Đông Cung

Chương 26


Chương trước Chương tiếp

Tôi vui vẻ đón chùm nho, ngắt 1 quả bỏ vào miệng ngấu nghiếm nhai lớp vỏ mỏng, nước nho thanh thanh ngọt lịm lan ra trên đầu lưỡi rõ ngọt. Tôi ngoái đầu hỏi sư phụ: “Này! Mấy người ăn không?” Trước nay tôi không có thói quen mở miệng là gọi sư phụ, dạo đó bái lão làm thầy, chỉ đơn thuần là bị lão lừa. Hồi ấy chúng tôi vừa quen nhau, thoạt đầu tôi không biết kiếm thuật của lão xuất chúng hơn người, bị mấy lời của lão kích động, chúng tôi quyết đấu kiếm một trận, ai thua phải chấp nhận bái người kia làm thầy, có thể suy ra tôi đã thua thảm hại cỡ nào, đành xuống nước nhận lão làm sư phụ. Tuy lão đã làm thầy, song thường xuyên giở nhiều trò mất nết không xứng làm thầy, thế nên tôi chưa bao giờ thèm gọi một tiếng thầy, được cái lão cũng không để bụng, mặc kệ tôi cả ngày gọi trống không này này suốt.

Lúc đó bụng dạ lão thầy đang để đâu đâu, lão lắc đầu, lão còn bận nói chuyện cùng gã mặc áo trắng. Thỉnh thoảng thầy cũng dạy tôi mấy câu trong sách vở Trung Nguyên, cái gì mà “Khi em đã gặp được chàng. Rằng sao mà chẳng rộn ràng vui tươi?”(*), hay “Người quân tử khiêm tốn, mềm mại lấp lánh như ngọc”. Nói đi thì cũng phải nói lại, tôi cứ tưởng quân tử đều mặc áo trắng, thầy cũng thích mặc màu trắng, song lão thì quân tử cái nỗi gì, chẳng khác nào tuồng lưu manh.

(*Hai câu trong bài Phong vũ, thuộc phần Quốc phong – Kinh thi. Tạ Quang Phát dịch)

Thời gian Cố Tiểu Ngũ lán lại thành Tây lương, hắn ở tạm chỗ thầy. Nơi thầy ở bày biện như bao nhà của người Trung Nguyên khác, mát mẻ mà sạch sẽ, hơn nữa không dành chỗ nuôi lạc đà.

Tôi vẫn qua đằng nhà thầy chơi như thường lệ, dần dà trở nên thân thiết với Cố Tiểu Ngũ. Nghe nói hắn là thiếu gia tiệm chè, đám người hay qua lại với hắn, phần lớn là thương nhân buôn chè của Trung Nguyên. Trong buồng hắn ở, lúc nào cũng sẵn chè ngon để uống, còn có biết bao thứ ngon nghẻ khác, nào là bánh ngọt kiểu Trung Nguyên, rồi cả những món đồ chơi kì quái hay ho khác nữa, chúng khiến tôi quyến luyến mãi không rời. Mà đáng ghét nhất là, lần nào gặp Cố Tiểu Ngũ, hắn cũng hỏi: “Cửu công chúa ơi, bao giờ ta mới lấy được nàng?”

Tôi giận quá hóa thẹn, tất cả tại lão thầy mất nết mà sự tình mới thành ra nông nỗi này. Tôi thường lớn tiếng đáp: “Ta thà lấy Thái tử Trung Nguyên chớ quyết không lấy ngữ vô lại như chàng.” Hắn chỉ bật cười giòn tan.

Thực ra trong lòng tôi tự nhủ, tôi chẳng muốn lấy ai hết, ở Tây Lương vui thế này, cớ gì phải gả đến Trung Nguyên xa xôi kia?

