Dốc Quỷ Ám

Chương 15: Bệnh mất trí nhớ


Chương trước Chương tiếp

“Anh nhìn nhận sự việc này như thế nào? Ý tôi là về người phụ nữ ôm con ấy.” Sau khi rời khỏi nhà Phó Ngọc Trụ không xa, La Phi đặt câu hỏi này cho Kim Chấn Vũ.

Kim Chấn Vũ lặng im giây lát, sau đó hỏi: “Có muốn tôi nói thật không?”

“Tất nhiên.”

“Tôi vốn là người theo chủ nghĩa duy vật. Nhưng việc xảy ra tối qua đã làm dao động một số quan điểm của tôi.”

“Thế ư?” La Phi không nghĩ là sẽ nhận được câu trả lời như vậy. Anh dừng chân, ngoảnh lại nhìn Kim Chấn Vũ, thì bắt gặp nét mặt toát lên vẻ hoang mang và sợ hãi khó che giấu của người đối diện.

“Thế anh có thân với gia đình nhà Vương Thành Lâm không?” La Phi lại đặt ra câu hỏi tiếp theo.

“Không thân lắm.” Kim Chấn Vũ lắc đầu, “Khi đó tôi vẫn chưa làm trưởng thôn, chỉ biết là có một gia đình như vậy.”

“Mông Thiếu Huy có còn đứa em trai hay em gái nào nữa không?”

Kim Chấn Vũ phân vân: “Cái này… tôi không biết.”

“Thật ư?” La Phi chau mày, “Nhà họ có mấy người mà anh cũng không biết sao?”

Thành Lâm nói vợ ông ta đã mang bầu. Sau khi sóng thần xảy ra, người vợ gặp nạn, thi thể không tìm thấy. Trước khi có sóng thần, bà ta không ra khỏi nhà đã lâu, vì thế đứa trẻ này có chào đời hay không, tôi cũng không dám chắc.”

La Phi gật đầu, thầm nghĩ trong bụng: Cứ theo như cảnh tượng xuất hiện trong giấc mơ của Mông Thiếu Huy, thì khi có sóng thần, đứa trẻ ấy đã chào đời. Người phụ nữ ôm con? Điều này đúng là có chút liên hệ với mẹ của Mông Thiếu Huy, nhưng sự liên hệ này kể cũng hơi hoang đường, khiến người ta không thể giải thích nổi.

“Cảnh sát La Phi, bước tiếp theo chúng ta phải làm sao đây?” Kim Chấn Vũ cắt ngang dòng suy nghĩ của La Phi.

Làm sao à? La Phi lúc này cũng rất hoang mang. Cái chết của Chu Vĩnh Quý đã làm gián đoạn manh mối mà anh đã khó nhọc lần ra, còn kết quả điều tra gần đây thì cứ rối tung cả lên, không biết đâu mà lần. Trầm ngâm giây lát, anh trả lời người đối diện: “Anh cứ về trước đi, ăn chút gì đó, nghỉ ngơi một lát, rồi đợi tin của tôi.”

La Phi ngay sau đó cũng quay về chỗ trọ của mình. Mông Thiếu Huy không có ở phòng, hỏi Tôn Phát Siêu mới biết cậu ta đã đi từ lúc quá trưa.

Tôn Phát Siêu hâm nóng cơm và thức ăn còn trong nồi. Cứ mỗi lần gặp chuyện gì khó giải quyết, La Phi ăn uống rất ngon miệng, chả mấy chốc đã chén hết sạch sành sanh. Sau đó anh ngồi nói chuyện với Tôn Phát Siêu trong sân, để thư giản đầu óc đang rất căng thẳng.

Chừng nửa tiếng sau, Mông Thiếu Huy bước từ cổng vào.

“Cậu đi đâu thế?” La Phi hỏi.

“Em ra ngoài dạo một lát, tiện thể đi tìm con Kaka.”

“Tìm thấy chưa?”

Mông Thiếu Huy lắc đầu.

