Dịu Dàng Đến Vô Cùng
Chương 5
Trường đoạn một: Cô giáo Trương, chủ nhiệm lớp. Sau khi có kết quả thi đại học, cô giáo bị ốm, nghe nói bị đột quỵ vì huyết áp cao, được cấp cứu, nhưng bị liệt nửa người. Có người nói, vì cô nghe nói lớp của cô đạt thành tích cao nhất trong các trường trực thuộc thành phố, trên trung bình nhiều, điểm bình quân cũng cao. Cô quá vui, quá xúc động nên bị sốc.
Nhiều người lắc đầu, bảo cô giáo Trương quá tốt, biết mình huyết áp cao, cô phải giữ thật bình tĩnh, không được quá buồn hoặc quá vui, tỉ lệ học sinh lên lớp quan trọng hay sinh mệnh của mình quan trọng hơn?
Học sinh của cô giáo Trương rất cảm ơn cô, bảo không biết cảm ơn như thế nào. Tuy nói tất cả thầy cô trong trường ai cũng tích cực, nhưng không ai đến mức đột quỵ, cho nên việc cô bị đột quỵ vô hình chung khiến mọi người rất biết ơn cô giáo, nếu không phải là công lao ít ra cô cũng là người vất vả. Giữa công lao và vất vả, mọi người dễ cảm động vì sự vất vả hơn. Công lao làm cho con người sinh ghen tị, vất vả dễ được đồng tình. Đồng tình là thứ tình cảm ích mình lợi người, người được đồng tình cảm thấy mình được mọi người hiểu, không thấy cô đơn; người đồng tình với người khác cảm thấy mình có ưu thế và may mắn: Còn khá, tôi còn hơn người ta!
Chuyện của cô giáo Trương được báo chí thành phố và tỉnh đăng lên trang nhất, Carol đỗ thủ khoa vào Đại học khoa học tự nhiên cũng được nhắc đến trong bài báo. Phóng viên hỏi đi hỏi lại Carol, nó không biết phải trả lời thế nào, mẹ phải trả lời thay. Mẹ bảo cô giáo Trương dạy rất có phương pháp, dạy theo cách gợi mở, giúp cho học sinh có khả năng tư duy. Mẹ là giáo viên, tất nhiên biết thế nào là dạy giỏi, cho nên mẹ nói rất được phóng viên khen, gần như bệ nguyên xi lời mẹ nói lên báo.
Học sinh muốn để cô giáo Trương tham gia liên hoan chia tay, nên tổ chức ngay tại nhà cô. Trước khi Carol và mẹ đi, hai mẹ con cũng đến chào cô giáo. Thấy vẻ mặt cô buồn bã, Carol rất xúc động nghĩ lại cô có bệnh nhưng vẫn lên lớp giảng bài cho học sinh; lại nghĩ từ nay về sau cô chỉ nằm trên giường, chợt sống mũi cay nồng, chỉ nói được một câu: cô giữ gìn sức khỏe.
Trường đoạn hai: Năm thứ hai đại học, Carol nghỉ hè về nhà. Bỗng một hôm, một bạn thời học trung học cơ sở đến, hỏi Carol có dự lễ truy điệu Vương Lâm hay không, nếu không định đi cũng nên gửi phong bì đến viếng.
- Truy điệu? – Carol rất khó tin, hỏi lại: - Có chuyện gì?
- Tức là truy điệu.
Rõ ràng đứa bạn kia coi sinh viên đại học B như mọt sách, nó ngập ngừng giải thích một cách đơn giản nhất:
- Truy điệu, tức là… truy điệu, tức là… truy điệu mà cậu hiểu không?
- Tớ muốn hỏi, Lâm làm sao?
- Cậu ấy bị tai nạn giao thông, tai nạn giao thông tức là… thôi đi, nói với cậu thế thôi…
Carol không hiểu đứa bạn muốn nói gì, cứ chớp chớp mắt, muốn hiểu con người đang ngồi trước mặt, đau buồn kể lại rất sinh động vụ tai nạn giao thông, đứa bạn ngồi đấy hay là ảo giác. Carol biết mình có sức tưởng tượng phong phú, phong phú đến độ ảo thị, ảo thính. Có phải vì mình giận Vương Lâm nên mới tưởng tượng ra câu chuyện trả thù ấy? Carol đã quên cái tên Vương Lâm từ lâu. Nhưng phải chăng là chưa quên hẳn?