Nói thế thôi, chứ sứ thần Trung Nguyên lại bắt đầu thúc giục phụ vương, thêm vào đó, Nguyệt Thị ở phía bắc núi Yên Chi, nghe tin Trung Nguyên phái sứ đến cầu thân với Phụ Vương, họ cũng sai sứ giả mang theo rất nhiều lễ vật đến Tây Lương.

Nguyệt Thị vốn là nước lớn nhất nhì trong toàn Tây Vực, binh sĩ nắm trong tay lên đến 10 vạn, họ dũng mãnh thiện chiến, phụ vương không muốn thất lễ, đành tiếp kiến sứ thần Nguyệt Thị trong vương cung. Tôi sai hầu gái đi nghe trộm họ bàn chuyện, hầu gái hổn hển chạy về len lén kể tôi nghe, vị sứ thần này bữa nay thay mặt Đại Thiền Vu bên Nguyệt Thị đến có ý dạm hỏi. Đại Thiền Vu Nguyệt Thị năm nay đã luống 50, Đại Yên Thị vợ lão là Nữ vương của Đột Quyết, vốn là chị ruột mẹ tôi, song vị Đại Yên thị này năm ngoái không may bệnh qua đời, mà bên cạnh Thiền Vu Nguyệt Thị cũng có khá nhiều Yên Thị, xuất thân từ những bộ lạc khác nhau, họ tranh chấp không ngơi nghỉ, chức Đại Yên Thị buộc lòng vẫn bỏ ngỏ.

Giờ Nguyệt Thị đánh hơi thấy Trung Nguyên phái sứ sang cầu hôn, họ cũng phái sứ bộ đến dặm hỏi Phụ vương, xin được cưới tôi về làm Đại yên thị nước họ.

Mẹ tôi nghe chuyện mà giận lắm, tôi cũng bực không kém. Lão Đại Thiền Vu kia rành rành đã là dượng tôi, lão đã ở cái tuổi râu bạc phơ rồi, mà lão còn muốn lấy tôi về làm Đại Yên Thị của lão, tôi mà thèm vào lấy một lão già. Phụ Vương không nỡ đắc tội Trung Nguyên, cũng không đành lòng thất lễ với Nguyệt Thị, người buộc phải ậm ờ lần lựa chưa vội quyết. Thế mà hai bên sứ thần đều lán lại trong Vương thành, về lâu về dài khó lòng trì hoãn được, tôi hạ quyết tâm, định bụng lén bỏ qua bên ông ngoại.

Hằng năm mỗi độ thu về, tầng lớp quý tộc Đột Quyết đều tập trung săn bắt trên đồng cỏ núi Thiên Hằng, Trung Nguyên gọi là “hội săn mùa thu”. Ông ngoại luôn nhắm đúng dịp đi săn rồi sai người đón tôi sang chơi, nhất là dạo 2 năm gần đây, sức khỏe ông không được tốt, hằng năm tôi sang, ông đều bảo: “Nom 2 mẹ con cháu giống nhau y tạc, khiến ông mừng lắm thay.” Theo tập tục người Đột Quyết, con gái đã xuất giá không được phép về nhà ngoại thăm cha mẹ, trừ phi bị đằng nhà chồng đuổi. Vậy nên lần nào tiễn tôi đi thăm ông, mẹ cũng phấn chấn lắm dặn tôi thay mặt mẹ đến vấn an họ hàng đằng ngoại bên Đột Quyết. Tôi lén tiết lộ cho mẹ nghe kế hoạch lần này, dẫu sao, mẹ cũng không bằng lòng gả tôi đến Trung Nguyên, song càng không muốn tôi lấy chồng Nguyệt Thị, mẹ giấu cha giúp tôi chuẩn bị nước và lương khô, rồi nhân lúc cha không có trong Vương thành, liền len lén đưa tôi chuồn ra ngoài.

Tôi cưỡi con ngựa nhỏ màu đỏ của mình, lao thẳng hướng núi Thiên Hằng.