“Tôi thấy con mèo đó của cậu bản tính rất hoang dã.” Tôn Phát Siêu ngồi bên cạnh chen vào, “Nó đã chạy vào núi rồi, thì đừng mong quay về.”

“Không thể nào. Kaka tuy hơi hung dữ một chút, nhưng với chủ nó vẫn rất thân thiết, chẳng biết mấy ngày nay có chuyện gì.” Mông Thiếu Huy nói đến đây cũng lắc đầu một cách khó hiểu, nhưng ngay sau đó cậu đã đổi sang thần sắc vui vẻ, nâng đôi bàn tay đan vào nhau, “ Nhưng dù sao cũng không tốn công đi tìm nó, các anh xem đây là cái gì?”

La Phi dán mắt nhìn theo, chỉ thấy cậu ta lấy bàn tay đan lại thành hình chiếc bát, giữa lòng bàn tay là một con chim biển. Con chim biển đó toàn thân rực đỏ, béo núc ních, trần trụi không có cọng lông nào, trông chừng mới sinh chưa được bao lâu, vẫm còn chưa mở mắt.

La Phi trông thấy dáng vẻ vô cùng đáng thương của con chim, cũng không khỏi cảm thấy dễ thương, cười hỏi: “Cậu bắt được nó ở đâu thế?”

“Không phải bắt.” Mông Thiếu Huy nói vẻ nghiêm túc, “Em đã cứu sống nó.”

Tôn Phát Siêu cười phụ họa: “Cậu Huy nói đúng đấy, con chim này là do mẹ nó vứt bỏ từ tổ ở trên cây. Haha, cảnh sát La Phi, anh có biết vì sao không?”

Hổ ác không ăn thịt con, La Phi chưa từng nghe thấy việc như thế này bao giờ, anh xòe hai tay ra: “Trước giờ việc gì tôi không chắc chắn tôi ít khi đoán liều, thôi hai người cứ nói ra cho tôi biết đi.”

“Con chim biển này vừa mới ra ràng, một lứa thường có từ hai con trở lên.” Mông Thiếu Huy chen ngang giải thích, “Bây giờ là mùa đông, chim mẹ không kiếm đủ thức ăn, thế nên lũ chim con bị bỏ đói. Lúc này, chim mẹ sẽ chọn con nào có thể chất ốm yếu ném ra khỏi tổ, chối bỏ sự nuôi dưỡng dành cho nó, để có thể tập trung sức lực mà nuôi nấng những con chim có thể chất khỏe hơn, tỉ lệ sống sót cao hơn.”

“Ồ.” La Phi bây giờ mới hiểu, tuy làm vậy sẽ có lợi cho việc duy trì giống nòi, nhưng quả thật lại tàn nhẫn với con chim bị ruồng bỏ. Nhưng suy cho cùng đây cũng chính là quy luật đào thải tự nhiên mà thôi. La Phi ngẫm nghĩ giây lát, tán đồng với Mông Thiếu Huy: “Xem ra cậu cũng am hiểu về lĩnh vực sinh học đấy chứ nhỉ?”

“Em biết cũng không nhiều đến thế đâu.” Mông Thiếu Huy cười khiêm tốn, “Những điều này đều là do hòa thượng Đức Bình nói cho em biết, con chim non này cũng là của ông ấy cho em.”

“Cậu đã gặp hòa thượng Đức Bình rồi à?” La Phi cảm thấy có chút bất ngờ.

“Vâng, em đã gặp trên con đường núi.”

“Ông ấy có nói gì với em không?”

“Ông ấy khuyên em nên trở về sớm, có những chuyện không nên đi tìm câu trả lời. Nhưng ông ấy làm sao hiểu được nổi giày vò trong tâm trí em? Mà cứ cho là em nghe theo ông ấy, thì bây giờ cũng chẳng đi được.” nói đến đây cậu thở dài, “hòa thượng Đức Bình sợ em buồn nên đã tặng em con chim này, để em nuôi cho khuây khỏa.”

