Đơn Kiếm Diệt Quần Ma
Chương 11: Long tàng hổ ẩn Hoàn Bích Trang
Ngày hôm sau, ngay cửa khách sạn có một cái bảng lớn, trên đó viết Dư Vân đại phu chuyên chữa nội ngoại khoa, cho toa không lấy tiền, viết thư từ hộ người, không quản gì tiền nhuận bút nhiều ít. Những chữ viết trên bảng rất đẹp, ai cũng phải công nhận là bút pháp của danh gia.
Ngay đến mấy nhà nho có tên tuổi nơi đó cũng phải khen ngợi bút pháp đó là đẹp tuyệt. Hứa gia thôn này tuy chỉ có hai đường đại đạo thôi, nhưng vì gần hai cửa khẩu và là nơi vào sơn mạch Thiên Sơn, là chỗ buôn bán lớn các thứ da thú, cùng sâm nhung, thuốc bắc vân vân nên náo nhiệt vô cùng.
Các nhà đều có một tấm mành dày lớn treo ở ngoài cửa để cản bụi của xe cộ đi lại và cũng để tránh gió nữa.
Lúc ấy là hạ tuần tháng năm, vẫn chưa hết hè nhưng ngoài quan ngoại dù là tháng năm thật nóng nên cũng không thấy nóng chút nào. Chiều nào Dư Vân cũng đứng tựa trên cầu đá, trước rừng thông cách khách sạn nhỏ không bao xa. Dưới nước chảy xanh rì, những cây Thừ Thật (thuốc bắc) nổi lềnh bềnh trên mặt sông, sóng lá thông khẽ kêu véo von, mặt trời đang lặn xuống dãy núi, hồng hà đầy không gian, cảnh đẹp như bức tranh họa vậy.
Dư Vân một mình đứng ngẩng nhìn trời, khoanh tay dựa thành cầu, miệng ngâm nga những câu thơ cổ, có lúc ngồi trên ghế, cúi đầu nhìn nước chảy, hình như ưu tư vô hạn.
Dư Vân ở trong khách sạn đó rất được mọi người quí mến, ai gặp chàng cũng gọi là đại phu (thầy lang) và cũng có người gọi chàng là Dư tiên sinh chớ không dám gọi tên. Còn chàng thì vẻ mặt tươi cười luôn luôn, thấy ai cũng hớn hở chào hỏi.
Hai hôm đầu, những người tới thăm bệnh rất ít, nhưng dần dần mỗi ngày có tới mười người xin toa, vì chàng coi thường tiền bạc, gặp phải kẻ nghèo nàn tới thăm bệnh, chàng không những không lấy tiền mà còn tặng tiền cho người đó về bốc thuốc nữa.
Toa của chàng cho linh nghiệm như thần, nên tên tuổi của chàng không bao lâu đã truyền đi mọi nơi. Chu vi hơn trăm dặm ở quanh Hứa gia thôn không ai không biết có một đại phu tài giỏi tên là Dư Vân.
Hai tháng sau, có một ngày khi Dư Vân tiên sinh đang ngồi nhậu nhẹt với người trưởng quầy (tài phú) thì bỗng nghe thấy bên ngoài có tiếng ngựa hí, tiếp theo đó tấm mành vén lên, có ba đại hán đầu đội nón cỏ Long Tu thân hình vạm vỡ bước vào. Trong có một người lớn tuổi hơn hết, lớn tiếng hỏi:
- Lão chưởng quầy, ở đây có một thầy lang tên là Dư đại phu phải không?
Nghe thấy người nọ hỏi như vậy, lão chưởng quầy đứng dậy, vừa cười vừa đáp:
- Tưởng là ai, không ngờ Tôn đương gia đã tới, Dư đại phu đang ngồi ở đây.
Y giơ tay chỉ Dư Vân, chàng từ từ đứng dậy lên tiếng hỏi:
- Xin hỏi các hạ có việc gì muốn kiếm học sinh thế?
Đại hán họ Tôn ngắm nhìn Dư Vân một hồi, ha hả cả cười và đáp:
- Dư tiên sinh, số may đã tới. Cháu gái của chủ nhân chúng tôi đau ốm, mời tiên sinh đi thăm bệnh. Quí hồ ông có bản lĩnh thực sự, được lòng ông chủ chúng tôi, là ông tha hồ hốt bạc, sẽ được sung sướng suốt đời liền.
Nói xong y lại lớn tiếng cười một hồi.
Dư Vân tức giận vô cùng, liền đáp:
- Phàm là đại phu hành nghề, chữa bệnh cho thiên hạ, bất cứ giàu nghèo đều coi như một, nếu chỉ vì tiền mà hành y thì đó không phải là ý muốn của học sinh. Vậy bảo trang của quí đương gia ở đâu, xin cho biết học sinh sẽ tới sau.
Người họ Tôn ha hả cười nói:
- Dư tiên sinh, không ngờ tiên sinh lại cổ hủ đến thế. Lão đương gia của chúng tôi tên họ là Cung Thiên Đơn, biệt hiệu là Bạch Sơn Nhất Hạc, nhà ở trên núi Bút Giá thuộc dãy Trường Bạch. Tiên sinh đi tới đó cứ hỏi tên họ lão đương gia tôi là có người chỉ đường cho liền. Chẳng hay tiên sinh định đi bằng cách nào?
Dư Vân lúc này mới tỉnh ngộ, liền đáp:
- Thế ra quí đương gia là Cung Sơn chủ đấy, học sinh thật là tam sinh hữu hạnh. Tôn đương gia hãy chờ đợi giây phút, học sinh lên lấy chút đồ đạc ứng dụng đã.
Nói xong chàng vào nhà trong giây lát lại trở ra ngay, lúc này chàng mặc thêm một cái áo lông hồ ly ra ngoài, tay cầm mấy cuốn sách thuốc cũ và rách.
Tôn Khai Đình vừa cười vừa nói:
- Không ngờ Dư tiên sinh lại giàu kinh nghiệm đi lại giang hồ đến thế! Trên núi lạnh lùng mà gió lại mạnh nữa, chúng tôi là người luyện võ thì còn chịu đựng nổi. Chứ Dư tiên sinh yếu ớt thế này, không mặc thêm một vài cái áo, thì chưa chữa bệnh nhân, tiên sinh đã đau ốm trước, như vậy có phải là trò cười không?
Y vừa nói xong, hai người đi theo y và lão chưởng quầy đều cười ồ lên. Dư Vân cũng không nhịn được, ha hả cười theo rồi nói:
- Chúng tôi làm nghề y, bốc, tướng, sống trên giang hồ, coi bốn bể là nhà mà không biết điểm thông thường này thì còn làm lang y giang hồ sao được? Có phải thế không, Tôn đương gia?
Chàng lại quay lại nói với chưởng quầy rằng:
- Lão chưởng quầy làm ơn trông hộ căn phòng, xong việc tôi sẽ về ngay.
Lão chưởng quầy gật đầu lia lịa.
Dư Vân theo Tôn Khai Đình ba người đi ra ngoài cửa khách sạn, đã thấy bốn tên tráng hán khiêng một cái cáng tới. Cáng đi núi này chỉ có vùng quan ngoại mới có, tựa như cái kiệu mà lại không có mui, nhưng có chỗ tựa lưng, chỗ ngồi trải mấy lượt Ô Lai Thảo nên rất êm và rất ấm áp nữa.
Dư Vân thấy vậy thè lưỡi kinh hãi nói:
- Học sinh ngồi cái này leo núi thì sợ hãi lắm!
Tôn Khai Đình cả cười đáp:
- Nếu Dư tiên sinh sợ thì cứ việc nhắm nghiền mắt lại là hết hoảng sợ ngay.
Dư Vân lắc đầu tỏ vẻ bất đắc dĩ, trèo lên cái cáng nằm ngửa người ra. Bốn tên tráng hán hô to một tiếng, liền khiêng cáng lên, chạy nhanh như bay. Dư Vân ngồi trên đó rất là yên bằng, chỉ cảm thấy như đang đi trên sông nổi lên chìm xuống mà thôi, liền nghĩ thầm:
- Bốn người phu này chắc được huấn luyện lâu ngày rồi nên mới chạy nhanh và thuần thục như vậy.
Tôn Khai Đình ba người cưỡi ngựa đi trước ra khỏi Hứa gia thôn, chưa đầy năm dặm thì đã đến chỗ nhập khẩu Thiên Sơn. Trong chòi canh liền có người lên tiếng hỏi:
- Tôn đương gia, đã mời được Dư tiên sinh tới chưa?
Tôn Khai Đình trả lời:
- Đã đón về rồi, phiền thông báo cho tổng đường hay.
Người nọ nhận lời lại lẻn vào trong chòi canh ngay. Tôn Khai Đình ba người xuống ngựa, đi bộ lên núi. Khi cáng của Dư Vân vừa tới nơi, bỗng thấy trong chòi canh phóng lên ba mũi tên bốn bề vách núi có tiếng dội lại, rất là thánh thót.
Vào tới trong núi, đường đi càng ngày càng dốc ngược lên, mây bay tựa như ở dưới chân vậy.
Khinh công của bọn Tôn Khai Đình khá lắm, cứ nhẹ nhàng nhảy lên nhảy xuống, chỉ khổ mấy tên phu khiêng cáng thôi, mồm cứ kêu “dô ta!” luôn luôn, mồ hôi ướt đẫm cả quần áo, còn Dư Vân cũng sợ hãi kêu la không ngớt.
Lên tới lưng núi, cây cối rậm rạp quá, nên bốn bề tối om, những thú dữ rắn độc xuất hiện hai bên đường luôn, gió núi càng ngày càng thổi mạnh hơn, tiếng gào thét ở hai bên tai lướt qua, suốt dọc đường còn nghe thấy tiếng tên kêu bay lên trên mây cao, nhưng không hề trông thấy một bóng người.
Ba giờ sau, Dư Vân đã lên tới đỉnh núi, xa xa trông thấy các đỉnh núi khác phủ đầy tuyết trắng, chàng liền lên tiếng hỏi:
- Tôn đương gia, còn chưa lên tới nơi hay sao? Học sinh đã thấy lạnh quá rồi.
Tôn Khai Đình quay lại vừa cười vừa đáp:
- Đã đến nơi rồi, mời tiên sinh cúi đầu nhìn xem sẽ biết.
Dư Vân đang nằm ngửa, nghe nói gượng mãi mới ngồi dậy được và cúi đầu nhìn, thấy dưới thung lũng có nhà cửa ẩn hiện, tổng số độ trăm nóc.
Thung lũng ấy như cái đáy chảo vậy. Tổng đường của Thiên Sơn Phái nằm ngay dưới đó.
Lúc xuống dốc, Dư Vân cảm thấy tựa như đằng vân giá vũ vậy, sợ hãi đến mặt tái xanh, mãi khi tới đất bằng, đi vào trong cây thật rậm thì mới dám thở nhẹ một tiếng. Tôn Khai Đình quay lại trông thấy chàng sợ hãi như vậy, không nhịn được mà cười một hồi.