Vương thành 3 mặt giáp núi, núi Yên Chi nhấp nhô trùng điệp vắt từ tây sang bắc, rặng núi cao ngút ngàn nối đuôi nhau tựa thân rồng uốn lượn, đôi khi giống với người khổng lồ vươn những cánh tay dài ôm trọn Vương Thành, ngăn gió chặn cát, ngăn không khí lạnh, biến Vương thành dưới chân núi trở thành một ốc đảo có khí hậu ấm nhuần. Hướng đông là núi Thiên Hằng có đỉnh cao chót vót, sừng sững giữa trời như muốn chọc thủng mấy tầng mây, chẳng khác nào tấm bình phong mà tiểu thương Trung Nguyên hằng buôn, chóp núi quanh năm đội nón tuyết trắng tinh tươm, nghe nói chưa một ai leo được lên đó. Vượt qua rặng núi, nơi có đồng cỏ xanh mơn mởn trải dài như bất tận chân trời – chính là quê ngoại.

Lúc ra khỏi thành, tôi để lại cho sư phụ một mảnh giấy, dạo này thầy rất bận, từ sau khi gã Cố Tiểu Ngũ đến đây, tôi cũng ít khi thấy thầy. Tôi nghĩ bụng mình đi Đột Quyết đợt này, ở đó qua mùa đông mới trở về được, thế nên tôi viết mảnh giấy, bảo thầy chớ quên chăm hộ tôi A Mã, A Hạ sau vườn nhà thầy. A Mã và A Hạ là hai chú chuột nhảy con con, tôi tình cờ tóm được. Phụ hoàng không cho tôi nuôi chuột trong phòng ngủ, tôi đành gởi lại chỗ thầy.

Nhân lúc trời đang mát mẻ, giữa đêm, tôi nối đuôi đội buôn ra khỏi Vương thành, đội lái buôn rẽ hướng Tây, tôi vòng hướng Đông.

Sa mạc về đêm tĩnh lặng quá, vòm trời đen mượt tựa nhung tơ như sà xuống trong tầm tay, từng đốm sao, đốm nào cũng to cũng sáng, lại gần, khiến người ta mường tượng tới giọt sương đọng trên lá nho cũng mang một cảm giác mát rượi như thế.

Tôi đi xuyên qua cồn cát rộng lớn, trông cỏ lác đìu hiu để chứng thực mình không hề nhầm đường. Con đường này hầu như năm nào chẳng 1 lần đi qua, có điều lúc ấy luôn đi cùng kỵ binh ông ngoại phái tới, hôm nay có mình tôi mà thôi. Ngựa nhỏ chạy băng băng, nó lao về hướng sao Bắc đẩu chỉ đường. Tôi bắt đầu nhẩm tính trong bụng, lần này gặp được ông, nhất định phải vòi ông sai đầy tớ bắt cho tôi 1 con chim biết hót.

Trời hửng sáng cũng là lúc tôi buồn ngủ díp mắt, ông mặt trời đỏ rực chẳng mấy mà sắp nhô cao, ánh hào quang màu tím nhạt ửng khắp vùng trời đằng đông, sao trên cao sớm đã khuất khỏi tầm mắt, một màu trắng phớt lộ trên nền trời xanh xám, như lớp da dê được bọn hầu mới lột, làn hơi nước toát ra từ vết cắt, bốc lên lưng chừng trời cao, cuộn mình thành lớp sương sớm mỏng manh. Bụng bảo dạ phải tìm chỗ nào đó nghỉ ngơi, gần về trưa, mặt trời thừa sức thiêu chết người, lúc ấy không phải thời gian thích hợp để lên đường.

Lội qua một dòng sông nhỏ trong veo mà có phần nông nông, tôi tìm gò đất râm mát, tụt xuống ngựa, để ngựa nhỏ tự đi gặm cỏ, còn mình gối đầu lên bọc lương khô, đánh một giấc mỹ mãn. Mãi đến khi nắng xiên đằng Tây, rọi vào mặt khó chịu vô cùng, lúc đó tôi đành thức giấc.