“Chu Vĩnh Quý –ông chủ cửa hàng ở bến thuyền hôm trước ấy –chết tối qua rồi, cậu biết không?” La Phi vừa nói vừa nhìn xem phản ứng của người đối diện thế nào.

“Em biết.” Mông Thiếu Huy nghe đến chủ đề này, mặt mày trở nên rầu rĩ, tay buông xuống thõng thượt, “Hình như vụ việc này cũng lại có liên quan đến việc em đến đây thì phải? Em cảm thấy rất mâu thuẫn, em cũng cảm nhận được rằng, lời giải mà em đang đi tìm, có lẽ đáng sợ hơn rất nhiều so với điều em tưởng tượng! Phải rồi, cảnh sát La Phi à, thế anh đã có phát hiện gì mới chưa?”

La Phi đem tình hình anh tìm hiểu được hôm nay kể qua một lượt, nhưng cũng chỉ là kể lại những điều tai nghe mắt thấy, chứ không thêm vào bất cứ suy luận hay phỏng đoán chủ quan nào.

Mông Thiếu Huy chăm chú lắng nghe, lúc thì sợ hãi, lúc thì hoang mang. Cuối cùng, cậu đã hiểu ra: “Người phụ nữ ôm con giống với người phụ nữ trong giấc mơ của em. Lẽ nào đó chính là mẹ em? Mà cứ cho là như thế đi, đã mười tám năm trôi qua, sao bà ấy vẫn còn xuất hiện được nhỉ? Trừ phi… trừ phi đó đúng là… ma quỷ? Cảnh sát La Phi, anh thấy thế nào?”

“Trước khi tìm được chứng cứ xác thực, mọi suy đoán chủ quan đều không có giá trị.” –La Phi nhấn mạnh, tôi cần tìm một nơi yên tĩnh nào đó để suy nghĩ.

Thời gian còn lại của buổi chiều hôm nay, La Phi tự nhốt mình trong phòng, sau một hồi suy nghĩ nát óc mà không có tiến triển gì, anh cảm thấy hơi mệt mỏi, nên đã chuyển sang làm việc khác: lấy cuốn “Nguyên nhân và cách chữa trị bệnh mất trí nhớ” ra đọc.

Nội dung cuốn sách chia làm mấy phần chính: một là, mất trí nhớ tâm lý, chủ yếu lí giải những hiện tượng mất trí nhớ do các bệnh về tâm thần gây nên; hai là, mất trí nhớ sinh học, chủ yếu lí giải các hiện tượng mất trí nhớ do sự thoái hóa của chức năng não bộ gây nên; ba là, mất trí nhớ cơ học, chủ yếu lí giải các trường hợp mất trí nhớ do tổ chức não bộ bị chấn thương gây nên; ngoài ra còn có hiện tượng mất trí nhớ do lạm dụng thuốc chữa bệnh v.v…

Trong sách có để lại rất nhiều kí hiệu đánh dấu, trong đó nhiều nhất là kí hiệu gạch dưới. Có những chương mục gần như bị gạch chi chít, cho thấy sự cần mẫn của người đọc khi ấy. Lề giữa hai trang sách thỉnh thoảng cũng xuất hiện một vài ghi chú, nhìn vào kiểu chữ, thì đúng là bút tích của thầy lang Tiết.

Những nét gạch dưới có màu sắc và độ đậm nhạt khác nhau, chứng tỏ nó được gạch bằng nhiều loại bút và chia làm nhiều lần khác nhau. Điều thú vị là, những vạch có đặc điểm giống nhau lại không nhất thiết xuất hiện ở những phần tương đồng hay cận kề nhau, mà là một sụ giao thoa hỗn tạp, như thể không tuân theo bất cứ quy luật nào. Ngẫm nghĩ giây lát, La Phi đã hiểu được nguyên nhân nằm trong đó: những gạch dưới này không phải được đánh dấu trong khi người đọc còn đang học quyển sách này, mà là được đánh dấu trong lúc sử dụng cuốn sách. Chẳng hạn, đối với một căn bệnh đang đợi giải quyết, kiến thức mà anh ta cần dùng đến lại nằm phân tán ở các chương các phần khác nhau, vì thế anh ta đã dùng các loại bút đánh dấu cho từng nội dung tương ứng, để tiện cho việc lật đọc và tra cứu.