Vào trong rừng, bốn tên tráng đinh khiêng chàng cứ đi quanh co, khiến cho chàng nhức cả đầu óc, tối tăm mặt mũi lại. Chàng thấy bọn phu không đi vào con đường rõ rệt, lại xông vào những bụi cây mà đi, hình như họ theo phương vị Cửu Cung Bát Quái mà tiến vậy.
Ra khỏi rừng rậm, phía trước đã hiện ra nhà cửa liên miên, tiếng gà, chó sủa như các thôn quê ở dưới đống bằng vậy, khói trên mái nhà nghi ngút bốc lên.
Ai cũng tưởng nơi đây là một làng mạc của các nông trang, chứ không ai ngờ đây là ổ giặc.
Đi tới trước cửa một căn nhà to lớn, bốn tên phu mới ngừng chân và hạ cáng xuống. Dư Vân thấy hai cánh cửa này có đôi đầu hổ bằng đồng, nhưng hai cánh cửa đóng chặt, người ra vào phải đi cửa ngách ở bên.
Trước cửa có bốn đại hán tay cầm đại đao đứng canh gác. Thấy Tôn Khai Đình tới, một đại hán vội vào trong nhà. Ba tiếng thanh la vang động, hai cánh cửa sơn son thiếp vàng kia bỗng mở to.
Dư Vân biết chủ nhân đã nghênh đón mình như một quý khách vậy, chàng thấy một ông già tuổi độ bảy mươi, cùng mấy người nhanh chân đi ra tới ngoài cửa. Ông già mặt đỏ như son, râu tóc bạc phơ, nhất là đôi lông mày trắng dài xuống tới tai, đôi mắt như đèn ló, Dư Vân đoán chắc ông già đó là chủ nhân Cung Thiên Đơn cũng nên, liền cúi chào và nói:
- Học sinh bái kiến Sơn chủ hơi tới muộn một chút, như vậy đã thất lễ lắm rồi, mà bây giờ lại còn phiền Sơn chủ thân chinh hạ giáng như thế, thật đáng trách vô cùng!
Bạch Sơn Nhất Hạc Cung Thiên Đơn ha hả cười nói, đôi mắt lóng lánh như điện chớp, ngắm nhìn Dư Vân một cái, rồi nói:
- Dư tiên sinh khiêm tốn quá, bệnh của cháu gái lão rất nặng, cho nên mới phải phiền tới tiên sinh lên đây, chắc là đi đường vất vả lắm?
Dư Vân lại cúi chào và đáp:
- Không sao, cứu bệnh như cứu hỏa, xin Sơn chủ hãy dẫn học sinh vào trong thăm mạch cho lệnh tôn nữ đã.
Cung Thiên Đơn vuốt râu cười, rồi mời khách vào bên trong. Trong nhà có một cái sân lớn rộng, trồng đầy kỳ tòng cổ bách, hoa quế hoa lan, giữa sân lót gạch trắng thành một con đường đi nhỏ, hai bên lối đi trồng trồng mười mấy cây phong lớn.
Lúc ấy là cuối tuần tháng chín, lá phong đỏ như lửa, trông thật lòe loẹt, dưới ánh sáng mặt trời chói lọi, trong bụi cây ẩn hiện những đền đài lầu các, không kém gì nơi cư ngụ của các vương hầu.
Dư Vân được mời vào trong thư phòng. Căn phòng sách này không giống của sở hữu của những lục lâm cự khấu, mà phải là thư phòng của cao nhân ẩn sĩ mới đúng, trên vách còn treo những tranh họa, đối liễn của danh nhân nữa. Thằng nhỏ bưng trà lên mời xong, Cung Thiên Đơn liền mời Dư Vân vào nhà trong. Căn nhà lớn này, bố cục thực là siêu phàm tục, hành lang khúc khuỷu lại có cả lưu ly thủy các và Bích Sa Hiên nữa. Đầy tớ trai gái đông đảo vô cùng. Hai người đi tới một căn phòng thấy một con bé trạc độ sáu bảy tuổi, nằm mê man trên giường, mình phủ một tấm chăn lãnh, chỉ lộ bộ mặt nhỏ, tái mét vô thần.
Trong phòng lại còn có ba người: một bà cụ tóc trắng như bạc, đôi mắt phượng lóng lánh, tay cầm chiếc trượng đen nhánh, một thiếu phụ ước độ ba mươi, nhan sắc tuyệt vời, và một con sen độ mười hai, mười ba tuổi đang ngồi trên giường. Ba người đó thấy hai người bước vào vội đứng dậy chào. Cung Thiên Đơn giới thiệu cho Dư Vân, tay chỉ bà cụ già mà nói:
- Đây là phu nhân của ta.
Dư Vân liền cúi chào và nói:
- Học sinh Dư Vân bái kiến lão thái thái.
Cung Thiên Đơn lại chỉ thiếu phụ vừa cười vừa nói:
- Đây là tiểu thức (con dâu).
Dư Vân lại cúi chào và nói:
- Học sinh là Dư Vân tham kiến thiếu phu nhân.
Bà cụ già vừa cười vừa đáp:
- Dư tiên sinh khỏi đa lễ vậy, hãy thăm bệnh cho tiểu tôn nữ đã.
Dư Vân vâng lời tức thì, tiến tới cạnh giường, cầm tay con bé lên thăm mạch, đầu thì gật gà gật gù, lát lâu mới đứng dậy, nghiêm nét mặt nói:
- Sự thực bệnh của lệnh tôn nữ không trầm trọng tí nào. Chỉ do chút ít phong tà dẫn nên hàn nhiệt. Có lẽ lão Sơn chủ thái thái và thiếu phu nhân quá chìu chuộng mà nên, ngờ là hư nhược, cho uống sâm nhung thuốc bổ, mới dồn phong tà nhập ly, cứ xem lục mạch trầm số là biết ngay bên trong kết nhiệt, đáng lẽ phải cho uống thuốc phát tán, chỉ một thang là khỏi liền, nhưng bị đại phu tầm thường cho uống lầm thuốc nên mới...
Cung Thiên Đơn thấy cháu gái mình vẫn nằm mê man bất tỉnh, trong lòng lo ngại vô cùng, nay thấy Dư đại phu bảo bệnh tình không nguy ngập lắm nên mới khoan khoái một phần. Sau lại nghe thấy tại vì đại phu tầm thường cho uống lầm thuốc mà bệnh nguy cập thêm nên lo lắng vô cùng, vội vàng lên tiếng hỏi:
- Có thể chữa khỏi không, Dư tiên sinh?
Dư Vân vội đáp:
- Không sao, có thể chữa được. Học sinh cam đoan chỉ ba ngày là chữa khỏi em bé này ngay.
Nghe thấy chàng nói như vậy, Cung Thiên Đơn hớn hở vô cùng. Sau đó Dư Vân xin cáo lui cùng phu nhân và thiếu phu nhân rồi theo Cung Thiên Đơn đi ra ngoài thư phòng.
Dư Vân cầm bút lên nghĩ ngợi giây lát mới viết xong cái toa thuốc, rồi đưa cho lão Sơn chủ.
Cung Thiên Đơn cầm cái toa lên xem, kêu một tiếng liền nói:
- Dư tiên sinh, bút pháp của tiên sinh tốt quá, quả thực bình sinh tôi chưa hề trông thấy chữ ai lại đẹp như thế này bao giờ.
Dư Vân cứ khiêm tốn mãi. Có mấy văn nhân lúc đầu cùng Cung Thiên Đơn ra đón Dư Vân, lúc này cũng có mặt tại đó nghe thấy Sơn chủ khen ngợi như vậy thì chạy lại xem.
Trong ấy có một ông già tán dương hết lời:
- Quả thực chữ đẹp lắm, thật không kém bút pháp của danh gia!
Cung Thiên Đơn hai mắt nhìn tròng trọc vào mặt Dư Vân, trong lòng nảy ra một ý kiến, nhưng cho là nói lúc này hãy còn quá sớm, liền vừa cười vừa nói:
- Nếu tiên sinh chữa cho cháu gái lão khỏi, thế nào cũng phải hậu tạ tiên sinh.
Nói xong, lão Sơn chủ đưa cho thằng nhỏ cái toa, bảo ra gọi người đi hốt thuốc ngay. Ba ngày hôm sau, quả nhiên đứa bé khỏi bệnh tức thì. Cung Thiên Đơn liền dắt cháu gái đến thư phòng cảm tạ.
Dư Vân nói:
- Không dám!
Chàng liền ẵm con nhỏ lên hôn hít, rồi đặt xuống vừa cười vừa nói với Cung Thiên Đơn:
- Việc ở đây đã xong, học sinh xin cáo từ xuống núi.
Cung Thiên Đơn cười đáp:
- Tiên sinh hãy chớ vội trở về Hứa gia thôn, Cung mỗ còn một việc này muốn phiền nhiễu tiên sinh. Chúng tôi ngưỡng mộ văn thái của tiên sinh, định mời tiên sinh về dạy bảo cho cháu nó, và phụ trách chức vụ thư ký, mỗi năm lão xin tặng tiên sinh hai ngàn lượng bạc. Mong tiên sinh đừng có khước từ.
Dư Vân ngẩn người giây lát, mới lắc đầu đáp:
- Được lão Sơn chủ coi trọng học sinh như vậy, hân hạnh biết bao. Nhưng tánh học sinh ưa quen đời sống như nhàn vân giả bạc, chỉ mong còn sống ngày nào thì chu du thiên hạ ngày đó. Việc lão Sơn chủ sai khiến, học sinh không dám nhận lời là thế.
Cung Thiên Đơn chau đôi lông mày rồi nói:
- Dư tiên sinh, Cung mỗ là người rất hay chuộng nhân tài, xin tiên sinh chớ có khước từ. Hiện giờ vẫn còn là thời tráng niên, sau này tiên sinh muốn ngao du sơn thủy, còn vô số thì giờ. Cung mỗ chỉ giữ tiên sinh ba năm thôi.
Tiên sinh không phải là người trong võ lâm, và cũng không phải là người trong môn phái chúng tôi. Vả lại trong ba năm tiên sinh lưu ở đây, vẫn được tự do như thường, muốn ra vào sơn trang tùy theo ý muốn của tiên sinh, chứ Cung mỗ quyết không hạn chế. Đồng thời người trong Hoàng Bích Sơn Trang này rất nhiều, tiên sinh ra tay cứu độ nhân quần.
Nói xong, lão Sơn chủ tỏ vẻ thành khẩn mong chờ Dư Vân trả lời.
Dư Vân trầm ngâm giây lát rồi khảng khái đáp:
- Nếu lão Sơn chủ coi trọng học sinh như vậy, học sinh còn chối từ nữa thì vô tình quá, nhưng học sinh phải thú thật với lão Sơn chủ là xưa nay học sinh vẫn có thói quen rất xấu là thích ngủ trưa, và trong lúc ngủ say không muốn ai quấy nhiễu tới, vậy mong Sơn chủ phá lệ cho phép học sinh được như vậy.
Cung Thiên Đơn cả cười đáp:
- Mỗ tưởng là việc lớn lao gì! Tiên sinh nên biết phòng này và phòng ngủ của tiên sinh sẽ được coi là cấm địa, nếu không có việc cần, cấm ngặt bất cứ là ai ra vào hai nơi đây.