Tôi lôi lương khô trong bọc ra ăn, uống hết phân nửa túi nước, đong lại đầy đủ xong xuôi mới huýt sáo gọi.

Thoáng chốc từ mờ xa vẳng tiếng vó ngựa quen thuộc, ngựa nhỏ vùng chạy về phía tôi, mũi nó thở phì phì ra điều khoan khoái. Chẳng mấy mà kìm vó dừng trước mặt, nó tỏ vẻ thân quen liếm láp đánh hơi tay tôi. Tôi cũng vuốt chiếc bờm dài, đoạn bảo nó: “Ăn no rồi chứ?” Tiếc thay nó không biết nói, song nó biết dùng ánh mắt để nói lên cảm xúc, đôi mắt to hiền hòa phản chiếu bóng hình tôi. Tôi vỗ vỗ bụng nó, bỗng nhiên ngựa nhỏ không ngoan như mọi lần. Tôi lấy làm lạ, nó bỗng hí ầm ĩ rồi nện móng loạn xạ xuống bãi cỏ, hí vang rền tỏ vẻ vô cùng bất an, lẽ nào gần đây có sói?

Trên thảo nguyên loài đáng sợ nhất phải kể đến sói, chúng tụ thành bầy đàn, chúng dám đối chọi với bầy khỉ, dân du mục đơn độc chẳng may gặp phải chúng tất bỏ mạng. Có điều giờ đương mùa thu, là lúc cỏ tươi tốt mà nước cũng dồi dào, linh dương và thỏ hoang nhan nhản khắp nơi, thức ăn cho bầy sói khá dư dật, chúng ẩn mình trên núi Thiên Hằng chẳng dễ gì kéo bầy xuống đây, chúng không thể xuất hiện ở thảo nguyên này được.

Thế mà ngựa nhỏ tỏ vẻ cáu kỉnh mãi không yên ắt có cái lý của nó. Tôi lên ngựa, tiếp tục hành trình thẳng tiến chân núi Thiên Hằng, chân núi chính là lằn giáp ranh giữa Đột Quyết và Tây Lương, mẹ sớm đã sai người gửi thư báo ông ngoại, thể nào cũng có người đứng đó chờ tôi. Mò đến nơi có dân sống vẫn an toàn hơn cả.

Thúc ngựa chạy chưa bao xa, bỗng nhiên nghe có tiếng vó ngựa, tôi đứng trên yên ngựa ngó quanh quất, thấy thấp thoáng đằng xa có một đường đen bạc tốc lên, đoán chừng có không ít người. Lẽ nào phụ vương sai người đuổi theo tôi? Cách xa quá, quả thực nhìn không rõ cờ hiệu của đội kỵ binh đằng kia. Trong lòng thấp thỏm không yên, đành hối ngựa chạy thục mạng về đằng núi Thiên Hằng. Một khi đã chạm vạch ranh giới Đột Quyết, gặp được người của ông ngoại, cha cũng không thể miễn cưỡng bắt tôi về được.

Quân đuổi theo càng lúc càng gần kề, ngựa tôi điên cuồng lao về phía trước như một mũi tên đã bắn khỏi cung, nó lồng chạy trên thảo nguyên bao la. Nhưng giữa trời đất không gì ngăn cản, dẫu sức ngựa chạy nhanh đến mấy, sớm muộn gì chẳng bị bắt kịp.

Tôi không ngừng ngoái đầu nhìn đám binh sỹ truy đuổi mình, bọn chúng theo đuôi sít sát lắm rồi, ít nhất phải tầm nghìn tên. Giữa thảo nguyên, đám kỵ binh ấy quả thật gây thanh thế kinh người, cho dù là cha tôi, chỉ e người không tùy tiện điều động nhiều người đến thế đâu, nếu quả thực đến để bắt tôi, vậy chẳng phải chuyện bé xé ra to à. Tôi nửa thúc ngựa phóng như điên, nửa khó hiểu trong lòng, thế rút cuộc là binh sỹ ở đâu ra?