Trong lễ truy điệu Vương Lâm, Carol nghe mọi người đau buồn nhắc lại những chuyện cũ của cậu ấy, Carol rất sợ phải đứng lên nói một vài câu vì cô không biết phải nói gì. Carol thề với trời rằng, mình không còn giận cậu ta từ lâu lắm rồi, ngay cả lúc giận cũng không bao giờ rủa cậu ta chết, nhiều lắm cũng chỉ tránh mặt để khỏi phải nghe cậu ta nhắc đến ông ấy. Dù là chuyện thi trung học Carol cũng không rủa cho cậu ta thi trượt, Carol biết cậu ta thi trượt vì học kém, cậu ta không bị trượt thì không ai trượt.
Trường đoạn ba: Trở về với hiện thực. Tuy ông ấy cũng ngồi với mình trước bàn ăn trong một góc kín nhà hàng, cũng không nên gọi bằng ông ấy, mà nên gọi là người đàn ông này.
Trong tưởng tượng của Carol, người đàn ông này không tránh khỏi bệnh ung thư, Carol tưởng tượng ông bị ung thư và chết, cho nên không thể sống chung với mẹ cho dù tin đồn nhắc lại trăm lần cũng không thể thành sự thật, nhưng tưởng tượng được nhắc lại trăm lần sẽ sinh hiệu quả như thật. Chuyện bố bị ung thư chết được Carol nhắc lại trong tưởng tượng nhiều lần, cho nên Carol nói với các bạn bố bị ung thư chết rất thật, rất sinh động. Hễ nói đến tình sâu nghĩa nặng, luôn luôn rơi nước mắt. Nhưng từ nơi sâu thẳm của lòng mình, Carol biết đó là câu chuyện do cô bịa ra để lừa dối mình và lừa dối bạn bè.
Còn hôm nay, ông ấy tự nói ra câu “bố bị ung thư”.
Carol nhớ lại câu chuyện đã từng đọc, chuyện nói rằng, ý thức của con người ít nhất có thể chia thành bốn tầng: ý thức (ý thức rõ ràng), tiềm thức (hạ ý thức), vô thức và siêu thức.
Tất nhiên không cần giải thích ý thức là gì, vì rất đơn giản, đơn giản đến độ càng giải thích càng hồ đồ. Tiềm thức cũng là từ nghe quen tai và có thể hiểu. Vô thức không phải là không có ý thức, mà là “tập thể vô thức” như C.G. Jung nói, là những thứ phi di truyền nhưng tồn tại trong văn hóa của một dân tộc, tóm lại là những điều huyễn hoặc, không nắm bắt được.
Về siêu thức, nghe nói là thứ sức mạnh ý chí (Will Power), siêu sức mạnh ý chí (Super Will Power), có thể tác động đến bản thân và người khác, ngay cả khí công của Trung Quốc cũng được coi là một ví dụ. Khí là gì? Bạn không trông thấy, không sờ thấy nhưng người Trung Quốc đứng cách xa bạn tám trượng, có thể vận khí hạ gục bạn. Tất nhiên khí công là thứ sức mạnh ý chí không quá siêu phàm, chỉ có tác dụng trong khoảng cách gần.
Bài viết nói, cái thứ siêu thức này có thể biểu hiện tiên tri tiên giác, tức là có thể dự kiến chuyện sẽ xảy ra; cũng có thể biểu hiện hậu tri hậu giác, tức là có thể miêu tả lại những chuyện xảy ra trước đó đã lâu mà bản thân hoàn toàn không được chứng kiến hay trải nghiệm; lại có thể biểu hiện tập trung năng lượng, thao túng sức mạnh không thể giải thích nào đó trong vũ trụ, biến mong muốn, nguyện vọng thành hiện thực.
Carol sợ hãi nhìn người đàn ông, cứ bồn chồn không yên nghĩ rằng, lẽ nào mình có siêu thức? Siêu thức của mình làm cho người đàn ông này bị ung thư ư? Nhưng mình không mong cô giáo Trương bị đột quỵ và thằng Lâm bị tai nạn giao thông cơ mà? Lẽ nào trong bóng tối có một vị thần linh đa sự nhưng lại hồ đồ nghiền ngẫm suy xét tâm tư mình, rồi sau đấy không đối chiếu với mình, xem điều vị thần linh kia nghiền ngẫm và suy xét liệu có đúng không, hay cứ vậy bừa bãi ra tay?