Dư Vân cả mừng, liền xin phép Cung Thiên Đơn trở xuống Hứa gia thôn để lấy hành lý, đồng thời chữa nốt cho mấy bệnh nhân mà chàng còn đang chữa dở.
Cung Thiên Đơn nhận lời ngay, và còn tặng chàng năm trăm lượng bạc để may mặc thêm.
Về tới Hứa gia thôn, Dư Vân ở lại năm ngày ăn nhậu chuyện trò với người chưởng quầy cho tới mãn cuộc vui mới trở lại Hoàng Bích Sơn Trang.
Từ đó trở đi, Dư Vân suốt ngày chỉ quanh quẩn ở trong thư phòng, ngoài việc dạy bảo con nhỏ qua loa, chàng còn viết chữ ngâm thơ, phong hoa tuyết nguyệt, hay là nhậu nhẹt say sưa, cũng có khi đi ra ngoài tản bộ, thưởng thức sơn thanh thủy tú.
Bạch Sơn Nhất Hạc Cung Thiên Đơn rất coi trọng chàng, còn tặng cho một cái cờ lệnh lông đỏ, để chàng có thể tự do đi lại, vì thấy chàng là một nhà văn thì làm sao qua nổi những sườn núi vách cao chót vót được, cho nên lão Sơn chủ mới khái nhiên mà tặng cái cờ lệnh quan trọng ấy, lại còn cho một đứa nhỏ mười hai tuổi tên là Phẩm Nhi chuyên môn hầu hạ chàng nữa.
Ngày hôm đó, Tú Vân cháu gái của lão Sơn chủ, trên đầu kết hai cái đuôi sam, nhảy nhót tới thư phòng, trông thấy Dư Vân liền gọi:
- Lão sư, cha con đã về, đem về rất nhiều bánh kẹo cho con. Cha con nghe nói lão sư chữa khỏi bệnh cho con, muốn được gặp lão sư ngay. Lão sư, chúng ta vào trong nhà đi.
Nói xong, Tú Vân lôi kéo áo Dư Vân đi. Chàng ha hả cả cười, liền cùng Tú Vân đi vào nhà trong.
Trong khách sảnh, chỉ nghe thấy tiếng cười hùng mạnh của Cung Thiên Đơn vọng ra, vừa thấy mặt Dư Vân đi tới, lão Sơn chủ liền đứng dậy mỉm cười nói:
- Tiểu nhi là Cung Linh Phi ở Trung Nguyên mới về, nghe nói Dư tiên sinh y thuật thông thần, và cháu gái lại được tiên sinh chữa cho khỏi liền, nên mời tiên sinh ra để cảm tạ.
Nghe lão Sơn chủ nói xong, chàng vội chắp tay vái chào người trung niên nọ và nói:
- Học sinh bái kiến thiếu trang chủ.
Cung Linh Phi cả cười đáp:
- Dư tiên sinh, chúng tôi là người trong võ lâm, làm gì có nhiều lễ phép như thế này đâu. Trước hết xin để cho mỗ cảm tạ tiên sinh trước đã.
Dư Vân khiêm tốn vài lời xong, lại quay sang thỉnh an lão thái thái và thiếu phu nhân, rồi mới cáo từ rút lui. Lão Sơn chủ vội giữ chàng lại dùng cơm.
Chỉ trong phút chốc, con sen đã bày mâm cơm thịnh soạn lên rồi. Dư Vân ngồi một bên, vừa ăn vừa trò chuyện. Cung Linh Phi trịnh trọng nói với lão Sơn chủ rằng:
- Con ở Giang Nam về, nghe nói kẻ thù của nhà ta là Hoắc Sơn Nhị Tú cùng với nhiều tay cao thủ tới Hoàng Bích Sơn Trang này để báo thù một chưởng năm xưa.
Lão Sơn chủ ha hả cả cười rồi nói:
- Hoắc Sơn Nhị Tú không tới đây thì thôi, chớ bọn y tới thì ta sẽ đánh cho chúng một trận nên thân mà xem. Thiết nghĩ Thiên Sơn Bang của chúng ta là một tổ chức đạo tặc, nhưng không bao giờ cướp bóc những tiền tài có nghĩa có nhân đức. Còn Hoắc Sơn Nhị Tú chuyên môn cướp bóc, dâm tà, chuyên làm những việc phi nghĩa, năm nọ chúng còn dám va chạm Thiên Sơn Bang của chúng ta nữa, nên ta mới dùng Đại Lực Hỗn Nguyên Chưởng đánh cho tên Vi Lân Thụy, anh cả của bọn chúng một chưởng. Thấy y tạo nên tên tuổi ngày nay cũng không phải là dễ, nên chỉ dùng có năm thành chân lực thôi, chứ không y còn sống sót sao được.
Cung Linh Phi vừa cười vừa nói:
- Con nghe người ta nói Hoắc Sơn Nhị Tú đã luyện thành một môn võ tuyệt nghệ. Như vậy chúng ta không nên coi thường bọn chúng thì hơn.
Lão thái thái tiếp lời nói:
- Chúng tới đây lần này, mẹ sẽ cho chúng nếm mùi Nhị Thập Bát Thiểm Điện trượng pháp, lúc ấy con sẽ thấy công lực của mẹ đã tiến hơn trước bao nhiêu.
Cung Linh Phi cung kính mỉm cười đáp:
- Mẹ, không ngờ mẹ đã tuổi tác thế này mà vẫn còn hứng thú như vậy!
Dư Vân ngồi cạnh đó cứ cắm đầu ăn uống, hình như không có hứng thú nào về việc đấu võ vậy, nên chỉ hạ thấp giọng nói vừa cười vừa chuyện trò với Tú Vân thôi.
Bỗng Cung Linh Phi lại cười và nói:
- Hiện nay tại Trung Nguyên lại có hai vụ khá sôi nổi xảy ra. Một là mới nẩy ra một người gọi là Quái Thủ Thư Sinh, còn tên họ thật là gì thì không ai biết cả. Nghe nói Tang Tu Quái Tú đứng đầu Thập Tam Tà cũng bị hại trong tay thư sinh kỳ dị ấy, mới đấu một hiệp mà Quái Tú đã bị gãy hết hai cổ tay và bị điểm trúng huyệt tàn phế nữa. Đồng thời Âm Dương Song Kiếm cũng bị tên thư sinh ấy đánh thua, vì thế Hồng Kỳ Bang chủ Vũ Văn Lôi sợ hãi đến mất cả hồn vía, và phải chịu rút lui thế lực ra khỏi toàn cõi Tô Bắc.
Lại còn một tin kinh người hơn nữa là tại Thạch gia trang, một mình thư sinh kỳ dị ấy đánh bại mười chín trại chủ của Thanh Phong Bang, ngày hôm sau Cưu Thần Sách Thiên Lý cũng chết ở trong tay y. Việc này chấn động cả đại giang nam bắc. Theo mọi người tường thuật thì Quái Diện Thư Sinh tuổi rất trẻ, mặt mũi khôi ngô anh tuấn lắm. Chỉ tiếc rằng, con chưa được gặp mặt người ấy chớ không thế nào con cũng làm quen với y.
Cung Thiên Đơn nghe thấy con nói vậy, hớn hở vừa cười vừa nói:
- Không những con muốn làm quen với người ta, cả lão già này cũng muốn được quen biết xem thư sinh ấy mặt mũi ra sao. Còn vụ thứ hai là gì?
Cung Linh Phi vừa cười vừa nói:
- Việc này đồn đãi khắp võ lâm, là Truy Hồn Phán Tạ Văn năm xưa oai trấn Hà Lạc, đã chết trong núi Võ Công, bây giờ lại xuất hiện trên giang hồ.
Cung Thiên Đơn kinh ngạc “ủa” một tiếng rồi nói:
- Chính y thật à? Thế thì khó tin quá!
Cung Linh Phi tiếp lời nói:
- Đúng thật đấy! Ngay như con cũng không tin. Lan Thương Song Sát Đồng Bách Sơn Ngũ Độc chân nhân và Tam Thủ Ngô Công Phục Linh Đạc đều bị thương trong tay Tạ đại hiệp, nhưng không ai được chính mắt trông thấy cả. Chỉ nghe tin đồn của giang hồ rằng Truy Hồn Phán đang điều tra những kẻ thù năm xưa vây đánh ở Tam Xương là những ai, rồi sẽ diệt trừ hết để trả mối thù đó.
Lão Sơn chủ chau mày vừa cười vừa nói:
- Nếu bọn Phiên Thiên Thủ Hồng Cát Vạn nghe thấy tin này, chắc ba ngày ba đêm ăn ngủ không yên mất.
Cung Linh Phi bỗng nhìn ra ngoài rồi nói:
- Hồng đại thúc còn ở Cửu Hồi Các nữa không?
Cung Thiên Đơn gật đầu đáp:
- Chú ấy còn ở trên đó, nhưng có dám ra khỏi núi này nửa bước đâu. Mấy tay thù địch năm xưa đều muốn giết chết chú ấy tức thì, cho nên y mới chạy lên trên Hoàng Bích Sơn Trang này ẩn núp, thấm thoát đã được mười năm rồi. Nay y lại hay tin Truy Hồn Phán tái xuất thì y lại càng không dám ló đầu ra khỏi núi này nữa. Tuy nhiên những người vây đánh Truy Hồn Phán năm xưa đều bịt mặt hết cả, nhưng với đầu óc tinh minh của Truy Hồn Phán thì ông ta điều tra ra không khó khăn gì cả.
Nói cho đúng, Hồng Vạn Thông cũng nhiễu sự thiệt, việc đó có liên quan gì tới y đâu mà y cũng tham dự vụ tập kích ấy làm gì? Sư đệ của y là Khương Hùng, tội ác tày trời, dù không bị Truy Hồn Phán tiêu diệt, thì gặp phải chúng ta, y cũng khó mà sinh tồn được. Thế mà Hồng Vạn Thông lại còn vác mặt báo thù hộ sư đệ mất dạy ấy.
Chú Vạn Thông suốt đời lép vế hơn người cũng chỉ vì không biết phải trái thật hư mà nên cả.
Cung Linh Phi vừa cười vừa nói:
- Cha, sao cha lại nói như vậy? Chẳng lẽ sư đệ bị người ta giết chết mà sư huynh lại không trả thù cho hay sao? Nếu làm thinh không ra tay để các người trong võ lâm hay biết, thì mặt mũi nào trông thấy những người đó nữa?
Cung Thiên Đơn nghiêm nét mặt đáp:
- Con không được nói bậy như vậy. Con phải biết, nếu chú ấy định báo thù cho sư đệ thì phải quang minh chính đại mà ra tay, hà tất phải lén lút đánh trộm như thế? Cho nên cha mới phản đối hành vi thiếu quang minh là thế đấy.
Cung Linh Phi mặt đỏ bừng, lão thái thái vừa cười vừa nói:
- Thôi thôi, hai cha con hà tất vì chuyện người mà tranh luận đến gây cấn như thế? Để Dư tiên sinh ngồi một mình không ai tiếp thế này?
