Điều Lệnh Thứ 11
Chương 4
Khi Tom Laurence bước vào căn phòng chật cứng, toàn thể các nhà báo đứng dậy.
-Tổng thống Hoa Kỳ! - Thư ký báo chí tuyên bố, tựa như nói với những người ngoài hành tinh.
Lawrence bước lên bục diễn thuyết và đặt chiếc cặp tại liệu màu xanh của Andy Lloyd lên bàn diễn giả. ông vẫy về phía các nhà báo, một cử chỉ đã trở thành quen thuộc để cho các nhà báo biết họ có thể ngồi xuống.
Tổng thống nói vẻ rất thoải mái:
-Tôi rất vui mừng được thôgn báo rằng tôi sẽ chuyển tới Quốc hội Chương trình mà tôi đã hứa hẹn với nhân dân Mỹ trong thời gian vận động tranh cử.
Chỉ có một vài nhà báo kỳ cựu chuyên viết về Nhà Trắng ngồi trước mặt ông lúi húi ghi chép, bởi vì hầu hết bọn họ đều biết rằng nếu có gì đáng đưa lên mặt báo thì sẽ là lúc trả lời các câu hỏi chứ không phải những lời mào đầu. Trong bất cứ trường hợp nào thì lời mở đầu của Tổng thống sẽ đựơc chuyển đến cho họ trướckhi họ rời khỏi phòng họp báo. Các báo sẽ chỉ trở lại bài mở đầu của Tổng thống trong trường hợp họ cần bổ sung thêm vài centimet cho một cộ báo nào đó.
Nhưng điều đó không ngăn được Tổng thống nhắc họ nhớ rằng việc thực hiện Chương trình Cắt giảm Vũ khĩ sẽ cho phép ông có thêm ngân sách dành cho chương trình chăm sóc sức khỏe lâu dài, như vậy những người Mỹ cao tuổi có thể ky vọng có được điều kiện sống tốt hơn trong những năm nghỉ hưu.
-Chương trình này sẽ được mọi công dân ở đủ các giới chào đón, và tôi rất tự hào được là Tổng thống đã trình bày nó ở Quốc hội - Lawrence nhìn lên và mỉm cười đầy hy vọng, ông cảm thấy yên tâm rằng ít nhất bài mở đầu cũng trôi chảy.
Những tiếng kêu “Ngài Tổng thống” vang lên từ bốn phía căn phòng trong khi Lawrence mở chiếc cặp tài liệu màu xanh lơ và liếc xuống ba mươi mốt câu hỏi có thể được đặt ra. Ông ngước lên và mỉm cười với một khuôn mặt quen thuộc ngồi hàng đầu.
-Bacbara! - Ông nói và chỉ vào nhà báo kỳ cựu của UPI, người với tư cách là nhà báo cao tuổi nhất trong cuộc họp báo sẽ có quyền hỏi câu đâu tiên.
Bacbara Evens chậm rãi đứng lên.
-Thưa ngài Tổng thống, tôi xin cảm ơn. - Bà ta dừng lại một lúc rồi nói tiếp - Ngài có khẳng định là CIA không dính líu tới vụ ám sát ứng cử viên Tổng thống Columbia, ông Ricardo Guzman, ở Botogá hôm thứ bảy vừa rồi không?
Những tiếng rì rầm thích thú loang khắp phòng. Lawrence nhìn xuống ba mươi mốt câu trả lời đã chuẩn bị, ước gì ông đã không gạt đi không cho Larry Harrington trình bày kỹ hơn về vụ việc.
Ông đáp, không bị lỡ một đòn:
-Tôi rất mừng vì bà đã hỏi câu này, Bacbara. Bởi vì tôi muốn bà biết rằng một khi tôi còn là Tổng thống thì một chuyện như vậy là không thể xảy ra. Bởi vì dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào chính quyền của chúgn ta cũng sẽ không can thiệp vào quá trình dân chủ của một nước có chủ quyền. Thực tế là mới sáng nay tôi đã yêu cầu Thư ký Nhà nước gọi điện cho vợ goá của ngài Guzman để chuyển lời chia buồn của cá nhân tôi.
