mình trong phòng ngẫm nghĩ suốt 10 ngày 10 đêm, cuối cùng hạ quyết tâm, phải tìm ra bằng được chân tướng sự việc. Thế nhưng nàng ấy chỉ là một thiếu nữ, chẳng hề có quyền thế gì trong tay, dẫu người nhà có làm quan, song cũng không đủ bản lĩnh, để đi giải quyết loại sự việc này. Lúc ấy, vừa hay quốc vương của vương quốc ảo hạ một chiếu thư, muốn tuyển phi tử. Nàng ấy vốn dĩ xinh đẹp, liền tự nguyện nhập cung, trở thành phi tử của quốc vương. Tính tình nàng ấy dịu dàng ôn hòa, lại nhanh trí nhạy bén, quốc vương rất mực sủng ái, nàng ấy trong hậu cung cũng dần có địa vị. Thế là nàng ấy kết giao với đám quần thân, lợi dụng lực lượng của bọn họ, điều tra manh mối về trận chiến mấy năm trước, chỉ để biết được rốt cuộc nguyên nhân gì đã khiến chàng công tử chết nơi trận mạc. Sau đó, dần dà thu thập được manh mối, mới biết kì thực, chàng không phải bị quân địch phục kích, mà bị chính người của mình ám hại giết chết. Nàng ấy lần theo manh mối tiếp tục điều tra sâu hơn, lại phát hiện ra sự việc này có liên quan đến hoàng hậu. Hoàng hậu đố kị nàng ấy đã lâu, chỉ bởi quốc vương hết mực sủng ái nàng, giờ đây nàng lại muốn tìm ra nguyên nhân thật sự về cái chết của chàng công tử kia, nếu như chuyện này đến tai quốc vương, có thể hoàng hậu sẽ bị truất ngôi.”


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...