Dư Vân đang trò chuyện vui cười với Tú Vân nghe nói vội đáp:
- Không sao, việc trong võ lâm, học sinh không hiểu biết một tí gì thật. Thiếu trang chủ mới từ xa về, tất phải tận hưởng lạc thú thiên luân. Còn như học sinh đây làm khách khắp gầm trời góc biển, nửa đời người phiêu lưu, mong sao được như vậy?
Mấy lời này là Dư Vân thốt trong tự đáy lòng, đều là lời nói chân thành chớ không có chút thành phần gì giả dối nào trong đó.
Lão Sơn chủ sợ Dư Vân phật ý, vội quay lại tiếp chuyện, nhưng hai người một văn một võ nên không thể nào hợp chuyện được.
Cũng may lão Sơn chủ lịch duyệt nhiều, ý kiến không đến nỗi xa nhau quá. Cơm no rượu say rồi, Dư Vân mới cáo từ trở về thư phòng.
Đêm hôm ấy, chàng trằn trọc không sao ngủ được liền đem cái ghế ra ngoài thư phòng ngồi. Lúc ấy là tháng mười, tiết trời ở quan ngoại rất lạnh nhất là trên núi Trường Bạch lại càng giá lạnh hơn, Dư Vân ngồi ngẩn người ra, không biết đang nghĩ ngợi cái gì, cho tới canh tư, trời đổ mưa thì mới chịu trở về phòng ngủ.
Sáng sớm hôm sau, chàng dạy Tú Vân học xong, thằng nhỏ bưng nước trà lên thì lão Sơn chủ mặt nghiêm nghị bước vào thư phòng.
Chàng vội đứng dậy thi lễ. Lão Sơn chủ xua tay bảo miễn, mỉm cười và nói:
- Dư tiên sinh, có lẽ ngày hôm nay Hoắc Sơn Nhị Tú tới đây báo thù, nếu không có việc gì quan trọng thì tiên sinh chớ có ra khỏi thư phòng này một bước, vì e bảo vệ không được chu đáo nhỡ để tiên sinh bị vạ lây thì không tiện tí nào. Tiên sinh hễ thấy người lạ mặt, hay có tiếng động gì, cứ việc ẩn núp ở trong phòng, chớ nên lộ diện...
Vừa nói lão Sơn chủ chỉ Phẩm Nhi nói:
- Thằng nhỏ Phẩm Nhi này cũng biết đôi chút võ nghệ, có nó bảo vệ tiên sinh cũng có thể được.
Dư Vân mặt tái mét, vội đáp:
- Việc này... Học sinh tự biết lo liệu lấy. Lão Sơn chủ khỏi phải lo ngại cho học sinh.
Lão Sơn chủ nói:
- Như vậy càng hay.
Nói xong, lão Sơn chủ liền đi ra.
Dư Vân thở dài một tiếng, thấy Phẩm Nhi đứng ở cạnh cửa nhìn mình cười khỉnh.
Dư Vân nghiêm nét mặt khẽ quát rằng:
- Con khỉ con kia, dám vô lễ với thầy giáo như thế? Thế nào cũng có ngày cho mày biết tay.
Phẩm Nhi vừa cười vừa đáp:
- Phẩm Nhi có dám khinh thị tiên sinh đâu, cháu chỉ buồn cười vừa rồi lão Sơn chủ nói có người gì đó tới thì tiên sinh đã sợ đến tái mét...
Nói tới đó, Phẩm Nhi bỗng ngừng lại không nói nữa.
Dư Vân trợn mắt, nổi giận nói:
- Con khỉ con, mi chớ đắc chí vội. Lão Sơn chủ vừa nói mi cũng biết vài ba thế võ phải không? Mi thử giở một thế cho ta xem nào. Tuy ta không biết võ nghệ, nhưng xem người ta múa võ, ta cũng có đôi chút kinh nghiệm. Mi cứ ra tay đi, ta chỉ xem qua là biết ngay là mi có đủ sức bảo vệ ta không tức thì. Nếu mi võ nghệ kém quá, tới lúc hữu sự ta đành phải chui xuống gầm giường ẩn núp thì lại an toàn hơn.
Phẩm Nhi nghe nói, không sao nhịn được, lớn tiếng cười một cách ngây thơ, rồi khẽ nói với Dư Vân rằng:
- Tiên sinh này, Phẩm Nhi mới học được một trò nghề này, nhưng tiên sinh chớ nói cho lão Sơn chủ hay mới được. Nếu người biết thì Phẩm Nhi bị mắng chửi liền đấy.
Nói xong nó kéo vạt áo lên lấy ra ba cái thủ tiễn (tên ném bằng tay) dài chừng năm tấc, phân lượng rất nhỏ và mỏng như giấy, vừa cười vừa nói với Dư Vân rằng:
- Tiên sinh nhìn kỹ nhé!
Y chân đứng theo Tý Ngọ trang, tay phải giơ thẳng ra, chỉ ném mạnh một cái, ba đạo ánh sáng bạc thấp thoáng một cái rồi nghe “tốc” một tiếng, đã thấy pho tượng gỗ để trên thư án đã bị ba mũi tên đó cắm trúng rồi.
Dư Vân giật mình kinh hãi, cầm pho tượng lên xem thì thấy một mũi trúng ngực còn hai mũi còn lại trúng vào hai mắt, mỗi mũi đâm sâu ba phân.
Dư Vân thấy Phẩm Nhi còn nhỏ tuổi mà sức cổ tay đã mạnh như thế thì thật hiếm có, chàng ngạc nhiên vô cùng, vì không ngờ thằng nhỏ lại có công lực như vậy.
Dư Vân khen ngợi luôn mồm và hỏi rằng:
- Môn này ai dạy cho mi thế?
Phẩm Nhi vừa rút ba mũi tên ra vừa tủm tỉm cười đáp:
- Phép thủ tiễn này là do lão phu nhân giấu lão Sơn chủ truyền thụ cho Phẩm Nhi đấy.
Dư Vân kinh ngạc vô cùng, liền hỏi:
- Lão thái thái dạy mi thật à...? Lão thái thái lại giỏi võ công đến thế ư?
Phẩm Nhi thấy dáng điệu của Dư Vân ngây ngô quá, không nhịn được cười rồi ngây thơ đáp:
- Dư tiên sinh tất nhiên là không biết rõ rồi. Cả gia đình lão Sơn chủ chúng tôi đều có võ công rất cao. Lão thái thái là Diệp Hàn Sương, biệt hiệu là Bạch Phát Cưu Trượng Bà (bà cụ tóc bạc cầm gậy đầu con chim Cưu) giương danh quan ngoại này lâu năm rồi. Tiên sinh tuy không phải là người trong võ lâm, nhưng dù sao cũng có nghe thấy...
Phẩm Nhi nói tới đó, hình như nghe thấy cái gì, vội lắng tai nghe... Rồi thoáng một cái như một làn khói chạy biến mất.
Dư Vân bỗng giật mình cả người. Đêm hôm ấy, dưới ánh trăng trắng có hai bóng đen như hai con chim ưng lướt qua thư phòng, bỗng lại nghe thấy mấy tiếng quát tháo, tiếp theo đó là tiếng va chạm của khí giới, cuối cùng có vài tiếng nói, rồi yên tĩnh hẳn, chỉ còn nghe thấy gió thổi động giấy trên cửa sổ thôi.
Phẩm Nhi hấp tấp chạy vào trong thư phòng và xông cả vào trong phòng ngủ của Dư Vân, không thấy động tĩnh gì và cũng không thấy tung tích của Dư Vân đâu cả. Thằng nhỏ ngẩn người ra giây lát, hình như đang nghĩ ngợi gì vậy, bỗng y kinh hãi lùi lại một bước rồi quay mình chạy thẳng ra bên ngoài.
Một lát sau, Phẩm Nhi dẫn lão Sơn chủ và Thiếu Sơn chủ vào, rồi lên tiếng gọi:
- Dư tiên sinh.
- Hả...
Tiếng trả lời ấy hình như phát tự dưới gầm giường, rồi có tiếng “sột soạt”, có người hất tấm chăn trùm đầu và ló đầu ra coi, rồi từ từ bò ra.
Lão Sơn chủ Cung Thiên Đơn và Thiếu Sơn chủ Cung Linh Phi thấy mặt Dư Vân sạm đen lại, quần áo đầy bụi bẩn, ai nấy đều cố gượng cho khỏi cười.
Lão Sơn chủ nói:
- Vừa rồi có hai đồng đạo tới đây báo tin, cho hay đêm nay Hoắc Sơn Nhị Tú các người sẽ tới. Nhưng vì không biết là người nhà nên các vọng gác xông ra đón đánh, mới gây nên sự lầm lẫn như vậy, và làm cho Dư tiên sinh hoảng sợ một phen.
Dư Vân chữa thẹn cười ngượng một tiếng và đáp:
- Học sinh nghe thấy tiếng khí giới va chạm chưa kịp ẩn núp, bất đắc dĩ mới phải chui vào gầm giường như vậy, nên đã làm trò cười cho lão Sơn chủ...
Cung Linh Phi trông thấy Phẩm Nhi đang bịt miệng cười thầm, vội quát lớn:
- Phẩm Nhi, mi có mau đi lấy nước ra đây cho Dư tiên sinh rửa mặt không?
Phẩm Nhi vội cầm chậu ra lấy nước, vừa đi vừa khúc khích cười.
Cung Linh Phi vừa cười vừa mắng chửi theo:
- Láo thật!
Trò chuyện vài câu, lão Sơn chủ và Thiếu Sơn chủ cáo từ đi ra.
Phẩm Nhi bưng chậu nước vào, vừa cười vừa nói:
- Dư tiên sinh, đêm mai trên núi Giá Bút ở phía sau núi có cuộc vui náo nhiệt lắm, chẳng hay tiên sinh có muốn đi xem không? Phẩm Nhi có thể đưa tiên sinh lên núp vào một nơi kín đáo để xem trộm.
Dư Vân quát lớn:
- Con khỉ con, tại sao mi lại dẫn lão Sơn chủ và Thiếu Sơn chủ vào đây? Bây giờ mi lại còn lập tâm đưa ta đi xem cuộc vui nữa. Đêm mai mi muốn đi cứ đi một mình, ta không đi đâu. Cổ nhân đã dạy rằng “Binh hung chiến nguy”, hay ho gì mà đi xem nào?
Phẩm Nhi thấy Dư Vân hủ quá, ha hả cả cười rồi đi ra. Dư Vân nhìn theo lắc đầu thở dài nói:
- Thằng nhỏ này...
Canh ba đêm hôm sau, trên đỉnh Giá Bút chỉ thấy đao ảnh và bóng kiếm, tiếng quát tháo rung động cả thung lũng, tới khi trời sắp sáng tỏ, lão Sơn chủ người dính đầy máu, ôm tay trái đi vào trong thư phòng, hiển nhiên đã bị thương rồi. Dư Vân đang ngồi trên ghế, chắc suốt đêm không ngủ. Phẩm Nhi thì phục trên bàn đang nằm ngủ ngáy khò khò.