Lawrence thấy mừng là Bacbara đã nhắc đến tên người bị ám sát, bởi vì nếu không thì ông sẽ không thể nào nhớ ra nổi.
-Bacbara, cũng có thể bà sẽ hài lòng khi biết rằng tôi đã yêu cầu phó Tổng thống thay mặt tôi đến dự lễ tang mà tôi biểt rằng sẽ được cử hành vào cuối tuần này ở Botogá.
Pete Dowd, một nhân viên lực lượng bảo vệ bí mật phụ trách Ban bảo vệ Tổng thống vội chạy ngay đi tìm Phó Tổng thống để báo cho ông ta biết việc đó, trước khi báo chí mò đến ông ta.
Bacbara Evens có vẻ không tin, nhưng trước khi bà ta kịp hỏi tiếp câu thứ hai thì Tổng thống đã quay sang chú ý tới một người đàn ông đứng ở hàng sau cùng mà ông hy vọng sẽ là người không quan tâm đến cuộc bầu cử ở Columbia. Nhưng khi anh ta vừa đưa ra câu hỏi thì Lawrence lại ước gì anh ta quan tâm đến Colombia thì hơn:
-Nếu như Victor Zerimski có khả năng trở thành Tổng thống tiếp theo của Nga thì Chương trình Cắt giảm vũ khí sắp được đưa ra sẽ có những thay đổi gì?
Trong bốn mươi phút tiếp theo Lawrence phải trả lời rất nhiều câu hỏi về Chương trình cắt giảm vũ khí Nguyên tử, Sinh học, Hoá học và Xuyên lục địa. nhưng đây đó vẫn rải rác có những câu hỏi quan tâm đến vai trò hiện nay của CIA ở Nam Mỹ, và ông sẽ giải quyết ra sao với Victor Zerimski nếu như ông này trở thành Tổng thống tiếp theo của Nga. Và bởi vì điều khá rõ ràng là Lawrence chẳng biết gì một cách chi tiết hơn họ về cả hai vấn đề trên nên họ chuyển sang truy đuổi ông về những vấn đề khác, kể cả về Chương trình Cắt giảm vũ khí.
Cuối cùng khi Lawrence nhận được câu hỏi khá thông minh của Phil Ansanch về đề tài Chương trình cắt giảm, ông trả lời rất dài, rất logic vàbất ngờ không hề báo trước kết thúc cuộc họp báo bằng một nụ cười và nói:
-Thưa các quý ông quý bà, tôi xin cám ơn. Đây là một cuộc họp rất vui vẻ như mọi khi.
Không nói một lời nào nữa ông quay lại, nhanh chóng rời khỏi căn phòng và đi thẳng về phía Phòng Bầu dục.
Lúc Andy Lloyd đuổi kịp ông, Tổng thống càu nhàu:
-Tôi phải nói chuyện với Larry Harrington ngay lập tức. Bao giờ ông thấy ông ta đi xuống thì gọi cho Langley. Tôi muốn trong vòng một giờ nữa Giám đốc CIA có mặt trong phòng tôi.
Tổng tham mưu trưởng nói:
-Thưa Tổng thống, tôi nghĩ có lẽ khôn ngoan hơn chúng ta nên…
-Andy, trong vòng một giờ đấy- Tổng thống nói, thậm chí không buồn nhìn sang ông ta- Nếu tôi phát hiện ra CIA có dính líu chút nào tới vụ ám sát ở Columbia đó thì tôi sẽ phơi sống Dester ngay.
-Tôi sẽ yêu cầu Thư ký Nhà nước đến gặp ngài ngay, thưa Tổng thống - Lloyd đáp và biến mất vào một văn phòng ở bên cạnh, nhấc chiếc máy điện thoại ở gần nhất và quay số của Larry Harrington ở văn phòng Nhà nước. Ngay cả qua điện thoại, giọng của tay người Texas đó cũng không giấu nổi vui mừng vì đã chứng tỏ được là mình có lý.Sau khi Lloyd đặt ống nghe xuống, ông quay về văn phòng riêng của mình, đóng cửa lại và ngồi im lặng trước bàn hồi lâu. Sau khi đã nghĩ cẩn thận cần phải nói những gì, ông quay một số điện thoại mà người nghe chỉ có thể là người đó.