Chẳng mấy chốc, vó ngựa đã cập kề chân núi Thiên Hằng, từ đằng xa, tôi loáng thoáng thấy vài đốm đen, tai văng vẳng một tiếng ngân dài, đích thị bài ca chăn cừu của người Đột Quyết đây rồi, nó vọng vào tai quen thuộc mà thân thiết vô cùng, tự nhủ hẳn đây là người ông ngoại cử đến đón tôi. Tôi liền cật lực kẹp chặt bụng ngựa, thúc nó phải chạy nhanh nữa nhanh nữa vào. Đội quân Đột Quyết cũng nhận ra tôi, họ đứng trên yên ngựa, gắng sức vẫy tay ra hiệu.

Tôi cũng khua tay ra điều chào lại, đội kỵ binh sau đuôi tôi ắt họ nhìn thấy cả rồi. Ngựa phi mỗi lúc một nhanh, mỗi lúc một cập kề, tôi trông rõ cờ trắng của Đột Quyết. Đuôi cờ buông mình dài thượt, xõa tung trước gió chiều, chẳng khác nào một con cá dập dềnh giữa không trung. Người cầm cờ kia tôi có quen, chính là thần cung Hách Thất, Hách Thất là cung thủ dưới trướng được ông tôi trọng dụng nhất. Huynh ấy thấy đám kỵ binh đuổi theo tôi đông nghìn nghịt, liền hùng hồ cắm phịch cán cờ vào giữa khe đá, rút vội cây cung sau lưng ra.

Tôi đang rạp mình trên yên ngựa phóng băng băng song cũng thấy rõ, tôi cuống cuồng thét: “Ta không biết là người của ai đâu!” Tuy chúng đuổi theo tôi sát rạt thật, nhưng tôi vẫn muốn biết rõ rút cuộc là lính phe ai phái đi.

Khi khoảnh cách giữa tôi và Hách Thất rút ngắn trong tầm 10 trượng, tôi dần nới lỏng cương ngựa, sau lưng Hách Thất có chừng mười mấy cung thủ, dưới nắng lấp lánh chao nghiêng một buổi chiều hôm, tay họ lăm lăm mũi tên màu xanh sáng lóa, một mặt nheo mắt ngắm mục tiêu đằng trước là đám kỵ binh đuổi sát nút sau tôi, một mặt thúc ngựa quây tôi vào giữa phe mình, Hách Thất nở nụ cười tươi rói chào tôi: “Kính chào tiểu công chúa.” Đành rằng tôi không phải Nữ vương của Đột Quyết, sở dĩ họ nể mặt mẹ tôi, nên ngay từ thưở nhỏ, đám tay sai dưới trướng Đại Thiền Vu Đột Quyết đều xưng tụng tôi như thế. Tôi gặp được Hách Thất rồi thì lòng yên tâm hẳn, thậm chí cái mớ hơn ngàn quân truy đuổi đằng sau tôi cũng quên biến ngay tức khắc, tôi phấn khởi bảo: “Hách Thất, chào huynh!”

Đám quân tinh nhuệ ấy chỉ còn cách chúng tôi chừng hai tầm tên bắn(*), chúng đến kéo theo trời rung đất chuyển, tiếng vó ngựa rầm rầp sát rạt bên tai. “Chà!” dường như Hách Thất vừa thở phì một tiếng, dáng dấp tươi cười càng lộ vẻ khoái chí, “Quân đông thế này, định đánh nhau với chúng ta đây chăng?” Hách Thất nói đoạn giương cung, tên đã đặt trên dây nỏ, bên cạnh huynh ấy – cờ trắng của Đột Quyết đón gió tung bay phần phật. Khắp thảo nguyên, bất kì bộ tộc nào, hễ trông thấy lá cờ này giương lên ở đâu, tự khắc hiểu dũng sĩ dưới quyền Thiết Nhĩ Cách Đạt Đại Thiền Vu đang có mặt ở đó, kẻ nào dám đụng vào dũng sĩ của Đột Quyết, kỵ binh của Đột Quyết tất san phằng lều bọn chúng, diệt tận gốc thành viên thị tộc bọn chúng, bắt sạch dê bò nhà bọn chúng. Ở Ngọc Môn Quan này, có kẻ nào dám tỏ vẻ bất kính với lá cờ trắng này đâu cơ chứ!