Thấy lão Sơn chủ vào, Dư Vân vội đứng dậy, kêu “ủa” một tiếng rồi hỏi:
- Lão Sơn chủ bị thương đấy à?
Nói xong chàng vỗ vai Phẩm Nhi một cái, thằng nhỏ tỉnh ngay.
Cung Thiên Đơn mỉm cười đáp:
- Bị thương chút xíu có nghĩa lý gì đâu. Cảm phiền tiên sinh xem hộ coi có tổn thương đến gân cốt không? Có lẽ máu ra nhiều quá, nguyên khí đại thương, xin tiên sinh kê cho một toa thuốc bổ để ta điều dưỡng hai ba ngày là mạnh liền. Nếu đêm hôm qua không có người ra tay ngầm tương trợ, thì Cung mỗ bị thương dưới kiếm của Hoắc Sơn Nhị Tú cũng nên, nhưng không biết người đó là ai thế.
Dư Vân vừa khám xét vết thương vừa đáp:
- Lão Sơn chủ phúc thọ kiêm toàn tất có trời giúp cho... Vết thương không nặng lắm, để học sinh kê một cái toa bồi bổ là khỏi liền, bên ngoài thì dùng Băng Cơ Tán rịt, chỉ hai ngày là cùng, có thể co giãn như thường ngay.
Nói xong, chàng vội vàng kê luôn một cái toa, đưa cho Phẩm Nhi đi hốt thuốc.
Cung Thiên Đơn liền kể chuyện giao chiến Hắc Sơn Nhị Tú cho Dư Vân nghe. Lúc gần canh ba, trời rất sáng trăng, Cung Thiên Đơn cùng Cung Linh Phi và hơn hai mươi người đã đứng chực sẵn trên đỉnh núi đợi chờ.
Một lát sau, bỗng nghe thấy tiếng rú rất dài, sơn cước liền chấn động hồi âm, lâu lâu không ngớt, sau đó thì đã có mấy chục người xuất hiện, chỉ trong chớp mắt bọn người đó đã phi thân sang đỉnh núi Giá Bút rồi. Cung Thiên Đơn kinh hãi thầm và tính toán rằng:
- Hoắc Sơn Nhị Tú tới đây định trả thù một chưởng năm xưa, và hình như bọn chúng định nhất cử san bằng Bích Hoàn Sơn Trang này chăng? Lạ thật, xung quanh các khoảng núi này ta có những mười một chòi canh mà sao không thấy một tên tráng đinh canh gác nào đốt pháo cây bông báo hiệu thế...? Chẳng lẽ bọn chúng đã bị địch thủ tiêu diệt cả?
Trong lúc lão Sơn chủ đang nghi hoặc, Hoắc Sơn Nhị Tú đã tiến đến trước mặt rồi, theo sau là những giang hồ kỳ sĩ của tam sơn ngũ nhạc.
Nhị Tú râu bạc phất phới trước gió đêm đang thổi lộng, tay áo và tà áo kêu “soạt soạt” theo nhịp bước đi. Người anh trong Nhị Tú là Vi Thụy Lân cười nhạt một tiếng rồi nói:
- Cung Thiên Đơn, hôm nay không ngờ chúng ta lại gặp nhau nơi đây. Năm xưa lúc từ biệt Vi mỗ đã nói lại những lời gì, chắc bây giờ bạn còn nhớ kỹ. Khi anh em Hoắc Sơn tái xuất giang hồ, tức là ngày mạt kiếp của Hoàng Bích Sơn Trang này đấy.
Cung Thiên Đơn ngẩng đầu lên trời cả cười một hồi rồi đáp:
- Vi Thụy Lân, lời nói của bạn còn văng vẳng bên tai, mỗ quên sao được. Mỗ chỉ tưởng bạn nói thế để đỡ hổ thẹn mà thôi, không ngờ các ngươi lại giữ lời thề ấy mà đến Hoàng Bích Sơn Trang này. Nhưng bạn còn quên câu, phải lấy được tánh mạng của lão...
Vi Thụy Lân quát lớn một tiếng, rồi nói:
- Câm mồm, ổ chim đã đổ ụp, thì trứng chim bên trong làm gì còn toàn vẹn chớ? Đêm nay hy vọng được thoát khỏi mất mạng của ngươi, tựa như mò kim ở dưới đáy biển vậy...!
Lão nhị trong Nhị Tú là Tô Thụy Tương đứng cạnh đó cũng tiếp lời nói:
- Lão đại, thì giờ đâu mà đấu khẩu với y, hãy thanh toán món nợ cũ trước đã.
Y không chờ Vi Thụy Lân có đồng ý hay không, giơ tay lên phẩy một cái, những người đi theo xông ngay lên đại chiến với những người của Hoàng Bích Sơn Trang.
Thấy vậy, Cung Thiên Đơn lo sợ quá. Hoắc Sơn Nhị Tú cũng tự phát động lấy, rút hai thanh bảo kiếm ra, một trái một phải cung xông tới Cung Thiên Đơn.
Cung Thiên Đơn ha hả cả cười, khòm lưng một cái đã nhảy lên cao hai trượng rồi rút song quải bằng bạc ra, nhằm đầu Nhị Tú bổ xuống.
Hoắc Sơn Nhị Tú tránh sang hai bên, vừa tránh xong thế đánh của song quải thì đã hợp nhau lại, cùng giở pho kiếm pháp kỳ diệu ra, nhắm các chỗ yếu của Cung Thiên Đơn mà đâm tới tấp. Những thế kiếm ấy kỳ lạ vô cùng, Cung Thiên Đơn không sao đoán trước mà chống đỡ hay tránh né được.
Cung Thiên Đơn kinh hãi vô cùng, nghĩ thầm:
- Hoắc Sơn Nhị Tú học đâu ra những thế kiếm kỳ lạ như vậy? Kể ra thì anh em chúng cũng thông minh thật, biết chưởng lực không thể nào luyện tới mức hạ nổi ta. Kiếm pháp của chúng luyện tới mức tinh xảo thế này.
Bóng kiếm của Nhị Tú càng đánh càng kín, như vậy đủ biết đêm nay anh em chúng đã quyết tâm lắm rồi, nếu không hạ nổi Bạch Sơn Nhất Hạc Cung Thiên Đơn chắc bọn chúng không khi nào chịu để yên đâu.
Lúc ấy có một bóng đen ở trong Hoàng Bích Sơn Trang phi ra, tiến thẳng lên đỉnh núi, dưới ánh sáng trăng trông thấy thân pháp của người đó nhanh nhẹn kỳ lạ, tựa như một làn khói, nháy mắt một cái đã lên tới đỉnh phong, và tựa như bạch hạc hạ chân xuống cành cây cổ tùng lớn.
Lão Sơn chủ Cung Thiên Đơn phải đem hết công lực đã điêu luyện mấy mươi năm ra đấu, chỉ có thể miễn cưỡng đánh ngang với huynh đệ Nhị Tú mà thôi. Hơn nữa, lão Sơn chủ còn phải lo ngại hai nơi, không biết vợ và con dâu đã đấu với các thủ hạ của Nhị Tú chưa? Lão Sơn chủ biết công lực của lão thái thái không kém gì mình mấy, nhưng những kẻ tập kích Sơn Trang có tới mười mấy tên toàn là cao thủ cả. Những tráng đinh tầm thường của mình sao địch nổi, như vậy vợ và con dâu phân tán hai nơi sao được?
Con dâu của mình tuy võ nghệ cao cường thật, nhưng đang mang thai ba tháng rồi, nếu ra tay chiến đấu, nhỡ động phải cái thai thì sao...
Nghĩ tới đây, lão Sơn chủ hơi sờn lòng một tí, tâm thần không tập trung, vai trái đã bị Vi Thụy Lân đâm một kiếm, máu tươi chảy ròng ròng. Đau quá, Cung Thiên Đơn nghiến răng cố chịu, tay phải múa mạnh chiếc quảy một cái, thân hình quay sang phải, định rút lui ra khỏi vòng đấu.
Không ngờ, lão Sơn chủ đã nhanh, Tô Thụy Tường lại còn nhanh hơn, đâm luôn một kiếm vào hông bên trái của lão Sơn chủ rồi. Cung Thiên Đơn loạng choạng hai bước, Hoắc Sơn Nhị Tú cả mừng, song kiếm đồng thời chém tới.
Trong lúc nguy hiểm, chỉ sai sẩy một chút thì mất mạng liền, Cung Thiên Đơn giơ tay phải vận Đại Lực Hỗn Nguyên Chưởng ra, quét mạnh vào người Nhị Tú. Như vậy, dù Nhị Tú công lực có cao đến đâu, nếu không rút lui tất bị gãy xương đứt gân tức thì.
Hoắc Sơn Nhị Tú ra thế tấn công nhanh, thâu thế lùi lại cũng nhanh, thân hình ngồi xổm xuống, song kiếm nhắm hai đùi của Cung Thiên Đơn quét tới liền.
Không sao tránh kịp nữa, Cung Thiên Đơn chỉ có nhắm mắt chịu chết. Ngờ đâu nghe thấy kêu “hự” một tiếng, vội mở mắt ra nhìn, đã thấy Nhị Tú, một người mắt bên trái, một người mắt bên phải hình như đã bị trúng ám khí, rỉ máu tươi rỉ ra. Lúc ấy Nhị Tú như hai con hổ điên cuồng, thân hình quay lộn ra, chạy thẳng về lối củ mà tẩu thoát.
Cung Thiên Đơn kinh hồn, nhìn về phía hình bóng Nhị Tú biến mất mà than thở ngầm mấy tiếng, bụng nghĩ:
- Oan gia thù hằn này biết tới bao giờ giải được?
Bỗng lão thấy một cái bóng đen bay lướt qua đầu, dưới bóng trăng chỉ thấy người đó tay buông ra một sợi chỉ đen, không có chút tiếng gió động nào cả, rơi đúng vào đám đông thì chỉ nghe thấy các người đó kêu “ối chà” luôn mồm thôi. Người nọ lại nhảy lên cao, thoáng một cái đã đi mất dạng rồi...
Những người của Nhị Tú đem tới đều la lớn “Phong Khẩn” (tiếng lóng của giang hồ và xã hội đều dùng để bảo nhau: khẩn cấp đấy, mau tẩu đi). Thế là cả bọn đều chạy toán loạn về đường cũ.
Cung Thiên Đơn tiến lên xem thấy phía bên mình không có ai bị trúng phải ám khí của người lạ mặt nọ cả.
Mà bên địch thì hình như hầu hết ám khí bắn trúng mắt, liền giật mình kinh hoảng, nghĩ thầm:
- Thủ pháp của người này kỳ lạ không sao tưởng tượng được. Khó nhất là ám khí của y phân biệt ra ai địch, ai là người nhà! Đồng thời y có đứng yên một chỗ ném đâu, chỉ thấy y nhảy nhót luôn luôn thôi! Thế mới thật là huyền diệu vô cùng... Người đó là ai? Thế nào cũng là người quen, chớ không... Trời ơi, bên vợ ta không biết ra sao...
Nghĩ đoạn, lão Sơn chủ liền dặn Cung Linh Phi đi khám xét lại các chòi canh xem có ai bị tổn thương gì không?