-Giám đốc đây - Helen Dester chỉ nói có thế.
Connor Fitzgerald đưa hộ chiếu cho viên sĩ quan Hải quan Autralia. Thật nực cười nếu như tấm hộ chiếu này có gì đáng nghi ngờ, bởi vì suốt ba tuần nay đây là lần đầu tiên gã sử dụng tên họ thật của mình. Viên sĩ quan mặc đồng phục gõ các chi tiết lên bàn phím, nhìn lên màn hình rồi ấn thêm mấy cái nút nữa.
Không thấy có gì hiện lên, anh ta bèn đóng dấu Visa du lịch và nói:
-Chúc ngài đi thăm Australia được vui vẻ, thưa ngài Fitzgerald.
Connor cám ơn anh ta và đi về phía phòng chờ để lấy hành lý. Gã ngồi xuống một chiếc ghế đối diện với băng tải và chờ hành lý của mình xuất hiện. Không bao giờ gã để cho mình là người đầu tiên bước ra khỏi cửa hải quan, ngay cả khi gã chẳng có hành lý nào để chờ.
Hôm trước khi gã hạ cánh xuống Cape Town, Connor được một người bạn cũ và là đồng nghiệp tên là Carl Koeter đón. Carl đã báo cáo tình hình cho gã trong hai giờ, sau đó họ đi ăn trưa với nhau và nói chuyện về việc li hôn của Carl và chuyện Maggie và Tara sẽ ra sao. Chính vì chai Rustenberg Cabe Sauvignon 1982 thứ hai đã khiến gã suýt lỡ mất chuyến bay đi Sydney. Tại cửa hàng miễn thuế gã vội vã chọn quà cho vợ con sao cho mọi thứ có đóng dấu Làm tại Nam phi thật rõ ràng. Ngay cả hộ chiếu cũng không hề có một dấu vết cho thấy gã đã từ Botogá qua Lima, Buenos Aires để đến Cape Town.
Trong khi ngồi chờ ở khu vực trả hành lý, gã bắt đầu nghĩ về cuộc đời của gã trong hai mươi tám năm qua.
Connor Fitzgerald lớn lên trong một gia đình hiến dâng cho luật pháp và trật tự.
Ông nội của gã là Oscar - được đặt theo tên của nhà thơ người Irish đã từ Kilkenny di cư sang Mỹ hồi đầu thế kỉ. Chỉ vài giờ sau khi cập bến lên đảo Ellis Island ông đã đi thẳng tới Chicago để gia nhập lực lượng cảnh sát cùng với người anh họ.
Trong thời gian thực hiện đạo luật cấm rượu, Oscar Fitzgerald nằm trong nhóm cảnh sát ít ỏi biết từ chối những món hối lộ của bọn vô lại. Kết quả là ông không thể nào được lên quá cấp bậc thượng sĩ. Nhưng Oscar lại là cha của năm đứa con trai biết kính Chúa, và chỉ thôi không đẻ thêm nữa khi vị cha xứ địa phương nói với ông rằng Chúa không muốn ban phúc để Mary và ông đẻ con gái. Vợ ông rất vui mừng vì lời khuyên khôn ngoan của cha O’Reilly - nuôi nấng năm thằng con trai vạm vỡ bằng đồng lương thượng sĩ quả là đã vô cùng khó khăn rồi. Nhưng, xin nhắc để các bạn nhớ là nếu như có bao giờ Oscar đưa cho vợ nhiều hơn số tiền lương ông được nhận dù chỉ một xu thôi thì bà cũng tra hỏi thật cặn kẽ là nó ở đâu ra.