(*hai tầm tên bắn: người xưa dùng khoảng cách xa khi bắn làm thước đo, mỗi tầm tên bắn khoảng 130 bước)

Thế mà trông bọn kỵ binh kia mỗi lúc một sát rạt, bọn chúng hung hăng hùng hổ, như thể tấm cờ này từ xưa đến nay chưa hề lọt vào mắt. Ánh tịch dương như dát vàng lên lớp giáp sắt đằng xa, dội lại một mảng ánh kim màu trong trẻo, tôi bất giác hít một hơi thật sâu.

Giáp mỏng, yên ngựa, mũ sắt… đích xác là kỵ binh của Nguyệt Thị. Tuy không giương cờ hiệu, song tôi vẫn phân biệt được, đây đích thị là quân của Nguyệt Thị. Mặc dù chưa một lần từng đến Nguyệt thị, nhưng tôi từng mon men ở phủ đô hộ bên An Tây, chứng kiến cảnh lính Nguyệt Thị thao luyện. Ngựa bộ lạc ấy toàn ngựa tốt, giáp trụ rõ nét, cung tên sắc bén, kỵ sĩ lại dũng mãnh thiện chiến vô cùng. Hách Thất cũng nhận ra, huynh ấy ngoái đầu nhìn tôi, đoạn bảo: “Công chúa, người chạy ngựa về hướng đông trước, lách qua sông Tân Lí, lều của Đại Thiền Vu ở đằng đông con sông.” Tôi gào lên nói: “Muốn đánh thì cứ đánh đi, ta há lại tháo chạy một mình sao.” Hách Thất gật đầu như tán dương, huynh nhường chuôi đao của mình cho tôi, tôi đón lấy thanh đao, lòng bàn tay rịn lớp mồ hôi. Bọn Nguyệt Thị lợi hại thế nào tôi thừa hiểu, huống hồ địch ở trước mắt quá nhiều, bọn chúng đông nghìn ngịt lao đến như vũ bão, dẫu Hách Thất là thần cung, song phe tôi cũng chỉ tầm mười mấy người, chỉ e có thế nào đi chăng nữa cũng khó lòng địch nổi.

Mắt đảo thấy đám kỵ binh kia càng lúc càng ép sát, thanh đao như sắp vuột khỏi tay, đã đành ngay từ tấm bé tôi tự nhận thấy mình không thua gì các anh trai, song nói thật ra thì, xuất trận đánh địch, có lẽ đây là lần đầu.

Cờ hiệu trắng phần phật tung bay ngay sau lưng tôi, vầng dương thụt dần xuống đằng chân trời nơi thảo nguyên, gió thổi cỏ chè vè nhấp nhô dậy sóng, chẳng khác nào sóng cát cuồn cuộn giữa một chốn sa mạc.

Trời đất thoắt cái đã nhuốm lạnh, tôi chớp chớp mắt, trách chăng lúc ấy có giọt mồ hôi lăn tròn rơi xuống khóe mắt cay xè, khó kiềm chế nổi khó chịu.