Dặn bảo xong, lão Sơn chủ dẫn mấy người chạy thẳng xuống Hoàng Bích Sơn Trang.
Lúc ấy lão mới cảm thấy cánh tay và dưới hông chỗ vết thương máu còn chảy nhiều lắm, gió lạnh thổi vào buốt nhức khó chịu vô cùng. Lão liền dùng tay phải ôm lấy vết thương bên tay trái, cắm đầu chạy xuống chân núi.
Chưa xuống tới Sơn Trang, Cung Thiên Đơn đã phát giác những người của địch, đây hai tên, chỗ kia ba tên nằm ngổn ngang suốt dọc khe núi, dưới gốc cây, góc nhà... vân vân, đâu đâu cũng có, hình như bị người điểm trúng yếu huyệt thì phải.
Cung Thiên Đơn càng nghĩ càng kinh hãi, vì cảm thấy công lực của người đó cao đến nỗi chưa hề thấy bao giờ, liền sai thủ hạ khiêng những tên giặc bị điểm huyệt nhốt vào trong tù lao giam cầm.
Lão Sơn chủ lại nghĩ thầm:
- Ai thế? Người đó là ai thế nhỉ?
Ý niệm ấy cứ lẩn quẩn trong đầu óc Cung Thiên Đơn mãi. Về tới Hoàng Bích Sơn Trang thì thấy vợ và con dâu đang tươi cười trò chuyện, hình như không có chuyện gì kinh động tới vậy. Bạch Phát Cửu Trượng Bà Diệp Hàn Sương thấy chồng mang vết thương về, kinh hoàng vội đứng dậy lên tiếng hỏi:
- Tại sao lão lại bị thương nặng đến thế?
Cung Thiên Đơn hơi phẩy tay một cái, mỉm cười đáp:
- Không sao cả, kẻ địch đã bị đánh lui hết rồi. Bây giờ tôi đi kiếm Dư tiên sinh ngay, lát nữa trở lại hãy nói chuyện sau.
Nói xong lão Sơn chủ liền đi tới thư phòng...
Dư Vân nghe Cung Thiên Đơn kể xong, vội nói:
- Người tới cứu giúp mà lão Sơn chủ vừa nói, thật đúng câu phương ngôn “Thần Long Kiến Thủ Bất Kiến Vĩ” (rồng thần chỉ trông thấy đầu, chớ không sao trông thấy đuôi được) có khác!
Lão Sơn chủ thấy Dư Vân rịt thuốc và băng bó cho mình xong rồi, liền cảm tạ mấy câu rồi đứng dậy cáo từ đi trở ra.
Căn nhà lớn nhất của Cung Thiên Đơn ở, quẹo sang phải có một cầu thang lên núi, xây bằng đá đen, có hằng mấy trăm bậc. Đi hết những bậc thang đó thì tới lưng núi, nơi đó cây cổ thụ um tùm, ở giữa bụi cây có một Cửu Hồi Các sơn son trông rất lộng lẫy.
Đêm hôm ấy, một cánh cửa sổ trên lầu ấy về phía đông có một ông già, râu tóc bạc phơ bước ra, trên mặt có nhiều nét nhăn, hình dáng tiều tụy hình như đã trải qua nhiều phong ba bão táp rồi, khoanh tay đứng trước lan can hoa, ngẩng đầu lên nhìn trời, dưới ánh sáng trăng trong trẻo, trông mặt càng nhợt nhạt vô thần. Bỗng thở dài một tiếng rồi nói:
- Mười năm rồi, xa cách quê hương, ra nơi đất khách quê người này, biết bao giờ mới được trở về cố thổ? Chỉ vì ta đã làm lầm một việc mà phải bôn ba ngoài quan ngoại này, nương dựa mà sinh sống như thế này! Bây giờ ta có hối cũng không kịp nữa!
Ông cụ già ấy tức là Phiên Thiên Thủ (tay lật trời) Hồng Vạn Thông sống ở Cửu Hồi Các này đã mười năm rồi, khạo cốt hùng khí năm xưa đến giờ tiêu ma đi đâu hết. Cũng có một đôi khi, ông già họ Hồng này cũng muốn quay trở lại giang hồ, nhưng hoàn cảnh không cho phép, nên đêm nào cũng ra trước lầu trầm tư.
Đêm hôm nay, trăng sáng hơn mọi khi, càng gợi sầu tư, nghĩ tới cố hương, hồi ức những chuyện dĩ vãng...
Hồng Vạn Thông đang nghĩ ngợi, đột nhiên nghe thấy phía sau có một tiếng động rất nhẹ, liền biết ngay có người tới đánh trộm, vội quay người lại giơ chưởng lên đánh, chưởng phong không thấy đánh trúng người, mà lại đụng phải hai cánh cửa đổ sụp xuống, cả Cửu Hồi Các cũng rung chuyển mà không thấy bóng kẻ địch đâu hết?
Hồng Vạn Thông ngẩn người ra, hai tay vẫn giơ cao, bỗng nghe bên tai có tiếng cười nhạt nói:
- Chưởng lực khá mạnh đấy!
Tiếng nói đó nhỏ như tiếng muỗi kêu, nhưng chấn động đến nhỉ tai hầu như sắp rách vậy.
Hồng Vạn Thông kinh hãi đến nỗi bút mực khôn tả, vội bước tới một bước, mới quay người lại nhìn xem, giật mình đến toát mồ hôi lạnh, chỉ thấy phía trước có một cái bóng đen.
Người đó từ đầu tới chân đều quấn bằng lụa đen, chỉ để lộ hai con mắt mà thôi, đôi ngươi lóng lánh khiến ai trông thấy cũng phải hoảng sợ. Hồng Vạn Thông rú lên một tiếng mới hỏi:
- Ngươi là ai?
Người đó cười nhạt một tiếng đáp:
- Hồng Vạn Thông, mi nằm mơ cũng không ngờ ta là ai...
Người đó chưa dứt lời đã đột nhiên giơ tay ra. Lúc ấy Hồng Vạn Thông đang giơ tay giữ thế để tùy cơ tấn công đối thủ, ngờ đâu chỉ thấy thoáng một cái, song chưởng đã bị người lạ mặt kia nắm lấy rồi, chỉ cảm thấy buồn và ngứa kỳ lạ, dần dần lan ra khắp người và tứ chi.
Lúc ấy Hồng Vạn Thông mồ hôi nước mắt cũng chảy ra một lượt, nhỏ giọt xuống ván lầu các. Người đó hai tay chỉ dùng ba ngón bấm mạnh và buông lỏng ra một cái, và nói tiếp:
- Hiện giờ, ta cho mi hay, để mi chết một cách cam tâm. Ta hỏi mi, năm xưa bọn phỉ tặc đánh lén Truy Hồn Phán Tạ Văn, mi có tham dự không? Cứ nói thật đi, ta sẽ cho mi được dễ chịu.
Hồng Vạn Thông tựa như ngũ lôi làm đinh tai, đôi mắt bắn đom đóm lửa ra, với giọng run lẩy bẩy đáp:
- Sao... Ngươi là... Ngươi là người có liên quan với Tạ Văn?
Người nọ giận dữ đáp:
- Ta là người thế nào ư? Ở khu Tam Xương chúng ta đã gặp nhau một lần, chắc mi vẫn còn nhớ thì phải? Ta là thằng bé mà Tạ Vân cõng trên lưng ấy...
Hồng Vạn Thông lại càng kinh hoảng thêm và hỏi:
- Cái gì hả? Các ngươi không chết hay sao? Vậy hai cái xác một già một trẻ trên núi Vô Công lại là ai thế?
Lúc bấy giờ, hình như quên bẵng sự đau khổ bị kiềm chế yếu mạch mà hồi tưởng lại những chuyện dĩ vãng...
Người nọ hì hì cười nhạt, trong tiếng cười đó hàm súc biết bao nỗi phẫn uất, âm thầm, tiếng cười vừa dứt, liền đáp:
- Phải, thiếu gia chưa chết. Điều này chắc các ngươi không ngờ tới phải không? Ngày hôm nay thiếu gia tới đây để lấy lại món nợ xưa đấy. Ta hỏi mi câu này, hai tên cùng mi tham dự vụ đánh lén ấy, bây giờ chúng có còn ở Hoàng Bích Sơn Trang này không? Và những tên khác, tên họ là gì? Có bao nhiêu tên tất cả?
Lúc ấy, Hồng Vạn Thông hình như được giải thoát rất lớn vậy, mồm lẩm bẩm nói:
- Họa phúc vô môn, do nhân tự triệu (Họa với phúc không có cửa ngõ đâu, tự mình thích thì dấn thân vào đó thôi). Tối hôm nay ta có kết cục thế này, coi như đã dứt hết tất cả ân oán từ xưa tới nay...
Nghĩ đoạn y cười gượng một tiếng, nghe rất não ruột, rồi kể cho người nọ nghe rằng hai tên kia vẫn còn ở Hoàng Bích Sơn Trang này, hình dáng như thế nào, bao nhiêu tuổi, nhà cửa ở phía nào, khu nào đều tường tận kể hết ra.
Còn những người khác thì y chỉ cho hay tên năm người trong Thanh Phong Bang thôi.
Nói xong, y nhắm mắt đợi chết.
Người nọ thở nhẹ một cái, rồi nói:
- Thôi được, cho mi được toại nguyện!
Nói xong, người đó đột nhiên đưa tay điểm vào ngực, Hồng Vạn Thông liền ngã lăn ra đất.
Trên Cửu Hồi Các có một bóng đen phi thân xuống, chỉ trong nháy mắt đã mất dạng trong bụi cây rồi.
Sáng sớm ngày hôm sau, tin chết đột ngột của Hồng Vạn Thông, Vương Tuy và Lê Tường đã đồn khắp Hoàng Bích Sơn Trang ngay rồi.
Lão Sơn chủ đến tận ba chỗ đó thị sát thấy ba nạn nhân khắp mình mẩy không có nửa vết thương tích, tựa như bị người ta dùng thủ pháp cực âm điểm huyệt mà chết.
Chỉ có trên Cửu Hồi Các là có hai cánh cửa rơi đổ thôi, chứ hai nơi kia không có vết tích gì là đấu với nhau cả. Lão Sơn chủ nghĩ thầm:
- Ba người này đều là năng thủ số một số hai trong võ lâm cả, mà lại bị chết im lìm như thế này, đủ thấy hung thủ phải là tay võ công tinh thâm tột mức, từ xưa đến nay chưa hề thấy bao giờ.
Theo như lời báo cáo của Cung Linh Phi thì hình như người đó là Truy Hồn Phán Tạ Văn cũng nên? Và có lẽ đêm hôm nọ núp trong bóng tối, sau ra tay giúp và cứu ta thoát chết cũng là y chắc? Nếu vậy,.
Vấn đề nói trên tựa như cái nút thắt chặt trong tim và làm lão suy nghĩ nhiều là vì cái chết của bọn Hồng Vạn Thông ba người xảy ra trong Hoàng Bích Sơn Trang. Theo đạo nghĩa giang hồ thì phải điều tra cho ra hung thủ là ai, để trả thù hộ cho người đã khuất. Nếu như hung thủ chính là người đã giúp lão hôm trước thì thật phiền biết bao. Bây giờ trước khi điều tra rõ ràng, thì ta cứ vờ như là làm rất sốt sắng rồi dần dần bỏ qua thế là xong.