Với phát hiện này, tinh thần La Phi phấn chấn hẳn lên, trong đầu chợt lóe lên một ý nghĩ, anh lập tức đem ra thực hành: kiên nhẫn lật đọc từng trang những nội dung đã được đánh dấu, cuối cùng anh đã tìm được những dòng chữ có giá trị cho mình:

“Hiện tượng mất trí nhớ sinh học hay gặp nhất, cái mà chúng ta thường gọi là sự ‘đãng trí’. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ em và người già. Đối với trẻ em, do đại não của chúng chưa phát triển hoàn toàn, nên bản thân nó vẫn chưa được trang bị chức năng trí nhớ tốt. Trên thực tế, những gì diễn ra trước năm tuổi về cơ bản sẽ không để lại bất cứ dấu vết nào trong đại não khi đứa trẻ đã trưởng thành. Còn đối với trẻ từ sáu đến mười tuổi, trí nhớ của chúng khá mù mờ và không ổn định. Ngay cả những việc khi ấy đã để lại cho chúng ấn tượng sâu sắc thì vẫn có khả năng xảy ra hiện tượng mất trí nhớ do một vài nhân tố ngoại cảnh nào đó gây nhiễu. Nguyên nhân thường gặp nhất là sự thay đổi về môi trường sống. Trong thời kì thơ ấu, nếu phải rời khỏi môi trường sống trước đây để bước vào một môi trường hoàn toàn mới, thì sự hiếu kì đặc biệt ở trẻ em sẽ khiến mọi thứ xảy ra trong môi trường chiếm lĩnh phần lớn không gian kí ức của chúng, do đó sẽ làm mai một dần ấn tượng mà những trải nghiệm trước đây đã để lại trên vỏ não.”

Đúng thế, đây chính là thứ La Phi đang tìm kiếm, mà mới chỉ là một đoạn trong đó, anh cần có nội dung toàn diện hơn.

Gạch chú thích của đoạn văn này là những vạch hình sóng được vẽ bằng bút máy mực đen cỡ ngòi to vừa. La Phi lên giây cót tinh thần tìm tất cả những chỗ có đánh dấu tương tự trong cuốn sách. Rất nhanh, anh lại phát hiện ra mấy đoạn sau:

“Kí ức hay trí nhớ về bản chất là những dấu tích của một phản ứng sinh hóa nào đó được lưu lại trên vỏ não. Do đó chỉ cần vỏ não tiếp nhận kích thích, thì sự xuất hiện hay mất đi của trí nhớ cũng có thể xảy ra không giống với sự thật. Chẳng hạn khi bị tự kỉ ám thị mạnh, người ta có thể lưu lại trong kí ức của mình những sự việc chưa từng xảy ra, ngược lại, cũng có thể đánh mất những kí ức mà trước đó họ có ấn tượng rất sâu sắc. Người nắm được thuật thôi miên có thể lợi dụng đặc điểm này để kiểm soát hành vi thường ngày của một người có tư duy hoàn toàn bình thường. Thường thì, người nào có ý chí nghị lực yếu hơn sẽ dễ bị ảnh hưởng của tự kỉ ám thị hơn, nhất là đối với trẻ em chưa hoàn toàn trưởng thành về mặt tâm lý.”

“Đối với việc xảy ra hiện tượng mất trí nhớ, còn có một kiểu giải thích khác. Vỏ não nguời có thể ví như từng cái kho chứa nhỏ, còn kí ức thì giống như hàng hóa được xếp một cách có thứ tự trong kho. Tuy nhiên, đôi khi kí ức mới xảy ra gần đây lại bị xếp nhầm vào ‘kho’ đã chứa ‘hàng hóa’ khác, nếu tình huống này xảy ra, thì kí ức trước đó sẽ bị mất đi. Trên thực tế, hiện tượng xung đột kí ức này vẫn xảy ra gần như thường xuyên, nhưng trong quá trình xung đột không phải lúc nào kí ức mới cũng chiếm ưu thế. Có những kí ức xưa cũ để lại dấu ấn sâu sắc trên vỏ não rất khó bị thay thế, nhưng kiểu kí ức này thường rất ít gặp, thay vào đó là những mảnh ghép kí ức mang hoạt cảnh nào đó. Nếu kí ức có liên quan bị mất đi, thì những mảnh ghép kí ức này cũng sẽ mất đi ý nghĩa logic của nó.”