Bọn binh sĩ kia mắt trông cờ trắng, cuối cùng đành ghìm cương ngựa, chúng dàn ngang thế trận, áp sát dần. Hách Thất lớn tiếng quát: “Có Hách Thất của Đột Quyết ở đây, ngựa các ngươi đạp lên thảo nguyên Đột Quyết, lẽ nào toan không tuyên chiến mà đánh hay sao?” Tài bắn cung như thần của Hách Thất nổi danh khắp gần xa, Hách Thất trong tiếng Đột Quyết vốn có nghĩa là mũi tên. Nghe truyền một khi huynh ấy nhắm bắn trúng ngươi trái của con chim nhạn đang chao lượn trên trời, tuyệt nhiên sẽ không lệch sang ngươi phải. Lẽ đó mà Đại Thiền Vu vô cùng tin tưởng Hách Thất. Quả nhiên bọn kia vừa nghe đến cái tên Hách Thất, cũng khó tránh khỏi kinh động, 1 tên rong ngựa tiến lên, liến thoắng nói 1 tràng dài. Tôi mù tịt thứ tiếng Nguyệt Thị này, thảy là do Hách Thất dịch cho mà nghe, thì ra đám ấy vừa lạc 1 đứa nô lệ, thế nên mới đuổi tới đất này, còn như đây có phải địa giới của Đột Quyết hay không, thực ra biên giới giữa Nguyệt Thị, Đột Quyết và Tây Lương ở chân núi Thiên Hằng này, xưa nay vốn là việc chẳng ai quản lí, cứ gân cổ bảo đây là lãnh thổ của Đột Quyết, e có phần gượng gạo.

“Lạc mất nô lệ á?” Tôi lấy làm lạ, lập lại lời huynh ấy, gã thủ lĩnh phe Nguyệt Thị giơ roi ngựa trỏ vào tôi, rồi ngón tay múa máy nói gì đó. Hách Thất tỏ vẻ phẫn nộ lắm, to tiếng bảo: ‘Công chúa, hắn dám nói người chính là tên nô lệ bị lạc của chúng.” Tôi đâm bực mình, tuốt đao đoạn bảo: “Nói láo!” Hách Thất gật đầu: “Chúng chỉ kiếm cớ thôi.” Gã tướng quân Nguyệt Thị tiếp tục huyên thuyên, tôi hỏi: “Nó nói gì thế?” “Hắn nói nếu bên ta không giao người cho chúng, chúng buộc phải dẫn binh đến đánh cướp. Đột Quyết bao che cho nô lệ của Nguyệt Thị, đẩy hai nước vào thế giao tranh, thảy là do người Đột Quyết không biết điều.” Tôi điên lắm, phá lên cười: “Giờ hắn mới là kẻ không biết điều, còn dám đổ vạ cho phe ta à.” Hách Thất trầm giọng bảo: “Tiểu công chúa nói chí phải, có điều địch ỷ thế đông, lại nhằm vào tiểu công chúa…” Huynh ấy bảo: ‘Bẩm công chúa, người cứ đi về đằng đông tìm lều của đức vua, rồi phái viện binh đến. Bọn người Nguyệt Thị xấc xược vô lễ này, nếu không địch nổi, hẳn phải báo cho Đại Thiền Vu hay, chớ để mình rơi vào cái bẫy chúng giăng.” Nói đi nói lại, ý Hách Thất vẫn muốn để tôi rút lui trước đã. Dẫu trong lòng có phần sợ hãi, song tôi vẫn ưỡn ngựa, xẵng giọng bảo: “Huynh cử người khác về báo tin đi, ta không đi!” Hách Thất ngập ngừng đoạn bảo: “Tiểu công chúa ở đây, Hách Thất không đủ người để bảo vệ công chúa.” Tôi ngẫm một hồi, hiển nhiên lời huynh ấy nói rất chí lý, nếu mà tôi còn ở đây, chỉ e liên lụy đến bọn họ. Đành rằng tôi bắn tên cũng không tồi, song tôi chưa một lần ra trận đánh giặc, trong khi bọn họ đều là những dũng sĩ Đột Quyết được tôi luyện trên chiến trận.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...