Lão liền bàn bạc ngầm với con là Cung Linh Phi và phái mấy người bọn họ đi điều tra những người khả nghi, nhưng chỉ làm hình thức vậy thôi.
Thời giờ trôi qua nhanh như nước chảy, thấm thoát đã qua một tháng rồi.
Trong núi Trường Bạch mưa tuyết liên miên, tiết trời giá lạnh, gió bắc thổi lạnh suốt ngày đêm, nước suối đều trở thành băng...
Dư Vân mặc cái áo da lông điểu, hai tay thọc vào trong tay áo, đang đứng ngắm
thưởng tuyết... Vừa nghĩ xong được chuyện gì, ho hai tiếng, liền quay vào trong thư phòng lớn tiếng gọi:
- Phẩm Nhi.
Phẩm Nhi đang ngồi ở hành lang đun nước, ngồi cạnh lò sưởi ấm, nghe thấy tiếng thầy giáo gọi liền vâng dạ rằng:
- Tiên sinh gọi cháu đấy ư...? Phẩm Nhi lên ngay.
Thằng nhỏ xách ấm nước lên, bước vào thư phòng, Dư Vân ngẩng đầu lên nói:
- Phẩm Nhi, cháu thử xem lão Sơn chủ có được rảnh không? Và mời lão Sơn chủ xuống đây, bảo ta có chuyện cần muốn thưa cùng.
Một lát sau, lão Sơn chủ cùng Phẩm Nhi bước vào, trên chòm râu bạc dính vô số những hạt nước, trông thấy Dư Vân vừa cười vừa nói:
- Dư tiên sinh, nghe Phẩm Nhi nói thì tiên sinh có việc cần, gọi lão sang đây chẳng hay là chuyện gì thế?
Dư Vân vừa cười vừa đáp:
- Học sinh bỗng động lòng nhớ quê hương, muốn xin lão Sơn chủ cho phép nghỉ về miền nam thăm mộ tổ, tháng ba sang năm thì trở lại tiếp tục dạy bảo tiểu thư.
Cung Thiên Đơn cả cười một hồi rồi đáp:
- Lão tưởng có việc đại sự gì, hoài hương nhớ tổ là chuyện thường tình của con người, nhưng hiện giờ tiết trời còn lạnh lắm, vài ngày nữa đã tới thời kỳ tuyết phong tỏa núi rồi, đường núi đi càng khó khăn, người trong nhà võ chúng tôi còn miễn cưỡng đi được nhưng tiên sinh là nhà văn thì đi sao nổi? Thà chờ tới mùa xuân sang năm có hơn không.
Lão Sơn chủ vừa nói xong, Dư Vân liền tiếp lời nói:
- Thịnh ý của lão Sơn chủ, học sinh cám ơn vô cùng, nhưng vì lòng muốn về quê cấp bách như mũi tên bay, nếu chờ tới mùa xuân sang năm mới đi thì học sinh cũng không dám mở miệng xin nữa, còn về vấn đề đường sá khó đi, học sinh không ngại điều đó. Dù sao học sinh cũng đi đường nhiều rồi, có quản ngại chi sự thay đổi thời tiết.
Cung Thiên Đơn thấy Dư Vân nhất định đòi về miền nam, cũng không miễn cưỡng cản trở, liền vừa cười vừa nói:
- Nếu Dư tiên sinh nhất định đi, thì Cung mỗ cũng không dám giữ, nhưng xin hãy lưu lại thêm ba ngày để tiện cho cháu gái lão tiễn hành tiên sinh.
Dư Vân vội từ chối đáp:
- Cứ quẫy nhiễu lão Sơn chủ mãi như vậy, lòng học sinh rất không yên, xin lão Sơn chủ miễn cho bày tiệc tiễn đưa ấy, vì dù sao tháng ba sang năm thế nào học sinh cũng trở lại rồi, chớ có phải vĩnh biệt đâu.
Lão Sơn chủ đứng dậy vừa cười vừa nói:
- Ý của mỗ đã quyết định, Dư tiên sinh đừng có từ chối nữa.
Nói xong, Cung Thiên Đơn thủng thẳng đi ra, Dư Vân tiễn lão tới tận cửa ngoài.
Hai ngày liền, hết lão Sơn chủ thiết tiệc lại tới lão thái thái mời ăn. Đến ngày thứ ba thì tới Thiếu Sơn chủ cùng thiếu phu nhân mời. Khi tới dự tiệc, Dư Vân trông thấy sắc mặt thiếu phu nhân liền có vẻ kinh hãi, lúc ấy thiếu phu nhân bụng đã rất to, sắp tới ngày sanh rồi, Cung Linh Phi thấy vậy liền hỏi:
- Dư tiên sinh, tại sao lại kinh ngạc như thế?
Dư Vân lưỡng lự không chịu nói, Cung Linh Phi lại càng lo sợ, vội hỏi:
- Dư tiên sinh cứ việc nói đi, không sao đâu. Chúng tôi con nhà võ, không có gì úy kỵ cả.
Dư Vân vừa cười vừa đáp:
- Trước khi học sinh nói ra nguyên nhân thì hãy chúc mừng lão Sơn chủ và lão phu nhân sang năm thế nào cũng có cháu trai.
Nghe thấy Dư Vân nói như vậy, hai vợ chồng Cung Thiên Đơn mừng rỡ vô cùng. Chỉ có Tú Vân là không hiểu gì, ngẩng đầu lên hỏi Dư Vân rằng:
- Tiên sinh vừa nói gì thế?
Dư Vân vừa cười vừa đáp:
- Ta nói sang năm Tú Vân sẽ có một em trai. Như vậy Tú Vân có mừng hay không?
Nghe thấy thầy giáo nói có thêm em trai, Tú Vân cả mừng, vỗ tay nói:
- Con thích lắm...
Con bé liền chạy tới trước mặt mẹ, chỉ vào bụng, hỏi một cách ngây thơ rằng:
- Mẹ, trong này có em bé thật à?
Mọi người thấy Tú Vân hỏi như vậy, không sao nhịn được đều cả cười, Tú Vân xấu hổ vô cùng hai má đỏ bừng.
Lúc này, Dư Vân mới nghiêm nét mặt nói với thiếu phu nhân rằng:
- Chẳng hay trong một tháng nay, thiếu phu nhân có ra tay đối địch với ai không?
Ngẩn người ra giây lát, thiếu phu nhân khẽ lắc đầu và đáp:
- Tôi không đối địch với ai cả... À, phải rồi mười ngày trước đây, tôi có luyện mấy hiệp võ với nhà tôi thôi. Chẳng lẽ ra tay nhẹ nhàng như vậy cũng đụng tới thai nhi hay sao?
Dư Vân cười đáp:
- Thai nhi không bị động nhưng lại bị dịch chuyển vị trí, e rằng sau này phu nhân sẽ bị sanh khó. Nhưng học sinh đã trông thấy thì thể nào cũng giúp thiếu phu nhân khỏi lo ngại.
Tối hôm nay, mời Thiếu Sơn chủ tới thư phòng để học sinh truyền thụ cho một thuật điều chỉnh lại vị trí của thai nhi, và để thiếu phu nhân uống thêm mấy thang thuốc là yên trí ngay.
Cung Linh Phi cả mừng nói:
- Thịnh tình của Dư tiên sinh, Linh Phi không biết lấy gì báo đáp... Vậy khi đứa bé ra đời, Linh Phi muốn để thằng nhỏ nhận tiên sinh làm cha nuôi nhé?
Dư Vân vừa cười vừa đáp:
- Học sinh làm gì có phúc như vậy. Tới lúc ấy xin được ăn thêm vài cái trứng gà đỏ là đủ lắm rồi.
Hai người chưa nói dứt lời, bỗng nghe lão Sơn chủ hét lớn một tiếng, ngã ngửa về phía sau...
Dư Vân biến sắc mặt, nhún vai một cái đã nhảy ra bên ngoài cửa sổ, Cung Linh Phi cũng nhảy ra theo. Nhưng lúc ấy thân hình của Dư Vân đã ra ngoài mấy chục trượng rồi, và phía trước mặt Dư Vân có ba bóng người đang cắm đầu chạy trên mặt tuyết trông rất rõ ràng.
Cung Linh Phi kinh hãi thầm, vì mấy tháng nay không biết Dư tiên sinh là người có võ học tuyệt kỷ như thế. Y ngụy trang như vậy tất phải có nguyên cớ riêng, nhưng vì sao y ở trên Hoàng Bích Sơn Trang này, chỉ ban ơn cho nhà ta chớ không có mưu mô gì cả. Nhưng tại sao y lại phải giả bộ như vậy?
Thiếu Sơn chủ vừa nghĩ vừa không ngừng chân đuổi theo, đưa mắt nhìn về phía trước, thấy Dư Vân đã đuổi kịp ba người nọ, và giơ tay cản trở rồi. Thân pháp và thủ pháp của Dư Vân kỳ lạ vô cùng, từ xưa tới nay Cung Linh Phi chưa trông thấy bao giờ.
Lúc Linh Phi đuổi tới nơi thì đã thấy ba tên ám sát lão Sơn chủ bị điểm huyệt nằm lăn ra đất rồi.
Dư Vân thấy Cung Linh Phi chạy tới vội nói:
- Học sinh phải quay trở về cứu chữa cho lão Sơn chủ. Phiền Thiếu Sơn chủ đem ba tên này về tra hỏi lai lịch của chúng.
Nói xong, chàng chỉ thoáng một cái đã đi xa bảy tám trượng rồi, đồng thời chỉ nhún mình nhảy mấy cái thì đã mất dạng trong những bụi cây ở đằng xa. Cung Linh Phi trông thấy như vậy thì kinh hãi vô cùng.
Hiện giờ trong võ lâm những người khinh công cái thế, cũng chỉ nhảy một cái xa ngoài năm trượng là cùng, còn Dư tiên sinh đây, nhún vai một cái đã ra xa bảy tám trượng rồi. Và hình như Dư Vân còn chưa dùng hết hơi sức đấy. Lấy mình ra so sánh, càng khỏi phải nói nữa.
Dư Vân trở về trong nội viện, thấy các người đang lo lắng đến xoay chong chóng lên. Lão Sơn chủ đã được lão thái thái phong bế huyệt đạo cho rồi và đã khiêng lên giường nằm. Lúc ấy các hương chủ cao cấp thuộc nội ngoại tam đường Thiên Sơn Bang đều hay tin tới hỏi thăm tới tấp.
Khi bọn họ nghe nói lão Sơn chủ bị người ta ám hại, muốn cùng nhau chạy ra ngoài đuổi, Dư Vân thấy vậy liền ngăn cản ngay và nói:
- Ba tên giặc ấy đã bị Thiếu Sơn chủ bắt và điểm huyệt, chắc sắp khiêng chúng về rồi.