“Lý thuyết về mảnh ghép kí ức trong năm nay đã thu hút được sự chú ý của khá nhiều học giả. Có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh về tâm lý đã bị giày vò bởi những mảnh ghép kí ức này. Trong đầu họ thường xuyên xuất hiện một cảnh tượng nào đó, cảnh tượng này khiến họ hoang mang hoặc lo sợ, nhưng họ lại không hiểu được ý nghĩa thực tế của những cảnh tượng này là gì, vì những kí ức có liên quan đến chúng đã bị mất. Nhưng những ảnh hưởng của sự việc thực sự đã xảy ra thì vẫn còn đó, vì thế nhiều người đã bị mắc vào hội chứng ép buộc, hoặc nảy sinh cố tật tâm lý không thể giải thích được, điều này khiến họ cảm thấy vô cùng khổ sở. Họ luôn luôn khao khát tìm lại những kí ức đã bị mất, nhưng sự tìm kiếm này là một hành vi mù quáng, vì chính họ cũng không biết rốt cục cái mà họ muốn tìm là gì, điều họ cần có lẽ chỉ là một sự giải thích hợp lí nào đó.”

“Một số thuốc có thể gây rối loạn chất bài tiết của vỏ não, từ đó phát sinh hiện tượng mất trí nhớ. Các loại thuốc thuộc nhóm này xin tham khảo phần hai của phụ lục sách. Cơ chế chữa bệnh của các loại thuốc này không giống nhau, hiệu quả và tác dụng phụ của chúng cũng khác nhau, sách này đã tiến hành phân loại khá chi tiết, để tiện bạn đọc tra cứu.”

La Phi lật tới phần phụ lục ở cuối sách, quả nhiên có một bảng tra cứu, liệt kê danh sách các loại thuốc có thể dẫn đến mất trí nhớ ở não người, tổng cộng lên đến cả trăm loại. Trong đó có bốn loại thuốc được gạch chân đánh dấu bằng cùng một kiểu vạch lượn sóng màu đen, có vẻ như chúng đã được thầy lang Tiết chọn ra một cách kĩ lưỡng. La Phi đọc kĩ phần giới thiệu về đặc điểm dược tính và dược lý của bốn loại thuốc này, phát hiện chúng đều có những đặc điểm giống nhau: tác dụng gây mất trí nhớ rõ rệt nhưng ít gây tổn hại đến các chức năng khác của cơ thể.

La Phi thở dài, gấp sách trầm ngâm. Anh vốn cứ nghĩ rằng việc Mông Thiếu Huy mất trí nhớ là do trận sóng thần gây nên, do đó cậu đã được thầy lang Tiết điều trị, nhưng phát hiện vừa rồi khiến anh không thể không lật ngược lại hoàn toàn những giả thiết trước đây của mình. Sự thực là, chính sự điều trị của thầy lang Tiết đã làm Mông Thiếu Huy bị mất trí nhớ, hơn nữa sự điều trị này hoàn toàn là có chủ đích.

Vậy thì, trong kí ức của Mông Thiếu Huy, rốt cục đã lưu giữ điều gì đáng sợ? Vương Thành Lâm, thầy lang Tiết, Chu Vĩnh Quý, cả những người còn ẩn náu trong bóng tối kia nữa, họ đã rời xa quê nhà, mai danh ẩn tích, thậm chí giết người phóng hỏa, điều mà họ nghĩ ra trăm phương ngàn kế để che giấu, rốt cục là cái gì?



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...