Sau khi rời trường trung học, ba trong số năm con trai của Oscar đã gia nhập lực lượng cảnh sát Chicago, và họ đều nhanh chóng được thăng lên những cấp bậc mà cha họ chẳng bao giờ được nhận. Một người khác được nhận Thánh chức, điều làm Mary rất vui lòng. Còn người con út - cha của Connor thì theo học về ngành tội phạm ở De Paul. Sau khi tốt nghiệp ông gia nhập FBI. Năm 1949 ông cưới Katherine O’Keefe, con gái một nhà hàng xóm chỉ cách nhà ông hai nhà, trên phố South Lowe. Họ chỉ có một con trai và đặt tên là Connor.
Connor sinh ở bệnh viện Trung ương Chicago vào ngày 8 tháng hai năm 1951 và khi chưa đủ tuổi theo học trường Catholic địa phương cậu bé đã tỏ ra là một cầu thủ bóng đá thiên bẩm. Cha của Connor rất vui mừng khi con trai ông trở thành thủ quân đội bóng trường trung học Mount Carmel, nhưng mẹ cậu vẫn bắt cậu học đến tận khuya để hoàn thành các bài tập ở nhà. Bà liên tục bảo cậu:
-Con đâu thể chơi bóng đá suốt đời được.
Sự kết hợp giữa một người cha bao giờ cũng đứng lên mỗi khi có một phụ nữ bước vào phòng và một người mẹ phảng phất có những nét của một vị thánh đã khiến Connor luôn bẽn lẽn mỗi khi có sự hiện diện của nữ giới, mặc dù cậu rất dũng cảm về mặt thể chất. Rất nhiều cô gái ở trường trung học Mount Carmel tỏ ý khá rõ ràng về những tình cảm của họ đối với cậu nhưng cậu vẫn không hề bị mất sự trong trắng, cho đến khi gặp Nancy. Ngay sau khi cậu dẫn đội Mount Carmel đi tới một chiến thắng huy hoàng nữa trong một buổi chiều mùa thu, sau một hàng ghế ở khu vực khán đài không có mái chie Nancy đã ôm lấy cậu quyến rũ khiến cậu mê đắm. Đó sẽ là lần đầu tiên cậu nhìn thấy một phụ nữ để khoả thân, nếu như cô ta chịu cởi hêt quần áo.
Khoảng một tháng sau Nancy hỏi cậu có muốn thử hai cô gái cùng một lúc không.
Cậu nói:
-Anh chưa bao giờ có được hai cô gái, chứ đừng nói đến chuyện hai cô cùng một lúc.
Nancy tỏ vẻ không ngạc nhiên lắm, nhưng cô ta vẫn tiếp tục.
Khi Connor đoạt được học bổng để học ở Notre Dame, cậu không hề nhận một trong vô số những đề nghị đối với tất cả các thành viên trong đội bóng đá. Các bạn trong đội của cậu có vẻ rất tự hào về việc vạch tên các cô gái mà họ đã từng quyến rũ vào sau cánh cửa tủ riêng của mình ở trường. Vào cuối học kỳ thứ nhất Brett Coleman, trung phong của đội vạch được mười bảy cái tên lên cánh cửa tủ. Cậu ta cho Connor biết là “cửa tủ không đủ to để kể tất cả những cuộc tán tỉnh suông”. Cuối năm thứ nhất, trên cánh cửa tủ của cậu vẫn chỉ có một cái tên Nancy. Một buổi tối cậu tò mò thử xem tất cả các cánh cửa tủ, thì phát hiện ra là tên Nancy có trên hầu hết các cánh cửa, thình thoảng lại được đóng ngoặc cùng với tên một cô gái khác. Cả đội có lẽ sẽ dìm cậu xuống địa ngục vì ghi được ít bàn thắng, nếu như cậu không là sinh viên năm thứ nhất giỏi nhất của Notre Dame trong một thập kỉ qua.
Thế nhưng vừa lên năm thứ hai được vài ngày, mọi sự đã thay đổi.
Khi Connor đến dự buổi vũ hội hàng tuần của Câu lạc bộ khiêu vũ Ailen thì nàng đang cúi xuống đi giày. Anh không nhìn thấy mặt nàng, nhưng điều đó cũng chẳng thành vấn đề lắm, bởi vì anh không thể rời mắt khỏi đôi chân thon dài. Là một anh hùng bóng đá anh đã quen với việc các cô gái nhìn anh, nhưng giờ đây cô gái mà anh muốn gây ấn tượng lại dường như không nhận thấy sự tồn tại của anh. Và dường như để cho mọi sự còn tồi tệ hơn, khi nàng bước ra sàn nhảy thì hoá ra bạn nhảy của nàng là Declan O’Casey, kẻ vốn không có đối thủ trên sàn nhảy. cả hai ưỡn thẳng lưng một cách kỳ dị và bước những bước nhẹ như bay mà Connor chẳng bao giờ mơ mình có thể bước nổi.
Cho đến cuôc buổi khiêu vũ Connor vẫn chưa biết được tên nàng. Tệ hơn nữa nàng và Declan ra về trước khi anh tìm được cách đến làm quen. Tuyệt vọng, anh quyết định đi theo họ đến tận ký túc xá nữ, lúc nào cũng đi cách họ khoảng năm mươi mét và luôn ẩn mình trong bóng tối như cha đã dạy. Anh nhăn mặt khi thấy họ cầm tay nhau và chuyện trò vui vẻ. Về đến Le Mans Hall nàng hôn lên má Declan và biến mất vào bên trong. Anh tự hỏi không hiểu tại sao từ xưa đến nay anh lại không quan tâm đến khiêu vũ nhiêu hơn một chút và bớt tập trung cho bóng đá một ít?
Sau khi Declan đã đi về phía ký túc xá của nam, Connor bắt đầu đi lại vẻ bình thản bên dưới các cửa sổ phòng ngủ nữ, băn khoăn không biết mình có thể làm được gì không. Cuối cùng anh thoáng thấy bóng nàng mặc chiếc áo dài cúi xuống kéo rèm. Anh còn lảng vảng quanh đó hồi lâu nữa mới miễn cưỡng quay vê phòng. Anh ngồi ở cuối giừơng và bắt đầu viết thư cho mẹ, nói với mẹ rằng anh đã nhìn thấy cô gái mà anh muốn cưới làm vợ, mặc dầu thực tế anh vẫn chưa nói với nàng được một câu nào - thậm chí còn chưa biêt tên nàng nữa kia. Trong khi liếm phong bì để dán lại, Connor tự thuyết phục mình rằng đối với nàng, Declan O’Casey chẳng là cái gì khác ngoài một anh bạn nhảy vớ vẩn.
Suốt tuần đó Connor cố gắng tìm hiểu về nàng, nhưng anh chỉ biết được đôi điều rất ít ỏi, rẳng nàng tên là Maggie Burke, nàng đã giành được học bổng của trường St.Mary và hiện là sinh viên năm thứ nhất ngành Lịch sử Hội hoạ. Anh nguyền rủa cái thực tế là cả đươid anh chưa bao giờ đặt chân đến phòng tranh nào cả, và việc gần gũi nhất với nghề vẽ mà anh từng làm theo lời yêu cầu của cha là sơn lại cái hàng rào của sân sau nhà anh ở South Lowe Street. Còn Declan thì hoá ra là người đã hẹn hò với Maggie từ hồi nàng còn học năm cuối cùng ở trung học. Anh ta không chỉ được đáng giá là tay khiêu vũ giỏi nhất câu lạc bộ mà còn được coi là sinh viên giỏi toán nhất trường đại học. Một số trường đại học khác đã dành cho anh những học bổng nghiên cứu sinh, thậm chí ngay từ lúc kết quả kì thi cuối cùng còn chưa được công bố. Connor chỉ còn hy vọng là Declan sẽ được bổ nhiệm một chỗ làm hấp dẫn ở càng xa South Beth càng sớm càng tốt.
Thứ sáu sau đó Connor là người đầu tiên đến câu lạc bộ khiêu vũ, và khi Maggie từ phòng thay quần áo xuất hiện trong chiếc áo vải bông màu kem và chiếc váy đen, điều khiến anh băn khoăn duy nhất là nên nhìn lên đôi mắt xanh thẳm trước hay nhìn xuống để ngắm đôi chân dài trước. Một lần nữa nàng lại nhảy cùng Declan suốt buổi tối, trong khi đó Connor ngồi xa tít tận một cái ghế dài và cố giả vờ tỏ ra không nhận thấy sự hiện diện của nàng. Sau vòng nhảy cuối cùng cả hai người bọn họ lại biến mất. Một lần nữa Connor lại đi theo họ đến tận Le Mans Hall, nhưng lần này anh nhận thấy nàng không nắm tay Declan.
Sau một hồi trò chuyện rất lâu và một cái hôn trên má, Declan mất hút vè phía ký túc xá của nam. Connor ngồi thụp xuống chiếc ghế dài nhìn lên cửa sổ phòng nàng và nhìn chăm chắm lên ban công của phòng ký túc xá nữ. Anh quyết định sẽ đợi đến lúc nàng ra kéo rèm cửa sổ. Nhưng vào lúc nàng ra kéo rèm thì anh lại đã lơ mơ ngủ mất.
Điều đầu tiên anh nhớ lại là vừa tỉnh khỏi một giấc mơ, trong đó anh mơ thấy nàng đứng trứơc mặt mình, mặc áo pijama và một chiếc áo choàng.
Anh choàng tỉnh dậy, trố mắt nhìn nàng không tin rồi nhảy phắt dậy, đưa tay ra:
-Xin chào. Tôi là Connor Fitzgerald.
-Tôi biết - Nàng vừa đáp vừa bắt tay anh - Tôi là Maggie Burke.
Anh nói:
-Tôi biết.
Nàng hỏi:
-Anh có ở phòng nào không hay chỉ ở trên chiếc ghế dài đó?
Kể từ lúc ấy Connor không bao giờ nhìn đến một người đàn bà nào khác nữa.
Thứ bảy sau đó, lần đầu tiên trong đời Maggie đến sân vận động và nhìn anh chơi bao nhiêu quả kỳ diệu ở trước khán đài mà với anh chỉ có một người duy nhất đang ngồi.
Thứ sáu tiếp theo nàng và Connor nhảy bên nhau suốt buổi tối, trong khi Declan ngồi lạnh nhạt ở tận cuối phòng. Trông cậu ra còn chán nản hơn khi hai người bọn họ cùng nhau ra về, tay nắm tay. Về đến Le Mans Hall, Connor hôn nàng lần đầu tiên, rồi quỳ xuống và cầu hôn. Maggie phá lên cười, đỏ mặt và chạy vào nhà. Trên đường trở về ký túc xá nam, Connor cũng phá lên cười, nhưng đó là khi anh phát hiện thấy Declan nấp sau một cái cây.
Từ đó, hễ bất cứ lúc nào rỗi rãi là Connor và Maggie lại ở bên nhau. Nàng học về cách làm bàn, về các khu vực và các quả ném biên. Anh thì học về Bellini, Bernini và Luini. Trong suốt ba năm sau đó tối thứ sáu nào anh cũng quỳ xuống cầu hôn. Cứ mỗi khi các bạn cùng đội bóng hỏi tại sao anh không vạch tên nàng lên cánh cửa tủ thì anh chỉ trả lời rất đơn giản:
-Tại vì tôi sẽ cưới nàng.
Cuối năm học cuối cùng của Connor, Maggie cuối cùng cũng đồng ý làm vợ anh - nhưng phải chờ đến khi nàng thi xong. Anh nói vẻ chiến thắng:
-Như vậy anh chỉ còn phải cầu hôn em 141 lần nữa để khiến em nhìn thấy ánh sáng.
-Ôi, đừng ngốc thế, Connor Fitzgerald - Nàng nói - ngay từ khi gặp anh ở cái ghế băng ấy em đã biết em sẽ sống nốt cuộc đời với anh rồi.
Hai tuần sau khi Maggie tốt nghiệp Summa cum Laude họ cưới nhau. Mười tháng sau Tara ra đời