Nói xong, chàng tới cạnh giường, thấy lão Sơn chủ mím môi, hai mắt lòi ra, chân tay run lẩy bẩy. Lão phu nhân vẻ mặt lo âu hỏi:
- Dư tiên sinh, già này mù quáng quá, không biết tiên sinh là kỳ nhân dị sĩ. Hiện giờ lão Sơn chủ bị Bạch Cốt Hàn Phong Chưởng đánh trúng, đây là một loại chưởng rất âm độc nghe nói không có cách gì chữa khỏi, tuy ta đã phong bế các huyệt đạo rồi nhưng tính mạng của lão Sơn chủ cũng không kéo dài được bao lâu!
Nói xong lão phu nhân ứa hai hàng lệ, Dư Vân an ủi lão phu nhân rằng:
- Học sinh có phải là kỳ nhân gì đâu, xin lão phu nhân chớ tâng bốc như vậy. Vết thương của lão Sơn chủ không nặng mấy, học sinh có thể chữa khỏi, xin lão phu nhân cứ yên tâm.
Chàng vừa nói tới đây thì thoáng thấy Cung Linh Phi về tới, liền vừa cười vừa nói:
- Thiếu Sơn chủ thủ pháp hay quá, không tới mười thế đã kềm chế được ba tên giặc ngay, học sinh thật khâm phục.
Thoạt tiên Cung Linh Phi ngạc nhiên, ngơ ngác nhìn Dư Vân, sau hiểu ý ngay, biết chàng không muốn để người ngoài biết chàng thân hoài tuyệt kỹ liền tủm tỉm cười, không nói năng gì, đi lại gần giường lão Sơn chủ, cau mày hỏi chàng rằng:
- Vết thương của gia phụ, chẳng hay tiên sinh có thể chữa khỏi không?
Dư Vân gật đầu, khẽ đáp:
- Thiếu Sơn chủ hãy tiếp các vị đường chủ, hương chủ ngoài phòng khách đã, và chớ có thổ lộ cho ai hay là Dư Vân này biết võ nhé.
Cung Linh Phi cũng khẽ đáp:
- Tôi biết rồi. Tại sao tôi không giải nổi huyệt đạo cho ba tên ấy.
Dư Vân nháy mắt mấy cái khẽ nói:
- Chờ học sinh chữa cho lão Sơn chủ lành mạnh đã.
Cung Linh Phi lại nói:
- Việc chữa gia phụ, trăm sự nhờ tiên sinh cả đấy.
Nói xong, Thiếu Sơn chủ liền mời các đường chủ, hương chủ ra ngoài phòng khách. Trong phòng lúc này chỉ còn lão phu nhân, thiếu phu nhân, Tú Vân và Dư Vân bốn người thôi.
Ngoài cửa còn Phẩm Nhi đang đứng ngó vào xem. Thằng nhỏ cứ ân hận là mấy tháng nay hầu hạ Dư tiên sinh mà không biết ông ta là một kỳ nhân như vậy. Nghĩ đoạn y đưa quyền đánh vào đầu mấy cái.
Hai tiếng đồng hồ đã qua, đã nghe thấy trong phòng ngủ có tiếng cười hùng mạnh của lão Sơn chủ vọng ra rồi, không cần nói rõ ai cũng biết là lão Sơn chủ đã lành mạnh cả rồi.
Phẩm Nhi nghe thấy như vậy, vội chạy ra phòng khách báo tin cho Cung Linh Phi hay. Còn Dư Vân thì trở về thư phòng.
Dư Vân ngồi trên ghế dựa, đầu gối lên trên hai cánh tay, ngẩn người nghĩ ngợi.
Bỗng thấy cửa màn vén lên, một cái đầu ló vào rồi lại rút ra. Dư Vân cười và nói:
- Khỉ con, muốn vào thì cứ việc vào, ở ngoài cửa thập thò như vậy làm gì? Cẩn thận kéo ra lột da mi ra đấy.
Phẩm Nhi mặt đỏ bừng bước vào, cung kính vái lạy rồi nói:
- Tiên sinh, sao người khéo giả bộ thế? Tiên sinh không dạy cho con một vài thế võ thì nhẫn tâm thật!
Dư Vân ha hả cười rồi đáp:
- Khỉ con, sao trước kia mi kiêu ngạo đến thế mà bây giờ lại cung kính như vậy?
Phẩm Nhi vội biện bạch rằng:
- Tiên sinh, Phẩm Nhi có bao giờ không cung kính tiên sinh đâu.
Thấy thằng nhỏ hoảng sợ thật, Dư Vân vừa cười vừa nghiêm nét mặt nói:
- Phẩm Nhi, con chớ có lo ngại, tháng ba sang năm thế nào ta cũng quay lại, lúc ấy ta sẽ cho con được toại nguyện.
Lúc ấy Cung Linh Phi vừa bước vào, Phẩm Nhi vội đi ra luôn. Dư Vân bảo cho Linh Phi biết cách an thai, rồi viết luôn ba toa thuốc, rồi lại chỉ cho cách giải huyệt cho ba tên phỉ tặc nữa.
Thiếu Sơn chủ hớn hở vô cùng, đi ra ngoài liền.
Sáng sớm ngày hôm sau, hai vợ chồng lão Sơn chủ cũng tới thư phòng tạ ơn Dư Vân, vừa cười vừa nói:
- Xem ra đêm hôm nọ Hoắc Sơn Nhị Tú tới đây cũng là do tiên sinh giải cứu phải không?
Dư Vân chỉ cười không nói, lão Sơn chủ lại nói tiếp:
- Nếu vậy cả vụ giết bọn Hồng Vạn Thông ba người chắc cũng là do tiên sinh ra tay đấy! Nếu không ba người ấy xưa nay nổi tiếng là cao thủ số một số hai cả, người khác thì làm sao hạ thủ một cách dễ dàng như thế được. Nghe tiểu nhi nói, công lực của tiên sinh cao siêu đến quá mức, có lẽ từ xưa đến nay chưa hề thấy ai giỏi đến thế. Vì vậy Cung mỗ mới dám cả quyết là tiên sinh đã làm.
Dư Vân bỗng hai mắt sáng ngời, cười và nói:
- Vâng, tất cả đều do học sinh tạo ra hết. Có phải lão Sơn chủ muốn...
Cung Thiên Đơn vội xua tay đáp:
- Dư tiên sinh chớ có hiểu lầm. Với tiên sinh thì dù làm việc tày trời thì Cung mỗ cũng vui lòng đảm đương hết. Nhưng mỗ chỉ có một điều không hiểu là tại sao Dư tiên sinh lại gây thù kết oán với bọn họ như thế? Chẳng lẽ tiên sinh với Truy Hồn Phán có dính líu gì chăng?
Lúc ấy vợ chồng Cung Linh Phi cũng đi tới, cùng lên tiếng cảm tạ Dư Vân.
Dư Vân nghe lão Sơn chủ nói xong, trong lòng rất cảm động, cười gượng rồi đáp:
- Học sinh với Truy Hồn Phán Tạ đại hiệp có liên quan mật thiết lắm, nhưng bây giờ không tiện nói ra vội, chỉ mong lão Sơn chủ giữ bí mật hộ cho, sau này thể nào cũng biết rõ thôi.
Lão Sơn chủ ha hả cười và đáp:
- Dư tiên sinh, chúng ta sống gần nhau bấy nhiêu lâu, còn không tin được Cung Thiên Đơn này hay sao? Quý hồ tiên sinh không thố lộ thì Cung mỗ cũng không bao giờ nói cho ai hay cả. Thôi, việc này hãy đừng nhắc nhở tới vội. Dư tiên sinh, chúng ta kết làm bạn vong niên chi giao, có được không?
Dư Vân lắc đầu vội đáp:
- Tuổi của học sinh còn trẻ quá, nên dùng nghi lễ con cháu mà xưng hô mới phải.
Lão Sơn chủ vuốt râu cả cười và nói:
- Ta xem tiên sinh năm nay đã ngoài bốn mươi rồi, tại sao lại bảo là còn trẻ lắm?
Dư Vân ha hả lớn tiếng cười và đáp:
- Lão Sơn chủ hãy coi kỹ sẽ rõ...
Vừa nói chàng vừa lột cái mặt nạ da người ra, mọi người định thần nhìn kỹ thì mới hay Dư Vân là một thiếu niên đẹp trai vô cùng. Cung Linh Phi vội chỉ Dư Vân hỏi:
- Dư... Các hạ có phải là Quái Thủ Thư Sinh tiếng tăm đang đồn khắp đại nam giang bắc đấy không?
Dư Vân nhanh tay đeo mặt nạ lên chỉ mỉm cười không trả lời.
Lão Sơn chủ lại lớn tiếng cười ồ và nói:
- Nếu vậy sự kết nghĩa vong niên của hai ta không ai có thể thay đổi được nữa. Lão táo gan gọi ngay lão đệ nhé?
Dư Vân vừa cười vừa nói:
- Lão Sơn chủ đã tự hạ mình kết giao thế này, việc này... Việc này chỉ làm cho Thiếu Sơn chủ khó chịu thôi. Theo ý học sinh thì chúng ta cứ giữ nguyên cách xưng hô như cũ thì hơn.
Lão Sơn chủ nói:
- Chúng ta cứ việc kết giao với nhau, mặc cho Linh Phi nó muốn xưng hô nào cũng được.
Dư Vân thấy Cung Thiên Đơn có lòng thành như vậy, mình cũng không tiện từ chối, chàng liền nhắc nhở chuyện cũ, nói:
- Ngày hôm nay, học sinh thế nào cũng phải trở về miền nam. Sang năm, trước khi lão Sơn chủ ăn đầy tháng cháu trai, thế nào học sinh cũng tới đây xin chén rượu nhạt.
Lão Sơn chủ thấy Dư Vân quyết chí về quê như vậy liền cảm khái nói:
- Lão đệ nhất định đòi về như vậy, lão huynh đây cũng không dám giữ, nhưng sang năm lão đệ thế nào cũng phải trở lại đây, lão đệ cứ nên coi Hoàng Bích Sơn Trang này cũng là nhà của lão đệ, bất cứ lúc nào đệ thích về thì về, muốn đi thì đi.
Nói xong, Cung Thiên Đơn móc túi lấy một chiếc lệnh tiễn ra, trên có khắc hình núi tuyết và hạc trắng, đưa cho Dư Vân và nói:
- Cái này là tín phù đại biểu địa vị tối cao của bổn bang, những địa hạt trong phạm vi bổn bang, lão đệ cứ cầm tín phù này có thể qua lại mà không ai ngăn trở gì cả, và những bộ hạ của bổn bang nếu phạm lỗi hay làm bậy, lão đệ có thể thay mặt mỗ đây chấp hành xử quyết để bổn bang khỏi bị mang tiếng.
Dư Vân từ chối mãi không được, đành phải nhận lấy, liền thu xếp hành lý rồi ngồi trên cáng xuống núi. Lão Sơn chủ và vợ chồng Thiếu Sơn chủ tiễn ra tận ngoài sơn khẩu, luyến tiếc mãi mới chịu gạt lệ chia tay.
(Đến lúc này chắc mọi người đã biết Dư Vân là ai rồi, không cần phải giải thích nữa).
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp